Lễ các Tổng Lãnh
Thiên Thần Michael, Gabriel và Raphael
Ngày 29 tháng 9
năm 2020
Phêrô Phạm Văn Trung biên tập
từ: aleteia.org và catholicculture.org
WHĐ (27.9.2020) –
Kinh thánh chỉ nêu tên Gabriel, Michael
và Raphael. Từ Tổng lãnh Thiên thần (archangel) bắt
nguồn từ tiếng Hy Lạp αρχάγγελος. Archangelos =
αρχ- [arch-]
("đầu tiên, bậc nhất, thủ lĩnh") và άγγελος [angelos] ("người đưa
tin").
Thế giới thiên thần rất bí ẩn và có thể gây nhầm
lẫn cho con người chúng ta. Chúng ta thường không nhìn thấy các thiên thần
bằng mắt của mình, mặc dù nhiều nhân vật trong Kinh thánh được ghi lại là đã
nhìn thấy các vị ở dạng có thân xác.
Đặc biệt, nhiều
người hỏi: “Có bao nhiêu tổng lãnh thiên
thần trong Kinh thánh?”
Kinh thánh chỉ
cho biết tên của ba thiên thần thuộc hạng "tổng lãnh thiên thần".
Đó là:
Michael “Bấy giờ, có giao
chiến trên trời: thiên thần Michael và các thiên thần của người giao chiến với
Con Mãng Xà. Con Mãng Xà cùng các thiên thần của nó cũng giao chiến”. (Khải huyền 12:7)
Gabriel “Tôi là Gabriel,
hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo
tin mừng ấy cho ông”. (Luca 1:19)
Tuy nhiên, trong sách Tôbia, khi Thánh Raphael tiết lộ danh tính của mình, tổng
lãnh thiên thần nói,“Tôi là Raphael, một
trong bảy thiên thần đứng và phục vụ trước Vinh quang của Thiên Chúa”
(Tôbia 12:15).
Điều này khiến
nhiều người tin rằng có bảy vị tổng
lãnh thiên thần. Con số này cũng xuất hiện trong Sách Hípri, một
văn bản cổ của người Do Thái không
được chấp nhận là kinh điển trong cả Kinh thánh Do Thái hay Kinh thánh
Công giáo.
Vì một số giáo hội
Kitô giáo, ví dụ như Chính thống giáo, chấp nhận bảy tổng lãnh thiên thần:
Michael, Gabriel, Raphael, Uriel, Salathiel, Jébudiel và Barachiel là
"chính thức", nên một số người Công giáo cũng có lòng sùng kính đối với
cả bảy vị tổng lãnh thiên thần kể cả bốn vị ngoài Kinh thánh này. Giáo hội
Công giáo đã nói rất rõ ràng rằng điều
này là nguy hiểm về mặt tâm linh.
Trong Danh mục về
lòng đạo đức bình dân, Giáo hội tuyên bố, "Việc gán tên cho các Thánh
Thiên thần không nên được khuyến khích, ngoại trừ trường hợp của Gabriel,
Raphael và Michael, là những vị có tên trong Kinh Thánh."
Kinh thánh là
danh sách cuối cùng của chúng ta về các tổng lãnh thiên thần. Là người
Công giáo, chúng ta chỉ biết đến ba
tên nhất định của các thiên
thần của Thiên Chúa. Bất kỳ tên nào khác đều bị nghi ngờ vì nó không phải
là một phần của sự mặc khải thần linh.
Điều này không có
nghĩa là chỉ có ba tổng lãnh thiên thần. Kinh thánh nói rõ rằng có thể có
“hàng ngàn” thiên thần hoặc “vô số” thiên thần, như Thánh Luca đã đề cập lúc
Chúa Giêsu giáng sinh,“Và bỗng đâu đến hợp
đoàn với thiên thần, có đoàn lũ cơ binh trên trời ngợi khen Thiên Chúa”
(Luca 2:13).
Sự sáng tạo của
Thiên Chúa không chỉ giới hạn trong ba vị tổng lãnh thiên thần, nhưng đồng thời
chúng ta cũng không nên phát triển lòng sùng kính đối với các thiên thần không được Lời Chúa xác nhận.
Phụng vụ mừng lễ
ba vị tổng lãnh thiên thần được tôn kính theo truyền thống của Giáo hội. Theo
Nghi thức Đặc biệt trong Sách Lễ Rôma năm 1962 của Thánh Giáo Hoàng Gioan
XXIII, 29 tháng 9 là lễ Thánh Micae. Trước khi cải tổ phụng vụ theo Công Đồng
Vaticanô II, Lễ Thánh Gabriel được cử hành vào ngày 24 tháng 3 và lễ Thánh
Raphael vào ngày 24 tháng 10.[1]
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy một bài giáo lý về các Thiên thần
trong các buổi Tiếp kiến Chung của ngài từ ngày 9 tháng 7 đến ngày 20 tháng 8
năm 1986. Thánh Giáo Hoàng nói: “Theo sách Khải Huyền, các thiên thần tham gia
vào sự sống của Ba Ngôi trong ánh sáng vinh quang cũng được kêu gọi để đóng vai
trò của họ trong lịch sử cứu rỗi con người, trong những khoảnh khắc được Thiên
Chúa Quan phòng thiết lập. Tác giả của Thư Hípri (1:14) hỏi: “Hết thảy họ lại không phải là những thần phục
dịch được sai đi giúp đáp vì phần ích những kẻ thừa hưởng ơn cứu rỗi đó sao?”
Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 328 - 330 dạy chúng ta rằng, “Sự
hiện hữu của các hữu thể thiêng liêng, không có thể xác, mà Thánh Kinh quen gọi
là các thiên thần, là một chân lý đức tin. Thánh Kinh và Thánh Truyền đều nhất
trí như thế”.
Thánh Augustinô
nói: "Thiên thần " chỉ chức năng chứ không chỉ bản tính. Xét về bản
tính là "thuần linh". Xét về chức năng là "thiên thần".
Theo hữu thể, là thuần linh; theo hành động, là thiên thần; được tạo ra, ở một
thứ bậc cao hơn con người, thiên thần không có cơ thể và không phụ thuộc vào vật
chất để tồn tại hoặc hoạt động. Các vị khác với những vị thánh, mà con người
có thể trở thành.
Tự bản thể, các
thiên thần là những tôi tớ và sứ giả của Thiên Chúa. Vì các ngài hằng chiêm ngưỡng
"Thánh Nhan Cha Ta ở trên trời"
(Mt 18,10), nên các vị là "những người đi thực hiện Lời Chúa, sẵn sàng phụng
lệnh Người", “Hãy chúc tụng Yavê, hỡi
các thần sứ của Người, những anh hùng dũng mạnh làm theo lời Người, sẵn vâng tiếng
Người phán ra. Hãy chúc tụng Yavê, hỡi các cơ binh của Người, tôi trung tùng phục
ý Người” (Thánh vịnh 103,1,15). Với tư cách là thụ tạo thuần linh, các ngài
là những thụ tạo có ngôi vị creaturae
personalis (Piô XII: Denzinger 3891)[2] có trí
năng, ý chí và bất tử, “Vì chưng họ không
thể chết nữa, bởi họ được như thiên thần và nên con cái Thiên Chúa, một khi đã
là con cái của sự sống lại” (Luca 20,36). Các ngài hoàn hảo hơn mọi thụ tạo
hữu hình. Vinh quang rực rỡ của các ngài minh chứng điều ấy, “Tôi nghe tiếng lời ngài. Vừa nghe tiếng lời
ngài, tôi đã chết điếng, dập mặt xuống đất. Và này, một bàn tay đụng đến
mình tôi, tôi giật nảy, tôi chỗi dậy trên đầu gối …Trong khi ngài nói với tôi lời
ấy, thì tôi đã đứng dậy mà cứ run cầm cập.” (Đaniel 10,9-11).
Tổng lãnh thiên thần Michael
Tổng lãnh thiên thần Michael, được đề cập trong Sách Đanien, “Và này Michael, một trong các tướng hàng đầu
đã đến trợ lực với ta…. Và không
có một ai tăng sức cho ta đấu với các vị ấy, trừ phi là Michael, (thần sứ) tướng
của các ngươi” (Đaniel 10,13.22) và trong Khải huyền của Thánh Gioan (Khải
huyền 12.7), là hoàng tử của các thiên thần, chiến thắng Satan trong trận chiến
của thời kỳ cuối cùng.
Tên của tổng lãnh
thiên thần Michael, trong tiếng Do Thái có nghĩa là ai giống như Thiên Chúa? Ngài thường được hình dung như một chiến
binh mạnh mẽ, mặc áo giáp và đi dép.
Tên của ngài xuất
hiện trong Kinh thánh bốn lần, hai lần trong Sách Đanien, một lần trong Thư
thánh Giuđa và một lần Sách Khải huyền. Từ sách Khải Huyền, chúng ta biết
về trận chiến trên thiên đường, Thánh Michael và các thiên thần của ngài chiến
đấu với Lucifer và các thiên thần sa ngã khác (hoặc ác quỷ).
Tổng lãnh thiên thần Gabriel
Tên của Tổng lãnh thiên thần Gabriel có nghĩa là
"Chúa là sức mạnh của tôi". Trong Kinh thánh, ngài xuất hiện ba lần với
tư cách là một sứ giả. Ngài đã được cử đến Đaniel để giải thích thị kiến liên
quan đến Đấng Mêsia, Và tôi nghe có tiếng người giữa (sông) Ulai; tiếng ấy gọi
lớn và nói: "Gabriel, hãy cho người
này hiểu thị kiến!" (Daniel 8:16), “trong
lúc cầu kinh, tôi còn đang nói, thì Gabriel, người mà tôi đã thấy trong thị kiến
ban đầu, đã vụt bay đến kề bên tôi vào lúc dâng của lễ ban chiều”
(9:21). Ngài hiện ra với ông Dacaria khi ông đang dâng hương trong Đền thờ,
để báo trước sự ra đời của con trai ông, Thánh Gioan Tẩy giả, “Thiên thần Chúa đã hiện ra cho ông, đứng
bên hữu hương án….Ta là Gabriel, kẻ chầu hầu trước mặt Thiên Chúa, ta đã được
sai đến nói với ngươi và đem tin mừng này cho ngươi!” (Luca 1,11-19). Tổng lãnh Gabriel được biết đến
nhiều nhất là thiên thần được Thiên Chúa chọn làm sứ giả Truyền tin, loan báo
cho nhân loại biết mầu nhiệm Nhập thể, “Tháng
thứ sáu, thiên thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilê, tên là
Nazarét, tới cùng một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Yuse, thuộc
nhà Ðavít, và tên trinh nữ là Maria” (Luca 1, 26-27).
Lời chào của Tổng
thiên thần Gabriel đối với Đức Mẹ, đơn giản nhưng đầy ý nghĩa, "Vui lên! Hỡi Ðầy ơn phúc! Chúa ở cùng
người!" (Luca 1, 28), đã trở thành lời cầu nguyện Ave Maria, Kính mừng Maria, thường xuyên và quen thuộc của mọi người
Kitô hữu.
Tổng lãnh thiên thần Raphael
Hiểu biết của chúng ta về Tổng lãnh thiên thần Raphael đến từ sách Tôbia, “Và Raphael đã được sai đến chữa lành cả hai: giựt khỏi mắt Tôbit những vệt trắng, để ông được thấy tận mắt ánh sáng của Thiên Chúa - và ban Sara, con gái Raguel cho Tôbia con của Tôbit làm vợ và giải thoát nàng khỏi quỉ dữ Asmôđê” (3, 17). “Và cũng vậy, Thiên Chúa đã sai ta đến chữa lành ngươi và Sara con dâu ngươi. Ta là Raphael, một trong bảy vị Thần sứ hằng túc trực để vào trước vinh quang Chúa" (12,15).
Nhiệm vụ của ngài như một người chữa bệnh
tuyệt vời và đồng hành cùng Tôbia trẻ đã khiến ngài được mời gọi cho những cuộc
hành trình và vào những thời điểm quan trọng trong cuộc sống. Truyền thống
cũng cho rằng Raphael là thiên thần khuấy động nước tại hồ nước nuôi cừu chữa bệnh
ở Bethesda. Tên của ngài có nghĩa là "Chúa đã chữa lành".
Không giống như chúng ta, các thiên thần là những
đấng thiêng liêng thuần khiết và không có bất cứ gì là vật chất. Các ngài không
có cánh, thân xác hoặc gươm kiếm. Các Tổng Lãnh Thiên Thần được giao phó công
việc giao tiếp và đưa những sứ điệp quan trọng cho con người. Các Tổng Lãnh
Thiên Thần có thể bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Thánh Micae và các thiên thần có
quyền lực trục xuất Satan ra khỏi một nơi chốn.
Các Tổng Lãnh Thiên Thần vẫn hiện hữu ngày nay. Thiên Chúa đã tạo dựng các thiên thần bất tử và các vị sẽ không bao giờ ngưng hiện hữu, cho đến muôn đời.
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc cực thánh của
chúng con, chúng con xin Chúa ban phúc cho ngôi nhà của chúng con, gia đình
chúng con, mọi người trong gia đình chúng con. Xin bảo vệ chúng con khỏi mọi
sự dữ.
Thánh Thiên Thần Michael, xin hãy bảo vệ chúng
con chống lại tất cả những kẻ xấu xa của địa ngục.
Thánh Thiên Thần Gabriel, xin hãy ban cho chúng
con sự khôn ngoan để chúng con có thể hiểu được thánh ý Thiên Chúa.
Thánh Thiên Thần Raphael, hãy bảo vệ chúng con khỏi
bệnh tật và mọi nguy hiểm đến tính mạng.
Xin các thiên thần hộ mệnh thánh thiện gìn giữ chúng con ngày đêm trên con đường dẫn đến ơn cứu độ. Amen.
[1] Năm
745, tại công đồng Latêranô, Đức Giáo Hoàng Zacharia đã tuyên bố: “Giáo hội
Công Giáo chỉ nhìn nhận ba tên gọi chính thức của các thiên thần: Michael,
Gabriel và Raphael”.
Phụng
vụ theo Công Đồng Vaticanô II mừng chung các tổng lãnh thiên thần Michael,
Gabriel và Raphael vào ngày 29 tháng chín, ngày kỷ niệm lễ cung hiến một đại
giáo đường kính thánh Michael ở thế kỷ IV, trong một miền quê Rôma nhưng ngày
nay không còn.
[2] Enchiridion Symbolorum, definitionum
et declarationum de rebus fidei et morum: Tuyển tập các tín biểu, định tín và
tuyên bố về các vấn đề đức tin và luân lý.