HƯỞNG ỨNG NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI -
05.6.2021
Tác giả: Ban Công lý và Hòa bình - Giáo Phận
Buôn Ma Thuột
Buôn Ma Thuột, ngày 04 tháng 6 năm 2021
Ngày Môi trường thế giới diễn ra hàng năm vào ngày 05/6. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng hàng đầu của Liên Hợp quốc (LHQ) để thúc đẩy nhận thức và hành động vì môi trường trên toàn thế giới. Ban Công lý và Hòa bình giáo phận Buôn Ma Thuột đã đóng góp bài tổng hợp những suy tư và gợi ý hành động để hưởng ứng ngày Quốc tế Môi trường năm nay.
Dẫn nhập
Ngày 05
tháng 6 năm 1972, nhân Hội Nghị Môi Trường Thế Giới tổ chức tại Stockholm -Thụy
Điển, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định chọn ngày này làm Ngày Môi Trường
Thế Giới (World Environment Day – viết tắt: WED). Từ đó, hơn 150 quốc gia trên
thế giới đã hưởng ứng tham gia vào ngày này. Ngày Môi Trường Thế Giới mang lại
nhiều ý nghĩa và mục đích thiết thực.
+ Ngày Môi Trường Thế Giới kêu
gọi tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường,
khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.
+ Ngày Môi Trường Thế Giới
thúc bách mọi người nghĩ tới việc làm sạch môi trường, nghĩ tới màu xanh với
sinh lực vốn có và niềm phấn khích phục hồi lại nguồn năng lượng mà chúng ta
vay của thiên nhiên.
+ Ngày Môi Trường Thế Giới là
cơ hội để các chính phủ, các tổ chức quốc tế tham gia ký kết và phê chuẩn những
hiệp ước về môi trường. Kể từ năm 1982,Việt Nam đã hưởng ứng các hoạt động
kỷ niệm ngày lễ này trên toàn quốc (Theo
Bách khoa toàn thư Wikipedia).
+ Đối với Kitô giáo, bảo vệ môi trường phát xuất từ nền tảng Thánh
Kinh, vì Thiên Chúa tạo thành vũ trụ một cách tốt đẹp và Ngài trao công trình tạo
dựng ấy cho con người cai quản. Chính Ngài đã đặt con người lên chóp đỉnh công
trình sáng tạo mà Ngài thấy là “rất tốt đẹp đó” (St 1,4.10.12.18.21.25). "Thiên Chúa cũng giao cho con người
chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài
hòa và phát triển" (x. TLHTXHCG
451).
Hưởng ứng
ngày Môi Trường Thế Giới, chúng tôi tổng hợp một vài tài liệu và chia sẻ cùng
quý độc giả một số nội dung chính yếu về những tác hại môi trường trên thế giới;
về thực trạng môi trường tại Việt Nam; về giáo huấn xã hội của Giáo Hội đối với
việc bảo vệ môi trường; về những định hướng và hành động cụ thể để bảo vệ môi
trường. Qua nội dung bài viết về môi trường này, hy vọng chúng ta có được một sự
hiểu biết cần thiết, một tầm nhìn tổng quát và lòng nhiệt thành hăng say để
cùng nhau xây dựng một thế giới tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững.
I. Những tác hại ô nhiễm môi
trường và hậu quả nghiêm trọng do biến đổi khí hậu trên thế giới
Thông Điệp
LAUDATO SI mô tả về sự ô nhiễm, rác rưởi: “Chúng ta phải nhìn vào sự ô
nhiễm do rác thải gây nên, gồm cả các chất cặn bả nguy hiểm có mặt
trong nhiều vùng khác nhau. Mỗi năm có hằng trăm triệu tấn rác thải
được tung ra, mà phần đông không phải do rác sinh học: rác thải trong
gia đình và chợ búa, rác thải do xây dựng, do bệnh viện, điện khí, kỹ
nghệ, nhất là những rác thải độc hại và phóng xạ. Ngôi nhà trái
đất của chúng ta, càng ngày càng trở nên một bãi rác khổng lồ.
Trong nhiều vùng trên trái đất, những người già thường nhớ đến những
cách đồng như thuở xưa, nay thì tràn đầy rác rưởi. Cũng như rác thải
công nghiệp do những sản phẩm hóa chất được sử dụng trong làng mạc
hay nơi đồng áng có thể gây nên hậu quả gia tăng chất hóa học trong cơ
thể của người dân chung quanh, cũng như đưa đến những yếu tố độc hại
cho một nơi thấp”. (LAUDATO SI 21)
Theo Viện
Khí Tượng Thủy Văn và Biến Đổi Khí Hậu, thì trong lịch sử địa chất của trái đất
chúng ta, sự biến đổi khí hậu đã từng nhiều lần xẩy ra với những thời
kỳ lạnh và nóng kéo dài hàng vạn năm mà chúng ta gọi là thời kỳ băng hà
hay thời kỳ gian băng. Thời kỳ băng hà cuối cùng đã xảy ra cách đây 10.000 năm
và hiện nay là giai đoạn ấm lên của thời kỳ gian băng. Xét về nguyên nhân gây
nên sự thay đổi khí hậu này, chúng ta có thể thấy đó là do sự biến động và thay
đổi độ nghiêng trục quay trái đất, sự thay đổi quỹ đạo quay của trái đất quanh
mặt trời, vị trí các lục địa, đại dương và đặc biệt là sự thay đổi trong thành
phần khí quyển.
Trong khi
những nguyên nhân đầu tiên là những nguyên nhân hành tinh, thì nguyên nhân cuối
cùng lại có sự tác động rất lớn của con người mà chúng ta gọi đó là sự làm nóng
bầu khí quyển hay hiệu ứng nhà kính. Có thể hiểu sơ lược là: nhiệt độ trung
bình của bề mặt trái đất được quyết định bởi sự cân bằng giữa hấp thụ năng lượng
mặt trời và lượng nhiệt trả vào vũ trụ. Khi lượng nhiệt bị giữ lại nhiều trong
bầu khí quyển thì sẽ làm nhiệt độ trái đất tăng lên. Chính lượng khí CO2 chứa
nhiều trong khí quyển sẽ tác dụng như một lớp kính giữ nhiệt lượng tỏa ngược
vào vũ trụ của trái đất.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Biểu hiện rõ nhất là sự nóng lên của trái đất, là băng tan, nước biển dâng cao; là các hiện tượng thời tiết bất thường, bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán và giá rét kéo dài… dẫn đến thiếu lương thực, thực phẩm và xuất hiện hàng loạt dịch bệnh nơi người, gia súc, gia cầm…
Từ hàng loạt
tác động cực đoan của khí hậu trong thời gian gần đây, đã có khoảng 250 triệu
người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt ở Nam Á, châu Phi và Mexico. Các nước
Nam Âu đang đối mặt nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng dễ dẫn tới những trận cháy
rừng, sa mạc hóa, còn các nước Tây Âu thì đang bị đe dọa xảy ra những trận lũ lụt
lớn, do mực nước biển dâng cao cũng như những đợt băng giá mùa đông khốc liệt.
Những trận bão lớn vừa xảy ra tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...có nguyên
nhân từ hiện tượng trái đất ấm lên trong nhiều thập kỷ qua. Những dữ liệu thu
được qua vệ tinh từng năm cho thấy số lượng các trận bão không thay đổi, nhưng
số trận bão, lốc cường độ mạnh, sức tàn phá lớn đã tăng lên, đặc biệt ở Bắc Mỹ,
Tây Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Đại Tây Dương. Một nghiên cứu với xác
suất lên tới 90%.cho thấy sẽ có ít nhất 3 tỷ người rơi vào cảnh thiếu lương thực
vào năm 2100, do tình trạng ấm lên của Trái Đất.
Sự nóng
lên của Trái Đất, băng tan đã dẫn đến mực nước biển dâng cao. Nếu khoảng thời
gian 1962 - 2003, lượng nước biển trung bình toàn cầu tăng 1,8mm/năm, thì từ
1993 - 2003 mức tăng là 3,1mm/năm. Tổng cộng, trong 100 năm qua, mực nước biển
đã tăng 0,31m. Theo quan sát từ vệ tinh, diện tích các lớp băng ở Bắc Cực, Nam
Cực, băng ở Greenland và một số núi băng ở Trung Quốc đang dần bị thu hẹp.
Chính sự tan chảy của các lớp băng cùng với sự nóng lên của khí hậu các đại
dương toàn cầu (tới độ sâu 3.000m) đã góp phần làm cho mực nước biển dâng cao.
Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên khoảng từ 2 - 4,50C
và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 0,18m - 0,59m. Việt Nam là 1 trong 4 nước
chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự biến đổi khí hậu và dâng cao của nước biển.
Dự báo, sẽ
có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới sẽ khó khăn về nước sạch và 600 triệu người
bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu
trong những năm tới.
II. Thực trạng về ô nhiễm môi
trường và kịch bản biến đổi khí hậu tại Việt Nam những năm gần đây
Theo Phóng
viên Minh Luyến (TTXVN), Báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ
chức Germanwatch, cho biết, trong 20 năm qua kể từ năm 1998, 10 quốc gia chịu ảnh
hưởng nhất về biến đổi khí hậu gồm: Puerto Rico, Sri Lanka, Dominica, Nepal,
Peru, Việt Nam, Madagasca, Sierra Leone, Bangladesh và Thái Lan. Như thế, Việt
Nam đứng thứ 6 trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất do biến đổi khí hậu.
Theo phân
tích của hai tác giả Phạm Văn Ái và Nguyễn Đức Thắng (SJ), trong tiểu luận “Thử áp dụng Giáo huấn xã hội của Giáo Hội
Công Giáo vào vấn nạn Môi Trường của Việt Nam hiện nay”, tác giả đã nêu ra
3 tác động chính sau đây (xin trích nguyên văn):
1. Ô nhiễm nước – không khí – đất
Chung số
phận với các nước đang phát triển khác, Việt Nam cũng bị ô nhiễm nặng nề môi
trường do hậu quả của hiện tượng toàn cầu hóa. Thật vậy, trong năm 2014 vừa
qua, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) công bố cả hai thành phố lớn
của Việt Nam nằm trong danh sách 6 thành phố bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng
nhất trên thế giới. Cụ thể về nồng độ bụi, Hà Nội và TP. HCM chỉ đứng sau Bắc
Kinh, Thượng Hải, New Delhi và Dhaka.
Cục Bảo Vệ
Môi Trường Việt Nam cho hay, tại các khu đô thị, 70 – 90% nguồn ô nhiễm là do
khí thải từ các phương tiện giao thông. Mỗi ngày người dân ở các thành phố lớn
thải ra hàng nghìn tấn rác; các cơ sở sản xuất thải ra hàng trăm nghìn mét khối
nước thải độc hại. Trong tổng số khoảng 34 tấn rác thải rắn y tế mỗi ngày, Hà Nội
và TP.HCM chiếm đến 1/3; bầu khí quyển của thành phố Hà Nội và TP. HCM có mức
benzen và sunfua đioxit đáng báo động.
Trong tổng
số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống
xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% - 70% chất thải rắn được
thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng
yêu cầu về bảo vệ môi trường…Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số
địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cộng đồng dân cư, nhất là các cộng đồng lân
cận các khu công nghiệp, đang phải đối mặt với thảm hoạ về môi trường. Họ phải
sống chung với khói bụi, uống nước từ nguồn ô nhiễm chất thải công nghiệp.
Ở nhiều
vùng nông thôn, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt và sinh hoạt của người dân
không được thu gom, xử lý đúng quy cách. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến lưu
lượng của thuốc bảo vệ thực vật ngấm vào đất làm ô nhiễm nguồn nước do lạm dụng
trong nông nghiệp hoặc do sự thiếu ý thức và thiếu hiểu biết trong việc sử dụng
những hóa chất độc hại này.
2. Khai thác cạn kiệt và bừa bãi khoáng sản
Trong những
năm qua, nhà nước đã hợp tác và cho phép nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào việc
khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Điều này chẳng có gì đáng nói nếu việc khai
thác được giám sát chặt chẽ và hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều hoạt động
khai thác khoáng sản bừa bãi diễn ra tại nhiều khu mỏ. Theo ông Hoàng Văn
Khanh, Viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghiệp, vì chạy theo lợi nhuận trước mắt,
các doanh nghiệp khai thác tận thu đã làm tổn thất tài nguyên và môi trường bị ảnh
hưởng. Cũng vậy nhiều đơn vị không đủ khả năng, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm
quản lý. Họ khai thác bừa bãi bất hợp pháp…gây tác động xấu đến môi trường. Nhiều
dự án luyện và khai thác khoáng sản lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa
kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam
thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải. Như thế, sở dĩ Việt Nam phải
đối diện với những tác hại môi trường như hiện nay có một phần không nhỏ do việc
thiếu trách nhiệm, thiếu cơ sở vật chất – kỹ thuật, cũng như thiếu những luật định
rõ ràng để giải quyết các vấn đề môi trường trong khai thác khoáng sản.
3. Phá rừng – chặt đốn cây xanh
Cũng như
trong khai thác khoáng sản, việc thiếu ý thức bảo vệ rừng cũng như thiếu trách
nhiệm trong quản lý tài nguyên rừng đã dẫn đến nạn chặt phá rừng tràn lan. Ở
nhiều nơi, nạn chặt phá rừng bừa bãi đã lên tiếng báo động. Phá rừng vì mối lợi
trước mắt đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường và làm biến đổi khí hậu,
sinh thái. Tàn phá rừng đồng nghĩa với tàn phá cái nôi sự sống, dẫn đến tình trạng
đất đai xói mòn, lũ lụt, lở đất, lũ quét. Đây là nguyên nhân cướp đi bao nhiêu
sinh mạng người dân hằng năm, cũng như gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng xấu
đến công việc chăn nuôi và trồng trọt.
4. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt
Nam
Thông tin
chung, ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5
- 0,7oC. Mực nước biển đã dâng khoảng 20cm; Hiện tượng El Niño, La Niña ngày
càng tác động mạnh mẽ; thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc
liệt.
Theo kịch
bản BĐKH và nước biển dâng ở Việt Nam: Cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm ở
nước ta tăng khoảng 2 - 30C; Tổng lượng mưa năm và lượng mưa mùa mưa tăng,
trong khi đó lượng mưa mùa khô lại giảm; Mực nước biển có thể dâng khoảng từ
75cm đến 1m so với thời kỳ 1980-1999; Nếu mực nước biển dâng cao 1m, khoảng 10
- 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
III. Giáo huấn xã hội của
Giáo hội về bảo vệ môi trường
Trong suốt
dòng lịch sử và truyền thống của mình, Giáo Hội là “Mẹ và Thầy” luôn luôn hướng
dẫn con người đạt tới mục đích và mục tiêu của công trình tạo dựng, hướng về viễn
tượng viên mãn hạnh phúc của “TRỜI MỚI ĐẤT MỚI”. Trước những vấn đề liên quan
và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của con người như thế, Giáo Hội
không ngừng hướng dẫn, cổ vũ bảo vệ thiên nhiên và môi trường thế giới qua Giáo
lý Giáo Hội Công Giáo, qua các Thông Điệp, đặc biệt là Thông Điệp Laudato si và
Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo. Sau đây, xin trích dẫn những nội dung
căn bản chính yếu thuộc huấn quyền Giáo Hội về bảo vệ môi trường.
1. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của
toàn thể nhân loại
Giáo Lý
Giáo Hội Công Giáo dạy rằng: “Theo ý Thiên Chúa, các thụ tạo khác nhau đều phản
chiếu một chút sự khôn ngoan và sự tốt lành vô biên của Thiên Chúa, mỗi thụ tạo
một cách. Chính vì thế con người phải tôn trọng sự tốt lành riêng của từng thụ
tạo để tránh sử dụng nó một cách bừa bãi, nếu không con người sẽ coi thường Đấng
Tạo Hóa và kéo theo nhiều hậu quả nguy hại cho mình và môi sinh” (GLGHCG số 339).
Giáo Huấn
Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo đã minh định: “Chăm sóc môi trường là một thách
thức đối với toàn thể nhân loại hôm nay. Đó là một vấn đề thuộc nghĩa vụ chung
và phổ quát, nghĩa vụ tôn trọng một tài sản chung, được dành cho hết mọi người,
bằng cách ngăn chặn không cho bất cứ ai sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại
hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác – như thú vật, thảo
mộc, các yếu tố thiên nhiên hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của
mình. Đó là một trách nhiệm phải được thi hành cách chín chắn trên cơ sở cuộc
khủng hoảng sinh thái hiện nay đã mang phạm vi toàn cầu, và từ đó dẫn tới nhu cầu
cần phải đối phó với cuộc khủng hoảng sinh thái này trên cấp độ thế giới, vì tất
cả mọi hữu thể đều sống lệ thuộc lẫn nhau trong trật tự chung do Tạo Hoá sắp đặt” (HTXHCG 466).
2. Bảo vệ
môi trường vì vũ trụ và trái đất này là tài sản chung của nhân loại
“Giáo Hội có
trách nhiệm hướng tới thọ tạo… Và Giáo Hội có trách nhiệm bảo vệ đất, nước,
không khí như là những món quà Thiên Chúa trao cho mọi người; và trên hết là để
cứu nhân loại khỏi nguy cơ tự diệt chính mình. Giá trị của sự đa dạng sinh học
trong môi trường… là một giá trị cần được quản lý với ý thức trách nhiệm và phải
được bảo vệ cách thích đáng, vì đó là tài sản hết sức đặc biệt của toàn thể
nhân loại.” (HTXHCG, số 461, 466)
Đức Thánh
Cha Gioan Phaolô II đã viết trong Tông thư gửi cho Giáo Hội Á Châu 1999: “Bảo vệ
môi trường không còn chỉ là vấn nạn về kỹ thuật nhưng trước hết và trên hết đó
là vấn nạn về luân lý. Tất cả mọi người phải có trách nhiệm luân lý trong việc
bảo vệ môi trường, không chỉ vì lợi ích của chính mình nhưng còn là lợi ích của
tha nhân và chính thọ tạo”.
3. Thực hiện lối sống bác ái – chia sẻ vì Trái Đất
là ngôi nhà chung, là tài sản chung của mọi người.
Đối với vấn
đề sinh thái, giáo huấn xã hội Công Giáo nhắc lại rằng:“của cải trên trái đất
là do Thiên Chúa tạo thành để mọi người sử dụng cách khôn ngoan. Chúng phải được
chia sẻ một cách công bằng, phù hợp với công lý và bác ái". (HTXHCG số 481)
“Môi
trường là điều thiện hảo chung, gia tài của toàn thể nhân loại và
một trách nhiệm chung cho mọi người. Nếu một người chiếm hữu một
điều gì đó, thì phải quản lý vì ích lợi cho mọi người. Nếu không
làm như thế, chúng ta sẽ làm khổ lương tâm của chúng ta vì phủ nhận
sự hiện sinh của những người khác (Laudato
sí, 20).
4. Cần phải phổ biến rộng rãi một nền văn hóa
tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, một bộ môn môi sinh học toàn diện. Đó
là một linh đạo môi sinh nhằm mục đích bảo tồn môi trường lành mạnh cho tất cả
mọi người.
Để “bảo tồn
một môi trường lành mạnh cho tất cả mọi người, con người cần phải phổ biến rộng
rãi khoa đạo đức tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, cũng như tôn trọng
quyền lợi của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.” (HTXHCG số 465)
“Việc
giáo dục giúp nhận trách nhiệm với môi trường đòi buộc nhiều thái độ
liên hệ có ảnh hưởng trực tiếp và mang ý nghĩa cho việc bảo vệ môi
trường, cũng như việc tránh sử dụng các vật có chất liệu nhựa hoá
chất... Tiết kiệm nước, phân loại các rác thải…Tất cả những điều này
đều là những hành động quảng đại và xứng đáng, sẽ đem đến điều
tốt đẹp cho hữu thể con người”.(Laudato
sí, 211).
IV. Những định hướng và hành
động cụ thể ‘vì môi trường’
1. Tòa Thánh phát động Năm sinh thái 2020 và
chương trình hành động 7 năm ‘vì môi trường’ từ năm 2021
Bộ Phát
Triển Nhân Bản Toàn Diện cho biết Tòa Thánh đã phát động Năm Sinh Thái (Anno Ecologico), nhân dịp kỷ niệm
đúng 5 năm công bố Thông Điệp Laudato Si của đức thánh cha Phanxicô, ngày
24/5/2015, về việc bảo vệ trái đất như ngôi nhà chung của nhân loại. Trong năm
sinh thái, Bộ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện đã đề ra nhiều sáng kiến nhắm phổ
biến và thực thi các giáo huấn của đức thánh cha về việc bảo vệ môi trường, những
giáo huấn ngày càng hợp thời.
Thông cáo
của Bộ khẳng định rằng: “Chúng tôi hy vọng năm kỷ niệm này và thập niên sau đó
sẽ là một thời điểm ân phúc và là một thời kỳ “vui mừng” cho trái đất, cho nhân
loại và toàn thể các thụ tạo của Thiên Chúa”.
Năm 2021 - Bộ Phát Triển Nhân Bản
Toàn Diện phát động một chương trình 7 năm để các tổ chức như gia đình, các
giáo phận, trường học và đại học làm việc cho sinh thái học toàn diện, qua lăng
kính của Thông điệp Laudato Si. Chúng ta cùng theo dõi và tham gia, hưởng ứng
chương trình hành động của Tòa Thánh. (x.
G. Trần Đức Anh, O.P. Nguồn: vietnamese.rvasia.org)
2. Thực hiện các chủ đề Ngày Môi Trường Thế Giới
hàng năm
Mỗi năm, Liên Hợp Quốc đề ra một Chương Trình Môi Trường nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, xin giới thiệu Chủ Đề của Chương Trình Môi Trường năm 2021 để cùng thống nhất thực hiện:
Chủ đề
Ngày Môi trường thế giới năm nay (05.6.2021) là “Phục Hồi Hệ Sinh Thái”.
Pakistan sẽ
đóng vai trò là nước chủ nhà toàn cầu hưởng ứng các hoạt động năm 2021.
Phục hồi hệ
sinh thái có nghĩa là hỗ trợ phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái hoặc bị
phá hủy, cũng như bảo tồn các hệ sinh thái vẫn còn nguyên vẹn. Bởi tất cả các
loại hệ sinh thái có thể được phục hồi, bao gồm rừng, đất nông nghiệp, thành phố,
đất ngập nước và đại dương. Sự suy thoái của hệ sinh thái đất và biển làm giảm
phúc lợi của 3,2 tỷ người và làm mất khoảng 10% tổng sản phẩm toàn cầu hàng năm
do mất các loài và dịch vụ hệ sinh thái.
Theo tính
toán, việc khôi phục 350 triệu ha đất bị thoái hóa từ nay đến năm 2030 có thể tạo
ra 9 nghìn tỷ USD giá trị dịch vụ hệ sinh thái và hấp thu thêm 13 - 26 tỷ tấn
khí thải nhà kính từ khí quyển. Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi
trường thế giới. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có
nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước Thế Giới (22 tháng 3), Ngày Khí tượng thế
giới (22 tháng 3), Giờ Trái đất (27 tháng 3), Ngày Trái Đất (22 tháng 4)... Các
sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động
của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường
sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải,
chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó,
cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi
khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
3. Tại Việt Nam - Các tôn giáo xây dựng nhiều mô
hình - Tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngày
14-15/10/2020 tại TP. Huế, Ban Thường Trực Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc
Việt Nam phối hợp với Bộ Tài Nguyên - Môi Trường và Tổ Chức Bắc Âu trợ giúp Việt
Nam (NCA Việt Nam) đã tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò
các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tại Hội
nghị này, lãnh đạo cấp cao của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã thông
qua các thông điệp quan trọng về BVMT và ứng phó với BĐKH.
Xin trích
bài phát biểu của Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng tại hội nghị:
“Thiên
Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người
có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy
sinh sôi nảy nở cho nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Thiên Chúa
phán : “Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất,
và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi,… liền
có như vậy, Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp.” (Stk
1,27–31)
Nhưng con
người yếu đuối và ích kỷ, con người đã biến những bạn hữu đó thành những đối tượng
để khai thác đến cạn kiệt để thỏa mãn cho lòng tham của mình. Thiên nhiên đang
bị khai thác và sử dụng đến kiệt quệ.
Thiếu hòa
hợp với thiên nhiên, con người, đặc biệt người nghèo trở thành nạn nhân của tai
ương. Trước nguy cơ đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến tin hữu và toàn nhân
loại lời kêu gọi tha thiết qua thông điệp Laudato Si – Lạy Chúa, Chúc tụng Chúa
(xin trích số 13): “Thách đổ khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta
là huy động toàn thế gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm một sự phát triển bền
vững và hỗ tương. Nhân loại vẫn có khả năng cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung. Ở
đây, tôi muốn nhìn nhận, khích lệ và cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực bằng
muôn vàn cách thể để bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ.
Tôi đặc biệt cảm kích những người không mệt mỏi tìm kiếm cách thức giải quyết
những hậu quả bi đát của sự suy thoái môi trường lên đời sống của người nghèo
trên thế giới. Người trẻ đòi một sự thay đổi. Họ đang tự hỏi, tại sao người ta
có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương lai tốt đẹp mà không nghĩ đến sự khủng
hoảng môi trường và những đau khổ của những người bị loại trừ.
Kính thưa
hội nghị: Tình trạng thật bi đát, nhưng chưa phải không còn hy vọng. Chúng ta,
những người Việt Nam trên giải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả
trái tim, bằng khối óc, bằng ý chỉ, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn
tình trạng bị đất của trái đất này trước khi quá muộn”. (BTV. Công Hậu – Trung Tuyến, Báo nhân Dân)
4. Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Năm
2015 - 2016
Hưởng ứng
lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các Đức Giám mục Việt Nam trong “Thư
chung gửi cộng đồng dân Chúa” năm 2015 - 2016 đã mời gọi các tín hữu Công Giáo
thay đổi thái độ và lối sống hài hòa với thế giới tự nhiên, tôn trọng và chăm
sóc thế giới tự nhiên thông qua những hành vi nhỏ hằng ngày như tiết kiệm nước,
gas, điện, giữ vệ sinh chung... (Thư
chung năm 2015) và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện, tắt điện khi
không sử dụng, không đốt rác hay xả rác ở nơi công cộng, không xử lý chất thải
bừa bãi, không sử dụng hóa chất hay thuốc trừ sâu trong sản xuất và trong canh
tác nông nghiệp (Thư chung năm 2016).
Tất cả các
giáo xứ đã tổ chức “Ngày cầu nguyện cho việc bảo tồn thiên nhiên lần đầu tiên
vào ngày 01/9/2016. Trong ngày 01 tháng 9 hàng năm, tất cả các tín hữu Công
Giáo cùng hiệp ý cầu nguyện cho việc chăm sóc các thụ tạo, nhằm khuyến khích mọi
người phản tỉnh lại các hành động môi trường của bản thân và có một lối sống
hài hòa với môi trường.
5. Trang mạng của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Việt
Nam
Từ
26.01.2021 website mới (với tên miền:
ubclhb.com) của Ủy ban Công lý và Hòa bình Việt Nam đã được tái thiết
lập và hoạt động nhằm mục đích thực hiện các chương trình cổ vũ cho công lý và
hòa bình theo mẫu gương Chúa Kitô; đồng thời, cổ vũ các tín hữu Kitô sống Tân
Phúc Âm hóa và thăng tiến toàn diện đời sống con người. Phổ biến và cổ vũ thực
hành Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Kêu gọi mọi người xây dựng cộng đồng xã hội
phát triển, bảo vệ nhân phẩm, nhân quyền và sự sống con người, bảo vệ môi trường
trong sạch và lành mạnh để đạt tới sự ổn định bền vững và an bình cho đời sống
con người trên thế giới…
6. Các chương trình giáo dục nâng cao nhận thức
về môi trường cho mọi người thuộc mọi thành phần xã hội theo giáo huấn của Giáo
Hội qua các tập tài liệu, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội…
7. Thực hiện mô hình giáo xứ Xanh – Sạch – Đẹp.
Giáo xứ không rác
8. Mô hình thực phẩm an toàn & Sản phẩm thân
thiện môi trường
9. Tham gia hưởng ứng các ngày Quốc tế vì Môi
Trường: Ngày Trái Đất (22.04), Ngày Môi Trường Thế Giới (05.06),
Ngày Thế Giới Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Tồn Thiên Nhiên (01.09)...
Kết luận
Bảo vệ môi
trường là vấn đề quan trọng và cấp bách, ngày nay, nhân loại đang sống trong một
môi trường bị khủng hoảng trầm trọng và biến đổi lên tới mức nguy kịch, thiên
nhiên đang đe dọa con người. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo dành mối quan tâm đặc
biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo nhấn mạnh
tới trách nhiệm của con người trong việc bảo tồn một môi trường lành mạnh cho tất
cả mọi người...Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với
các thế hệ tương lai, một trách nhiệm cũng liên hệ tới mỗi quốc gia và cộng đồng
nhân loại.
Thái độ điển
hình cho lối xử sự của con người trong mối quan hệ với thụ tạo chính là thái độ
biết ơn và quý trọng; thật vậy, thế giới mạc khải mầu nhiệm một Thiên Chúa sáng
tạo và bảo vệ công trình sáng tạo. Nếu gạt bỏ mối quan hệ với Thiên Chúa sang một
bên, thiên nhiên kể như đã bị tước mất ý nghĩa sâu xa của nó và sẽ trở nên
nghèo nàn. Ngược lại, nếu thiên nhiên được tái khám phá trong chiều hướng như
là thụ tạo của nó, thì các ngả đường liên lạc với thiên nhiên có thể được thiết
lập, các ý nghĩa phong phú và tượng trưng của nó có thể được hiểu ra, chúng sẽ
giúp ta bước vào lĩnh vực huyền nhiệm của nó. Và lĩnh vực này sẽ mở con đường của
con người đến với Thiên Chúa, Đấng tạo thành trời đất. Thế giới sẽ xuất hiện
trước mắt con người như một bằng chứng về Thiên Chúa, là nơi bày tỏ quyền năng
sáng tạo, an bài và cứu chuộc của Ngài”. (x. HTXHCH 466. 467.487)
Hưởng ứng
Ngày Môi Trường Thế Giới, mọi người hãy hành động vì môi trường với tất cả lòng
nhiệt thành và ý thức lương tâm đạo đức.
VENI CREATOR SPIRITUS!
LẠY CHÚA THÁNH THẦN – XIN NGỰ ĐẾN VÀ CANH TÂN BỘ MẶT TRÁI ĐẤT NÀY.
Nguồn: Website Ủy ban Công lý và Hòa bình /
HĐGMVN, ubclhb.com (04.6.2021)