GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (01.07.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận
tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 2232-2233: Đi theo Chúa Giêsu là ơn gọi thứ nhất
của Kitô hữu
2232. Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải
tuyệt đối. Cũng như đứa trẻ tăng trưởng trong sự trưởng thành và sự tự lập về mặt
nhân bản và thiêng liêng, thì cũng vậy, ơn gọi riêng của nó, ơn gọi đến từ
Thiên Chúa, cũng được khẳng định một cách rõ ràng hơn và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải
tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi
đó. Phải xác tín rằng ơn gọi thứ nhất của Kitô hữu là đi theo Chúa Giêsu[1]. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai,
con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37).
2233. Trở thành môn đệ Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi thuộc về
gia đình Thiên Chúa, sống theo cách sống
của Người: “Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh
chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Cha mẹ phải đón nhận và tôn trọng,
với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho một người nào đó trong
số con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống
thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế.
Số 537, 628, 790, 1213, 1226-1228, 1694: Bí tích Rửa
Tội, chết cho chính mình, sống cho Đức Kitô
537. Kitô hữu, nhờ bí tích Rửa Tội, được đồng hoá một cách bí tích
với Chúa Giêsu, Đấng, trong phép rửa của mình, đã tham dự trước vào cái Chết và
sự Sống Lại của mình; họ phải tiến vào mầu nhiệm của sự khiêm tốn quy phục và
thống hối này, bước xuống nước cùng với Chúa Giêsu để cùng với Người bước lên,
và phải được tái sinh bởi nước và Chúa Thánh Thần để trở nên con yêu dấu của
Chúa Cha trong Chúa Con và “sống một đời sống mới” (Rm 6,4):
“Chúng ta hãy
cùng chịu mai táng với Đức Kitô bằng Phép Rửa, để cùng được phục sinh với Người;
hãy cùng bước xuống với Người, để đồng thời cũng được nâng lên; chúng ta hãy
cùng đi lên với Ngươi, để đồng thời cũng được tôn vinh”[2].
“Nhờ những gì
đã được hoàn thành nơi Đức Kitô, chúng ta biết rằng: sau khi chúng ta được tẩy
rửa trong nước và Chúa Thánh Thần từ trời ngự xuống trên chúng ta, thì chúng ta
được xức dầu vinh quang thiên quốc và trở thành con cái Thiên Chúa nhờ có tiếng
của Chúa Cha nhận cho làm nghĩa tử”[3].
“Cùng chịu mai táng với Đức Kitô...”
628. Bí tích Rửa Tội, mà dấu chỉ nguyên thuỷ và đầy đủ của bí tích
này là việc dìm xuống nước, nói lên cách hiệu nghiệm việc Kitô hữu xuống mộ để
người ấy cùng với Đức Kitô chết cho tội lỗi, hầu tiến vào một đời sống mới: “Vì
được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.
Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của
Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4)[4].
“Một Thân Thể duy nhất”
790. Khi đáp lại Lời Thiên Chúa và trở nên chi thể của Thân Thể Đức
Kitô, các tín hữu được kết hợp mật thiết với Đức Kitô: “Trong thân thể đó, sự sống
của Đức Kitô được truyền thông cho các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã
được kết hợp một cách bí nhiệm và thật sự với Đức Kitô chịu nạn và được tôn
vinh”[5]. Điều này đặc biệt là thật đối
với bí tích Rửa Tội, nhờ bí tích này chúng ta được kết hợp với cái Chết và sự Sống
lại của Đức Kitô[6], và đối với bí tích Thánh Thể,
nhờ bí tích này “khi chúng ta được tham dự thật sự vào Thân Thể của Chúa, chúng
ta được nâng lên đến sự hiệp thông với Người và với nhau”[7].
1213. Bí tích Rửa Tội là nền tảng của toàn bộ đời sống Kitô hữu, là
cổng vào đời sống thiêng liêng, và là
cửa mở ra để lãnh nhận các bí tích khác. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được giải
thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con cái Thiên Chúa, được trở thành chi
thể của Đức Kitô, được tháp nhập vào Hội Thánh và được tham dự sứ vụ của Hội
Thánh[8]: “Có thể định nghĩa một cách
đúng đắn và thích hợp rằng bí tích Rửa Tội là bí tích tái sinh chúng ta bởi nước
trong Lời Chúa”[9].
Bí tích Rửa Tội trong Hội Thánh
1226. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa
Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của
ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu
Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv
2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho
những ai tin vào Chúa Giêsu: những người Do Thái, những người kính sợ Thiên
Chúa và những người ngoại giáo[10]. Bí tích Rửa Tội luôn gắn
liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở
Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình
thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà”
(Cv 16,31-33).
1227. Theo thánh Phaolô Tông Đồ, nhờ bí tích Rửa Tội, tín hữu được
hiệp thông vào sự chết của Đức Kitô; họ được mai táng và sống lại với Người:
“Khi chúng ta
được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm
vào trong cái chết của Người. Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng
ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ
cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một
đời sống mới” (Rm 6,3-4)[11].
Những người chịu Phép Rửa đã “mặc
lấy Đức Kitô”[12]. Nhờ Chúa Thánh Thần, bí
tích Rửa Tội là Phép Rửa để thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa[13].
1228. Như vậy, bí tích Rửa Tội là Phép Rửa bằng nước nhờ đó “hạt giống
bất hoại” của Lời Chúa đem lại hiệu quả của nó là ban sự sống[14]. Thánh Augustinô nói về bí
tích Rửa Tội: “Lời liên kết với một yếu tố vật chất và nó trở thành một bí
tích”[15].
1694. Được tháp nhập vào Đức
Kitô[16] nhờ Phép Rửa, các Kitô hữu
đã chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu[17], và như vậy họ được tham dự
vào sự sống của Đấng Phục Sinh[18]. Khi bước theo Đức Kitô và
kết hợp với Người[19], các Kitô hữu có thể cố gắng
bắt chước Thiên Chúa, như những người con rất yêu dấu và bước đi trong tình yêu[20], bằng việc uốn nắn các ý
nghĩ, lời nói và hành động của mình, sao cho họ có nơi mình tâm tư như đã có
trong Đức Kitô Giêsu[21] và sống theo gương Người[22].
Số 1987: Ân sủng làm cho chúng ta nên công chính nhờ
đức tin và bí tích Rửa Tội
1987. Ân sủng của Chúa Thánh Thần có sức mạnh công chính hóa chúng
ta, nghĩa là, rửa chúng ta sạch tội lỗi, và truyền thông cho chúng ta sự công
chính của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô[23]
và nhờ bí tích Rửa Tội[24]:
“Nếu chúng ta
đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của
chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết,
thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người.
Người đã chết là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là
song cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi,
nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6, 8-11).
Bài Ðọc I: 2 V 4, 8-11. 14-16a
"Người đến trọ nhà mình, là một vị thánh của Thiên Chúa".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua
miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa. Và từ đấy, mỗi
khi ông đi ngang qua đó, ông đều đến nhà bà dùng bữa. Bà nói với chồng bà rằng:
"Tôi biết rằng người thường trọ nhà mình là một vị thánh của Thiên Chúa. Vậy
chúng ta hãy làm cho ông một căn phòng trên lầu, và đặt trong căn phòng đó một
cái giường, một cái bàn, một cái ghế, và một cây đèn, để mỗi khi đến, ông ở
đó".
Một ngày nọ Êlisê đến, ông lên
căn phòng trên lầu và nghỉ tại đó. Ông nói (với Giêzê, tiểu đồng của ông):
"Bà muốn chúng ta làm gì cho bà?" Giêzê nói rằng: "Thầy khỏi hỏi,
bà ấy không có con, và chồng bà đã già". Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà
liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: "Năm tới cũng vào thời kỳ
này, bà sẽ bồng bế một bé trai".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 16-17. 18-19
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời (c. 2a).
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình
thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ miệng con loan truyền lòng trung
thành Chúa. Vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời";
trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời (c. 2a).
2) Phúc thay dân tộc biết hân
hoan, lạy Chúa, họ tiến thân trong ánh sáng nhan Ngài. Họ luôn luôn mừng rỡ vì
danh Chúa, và tự hào vì đức công minh Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời (c. 2a).
3) Vì Chúa là vinh quang quyền
năng của họ; nhờ ân huệ Chúa, uy quyền của chúng tôi được suy tôn. Bởi chưng
khiên thuẫn chúng tôi là của Chúa, và vua chúng tôi thuộc về Ðấng Thánh của
Israel.
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới
muôn đời (c. 2a).
Bài Ðọc II: Rm 6, 3-4. 8-11
"Chúng ta chịu mai táng với Ngài nhờ phép rửa, chúng ta phải sống
đời sống mới".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tất cả chúng ta
đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người.
Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi vì được thanh tẩy trong sự chết
của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết
thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Mà nếu chúng ta
đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng: chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người,
vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết
không còn làm chủ được Người nữa. Người đã chết, tức là chết một lần dứt khoát
đối với tội lỗi, mà khi Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Cả anh em cũng thế,
anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa,
trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống; không ai đến được với Cha mà
không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10, 37-42
"Kẻ nào không mang lấy thập giá, thì không xứng đáng với Thầy; kẻ
nào tiếp đón các con, là tiếp đón Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
tông đồ rằng: "Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy,
và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ
nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy,
thì sẽ tìm lại được nó.
"Kẻ nào đón tiếp các con là
đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào
đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của
tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính,
thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người
bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả
thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu".
Ðó là lời Chúa.