JMJ LISBON
2023: MƯỜI LỜI KHUYÊN CỦA ĐỨC PHANXICÔ CHO GIỚI TRẺ
Gilles Donada
Đức Phanxicô khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng sự
tin tưởng của mình vào giới trẻ, thường bị gạt ra bên lề xã hội, và bị thử thách
bởi nạn thất nghiệp và bạo lực. Ngài khích lệ giới trẻ đảm trách cuộc sống của
họ, dù phải đảo lộn đời mình.
1. “Hãy quẩy tung lên, rồi hãy sắp xếp nó cho tốt!”
Hãy ra khỏi lối mòn, hãy đi “ngược dòng”,
chất vấn những hành xử bất công, hãy là “những nhà cách mạng”, đó là lời
kêu gọi mà Đức Phanxicô không ngừng gởi đến các bạn trẻ, bằng cách dùng một kiểu
nói điển hình của người Argentina: “Hacer lío”. Ngài nói trong bài giảng
lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ: “Các con là những người trẻ, hãy quẩy tung lên vì sự
quẩy tung của các con là kết quả của những ước mơ của các con. Điều đó muốn nói
rằng các con không muốn sống trong đêm tối, khi các con biến Chúa Giêsu
thành ước mơ của đời mình và các con ôm lấy Người với niềm vui, với sự nhiệt
tình lan tỏa giúp ích cho chúng ta.”
Quẩy tung lên…nhưng là “một sự quẩy tung có
tính xây dựng”, “một sự quẩy tung bởi yêu thương”, ngài nêu rõ với
các bạn trẻ quy tụ vào năm 2019 cho Ngày Quốc tế Giới trẻ (JMJ) ở Panama. Với
các bạn trẻ Argentina ở JMJ ở Rio năm 2013, ngài nói: “Cha muốn các con làm
cho mình được lắng nghe trong các giáo phận, cha muốn chúng ta đi ra ngoài, cha
muốn Giáo hội đi ra trên các nẻo đường, cha muốn chúng ta bảo vệ mình khỏi tất
cả những gì là trần tục, bất động, khỏi những gì là tiện nghi, là giáo sĩ trị,
khỏi tất cả những gì khiến chúng ta khép kín nơi chính mình”. Đó cũng là lời
khuyên tại Paraguay, vào ngày Chúa Nhật, trước khi trở về Rôma, Đức
Thánh Cha đã gởi một thông điệp đến các bạn trẻ nói rằng ngài không muốn “những
người trẻ yếu ớt (…) nhanh chóng mệt mỏi”: ”Hãy quẩy tung lên, rồi
hãy sắp xếp nó cho tốt. Một sự quẩy tung mang lại cho chúng ta một trái tim tự
do, một sự quẩy tung mang lại cho chúng ta tình liên đới, một sự quẩy tung mang
lại cho chúng niềm hy vọng. (…) Chúng ta muốn những người trẻ có hy vọng và sức
mạnh”.
Ngài trao phó cho giới trẻ nhiệm vụ trở thành “những
nhà cách mạng”, “những người môn đệ truyền giáo, những sứ giả của Tin Mừng
của Chúa Giêsu, nhất là cho những người đương thời và bạn bè của các con”.
Và Đức Thánh Cha nhấn mạnh với các bạn trẻ đến gặp ngài tại nhà thờ chánh tòa
Rangoun (Miến Điện), vào năm 2017: “Đừng sợ quẩy tung lên, đừng sợ đặt ra những
câu hỏi khiến người ta phải suy nghĩ! Và các con đừng sợ, nếu đôi khi các con
thấy mình ít ỏi và tản mác đây đó. Tin Mừng luôn phát triển từ gốc rễ nhỏ bé.
Vì thế, các con hãy làm cho mình được lắng nghe! Cha xin các con hãy kêu lên,
không phải bằng giọng nói, cha muốn các con kêu lên bằng cuộc sống của mình, bằng
trái tim của mình, để như thế trở thành những dấu hiệu hy vọng cho những ai
đang nản lòng, một bàn tay dang rộng cho những ai bệnh tật, một nụ cười đón tiếp
khách lạ, một sự nâng đỡ cho những người cô đơn.”
2. “Đừng nhầm lẫn hạnh phúc với một chiếc ghế
đi-văng!”
Đức Phanxicô không thể chịu được khi thấy một bộ
phận giới trẻ bị mê hoặc bởi tính thụ động và chủ nghĩa hưởng thụ. Ngài đánh động
họ bằng cách đưa cho họ một chiếc gương không nhượng bộ. “Những người trẻ
ngái ngủ, dại dột, u mê” này đang ở đâu? Trên một chiếc ghế đi-văng, nơi họ
dầm mình ; trên một ban công, từ đó họ quan sát cuộc sống từ xa ;
ngài tố giác nơi họ một não trạng về hưu trước thời gian…
Giải thích cho giới trẻ ở Cracovie (Ba Lan),
ngài nói: “Trong cuộc sống, có một tình trạng tê liệt còn nguy hiểm hơn và
thường khó xác định, và chúng ta phải trả giá rất nhiều để nhận ra. Cha
thích gọi nó là sự tê liệt vốn nảy sinh khi người ta nhầm lẫn hạnh phúc với một
chiếc ghế đi-văng”. “Vâng, tin rằng để được hạnh phúc, chúng ta cần một
chiếc ghế đi-văng tốt. Một chiếc ghế đi-văng giúp chúng ta cảm thấy thoải mái,
yên bình, rất an toàn. Một chiếc ghế đi-văng như hiện đang có, hiện đại, có
tính năng mát-xa kể cả để ngủ – đảm bảo cho chúng ta hàng giờ yên tĩnh để đưa
chúng ta vào thế giới trò chơi video và dành hàng giờ trước máy tính. Một chiếc
ghế đi-văng chống lại tất cả các loại đau đớn và sợ hãi. Một chiếc ghế đi-văng
sẽ duy trì chúng ta khép kín ở nhà mà không mệt mỏi hay bận tâm ». Và
Đức Phanxicô đã nêu lên cảnh báo này: “Khi chúng ta chọn lựa sự tiện nghi, bằng
cách nhầm lẫn giữa hạnh phúc và chủ nghĩa hưởng thụ, thì lúc đó cái giá chúng
ta phải trả là rất đắt: chúng ta đánh mất sự tự do.”
3. “Hãy để lại dấu ấn của các con trong thế giới
này”
Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chúng ta không đi vào
thế gian để “sống leo lắt” như “rau cỏ”, nhưng để lại một “dấu
ấn”. Trong một sứ điệp video năm 2017, nói với giới trẻ trên toàn thế giới,
ngài tuyên bố: “Các con có thể làm cho thế giới trở nên tốt hơn, để lại
một dấu ấn ghi dấu lịch sử, lịch sử của các con và lịch sử của rất nhiều người
khác. Giáo hội và xã hội cần các con. Cái nhìn của các con về mọi thứ, sự can đảm
của các con, những ước mơ và lý tưởng của các con phá bỏ những bức tường của
thái độ bất động và mở ra những con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt
hơn, công bằng hơn, ít tàn ác hơn và nhân bản hơn.”
Trước khi có thể ghi dấu ân của mình lên thế giới,
trước hết, mỗi người được mời gọi đón nhận dấu ấn của Chúa Giêsu. Kết
thúc Ngày Giới trẻ Á Châu năm 2014, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Xin Chúa Kitô biến
đổi sự lạc quan tự nhiên của các con thành niềm hy vọng Kitô giáo, nghị lực của
các con thành nhân đức luân lý, thiện chí của các con thành tình yêu vô vị lợi
đích thực. Đó là con đường mà các con được mời gọi đi theo. Đó là con đường để
chiến thắng tất cả những gì đang đe dọa niềm hy vọng, nhân đức và tình
yêu trong cuộc sống và nền văn hóa của các con. Bằng cách này, tuổi trẻ của các
con sẽ là một món quà dâng tặng cho Chúa Giêsu và thế giới.”
4. “Đừng để niềm vui và tuổi trẻ của các con bị
cướp đi”
Theo Đức Thánh Cha, thế giới đang tìm cách công
cụ hóa giới trẻ. Ngài viết trong Tông huấn “Christus vivit” (2019) nói với
giới trẻ (số 79): “Nền văn hóa hiện nay đang trình bày một mẫu người rất gắn
liền với hình ảnh của người trẻ. Cảm thấy mình đẹp đẽ là người có vẻ ngoài trẻ
trung, là người thực hiện các phương pháp điều trị để làm biến mất các dấu
vết của thời gian. Cơ thể trẻ liên tục được sử dụng trong quảng cáo để rao bán.
Kiểu mẫu của cái đẹp là một kiểu mẫu trẻ, nhưng chúng ta hãy lưu ý, vì điều đó
không phải là lời ca ngợi dành cho những người trẻ. Điều đó chỉ có nghĩa rằng
người lớn muốn cướp tuổi trẻ cho chính họ ; không phải họ tôn trọng, yêu
thương và quan tâm đến người trẻ.”
Nói với giới trẻ Colombia năm 2017, Đức Phanxicô
xin họ: “Xin các con hãy giữ cho niềm vui này được sống động, nó là dấu hiệu
của một tâm hồn trẻ trung, một tâm hồn đã gặp được Chúa. Và nếu các con giữ cho
được sống động niềm vui (ở) với Chúa Giêsu này, thì không ai có thể lấy nó khỏi
các con, không ai (x. Ga 16, 22). Đừng để nó bị đánh cắp ; hãy giữ gìn niềm
vui vốn thống nhất mọi sự này, ý thức mình được Chúa yêu thương. (…) Ngọn lửa
tình yêu của Chúa Giêsu làm cho niềm vui này dâng tràn, và nó đủ để đốt nóng cả
thế giới. Làm sao các con sẽ không thể thay đổi xã hội này và những gì người ta
đề nghị cho các con!”
Đức Thánh Cha mời gọi đừng nhầm lẫn viễn cảnh.
Trong thánh lễ bế mạc JMJ ở Panama năm 2019, ngài khẳng định: “Các bạn trẻ
thân mến, các con không phải là tương lai. Người ta thích nói: “Các con là
tương lai…” Không, các con là hiện tại! Các con không phải là tương lai của
Thiên Chúa: các con, những người trẻ, các con là thời giờ của Thiên Chúa. Người
triệu tập các con, Người kêu gọi các con trong cộng đồng của các con, Người kêu
gọi các con trong các thành phố của các con để đi tìm ông bà của các con, những
người lớn tuổi của các con ; Người kêu gọi các con đứng lên và nói chuyện
với họ, và thực hiện ước mơ mà Chúa đã mơ ước cho các con.”
5. “Hãy dám ước mơ lớn!”
Hãy dám ước mơ, đó là một điệp khúc khác của Đức
Thánh Cha Phanxicô khi ngài nói với giới trẻ. Vào năm 2017, ngài tuyên bố trước
một công chúng giới trẻ người Colombia: “Các con đừng sợ tương lai! Hãy dám
ước mơ lớn! Chính những ước mơ lớn này mà cha mời gọi các con hôm nay. Xin các
con đừng ẩn mình nơi “sự nhỏ bé”, đừng bay thấp sát mặt đất, nhưng hãy bay cao
lên và ước mơ lớn.”
Đó là sống còn cho toàn thể xã hội. Ngài nhắc nhở
trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ năm 2021: “Chúng tôi, tất cả chúng
tôi đều biết ơn các con khi các con ước mơ. Vâng, với tư cách là Giáo hội,
chúng ta cũng cần ước mơ, chúng ta cần lòng nhiệt huyết, chúng ta cần lòng hăng
say của người trẻ để trở nên những chứng nhân của Thiên Chúa, Đấng luôn luôn trẻ
trung.”
Đâu là bản chất của những ước mơ này? Đó là một
ước mơ ngang qua sự hoàn thành chính mình. Đức Thánh Cha viết trong sứ điệp cho
JMJ năm 2020: ““Hãy chỗi dậy” cũng có nghĩa là “hãy ước mơ”, “mạo hiểm”, “dấn
thân thay đổi thế giới”, vực dậy khát khao, chiêm ngưỡng bầu trời, các vì sao,
thế giới xung quanh các con.”
Sự hoàn thành chính mình không khép kín
nơi chính mình nhưng mang lại lợi ích cho toàn thể xã hội. Ngài nói tiếp: “Các
bạn trẻ thân mến, đâu là những đam mê và ước mơ của các con? Hãy làm cho chúng
xuất hiện và qua chúng hãy đề nghị cho thế giới, cho Giáo hội, cho các bạn trẻ
khác, một điều gì đó đẹp đẽ trong lãnh vực tâm linh, nghệ thuật, xã hội.”
Đó là một ước mơ quảng đại. Đức Thánh Cha nói tiếp
trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ năm 2021: “Cảm ơn các con đã nuôi dưỡng
ước mơ về tình huynh đệ, đã quan tâm đến các vết thương của công trình tạo dựng,
đã đấu tranh cho phẩm giá của những người yếu thế nhất và đã truyền bá tinh thần
liên đới và chia sẻ.”
6. “Hãy đưa ra những chọn lựa táo bạo”
Đức Thánh Cha nhắc nhở, để hình thành, các ước
mơ phải ngang qua “những quyết định” cụ thể và “những chọn lựa to lớn”. Ngài viết
trong thư gởi cho giới trẻ năm 2017: “Các con đừng sợ lắng nghe Chúa Thánh
Thần, Đấng gợi ý cho các con những chọn lựa táo bạo, đừng chần chừ khi lương
tâm yêu cầu các con dám theo Thầy.”
Làm thế nào thực hiện nó? Bằng cách bắt đầu đặt
điện thoại thông minh của mình xuống. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 23/2/2022,
ngài nói: “Màn hình có thể vẫn sáng, nhưng cuộc sống sẽ kết thúc trước thời
gian.” Đức Thánh Cha cũng đưa ra lời khuyên trong Sứ điệp JMJ năm 2018: “Hãy
mở rộng cánh cửa cuộc đời của các con! Ước gì không gian và thời gian của các
con được sống bởi những con người cụ thể, những mối tương quan sâu xa, mà các
con có thẻ chia sẻ những kinh nghiệp đích thực và hiện thực trong đời thường của
các con.”
7. “Hãy luôn trò chuyện với Chúa Giêsu…”
Trong sứ điệp video gởi cho giới trẻ Canada năm
2017, Đức Phanxicô kêu gọi: “Hãy đến gặp Chúa Giêsu, ở với Người trong cầu
nguyện, phó thác bản thân cho Người, phó thác toàn bộ cuộc sống của các con cho
tình yêu thương xót của Người cho đức tin của các con, và đức tin của các con sẽ
là một chứng tá sáng ngời của lòng quảng đại và niềm vui đi theo Người, ở khắp
nơi Người sẽ dẫn các con đến.”
Ngài giải thích cho giới trẻ trong JMJ ở Rio de
Janeiro năm 2013: “Các con hãy luôn trò chuyện với Chúa Giêsu, trong điều tốt
cũng như trong điều xấu, khi các con làm một điều tốt hay khi các con làm một
điều xấu. Đừng sợ Người! Đó là cầu nguyện.”
8. “…và hãy quỳ gối loan báo Tin Mừng!”
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Việc loan báo Tin Mừng
được thực hiện bằng cách quỳ gối.” “Hãy luôn là những người nam và người
nữ cầu nguyện. Không có tương quan liên lỉ với Thiên Chúa, thì sứ mạng trở nên
một nghề”, ngài nhấn mạnh như thế trước các chủng sinh và tập sinh vào tháng
7/2013. “Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, thì chúng ta thấy rằng vào hôm
trước của mỗi biến cố quan trọng, Người đều tĩnh lặng cầu nguyện mãnh liệt và
kéo dài. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, kể cả trong cơn lốc của
những dấn thân cấp bách và nặng nề nhất. Và sứ mạng càng mời gọi các con đi đến
các vùng ngoại vi hiện sinh, thì trái tim của các con càng phải kết hợp với
trái tim của Chúa Kitô, đầy lòng thương xót và tình yêu. Bí quyết của sự phong
nhiêu mục vụ, của sự phong nhiêu của người môn đệ của Chúa nằm ở đó.”
Trong Tin Mừng, khi chiêm ngắm Đức Maria “vội vã”
đến thăm bà Êlisabeth, người chị họ của mình, Đức Thánh Cha nhìn thấy ở đó một
nguồn cảm hứng tốt lành cho giới trẻ. Ngài nói trong đêm canh thức cầu nguyện
chuẩn bị JMJ năm 2017: “Thế giới ngày nay cần những người trẻ vội vã tiến bước,
không bao giờ mệt mỏi để vội vã tiến bước ; những người trẻ có ơn gọi nhận
ra rằng cuộc sống mang đến cho họ một sứ mạng. Chúng ta cần những người trẻ
đang tiến bước. Thế giới có thể thay đổi chỉ khi những người trẻ tiến bước.”
Nhưng làm thế nào nói với một người rời xa Giáo
hội? Đức Phanxicô cảnh giác trong một bài suy niệm tháng 9/2016: “Điều cuối
cùng phải làm là nói với người ấy một điều gì đó! Hãy bắt đầu bằng việc làm và
người ấy sẽ thấy những gì bạn làm, và người ấy sẽ đặt câu hỏi cho bạn ; và
khi người ấy đặt câu hỏi cho bạn, bạn sẽ trả lời cho người ấy.” Nói tóm lại,
“loan báo Tin Mừng, đó là mang lại chứng tá này: tôi sống như thế này, vì
tôi tin vào Chúa Giêsu-Kitô ; tôi đánh thức nơi bạn sự tò mò về câu hỏi “Nhưng
tại sao bạn làm những điều này?” Và câu trả lời của người Kitô hữu phải là thế
này: “Bởi vì tôi tin vào Chúa Giêsu-Kitô và tôi loan báo Chúa Giêsu-Kitô không
chỉ bằng Lời – cần phải loan báo Người bằng Lời – nhưng nhất là bằng cuộc sống
của tôi.”
9. “Hãy trở thành những sứ giả của hòa bình”
Đối với Đức Thánh Cha, một trong những cuộc đấu tranh ưu
tiên là đấu tranh cho hòa bình. Ngài yêu cầu giới trẻ Công giáo Bỉ, vào năm
2022: “Các con biết rõ, chúng ta đang trải qua những thời điểm khó khăn với
nhân loại của chúng ta vốn đang nguy hiểm lớn lao. Chúng ta đang ở trong tình
trạng nguy hiểm nghiêm trọng. Vì thế, hãy sống nó xung quanh các con và bên
trong các con. Vì thế, các con hãy trở thành những sứ giả của hòa bình để thế
giới của chúng ta tái khám phá vẻ đẹp của tình yêu, của sự chung sống, của tình
huynh đệ, của tình liên đới.”
Ngài viết trong “Christus vivit”, số 168: hòa
bình được thể hiện bằng “một dấn thân cụ thể, khởi từ đức tin, để xây dựng một
xã hội mới, nó hệ tại sống giữa thế giới và xã hội, để làm phát triển hòa bình,
sự chung sống, công lý, nhân quyền, lòng thương xót, và do đó mở rộng triều đại
của Thiên Chúa trên thế giới.”
Đặt “Thiên Chúa ở trung tâm” cuộc sống của mình,
đón nhận Người bằng đức tin sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng Copernic”. Đức
Thánh Cha nói với giới trẻ của JMJ ở Rio năm 2013: “Đức tin dìm chúng ta vào
tình yêu của Người, Đấng mang lại cho chúng ta sự an toàn, sức mạnh, hy vọng.
Khi Thiên Chúa hiện diện ở đó, thì sự bình an, ngọt ngào, dịu dàng, can đảm,
thanh thản và niềm vui, vốn là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22), sẽ ở
lại trong tâm hồn chúng ta.”
Như thế, bắt đầu một sự biến đổi bên
trong. Ngài nói tiếp: ”Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta được đổi mới,
nó trở thành cách suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa. Các bạn
thân mến, đức tin mang tính cách mạng và cha hỏi mỗi người trong các con hôm
nay: các con đã sẵn sàng chưa, các con đã sẵn sàng bước vào làn sóng cách mạng
này của đức tin chưa? Chỉ khi bước vào đó mà cuộc sống tuổi trẻ của các con sẽ
có một ý nghĩa và như thế sẽ đơm hoa kết trái!”
10. “Tìm lại cội nguồn của các con: hãy lắng
nghe sự khôn ngoan của người xưa”
Đức Phanxicô kêu gọi tái xây dựng mối liên hệ giữa
các thế hệ khác nhau, đang bị tấn công bởi “nền văn hóa vứt bỏ” và “nền văn hóa
năng suất”. Ngài nói trong một bài giáo lý về tuổi già, vào tháng 2/2022: “Tuổi
trẻ là rất đẹp, nhưng tuổi trẻ vĩnh hằng là một ảo giác rất nguy hiểm. Già đi
cũng quan trọng – và đẹp đẽ – như trẻ trung. Chúng ta hãy nhớ điều đó. Liên
minh giữa các thế hệ, vốn khôi phục cho con người tất cả các giai đoạn của cuộc
sống, là món quà đã mất đi của chúng ta và chúng ta phải lấy lại.”
Đức Thánh Cha kêu gọi người trẻ xích lại gần hơn
với người lớn tuổi để trở về nguồn của sự khôn ngoan. Ngài nói với giới trẻ Bỉ
vào tháng 10/2022: “Hãy để bản thân được soi sáng bởi những lời khuyên và chứng
tá của người lớn tuổi. Đối thoại với cội nguồn, với người cao tuổi, với những
người đã đi trước chúng ta, và chúng ta, tiến về phía trước…Chính khi lớn lên
dưới cái nhìn nhân từ và ân cần của những người lớn tuổi mà chúng ta được
rèn luyện một nhân cách vững chắc cho những cuộc đấu tranh hằng ngày và, hơn nữa,
họ truyền đạt cho chúng ta đức tin và những xác tín tôn giáo của họ.”
Đối mặt với sự vứt bỏ và sự gạt ra bên lề xã hội
của những người cao tuổi, Đức Thánh Cha, trong buổi tiếp kiến chung vào tháng
3/2015, đã mơ về một Giáo hội “thách thức nền văn hóa vứt bỏ bằng niềm vui
tràn trề của một cái ôm mới giữa người trẻ và người cao tuổi. Đó là điều mà cha
cầu xin Chúa hôm nay, cái ôm này!”
Tý Linh
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (04.07.2023)