KINH TRUYỀN TIN VỚI ĐỨC THÁNH CHA
Chúa nhật 13 Thường niên năm A
Chúa nhật, 28.06.2020
TÌNH YÊU CHÚA KIỆN TOÀN TÌNH YÊU GIA ĐÌNH
Ngọc Yến
Vatican News (28.06.2020) - Hôm Chúa nhật 28/6/2020, vào lúc 12 giờ, từ cửa sổ của Dinh Tông Tòa, Đức Thánh Cha chủ sự buổi đọc Kinh Truyền tin với các tín hữu. Trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có bài giáo lý ngắn dựa theo Tin Mừng của phụng vụ Chúa nhật 13 Mùa Thường niên năm A (Mt 10, 37-42). Đức Thánh Cha bắt đầu như sau:
Anh chị em thân mến, chúc anh chị em buổi sáng tốt lành!
Chúa Nhật này, Tin Mừng (x. Mt 10,37-42) vang lên lời mời gọi thật mạnh mẽ hãy sống kết hiệp với Chúa cách trọn vẹn và không do dự. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài thực thi các đòi hỏi của Tin Mừng một cách nghiêm túc ngay cả khi những điều đó đòi phải cố gắng và hy sinh.
Đòi hỏi đầu tiên, Chúa Giêsu hướng đến những ai đang theo Ngài. Họ phải đặt tình yêu đối với Ngài lên trên tình cảm gia đình. Chúa nói: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (c. 37). Đương nhiên Chúa Giêsu không có ý đánh giá thấp tình yêu dành cho cha mẹ và con cái, nhưng Ngài biết nếu đặt những mối quan hệ họ hàng ở vị trí đầu tiên, những người theo Chúa có thể sẽ đi chệch khỏi điều tốt lành thực sự. Chúng ta thấy điều này: một số hình thức tham nhũng trong các chính phủ xảy ra chính vì tình yêu dành cho gia đình lớn hơn tình yêu dành cho đất nước, và vì vậy họ cũng đặt các thành viên trong gia đình cùng chịu trách nhiệm với việc tham nhũng. Đối với Chúa Giêsu cũng vậy: khi tình yêu [dành cho gia đình] lớn hơn tình yêu dành cho Ngài, thì điều đó là không tốt. Tất cả chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ về vấn đề này, chưa kể đến những tình huống trong đó tình cảm gia đình xen lẫn với những lựa chọn trái ngược với Tin Mừng. Ngược lại, khi tình yêu dành cho cha mẹ và con cái được khơi dậy và thanh luyện bởi tình yêu dành cho Chúa, thì tình yêu ấy sẽ trở nên sinh hoa kết trái và sinh ra những hoa trái tốt lành trong chính gia đình cũng như vươn ra ngoài gia đình. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nói đến qua câu Tin Mừng trên. Chúng ta cũng hãy nhớ Chúa Giêsu quở trách các tiến sĩ luật là những người làm cho cha mẹ họ thiếu thốn những gì cần thiết với lý do dâng của lễ trên bàn thờ, hoặc dâng cho Giáo Hội (x. Mc 7:8-13). Ngài quở trách họ! Tình yêu đích thực dành cho Chúa Giêsu đòi hỏi một tình yêu đích thực dành cho cha mẹ và con cái, nhưng nếu chúng ta tìm lợi ích gia đình trước thì luôn dẫn đến con đường sai lầm.
Tiếp đến, Chúa Giêsu nói với các tông đồ: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10:38). Điều này có nghĩa là đi theo Chúa thì phải đi theo con đường mà chính Ngài đã đi, không có con đường tắt. Không có tình yêu đích thực nếu không có thập giá, nghĩa là người theo Chúa phải trả giá bằng chính con người mình. Nhiều người cha, người mẹ đã minh chứng cho điều này khi họ đã hy sinh rất nhiều cho con cái, họ chịu những hy sinh, những thập giá thực sự, tất cả chỉ vì họ yêu con cài mình. Khi thập giá được vác với Chúa Giêsu, thập giá không đáng sợ vì Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta để hỗ trợ chúng ta trong giờ thử thách khó khăn nhất, để cho chúng ta sức mạnh và lòng can đảm. Việc lo lắng bảo toàn mạng sống mình bằng việc sợ hãi hoặc tự cao tự đại thì không hữu ích gì. Chúa Giêsu khuyên nhủ: “Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình” vì tình yêu, vì mến Chúa Giêsu, yêu tha nhân, phục vụ tha nhân – “thì sẽ tìm được” (câu 39). Đây là nghịch lý của Tin Mừng. Nhưng dẫu là nghịch lý, tạ ơn Chúa, chúng ta có rất nhiều mẫu gương sống về điều này. Trong những ngày đại dịch này, có biết bao người đang vác thập giá để giúp đỡ người khác, họ quên mình để giúp người khác đang thiếu thốn trong đại dịch. Họ làm điều này luôn với Chúa Giêsu. Sự viên mãn của cuộc sống và niềm vui có được bằng cách hiến thân cho Tin Mừng và cho tha nhân với sự cởi mở, tiếp đón và lòng nhân hậu.
Khi chúng ta thực hành như thế, chúng ta có thể trải nghiệm được lòng biết ơn và quảng đại của Chúa. Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về điều này: “Ai tiếp đón anh em là tiếp đón Thầy… Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ là một chén nước lã thôi… người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (cc 40-42). Lòng biết ơn và sự quảng của Thiên Chúa đáp lại đến cả những cử chỉ yêu thương và phục vụ nhỏ nhất mà chúng ta dành cho tha nhân. Trong những ngày này, tôi đã nghe kể về một em bé đã làm cho một linh mục cảm động. Em đến nhà xứ và nói: “Thưa cha, đây là số tiền dành dụm được của con; chỉ một chút. Xin cha dành nó cho người nghèo, cho những ai đang thiếu thốn trong đại dịch này”. Một điều nhỏ, nhưng có giá trị rất lớn. Đây là thái độ, là một lòng biết ơn lan tỏa, giúp mỗi người chúng ta biết ơn những người quan tâm đến nhu cầu của chúng ta. Khi ai đó ban tặng cho chúng ta điều gì, chúng ta không được nghĩ rằng chúng ta xứng đáng với điều này. Không, nhiều dịch vụ được thực hiện miễn phí. Hãy nghĩ về công việc tình nguyện, đó là một trong những điều tuyệt vời nhất của xã hội Ý. Các tình nguyện viên… Và bao nhiêu người trong số họ đã thiệt mạng trong đại dịch này. Họ làm điều đó vì tình yêu, đơn giản là để phục vụ. Lòng biết ơn, trước hết đó là dấu hiệu của một nền giáo dục tốt, nhưng đó cũng là đặc điểm của người Kitô hữu. Nó đơn giản nhưng là dấu hiệu chân thực của Nước Thiên Chúa - vương quốc của lòng biết ơn và tình yêu nhưng không.
Xin Mẹ Maria, Đấng đã yêu mến Chúa Giêsu hơn chính cuộc sống mình và đã theo Ngài đến bên Thánh giá, giúp chúng ta luôn biết đặt mình trước Thiên Chúa với trái tim sẵn sàng, để Lời của Ngài phán xét hành vi và lựa chọn của chúng ta.
Nguồn: vaticannews.va/vi