Mẹ Maria lên đường đến với người chị họ của mình, bà Êlisabét, sau khi được Tổng lãnh thiên thần Gabriel cho biết về tình trạng diễm phúc của bà Êlisabét. Chuyến viếng thăm của Mẹ Maria không hề dễ dàng. Mẹ Maria đang trong giai đoạn đầu tiên của thai kỳ; bà Êlisabét đang trong giai đoạn cuối. Từ Nazarét đến Ein-Karem, ở “miền núi, một thành thuộc chi tộc Giuđa” (Lc 1: 39), khoảng 150 cây số. Khoảng cách đó là khoảng 150 cây số nếu đi bộ hoặc cưỡi một con vật, ví dụ như cưỡi lừa. Dù cách nào đi nữa, đó là một chuyến đi kéo dài nhiều ngày và Mẹ Maria đã “vội vã”. Có lẽ là ngay sau cuộc Truyền tin, vì Luca kể với chúng ta rằng Mẹ Maria đã ở lại với bà Êlisabét “khoảng ba tháng”. Theo truyền thống, chúng ta kỷ niệm Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả vào ngày 24 tháng 6, nên việc khởi hành của Mẹ Maria đến Ein-Karem phải thực hiện vội vã.

Ngày nay, một con lừa trung bình di chuyển 25-40 cây số một ngày, khiến hành trình của Mẹ Maria kéo dài từ bốn đến sáu ngày. Mẹ sẽ lặp lại hành trình đó ở cuối thai kỳ, khi có “chiếu chỉ từ hoàng đế Xêda Augúttô” (Lc 2:1).

Tại sao Mẹ Maria lại đi? Những cuốn sách suy niệm Công giáo sẽ nói về “tình yêu thương người lân cận” và điều đó là đúng. Trong thời cổ đại, và không chỉ thời cổ đại, những người phụ nữ trong cùng một gia tộc đông người sẽ giúp đỡ một “người bà con” đang mang thai. Hẳn là có một lý do lớn lao hơn nữa để làm việc gì đó trong trường hợp của bà Êlisabét. Bà đã lớn tuổi, điều này sẽ làm tăng khả năng xảy ra biến chứng trong thai kỳ và khi sinh nở. Và khi nhìn thấy những gì Chúa đã làm cho bà Êlisabét - ban cho bà một đứa con, vì nếu không như thế thì bà và ông Dacaria có thể đã từ bỏ hy vọng – chắc chắn Mẹ Maria hẳn cảm thấy một sự giống nhau về mặt tinh thần giữa hoàn cảnh của bà Êlisabét và hoàn cảnh của chính Mẹ.

Vì vậy, Mẹ Maria đã đến “đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa

(Lc 1: 39). Và khi đến nơi, Mẹ chào bà Êlisabét. Và lúc đó một số điều kỳ diệu đã xảy ra.

Sách Tin Mừng nói rằng bà Êlisabét đã “được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1: 41) và rõ ràng, đứa con trai trong lòng bà cũng được đầy tràn Thánh Thần như vậy. Hãy nhớ rằng, Thánh Thần đã “ngự xuống trên” Mẹ Maria (Lc 1:35), dẫn đến việc thụ thai Chúa Giêsu, vì vậy rõ ràng là Thiên Chúa đã can dự rất nhiều vào cuộc gặp gỡ này. Lời chào của bà Êlisabét rất khác thường. Không phải là “Chào Miriam, con gái của Gioakim! Mừng em đã đến!” mà là “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:42).

Bà Êlisabét đã trao cho chúng ta những lời chúng ta vẫn đọc trong Kinh Mân Côi.

Bây giờ, người ta thường nói hoa mỹ về việc mang thai như một “tình trạng được chúc phúc”, nhưng lời chào của bà Êlisabét còn hơn thế nữa. Mẹ Maria “được chúc phúc… hơn mọi người phụ nữ”, ám chỉ đến sự đặc biệt của Mẹ, cũng như Con của Mẹ.

Bà Êlisabét tiếp tục: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1: 43).

Bà Êlisabét lớn tuổi hơn Mẹ Maria rất nhiều. Trong các nền văn hóa Sêmít truyền thống, người trẻ phụ thuộc vào người cao tuổi, chứ không phải ngược lại. Những lời của bà Êlisabét hẳn là không bình thường. Những lời đó nói lên sự khiêm nhường. Biết được truyền thống giúp nhau trong họ hàng đông người của phụ nữ, bà Êlisabét, giống như Mẹ Maria trong cuộc Truyền tin, toát lên sự khiêm nhường: mặc dù Mẹ Maria đến để giúp đỡ bà, bà vẫn được vinh dự bởi sự hiện diện của Mẹ.

Và sự hiện diện của Con của Mẹ. Rõ ràng, trong cả hai trường hợp, bà Êlisabét – Thánh Gioan và Mẹ Maria - Chúa Giêsu, mẹ và con được nhìn nhận trong mối tương quan không thể chia cắt. Điều đó trái ngược với ngày nay như thế nào?

Thật vậy, “vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1: 44). Bây giờ, một đứa trẻ trong giai đoạn cuối của thai kỳ cựa quậy: “sự máy động” đã xảy ra từ lâu. Nhưng người mẹ giải thích đứa trẻ này đã “nhảy lên vui sướng” (Lc 1: 44) trong một hoàn cảnh cụ thể.

Đặc biệt là khi “được đầy tràn Thánh Thần”.

Và, nhân tiện, từ “đứa trẻ” mà bà Êlisabét dùng là βρεφος - brephos - cũng chính là từ mà Tin Mừng dùng để chỉ một đứa trẻ sau khi sinh, ví dụ, khi sáu tháng sau, Mẹ Maria sẽ “bọc trẻ sơ sinh trong tã” (Lc 2:12).

Mẹ Maria đáp lại lời chào của bà Êlisabét, không phải bằng một lời “cảm ơn” mà bằng bài thánh ca Magnificat tuyệt đẹp của Mẹ, qui hướng tất cả về Thiên Chúa. Thiên Chúa không đặt Mẹ vào một “một tình huống vô cùng khó khăn” - “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ của tôi” (Lc 1: 46-47). Mẹ Maria không có cảm giác tự phụ, nhưng Mẹ có cảm thức về sự thật và hiện thực: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1: 48).

Sự tôn trọng như vậy đối với “người hèn mọn” là cung cách của Thiên Chúa. Ba lần nữa trong bài thánh ca Magnificat, Mẹ Maria nhấn mạnh sự chăm lo của Thiên Chúa đối với những người có tinh thần hiền lành và nghèo khó. Thiên Chúa “hạ bệ những ai quyền thế, Ngài nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 2:52). Ngài nuôi dưỡng những người đói khát nhưng lại “đuổi những người giàu có về tay trắng” (Lc 1: 53). Ngài cho thấy cánh tay hùng mạnh của mình bằng cách xua đuổi những kẻ kiêu ngạo.

Không một điều tuyệt vời nào trong những điều tuyệt vời này là việc làm của riêng Mẹ; mọi điều tốt lành của chúng ta đều là công việc của Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 2: 49). Nhưng hãy để ý đến sự khiêm nhường của Mẹ: ở đây Mẹ không gọi trực tiếp Chúa là “Chúa”, nhưng Mẹ thừa nhận chỉ có quyền năng vô biên của Thiên Chúa mới có thể giải thích cho hoàn cảnh của Mẹ.

Nhưng quyền năng của Thiên Chúa không phải là sức mạnh thô bạo: đó là lòng thương xót, và lòng thương xót của Thiên Chúa nhằm mục đích cứu rỗi. “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Ngài” (Lc 2: 50) chứ không phải những ai lạm dụng Ngài hay lạm dụng lòng thương xót của Ngài. Ngài đã giúp đỡ Israel, “nhớ lại lòng thương xót của Ngài” (Lc 2: 55). Và điều đó không phải là chuyện trong chốc lát. Mẹ Maria cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của khoảnh khắc đó: những gì Thiên Chúa đã làm là một phần của bức tranh lớn hơn về sự can dự của Ngài với dân Ngài, với lời “hứa cùng cha ông chúng ta” (Lc 2: 55) và điều đó có mục đích kéo dài “đến muôn đời” (Lc 2: 55).

Mặc dù “Đấng Toàn Năng đã làm những điều vĩ đại cho” Mẹ Maria, những điều đã thay đổi sâu sắc cuộc sống của Mẹ và thế giới, nhưng Mẹ Maria không tập trung vào bản thân Mẹ mà vào người khác. Mẹ đến giúp đỡ người chị họ của mình. Mẹ luôn sẵn sàng.

Chúng ta có luôn sẵn sàng không? Chúng ta có sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của những người cầu xin chúng ta, đặc biệt là những người trong chính gia đình chúng ta không? Thế giới hiện đại của chúng ta đang chết dần vì “sự cô đơn”. Liệu chúng ta có đứng dậy và thực hiện chuyến đi kéo dài bốn đến sáu ngày trên lưng một con vật thồ để giúp đỡ ai đó không? Hay chúng ta sẽ giống như người chủ nhà mà Chúa Giêsu nói đến trong dụ ngôn, không buồn đứng dậy và cho người hàng xóm một ổ bánh mì nhưng cuối cùng, đã nhượng bộ chỉ vì sự kiên trì của người hàng xóm? (Luca 11:5-8, cùng chương mà Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ của Ngài “Kinh Lạy Cha” mà chúng ta vẫn đọc.)

Chúng ta có nhận ra người khác đang gặp khó khăn không? Trong thời đại của chúng ta, có lẽ không có ai gặp khó khăn hơn đứa trẻ trong cung lòng người mẹ, đứa trẻ mà khi người ta hợp pháp hóa việc phá thai thì người ta sẵn sàng loại bỏ nó khỏi sự bảo vệ của pháp luật. Giống như bà Êlisabét, chúng ta có nhận thấy đứa con trong cung lòng cũng là đứa trẻ sơ sinh - brephos – và chính là công trình của Thiên Chúa không? Bởi vì, khi bà Êlisabét được “đầy Thánh Thần” để lên tiếng về phản ứng của Con mình, thì mọi đứa trẻ đều được Thánh Thần chạm đến, với sự thật đơn giản là đứa trẻ đó hiện hữu, dù là trai hay gái. Rốt cuộc, không cha mẹ phàm nhân nào có thể tạo ra một linh hồn: chỉ có Thiên Chúa mới có thể. Và, mỗi Chúa Nhật, chúng ta đều lặp lại: “Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Ðấng ban sự sống.”

Mầu nhiện hôm nay được mô tả trong một tác phẩm thời Gothic muộn từ đầu thế kỷ 16 của Hungary. Họa sĩ, giống như Mẹ Maria, đã lu mờ dần vào hậu trường: điều chúng ta biết nhiều nhất về người họa sĩ là tên của ông: “Master MS” vì các chữ cái viết tắt trên tác phẩm.

Master MS, “Cuộc thăm viếng” 1506, Phóng trưng bày Magyar Nemzeti, Budapest (ảnh: Public Domain)

Tôi chọn bức tranh này vì vẻ ngoài “uyển chuyển” và sự dịu dàng của nó. Trang phục của bà Êlisabét và Mẹ Maria “uyển chuyển” - hãy nhìn vào tấm khăn trùm đầu của Mẹ Maria. Tấm khăn trùm đầu đó thể hiện trực quan những gì Tin Mừng nói với chúng ta: Mẹ Maria “vội vã”. Mẹ Maria không thể chờ đợi để lên đường giúp bà Êlisabét. Tấm khăn trùm đầu đó cũng kết hợp sự dịu dàng: bà Êlisabét chào đón cả hai vị khách của mình, không phải bằng lời nói mà bằng cử chỉ: bà nắm lấy và hôn tay Mẹ Maria trong khi đặt tay kia lên bụng Mẹ Maria, lên Chúa Giêsu. Tôi cũng đặc biệt thích bức tranh này vì nó có một chi tiết tuy nhỏ nhưng lại đậm tính lịch sử: bên phải, ở phía xa, là hai bóng người rất nhỏ đang tiếp tục làm những công việc thường nhật của họ. Đó hẳn là những gì đã diễn ra vào ngày hôm đó: trong khi hai người phụ nữ và những đứa con quan trọng của họ gặp nhau, phần còn lại của trần thế vẫn tiếp tục công việc thường ngày của mình.

Vùng nông thôn gồ ghề gợi cho chúng ta nhớ đến “vùng đồi núi Giuđêa”. Như lời bình luận của Phòng trưng bày nghệ thuật Hungary đã lưu ý, bức tranh này cũng khác thường, vì hầu hết các mô tả về Cuộc viếng thăm đều diễn ra tại nhà hoặc gần nhà bà Êlisabét. Tin Mừng xác định cuộc trò chuyện chào hỏi của họ diễn ra tại đó. Khi sắp đặt cuộc gặp gỡ ở nơi thoáng đãng, Master MS cũng cố gắng đặt toàn bộ trọng tâm vào các nhân vật chính, trong khi đặt trọng tâm đó phù hợp với những người thời đại chúng ta ở phía sau. Nhiều mô tả về Cuộc viếng thăm thường cho thấy những người khác trong đoàn tùy tùng của Mẹ Maria và bà Êlisabét, điều này không đúng như thực tế với một cô gái nghèo quê ở Nadarét và cũng có thể là không đúng với bà Êlisabét, vợ của một tư tế.

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Từ: ncregister.com (30/5/2024)