KIÊNG LỄ - MỘT TRUYỀN THỐNG CỦA MÙA
CHAY ?
Tác giả: R. Jared Staudt
Hướng Dương chuyển ngữ từ buildingcatholicculture.com
Khi người Công giáo trên khắp thế giới đối mặt với việc đóng cửa Nhà Thờ,
thì Mùa Chay của chúng ta đã thay đổi. Chúng ta nghĩ về Mùa Chay như một thời
gian từ bỏ những điều xấu và đi sâu hơn vào đời sống cầu nguyện. Do đó, việc
không tham dự Thánh Lễ [kiêng Lễ] dường như không phù hợp với ý hướng này,
nhưng thực sự nó đã có một lịch sử lâu đời trong Giáo Hội.
Cho đến ngày nay, Mùa Phụng Vụ theo nghi lễ Phương Tây (Rôma) có hai ngày
không cần cử hành Thánh Lễ: Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy Tuần Thánh (ít nhất
là không có bản văn Thánh Lễ riêng biệt cho hai ngày này trước Lễ Đêm Vọng Phục
Sinh). Điều này cũng phản ánh một truyền thống lâu đời hơn của việc không cử
hành Thánh Lễ các ngày trong tuần của Mùa Chay (hoặc giới hạn Thánh Lễ vào một
số ngày nhất định trong tuần), đây là một tập tục được gìn giữ trong một số
nghi thức của Giáo hội Phương Đông.
Điều đó dường như là phi lý khi kiêng khem những điều tuyệt hảo mà chúng
ta có trong thế gian; nhưng đôi khi chúng ta phải hy sinh một điều gì đó, để
tái ý thức về nó một cách sâu sắc hơn. Đức Hồng Y Josef Ratzinger (Đức Nguyên
Giáo Hoàng Bênêđictô XVI hiện nay) suy niệm về quyết định tự mình “không Rước Lễ”
của Thánh Augustinô vào cuối đời để thực hiện một sự sám hối sâu sắc hơn. Ngài
suy niệm việc kiêng Thánh Thể có thể dẫn đến sự đổi mới như thế nào:
“Há chúng ta
không thường xuyên đón rước Thánh Thể một cách hững hờ quá hay sao? Há loại
chay tịnh thiêng liêng này không phải là để giúp chúng ta, thậm chí là cần thiết,
để làm sâu sắc và đổi mới mối tương quan của chúng ta với Mình Thánh Chúa Kitô
hay sao?
Giáo Hội thời xưa
đã biểu lộ một cách sâu sắc việc thực hành này. Thật vậy, kể từ thời các Tông Đồ,
việc kiêng đón rước Thánh Thể vào Thứ Sáu Tuần Thánh là một phần trong sự hiệp
thông thiêng liêng của Giáo Hội. Sự từ bỏ Hiệp Lễ vào một trong những ngày cực
thánh trong năm của Giáo Hội, là một cách thức rất đặc biệt, để thông phần vào
cuộc khổ nạn của Chúa; đó là nỗi buồn sầu của cô dâu khi mất chàng rể (x. Mc
2,20).
Ngày hôm nay
cũng vậy, tôi thiết nghĩ, việc kiêng đón rước Thánh Thể, thực sự cần được đón
nhận và đưa vào cách nghiêm túc, có thể rất ý nghĩa trong những dịp được xem
xét cẩn thận, chẳng hạn như những ngày sám hối – và tại sao không giới thiệu lại
việc thực hành này vào Thứ Sáu Tuần Thánh?
Điều đó đặc biệt
thích hợp trong các Thánh Lễ, nơi có rất đông dân chúng tham dự, khiến không thể
phân phát Thánh Thể cách xứng hợp; quả thật, trong những trường hợp như vậy, việc
từ bỏ Bí tích Thánh Thể diễn tả sự tôn kính và yêu thương hơn là một sự đón rước
mà không tương xứng với ý nghĩa to lớn của những gì đang diễn ra.
Việc kiêng nhịn
kiểu này – tất nhiên nó sẽ phải được mở ra theo sự hướng dẫn của Giáo Hội và
không được tùy tiện – có thể mang lại mối tương quan cá vị sâu sắc với Chúa
trong Bí tích… Đương nhiên, tôi không đề nghị quay trở lại một kiểu của chủ nghĩa
Jansen: việc ăn chay giả định trước việc ăn uống bình thường, cả trong đời sống
thiêng liêng và đời sống sinh học. Nhưng theo thời gian, chúng ta cần một
phương dược để ngăn ngừa chúng ta khỏi rơi vào thói quen đơn thuần, làm nghèo
nàn tất cả các chiều kích tâm linh.
Đôi khi chúng
ta cần đói khát, đói khát về thể xác và tinh thần, để chúng ta có thể làm mới
những ân ban của Chúa và thấu hiểu được nỗi khổ của những người anh em đói khát
của chúng ta. Cả cơn đói tinh thần và thể xác đều có thể là một phương tiện của
tình yêu [1].
Tất nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa một ngày không có Thánh Lễ
(không có Thánh Lễ riêng của chính ngày đó) và một ngày Phụng vụ Rước Lễ –
không có truyền phép nhưng vẫn Hiệp Lễ, dùng những Bánh Lễ từ một Thánh Lễ trước,
nổi bật nhất là vào Thứ Sáu Tuần Thánh.
Một ví dụ về những Ngày không có Thánh Lễ được tìm thấy trong nghi lễ
Ambrôsiô của Milan, theo truyền thống không cử hành Thánh Lễ vào các ngày Thứ
Sáu trong suốt Mùa Chay [2].
Còn truyền thống thứ hai tôi bắt gặp lần đầu tiên ở trường trung học, đó
là việc cử hành Phụng vụ Rước Lễ trong nghi lễ Byzantine suốt cả Mùa Chay. Các
việc Phụng vụ này, chủ yếu xuất hiện vào các tối Thứ Tư và Thứ Sáu, có nhiều điểm
tương đồng với các nghi lễ của những Buổi Canh Thức, và được cử hành với ánh
sáng lờ mờ, mang tính cách mờ ảo và huyền bí: việc hát các Thánh Vịnh, hương
khói quyện bay trên ánh sáng ngọn nến, và những lần thờ lạy trang nghiêm, kèm
theo lời cầu nguyện của thánh Ephrem người Syria:
(Lần sụp lạy thứ nhất) – Lạy Chúa, Đấng là Chủ cuộc đời con, xin đừng để
con bị tiêm nhiễm tinh thần lười biếng và tò mò xét đoán, tinh thần tham vọng
và buôn chuyện hão huyền.
(Lần sụp lạy thứ hai) – Thay vào đó, xin hãy ban cho con – người tôi tớ của
Ngài, tinh thần trong sạch và khiêm nhường, tinh thần kiên nhẫn và tình yêu người
lân cận.
(Lần sụp lạy thứ ba) – Lạy Chúa là Vua, xin ban cho con ân sủng để ý thức
về tội lỗi của mình và không nghĩ xấu về những người anh em con. Chúc tụng Ngài
từ bây giờ và cho đến muôn muôn đời.
Mặc dù bây giờ chủ yếu được tổ chức ở Phương Đông, các nghi lễ này khẳng
định nguồn gốc của chúng từ một nhân vật phụng vụ vĩ đại là thánh Grêgôriô Cả
giáo hoàng. Tuy nhiên, sự kết nối này có thể chỉ đơn giản bắt nguồn từ sự diễn
tả mà ngài đã viết về Phụng vụ Rước Lễ trong khi làm đại sứ cho Constantinople.
Bằng cách nào, cả Đông Phương và Tây Phương đều chia sẻ truyền thống này, cho
dù là chỉ vào Thứ Sáu Tuần Thánh hay trong suốt Mùa Chay.
Một số tín hữu cũng đã thực hiện truyền thống Missa sicca [Lễ khô – lễ vắn: nghi thức ngắn không có Lễ quy], được bảo tồn chủ yếu bởi những người Carthusian, đòi hỏi phải đọc những lời nguyện của Thánh Lễ (trừ những kinh nguyện Thánh Thể) khi Thánh Lễ không được cử hành (hoặc ngoài Thánh Lễ).
Bây giờ tất cả chúng ta đều thấy mình đang thực hiện việc đền tội ngoài ý
muốn đối với Thánh Thể. Chúa Kitô ở
trong mộ đá, không chỉ ba ngày, mà bây giờ trong thời gian dài, xa cách khỏi sự
thân mật thể lý với các môn đệ của Ngài. Bị tước mất sự gần gũi bí tích với
Chúa Giêsu, chúng ta phải đối mặt với một đêm tối thiêng liêng, một điều mà thực
sự có thể truyền cảm hứng sâu sắc hơn cho tình yêu và lòng mộ đạo. Việc kiêng
rước lễ này có thể trở thành sự hy sinh cao cả nhất của tất cả mọi người. Nếu
chúng ta hiến dâng nó như một sự hy sinh tự nguyện, sự thiếu vắng này, biến
thành một hành động của tình yêu, cũng có thể mang lại một hoa quả tốt nhất cho
tất cả mọi người.
Nguồn: Truyền thông HĐGMVN
[1] Joseph Ratzinger, Behold the Pierced One, pp. 97-98