JON FOSSE, NGƯỜI ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2023:
“CHÍNH GIỮA CẢNH TỐI TĂM TỒI TỆ NHẤT MÀ THIÊN CHÚA ĐÃ Ở GẦN TÔI NHẤT”

La Croix

Nhà văn người Na Uy Jon Fosse, người đã nhận giải Nobel Văn chương vào thứ Năm ngày 7/12/2023 tại Stockholm, đã dành một cuộc phỏng vấn độc quyền cho nhật báo La Croix. Ông đề cập đến tính phổ quát của tác phẩm của ông, đến đức tin Công giáo mà ông trở lại vào năm 2012, đến điều không thể diễn tả được và điều đã khiến ông viết không mệt mỏi kể từ năm 12 tuổi.

La Croix: Ngay sau khi biết tin ông được nhận giải Nobel, ông đã nói bị “đè nặng và gần như sợ hãi”. Hôm nay ông vẫn sẽ nói điều đó chứ?

Jon Fosse: Tôi đang lái xe thì thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Nobel cho tôi biết tin này qua điện thoại. Phản ứng đầu tiên của tôi là rất vui mừng. Rồi tôi tự hỏi liệu nó có phải là sự thật không. Một mặt, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng vì tên của tôi đã được nhắc đến trong các cuộc thảo luận hơn mười năm nay. Mặt khác, tôi lại sợ.

Đó là một phần thưởng làm biến đổi một cuộc đời. Bạn thay đổi địa vị xã hội của mình, nhận được thỉnh cầu từ mọi hướng. Nó có thể là một gánh nặng và bạn có thể đánh mất chính mình. Nhưng vì đã được tôn vinh với tư cách là một nhà viết kịch, tôi học cách bảo vệ bản thân và không nói “vâng” với mọi thứ. Tôi biết tôi sẽ có thể giữ khoảng cách.

La Croix: Giải Nobel Văn học trao thưởng cho một tác phẩm vì tầm mức phổ quát của nó. Tuy nhiên, ông viết bằng tiếng Nynorsk, một ngôn ngữ được chưa tới 500.000 người sử dụng, và ông gắn những tưởng tượng của mình với phong cảnh Na Uy. Chuyện phi thường này có phải là nguồn tự hào của ông không?

Jon Fosse: Những cuộc dàn dựng sân khấu rất tuyệt vời các vở kịch của tôi vốn được thực hiện bên ngoài Na Uy, ở Thượng Hải, Tokyo, đã cho thấy rằng sự hiểu biết sâu sắc về tác phẩm của tôi là có thể thông qua một bản dịch, ở một nền văn hóa khác và bởi một thế hệ khác. Tôi đánh giá được nó lần đầu tiên vào năm 1999, khi đạo diễn người Pháp Claude Régy dàn dựng vở kịch “Một ai đó sắp đến” của tôi. Đó là một kinh nghiệm tuyệt vời. Ngoài ra, cũng phải nói rằng, nếu tiếng Nynorsk chỉ được 500.000 người sử dụng, thì người Scandinavi cũng có thể hiểu được vì ngôn ngữ Scandinavi rất gần.

La Croix: Đây chẳng phải là bằng chứng cho thấy, để vượt qua biên giới, một tác phẩm phải có tính độc đáo?

Jon Fosse: Tôi nghĩ rằng mỗi con người đều có một điều gì đó độc đáo và đồng thời, mỗi con người đều có một điều gì đó tương tự. Nhà văn là người chuyển thể tính độc đáo và tính phổ quát này thành văn học trong cùng một chuyển động. Bạn có thể dễ dàng nhận ra nó và, đồng thời, hiểu được nó nhiều năm sau đó.

La Croix: Theo Viện Hàn lâm Nobel, thông qua các vở kịch và tiểu thuyết của ông, ông đã “mang lại tiếng nói cho những điều khó tả được”. Điều khó tả được là gì?

Jon Fosse: Tôi nghĩ chính vì có nhiều điều rất khó diễn tả bằng lời mà văn học tồn tại. Viết văn cho phép nói những điều không thể được nói bằng bất kỳ cách nào khác. Đối với tôi, đây chính là ý nghĩa của văn học kể từ khi tôi bắt đầu viết văn. Nếu bạn có thể diễn đạt điều gì đó một cách đơn giản và trực tiếp, thì tại sao lại viết một bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, một vở kịch? Điều đó không có ý nghĩa.

La Croix: Đâu là những “điều” có thể rất khó diễn tả này ? Cảm xúc?

Jon Fosse: Vâng, cảm xúc. Nhưng cũng có điều gì đó mà bạn nhận thức được, một loại kiến thức, sự vắng mặt của nghi ngờ, một dạng hiểu biết mà bạn đạt được thông qua cảm xúc. Với tư cách là một tín hữu, tôi có một loại đức tin, một điều gì đó bên trong mà tôi không thể diễn tả bằng vài lời.

La Croix: Ông đã gia nhập đạo Công giáo vào năm 2012. Ông đã tìm thấy điều gì ở đó mà ông đã không tìm thấy ở nơi khác?

Jon Fosse: Tôi lớn lên trong Giáo hội Tin Lành Luther trước khi rời bỏ nó ở tuổi 16. Cuối cùng, tôi ghét Giáo hội này, nơi vị mục sư tin rằng ông ấy có thể khắc sâu vào trí não bạn một sự thật vốn không phải như vậy. Đối với tôi, Giáo hội Tin Lành Luther loại trừ mầu nhiệm đức tin. Thế nhưng, tin là chấp nhận nó. Đức tin không thể đạt được bằng lý trí. Đó là một trải nghiệm, nó phải xảy ra. Sau khi rời Giáo hội Tin Lành Luther, tôi vẫn là một tín hữu nhưng không biết phải quay về đâu. Tiếp đến, tôi thấy mình hạnh phúc với Giáo hội Tin Lành Quakers[1] và, ở một số khía cạnh, tôi tiếp tục tin tưởng như họ. Đối với họ cũng như đối với tôi, điều quan trọng nhất, đó không phải là các bí tích, tín lý, linh mục, mà là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi bạn và giữa các tín hữu. Tuy nhiên, đây cũng là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể, trọng tâm của thánh lễ Công giáo: nó cho phép chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn.

Đọc Tôn sư Eckhart[2] đã mang tính quyết định trên cuộc hành trình dài để trở thành người Công giáo. Ông hình dung thánh lễ như sau này những người Quakers sẽ làm, nhọ giữ thinh lặng và nhắm mắt, ngồi thành vòng tròn để tập trung vào ánh sáng nội tâm. Tôi cảm thấy rằng việc lặp lại vô tận bản văn phụng vụ trong thánh lễ cũng dẫn đến sự gần gũi với Thiên Chúa, nếu tôi có thể nói như vậy. Càng được lặp đi lặp lại, một ngôn ngữ im lặng cuối cùng sẽ được nói thông qua chúng.

La Croix: “Chính trong thinh lặng mà chúng ta nghe thấy tiếng Chúa”, ông viết trong Septologie, cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông. Có phải vì thế mà sao ông dành nhiều chỗ cho sự thinh lặng trong tác phẩm của mình?

Jon Fosse: Câu này quy chiếu đến cách thức một tín hữu có thể nghe thấy tiếng nói của Thiên Chúa, chứ không phải đến lối viết của tôi. Nói như vậy, tôi có cảm giác mình đã viết tốt khi thiết lập được một kiểu thinh lặng và khi tôi biết rằng ngôn ngữ thứ hai, nằm giữa các từ ngữ, trong khoảng trống, cũng nói lên điều gì đó. Chính là như thế kể từ khi tôi bắt đầu viết văn vào năm 12 tuổi. Nhưng tại sao, thì tôi không biết. Tôi viết như tôi viết. Rất khó để hiểu bản thân bạn như một nhà văn.

La Croix: Làm sao có thể chắc chắn rằng người đọc hiểu được “ngôn ngữ thinh lặng” này?

Jon Fosse: Khi tôi viết, tôi không nghĩ đến độc giả cụ thể nào. Tổng quát hơn, tôi không có kế hoạch, không có ý định. Tôi chỉ cố gắng viết đúng và tốt nhất có thể. Để làm điều này, tôi ngồi xuống bàn và bắt đầu viết. Khi nó không đến, tôi không tìm cách ép buộc mọi thứ. Tôi chờ. Nếu tôi phải tìm một từ để mô tả quá trình này, thì đó sẽ là “lắng nghe”. Tôi không thể nói cho bạn biết điều gì, nhưng tôi lắng nghe điều gì đó khi tôi viết, điều gì đó đến từ nơi khác.

Đó không phải là một giọng nói đọc cho tôi viết các câu, cũng không phải một đồng cốt, nó là một khoảng trống, một thứ mà tôi không nhìn thấy và tôi không nhớ. Đôi khi, tôi thậm chí còn cảm thấy mình chỉ cần viết mọi thứ ra giấy trước khi chúng biến mất, theo cách của một thư ký. Nghệ thuật nảy sinh, để trích dẫn Martin Heidegger, người mà tôi đã nghiên cứu rất nhiều. Cách hiểu về sự tồn tại của con người và thậm chí cả ngôn ngữ của ông đã ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn bất kỳ tác giả nào khác.

La Croix: Tuy nhiên, ông có cho rằng có tác giả nào đã ảnh hưởng đến ông không?

Jon Fosse: Có, văn học bắt nguồn từ văn học theo một cách nào đó. Từng học triết học và văn học so sánh, tôi đọc rất nhiều và tất cả các tác giả tôi đọc đều ảnh hưởng đến tôi cả với tư cách một con người lẫn một nhà văn. Nhưng một số có ảnh nhiều hơn những người khác. Ảnh hưởng mạnh mẽ nhất là của Martin Heidegger. Trong văn học, tôi muốn nhắc đến tác giả người Na Uy Tarjei Vesaas[3]. Ngoài ra, khi còn trẻ, tôi rất say mê tác phẩm của Samuel Beckett. Khi viết vở kịch đầu tiên, tôi thậm chí còn sợ mình sẽ bắt chước ông.

La Croix: Các văn bản của ông có thể khiến người đọc bối rối, như cuốn tiểu thuyết mới nhất của ông, Septologie, chỉ bao gồm một câu rất dài. Ông có hiểu nó không?

Jon Fosse: Tôi hiểu rằng một văn bản như vậy có thể khiến sợ hãi, mặc dù hầu hết độc giả không cảm thấy khó khăn vì cảm thấy bị cuốn theo một dòng chảy nào đó. Nhưng một lần nữa, tôi không cố gắng làm hài lòng bản thân hay người đọc. Tôi chỉ cố gắng viết chính xác nhất có thể. Năm 1983, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi không được đón nhận ở Na Uy. Nhưng tôi đã quyết định không nghe những lời chỉ trích và đi theo con đường của mình.

La Croix: Đây có phải là lời khuyên dành cho một nhà văn trẻ?

Jon Fosse: Vâng, chỉ lắng nghe những gì bên trong bạn.

La Croix: “Chính luôn luôn ở trong bóng tối mà một hình ảnh thu được nhiều ánh sáng hơn”, ông để cho Asle, nhân vật chính của Septologie, nói. Câu này có thể giúp độc giả hiểu tác phẩm của ông và vượt qua khó khăn bề ngoài của nó không?

Jon Fosse: Có lẽ, tôi không chắc lắm. Trái lại, điều tôi biết, đó là trong cuộc đời tôi, chính giữa cảnh tối tăm tồi tệ nhất mà Thiên Chúa đã ở gần tôi nhất. Và, đối với tôi, viết văn đã là một cách sống, thậm chí có lẽ là một cách sống còn.

La Croix: Bài phát biểu nhận giải Nobel của ông dự kiến sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 7 tháng 12. Ông có ý định sử dụng diễn đàn này để gửi thông điệp chính trị như những người khác đã từng làm trước ông không?

Jon Fosse: Đối với tôi, thật khó để viết một bài phát biểu. Tôi không quen với hình thức độc thoại này, tôi viết tiểu thuyết và đôi khi là tiểu luận, nhưng bài tiểu luận cuối cùng có từ năm 2000. Giả sử rằng tôi đã đạt được một loại phát biểu nào đó, điều mà tôi rất hài lòng.

Nếu nó chứa một thông điệp, thì thông điệp này nhắm đến những con người đang trải qua thời kỳ khó khăn, những người đang cảm thấy một hình thức tuyệt vọng hoặc lo lắng. Tôi cố gắng chìa tay ra cho họ. Tôi không biết liệu đó có phải là chính trị không… 

Chuyển ngữ: Tý Linh
Theo nhật báo  La Croix (03.08.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (11.12.2023)



[1] Phong trào được thành lập vào thế kỷ 17 ở Anh bởi những người bất đồng chính kiến với Giáo hội Anh giáo. Sau đó nó lan sang Tây Âu và thế giới Anglo-Saxon.

[2] Thần học gia dòng Đa Minh sinh năm 1260 được coi là cha đẻ của trào lưu thần bí vùng Rhénanie, từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV . Tính thần bí của ông dựa trên hai trụ cột: chỉ có sự siêu thoát mới cho phép tiến bộ trong đời sống tâm linh; chính Chúa Ba Ngôi ngự trị trong tâm hồn của người buông mình cho Thiên Chúa.

[3] Les Oiseaux, xuất bản năm 1957, được coi là kiệt tác của ông. Ở Pháp, nó được xuất bản bởi nhà xuất bản Cambourakis, 264 trang, 22€.