"Virgin Mary Annunciate" (1431-33) của Fra Angelico [WikiArt.org]
JOSEPH RATZINGER: MẦU
NHIỆM TRUYỀN TIN LÀ MẦU NHIỆM ÂN SỦNG
Hồng Y Joseph
Ratzinger,
Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI
WHĐ (22.3.2022) – Bài suy tư sau đây được trích từ hai tác phẩm
của Đức Hồng y Joseph
Ratzinger (Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI).
Mầu nhiệm truyền tin cho Đức Maria không chỉ
là mầu nhiệm thinh lặng. Trước hết và trên tất cả đó là một mầu nhiệm của ân sủng.
Chúng ta cảm thấy buộc phải tự hỏi: Tại sao
Chúa Kitô thực sự muốn sinh ra bởi một trinh nữ? Chắc chắn Ngài có thể được
sinh ra từ một cuộc hôn nhân bình thường. Điều đó sẽ không ảnh hưởng đến tư
cách Con Thiên Chúa của Ngài, vốn không phụ thuộc vào việc sinh ra từ người mẹ
trinh khiết của Ngài và cũng có thể được kết hợp với một kiểu sinh nở khác. Ở
đây không có vấn đề gì liên quan đến sự hạ thấp giá trị của hôn nhân hay về mối
liên hệ hôn nhân; và cũng không phải vấn đề liên quan đến việc bảo vệ tốt hơn tư cách Con
Thiên Chúa. Tại sao vậy?
Chúng ta tìm thấy câu trả lời khi mở Cựu Ước
và thấy rằng mầu nhiệm Đức Maria đã được chuẩn bị sẵn sàng ở mọi giai đoạn quan
trọng trong lịch sử cứu độ. Mầu nhiệm đó bắt đầu với Sarah, mẹ của Isaac, là
người son sẻ, nhưng khi bà đã già đi theo năm tháng và không còn khả năng sinh
con nữa, thì lại trở thành mẹ của Isaac, nhờ quyền năng của Thiên Chúa và do đó
thành mẹ của dân được chọn.
Quá trình tiếp tục với Anna, mẹ của Samuel, cũng
là người cằn cỗi, nhưng cuối cùng đã sinh con; Quá trình tiếp tục với mẹ của
Samson, hoặc một lần nữa với Êlisabét, mẹ của Gioan Tẩy giả. Ý nghĩa của tất cả
những sự kiện này đều giống nhau: ơn cứu rỗi đến, không phải từ con người và
quyền năng của họ, mà chỉ đến từ Thiên Chúa - từ một hành động của ân sủng của
Ngài.[1]
Việc truyền tin cho Đức Maria xảy ra với một
phụ nữ, ở một thị trấn tầm thường ở Galilê, có nửa số dân là người ngoại giáo,
mà cả sử gia Josephus và bộ kinh Talmud đều không nhắc đến. Toàn bộ khung cảnh
là “bất thường đối với sự nhạy cảm của người Do Thái. Thiên Chúa tỏ mình ra, ở
đâu và cho ai là tùy Ngài muốn”. Một cung cách mới bắt đầu như thế, nơi trung
tâm của nó không còn là đền thờ nữa, mà là sự đơn sơ của Chúa Giêsu Kitô. Bây
giờ Ngài là đền thờ đích thực, là Lều Hội Ngộ.
Lời chào Đức Maria: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng,
Thiên Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy
có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng
Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là
Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là
Thiên Chúa sẽ ban cho Ngài ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Ngài.” (Lc 1:
28-32) được mô phỏng gần gũi với Sôphônia:
“Reo vui
lên, hỡi thiếu nữ Sion,
hò vang
dậy đi nào, nhà Israel hỡi !
Hỡi thiếu
nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi.
Án lệnh
phạt ngươi, Thiên Chúa đã rút lại,
Thù địch
của ngươi, Người đã đẩy lùi xa.
Đức Vua
của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Thiên Chúa.
Sẽ chẳng
còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ.
Ngày ấy,
người ta sẽ bảo Giêrusalem:
"Này
Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời ."
Thiên
Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,
Ngài là
Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.
Vì
ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ,
sẽ lấy
tình thương của Ngài mà đổi mới ngươi.
Vì
ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng”
(Xôphônia 3: 14-17).
Đức Maria là con gái Sion đã được nói đến ở
đó, được mời gọi “vui lên”, được thông báo rằng Thiên Chúa đang đến với bà. Nỗi
sợ hãi của bà đã được xóa bỏ, vì Chúa đang ở nơi bà để cứu bà. Laurentin đưa ra
nhận xét rất hay về bản văn này: “… Như
thường lệ, lời Chúa chứng tỏ là một hạt cải…. Người ta hiểu tại sao Đức Maria lại
sợ hãi trước sứ điệp này (Lc 1, 29). Nỗi sợ hãi của Mẹ không đến từ sự thiếu hiểu
biết cũng như sự lo lắng của lòng dạ nhỏ mọn mà một số người muốn giảm bớt nó
như vậy. Nỗi sợ hãi đó đến từ sự rung động của cuộc
gặp gỡ với Thiên Chúa, niềm vui vô bờ bến đó cũng có thể làm cho những bản tính
cứng cỏi nhất phải rung chuyển”.
Trong diễn từ của thiên thần, hình mẫu cơ bản
nơi bức chân dung của Đức Maria, theo Luca diễn tả, đã nổi lên bề mặt: chính bản
thân Mẹ là Sion đích thực, mà những cõi lòng hy vọng đã khao khát suốt trong tất
cả những hủy hoại của lịch sử. Mẹ là dân Israel đích thực, nơi Giao ước Cũ và Mới,
Israel và Giáo hội, trở nên một, không thể phân chia được. Mẹ là “dân Thiên
Chúa” sinh hoa kết trái nhờ quyền năng sủng ái của Thiên Chúa…
Vượt lên trên mọi trở ngại, lòng sùng kính Mẹ
Maria là sự vui mừng hân hoan vô ngần trên dân Israel đích thực, không thể hủy
diệt; Đó là một niềm hạnh phúc tràn trề khi bước vào niềm vui của bài ca
Magnificat và do đó bài ca ấy trở thành lời ca ngợi dành cho Đấng mà nữ tử Sion
phải chịu ơn Ngài về toàn bộ con người của mình và là Đấng mà Mẹ mang trong
cung lòng. Mẹ là Hòm Bia Giao Ước đích thực, không thể bị hư hoại, không thể bị
phá hủy.[2]
Phêrô Phạm
Văn Trung
Chuyển ngữ từ: ignatiusinsight.com
[1] Joseph Ratzinger, Dogma und Verkundigung - Tín điều
và tuyên ngôn, được trích trong Co-Work of the Truth – Đồng lao cộng khổ với sự
thật: Suy niệm cho mỗi ngày trong năm, trang 99-100 (Ignatius Press, 1992)
[2] Joseph Ratzinger, Nữ tử Sion: Suy niệm về Niềm tin
của Giáo hội vào Mẹ Maria, trang 42-43, (Nhà xuất bản Ignatius, 1983):