© Vivida Photo PC – shutterstock, Chúa Kitô chiến thắng
LÀM
LÀNH CÙNG CHÚA VÀ ĐỀN BÙ TỘI LỖI
Tác giả: Jean-Michel Castaing
WHĐ (19.07.2023) – Hai thuật ngữ Kinh thánh “đền bù tội lỗi”
và “làm lành cùng Chúa” đã bị quên lãng, nhưng lại nhấn mạnh hai khía cạnh bổ
sung cho nhau rất thực này của hy tế Thập giá nhằm giúp cho chúng ta giao hòa với
Thiên Chúa.
Một số đoạn Cựu Ước khiến người đọc hiện đại bối rối vì chúng
ta sống trong một nền văn hóa rất khác với nền văn hóa của những con người
trong Kinh thánh. Do đó, ngôn ngữ được sử dụng để mô tả các loại hy tế khác
nhau được dân Do thái thực hiện trong Đền thờ đã trở nên xa lạ với hầu hết
chúng ta. Chẳng hạn, ngày nay liệu người bình thường có thể phân biệt giữa hy tế
đền tội và hy tế giao hòa không? Tuy nhiên, đây không phải là câu hỏi dành cho các
học giả uyên bác bởi vì những hy tế của Giao ước cũ
đều tiên báo hy tế Thập giá, theo mức độ của chúng. Thập giá thực sự là một hy tế
đền tội và giao hòa. Như vậy, nắm bắt sự khác biệt giữa hai hạn từ này không phải
là việc thừa thãi.
Chúa Giêsu, lễ phẩm đền
tội và giao hòa
Chính xác, có một đoạn văn trong Tân Ước kết hợp hai thuật
ngữ này lại với nhau. Đó là một câu trong thư thứ nhất của Thánh Gioan: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bào Chữa trước mặt Chúa Cha: đó là Chúa Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Chúa Giêsu Kitô là của lễ đền
tội của chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả
thế gian nữa” (1 Ga 2, 1-2). Tuy
nhiên, thuật ngữ “giao hòa, làm lành, làm nguôi cơ giận”
(propitiation) được dịch là hilasmos trong
tiếng Hy Lạp có nghĩa là “làm cho trở nên dễ chịu”. Bằng cách sử dụng từ này
trong bức thư của mình, Thánh Gioan chỉ ra rằng mục đích hy tế của Chúa Giêsu
là làm Thiên Chúa nguôi giận và làm cho Ngài chiếu cố đến chúng ta, gia ân cho
chúng ta. Tuy nhiên, hilasmos cũng đề
cập đến ý nghĩa là “đền tội” (expiation) có nghĩa là đền bù tội lỗi. Sự đền tội
đề cập nhiều hơn đến hành động tẩy xóa tội lỗi. Từ Hy Lạp trong bản văn vì thế
có hai nghĩa: làm cho Thiên Chúa nguôi giận mà chiếu cố đến mình và tẩy xóa tội
lỗi. Sự khác biệt này chỉ dạy điều gì?
Thực ra, sắc thái
này liên quan đến hai khía cạnh của hy tế Thập giá.
Sắc thái đầu tiên liên quan đến việc sửa chữa tội lỗi bằng cách đền bù tội lỗi;
khía cạnh thứ hai của Thập giá tương ứng với hành động làm cho con người trở
nên đẹp lòng Thiên Chúa. Dĩ nhiên, hai chiều kích này có liên hệ với nhau: con
người bước vào tình bạn với Chúa Cha nhờ được rửa sạch tội lỗi. Tuy nhiên, nếu
có hai thuật ngữ như thế để làm rõ nét hy tế của Chúa Giêsu, thì việc xem xét
hai mức độ sâu xa của sự cứu độ của Thập giá không phải là vô ích.
Sửa chữa lỗi lầm của chúng ta để nối lại tình bạn
Chúng ta hãy tóm
tắt: qua việc đền bù tội lỗi, Chúa Giêsu sửa chữa và bù đắp cho tội lỗi của con
người bằng cách đặt để tình yêu thương vào nơi không có tình yêu thương, giống
như cách ta sửa chữa một việc ăn cắp bằng cách trả lại tiền cho người mà ta đã
lấy cắp hoặc cải chính lời nói sau khi đã loan đi một lời nói không đúng sự thật
về người ấy. Hình ảnh đầu tiên có thể giúp chúng ta hiểu lý lẽ ẩn sau hành động
đền bù tội lỗi: con người đã cướp đi tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình bằng
cách quy hướng tình yêu đó vào chính mình (do quá yêu bản thân mình, gây phương
hại cho Đấng Tạo Hóa và anh chị em của mình). Chúa Giêsu sửa chữa bằng cách
dâng lên Cha Ngài danh dự và tình yêu thương mà Ngài có quyền được hưởng, và Ngài
thực hiện điều đó bằng cách yêu mến Chúa Cha đến mức hy sinh tột cùng trên đồi
Golgotha. Đây là khía cạnh “đau đớn” và phải trả giá của hy tế: thực hiện điều
tốt lành thay cho điều ác đã gây ra.
Về phần mình, việc
giao hòa (làm lành, làm nguôi cơn giận), tạo nên khía cạnh tích cực hơn của việc
đền bù tội lỗi: một khi tội lỗi đã được sửa chữa, Thiên Chúa lại nhìn tôi bằng
con mắt chiếu cố, nghĩa là bằng con mắt của người cha vốn luôn là của Ngài. Đó
là khía cạnh “nhận được” (hành động đạt được) của hy tế: con người một lần nữa lại
nhận được tình bạn của Thiên Chúa. Con người là kẻ nhận lãnh ân huệ, nghĩa là một
người có đủ quyền hạn, với tư cách là con cái, ở trước sự hiện diện của Chúa
Cha. Tuy nhiên, chúng ta hãy lưu ý đừng làm cho hai thuật ngữ trở nên đối lập cứng
nhắc: nhưng cần hiểu, việc đền bù tội lỗi bao gồm một chiều kích nguyện giúp cầu
thay. Trong hy tế đền tội của Chúa Giêsu, Ngài can thiệp với Cha Ngài để Cha
chiếu cố mà ưu ái đến chúng ta.
Ý nghĩa của thập giá
Do đó, sự đền tội
và sự làm lành giống như hai mặt của cùng một đồng
tiền. Sự đền tội nhấn mạnh nhiều hơn đến khía cạnh hy tế phải trả giá đắt. Sự làm
lành đòi hỏi nỗ lực và vất vả. Không phải Chúa muốn trả thù, mà bởi vì việc sửa
chữa thiệt hại không bao giờ được thực hiện chỉ bằng một cái búng tay: không
khác gì trong lãnh vực tôn giáo và luân lý cũng như
trong cuộc sống hàng ngày, sự khác biệt là cái giá phải trả trong lãnh vực tôn
giáo và luân lý quan trọng hơn rất nhiều, không thể kể xiết. Còn sự làm lành nhấn
mạnh nhiều hơn đến mục đích của hy tế: tái lập chúng ta trong tình bạn với Thiên
Chúa. Do đó, mặc dù đã có từ lâu đời, nhưng hai thuật ngữ này vẫn giữ được sự thích
đáng của chúng nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của Thập
giá và… ý nghĩa của những thập giá mà chúng ta vác khi bước theo Chúa Giêsu.
Phêrô Phạm Văn Trung
Chuyển ngữ từ:
fr.aleteia.org (08.07.2023)