Nt. Marie Fiat Tuyết Mai, MTG
Mục lục I. MIÊU
TẢ HUY HIỆU GIÁM MỤC CỦA HAI ĐỨC CHA 3. Diễn tả một nguyên tắc sống 4. Có tư cách pháp nhân và bảo vệ |
DẪN NHẬP
Trong tác phẩm
“Tập Huy hiệu minh họa của Hàng Giám mục
Pháp”[1],
xuất bản năm 2008, của chuyên viên huy hiệu Arnaud Bunel, người ta tìm thấy huy
hiệu Giám mục của Đức cha François Pallu, Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài - số
1856, của Đức cha Pierre Lambert de la Motte, Đại diện Tông tòa Đàng
Trong - số 1857. Hai bản vẽ này thu hút sự chú ý của những ai đã từng nhìn thấy
con dấu Giám mục hay một huy hiệu khác của hai Đức cha. Thật quý báu thay, sau
hơn 350 năm, chúng ta vẫn còn tìm thấy được con dấu nguyên vẹn của mỗi Đức cha
trong những lá thư do chính tay các ngài viết, trên những tờ giấy do chính các
ngài chọn, được lưu giữ cẩn thận trong Văn khố của Hội Thừa sai Paris (AMEP).
Trước khi đi vào phân tích các chi tiết, chúng
ta cùng quan sát và lưu ý nét khác biệt giữa các huy hiệu của Đức cha
Pallu: bản vẽ của Bunel, con dấu trong thư Đức cha Pallu gửi Cha Brindeau
và Cha Deydier[2],
và bản vẽ tay trong tập thống kê của vị Quản thủ Văn khố Henri Sy về các tài liệu
của MEP đang lưu trữ tại Văn khố Quốc gia.
Đối với Đức cha Lambert, chúng ta so sánh bản
vẽ của tác giả Bunel với con dấu của ngài được tìm thấy trong lá thư viết tay gửi
ông Fermanel
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đặt câu hỏi về
những khác biệt và bắt đầu nghi vấn về tính xác thực của các bản vẽ. Chúng ta
cùng tìm hiểu những giải đáp cụ thể.
I.
MIÊU TẢ HUY HIỆU GIÁM MỤC CỦA HAI ĐỨC CHA[4]
Vào thế kỷ XVII, mỗi huy hiệu thuộc phẩm trật
Giáo hội gồm hai phần: tấm khiên (écusson) là phần quan trọng nhất và phần
trang hoàng bên ngoài (ornements extérieurs) gồm những yếu tố liên quan đến chức
tước của đương sự.
Vì thế, để tạo một minh họa hữu hình (bản vẽ,
con dấu, trên chân dung, v.v.) cho huy hiệu của một vị nào đó, nghệ nhân chỉ cần
hai yếu tố: sự mô tả tấm khiên và phẩm tước, chức vị của người đó. Tiếp đến,
tùy theo năng lực cảm nhận nghệ thuật riêng, chính họa sĩ huy hiệu làm nên bản
vẽ minh họa thích hợp, thanh nhã và đẹp nhất. Điều đó có nghĩa là: hai họa
sĩ huy hiệu đề nghị hai bản vẽ minh họa khác nhau cho cùng một người, miễn là cả
hai đều tôn trọng các quy tắc cách chính xác, thì cả hai bản vẽ đó đều đúng.
Trong nghệ thuật huy hiệu, có những điều buộc họa sĩ phải tuân theo các quy tắc,
có những điều họ được hoàn toàn tự do trong sự sáng tạo theo khả năng thẩm mỹ của
mình.
Đối với huy hiệu Giám mục của Đức cha Pallu và
Đức cha Lambert, chúng ta tìm hiểu trước phần trang hoàng bên ngoài gắn liền với
chức tước. Về nguyên tắc, phần này hoàn toàn giống nhau trong cả hai huy hiệu.
1. Phần trang hoàng bên ngoài
Đối với một Giám mục, từ rất lâu, trước cả thời Đức cha Pallu và Lambert, mũ rộng vành đại trào, gậy mục tử, Thánh giá, mũ lễ là những yếu tố được phép dùng trong huy hiệu, nhưng không vì thế mà tất cả mọi thứ buộc phải có cùng lúc.
Người ta quy định rằng trong số bốn yếu tố:
mũ rộng vành, gậy mục tử, Thánh giá, mũ lễ, cần phải biểu thị trên huy hiệu ít nhất
là hai, nhưng việc lựa chọn và cách xếp đặt thuộc quyền tự do của họa sĩ và tùy
theo dạng thức biểu thị huy hiệu.
Trong trường hợp con dấu của Đức cha Lambert,
chúng ta thấy: gậy, mũ lễ, mũ rộng vành đại trào được biểu thị, còn Thánh
giá thì không. Có phải vì thế mà kết luận rằng Đức cha Lambert không đưa Thánh
giá vào huy hiệu của ngài ? Bunel khẳng định: “Không, tất nhiên
không !” Thực tế ở đây, một điều hiển nhiên là bề mặt con dấu hình tròn và
có kích thước thu nhỏ, khó có thể đưa cả 4 yếu tố vào không gian giới hạn này.
Trong những bản minh họa khác, Thánh giá có thể
được đặt như phiên bản của Đức cha Pallu, để một bên, tạo góc vuông với tấm
khiên; có thể đặt vào trung tâm trong liên hệ với thanh ngang của tấm
khiên để làm nổi bật tầm quan trọng của Thánh giá trong linh đạo của Đức cha
Lambert[5].
Mũ lễ có thể được đặt ngay giữa như một vương
miện trên những huy hiệu quý tộc, hay xê dịch qua một bên, kể cả có thể đặt
xiên một góc phía trên của tấm khiên hay đúng hơn của khung chứa tấm khiên,
v.v. Điều đáng quan tâm, đó là mỹ thuật và sự hài hòa trong nét thể hiện.
Về vấn đề số núm tua gắn liền với mũ rộng vành
của một Giám mục, vào thời kỳ của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert, không có
quy định về số núm tua được sử dụng. Điều này cũng đúng vào lúc đó cho tất cả
các mũ rộng vành thuộc mọi phẩm tước trong Giáo hội, từ Hồng y đến cả một Linh
mục bình thường. Chính Đức cha Pallu và Đức cha Lambert có thể chọn 6, 10, kể cả
15 núm tua mỗi bên. Kết quả là mỗi nghệ nhân vẽ huy hiệu biểu thị số núm tua tùy
ý muốn của Giám mục hay của chính họ, trong giới hạn mỹ thuật, tùy theo dạng thức
biểu thị, nhưng hiếm khi người ta thấy chúng vượt quá 15 núm tua mỗi bên, nghĩa
là 5 hàng.
Hãy xem trên con dấu, huy hiệu vẽ tay của Đức
cha Pallu trên đây và con dấu của Đức cha Lambert, mỗi bên có 10 núm tua, ngày
nay, vừa nhìn thấy, người ta nói ngay đó là huy hiệu của Tổng giám mục, nhưng
thời của các ngài, chúng vẫn là huy hiệu của một Giám mục.
Cần phải đợi đến cuối thế kỷ XVIII, và nhất là
thế kỷ XIX mới có các quy tắc về điều này, khởi đầu là cách thực hành của đại
chúng, tiếp đến là quy định chính thức của Tòa thánh. Kể từ đó, số núm tua được
phân biệt tùy theo thứ tự phẩm trật, cụ thể là 6 núm tua mỗi bên cho huy hiệu
Giám mục. Còn trước đó, thứ tự phẩm trật được phân biệt chủ yếu dựa vào màu sắc
của các mũ rộng vành. Màu xanh lục của mũ rộng vành là màu đặc trưng của huy hiệu
Giám mục. Như thế, các bản vẽ sau đây đều đúng đối với huy hiệu của Đức cha
Pallu và Đức cha Lambert:
Nếu trung thành với sự lựa chọn của hai Đức
cha, chúng ta chọn huy hiệu với 10 núm tua mỗi bên:
Nếu thích ứng với quy định hôm nay mà không vi
phạm các nguyên tắc huy hiệu thế kỷ XVII, chúng ta chọn huy hiệu với 6 núm tua
mỗi bên:
Tất cả các điều trên đúng đối với những huy hiệu
Giám mục thời xưa. Ngày nay, thông thường gậy và mũ lễ không còn được chấp nhận
trong các huy hiệu của Giám mục theo nghi lễ Rôma.
2. Tấm khiên huy hiệu
Vào thời của hai Đức cha, tấm khiên đặt ở vị
trí trung tâm của huy hiệu không làm nổi bật những nét đặc trưng cho người mang
nó, nhưng cho gia đình riêng của người đó. Những yếu tố thật sự vén mở địa vị
xã hội, chức tước của đương sự được nhận thấy nơi những yếu tố trang hoàng bên
ngoài tấm khiên.
Chính tấm khiên là "nét đặc trưng" của
gia đình hay dòng họ. Thật vậy, huy hiệu gần giống như họ (tên), một yếu tố biểu
thị sự thuộc về một gia đình, một dòng tộc. Vì thế, nói chung, những huy hiệu
thường được lấy lại trong sự đồng nhất từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Vào thời Trung cổ, thông thường một nhánh mới,
ví dụ như hậu duệ con thứ, lấy huy hiệu của nhánh trưởng nam, thay đổi đôi nét
để làm thành cái riêng của mình. Điều đó được gọi là "thêm nét cách biệt".
Một trong những hình thức thông dụng của nét cách biệt, đó là thay đổi màu sắc.
Có những gia đình thiết kế một huy hiệu mới bằng cách phối hợp huy hiệu của cha
với của mẹ.
Trong ngành huy hiệu, trước tiên người ta viết, mô tả chính xác nội dung huy hiệu, sau đó sẽ vẽ. Họa đồ chỉ là phần ứng dụng cho bản viết. Vì thế, khi muốn tìm tính xác thực của một huy hiệu, cần tìm bản mô tả, được trình bày theo ngôn ngữ của huy hiệu, với những quy tắc riêng.
Tấm khiên trong huy hiệu của hai Đức cha được mô tả như sau:
- Đức cha Pallu: “nền bạc, trung tâm là cây cọ dừa xanh trên bồn đất xanh lún thụt dưới đáy tấm khiên, hai bên cây cọ có hai vết đốm đen da lông chồn”[6].
- Đức cha Lambert: “nền xanh da trời, trung tâm là sư tử vàng, phần trên hình chữ nhật bạc trắng, với 3 ngôi sao đỏ”[7].
Về ý nghĩa của từng chi tiết trong tấm khiên,
theo tác giả Bunel, “có một hình thức văn chương liên quan đến biểu tượng huy
hiệu, nhưng đó là một lãnh vực ưu tiên cân nhắc với một sự thận trọng lớn.
Trong thực tế, cần phải có những thông tin trở ngược lại thời kỳ sáng chế ra
huy hiệu gia đình, để biết điều mà người đầu tiên sử dụng nó nghĩ đến, từ đó
tùy tình hình, có thể khẳng định đôi điều về đối tượng được chọn. Chẳng hạn, ba
ngôi sao trong tấm khiên của Đức cha Lambert, có thể quy chiếu về ba con trai của
người đầu tiên sử dụng huy hiệu, cũng như ba lãnh địa người ấy có thể sở hữu,
ba trận đấu người đó có thể tham gia, hoặc bất cứ điều gì khác mà người đó muốn
dùng ba ngôi sao làm biểu tượng. Khẳng định bất cứ điều gì mà không nắm bắt vài
yếu tố tiểu sử của người đầu tiên sử dụng huy hiệu, về mặt trí tuệ, đó là điều
không trung thực, vì thế tốt nhất nên tránh”[8].
Có ý kiến cho rằng, nhìn một cách tổng quát,
những hình ảnh biểu tượng được dùng trong tấm khiên của gia tộc Pallu thuộc
lãnh vực tư pháp, còn của gia tộc Lambert thuộc lãnh vực quân sự.
Đối với tấm khiên, những quy định về việc phối
màu rất quan trọng, người ta không chồng kim loại trên kim loại hay màu sắc
trên màu sắc. Chẳng hạn trên tấm khiên huy hiệu của Đức cha Lambert, chúng ta
thấy một nền xanh da trời, đó là màu sắc; trên nền này, có hai đối tượng
được đặt lên: sư tử vàng bằng kim loại, và phần trên hình chữ nhật bạc
cũng bằng kim loại. Trên phần bằng bạc, người ta đặt 3 ngôi sao màu đỏ. Như vậy,
quy luật phối màu được tôn trọng. Nếu quan sát kỹ, người ta có thể nhận thấy sự
khác biệt trong hình dáng của đuôi sư tử, điều này thuộc quyền tự do của họa
sĩ. Chính các nghệ nhân phải nắm vững các nguyên tắc trước khi vẽ huy hiệu.
Ngày nay, tấm khiên không còn biểu hiện những
đặc nét riêng của gia đình Giám mục, nó thường chứa đựng những biểu tượng diễn
tả ý nghĩa thiêng liêng và đường hướng mục vụ hàm chứa trong câu phương châm mà
ngài chọn, cũng có những vị dùng những hình ảnh liên hệ đến địa danh, sứ mạng,
lịch sử, tên thánh, kể cả tên riêng.
3. Câu phương châm
Đối với vấn đề câu phương châm, trong phạm vi
huy hiệu thuộc phẩm trật Giáo hội, đây là một đề tài rất quan trọng. Nó diễn tả
linh đạo riêng và và đường hướng mục vụ của các vị chủ chăn trong Giáo hội. Thời
Đức cha Lambert, người ta ứng dụng như sau:
Khi một giáo sĩ xuất thân từ gia đình quý tộc
có sử dụng câu phương châm trong huy hiệu, thông thường ngài vẫn dùng lại câu ấy,
dù rằng có thể chọn riêng cho mình một câu khác.
Khi không có trước một câu phương châm gia
đình, vị giáo sĩ chọn một câu riêng, và câu ấy thường được rút ra từ bản văn
Kinh Thánh, hoặc từ nguồn khác.
Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa tìm được câu
phương châm đi kèm với huy hiệu của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert.
II.
ĐẶC TÍNH VÀ Ý NGHĨA
Việc sử dụng huy hiệu đã phát triển từ thời
Trung cổ, khoảng thế kỷ XI, bắt đầu từ tướng quân, rồi đến các kỵ sĩ, từ từ mở
rộng đến giới quý tộc, giáo sĩ, cộng đoàn tu trì, tập thể dân sự, các địa danh,
kể cả giới nông dân…
Trong tiếng Pháp, chữ ‘huy hiệu’ (armoiries),
có nguồn gốc từ ‘arme’ (vũ khí, khí giới). Vì thế, một cách nào đó, có thể nói
huy hiệu chính là ‘khí giới’ của một người hay một gia tộc, có khi chúng được gọi
là ‘phù hiệu vũ khí’.
Khoa huy hiệu ‘héraldique’ có nguồn gốc từ
‘héraut’ nghĩa là một phát ngôn viên, chuyển tải những sứ điệp quan trọng về một
ai đó bằng ngôn ngữ của những biểu tượng. Nó cho biết người mang phù hiệu đó là
ai, xuất thân từ đâu.
1. Thừa kế
Trước tiên, huy hiệu là một hệ thống nhận dạng
gia tộc, tập thể mà mình là thành viên. Trong giới quý tộc, nó được lưu truyền
từ đời này sang đời nọ, với tất cả những quyền lợi và danh dự kèm theo. Hậu duệ
không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ mà còn phải tiếp tục tích lũy, đem lại cho nó những
vinh quang, danh dự mới. Đức cha Pallu và Đức cha Lambert lên đường truyền
giáo, từ bỏ mọi sự, nhưng danh dự, tinh thần, ý chí, cảm thức thuộc về gia
đình, dòng tộc vẫn lưu khắc trên huy hiệu. Các ngài vẫn tiếp tục giữ trách nhiệm
lưu truyền và đem lại vinh quang danh dự cho nó một cách thiêng liêng.
2. Duy nhất
Tất cả những gì liên quan đến huy hiệu biểu thị
một người duy nhất, dù có những đặc nét của gia đình nổi bật trên tấm khiên,
nhưng nó vẫn là cái riêng của chính người đó, biểu thị tước hiệu, chức danh qua
các yếu tố trang hoàng bên ngoài. Không một ai khác có thể dùng lại huy hiệu
này. Huy hiệu cho biết họ là người duy nhất gắn liền với nó, không thể nhầm lẫn
với bất kỳ một ai khác. Huy hiệu của Đức cha Pallu hoặc của Đức cha Lambert là
độc nhất vô nhị.
3. Diễn tả một nguyên tắc sống
Các tài liệu trong lãnh vực huy hiệu thuật lại: vào thời Trung cổ, khi lên 14 tuổi, những thiếu niên quý tộc được dạy thuật
cưỡi ngựa và đánh kiếm. Chúng cũng được học những phẩm giá hào hiệp về lòng
dũng cảm và trung thành, bảo vệ góa phụ và cô nhi, tôn trọng phụ nữ.
Cuối thời niên thiếu, người ta tổ chức nghi lễ
trao binh giáp cho người trẻ quý tộc, từ nay cậu được quyền có một huy hiệu
riêng vẽ trên tấm khiên. Cha đỡ đầu giới thiệu cậu vào hàng kỵ sĩ, trao cho cậu
con ngựa, thanh kiếm cầm bên tay phải, trong khi tấm khiên huy hiệu được giữ
bên tay trái. Trong trận chiến, chính huy hiệu trên tấm khiên giúp nhận ra kỵ
sĩ và kẻ thù. “Đôi khi người kỵ sĩ mới thể hiện sự trân trọng đối với cha đỡ đầu
qua việc chọn lấy vài yếu tố trong huy hiệu của ông”[9],
“mỗi một huy hiệu diễn tả một nguyên tắc sống”[10].
Chắc chắn, hai Đức cha hiểu rõ những ý nghĩa
thể hiện trên tấm khiên của mình, các ngài còn trình bày một lý tưởng và đường
hướng truyền giáo qua câu phương châm riêng. Chúng ta hy vọng một ngày gần đây
sẽ tìm lại được câu phương châm của các ngài.
4. Có tư cách pháp nhân và bảo vệ
Chức tước đi kèm với huy hiệu được phối hợp để
làm nên con dấu có tư cách pháp nhân. Với con dấu riêng, các Đức cha niêm ấn tất
cả các thư từ cá nhân, đúng theo yêu cầu cẩn mật của Huấn thị Roma năm 1659; qua con dấu, các ngài xác định chính
mình là tác giả các lá thư và bảo vệ chúng. Khi con dấu còn nguyên vẹn trên bì
thư, điều đó có nghĩa là thư chưa bị mở ra trên hành trình gửi đi.
Từ thời Trung cổ, huy hiệu được khắc trước
tiên trên tấm khiên, tiếp đến trên những vật dụng của người ấy, cả trên hình
chân dung. Trong trường hợp của Đức cha Lambert, chúng tôi xin lưu ý độc giả về
một chân dung có huy hiệu và tên của ngài dưới đây:
Hãy quan sát huy hiệu vẽ trên góc phải chân
dung, màu sắc của hình chữ nhật trên tấm khiên và các ngôi sao khác với màu sắc
trong huy hiệu vừa được trình bày trên đây; điều này có thể giải thích được với
những lý do chính đáng[11].
Tuy nhiên, đối diện với huy hiệu là một hàng chữ, chỉ có thể được thêm vào gần
đây. Nó ghi tên Đức cha Lambert: “Pierre Marie Lambert de la Motte
Frondeville, Giám mục Hiệu tòa Béryte, 1660”.
Trong tất cả các tài liệu viết vào thời của
ngài - thế kỷ XVII, và các thế kỷ tiếp theo, Đức cha hiệu tòa Béryte chưa bao
giờ được gọi là Frondeville. Hai chuyên viên Huy hiệu cho rằng: “Đặc tính
giả mạo của hàng chữ ghi trên bức tranh có thể xảy ra, gắn liền với ước muốn của
một Frondeville muốn sáp nhập cách chính thức một nhân vật quan trọng vào chi tộc
của mình. Điều đó không có gì ngạc nhiên”[12].
KẾT LUẬN
Mỗi một Giám mục luôn luôn có một huy hiệu đi
kèm. Thật giá trị khi các Văn khố vẫn còn giữ cẩn thận các thủ bút còn lưu dấu
niêm ấn của Đức cha Pallu và Đức cha Lambert. Cùng với việc phát triển của khoa
học huy hiệu hôm nay, các chuyên viên giúp chúng ta phân tích và tìm hiểu cách
dễ dàng từng phần trong mỗi huy hiệu. Nhờ đó, huy hiệu của các ngài được nhìn
nhận cách đúng đắn. Thật vậy, khi chúng tôi chia sẻ huy hiệu của Đức cha
Lambert cho một vài người bạn, lập tức họ phản hồi: ‘Đức cha Lambert là một
Tổng Giám mục mà chúng ta không biết’; người khác thì nghi vấn:
‘Huy hiệu này không phải của Đức cha Lambert, nhưng là của một Tổng Giám mục
nào đó. Lúc ấy, chúng tôi gửi ngay cho họ con dấu nguyên vẹn của ngài, nhưng vẫn
cùng một phản ứng: ‘bạn nhầm rồi, tôi không nghĩ nó là con dấu của Đức
cha Lambert’. May mắn thay, con dấu còn nằm yên trong lá thư gốc (autographe) với
nét chữ và chữ ký của Đức cha Lambert. Tương tự như vậy đối với những chi tiết
khác.
Chính vì thế, chúng tôi ước muốn giới thiệu với
độc giả những giải thích của chuyên viên Arnaud Bunel liên quan đến huy hiệu của
Đức cha Pallu và Đức cha Lambert, với ước nguyện tất cả các tài liệu khác của
các ngài cũng được tìm hiểu và phân định một cách khoa học, để tiến trình làm hồ
sơ phong thánh cho hai Đức cha được hoàn tất cách chuẩn mực, đúng với yêu cầu của
Tòa thánh, và các ngài sớm được tôn phong trong hàng ngũ các Thánh.
TÀI LIỆU
THAM KHẢO
- BAUDIMENT Louis, François Pallu, Principal fondateur des Missions Étrangères (1626-1684),
Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006.
- BUNEL Arnaud, Armorial illustré de l’Épiscopat français, 1589-1790, sous forme de
CD-Rom, de la série "Héraldique illustré", sur http://heraldique-europeenne.org/, 2008.
- BUNEL Arnaul, Huy hiệu Giám mục của Đức cha Lambert de la Motte, Trao đổi giữa chuyên viên Huy hiệu
Arnaud Bunel và nữ tu Marie Fiat Tuyết Mai, Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ,
2021.
- D’HAUCOURT G. et DURIVAULT G., Le Blason, Presses universitaires de
France, 1965.
- LAMBERT DE LA MOTTE Pierre, Thư gửi ông
Fermanel, AMEP, T. 858.
- LAUNAY Adrien, Mémorial de la Société des Missions Étrangères, deuxième Partie 1658-1913,
Paris, Séminaire des Missions Étrangères, 1916.
- MAROL Jean-Claude, Blason - Langue vivante, Dangles, 1995. Pierre
- PALLU FRANÇOIS, Thư gửi Cha Brindeau và Cha
Deydier, AMEP, T. 102.
- ROLAND Jacques, Le premier synode du Tonkin (14 février 1670), mémoire de licence de droit canonique de l’Institut Catholique de Paris, 1993, tr. 104, Bản đồ: Le Đại Việt et ses voisins au 17e s.
Tải bài viết về tại đây: File PDF
[1] Arnaud BUNEL, Armorial illustré de l’Épiscopat français,
1589-1790, sous forme de CD-Rom, de la série "Héraldique
illustré", 2431 pages, 1983 armoiries, sur www. heraldique-europeenne.org,
2008.
[2] Louis BAUDIMENT, François Pallu, Principal fondateur des Missions Étrangères (1626-1684),
Paris, Archives des Missions Étrangères, 2006, tr. 279, 568.
[4] Arnaul BUNEL, Huy hiệu Giám mục của Đức cha Lambert de la Motte, Trao đổi giữa chuyên viên Huy hiệu
Arnaud Bunel và nữ tu Marie Fiat Tuyết Mai, Dòng Mến Thánh Giá, Lưu hành nội bộ,
2021.
[5] Năm 2019, Arnaud Bunel đã chuyển Thánh giá từ
bên trái trong phiên bản cũ vào trung tâm cho phù hợp với linh đạo của Đức cha
Lambert. Theo tác giả, điều này hoàn toàn được phép, nó thuộc quyền minh họa của
họa sĩ.
[6] “D’argent au palmier de sinople sur une
terrasse de même mouvante de la pointe de l’écu, accosté de deux mouchetures
d’hermine de sable (Louis BAUDIMENT, François
Pallu, sđd, tr. 22, note 1, tr. 568).
[7] "D'azur, au lion d'or, au chef d'argent,
chargé de trois étoiles de gueules" (Adrien LAUNAY, Mémorial de la Société des Missions Étrangères, deuxième Partie
1658-1913, Paris, Séminaire des Missions Étrangères, 1916, tr. 353 :
Lambert de la Motte)
[12] Nt.,
tr. 40-41.