BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA

LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM A
Chúa nhật, 18.05.2008

MẠC KHẢI VỀ DANH THIÊN CHÚA

G. Trần Đức Anh OP

Trong chuyến thăm Giáo phận Genova, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cử hành Thánh lễ lúc 04 giờ 45 chiều Chúa nhật 18.05.2008 tại Quảng trường Chiến Thắng trước sự hiện diện của 100 ngàn tín hữu. Trong bài giảng thánh lễ sau khi giải thích về mạc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong Kinh thánh Cực Ước và Tân Ước, Đức Thánh Cha nêu bật mối tương quan yêu thương và hiệp thông giữa Ba Ngôi, để áp dụng vào hình ảnh và sứ mạng của con người và xã hội nhân loại cũng phải phản ánh tình thương và sự hiệp thông của Chúa Ba Ngôi. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Trong Bài Đọc I (Xh 34:4b-6, 8-9), chúng ta đã nghe một bản văn Kinh Thánh trình bày cho chúng ta mạc khải về Danh Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, Hằng hữu và Vô hình, đã công bố điều đó, khi đi ngang qua Môsê trong đám mây trên Núi Sinai. Và Danh Ngài là: “Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành”. Trong Tân Ước, Thánh Gioan tóm gọn câu này trong một từ duy nhất: “Yêu thương” (x. I Ga 4:8, 16). Bài Tin Mừng hôm nay cũng minh chứng điều này: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người” (Ga 3, 16). Do đó, Danh này bày tỏ rõ ràng rằng Thiên Chúa trong Kinh thánh không phải là một loại thần đơn độc nào đó khép kín và hài lòng với sự tự đủ của mình, mà Ngài là sự sống muốn tự thông truyền, cởi mở, tương quan. Những từ như “thương xót”, “từ nhân”, “đầy nhân nghĩa” đều nói với chúng ta về một mối tương quan, đặc biệt, về một Hữu thể sống động hiến mình, Ngài muốn lấp đầy mọi khoảng trống, mọi thiếu thốn, Ngài muốn trao ban và tha thứ, Ngài ước mong thiết lập một mối tương quan vững chắc và lâu dài. Thánh Kinh không biết Thiên Chúa nào khác ngoài Thiên Chúa của Giao Ước, Đấng đã tạo dựng thế giới để tuôn đổ tình yêu của Người trên mọi tạo vật (x. Sách Lễ Rôma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV) và đã chọn một dân tộc để lập giao ước mang tính hôn nhân, để làm cho dân tộc đó trở thành phúc lành cho muôn dân và như thế kết thành một đại gia đình của toàn thể nhân loại (x. St 12,1-3; Xh 19,3-6). Sự mặc khải này của Thiên Chúa được mô tả đầy đủ trong Tân Ước thông qua lời của Đức Kitô. Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy dung nhan của Thiên Chúa, một Bản thể trong ba Ngôi vị: Thiên Chúa là Tình Yêu, Tình Yêu Chúa Cha - Tình Yêu Chúa Con - Tình Yêu Chúa Thánh Thần. Và chính trong Danh Thiên Chúa này mà Tông đồ Phaolô chào Cộng đoàn Côrintô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa [Cha], và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13,13).

Vì vậy, trong các bài đọc này, có một nội dung chính liên quan đến Thiên Chúa, và thực vậy, Ngày Lễ hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng Người là Chúa, mời gọi chúng ta cũng hãy lên “lên núi” như Môisê xưa kia. Thoạt nghe điều này có vẻ đưa chúng ta ra xa khỏi thế giới này với các vấn đề của trần thế, nhưng trong thực tế, chúng ta khám phá rằng chính nhờ biết Thiên Chúa gần hơn, chúng ta cũng nhận được những chỉ dẫn quí giá cho cuộc sống: phần nào cũng giống như đã xảy ra cho Môisê, Ông đã lên núi Sinai và ở lại trước sự hiện diện của Thiên Chúa, để nhận luật được khi khắc trên bia đá, từ đó dân rút ra được những đường hướng để tiến bước; không phải trở lại tình trạng nô lệ trước đó, nhưng tăng trưởng trong tự do. Lịch sử của chúng ta tùy thuộc danh của Thiên Chúa; hành trình của chúng ta tùy thuộc ánh sáng nhan thánh Chúa. Từ thực tại ấy của Thiên Chúa, như chính Chúa đã cho chúng ta được biết khi tỏ danh Ngài, nảy sinh một hình ảnh con người, nghĩa là một cái nhìn chắc chắn về con người. Như đã biết, quan niệm ấy được hình thành trong nền văn hóa tây phương của chúng ta qua cuộc tranh luận sôi nổi về chân lý Thiên Chúa và đặc biệt về Chúa Giêsu Kitô. Nếu Thiên Chúa là một thực tại liên chủ thể, thì loài người, vốn được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cũng phản ánh thực trạng ấy, vì thế, bản chất con người được kêu gọi diễn ra trong sự đối thoại, trong sự gặp gỡ.

Đặc biệt Chúa Giêsu đã tỏ cho chúng ta biết rằng con người chủ yếu là ”một người con”, là thụ tạo sống trong tương quan với Thiên Chúa là Cha. Con người không thể thể-hiện bản thân trong sự tự lập tuyệt đối, không thể tạo cho mình cái ảo tưởng mình là Thiên Chúa; trái lại, chính khi nhìn nhận mình là con, là thụ tạo cởi mở, hướng về Thiên Chúa và anh em mình, thì qua đó chúng ta thấy lại được hình ảnh của Cha Chung. Ta thấy rõ rằng quan niệm này về Thiên Chúa và con người là căn cội của một kiểu mẫu cộng đồng con người và xã hội nhân loại tương ứng. Đó là một khuôn mẫu xã hội, một kiểu mẫu trước mọi qui luật pháp lý cơ chế, và những đặc điểm văn hóa. Một kiểu mẫu gia đình nhân loại xuyên qua mọi nền văn minh mà các tín hữu Kitô chúng ta thường biểu lộ ngay từ thời còn nhỏ khi quả quyết rằng tất cả mọi người đều là con Thiên Chúa và vì thế là anh chị em với nhau... Đó là một quan niệm dựa trên ý tưởng Thiên Chúa Ba Ngôi, ý niệm con người như một nhân vị chứ không phải là một cá nhân thuần túy, quan niệm xã hội như một cộng đoàn, như không phải như một tập thể thuần túy.

Giáo huấn của Giáo Hội rất phong phú, được khai triển từ chính quan niệm vừa nói về Thiên Chúa và con người. Chỉ cần duyệt qua những chương quan trọng nhất của Đạo lý xã hội Công Giáo, mà các vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi đã mang lại những đóng góp quan trọng, nhất là trong 120 năm gần đây, giải thích một cách thế giá và hướng dẫn phong trào xã hội theo chiều hướng Kitô. Hiến chế ”Vui Mừng và Hy vọng” và các Thông Điệp của Đức Gioan 23, Phaolô 6 và Gioan Phaolô 2 trình bày một tổng quan toàn bộ và hòa hợp, có khả năng động viên và hướng dẫn các tín hữu Công Giáo dấn thân thăng tiến nhân bản và phục vụ về mặt xã hội và chính trị. Cả thông điệp đầu tiên của tôi, Deus caritas est, Thiên Chúa là tình tương, cũng được viết ra theo chân trời ấy: thực vậy, Thông Điệp này tái đề nghị việc thực hành bác ái cụ thể của Giáo Hội, đi từ xác tín Thiên Chúa là Tình Thương, nhập thể trong Chúa Kitô. Tôi muốn nhắc lại đây Đại hội Công Giáo toàn quốc Italia ở Verona, mà tôi đã tham dự, Đại hội này đã đề nghị một suy tư rộng rãi, và sau đó đã được hoàn toàn được đón nhận trong Văn kiện Mục Vụ của HĐGM Italia với tựa đề: “Tái sinh cho một niềm hy vọng sống động”: chứng nhân về sự ưng thuận của Thiên Chúa đối với con người” (29.6.2007). Tôi muốn nhấn mạnh hai quyết định chọn lựa căn bản, được các Giám mục nêu lên trong phần đầu của văn kiện (n.4).. Trước tiên là chọn lựa ”dành chỗ đứng tối thượng cho Thiên Chúa”: toàn thể cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội tùy thuộc việc đặt Chúa ở chỗ ưu tiên thứ nhất; nhưng không phải một Thiên Chúa chung chung, mà là Thiên Chúa với danh hiệu và tôn nhan của Ngài, Thiên Chúa của Giao Ước đã đưa dân ra khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, đã làm cho Chúa Kitô sống lại từ cõi chết và muốn dẫn đưa nhân loại đến tự do trong hòa bình và công lý.

Chọn lựa thứ hai là đặt con người và sự hiệp nhất của nhân loại làm trung tâm của các môi trường khác nhau như đời sống tình cảm, công ăn việc làm và lễ lạc, sự mong manh của bản thân, truyền thống và công dân. Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, và con người trong tương quan với tha nhân: đó là hai điểm tham chiếu mà Giáo Hội có nghĩa vụ trình bày cho mỗi thế hệ con người, như một công tác phục vụ việc xây dựng một xã hội tự do và liên đới. Giáo Hội thi hành công tác đó, trước tiên qua việc giảng dạy đạo lý của mình, nhưng nhất là qua việc làm chứng tá. Đây cũng là điều mà HĐGM Italia coi là chọn lựa cơ bản thứ ba, nghĩa là làm chứng tá bản thân và cộng đoàn: đời sống tinh thần, việc mục vụ và chiều kích văn hóa đều hội tụ vào điểm đó.

Trong một xã hội bị giằng co giữa sự hoàn cầu hóa và cá nhân chủ nghĩa, Giáo Hội được gọi làm chứng tá về tình hiệp thông (koinonía). Thực tại này không đến từ bên dưới, nhưng là một mầu nhiệm, có thể nói là nó có căn cội ở trời cao, ở nơi chính Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, chính nơi Chúa, là sự đối thoại yêu thương vĩnh cửu được thông ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Chúa đã đi vào các tế bào nhân loại và của lịch sử để hướng dẫn chúng đến viên mãn. Đó chính là một tổng hợp lớn lao của Công đồng chung Vatican 2: Giáo Hội, mầu nhiệm hiệp thông, ”ở trong Chúa Kitô như một bí tích, nghĩa là như dấu chỉ và là dụng cụ sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Tại đây, trong thành phố lớn này, cũng như trong lãnh thổ giáo phận Genova với nhiều vấn đề nhân bản và xã hội khác nhau, cộng đồng Giáo Hội ngày nay cũng như trước kia, trước tiên là một dấu hiệu, tuy nghèo nhưng chân thực, nói lên Tình Yêu của Chúa, danh Ngài được ghi khắc trong thẳm sâu con người và trong mỗi kinh nghiệm về tính cách xã hội và liên đới.

Tôi nói với người lớn cũng như người trẻ: hãy vun trồng một đức tin có suy tư, có khả năng đối thoại sâu xa với mọi người, với những anh chị em ngoài Công Giáo, với những tín hữu không Kitô và không tín ngưỡng. Hãy thực thi sự chia sẻ quảng đại của anh chị em với những người yếu đuối và nghèo túng, theo thói quen nguyên thủy của Giáo Hội, luôn lấy hứng và kín múc sức mạnh từ Thánh Thể là nguồn mạch đời đời của bác ái. Tôi thân ái khích lệ các chủng sinh và người trẻ dấn thân trong con đường ơn gọi: các con đừng sợ, trái lại hãy cảm thấy bị lôi cuốn vì những chọn lựa chung kết, của một hành trình giáo dục nghiêm túc và yêu sách. Chỉ có mức độ cao trong việc làm môn đệ Chúa mới mang lại vui mừng. Tôi khuyến tất cả mọi người hãy tăng trưởng trong chiều kích thừa sai, cũng thiết yếu như sự hiệp thông. Thực vậy, Chúa Ba Ngôi vừa là hiệp nhất và là sự lan tỏa xuất phát: hễ tình yêu càng nồng nhiệt thì càng thúc đẩy lan truyền và thông ban.

Sau thánh lễ Đức Thánh Cha đã hội kiến với Bộ trưởng Claudio Scajola, đại diện tân chính phủ Italia rồi ngài ra phi trường Cristoforo Colombo để đáp máy bay về đến Roma lúc quá 8 giờ và từ đây ngài đáp trực thăng về Vatican.

Nguồn: archivioradiovaticana.va (19.05.2008)