Shutterstock
KHIÊM TỐN CÓ PHẢI LÀ ĐỨC TÍNH SỐNG TRONG BÓNG TỐI KHÔNG?
Tác giả:
Linh mục Alain Bandelier
Chuyển ngữ:
Phêrô Phạm Văn Trung
Từ: aleteia.org (9.11.2020)
WHĐ (16.2.2021) - Khiêm tốn không phải là hạ thấp bản thân mà
đúng hơn là mở lòng ra.
Khiêm tốn thực sự là gì? Làm
thế nào chúng ta có thể trả lời một câu hỏi lớn như vậy trong một vài từ? Hơn nữa,
sự khiêm tốn không phải được xem xét qua lời nói, mà là qua cách sống – thậm
chí còn nhờ vào ân sủng. Khó khăn là gấp đôi. Một mặt, theo Truyền thống, khiêm
tốn là đức tính đầu tiên trong các đức tính và là cửa ngõ dẫn vào đời sống tâm
linh. Và, giống như tất cả mọi điều khác, cách bắt đầu khiêm nhường thì khó diễn
tả hơn là khi đã đạt đến kết quả mong muốn. Mặt khác, thật không dễ dàng để làm sáng tỏ một nhân đức, đặc biệt là với một
nhân đức vẫn còn trong bóng tối, chưa tỏ lộ. Như câu nói đùa: "Không
ai khiêm tốn hơn tôi!"
Khiêm nhường không phải là hạ thấp bản thân mình, đúng hơn là
mở lòng ra với người khác.
Có một điều chắc chắn: trái
ngược với những gì nhiều người vẫn nói, sự khiêm tốn thực sự không phải là tiêu
cực, mà là tích cực. Sự khiêm tốn không được phép phát sinh từ cảm giác mình là
mọn hèn, không tự lực được hoặc không đáng kể gì, nhưng trước hết, từ sự say
mê. Thiên Chúa quá vĩ đại, cuộc đời thật đẹp, tình yêu thật đáng quý, vượt qua
cả tôi. Do đó, vấn đề không phải là hạ thấp bản thân hơn mà là mở lòng ra. Chắc
chắn có sự xóa mình đi, một sự quên mình; nhưng vấn đề không phải là tự phủ nhận
mình, đó là một sự hoán cải: thay vì sống tập chú vào chính mình, chúng ta học
cách đặt lên hàng đầu những gì vượt lên trên chúng ta: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống
mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Luca 17:33).
Tuy nhiên, cần tránh khiêm tốn
giả tạo như tránh bệnh dịch. Đó là việc làm giảm giá trị bản thân, việc than thở về sự khốn khổ có thật hoặc không
có thật của bản thân, hạ thấp bản thân với hàng ngàn lời trách móc,... những điều
này ngược lại với sự khiêm tốn thực sự. Đôi khi, đó là sự tự vệ và gây chú
ý một cách tinh tế và trá hình. Thông thường đó lại là sự ngụy trang niềm kiêu
hãnh bị dồn nén. Sự tự phê bình có vẻ đạo đức này có thể là một tấm áo choàng
cho những cảm xúc mà bạn có thể không muốn thừa nhận: oán giận vì thất bại,
ganh tị với thành công của người khác, tức giận và thất vọng về những hạn chế.
Thật vậy, toàn bộ nhân cách của một người có thể bị xây dựng trên sự gièm pha,
dẫn đến những trạng thái tâm lý - tinh thần không lành mạnh, là những thứ có thể
là tội lỗi hoặc bệnh hoạn, hoặc cả hai.
Người thực sự khiêm tốn, đúng hơn, là một người tự do.
Họ không có gì để chứng tỏ
mình, không có gì để bào chữa, không có gì để đạt cho bằng được. Họ vui vẻ, chu
đáo và sẵn sàng. Họ cũng can đảm, bởi vì “Tình
yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, tình
yêu thương trọn vẹn đánh tan nỗi sợ hãi” (1Gioan 4:18), cho dù đó là sự
kính sợ Thiên Chúa hay sợ hãi người khác, và tự kiểm điểm là kết quả của điều
đó. Sự khiêm tốn không làm suy giảm tinh thần hoặc làm chai sạn trái tim; trái
lại, điều đó thật cao cả, như Đức Maria đã làm chứng trong Kinh Magnificat của
mình: cô thiếu nữ Nadarét không phải là và không muốn trở thành ai khác ngoài một
người tớ nữ khiêm hạ, đó là lý do tại sao Thiên Chúa có thể làm những điều lớn
lao cho Mẹ và qua Mẹ.
Khiêm tốn đổi mới mối quan hệ của con người
Đối với Thiên Chúa, sự khiêm
nhường giúp phát triển những thái độ làm nền tảng cho mọi sự trưởng thành
thiêng liêng: thờ phụng Đấng không ngừng tạo dựng chúng ta, ngợi khen Đấng
không ngừng yêu thương chúng ta, ăn năn trước Đấng mà chúng ta không ngừng xúc
phạm, im lặng và lắng nghe Đấng không ngừng dạy dỗ chúng ta, vâng phục Đấng mà
chúng ta muốn phục vụ. Trong sâu thẳm, mỗi
khi chúng ta nói “Lạy Chúa”, chúng ta bày tỏ (chúng ta nên bày tỏ) tình yêu
thương khiêm nhường này của con cái đối với Cha, của các môn đệ đối với Thầy, của
người được yêu mến đối với Đấng yêu mến.
Đối với những người khác, sự
khiêm tốn đổi mới mọi mối quan hệ của con người. Sự khiêm tốn cho phép chúng ta
dần dần thoát ra khỏi động lực thông thường của sự ganh đua, so sánh, nghi ngờ,
thất vọng và thao túng đủ loại. Khi đó chiến lược của chúng ta sẽ đơn giản là
trở thành chính mình, không hơn không kém và cho phép người khác là chính họ.
Thánh Phaolô đã nói rất hay: “Đừng làm
chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người
khác hơn mình.” (Philíphê 2: 3); “Anh
em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.”
(Côlôsê 3:12).
Đây là cách chúng ta bước vào
trường học của Chúa Kitô, bởi vì Ngài phán: “Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mátthêu 11:29). Sinh ra trong rơm rạ, chết trên Thập giá, ẩn
mình trong vinh quang, Chúa Kitô mặc khải cho chúng ta sự khiêm hạ của Thiên
Chúa. Quỳ gối trước các môn đệ để rửa chân cho họ, Ngài xác nhận cho chúng
ta ý nghĩa của cõi lòng trong sạch: “Ai
muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người” (Máccô 9:35).