KỶ NIỆM 350 NĂM “SẤM TRUYỀN CA”
WHĐ (13.1.2021) – Tại Việt Nam, ít ai biết được rằng 150 năm trước khi thi hào Nguyễn
Du qua đời (1820), văn chương Công giáo đã có một tác phẩm lục bát bằng chữ Nôm
đạt mức tuyệt tác: Tác phẩm Sấm Truyền Ca (1670), diễn ca 5 quyển đầu của Cựu ước,
do cha Lữ Y Đoan, một trong những linh mục thế hệ đầu của địa phận Đàng Trong.
Cũng chính năm 1820 tác phẩm được phiên âm sang chữ quốc ngữ.
Sau một vận mệnh hẩm hiu suốt hơn ba trăm năm,
cuối thế kỷ XX chỉ còn hơn 1/5 tác phẩm sống sót: Sách Sáng Thế Ký (Tạo đoan
kinh) và 21 chương đầu của sách Xuất Hành (Lập quốc kinh). Năm 1993 một số trí
thức Công giáo đã thực hiện hồ sơ “Về các tác giả Công giáo thế kỷ XVII-XIX”,
do Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Tp. HCM ấn hành. Quyển sách đã giới thiệu tác
phẩm Sấm Truyền Ca đến công chúng.
Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã có công bảo tồn, đưa
bút tích sang Canada. Ông và các cộng sự viên đã có công nghiên cứu đối chiếu,
thực hiện bản văn hiệu đính mang tính khoa học và năm 2000 Tập san Y Sỹ ở
Montreal đã xuất bản tập 1: Tạo Đoan Kinh.
Tháng 8/2020, nhóm phụ trách Tủ sách Nước Mặn của
Giáo phận Qui Nhơn chợt nhận thấy cần ấn hành lại quyển sách để chào mừng tròn
350 năm của tác phẩm và giới thiệu với độc giả trong nước. Tại Việt Nam, ấn bản
Canada của quyển sách hết sức họa hiếm. May thay cuối cùng, đã tìm được một bản
photocopy ở Thư viện Học viện Đa Minh, Gò Vấp, và một ấn bản gốc ở Thư viện
Mân Côi Bùi Chu.
Tại Giáo phận Qui Nhơn, từ năm 2012 đã có truyền
thống họp mặt các tác giả Công giáo vào ngày 21-22/9. Năm 2020, do phòng ngừa đại
dịch, dịp ấy chỉ có hơn 20 tác giả từ Tp. Quy Nhơn và phụ cận họp mặt tại Chủng
viện Làng Sông. Trong lúc chưa kịp hiệu đính để ấn hành phiên bản mới, Ban Tổ
chức đã photocopy một phần quyển sách theo ấn bản Canada, trao tay các tham dự
viên để giới thiệu và đánh dấu chào mừng kỷ niệm 350 năm việc biên soạn tác phẩm.
Sau lễ Giáng sinh, ấn bản 2020 của Tủ sách Nước Mặn hoàn thành. Tối ngày
01/01/21, trong lễ ra mắt Ban Văn hóa Giáo phận Hà Tĩnh tại hội trường Giáo xứ
An Nhiên, phiên bản 2020 của tác phẩm được trao tay các tham dự viên để một lần
nữa đánh dấu sự kiện mừng 350 năm.
Cha Lữ Y Đoan không những để lại một thành tựu của
Thế kỷ XVII về thơ lục bát tự sự rất hồn nhiên trong sáng mà còn đi trước thời
đại chúng ta 300 năm trên bước đường Việt hóa và hội nhập văn hóa cả về phong tục
và triết học.
Tại Mambrê ông Abram đã khoản đãi ba vị khách thần
linh một bữa ăn Việt Nam:
Khách thần vui vẻ dừng chân,
6 Ra-ham liền
gọi gia nhân cỗ bàn.
7 Sa-ra nướng
bánh hạnh nhân,
8 Thịt chiên
nhiều món, quay, hầm dọn ra.
“Khách thần cầm đũa dùng qua,
Hỏi thăm chủ trại: “Vợ nhà thể nao ?” (câu
803-808)
Về lịch trình sáng tạo, vị tiền bối của chúng đã
dịch sáu ngày là sáu chu kỳ, trong đó Thiên Chúa đã dựng nên lưỡng vực sáng tối
âm dương và ngũ hành:
1 Hằng sinh
Thượng đế đại quyền,
Tự không sáng tạo phán truyền hoằng khai;
Càn khôn bỗng chúc phôi thai
2 Hư hư hàn
vũ, dày dày u minh.
Thánh thần sinh hóa vận trình,
3 Đột nhiên
quang ánh lộ hình khắp nơi.
4 Ban khen
trong sáng tuyệt vời
Liền phân lưỡng vực muôn đời đối nhau:
5 Gọi ngày, dương
khí làu làu,
Gọi đêm, âm khí phủ bao mịt mờ,
Hoàng hôn chuyển tiếp minh sơ,
Chu kỳ thứ nhất, thiên cơ ứng hành.
6 Không gian
phát động mở màn,
7 Thủy hành nhị khí
đành rành dưới trên.
8 Trên thì
danh gọi cao thiên
Chiều đi mai đến tiếp liên chu kỳ
9 Thổ phân, thủy
lập biên thùy
10 Thổ là đại lục,
thủy
thì đại dương
11 Lịnh bán hành
mộc
tự cường,
12 Ngàn hoá vạn
thảo ứng tường phát sinh.
(câu 09-28)
Những câu tiếp theo nói về hành hỏa (mặt trời và mặt
trăng). Mời quý độc giả xem lời giới thiệu của Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi
về hội nhập văn hóa và lời nói đầu của Tủ sách Nước Mặn về số phận long đong của
tác phẩm.
Chúng tôi xin được đính kèm đây hai file PDF: ấn
bản Canada 2000 và ấn bản Nước Mặn 2020 để độc giả tiện đối chiếu. Quý vị nào cần
mua sách in, có thể đặt sách tại <tusachnuocman@gmail.com>, sđt:
0358-521-717.
Lm. Trăng Thập Tự
Tủ sách Nước Mặn - Gp. Qui Nhơn
Sấm Truyền Ca ấn bản Canada 2000 tải về tại đây.
Sấm Truyền Ca ấn bản Tủ sách Nước Mặn 2020, lưu về tại đây.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA ĐỨC CHA MATTHÊÔ NGUYỄN VĂN KHÔI
Ngày nay, "hội nhập văn hóa" là một
thuật ngữ tương đối mới, có nguồn gốc Công giáo và thường được sử dụng trong
lãnh vực loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Thuật ngữ này diễn tả hoạt động của
Giáo Hội nhằm làm cho Tin Mừng thấm nhập vào nền văn hóa của mỗi dân tộc, đến độ
đức tin Kitô giáo trở thành một phần của nền văn hóa ấy. Trong Văn thư thiết lập
Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, ngày 20.5.1982, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II đã viết: "Một đức tin không biến thành văn hóa là một đức tin không được
đón nhận đầy đủ, không được suy tư trọn vẹn và không được sống cách trung
thành".
Trước khi về trời, Đức Kitô đã ủy thác cho các
Tông đồ nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc. Vì vậy, kể từ thời các Tông
đồ, qua các thế hệ giảng viên Tin Mừng, toàn thể lịch sử truyền giáo của Giáo Hội
cho thấy một cuộc tìm kiếm phương cách thích nghi Tin Mừng vào các nền văn hóa
khác nhau. Việc đưa Tin Mừng hội nhập vào các nền văn hóa được thực hiện bằng
cách tiếp cận, đón nhận, thanh lọc và hoàn thiện các hình thái văn hóa khác
nhau theo tiêu chuẩn Tin Mừng, để rồi sử dụng chúng như những phương tiện hữu
hiệu trong việc loan báo Tin Mừng.
Thực ra, việc hội nhập văn hóa trong công cuộc
truyền giáo của Giáo Hội cũng chỉ là bắt chước cách thực hành của Thiên Chúa
qua mầu nhiệm Nhập Thể và qua mạc khải Thánh Kinh. Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi
Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm và nói với con người bằng ngôn ngữ của họ.
Qua mạc khải Thánh Kinh, Lời Chúa cũng được nói với con người qua ngôn ngữ nhân
loại theo sự chi phối của văn hóa, và chính Thánh Kinh cũng được coi như một
tác phẩm về lịch sử văn hóa.
Khi vay mượn ngôn ngữ văn hóa để diễn tả và truyền
đạt các chân lý đức tin, Thánh Kinh đã sử dụng ngôn ngữ, chữ viết, một số quan
niệm và phong tục truyền thống của dân Israel. Sau đó, để cho Lời Chúa có thể
được mọi người thuộc những nền văn hóa khác nhau đón nhận, Thánh Kinh lần lượt
được dịch sang ngôn ngữ các dân tộc, hoặc được quảng diễn bằng những hình thức
văn chương của mỗi nền văn hóa. Đó cũng chính là trường hợp của sách Sấm Truyền Ca vào những thời kỳ truyền
giáo đầu tiên tại Việt Nam.
Khởi đầu sứ vụ truyền giáo tại Việt Nam, các thừa
sai Dòng Tên đã nghĩ ngay đến việc hội nhập văn hóa bằng cách tạo ra chữ Quốc
ngữ dựa theo cách phát âm của người Việt, để làm phương tiện rao giảng Tin Mừng.
Chữ Quốc ngữ đã ra đời đầu tiên tại Nước Mặn, với sáng kiến của các thừa sai và
sự cộng tác của các nho sĩ người Việt đã theo đạo. Trong khi chữ Quốc ngữ còn
đang trong thời kỳ phôi thai, các thừa sai học và sử dụng chữ Nôm của người Việt
để biên soạn những sách kinh và sách giáo lý cho các tín hữu sử dụng. Việc biên
soạn này chắc chắn có sự đóng góp của các nho sĩ và giới trí thức người Việt,
trong số đó có các thầy giảng.
Hơn nữa, vì tiếng nói của người Việt có nhiều âm
sắc và người Việt rất chuộng các hình thức thi ca, nên các kinh đọc và ngay cả
các bài giáo lý cũng được biên soạn có vần điệu, vừa dễ đọc, dễ học và dễ nhớ.
Không chỉ dừng lại ở đó, giới trí thức Công giáo còn nghĩ đến việc sáng tác những
tác phẩm thi ca với nội dung tôn giáo để trình bày Thánh Kinh cho mọi người, nhất
là cho giới trí thức. Chính trong bối cảnh ấy, tác phẩm Sấm Truyền Ca của linh mục Lữ Y Đoan (Louis Đoan) đã ra đời, không
những như một tác phẩm mang tính tôn giáo, mà còn như một đóng góp rất sớm của người
Công giáo Việt Nam vào nền văn học nước nhà.
Sấm Truyền Ca là một tác phẩm tuyệt vời của một linh mục Việt
Nam thuộc Địa phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn ngày nay. Trong
khi biên soạn lịch sử Giáo phận, chúng tôi biết được linh mục Lữ Y Đoan đã viết
tác phẩm Sấm Truyền Ca, nhưng chưa hề đọc được nội dung. Nay chúng tôi may mắn
có được một phần của tác phẩm này, đó là quyển 1 với tựa đề Tạo Đoan Kinh. Nhận thấy đây là một tác
phẩm cổ kính, chẳng những có giá trị tôn giáo mà còn có giá trị văn chương, và
nhân kỷ niệm 350 năm tác phẩm ra đời (1670-2020), Tủ sách Nước Mặn có nhã ý xuất
bản để chia sẻ với mọi người, trong khi chờ đợi những phát hiện mới về những
quyển còn lại của tác phẩm này.
Tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này cho
quí độc giả xa gần, rất mong tác phẩm được quí độc giả nhiệt tình đón nhận và
giới thiệu cho những người quen biết, để ngày càng có thêm nhiều người quí trọng
những đóng góp của tiền nhân.
Qui Nhơn, ngày 20 tháng 10
năm 2020
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
XIN CÙNG TÌM KIẾM
Thưa quý độc giả,
Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức thi
phẩm SẤM TRUYỀN CA, tập 1, trong file PDF đính kèm ở trên. Đây là tập thứ nhất trong bộ
sách diễn thơ năm quyển đầu của Kinh Thánh Cựu Ước, do linh mục Lữ Y Đoan (1613-1678)
thực hiện trước năm 1670, cách nay 350 năm hơn. Sách viết bằng chữ Nôm và năm
1820 được chuyển sang chữ quốc ngữ. Trước đây sách chưa hề được in, chỉ được
chép tay truyền lại giữa tình cảnh bị bách hại và kể như bị thất lạc. Nhờ ơn
Chúa Quan Phòng, năm 1870, có người đào được tại Cái Nhum (Chợ Lách, Vĩnh Long)
một hầm vô chủ, có nhiều sách vở về đạo thánh, trong đó có bộ Sấm Truyền Ca, giấy
đã mục nhiều. Lúc đó có ông Nguyễn Văn Thế đã chịu khó chép lại và truyền ra
cho nhiều người biết. Tới giữa thế kỷ XX, tòa soạn báo Tông Đồ còn giữ được một
bản sao nhưng cơn bão 1952 khiến tòa báo bị sập, tác phẩm bị ngập trong nước chỉ
còn giữ được tập đầu (sách Sáng Thế, là bản Tạo Đoan Kinh đính kèm đây) và gần
một nửa tập thứ hai (21 chương đầu sách Xuất Hành, được đặt tên là Lập Quốc
Kinh).
Vị có công bảo tồn hai phần sót lại nói đây là học
giả Hoàng Xuân Việt nay đã qua đời. Vị thứ hai là Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã
ôm ấp sang Canada. Năm 2000, quyển Tạo Đoan Kinh được ấn hành lần đầu tại
Canada và cuối năm 2020 được Tủ sách Nước Mặn của Giáo phận Qui Nhơn tái bản mừng
kỷ niệm 350 năm tác phẩm được biên soạn.
Cụ Nguyễn Văn Trung nay ngoài 90 tuổi. Bà Trung
vừa qua đời trong tháng 12/2020. Vị giáo sư hiện rất yếu, không nhớ được 21
chương Lập Quốc Kinh được cất giữ ở đâu. Dù vậy cụ vẫn hy vọng, không riêng 21
chương này mà cả những phần khác của SẤM TRUYỀN CA vẫn còn tồn tại đâu đó.
Trong một lá thư viết vào tháng 4/2002, cụ ngỏ lời mời gọi một số Tòa Giám mục liên
quan, trong đó có Tòa Giám mục Qui Nhơn,
huy động mọi người tìm kiếm. Lá thư chưa được gửi. Nó vẫn nằm trong đống tư liệu
của một tòa soạn. Mãi cuối tháng 9/2020, qua những trao đổi để tái bản tập đầu
của SẤM TRUYỀN CA, nhân viên tòa soạn tìm thấy lá thư và đã chia sẻ cho chúng
tôi một bản sao. Phải chăng chỉ là tình cờ, hay một lần nữa ơn quan phòng của
Thiên Chúa đang dẫn dắt để chúng ta lại được những phần bị thất lạc của một báu
vật vô giá?
Tác phẩm SẤM TRUYỀN CA ra đời trước Truyện Kiều
gần 150 năm, viết bằng thơ lục bát hồn nhiên, trong sáng, với phong cách hội nhập
văn hóa cả về phong tục và triết học. Nó là một tác phẩm rất quý của nền văn học
Việt Nam nói chung và của nền văn chương Công giáo nó riêng. Vì thế, nếu tìm lại
được toàn văn tác phẩm thì hết sức quý.
Ước mong quý độc giả, Công giáo cũng như ngoài
Công giáo, cùng quan tâm tìm kiếm để đưa ra ánh sáng những đóng góp quý giá của
tiền nhân.
Cụ thể, nếu quý vị có cơ may biết được tác phẩm
còn tồn tại đâu đó, hoặc nếu quý vị tìm thấy những bản chép tay, những bản in cổ,
bằng quốc ngữ hoặc Hán Nôm mà trong nhà chưa đánh giá được,… xin vui lòng dùng
điện thoại sao chụp lại (ít là một số trang đầu và một số trang cuối) gửi về
Tòa Giám mục Qui Nhơn hoặc qua email <tusachnuocman@gmail.com>. Ban quản
trị Tủ sách Nước Mặn sẽ nhờ người đọc để báo lại cho quý vị biết nội dung của
tư liệu. Nếu đó là những tư liệu liên quan đến đời sống và lịch sử Dân Chúa,
chúng tôi sẽ trao đổi với quý vị để cùng tìm cách bảo tồn.
Xin chân thành cảm tạ.
Qui Nhơn, ngày 12.01.2021
Lm. Trăng Thập Tự
Phụ trách Tủ sách Nước Mặn