KỂ CHUYỆN, LOẠI HÌNH VĂN HÓA HỮU HIỆU ĐỂ CHUYỂN
TẢI ĐỨC TIN
Têrêsa Dục Thúy
WHĐ (30.5.2021) – Thầy nhắn chúng ta, “Điều
Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, hãy nói ra giữa ban ngày và điều anh em nghe rỉ
tai, hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10, 27). Nghĩa là, “không có truyền giáo
đích thực nếu không rao giảng công khai về Đức Giêsu là Thiên Chúa” (Tông Huấn Ecclesia in Asia, 19) và sứ vụ
truyền giáo “còn có những lãnh vực và hình thái khác: làm chứng, đối thoại, rao
giảng, dạy giáo lý...” (EA 23). Lắng nghe Liên Hội đồng Giám mục Á châu, chúng
ta chọn “kể chuyện”, làm loại hình văn hóa hữu hiệu để chuyển tải đức tin cho
nhau.
1. Lược nét phương pháp “kể chuyện Chúa
Giêsu”
Trong những con đường chuyển tải đức tin
cho các anh chị em mình, có một nẻo đi giữa các xóm thôn làng mạc, phố thị được
Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) chọn lựa và giới thiệu với các Giáo hội địa
phương tại Á châu, gọi là Kể Chuyện Chúa
Giêsu (chủ đề Hội nghị Á châu năm 1999 tại Bangkok, Thái Lan). Chuyện kể về
Chúa Giêsu là một chuyện tình, tình Cha Con, tình anh em, tình thầy trò. Chuyện
tình ở đâu, bao giờ cũng chẳng cũ nhưng luôn mới mẻ, không chỉ hấp dẫn cảm xúc,
tình cảm nhưng lay động cả vùng kiến thức, trí tuệ và còn lôi kéo ý chí, để dấu
ấn trong cả tầng sâu tiềm thức, siêu thức. Phương pháp kể chuyện Chúa Giêsu đáp ứng mọi tầng lớp, trình độ hiểu biết của các
anh chị em. Người trí thức thích thú nghe, các bà nội trợ, anh thợ nề, thợ mộc
cũng say sưa theo dõi.
Dĩ nhiên kể chuyện Chúa Giêsu không giản dị là “kể chuyện” về một nhân vật,
một thời nào trong quá khứ, để gợi nhớ chút hương xưa, tìm nét hoài niệm. Nhưng
kể chuyện Chúa Giêsu, chúng ta kể với
ký ức sống động của Giáo hội về Chúa Giêsu. Ký ức không chỉ lưu giữ nhưng còn
thích nghi và chia sẻ. “Tin vào Chúa Thánh Thần và trung thành với ký ức được
truyền lại từ truyền thống Giáo hội toàn cầu, chúng ta đi tái khám phá những lối
kể chuyện cho con người hôm nay” (Telling
the Story of Jesus, tr.138).
Khi kể chuyện Chúa Giêsu, người kể không vận
dụng lý luận để thuyết phục, không nại chứng cứ để hấp dẫn, nhưng giới thiệu một
Thiên Chúa-Người mang dáng dấp người quen, người thân tới gõ cửa xin vào thăm,
vào chơi, làm quen, làm thân. Và chính Siêu
Nhân Vật này sẽ làm chủ mối tương giao ngay từ khởi đầu và tiếp nối tới tầm
xa (Telling the Story of Jesus,
tr.137). “Sứ vụ của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần được coi như câu chuyện riêng
của Thiên Chúa. Thiên Chúa là người kể chuyện” (Cook, tr. 39). “Chúa Thánh Thần
kể chuyện về Chúa Giêsu cho Giáo hội. Thầy
hứa, ‘Chúa Thánh Thần là Đấng An Ủi, Đấng Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ngài sẽ
dạy anh em mọi điều và sẽ giúp anh em nhớ những gì Thầy đã nói với anh em”
(Telling the Story of Jesus, tr. 139)
Kể chuyện không giản dị bằng lời tiếng của
con người nhưng còn bằng kinh nghiệm, sức mạnh đức tin mình đang sống, kể bằng
chính tình thương và hy vọng mình trải nghiệm. “Không thể có con đường khác cho
Giáo hội tại Á châu. Thiếu kinh nghiệm sâu xa về Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, làm
sao tôi có thể kể chuyện thuyết phục về Người như một phần chuyện đời tôi (Telling the Story of Jesus, tr. 137).
Kinh nghiệm của Phaolô (Gal 2, 20) đích thực là nguồn cội của sứ vụ, “Không phải
tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi”. Giáo hội kể chuyện Chúa Giêsu từ
kinh nghiệm của mình. Các Tông Đồ đầu tiên đã cảm nghiệm “ông đã thấy và đã
tin” (Ga 20, 8), điều họ đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chứng kiến và tay đã rờ đến,
về Lời ban sự sống (xem 1Ga 1, 1-4).
Chúng ta nhìn ra, chuyện kể về Chúa Giêsu tối
kỵ những lời sáo rỗng, vô tâm, lạc hồn. Muốn kể chuyện về Thầy với sức thuyết
phục, Đức Gioan Phaolô II, trong bài giảng tại West Bengal, Ấn Độ (04.02.1986),
nhắc Giáo hội cần “hiểu rõ tâm lòng và trí hiểu của người nghe, giá trị và
phong tục của họ, khó khăn và vấn nạn đời họ, ước mơ và hy vọng của họ. Chỉ khi
Giáo hội biết và hiểu những lãnh vực văn hóa khác nhau này, Giáo hội mới có thể
khởi đầu đối thoại với ơn cứu độ...”
2. Kể chuyện Chúa Giêsu qua nhân chứng
Chuyện kể về Chúa Giêsu bước đầu chưa hẳn
phải vào đề ngay câu chuyện lịch sử đời Chúa Giêsu nhưng chính những bác Hai,
chú Tư, cô Năm nào đó hiện thân của Chúa đang sống ngay đây giữa làng xóm,
trong xưởng thợ, nơi công trường có thể chưa lên tiếng ngỏ lời với ai nhưng
cách ăn nếp ở hài hòa với mọi người, đặc biệt lòng bao dung nhân ái của họ đã
là lời kể rất thuyết phục chuyện Chúa Giêsu. Họ là hiện thân Chúa Giêsu và đang
chuyển tải Tin Mừng của Thầy cho anh chị em xung quanh. Họ mãi là nhịp cầu nối
nhịp cho bà con anh chị em mình lắng nghe và đón nhận đức tin. Chuyện kể về
Chúa Giêsu, cách nào đó được kể lại do những chứng từ sống, những hiện thân của
Chúa. Riêng lời kể, con người hôm nay thích nghe nhất là “lời vô thanh”, lời
không thành tiếng, không nên lời, tất cả chỉ là chứng từ, mẫu sống nhưng “chứng
từ về đời sống thánh thiện, ngay lành, thẳng thắn vẫn là câu chuyện hay nhất về
Chúa Giêsu tại Châu Á” (Third Bishops
Institute for Interreligious Affairs, 1982, tr 105).
Giáo hội Á châu và Kitô hữu Việt Nam luôn
nhận thức rõ sứ vụ, hiểu rõ trách nhiệm kể
chuyện Chúa Giêsu cho các anh chị em mình, những người đồng hội đồng thuyền,
cùng xuôi theo một dòng lịch sử, một truyền thống, cùng thấm nhuần những đạo lý
đông phương và cùng vướng mắc những lầm lỗi từ quá khứ sang hiện tại. Kể chuyện
về Thầy, cũng là làm chứng cho Thầy, cho Tin Mừng nhân ái được biết đến và người
kể chuyện cũng là hiện thân của Chúa Giêsu Á châu. Đồng thời chuyện kể sẽ được
kể bằng ngôn ngữ rất riêng của nền văn hóa, kể trong bối cảnh thực của cuộc sống
nhưng kể về Đấng vượt trên thời gian. Như thế người kể chuyện đang sống, kể về
Đấng là sự sống trong nền văn hóa sống động. Chứng từ trong ngôn ngữ, bối cảnh
văn hóa và hoàn cảnh sống có thể đa dạng, nhưng chỉ làm chứng về một Đức Kitô Cứu
Thế, một đức tin, một tình yêu và một niềm hy vọng.
Tông huấn Evangelii Nuntiandi đã đề cao: “Người thời nay sẵn sàng nghe nhân
chứng hơn nghe thầy dậy, và nếu họ nghe thầy dậy, họ đã nghe vì thầy dạy chính
là nhân chứng” (41). Giáo hội cũng nhận ra giá trị chứng từ về Thiên Chúa trong
đời Kitô hữu, ở nhiều nơi, “chứng nhân thầm lặng của đời sống là cách duy nhất
để rao truyền Nước Thiên Chúa tại nhiều vùng Á châu, nơi rao truyền công khai bị
cấm đoán và tự do tôn giáo bị phủ nhận hay cấm cản do cả một hệ thống (EA 23).
Dù sao, “Chứng từ vẫn là câu chuyện hay nhất về Chúa Giêsu tại châu Á (Third Bishops Institute for Interreligious
affairs, 1982, tr 105)
Cuối cùng chúng ta cũng nhìn nhận không hẳn
người kể thuộc một nền văn hóa chỉ kể cho người cùng nền văn hóa, chuyện kể mới
“mùi mẫn?”. Vấn đề là Tin Mừng được hội nhập văn hóa, qua lối nghĩ, cách hành xử,
kiểu diễn tả riêng, không vay mượn, chắp vá rồi thành lời kể, lời tâm thành thấm
thía một nền văn hóa. Và từ những nhân chứng thuộc nhiều nền văn hóa, cùng với
đà tiến chung của xã hội, Giáo hội cũng đang mời gọi tín hữu bước vào thế giới
toàn cầu hóa làm nhân chứng cho Đức Kitô, “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ
loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
3. Nhân chứng toàn cầu hóa về Đức Giêsu
Chúng ta thường thích đề cao văn hóa, nguồn
cội của mình, “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn”. Trở về với
nguồn cội với gốc gác văn hóa của dân mình là thuận hòa êm ả nhất. Nhưng đâu là
nguồn cội Việt cần phải tìm về, đâu là căn tính Kitô hữu Việt Nam cần gìn giữ,
vấn đề rộng dài, xa xôi thăm thẳm đòi chúng ta trăn trở kiếm tìm mãi không
thôi! Thực sự văn hóa là điểm tinh hoa, là cốt cách cao quý của con người, theo
dòng thời gian văn hóa cô đọng thành truyền thống, nề nếp phong tục. Nhưng văn
hóa lại chuyển biến theo dòng lịch sử song hành với cuộc tiến hóa của dân tộc.
Văn hóa không tù túng khép kín “Mình với nhau thôi” nhưng luôn mở ra mênh mông
đón chất chân thiện mỹ từ các tôn giáo và những nền văn hóa khác. Trước đà tiến
của cuộc toàn cầu hóa, Giáo hội vừa kêu gọi các Giáo hội địa phương hội nhập đức
tin vào nền văn hóa bản địa, vừa đòi các Giáo Hội địa phương mở rộng đón các yếu
tố cao quý từ các nền văn hóa khác. Học thuyết xã hội Công giáo cũng kêu mời
các quốc gia, các tổ chức quốc tế sẵn sàng cộng tác với nhau mang lại hòa bình
và phúc lợi chung.
Thực ra cuộc toàn cầu hóa đã manh nha từ rất
lâu. Thomas Friedman sơ phác cuộc toàn cầu hóa thành ba giai đoạn: từ 1492-1800
là giai đoạn toàn cầu hóa các quốc gia, 1800-2000, toàn cầu hóa các công ty và
2000 tới hôm nay là toàn cầu hóa các cá nhân. Riêng trong lãnh vực văn hóa, Hy
Lạp đã có ý tưởng về nền văn hóa thế giới với “cosmopolitan Culture” (từ Hy Lạp
Cosmopolis là đô thị của thế giới. Tiếp theo đó Đường Tơ Lụa xuất hiện. Đến thời
hoàng kim, người Hồi giáo và Do Thái nối kết với nhau buôn bán nông sản, đường,
bông và trao đổi kỹ thuật. Hiện tượng toàn cầu hóa đã đẩy mạnh thương mại, lưu
chuyển hàng hóa nhưng cũng gieo rắc bệnh thời khí, gây lây nhiễm cả những trận
dịch hạch kinh hoàng. Hôm nay cuộc toàn cầu hóa nở rộ về kinh tế, thương mại,
khoa học kỹ thuật nhưng đặc biệt là ngành truyền thông đã đạt mức phát triển lạ
lùng. Mới đây các gia đình thuộc một họ đạo trên một doi đất vùng cực Tây đèo
heo hút gió vẫn được theo dõi lễ Đăng quang của Đức Thánh Cha Phanxicô tại
Roma.
Cuộc toàn cầu hóa thực tế vừa là yếu tố
quan trọng giúp các dân tộc phát triển cuộc sống nói chung, nhưng cũng làm nảy
sinh nhiều rắc rối nhân sinh như quyền tự do, tính công bằng, công ích, hòa
bình thế giới… Học thuyết xã hội của Giáo hội đòi con người và xã hội phải dấn
thân cho lợi ích chung đồng thời cương quyết bảo vệ phẩm cách con người và những
giá trị của Nước Trời. ‘Opus
solidaritatis pax’, ‘Bình an là kết quả của sự liên đới’”. Thật vậy, mục tiêu hoà bình “sẽ chắc chắn đạt được nếu
không những thật sự thi hành công bằng xã hội và quốc tế, mà còn biết thực hành
các nhân đức cổ võ sự đoàn kết, dạy chúng ta sống hợp nhất, cũng như xây dựng một
xã hội mới và một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách vừa cho đi vừa nhận lại” (Học
Thuyết Xã Hội Công giáo c7, 203). Giáo hội xác định, “Không có tổ chức nào của
đời sống xã hội - từ gia đình đến các tập thể xã hội trung gian, các hội, các tổ
chức mang bản chất kinh tế, các thành thị, các khu vực, các quốc gia, cho đến cộng
đồng các dân tộc và các quốc gia - có thể tránh né việc tìm kiếm công ích, vì
đó chính là yếu tố làm nên ý nghĩa và là lý do hiện hữu của các tổ chức ấy”
(HTXHCG c4, 164).
Hôm nay những người con Chúa thuộc những nền
văn hóa, truyền thống khác nhau, tiếp tục kể Chuyện Chúa Giêsu giữa dòng đời qua những phương tiện toàn cầu hóa,
với những tương giao giằng díu đa phương. Chuyện kể về Chúa Giêsu vẫn thế, chuyện
kể bằng chứng từ sống động vẫn là câu chuyện hay nhất về Chúa Giêsu, thế giới
hôm nay rất thích nghe, nhìn.
4. Những mẫu chuyện kể hay là những chứng từ
về Thầy
a. Chứng từ về Ngọn Lửa Thiêng của Bác sĩ Carlo
Urbani
Thầy
chạnh lòng thương, giơ tay chạm vào anh và bảo, “Tôi muốn, anh sạch đi”.
Bình
thường thời của Chúa cũng như hôm nay, người ta rất sợ sờ chạm vào người cùi
nhưng vì tình thương, Thày chẳng ngại. Bác sĩ Carlo Urbani giống Thầy, ông cứ
sát lăn vào với bệnh nhân vì khát mong cứu sống anh chị em mình.
Ngày 26.02.2003, bác sĩ Urbani đại diện WHO
(Tổ Chức Y Tế Thế Giới) đến bệnh viện Việt Pháp tại Hà Nội. Bệnh nhân là ông
Johnny Chen, một thương gia gốc Trung Hoa, đang viêm phổi. Ca bệnh của Johnny
Chen tại Việt Pháp khiến bác sĩ Urbani nghi ngờ về khả năng gây tử vong và lây
nhiễm của giống vi trùng lạ. Bác sĩ Urbani lập tức báo động với Bộ Y Tế Việt
Nam và WHO. Khả năng chuyên môn của bác sĩ Urbani đã giúp hội đồng chẩn đoán
phân biệt giống vi trùng ấy không phải nhóm cúm gia cầm. Đó chính là căn bệnh
SARS, khởi phát từ Hồng Kông, và vào Việt Nam qua mầm bệnh từ một du khách ngoại
quốc (www.who.int).
Những ngày thí nghiệm, khám định, chẩn đoán
ấy đi qua trong hồi hộp. Mọi chuyên viên tiếp cận bệnh nhân được trang bị mọi kỹ
thuật phòng chống lây nhiễm. Riêng bác sĩ Urbani được đồng nghiệp tại bệnh viện
Việt Pháp và cả WHO cho biết ông có quyền rời khỏi Việt Nam.
Từng là chủ tịch tổ chức Bác Sĩ Không Biên
Giới tại Ý (vào thời gian này, 1999, tổ chức bác Sĩ Không Biên Giới nhận giải
Nobel), có tiếng tăm và vị thế, bác sĩ Urbani có thể dễ dàng tìm ra nơi công
tác khác. Nhưng vị bác sĩ gốc Ý bốn mươi sáu tuổi đã từ chối rời khỏi điểm nóng
SARS tại Hà Nội. Ông lý giải với vợ về quyết định của mình: “Nếu anh không thể
làm việc trong những tình huống thế này, anh đến đây làm gì? Chẳng lẽ chỉ để trả
lời email, đi ăn tiệc, rồi ký giấy tờ?” Ông tiếp tục lưu lại Hà Nội, hằng ngày
tiếp xúc gần để khám bệnh và thường xuyên có mặt tại phòng thí nghiệm mong truy
tìm giống vi trùng gây bệnh. Bác sĩ Urbani đã thành công. Ông tìm ra vi trùng
SARS. Nhờ ông, căn bệnh SARS được khoanh vùng và không loạn phát.
Sang tuần đầu tháng 03.2003, bác sĩ Urbani
rời Hà Nội sang Thái Lan dự hội nghị. Vào thời khắc máy bay đáp, Urbani thấy
mình lên cơn sốt. Ông hiểu chuyện gì đang xảy ra. Khi bạn bè và đồng nghiệp đón
ông tại phi trường, ông từ chối bắt tay họ và yêu cầu được cách ly. Ngày 11.03,
ông chính thức nhận chẩn đoán dương tính với vi trùng SARS. Bà Giuliani, vợ
ông, đưa các con sang gặp ông lần cuối để chỉ được nhìn nhau qua tấm kính cách
ly. Bác sĩ Urbani qua đời một tháng một ngày sau lần đầu tiếp xúc với Johnny
Chen!
“Không
ai yêu bạn bằng người liều chết vì bạn (Ga 15,13).
Hôm
nay nhiều nơi trên thế giới đang ngùn ngụt lòng thù hận, nhiều người liều đeo
bom xông vào đám đông, lao vào cả khu trường học, phố chợ cho nổ chết người ta.
Nhiều người sẵn sàng chết vì thù hận, nhưng mấy ai dám liều chết vì tình yêu
như Carlo Urbani!
Urbani chỉ là một trong 80 ca tử vong do
lây nhiễm từ Johnny Chen. Có khác là Urbani biết mình đang đối diện với tử thần
nhưng không chạy trốn. Ông hiểu rõ mình đang trực tiếp chạm chân chạm tay vào
loại vi trùng gây chết người. Tiếp tục chiến đấu tìm ra vi trùng SARS là nét liều
của Tin Mừng, liều mạng mình cứu mạng anh em. Can đảm có mặt nơi thần chết lảng
vảng để khoanh vùng lây nhiễm là nét hùng của kẻ dám bỏ đời mình vì sự sống anh
chị em.
Có phải Urbani đã kể chuyện Đức Kitô và Núi
Sọ bằng quyết định gắn bó với nhóm bác sĩ y tá bệnh viện Việt Pháp? Nếu lo lắng
cho anh em là giúp đỡ chính Thầy. Urbani đã chọn ở lại đến cùng với Thầy trên đồi
Calvê mà không bỏ Thầy trước khi gà gáy sáng.
Thầy
đã ném lửa vào mặt đất và Thầy vẫn ước mong, phải chi ngọn lửa đó đã bùng lên
(xem Lc 12,49). Ngọn lửa tình thân Thầy ném xuống đã bùng lên trong lòng
Urbani, ước mong lửa cũng bùng lên trong lòng anh, trong lòng em, trong lòng chị
chúng ta.
Những năm làm việc tại Hà Nội, Urbani hòa
vào dòng người, cũng lái xe máy, cũng ăn uống quán chợ dọc đường. Ông sinh hoạt
như dân bản xứ. Khoác áo trắng tại Việt Pháp, ông không làm mình khác người với
thánh giá trên ngực. Hòa mình vào văn hóa bản địa khi còn sống như thế, Urbani
đã làm sáng nét Kitô hữu lúc xuôi tay nằm xuống. Vị bác sĩ gốc Ý đã đến Việt
Nam, ngồi cùng anh chị em, ăn uống với họ, và kể chuyện về Thầy bằng lối sống
thấm đẫm Tin Mừng.
Bác sĩ Carlo Urbani được đưa về an táng tại
quê hương Jesi, Ý, do Đức Giám Mục Oscar Serfilippi chủ tế. Câu kết trong chuyện
bác sĩ Urbani kể về Thầy được Đức Gioan Phaolô II viết trong điện văn chia buồn:
bác sĩ Urbani là người “dám chết cho anh chị em bớt những nỗi đau”
(www.zenit.org).
b. Chứng từ Hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Phúc cho ai xây dựng hòa bình vì sẽ được gọi
là con Thiên Chúa” (Mt 5,9)
Suốt
đời, Phanxicô nung nấu khát vọng hòa bình. Để tránh đối kháng với cha mẹ,
Phanxicô đã trần truồng thoát ly gia đình. Sinh vào thời chiến, anh phải nhập
ngũ, nhưng sợ cảnh chém giết, anh đành bỏ quân ngũ. Trong cảnh nhiễu nhương giữa
một vùng Hồi giáo với một nhóm Công giáo, anh chẳng coi những người Hồi giáo là
kẻ thù, cứ đi ngờ ngờ trong lãnh địa Hồi giáo, anh bị bắt và suýt nữa bị thiêu
vì bị buộc tội gián điệp. Anh nói, “Cứ đốt tôi đi, Chúa chứng giám cho tôi, tôi
chẳng làm gián điệp cho ai!” Thấy anh hiền lành, người ta tha cho anh. Lòng hiếu
hòa và hiếu sinh đã thắng. Lòng hiếu sinh, hiếu hòa của anh đã nên lời thành
bài kinh thơ nổi tiếng, “Bài Ca Mặt Trời”. Ở đây Phanxicô chân chất đứng giữa bầu
trời lên giọng ới ời anh mặt trời, anh mặt trăng, anh gió, gọi với trông vời
nàng mây, chị nước. Anh làm như muốn rủ cả vũ trụ thụ tạo ca tụng Thiên Chúa với
anh. Có thể nói Bài Ca Mặt Trời là tiền thân của Kinh Hòa Bình Phanxicô. Thực
ra Kinh Hòa Bình không phải lời kinh của thánh Phanxicô, lời kinh này chỉ xuất
hiện vào Thế Chiến Thứ Nhất. Ai đó đã viết lời Kinh Hòa Bình trên tấm ảnh của
Thánh Phanxicô Assisi và dần dần lời kinh phổ biến khắp nơi. Từ đó lời kinh tự
nhiên được coi là Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô. Dĩ nhiên tác giả có là ai
thì ai biết. Quan trọng là tinh thần hiếu hòa, hiếu sinh của Phanxicô đã được
diễn bày qua lời kinh. Hôm nay Đức Thánh Cha Phanxicô Assisi đã chọn đúng mẫu
hòa bình của thánh Phanxicô làm mẫu của mình. Chúa đã chọn Bergoglio làm mẫu sứ
giả hòa bình của Chúa. Một thứ hòa bình không dễ dãi, không thỏa hiệp với hòa
bình giả tạo nên Chúa đã đòi ngài mua gươm mang đi theo Thầy.
Vào năm 2003 khi bác sĩ Urbani qua đời tại
Thái Lan, có lời đồn về những tài liệu do Hoa Kỳ gửi sang Vatican về Giám mục
Bergoglio. Wikileaks tiết lộ: tên của vị giám mục này xuất hiện trên văn bản
tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Vatican khi Hoa Kỳ muốn vận động hành lang đưa ngài vào
nhiệm vụ đứng đầu Giáo hội Công giáo. Đó là lời đồn đại vô căn cứ nhưng cho
chúng ta liên tưởng tới hai chứng nhân của cùng một thời đại. Một người đã nằm
xuống, Urbani chết cho các bệnh nhân, một người đang còng lưng gánh vác gánh nặng
nền hòa bình của Giáo hội, của thế giới và đang dìu lên, vực dậy những người
nghèo khổ.
Đức Bergoglio trở thành tổng giám mục
Buénos Aires từ năm 1998. Từ trước đó, ngài liên tục có những quyết định và
hành động cho thấy ngài đứng về phía người thấp cổ bé miệng. Đầu tiên là từ chối
sống trong dinh thự riêng dành cho giám mục, không nhận xe riêng do tòa giám mục
cấp. Ngài nhận mũ gậy giám mục và không bỏ lối sống đơn giản: ở chung cư, tự nấu
ăn, thích đi xe đạp. Sau này khi sức yếu đi, ngài chọn xe buýt tìm thăm anh chị
em.
Đất nước Argentina không khác nhiều quê
hương Việt Nam. Có nắng cháy và có biển xanh. Có biệt thự tiền tỷ và có khu ổ
chuột đầy rác. Có đại gia và người nghèo. Có chính quyền và dân chúng. Người ta
có quyền chọn phía mát mẻ giàu sang và giữ khoảng cách xa xa với phía còn lại.
Người ta cũng có quyền chọn đứng chung chung, lấy tiếng trung lưu tránh tiếng
sang, như kiểu trong cái ngõ nho nhỏ có
căn nhà to to. Đức Phanxicô đã chọn, nhưng chọn lựa của ngài đưa ngài đến gần
rất đông những người dân nghèo khó. Chọn ở chung cư là chọn ngủ nghỉ như phần lớn
những người dân sống trong giáo phận của ngài. Chọn xe buýt là chọn phương tiện
di chuyển của đại đa số. Chọn tự nấu ăn cho mình cũng là muốn chuyện hầu hết
dân chúng đang thực hiện tại nhà mình. Dấn thân sống nghèo, giao tiếp bình dị với
người nghèo, Đức Phanxicô đã hội nhập văn hóa để kể chuyện về Thầy như vị tiền
nhiệm Gioan Phaolô II kêu gọi: “Từ bối cảnh này, đã rõ hơn vì sao truyền giáo
và hội nhập văn hóa tự nhiên liên hệ mật thiết với nhau... Đây là lối đi bắt buộc
cho các nhà loan báo Tin Mừng khi trình bày về đức tin Kitô giáo và đưa đức tin
vào thành phần di sản văn hóa của một dân tộc... Cũng không thể bỏ qua nhu cầu
thiết thực của người nghèo, di dân, người tị nạn, giới trẻ và phụ nữ trong mọi
tiến trình đích thực đưa phụng vụ hội nhập văn hóa...” (EA 21, 22).
Ngày 13.03.2013, Đức Hồng y Bergoglio tiến
ra ban công Vatican gặp gỡ giáo dân với phẩm phục giáo hoàng. Có người thông cảm:
“Thôi, thế là từ nay áo đen với thánh giá sắt và xe buýt phải giã từ. Chắc sẽ
ngột ngạt trong áo trắng, thánh giá vàng và Popemobile”. Không hẳn thế, Đức
Phanxicô vẫn mang nét giản dị mục tử. Khi được yêu cầu chọn một trong ba mẫu
thánh giá, ngài chọn chiếc thánh giá bằng bạc mạ vàng thay vì vàng ròng. Áo trắng
là phẩm phục thì đành chịu, nhưng báo chí nói đến cú vấp dễ thương trong ngày thứ nhì tại Vatican khi gặp gỡ Hồng y
đoàn: Đức Thánh Cha Phanxicô vấp chân, giầy vướng áo. Không biết vấp vì phẩm phục
thùng thình hay vấp vì vội bước đến với anh em. Còn Popemobile có phải đi
không? Không hẳn! Ngày đầu tiên trong nhiệm vụ Giáo hoàng Giáo hội Công giáo, Đức
Phanxicô đã đi xe buýt. Nhưng ngài không đi một mình, Mũ Trắng ngồi cùng rất
đông các Mũ Đỏ (www.cnn.com)
Tờ Telegraph
của Anh và La Stampa của Ý ngày
14.03.2013 đăng hình Đức Phanxicô và các hồng y trên xe buýt ở trang nhất. Theo
Telegraph, Đức Hồng y Dolan (New
York) kể: “Xe buýt đưa hồng y đoàn từ điện Vatican về khách sạn Vatican đêm đó,
và Đức Giáo hoàng đòi đi theo. Ngài nói ngài muốn tự lấy hành lý ở khách sạn, tự
trả tiền khách sạn, và tự nói lời cám ơn nhân viên khách sạn. Ngày hôm sau sang
điện Sistina làm lễ, ngài không chịu đi xe riêng. Ngài trấn an tài xế xe buýt của
hồng y đoàn: ‘That’s OK. I just ride with the boys! Được mà, tôi đi chung với
anh em!’”
“Mẹ
ơi, mẹ đi đâu con theo đó,
Mẹ ở
đâu con ở đó,
Dân của
mẹ là dân của con,
Thiên
Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con” (R 1,16)
Tới
hôm nay người ta vẫn không chắc Đức Thánh Cha sẽ ở đâu. Có người sợ, ngài chẳng
chịu về nơi chốn dành sẵn cho các vị Giáo hoàng. Thực ra chuyện ăn ở chẳng là
chuyện lớn, như Thầy nói, “Con cáo có hang, chim trời có tổ, con người không có
nơi tựa đầu”. Chuyện lớn trong đời môn đệ, Thầy bảo là “Ai muốn làm lớn hãy xuống
làm đầy tớ hầu hạ anh em”.
Tới hôm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô vẫn
chưa vào ở Dinh giáo hoàng dù công tác tu sửa đã hoàn tất. Ngài đã được đưa đi
xem nơi ấy, và nhận xét: “To lớn quá! Chỗ này phải 300 người ở!” Tại khách sạn
Casa Santa Marta, vào thời gian mật viện, ngài ở phòng 201. Khách sạn có 106
phòng suite, 22 phòng đơn, và một căn hộ hai phòng, có diện tích rộng rãi hơn một
chút. Căn hộ này dành cho các vị thượng khách như Thượng phụ Bartholomew. Đó
cũng là nơi vị tân giáo hoàng cư ngụ trong vài tuần chờ tu sửa Dinh giáo hoàng.
Phát ngôn viên Tòa Thánh Lombardi nói Đức Phanxicô chưa nhắc gì đến việc dọn về
Dinh giáo hoàng nhưng “ít nhất ngài đã đồng ý ở trong căn hộ hai phòng”. Hàng
ngày ngài cử hành thánh lễ tại nhà nguyện của khách sạn (www.romereports.com). Ở
đây, vị mục tử tình nguyện nhận những gì thô sơ, đơn giản, và nhất định muốn có
mặt giữa anh em.
Đức Hồng y Dolan cũng kể với Charlie Rose,
tay tổ truyền thông của đài PBS, về thái độ đến với anh em của Đức Phanxicô.
Ngày khói trắng tỏa lên báo hiệu mật viện kết thúc, các hồng y tiến lên nói lời
hứa vâng phục và trung thành, nhân viên nghi lễ đã xếp ghế trên bục để vị tân
giáo hoàng ngồi đưa tay cho các hồng y hôn nhẫn. Thấy ghế vẫn trống, vị MC phải
lên tiếng nhắc: “Thưa Đức Thánh Cha, ở trên đây cơ mà!” Đức Phanxicô dứt khoát:
“Không! Tôi đứng dưới này!” Bỏ bục cao, bỏ ghế trắng oai vị, Ngài đứng bằng với
các hồng y. Tối hôm đó, ngài cùng hồng y đoàn ăn tối. Đức Hồng Y Dolan nhớ lại:
“Ngài vẫn bình dị và khôi hài như mọi khi. Lúc kết thúc bữa ăn, ngài nói: ‘Thôi
anh em về ngủ ngon, anh em xứng đáng có giấc ngủ ngon. Tôi nâng ly mừng anh em,
và... xin Thiên Chúa tha tội cho anh em!’ Ngài làm chúng tôi cười sập nhà!”
Nét văn hóa riêng của hồng y đoàn đã có đó
từ trước mật viện qua bao nhiêu cuộc họp hành gặp gỡ. Những ngày mật viện, 115
vị đã ăn uống, trò chuyện, cầu nguyện, chia sẻ. Sau mật viện, một ở lại trở
thành lãnh đạo tối cao, 114 vị hứa trung thành. Dù thế, Đức Phanxicô không chịu
tách rời nét văn hóa đã tồn tại giữa các huynh đệ với nhau: vẫn bình dị, thân
tình, và khôi hài. Hội nhập văn hóa như Đức Phanxicô chính là hội nhập để kiên
vững niềm tin anh em, và ngỏ lời xin anh em cùng xiết tay đi kể chuyện về Thầy.
Đã bước lên ngôi vị Giáo hoàng từ buổi tối
13.3.2013, Đức Phanxicô không quên đi tìm anh em nghèo khó xung quanh. Hãng tin
CNN tường thuật ngài mời những anh làm vườn, chị quét đường, nhân viên khách sạn
và nhân viên báo L’Osservatore đến dự
thánh lễ ngài cử hành mỗi ngày tại nhà nguyện của khách sạn Casa Santa Marta.
Chắc Đức Phanxicô nhớ nhà và nhớ các anh chị em mình nhiều lắm, họ là những
nghèo khó trên đất nước của ngài. Họ đang hít thở, ăn uống, lao lực, lao tâm. Tại
Giáo hội địa phương này, Đức Bergoglio không ngại lên tiếng bênh vực người yếu
thế, không sợ nói ngược với kẻ có quyền. Năm 2000, ngài kêu gọi toàn thể Kitô hữu
Argentina mặc áo gai cầu nguyện cho những sai phạm của chế độ độc tài (L’espresso).
“Không
ai kết tội chị Thầy cũng không, chị về đi và đừng phạm tội nữa.”
Bắt tội
phạm quả tang là khó nhưng tìm được tấm lòng khoan dung biết tha thứ cho nhau
còn khó hơn.
Với thẩm quyền giám mục, ngài khiển trách
những linh mục từ chối rửa tội cho con cái của những cô gái không chồng. Ngài
nhìn thấy nét thiết tha với niềm tin Kitô giáo khi những cô gái không chồng ấy
“đi hành hương, từ giáo xứ này sang giáo xứ khác, cố gắng tìm vị nào đó rửa tội
cho con”. Ngài gọi thái độ từ chối rửa tội cho các em bé con là thái độ của
Pharisiêu, là “đánh cắp” bí tích, là “đuổi dân Chúa ra khỏi ơn cứu độ”
(www.nydailynews).
Ngày xưa, giữa đám đông ngùn ngụt giận dữ,
người phụ nữ lăng loàn gục xuống vì xấu hổ, run rẩy vì sợ hãi. Sau câu hỏi của
Đức Kitô, chẳng ai dám ném viên đá đầu tiên. Hai ngàn năm sau, tại giáo xứ nào
đó của Argentina, viên đá đầu tiên đã được ném đi, chẳng trúng vào người mẹ
không chồng nhưng hướng thẳng đến đứa bé ra đời trong hoàn cảnh thiếu cha. Đức
Giám mục Bergoglio chặn viên đá ấy. Chuyện về Đức Kitô bênh vực người phụ nữ tội
lỗi đã được kể tại Buenos Aires như thế.
Dễ thương hơn, người kể chuyện chỉ muốn
đóng vai kẻ giới thiệu về Thầy, không tô bóng mình. Năm 2009, Đức Tổng Giám mục
Bergoglio rửa tội cho bảy em bé. Các em là con một phụ nữ nghèo đã có hai ông
chồng. Ngài hẹn gặp, nói chuyện với bà, rồi sắp xếp rửa tội cho các em trong
nhà nguyện của Tòa Giám mục. Ngài nhớ lại: “Sau lễ, chúng tôi ăn bánh mì và uống
coca”. Người mẹ nghèo khổ nước mắt lưng tròng: “Thưa Đức Cha, con không thể tin
được, Đức Cha làm con thấy mình quan trọng”. Đức Bergoglio trả lời: “Chị ơi,
tôi dính dáng gì? Chính Đức Giêsu biến chị nên quan trọng” (www.zenit.org).
Cách nào đó, từ Argentina, Đức Tổng Giám mục Bergoglio đã thực hiện lời kêu gọi
của Liên Hội đồng Giám mục Á châu: “Không bao giờ đặt trọng tâm vào chính mình
nhưng chú trọng giấc mơ của Thiên Chúa về thế giới đang biến thành hiện thực”
(FAPA I, 333).
Từ Hoa Kỳ, Tổng thống Obama chắc chắn từng
nghe về Đức Tổng Bergoglio, từng theo dõi lối kể chuyện về Thầy của ngài. Khi
khói trắng bốc lên từ Điện Vatican, ông Obama đang họp với thành viên Đảng Cộng
Hòa. Ông dừng cuộc họp thông báo với mọi thành viên: Đã có vị giáo hoàng thứ
266. Ông nói: “Là kẻ bảo vệ người nghèo và người yếu hèn nhất giữa mọi người,
ngài mang thông điệp tình yêu và lòng cảm thông đã từng khởi hứng cho thế giới
trên hai ngàn năm qua - để trong nhau, chúng ta nhìn thấy mặt Thiên Chúa” (www.nydailynews.com).
Với riêng Obama, dạng diện Thiên Chúa đã dễ nhìn ra hơn, tình yêu Thiên Chúa được
cảm nhận rõ hơn qua lối kể chuyện về Thiên Chúa của Đức Thánh Cha Phanxicô.
c. Kim Ngọc kể chuyện Đức Kitô thương khó chịu
nạn và phục sinh
Chúng ta gặp giữa đời nhiều chứng nhân sống
của những vụ tàn sát kinh hoàng như vụ người bị giết lấy nội tạng tại Trung Quốc,
vụ thiêu người tại Trung Đông, chứng nhân sống vụ cướp tiệm vàng giết người tại
Hải Dương, chứng nhân sống trở về sau hơn mười năm là nô lệ tình dục, chứng
nhân sống trận hải chiến Hoàng Sa, chứng nhân sống cuộc thảm sát Mỹ Lai… Tất cả
những con người được nhắc đến trên đây đều là nhân chứng của những nỗi đớn đau
cùng tột, những cuộc sát nhân đẫm máu và những cái chết tức tưởi. Họ có thể đã
lãng quên hết để hòa vào nhịp sống vui, hoặc có người vẫn sống để dạ, chết mang theo, lòng hận hờn không bao giờ phai lạt.
Nhưng Kim Ngọc đang sống để làm chứng, làm chứng mẫu sống của Chúa Giêsu, sống
quên đi thù hận và chết đi để giải phóng con người khỏi lòng thù.
Nếu
em biết ơn Thiên Chúa và biết ai là người nói với em, “cho tôi xin miếng nước”
hẳn em sẽ xin và người sẽ ban cho em nước hằng sống (x Ga 4). Chúng ta có thể để
gió cuốn đi cả niềm vui nỗi buồn, cả những thành công và thất bại nhưng không
thể để mất ân tình và lòng biết ơn.
Kim Ngọc ở tuổi hai mươi. Cô út thông minh
có đôi mắt đẹp và làn da trắng là con gái rượu của ba mẹ, là cục cưng của các
anh chị. Kim Ngọc học giỏi, hiền hòa, bặt thiệp. Ngày ba mẹ làm giấy tờ đi Mỹ,
Ngọc nhất định xin ở lại Việt Nam một mình. Mẹ nhòa nước mắt, ba nhầu vầng trán
vì con. Sao nơi văn minh an toàn con không chịu, lại chọn chỗ khó nghèo bấp
bênh? Kim Ngọc thiết tha: “Con xin được học hành, sinh sống hít thở ngay trên
quê hương này. Chúa Giêsu cũng đã nhận lấy mọi ràng buộc con người nơi vùng đất
cằn khô Do Thái kia mà”.
Những cuộc tranh luận dai dẳng, có nước mắt,
có giận hờn… rồi cũng kết thúc khi Kim Ngọc tiễn ba mẹ và các anh chị ở phi trường.
Còn lại một mình, cô vừa học đại học vừa theo lối các sơ đến với bệnh nhân
phong cùi. Một ngày, trên đường từ điểm thăm bệnh nhân về, cô bị hai kẻ trốn trại
cai nghiện làm hại. Kim Ngọc từ chối thổ lộ về vụ việc ấy, chỉ mình vị bề trên
là người cô chia sẻ. Mẹ cô tức tốc từ Mỹ về chăm sóc con. Những ngày dài dưỡng
bệnh, người ta thường thấy Kim Ngọc vừa nức nở vừa cầu nguyện, dù vẫn không nói
gì về chi tiết tai ương. Khi kết quả xét nghiệm mang dương tính HIV, người mẹ
ngất xỉu, vị bề trên chết lặng, Kim Ngọc mặt tái trắng thẫn thờ. Giọng nói yếu ớt,
cô vắn tắt: “Xin mẹ cho con được theo bề trên của con”. Không có than van,
trách móc, nhưng lúc ấy cũng không có lời hứa sẽ vững tin, sẽ can đảm sống.
Hơn một năm sau, có người hỏi vị bề trên về
Kim Ngọc, bà đề nghị: “Hãy để Kim Ngọc kể về mình”. Lúc ấy Kim Ngọc đang ngồi ở
ghế đá trước phòng khách nhà dòng, lặng im một hồi, rồi nhỏ nhẹ thú nhận cô
không rõ mình có thật sự và hoàn toàn tha thứ không. Cô nói cô đã đến thăm hai
kẻ tội phạm trong tù và mô tả cảm giác của mình: “Không hận, mà thương. Không
ghê tởm, nhưng thông cảm”. Cô kể, hai tay nghiện cũng không tin cô có thể tha
thứ cho họ. Cô gái trẻ tiếp tục đến thăm hai người tù nhiều lần, và bắt đầu nói
với họ về thần tượng của cô.
“Anh biết không, Ngọc đã kể cho hai người
tù đó nghe về Chúa. Mà Ngọc không gọi là Đức Giêsu hay Đức Kitô hay Thiên Chúa,
vì họ chưa biết về Chúa. Ngọc chỉ nói theo kiểu “hồi đó có anh chàng tên là
Giêsu ở Do Thái”. Rồi Ngọc kể về Chúa xin nước bên bờ giếng, về vụ ném đá người
đàn bà ngoại tình, về giây phút giang tay trên thập giá xin Cha tha tội cho họ… (xem Lc 23, 34). Dưới tàn lá rủ bóng, Kim
Ngọc cười, ánh mắt đầy nắng: “Hai người tù đó hay khóc lắm, nhất là những khi
Ngọc kể về người mù, người liệt, người tội lỗi, người thấp bé trong Tin Mừng…
Cuối cùng một thời gian sau cả hai đã chịu bí tích Rửa Tội rồi đó anh! Cám ơn họ
đã nghe Ngọc kể chuyện. Cám ơn các sơ, các thầy và các cha bỏ thời gian vào tù
dạy giáo lý cho họ. Cám ơn Chúa cho Ngọc gặp họ, anh nhỉ!”
“Anh
đã thấy và anh đã tin” (Ga 20, 8)
Sáng
sớm hôm ấy Gioan ra thăm mộ Thầy, anh chỉ thấy ngôi mộ trống bên cạnh là rải rắc
vải liệm, khăn liệm, không thấy gì khác. Không biết, anh đã thấy gì và tin gì?
Thực ra ngôi mộ trống đưa anh về với lời Thầy và chính Lời đã làm anh tin. Còn
Kim Ngọc, cô gái trẻ, trẻ người non dạ, chẳng “đủ cơ” cho ai tin lời nhưng lời
kể của nàng đã đưa người nghe về với Lời của Đấng đang được kể cũng là Đấng kể
về đời mình qua chứng nhân sống động Kim Ngọc. Có thể nói họ đã thấy và đã tin.
Lời cám ơn của cô gái trẻ làm người đàn ông
rơi nước mắt, Kim Ngọc ơi, em đã kể câu chuyện về Thầy bằng nước mắt và cơn đau
của chính mình, bằng niềm tin mãnh liệt nơi Đức Kitô và tình yêu thiết tha dành
cho anh chị em. Không chỉ có thế. Em mang chuyện về Thầy rời khỏi giới hạn của
cuốn Thánh Kinh trên bục Sách Thánh đến bên song sắt nhà tù. Kẻ giang hồ lão
luyện chốn tội lỗi đã xúc động vì lối em sống và lời em kể. Dường như họ nhìn
thấy Đức Kitô em đang tin, và quỳ xuống tin nhận “Thầy là Chúa và là Thiên
Chúa” (???). Em không muốn làm nhân chứng sống, em chọn sống chứng nhân cho Thầy.
Kim Ngọc, tuổi đời và tuổi trời khiêm tốn
đã kể chuyện về Đấng mình tin yêu. Chuyện đã hấp dẫn và thuyết phục người nghe
cũng tin và yêu Ngài như cô. Ngọc không từ chối niềm tin dân gian về Trời của những bệnh nhân cùi, cô thường
ghé thăm mỗi buổi chiều cuối tuần, nhưng cô giới thiệu với họ về Chúa mà lòng
cô đang tin và cả Giáo hội tin. Cô không phủ nhận mất mát đau thương của các bệnh
nhân khốn khổ này, nhưng lấy kinh nghiệm chính mình làm cầu nối cảm thông. Em nhạy
cảm để không sử dụng những chuyên từ trong đạo với hai tay giang hồ thiếu hiểu
biết về văn hóa lẫn tôn giáo. Em không khoác áo nhà truyền giáo thăm tù nhân,
mà nỗ lực tìm gặp kẻ đã hại mình rồi nhỏ nhẹ kể về chàng thanh niên biết yêu,
và yêu đến dám chết vì yêu. Em có lối tế nhị khi chuyển dịch ngôn ngữ chuyên biệt của Thánh Kinh sang ngôn ngữ thời sự làm
duyên kể chuyện. Kim Ngọc đã nối được nhịp cầu cho Chúa và “người ta” gặp nhau.
Phải chăng kể chuyện Chúa Giêsu cũng là làm ông tơ bà nguyệt cho Chúa với người
ta bén rễ ân tình?
5. Thay lời kết
Bên
hàng giậu phân cách giữa sân trường và xưởng tạc đá, mỗi ngày vào giờ ra chơi,
các em học sinh bé dại thường đứng vịn tay lên hàng giậu tò mò nhìn những người
thợ đục đá. Các em trố mắt ngưỡng phục tài nghệ các tay thợ đá. Bỗng một ngày
có em bé lẻn sang đứng cạnh một anh thợ đã tạc gần xong bức tượng con sư tử sống
động. Nó đang nhe răng, giương vuốt như sắp phóng ra khỏi khối đá. Em bé đứng
tránh đầu chú sư tử dữ, chừng như sợ con thú bất chợt lao phải. Chú bé nhút
nhát tới hỏi nhỏ vào tai người thợ tạc, Chú ơi, làm sao chú biết bên trong đá
có con sư tử? / À chú cũng chẳng biết nữa, trong đá có con sư tử hay ở ngoài
con sư tử có đá. / Cháu nghĩ sao? / Cháu nghĩ trong đá có con sư tử, cháu chỉ
không hiểu sao con sư tử sống được trong đá! Trong đá có con sư tử, đó là ý
tưởng ngộ nghĩnh của tuổi thơ. Nhưng thường chúng ta cũng không kém ngộ nghĩnh,
khi luôn có sẵn trong đầu khuôn mẫu về một vật, một người chẳng bao giờ có trên
đời. Người ta bảo đó là do chúng ta tổng hợp và trừu tượng hóa ra.
Khi kể chuyện Chúa Giêsu, xin đừng kể về một
Chúa Giêsu do đầu óc chúng ta tổng hợp và trừu tượng ra, xin kể về Chúa Giêsu,
Đấng chúng ta đang tin, đang yêu và đang sống với Người. Chúa Giêsu trong chuyện
kể của chúng ta thấm nhuần tình thân thương. Người là người Á châu là lục địa nhà. Gần gũi hơn, đó cũng là sân
nhà, cây nhà lá vườn, anh em trong nhà, nước nhà, quê nhà. Chúng ta, người Á
châu, là người nhà với Thầy. Chúng ta mừng vui được kể chuyện về người thân,
người nhà mình. Theo Tông huấn Ecclesia
in Asia, “Giáo hội tại Á châu hát bài tạ ơn ‘Thiên Chúa Cứu Độ’ (Tv 68, 20)
vì Người đã chọn khởi đầu kế hoạch cứu độ tại mảnh đất châu Á” (EA 1).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 76 (Tháng 5
& 6 năm 2013)