LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHÚNG TA THAY ĐỔI THẾ GIỚI?
Tác giả: Constance T. Hull
WHĐ (03.12.2021) – Liệu chúng ta có cầu nguyện thường xuyên
như việc chúng ta phàn nàn về người khác (hay như việc chúng ta lướt các mạng
xã hội hoặc như những hoạt động thường
xuyên khác) hay không? Rõ ràng là chúng ta đang sống trong thời kỳ u tối và
rắc rối. Điều này sẽ không sớm thay đổi, trừ khi có điều gì đó phi thường xảy
ra. Phương Tây đang quay lưng lại với Thiên Chúa với một tốc độ chưa từng có.
Giáo hội đang trong tình trạng ồn ào vì những tai tiếng, tục hóa, rối loạn, và
nội chiến. Có rất nhiều điều khiến ta thất vọng và tức giận. Nhưng vấn đề là
chúng ta thường thích lớn tiếng chỉ trích hơn là cầu nguyện, nghĩa là chúng ta
- bao gồm cả bản thân tôi - cũng là một phần của vấn đề.
Cầu nguyện
Câu trả lời cho những vấn đề quan trọng trong thời đại của chúng
ta được tìm thấy trong cầu nguyện.
Các giáo xứ của chúng ta phải dốc lòng cầu nguyện nhiều hơn nữa. Đó phải là huyết
mạch của đời sống cộng đoàn, chứ không phải là một điều tùy phụ. Các gia đình của
chúng ta phải trở thành những Hội Thánh tại gia thực sự, nơi Đức Kitô là trung
tâm tuyệt đối, chứ không phải là điều gì đó mà chúng ta chọn trong danh sách
các việc cần làm ngày Chúa Nhật hàng tuần. Một người bạn thánh thiện và chuyên
cần cầu nguyện đã nói với tôi gần đây rằng: “Chúng ta phải làm mọi việc trong
Thánh Thần.” Mỗi một hơi thở của chúng ta phải là một lời cầu khẩn Thánh Thần
và là một sự đón nhận Ngài.
Nói thì dễ hơn là làm. Chúng ta có cuộc sống bận rộn, nhưng
một phần của sự bận rộn đó là do chúng ta có những ưu tiên sai lầm. Chúng ta đặt
thế gian này cao hơn và lên trên thiên đàng. Thế gian là nơi chúng ta học cách
để sống trong thiên đàng. Nếu chúng ta không học điều đó bao giờ, thì chúng ta
sẽ không bao giờ có thể sống trên thiên đàng được. Chúng ta sẽ là những người gõ cửa, nhưng Đức
Kitô sẽ nói với chúng ra rằng Người không hề biết chúng ta. Nếu chúng ta dành
nhiều thời gian kết hiệp với Người ở đời này, thì khi chết chúng ta sẽ không cần
chuẩn bị thêm nữa để được sống kết hiệp với Người trên thiên đàng.
Một trong những điều gây xao nhãng lớn nhất mà chúng ta phải
đối mặt ngày nay đến từ công nghệ hiện đại. Chúng ta có thể truy cập tin tức từ
khắp nơi trên thế giới chỉ với một cú chạm tay. Điều này đã biến người ta thành
những kẻ thất vọng về tình trạng của thế giới, nhưng thường lại không làm gì
ngoài việc chỉ trích ầm ĩ. Lời khuyên của bạn tôi chính là câu trả lời mà chúng
ta cần. Chúng ta phải cầu nguyện cho tất cả mọi điều. Nếu chúng ta nghĩ rằng việc
cầu nguyện làm được rất ít hoặc chẳng làm được gì, tức là chúng ta không hiểu
gì về Thiên Chúa hoặc về đức tin Công Giáo của chúng ta. Chúng ta không có quyền
năng để làm mọi sự, nhưng chỉ có mình Thiên Chúa mới có mà thôi. Ngài làm biến
đổi con tim và tâm trí của nhiều người.
Sự thay đổi này trước hết phải bắt đầu từ trong trái tim của
chúng ta. Nhờ cầu nguyện mà chúng ta học biết cách nhìn ngắm, yêu thương và tha
thứ như Đức Kitô. Đây là cách giúp chúng ta có thể dấn thân vào một thế giới hỗn
loạn và xấu xa hoặc thậm chí là vào trong những tội lỗi đang hiện diện nơi gia
đình và giáo xứ của chúng ta, đồng thời là cách làm nên những điều tốt đẹp. Nếu
chúng ta không đặt nền tảng nơi việc cầu nguyện cùng với việc kết hợp mật thiết
với Đức Kitô, thì những nỗ lực của chúng ta thường sẽ thất bại, vì những nỗ lực
đó không phải là ý định của Thiên Chúa hoặc vì chúng ta sẽ thiếu sức mạnh để
kiên trì dấn thân thực hiện điều đúng đắn khi chúng ta gặp phải những chống đối,
nghi ngờ hoặc bắt bớ.
Việc dành hàng giờ đồng hồ để chỉ trích trên các phương tiện
truyền thông xã hội hoặc với bạn bè sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc chúng ta
quỳ gối trong sự quy phục trước Chúa. Chúng ta có một cảm giác hài lòng khi
liên tục nói lên sự bất bình của mình với người khác, nhưng điều đó không làm
cho chúng ta lớn lên trong sự thánh thiện. Suy cho cùng, chúng ta phải ngừng
phàn nàn về ai đó đã làm tổn thương chúng ta, hay về tình trạng của nền văn hóa
và của Giáo Hội, hoặc về bất cứ điều gì chúng ta thấy trên các phương tiện truyền
thông xã hội, nhưng hãy quỳ gối xuống và cầu nguyện. Chúng ta phải hướng cái
nhìn của mình lên trời nếu chúng ta muốn trở nên một động lực thúc đẩy cho những
điều tốt đẹp trong cuộc sống này. Đồng thời nhờ lời cầu nguyện mà chúng ta hiểu
rằng đời này không phải là ngôi nhà cuối cùng của chúng ta và những mất mát to
lớn là một phần của “thung lũng đầy nước mắt” này.
Hãy tưởng tượng thế giới sẽ như thế nào nếu tất cả chúng ta
dành nhiều thời gian trong cầu nguyện, trong Thánh Lễ và giờ Chầu Thánh Thể,
như khi chúng ta phàn nàn về mọi thứ. Thế giới sẽ như thế nào nếu chúng ta thực
sự sống trong Thánh Thần? Hãy tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa trong mọi sự. Hãy
tìm kiếm thánh ý của Ngài hơn là ý của chúng ta. Thế giới sẽ bắt đầu biến đổi
ngay lập tức.
Những biến đổi nhờ cầu
nguyện
Trước tiên và hơn hết, lời cầu nguyện biến đổi chúng ta.
Chúng ta đang cần một sự biến đổi nghiêm túc. Chúng ta tội lỗi, ích kỷ, kiêu ngạo,
tự phụ, cố chấp,… Cầu nguyện cho phép chúng ta chuyển đổi giới hạn của cái tôi
quá lớn của chúng ta sang một sự thật toàn diện nơi Thiên Chúa. Chính trong lời
cầu nguyện, chúng ta khám phá ra sự bình an, dịu dàng và tình yêu của Thiên
Chúa. Thánh Gioan Vianney đã nói về lời cầu nguyện như sau:
Các con thân mến, trái
tim của các con tuy nhỏ bé, nhưng lời cầu nguyện mở rộng nó và làm cho nó có khả
năng yêu mến Thiên Chúa. Qua việc cầu nguyện, chúng ta được cảm nếm trước thiên
đàng và một điều gì đó của thiên đàng sẽ ngự xuống trên chúng ta. Việc cầu nguyện
không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong đắng cay. Nhưng lại là mật ngọt chảy vào
tâm hồn và làm cho vạn vật trở nên ngọt ngào. Khi chúng ta cầu nguyện đúng
cách, những nỗi buồn sẽ biến mất như tuyết ở trước mặt trời.
Chúng ta phải biết “mở ra”, vì tất cả chúng ta đều có trái
tim nhỏ bé bị giới hạn bởi những mong muốn và khát vọng mọn hèn của chính mình.
Cầu nguyện hướng chúng ta ra bên ngoài, nhưng chúng ta phải biến đổi bên trong
mới có thể ra khỏi chính mình và yêu thương người khác như Chúa yêu. Chúng ta
không thể cho những gì chúng ta không có. Nếu có ai đó làm tổn thương chúng ta
sâu sắc, chúng ta sẽ không thể yêu như Đức Kitô cho đến khi chúng ta sẵn lòng
tha thứ, cho dù người kia không quan tâm đến vết thương mà họ đã gây ra cho
chúng ta. Tha thứ biến đổi bóng tối thành ánh sáng. Điều này bao gồm cả việc
tha thứ cho những người đang thúc đẩy các kế hoạch, các tư tưởng nguy hiểm và
hoàn toàn trái ngược với Đức Tin của chúng ta. Chúng ta không thể tha thứ và
yêu thương kẻ thù nếu chúng ta không đặt mình ở trong sự bình an vững chắc của
Thánh Tâm Chúa Giêsu qua đời sống cầu nguyện.
Câu trả lời mà chúng ta tìm kiếm để đáp trả lại những vết
thương, nỗi đau và sự tức giận thực sự, những điều mà chúng ta mang theo khi sống
trong thế giới sa ngã này, trong thời điểm như thế này, đòi hỏi chúng ta phải
chuyển từ con đường dễ dàng của việc phàn nàn — thường dẫn đến việc không hành
động gì — sang con đường nội tâm của sự thinh lặng trong lời cầu nguyện. Điều
này cực kỳ trái ngược với văn hóa trong một thời đại đặc trưng bởi sự ồn ào
không ngừng và sự thỏa mãn tức thì những cơn phẫn nộ và chia rẽ triền miên. Tuy
nhiên, cha Romano Guardini nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh thực sự được
sinh ra trong chính sự thinh lặng của lời cầu nguyện:
Những điều vĩ đại nhất
luôn được hoàn tất trong thinh lặng – không phải trong sự ồn ào và phô trương của
vẻ bề ngoài, nhưng trong sự sáng suốt vô cùng của tầm nhìn bên trong; trong sự
khởi đầu của quyết định hầu như không thể nhận thấy, trong sự vượt thắng thầm lặng
và sự hy sinh ẩn giấu. Sự nhận thức về mặt tinh thần xảy ra khi trái tim thổn
thức bởi yêu thương và ý chí tự do bắt đầu hành động. Những thúc đẩy thầm lặng
là những thúc đẩy mạnh mẽ. Lúc này đây chúng ta hãy đến với trạng huống tĩnh lặng
nhất, nó tĩnh lặng nhất bởi vì nó đến từ một nơi xa xôi nằm ngoài mọi khả năng
xâm nhập của ồn ào — nó đến từ Thiên Chúa.
Rất thường xuyên, chúng ta bằng lòng thỏa mãn với "những
sự kiện hoành tráng” trong cuộc sống, gia đình, hoạt động xã hội, và giáo xứ của
chúng ta. Chúng ta muốn cảm nhận cách
chân thực như thể chúng ta đang làm một việc gì đó trong các sự kiện. Những cảm
nhận có được đó thì hời hợt và thường đưa chúng ta trở về thực tại cách mau
chóng. Chỉ khi đi vào sự thinh lặng của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể đương đầu
với những khó khăn mà chúng ta gặp phải. Sự biến đổi của con tim chúng ta nhờ
vào lời cầu nguyện sẽ cho phép chúng ta trung thành phụng sự Chúa và các kế hoạch
của Ngài. Đó là sự biến đổi chúng ta cần. Đó là con đường nên thánh. Đó là nơi
mà các vị thánh vĩ đại của thời đại chúng ta sẽ trỗi dậy: từ đời sống cầu nguyện
và qua đời sống cầu nguyện.
Đã đến lúc chúng ta cần phải
đấu tranh chống lại khuynh hướng xấu là luôn muốn phàn nàn nhưng sau đó thì
không làm gì cả. Thay vào đó, chúng ta phải đưa mối bận tâm, sự đấu tranh, nỗi
sợ hãi của mình và của mọi người thuộc mọi tầng lớp trong xã hội của chúng ta,
và cả những người đã làm tổn thương chúng ta vào lời cầu nguyện. Đó không phải
là lời cầu nguyện nhanh gọn mà chúng ta dâng lên giữa tất cả những thứ “quan trọng”
hơn trong cuộc sống của chúng ta. Hãy tắt
các phương tiện truyền thông xã hội, điện thoại thông minh, cùng bất cứ thứ gì
khác làm bạn mất tập trung và hãy dành cho Thiên Chúa khoảng thời gian mà bạn
có thể sẽ tiêu tốn nơi những phương tiện kia. Khi chúng ta làm điều đó, thế giới
sẽ thực sự bắt đầu thay đổi, bởi vì chúng ta bắt đầu thay đổi.
Anthony Lai chuyển ngữ từ catholicexchange.com (04.11.2021)