KHI NỖI SỢ HÃI TRỞ THÀNH NIỀM HY VỌNG

Lm. Chỉnh Trần, SJ

WHĐ (25.7.2022) - Đúng vào ngày thành phố mở cửa trở lại (01.10.2021), sau hơn 4 tháng áp dụng biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để đối phó với “làn sóng” Covid-19 thứ 4, ba nhóm tu sĩ tình nguyện chúng tôi thuộc các hội dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, dòng Tên và dòng Phanxicô, được một chiếc xe buýt của hãng Phương Trang đưa đến Bệnh viện dã chiến thu dung Số 12. Đây là bệnh viện nằm trong khu tái định cư Thủ Thiêm, thuộc phường An Khánh, thành phố Thủ Đức.

Kể từ ngày 31/5/2021, khi thành phố quyết định áp dụng Chỉ thị số 15 của Thủ tướng chính phủ, lần đầu tiên chúng tôi có dịp bước ra khỏi cánh cổng của nhà dòng để nhìn thấy phố xá. Nói là mở cửa nhưng nhịp sống của gần 10 triệu người đất Sài Thành vẫn diễn ra khá dè dặt. Không gian đô thị đầy nhộn nhịp của thành phố, vẫn thường rất náo nhiệt và đông đúc, nay khá vắng vẻ giữa trời hè. Đường phố Sài Gòn chỉ lác đác người qua lại trong ngày đầu nới lỏng giãn cách xã hội. Cửa lớn đã mở, nhưng những cánh cửa nhỏ hơn vẫn còn khép chặt vì một lý do duy nhất: Sợ!

“Sợ!”

Cái chết vì Covid thật đáng sợ! Hình ảnh của “thành phố ma” Vũ Hán, Trung Quốc đầu năm 2020 và của các lò thiêu xác bệnh nhân tại Ấn Độ hồi tháng 4 năm 2021 vẫn ám ảnh trong tâm trí bao người dân Việt. Thông tin về ca nhiễm mới, về số ca tử vong tăng lên ồ ạt từng ngày của thành phố như đang nhận chìm, ăn mòn và huỷ hoại tinh thần cũng như thể xác con người. Cái chết vì Covid tại bệnh viện là cái chết đầy cô đơn và cô độc vì chẳng có người thân bên cạnh. Thi thể của người chết chỉ được cuốn vội bởi tấm vải trải giường, rồi được đem đi hỏa táng ngay mà chẳng có bất cứ nghi lễ tôn giáo nào. Thậm chí, người nhà cũng khó mà biết được thi thể người thân sẽ được hỏa táng ở đâu và hũ tro cốt được gửi về gia đình liệu có chắc chắn là của người thân họ hay không. Thế nên, sợ là cảm xúc phổ biến nơi các bệnh nhân.

Mỗi buổi sáng, chúng tôi thăm từng phòng, gọi tên từng bệnh nhân để đo chỉ số SpO2, huyết áp và phát thuốc cho họ. Chúng tôi bắt gặp những khuôn mặt căng thẳng, lo lắng và mệt mỏi... vì đang phải chiến đấu để gìn giữ cái hơi thở của sự sống mà Tạo Hóa đã tặng ban. Chúng tôi cũng gặp thấy những ánh mắt nặng trĩu, bi quan và vô hồn. vì đang mòn mỏi đợi chờ ngày được trở về nhà. Một bác lớn tuổi kể rằng bác đã bị mất ngủ mấy ngày nay vì nhớ nhà. Căn hộ chung cư được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến tuy mới xây và rất khang trang nhưng làm sao khỏa lấp được nỗi sợ cô đơn và thiếu vắng người thân. Một chú trung niên than thở rằng đã vào cách ly gần một tháng rồi mà xét nghiệm vẫn cứ cho kết quả dương tính. Mấy cô cậu học trò cứ thấp thỏm lo lắng tìm cách tham dự các lớp học online. Một số bé trai, bé gái cũng nằng nặc đòi về vì không thể chơi đùa chạy nhảy trong khu cách ly. Cái không gian gò bó của những căn hộ chung cư như chất chồng thêm nỗi sợ cho những “cư dân bất đắc dĩ”…

Gặp gỡ các bệnh nhân và lắng nghe những câu chuyện của họ, chúng tôi cũng đã mang lấy nơi mình nỗi bận tâm và thao thức của họ tự bao giờ. Không còn băn khoăn lo lắng về chuyện bản thân bị nhiễm bệnh, nhưng khuôn mặt của mỗi người chúng tôi lại mang những ưu tư và trăn trở về tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân. Đây cũng chính là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi khi mô tả Giáo hội như “một bệnh viện dã chiến”: “Các bệnh nhân là đối tượng ưu tiên của Giáo hội, của trái tim linh mục, của tất cả tín hữu. Họ không phải là những người bị loại bỏ, nhưng ngược lại, họ được chăm sóc ủi an. Họ là đối tượng sự quan tâm của các Kitô hữu.” (Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô tại buổi Tiếp kiến Chung ngày 28/8/2021)

“Chính Thầy đây, đừng sợ!”

Khi nhóm chúng tôi đến Bệnh viện dã chiến Số 12, một bác sĩ ở đó hỏi tôi: “Các cha, các thầy, các sơ có sợ không?” “Sợ chứ!”, tôi trả lời. Nếu không sợ chúng tôi đã chẳng cần mặc áo bảo hộ kín mít, đeo ba lớp găng tay và bịt khẩu trang chuyên dụng làm gì. Nỗi sợ là có thực. Nỗi sợ ấy có khi góp phần tạo nên những tưởng tượng về nguy cơ nhiễm bệnh, hay có khi làm chúng tôi có chút lo lắng: đến bệnh viện chưa kịp chăm sóc các bệnh nhân mà đã trở thành bệnh nhân để được chăm sóc. Tuy nhiên, điều giúp chúng tôi vượt qua cả nỗi sợ để dấn thân phục vụ chính là sự hiện diện và đồng hành của Chúa Giêsu. “Chính Thầy đây, đừng sợ!” Câu nói này của Chúa Giêsu với các môn đệ giữa phong ba gió bão trên biển hồ Galilê cũng trở thành nguồn động lực cho chúng tôi khi phục vụ giữa tâm dịch.

Chúng tôi luôn khởi đầu ngày mới bằng Thánh Lễ được cử hành đơn sơ trên một bàn thờ được làm bằng... thùng mì tôm. Mọi thứ đậm chất. dã chiến. Chính Chúa Giêsu Thánh Thể đã trở thành nguồn sức sống thiêng liêng cho mọi hoạt động của chúng tôi. Chúng tôi ao ước noi gương Chúa Giêsu, bẻ tấm bánh đời mình để chia sẻ cho tha nhân. Phép lạ hóa bánh ra nhiều chẳng thể xảy ra nếu năm chiếc bánh và hai con cá không được trao vào tay Chúa Giêsu; không được Ngài nâng cao để xin Chúa Cha chúc lành; và không được bẻ ra để trao ban từ tay các môn đệ đến tay của dân chúng. Cũng vậy, nỗi sợ Covid sẽ cứ ám ảnh con người nếu con người không dám mở lòng mình ra để quảng đại trao ban và khiêm nhường lãnh nhận. Cho và nhận, nhận và cho đã tạo nên “phép lạ” nơi những bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID: nỗi sợ hãi từ từ nhường chỗ cho niềm hy vọng.

“Thầy ban bình an của Thầy cho các con”

“Xin cha cho con xưng tội và rước lễ.” Đó là lời tâm sự của một bạn trẻ di dân. Bạn cho biết rằng bạn đã không đi lễ nhiều năm và luôn giấu bố mẹ điều này. Chính thời gian bị cách ly tại bệnh viện dã chiến đã giúp bạn có dịp hồi tâm để trở về với Chúa. Nước mắt lăn dài trên gò má của bạn khi xưng tội với tôi. Có lẽ, đây là giây phút cảm động nhất đối với một linh mục mới chịu chức chưa tròn “thôi nôi” như tôi. Tôi như quên mất cái nóng nực của bộ đồ bảo hộ để cùng với bạn ấy thưởng nếm ơn huệ dịu mát của Thiên Chúa ban cho một mảnh đất tâm hồn khô cằn đã thiếu nước nhiều năm. Vào Chúa nhật, hai ngày sau khi bạn trẻ này xưng tội, tôi vui mừng trao Mình Thánh Chúa cho bạn.

“Bác, cô, chú, anh, chị, em... ngủ được không? Sức khỏe hiện tại thế nào? Ăn có ngon miệng không? Có cảm, ho, sốt, sổ mũi không?...” là những câu hỏi quen thuộc mà chúng tôi thường hỏi các bệnh nhân mỗi dịp đi thăm và phát thuốc cho họ. Dù chỉ là cuộc trò chuyện, thăm hỏi đơn sơ nhưng nó nhắc chúng tôi về chiều kích liên vị nơi mỗi con người. Để phòng chống dịch Covid, người ta nói nhiều đến chuyện cách ly người bị bệnh, phong toả khu vực nhiễm bệnh, và giãn cách xã hội. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là tình người phải được san sẻ, tình liên đới phải được chung chia. Những câu thăm hỏi, những lời động viên hay những cử chỉ an ủi từ các y bác sĩ, nhân viên y tế và tình nguyện viên đã trở thành những “liều thuốc tinh thần” mang lại sự lạc quan và niềm hy vọng cho các bệnh nhân. Đặc biệt, chúng tôi nhận ra rằng Chúa Kitô không ở đâu xa, nhưng ở ngay bên cạnh chúng tôi. Qua những cuộc gặp gỡ, chúng tôi nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Kitô nơi các bệnh nhân. Nhờ thế, họ không còn là những con người xa lạ nữa nhưng là anh chị em, là người thân của chúng tôi. Chăm sóc bệnh nhân không còn là bổn phận thuần tuý nữa, nhưng là dịp để chúng tôi được sống trong sự hiện diện thiêng liêng của Chúa Kitô nơi các bệnh nhân, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chia sẻ trong buổi Tiếp kiến Chung ngày 28/8/2021: “Trong những vết thương của người bệnh, trong những căn bệnh, cản trở của cuộc sống, luôn có sự hiện diện của Chúa Giêsu, vết thương của Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu kêu gọi mỗi chúng ta chăm sóc họ, hỗ trợ họ, chữa lành cho họ.”

Khi đôi mắt mở ra để nhìn thấy nhu cầu của tha nhân, khi trái tim “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của người thân cận, và khi đôi tay vươn ra để phục vụ, nỗi sợ hãi sẽ bị thay thế bằng niềm hy vọng. Tôi thầm tạ ơn Chúa đã cho tôi dám bước ra khỏi “vỏ ốc an toàn” của bản thân để có một chuyến đi đến vùng ngoại biên, để ở đó tôi được ra khỏi “cái tôi” mà hướng về “cái chúng ta”, để được gặp gỡ tha nhân bằng tình yêu của Chúa, và để cùng họ bước ra khỏi nỗi sợ hãi mà buông mình vào vòng tay yêu thương của Chúa. Một tháng tình nguyện trôi qua thật nhanh. Ngày đầu tiên khi mới đến, mỗi buổi tối, tôi thường nhìn về các tòa nhà được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến. Hầu như các căn hộ đều sáng đèn, nghĩa là lượng bệnh nhân rất nhiều. Thế rồi ngày qua ngày, đèn ở các căn hộ tắt dần. Đó là dấu hiệu nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh. Khi ánh đèn của căn hộ chung cư này tắt đi, thì ánh đèn nơi căn hộ các gia đình lại sáng lên. Bóng tối của sợ hãi đã bị đẩy lui bởi ánh sáng của niềm hy vọng về một tương lai: Thành phố rồi sẽ hồi sinh.

* Nhóm tình nguyện Công giáo Bệnh viện dã chiến Số 12 gồm: 1 linh mục thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn, 1 linh mục Dòng Tên, 1 thầy dòng Tên, 5 sơ dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, và 7 thầy dòng Phanxicô phục vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung Số 12 từ ngày 1/10 - 1/11/2021. Những chia sẻ trên đây không phải chỉ là cảm nghiệm của riêng tôi nhưng còn là những tâm tình mà tôi có dịp được nghe từ anh chị em linh mục-tu sĩ cùng nhóm.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 128 (Tháng 3 & 4 năm 2022)