BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM A
Chúa nhật, 19.06.2011

THIÊN CHÚA BA NGÔI VÌ THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU

G. Trần Đức Anh OP

Chúa nhật 19-6-2011, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã đến viếng thăm Cộng hòa kỳ cựu nhất thế giới, San Marino, và khích lệ dân chúng tại đây bảo tồn đức tin và chống lại cám dỗ của trào lưu duy lạc thú làm băng hoạt luân lý. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn về ý nghĩa lễ Chúa Ba Ngôi và nhấn mạnh chiều kích tình yêu của mầu nhiệm này, Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Khi nghĩ đến Ba Ngôi, rất nhiều khi khía cạnh mầu nhiệm xuất hiện trong tâm trí: Ba Ngôi và Một Chúa, một Chúa trong 3 Ngôi Vị. Nhưng phụng vụ hôm nay lưu ý chúng ta về thực tại tình yêu chứa đựng trong mầu nhiệm thứ nhất và là mầu nhiệm tột đỉnh của đức tin chúng ta.

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một vì Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu là sức mạnh ban sự sống tuyệt đối; sự hiệp nhất do tình yêu tạo ra là một sự hiệp nhất lớn hơn một sự hiệp nhất thuần túy vật chất. Chúa Cha trao ban tất cả cho Chúa Con; Chúa Con nhận tất cả từ Chúa Cha với lòng biết ơn; và Chúa Thánh Thần như thành quả tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Các bài đọc của Thánh lễ hôm nay nói về Thiên Chúa và do đó nói về tình yêu; các bài đọc không tập trung quá nhiều vào ba Ngôi Vị, nhưng đúng hơn là vào tình yêu. Tình yêu là bản thể của Thiên Chúa, và đồng thời tình yêu cũng là sự hiệp nhất và là tính chất ba ngôi của Thiên Chúa.

Bài đọc I mà chúng ta vừa nghe, được trích từ Sách Xuất Hành và là bài đọc mà tôi đã suy ngẫm trong một bài giáo lý Thứ Tư gần đây, thật là một sự ngạc nhiên vì mặc khải về tình yêu của Thiên Chúa đến sau một tội lỗi rất nghiêm trọng của dân Chúa. Họ hầu như không hoàn thành lời thề của Giao ước mà họ đã thực hiện tại Núi Sinai, và họ đã bất trung. Khi sự vắng mặt của Môsê kéo dài, dân chúng nói: “Ông Môsê này đã đi đâu, và Đức Chúa của ông ta ở đâu?” và họ yêu cầu Aaron tạo ra một vị thần có thể nhìn thấy, tiếp cận và kiểm soát được, trong tầm với của họ thay vì vị thần bí ẩn, vô hình và xa xôi này. Aaron làm theo và làm một con bò vàng. Từ Sinai đi xuống, Môsê nhìn thấy những gì đã xảy ra và đập vỡ hai tấm bia Giao ước vốn đã được ghi “Mười Điều Răn”, nội dung cụ thể của giao ước với Thiên Chúa. Có vẻ như tất cả đã mất, tình bạn từ thuở ban đầu ngay lập tức đã bị phá vỡ. Tuy nhiên, bất chấp tội lỗi nặng nề nhất của con người, qua lời cầu bầu của Môsê, Đức Chúa đã chọn tha thứ cho họ và mời Môsê leo lên núi một lần nữa để nhận lại luật pháp mới của Ngài, Mười Điều Răn, và để lập lại giao ước. Sau đó, Môsê xin Đức Chúa Trời tỏ mình ra, cho phép ông nhìn thấy mặt Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không tỏ lộ nhan Ngài, nhưng tỏ lộ bản chất đầy lòng nhân lành của Ngài bằng những lời này: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành" (Xh 34,6). Đây là Khuôn Mặt của Thiên Chúa. Lời tự định nghĩa về mình của Thiên Chúa diễn tả tình yêu thương xót của Ngài: Một tình yêu chiến thắng tội lỗi, che dấu tội lỗi, loại bỏ nó. Chúng ta luôn có thể chắc chắn rằng lòng nhân hậu này không bỏ rơi chúng ta. Không thể có sự mặc khải nào rõ ràng hơn. Chúng ta có một Thiên Chúa từ chối tiêu diệt những kẻ tội lỗi và muốn bày tỏ tình yêu của Ngài một cách sâu sắc và đáng ngạc nhiên hơn nữa đối với chính những kẻ tội lỗi, để luôn trao ban cho họ khả năng hoán cải và tha thứ.

Bài Tin Mừng hoàn tất mạc khải mà chúng ta đã nghe trong Bài Đọc I, bởi vì nó chỉ ra điểm mà Thiên Chúa tỏ lòng thương xót của Ngài. Thánh sử Gioan nhắc đến những lời này của Chúa Giêsu: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Trên thế giới có sự dữ, có ích kỷ, có gian ác và Thiên Chúa có thể đến để phán xét thế giới này, để tiêu diệt sự dữ, để trừng phạt những kẻ làm việc trong bóng tối. Nhưng không, Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài đối với thế gian và con người, bất chấp tội lỗi của họ, và gửi điều quý giá nhất đối với Ngài: Người Con Duy Nhất của Ngài. Thiên Chúa không chỉ gửi Người Con, mà còn trao tặng Người Con như một món quà cho thế giới. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã sinh ra vì chúng ta, sống vì chúng ta, chữa lành bệnh tật, tha thứ tội lỗi và đón nhận mọi người. Đáp lại tình yêu phát xuất từ Chúa Cha, Chúa Con đã hiến mạng sống Người cho chúng ta: trên thập giá, tình yêu thương xót của Thiên Chúa đạt đến sự tỏ bày cao nhất. Và chính trên thập giá, Con Thiên Chúa đã cho chúng ta được tham dự vào sự sống vĩnh cửu được thông ban cho chúng ta nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần. Như vậy, trong mầu nhiệm thập giá, có sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Đấng ban Con Một của mình để cứu độ thế gian; Chúa Con hoàn thành kế hoạch của Chúa Cha; Chúa Thánh Thần - được Chúa Giêsu trao ban vào lúc Người chết - Đấng đến để làm cho chúng ta tham dự vào sự sống thần linh, để biến đổi sự hiện hữu của chúng ta, nhờ đó sự sống của chúng ta được sinh động bởi tình yêu thần linh.

Anh chị em thân mến! Niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi cũng hình thành Giáo Hội tại San Marino Montefeltro này qua dòng lịch sử cổ kính và vinh hiển. Việc rao giảng Tin Mừng tại phần đất này là do hai vị thánh đẽo đá Marino và Lêô, vào giữa thế kỷ thứ III hai vị đã từ miền Dalmazia đến Rimini. Do đời sống thánh thiện, một vị trở thành linh mục và một vị trở thành phó tế do Đức Cha Gaudenzio và được ngài phái đến miền nội địa, một vị lên núi Feretro và sau này trở thành thánh Lêô và một vị lên núi Titano, sau này mang tên là thánh Marino. Đi xa hơn những vấn đề lịch sử mà chúng ta không có nhiệm vụ đào sâu ở đây, chúng ta muốn nói về cách thức mà thánh Marino và Lêô đã mang viễn tượng và các giá trị mới mẻ vào trong bối cảnh thực tại địa phương, với niềm tin nơi Thiên Chúa, Đấng tỏ mình ra trong Đức Giêsu Kitô, ảnh hưởng trên sự nảy sinh một nền văn hóa và văn minh, qui trọng tâm vào con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và qua đó, mang lại những quyền đi trước mọi quyền tài phán của con người. Các chủng tộc khác nhau như người Roma, người Goti, rồi người Longobardi tiếp xúc với dân chúng tại đây, nhiều khi có cả những cuộc xung đột, nhưng nhờ tham chiếu cùng một đức tin, nên đã tìm được một yếu tố chung để xây dựng luân lý đạo đức, văn hóa, xã hội, và cả chính trị nữa. Đối với họ, điều hiển nhiên là người ta không thể coi một dự án văn minh là được hoàn tất cho đến khi tất cả những thành phần của dân tộc trở thành một cộng đoàn Kitô sinh động và có cơ cấu chặt chẽ. Vì thế, hỡi những người dân San Marino quí mến, người ta có lý để nói rằng sự phong phú của dân tộc này, sự phong phú của anh chị em, đã và vẫn còn là đức tin, và niềm tin này đã kiến tạo một nền văn minh thực sự là duy nhất. Bên cạnh đức tin, cũng cần nhắc đến lòng tuyệt đối trung thành với Đức Giám Mục Roma, Vị mà Giáo Hội tại đây luôn hướng nhìn về với lòng sùng mộ và quí mến; tiếp đến là lòng quan tâm đối với đại truyền thống của Giáo Hội Đông phương và lòng sùng mộ đối với Mẹ Maria.

Anh chị em có lý mà hãnh diện và biết ơn vì những gì mà Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong Giáo Hội của anh chị em qua các thế kỷ. Nhưng anh chị em cũng biết rằng cách thức tốt nhất để đề cao gia sản này chính là vun trồng và làm cho gia sản ấy được phong phú. Thực vậy, anh chị em được mời gọi phát huy kho tàng quí giá này trong một thời điểm thuộc hàng quan trọng nhất trong lịch sử. Ngày nay, sứ mạng của anh chị em là phải đương đầu với những thay đổi sâu rộng và mau lẹ về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, ảnh hưởng tới những đường hướng mới và thay đổi tâm thức, phong tục và sự nhạy cảm. Thực vậy, tại đây cũng như nơi khác, không thiếu những khó khăn và chướng ngại, phần lớn do những lối sống duy lạc thú, làm u mê tâm trí và có nguy cơ loại bỏ mọi luân lý. Có cám dỗ lẻn vào, coi sự phong phú của con người không phải là đức tin, nhưng là quyền bính cá nhân và xã hội, trí thông minh, trình độ văn hóa và khả năng lèo lái thực tại khoa học, kỹ thuật và xã hội. Vì thế, tại nơi đây, người ta cũng bắt đầu thay thế đức tin và các giá trị Kitô bằng những cái gọi là phong phú, nhưng rốt cục chúng tỏ ra mong manh và không có khả năng chu toàn lời hứa lớn lao về chân, thiện, mỹ và điều công chính mà qua bao thế kỷ, cha ông anh chị em đã đồng hóa với kinh nghiệm đức tin. Và cũng không nên quên cuộc khủng hoảng của nhiều gia đình, bị trầm trọng thêm vì tình trạng dòn mỏng về tâm lý và tinh thần của nhiều đôi vợ chồng, sự vất vả cơ cực của nhiều nhà giáo dục trong việc đạt tới sự huấn luyện liên tục cho người trẻ, họ bị ảnh hưởng vì đủ thứ bấp bênh, nhất là sự bấp bênh về vai trò xã hội và khẳ năng công ăn việc làm.

Tôi nhắn nhủ tất cả các tín hữu hãy trở thành men trong thế giới, hãy tỏ ra tại Montefeltro cũng như tại San Marino, là những tín hữu Kitô hiện diện, có tinh thần biến báo và sống hợp với đức tin. Các linh mục, tu sĩ nam nữ hãy luôn sống trong tình hiệp thông thân mật và thực sự với Giáo Hội, giúp đỡ và lắng nghe vị Chủ Chăn giáo phận. Cả nơi anh chị em cũng có tình trạng cần cấp thiết làm gia tăng ơn gọi linh mục và nhất là ơn gọi đời sống thánh hiến: tôi kêu gọi các gia đình và các người trẻ, hãy mở rộng tâm hồn, sẵn sàng đáp lại tiếng gọi của Chúa. Chúng ta đừng bao giờ ngừng quảng đại đối với Thiên Chúa!. Tôi cũng khích lệ anh chị em giáo dân hãy tích cực dấn thân trong cộng đoàn, để bên cạnh những nghĩa vụ riêng về dân sự, chính trị, xã hội và văn hóa, anh chị em tìm được thời giờ và sự sẵn sàng cho đời sống mục vụ. Hỡi anh chị em người San Marino, hãy kiên vững trung thành với gia sản được xây dựng qua bao thế kỷ nhờ sự thúc đẩy của các vị đại bổn mạng của anh chị em là thánh Marino và Lêô. Tôi cầu xin Chúa chúc lành cho hành trình hiện nay và tương lai của anh chị em và phó thác tất cả anh chị em cho “ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần” (2 Cr 13,11). Amen.

Kinh Truyền Tin

Cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha đã chủ sự kinh Truyền tin với các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước đó, ngài nhắc đến sự kiện Đức Mẹ được tôn kính tại nhiều đền thánh cổ kính cũng như tân thời tại miền này. Ngài phó thác toàn thể dân chúng San Marino và Montefeltro cho Đức Mẹ, đặc biệt là những người đau khổ trong thân xác và tinh thần.

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến lễ phong chân phước chúa nhật 19-6-2011 tại thành phố Dax ở miền nam nước Pháp, cho nữ tu Marguerite Rutan, dòng Nữ Tử Bác ái. Vào hậu bán thế kỷ 18, chị đã tận tụy làm việc tại nhà thương Dax, nhưng đã bị kết án tử hình trong cuộc bách hại sau cách mạng Pháp, vì đức tin Công Giáo và vì lòng trung thành với Giáo Hội. Đức Thánh Cha nói:

Tôi chia sẻ trong tinh thần niềm vui của các Nữ Tử Bác Ái và mọi tín hữu, tham dự lễ phong chân phước tại thành phố Dax cho Nữ tu Marguerite Rutan, chứng nhân rạng ngời về tình yêu của Chúa Kitô đối với người nghèo.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắc đến Ngày Thế giới người tị nạn, cử hành vào ngày hôm nay thứ hai 20-6, và năm nay kỷ niệm 60 năm chấp nhận Hiệp ước quốc tế bảo vệ những người bị bách hại và bị bó buộc chạy trốn khỏi quê hương của họ. Vì thế, Đức Thánh Cha mời gọi các chính quyền dân sự và mỗi người thiện chí bảo đảm sự đón tiếp và những điều kiện sống xứng đáng cho người tị nạn, trong khi chờ đợi họ có thể hồi hương tự do và an ninh.

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa tại Nhà Thánh Giuse thuộc cộng đoàn Borgo Maggiore, cùng với các vị đại diện của giáo phận và thành viên của Quỹ quốc tế ”Gioan Phaolô 2”. Ban chiều cùng ngày, vào lúc 4 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã chính thức gặp chính quyền San Marino và đến thành phố Pennabilli để khi viếng Nhà Thờ chính tòa, trước khi đến quảng trường Vittorio Emanuele để gặp gỡ các bạn trẻ thuộc giáo phận San Marino Montefeltro vào lúc 7 giờ 15 phút, rồi đáp trực thăng trở về Roma.

Nguồn: archivioradiovaticana.va (19.06.2011)