HƯỚNG DẪN CỦA CÁC GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VIỆC ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Lm. Tâm Giao

WHĐ (31.10.2020) – Để có thể chu toàn sứ vụ Loan báo Tin Mừng trên một đất nước đã có nhiều truyền thống tôn giáo đâm rễ sâu vào văn hóa và đời sống hàng ngày, người Công giáo cần hiểu biết, tôn trọng và xây dựng mối tương giao huynh đệ với anh chị em tín hữu thuộc những niềm tin khác. Qua các Thư Mục vụ và Thư Chung trong các thập niên qua, các Đức giám mục Việt Nam đã trình bày những suy nghĩ và chỉ dẫn thực hành cho người Kitô hữu Việt Nam về việc gặp gỡ và đối thoại với tín đồ thuộc các tôn giáo.

1. Thư Mục vụ năm 1963

Trở về Việt Nam sau khi dự công đồng Vatican II khóa II (29.9 - 4.12.1963), tức là khoảng một tháng sau những chính biến của năm 1963, ba giám mục miền Nam là Phaolô Nguyễn Văn Bình (TGM Sàigòn), Micae Nguyễn Khắc Ngữ (GM Long Xuyên) và Paul-Léon Seitz (GM Kontum) đã công bố chung một Thư Mục vụ gửi cho cộng đồng dân Chúa. Đây là tài liệu quan trọng, mang tính định hướng, vì đưa ra chỉ dẫn về thái độ mà người công giáo cần có trong tương quan với những người ngoài Kitô giáo. Thái độ Tin Mừng này sẽ được các giám mục Việt Nam tiếp tục khai triển trong các Thư Chung và Thư Mục vụ. Tưởng cũng nên biết rằng Thư Mục vụ này được viết “trong sự hiệp thông tinh thần và tấm lòng với các anh em trong hàng giám mục”. Trong số 4, các Đức cha đã xác định nền tảng sâu xa của thái độ này:

“Còn một vấn đề quan trọng hàng đầu, đó là tương quan giữa những người công giáo với các đồng bào không công giáo. Nếu chúng tôi muốn anh chị em lưu tâm đến điểm đặc biệt này, thì chắc chắn không phải vì những khó khăn đang diễn ra, mà chính vì đây là một trong những nền tảng của Tin Mừng và sự hướng dẫn mạnh mẽ của Công đồng (...) Đức bác ái mong đợi nơi chúng ta một thái độ tích cực. Lòng tôn trọng, sự hiểu biết và tình thương cụ thể đối với đồng bào, phải làm cho các cuộc tiếp xúc với anh em chúng ta được dễ dàng và thúc đẩy chúng ta cộng tác cách lương thiện với tất cả mọi người thiện chí, trong những lĩnh vực hoạt động nhân đạo khác nhau, miễn là chúng ta giữ sự tương hợp với các nguyên tắc của Giáo Hội”[1].

2. Thư Mục vụ Mùa Chay năm 1964

Thư này được ký ngày 22.1.1964, sau bối cảnh các anh em Phật giáo cảm thấy bị đối xử bất công bởi chính phủ Ngô Đình Diệm, nhất là vào dịp lễ Phật Đản năm 1963. Vì thế, các giám mục nhấn mạnh đến sự khẩn thiết của hòa hợp, không những hòa hợp trong nội bộ Giáo Hội Công giáo, giữa chủ chăn với các tín hữu, giữa linh mục với giám mục, mà Kitô hữu còn phải cố gắng sống hài hòa trên bình diện cộng đồng quốc gia nữa.

“(...) Người công giáo là người Việt Nam giữa những người Việt Nam, xem đồng bào của mình như những người anh em cùng dòng máu. Trong những tháng vừa qua, nhiều hoàn cảnh hay ảnh hưởng khác nhau đã tạo ra một sự căng thẳng hay cả đối kháng, giữa những người công giáo và phật tử. Những việc đau lòng đã diễn ra. Chúng tôi không nghi ngờ chút nào về thiện chí của mỗi bên, nhưng chúng tôi tin rằng có một nguy cơ thật sự đối với tổ quốc khi mà tinh thần oán hận, chia rẽ và đấu tranh đang lan rộng. Chúng ta cần cố gắng hết sức và bằng mọi giá để củng cố sự hòa hợp quốc gia.

Sự hòa hợp này, trong tin tưởng, sự kính trọng hỗ tương và tình bác ái, đương nhiên bao gồm hay đúng hơn cần thiết phải có một tính kỷ luật thường xuyên. Điều này thoạt trông có vẻ hiển nhiên, không cần phải nhấn mạnh. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh, bởi vì mỗi người bị lối kéo theo quan điểm riêng của mình... Nếu lòng kiêu ngạo được trộn lẫn vào đấy, thì người ta càng chẳng muốn từ bỏ cái nhìn cá nhân của mình chút nào. Chính vì thế mà nảy sinh những bất đồng và hành động kém sức mạnh và hiệu quả. Đó là chủ nghĩa cá nhân với tất cả hậu quả tai hại của nó... Đó là lý do tại sao hôm nay chúng tôi yêu cầu mọi người phải giữ kỷ luật nghiêm túc.

Các giám mục miền Nam Việt Nam nhắc lại ở đây tấm gương của các nghị phụ Công đồng, là những người trước hết đã lắng nghe và đào sâu giáo huấn của Chúa Giêsu, nhất là tình yêu thương lẫn nhau, tinh thần phục vụ và sự tha thứ những hành động xúc phạm; họ đã quyết định “kiểm điểm đời sống” nhằm thực hiện việc “cập nhật hóa” Giáo Hội theo yêu cầu của Đức giáo hoàng Gioan XXIII.

Chúng tôi mời gọi anh chị em, linh mục, tu sĩ, giáo dân, đến lượt mình, cũng hãy chuyên tâm kiểm điểm đời sống. Hãy thực hiện trong nơi kín ẩn của tâm lòng, nhưng cũng làm điều ấy chung với nhau giữa các anh em, như các nghị phụ Công đồng đã làm gương cho anh chị em. Đó là cách thức mà Công đồng trở nên công trình của mọi người. Thời gian đã thay đổi, nhưng đôi khi, chúng ta bị cám dỗ tiếp tục suy nghĩ như trong quá khứ...

(...) Về mặt tôn giáo, lòng bao dung là điều quan trọng nhất để giữ hòa bình giữa những người công dân. Lòng tôn trọng các tôn giáo khác với tôn giáo của mình được đặt nơi lương tâm Kitô giáo” [2].

3. Thư chung năm 1998

Nhằm chuẩn bị cho Giáo Hội Việt Nam sống Năm Thánh 2000, trong Thư chung này, các Giám mục đã ngỏ lời với từng giới, đồng thời đề nghị những thực hành cụ thể. Riêng việc đối thoại với tôn giáo được dành riêng cho số 13 và liên kết với sự hội nhập văn hóa. Mục đích của việc đối thoại và hợp tác với các tôn giáo là nhằm xây dựng xã hội công bằng và huynh đệ hơn; còn việc hội nhập văn hóa là “để xây dựng một nếp sống diễn tả đức tin ngày càng phù hợp hơn với nền văn hóa dân tộc”.

“Công Đồng Vatican II dạy rằng: trong các tôn giáo ngoài Kitô giáo có tiềm ẩn hạt giống Lời Chúa và ánh sáng chân lý. Vậy khi làm chứng tá cho đức tin Kitô giáo, chúng ta hãy tôn trọng các giá trị tinh thần và đạo đức của các tôn giáo bạn. Các thành phần Dân Chúa hãy đi vào con đường đối thoại và hợp tác với các tín đồ các tôn giáo hầu góp phần xây dựng một xã hội công bằng hơn, huynh đệ hơn (NA 2).

Chúng tôi đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa, ngõ hầu Hội Thánh trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn về thực thể của mình và trở nên một công cụ hữu hiệu hơn cho sứ vụ của mình (SĐTHĐGM/CA số 5)”

4. Thư Chung năm 2001

Chủ đề của Thư Chung này là “Để họ được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10). Trong phần bàn về đường hướng mục vụ trong bối cảnh mới, các giám mục nhắc lại một quan niệm của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới năm 2001: “đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng[3]. Tiếp đến, các ngài nêu lý do khiến việc đối thoại gắn liền với sứ mạng của Giáo Hội:

“ (...) đối thoại là một phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh, “Vì nó xuất phát từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Con và trong quyền năng của Chúa Thánh Thần”[4]. Theo khuôn mẫu ấy, cuộc đối thoại phải khởi đi từ trong lòng Hội Thánh, giữa các thành phần Dân Chúa, bằng khiêm tốn lắng nghe, bằng trao đổi yêu thương để trở thành một tiếng nói hy vọng khơi nguồn cho cuộc đối thoại với mọi anh chị em ở những môi trường khác biệt” (số 10).

Các giám mục cũng ghi nhận hiện trạng đa tôn giáo tại Việt Nam và nêu ra khuôn khổ của các cuộc gặp gỡ liên tôn: giữa các tín đồ khác tôn giáo cũng như giữa các người lãnh đạo tôn giáo.

“Trên đất nước ta, đa số đồng bào là người có tín ngưỡng và tôn giáo, cần có sự đối thoại để hiểu biết, tôn trọng, yêu thương và cùng nhau thăng tiến cuộc sống của mọi người. Sự đối thoại này trước hết phải diễn ra ngay trong cuộc sống hàng ngày giữa các tín đồ cùng sống trong một thôn xóm, khu phố, qua cách giao tiếp, làm ăn, buôn bán với nhau cũng như chia cơm sẻ áo cho nhau. Tôn giáo phải là nền tảng cho người ta xích lại gần nhau. Ngoài ra, sự gặp gỡ thân tình giữa các vị lãnh đạo tôn giáo các cấp sẽ tác động trên các tín đồ, cổ vũ sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác với nhau trong việc phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (số 13).

5. Thư Mục vụ năm 2003

Nhìn việc đối thoại liên tôn trong viễn ảnh loan báo Tin Mừng, các giám mục Việt Nam khuyến khích người Kitô hữu thực hiện hai hoạt động cụ thể là thăm viếng và trao đổi:

“Thăm viếng thân hữu các thành viên tôn giáo bạn. Việc thăm viếng các thành viên tôn giáo bạn và nhất là thăm viếng các gia đình cũng như cá nhân ngoài công giáo là trình bày Phúc Âm một cách cụ thể. Thăm viếng để chúc mừng khi vui, an ủi khi buồn, nâng đỡ khi gặp hoạn nạn là những trang Phúc Âm sống động giúp anh chị em ngoài công giáo nhận rõ chân dung Chúa Giêsu Cứu Thế và hiểu biết đạo Chúa một cách chính xác hơn”.

“Trao đổi với người ngoài công giáo về một đề tài chung. Noi gương Chúa Giêsu trong câu chuyện bên bờ giếng Giacóp được Phúc âm Thánh Gioan thuật lại, từ một việc rất nhỏ trong đời sống là “nước uống”, Người đã lắng nghe, trao đổi và soi sáng về việc đạo, về đền thờ, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi để dẫn tới “Nước hằng sống” (x. Ga 4). Từ đó, chúng ta nhận ra trong thời đại ngày nay, việc đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng, sẽ dẫn đến thông cảm, hiểu biết và tôn trọng nhau hơn”.

(Thư Mục Vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 11).

6. Bản trả lời của HĐGM năm 2005

Theo Bản trả lời của Giáo Hội Việt Nam cho Đề Cương (Lineamenta) của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Bí tích Thánh Thể diễn ra vào tháng 10 năm 2005, đề cập đến tương quan giữa Bí tích Thánh Thể với vấn đề đối thoại liên tôn (câu 16), các giám mục đã cho thấy một tổng quan về hiện tình tương giao của Giáo Hội với các tôn giáo và định hướng cho việc đối thoại liên tôn như sau:

“Tại Việt Nam, (...) Việc đối thoại với các tôn giáo bạn, đặc biệt là với Phật giáo, có tầm quan trọng hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, có những giới hạn và những tế nhị khiến cho cuộc đối thoại liên tôn này hầu như chưa có gì đáng kể ngoài những cuộc viếng thăm có tính xã giao giữa các vị lãnh đạo tôn giáo, hoặc những nỗ lực hợp tác có tính riêng tư trong những công tác xã hội. Do đó, chưa có gì đáng nói về mối tương quan giữa bí tích Thánh Thể và những mối quan hệ này.

Hướng tới tương lai, chúng tôi thiết nghĩ cuộc đối thoại liên tôn cần có một vị trí quan trọng trong những mối quan tâm mục vụ của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội cần chuẩn bị cho cuộc đối thoại này bằng việc đầu tư nhân sự thích đáng”.

7. Đề cương Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ

Nhằm chuẩn bị mừng Năm Thánh 2010, Ủy Ban tổ chức Năm Thánh của HĐGMVN đã soạn thảo một đề cương (tháng 8.2008), nhằm giúp mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam học hỏi và canh tân việc sống mầu nhiệm Giáo Hội trong hoàn cảnh xã hội không ngừng đổi thay.

Tài liệu này xác định rõ đối thoại là phương pháp thi hành sứ vụ của Giáo Hội. Đó là một cuộc “đối thoại tam diện”: với những người nghèo, với các tôn giáo và với văn hóa dân tộc. “Chắc chắn mục tiêu tối hậu và dứt khoát của Giáo Hội tại Việt Nam là loan báo Đức Kitô và Tin Mừng của Người cho đồng bào của mình, nhưng sứ vụ này phải được thực thi qua cuộc đối thoại tam diện đó” (số 31).

Ngoài ra, Bản Đề cương còn tổng hợp các Giáo huấn của Công đồng Vatican II và Liên Hội đồng các Giám mục Á châu, khi minh định nền tảng thần học của việc đối thoại liên tôn vốn gắn chặt với cuộc đối thoại mang tính cứu độ của Thiên Chúa:

“Giáo Hội tại Việt Nam còn phải đối thoại với các tôn giáo vì các tôn giáo ấy có “những yếu tố ý nghĩa và tích cực trong nhiệm cục của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nơi các tôn giáo này, chúng ta nhận ra và tôn trọng những ý nghĩa và giá trị tinh thần và đạo đức. Qua bao thế kỷ, kinh nghiệm tôn giáo của các bậc tổ tiên đã tích lũy thành những kho tàng đem lại ánh sáng và sức mạnh cho con người hôm nay. Các tôn giáo đã và còn tiếp tục diễn đạt những khao khát cao thượng nhất của cõi lòng. Đây quả là những ngôi đền cho con người đến chiêm niệm và nguyện cầu” [5]. Quả thực, các tôn giáo ấy đã giúp nắn hình lịch sử và văn hoá của dân tộc chúng ta[6]. Đối thoại với các tôn giáo cho phép Giáo Hội tại Việt Nam khám phá những hạt mầm của Lời Thiên Chúa và chạm đến thực tại sâu xa nhất của dân tộc, đồng thời cũng có thể tìm ra cách sống và diễn đạt xác thực hơn cho đức tin Kitô hữu của chính mình[7]. Vì lẽ, chỉ có một kế hoạch cứu độ, chỉ có một Đấng cứu thế duy nhất là Đức Kitô, chứ không có nhiều chương trình cứu độ[8], nên cả ba cuộc đối thoại này tạo nên “cuộc đối thoại mang tính sống còn” [9], cuộc đối thoại mang lại ơn cứu độ”[10].

Hơn nữa, việc thi hành sứ vụ bằng phương pháp đối thoại còn giúp Giáo Hội sống mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Giêsu và thể hiện linh đạo tự hạ của Người:

Phương pháp đối thoại này đâm rễ trong linh đạo của đối thoại, bắt nguồn từ Mầu nhiệm Nhập thể nơi đó Thiên Chúa đã đến chia sẻ phận người, gặp gỡ và đối thoại với con người, nhờ đó dẫn đưa con người vào hành trình chân lý giải thoát. Đó là linh đạo của kenosis, của tự hạ và hủy mình ra không như Đức Kitô (x. Pl 2, 6-11). Cũng thế, trong cuộc đối thoại tam diện với người nghèo, với các tôn giáo và với văn hoá dân tộc, Giáo Hội tại Việt Nam cần vun trồng thái độ lắng nghe, khiêm tốn và chân thực, chứ không tự mãn hay kiêu căng. Người Kitô hữu Việt Nam luôn xác tín về căn tính của mình, đồng thời khiêm tốn và thành tâm chia sẻ kho tàng đức tin cho anh chị em mình với sự chân thực, đơn sơ, bình an và kiên nhẫn” (số 31-32).

8. Thư chung Hậu ĐHDC 2010

Trong Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 (công bố ngày 1.5.2011) mang tựa đề “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”, các Đức giám mục đã nêu ra những định hướng cho việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Một cách cụ thể, các vị chủ chăn đề nghị Cộng đồng Dân Chúa Việt Nam thực hiện “cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim” với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo.

Trong bối cảnh của xã hội Việt Nam, khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Giáo Hội cần đối thoại với các tôn giáo, với người nghèo, và với những anh chị em không tôn giáo. Đây là cuộc đối thoại từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ[11].

Cuộc đối thoại với các tôn giáo sẽ giúp Giáo Hội tại Việt Nam xác tín hơn nữa vào tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đang dẫn dắt mọi người tới Chân Lý toàn vẹn (x. Ga 16, 13). Tại Việt Nam, chúng ta nhận thấy đức bác ái của đạo Công giáo đã gặp gỡ lòng từ bi của Phật giáo, cảm thức tâm linh của Đạo giáo, triết lý xã hội của Khổng giáo và lòng mộ đạo bẩm sinh của người dân Việt: luôn tôn kính Trời, thực hành Đạo Hiếu, bày tỏ lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành cũng như đối với các bậc anh hùng dân tộc...[12]. Đồng thời, đối thoại cũng giúp Giáo Hội rộng mở hợp tác với các tôn giáo trong công cuộc lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Giáo Hội canh tân lòng tin của mình vào Đức Kitô là Khởi nguyên và Cùng đích của toàn thể lịch sử nhân loại[13]. Ý thức tầm quan trọng của cuộc đối thoại với các tôn giáo, trong những năm sắp tới, Giáo Hội phải lưu tâm hơn nữa đến chiều kích này trong việc đào tạo nhân sự cũng như trong các hoạt động mục vụ[14].

Trong bài tham luận đọc tại ĐHDC, Đức giám mục phụ tá giáo phận Xuân Lộc đã nêu lên đề nghị HĐGMVN thành lập tiểu ban Mục vụ Đối thoại liên tôn.

* * *

Những hướng dẫn của các giám mục Việt Nam về tương giao với tín đồ các tôn giáo, đặc biệt trong những đề nghị mục vụ cho Dân Chúa, vừa cho thấy sự tương đồng với giáo huấn của Giáo Hội (từ công đồng Vatican II, các Đức giáo hoàng đến Liên HĐGM Á châu) vừa biểu lộ sự tương hợp với hoàn cảnh và xã hội Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để áp dụng những chỉ dẫn ấy vào từng giáo phận, giáo xứ và giúp mọi người Kitô hữu thể hiện trong đời sống thường ngày.

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 67 (Tháng 9 & 10 năm 2011)



[1] Xem Pierre GHEDDO, Catholiques et Bouddhistes au Vietnam, Ed. Alsatia diffusion, Paris, 1970, tr. 293-294.

[2] Idem., tr. 296.298.

[3] Tài liệu làm việc (Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, tháng 10/2001), số 30.

[4] Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 29.

[5] FABC I, 14, trong For All the Peoples of Asia (For All), FABC Documents from 1997 to 2000, Vol.3, soạn bởi Eilers, Franz- Josef, vol.1, Manila: Claretian Publications, 2002, tr. 14.

[6] x. FABC I, 14, trong For All, vol. 1, tr. 14.

[7] x. FABC I, 16, trong For All, vol. 1, tr. 15.

[8] x. Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus (6.8.2000), số 14-15.

[9] FABC I, 20, trong For All, vol. 1, tr. 15.

[10] x. Đức Phaolô VI, Tông huấn Ecclesiae Sanctae 70-73; Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio, 55-57; Tông huấn Ecclesia in Asia, 29-31.

[11] x. Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phaolô II, Ecclesia in Asia 29.

[12] x. Tổng giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN, “Lời chào mừng dịp lễ bế mạc Năm Thánh”, Hiệp Thông 63, tr. 116.

[13] x. Vatican II, GS 45, 93.

[14] x. Đề nghị 25; x. Vatican II, GS 92.