HỒNG Y HENRI-MARIE DE LUBAC, S.J. VÀ CÔNG ĐỒNG VATICAN II
Cao Viết Tuấn
(Dịch và tổng hợp từ wiki và các nguồn khác)
Mục lục
1.
Những năm trước khi làm Linh mục
2.
Những năm đầu trong vai trò giáo sư và thần học gia
3.
Thế Chiến II và cuộc kháng chiến thiêng liêng
5.
Trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II
WHĐ (05.04.2021) - Hồng Y Henri-Marie de Lubac được xem như là một
trong những Thần học gia có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX. Các tác phẩm và
nghiên cứu của ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng của
Công Đồng Vatican II.
1. Những năm trước khi làm Linh mục
Henri de Lubac chào đời ngày 20
tháng 2 năm 1896, tại Cambrai, trong một gia đình quý tộc lâu đời ở Pháp. Ngài
là một trong sáu người con của một ông chủ ngân hàng, còn mẹ ngài chỉ lo việc nội
trợ trong nhà. Ngài được dưỡng dục trong bầu khí quý tộc của gia đình ngay từ
nhỏ.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 1913,
chàng thanh niên quý tộc de Lubac gia nhập Dòng Tên tại Lyon. Do bầu khí chính
trị ở Pháp thời đó, thời gian nhà tập của ngài phải được tổ chức ở East Sussex,
Anh quốc.
Sau đó, vào năm 1914, ngài trở về
nước và phục vụ trong quân đội Pháp.
Năm 1920, ngài bị thương ở đầu,
nên phải trở lại nhà dòng, ngài tiếp tục học Triết học, tại Canterbury và sau
đó tại St. Helier, Jersey. Vào năm 1924, sau một năm giảng dạy tại một trường của
Dòng Tên ở Mongré, Nord-Pas-de-Calais, de Lubac trở lại Anh quốc và theo đuổi
chương trình Thần học tại Ore Place ở Hastings, East Sussex.
Năm 1926, Học viện Thần học lại dời
về Fourvière ở Lyon, nơi đây de Lubac đã hoàn thành hai năm thần học còn lại.
Ngài được truyền chức Linh mục
ngày 22 tháng 8 năm 1927.
2. Những năm đầu trong vai trò giáo sư và thần học
gia
Năm 1929, de Lubac bắt đầu giảng
dạy tại Phân khoa Thần học ở Trường Đại học Công giáo Lyon, và tại đây ngài làm
giáo sư bộ môn Thần học căn bản (fundamental
theology), từ năm 1929-1961, với hai lần gián đoạn: lần thứ nhất trong thời
gian diễn ra Thế Chiến I, khi đó ngài buộc phải lẩn trốn bởi vì những hoạt động
của ngài với Phong trào kháng chiến của Pháp; và lần thứ hai từ năm 1950 cho đến
năm 1958, khi đó do áp lực của Rôma, Dòng Tên đã rút ngài ra khỏi công việc giảng
dạy và thuyên chuyển ngài đến một cộng đoàn khác.
Trước Thế Chiến II, cuốn sách đầu
tiên của ngài, Catholicisme, les aspects sociaux du dogme được dịch sang tiếng
Anh với nhan đề Catholicism: Christ
and Common Destiny of Man được xuất bản vào năm 1938, đã gây được tiếng
vang lớn. Tác phẩm đã góp phần quan trọng vào việc làm nảy sinh một mối quan
tâm mới trong thần học Công giáo trong phần tư thế kỷ trước Công đồng Vatican
II. Tác phẩm lớn này được xem như đã đánh dấu sự khởi đầu cho một phong trào thần
học quan trọng, gọi là thần học về nguồn. Các thần học gia đã tham gia phong
trào này - cùng với de Lubac - tin rằng chìa khóa cho sự phục hồi tư tưởng và đời
sống Kitô giáo nằm ở việc tái khám phá một cách có phê phán những nguồn mạch vĩ
đại của đời sống và tư tưởng Kitô giáo, đó là: phụng vụ, Thánh Kinh, tác phẩm của
các giáo phụ, và tác phẩm của các bậc tiến sĩ và các nhà thần bí vĩ đại trong
Giáo Hội, đặc biệt là Thánh Thomas Aquinas.
Trong những năm của thập niên
1940, cùng với một anh em Dòng Tên khác, và cũng là học trò của ngài, Jean
Daniélou, ngài xây dựng tủ sách Sources
Chrétiennes (Các nguồn mạch của Kitô giáo), là một tuyển tập
song ngữ (nguyên ngữ và được dịch sang Pháp ngữ) bao gồm các tác phẩm quan trọng
của Kitô giáo thời sơ khai và của các giáo phụ, chúng đã giúp phục hồi lại việc
nghiên cứu thần học giáo phụ, và giáo lý về Thánh Truyền.
Vào năm 1945, khi việc in ấn trở
nên dễ dàng hơn, nhiều tác phẩm khác của ngài đã được viết từ trước năm 1940
cũng được xuất bản cùng lúc, bao gồm Surnaturel, études historiques, và
ba tác phẩm khác viết về Phật giáo.
Tại đây, trong số các học trò của
ngài, nổi bật nhất là Jean Daniélou và Hans Urs von Balthasar.
3. Thế Chiến II và cuộc kháng chiến thiêng liêng
Trong khoảng thời gian diễn ra Thế
Chiến II, de Lubac tham gia vào một phong trào có tên là cuộc kháng chiến
thiêng liêng (spiritual resistance),
nhằm hỗ trợ xuất bản một tạp chí bí mật chống lại Đức Quốc xã, có tên gọi là Témoignage
chrétien, hay Christian
Witness. Tạp chí này nhằm cho thấy sự bất tương hợp giữa niềm tin Kitô giáo
với triết lý và hành động của chế độ Đức Quốc xã, ở Đức cũng như chính quyền
Vichy ở miền Nam nước Pháp. Ngài cũng kiên quyết đấu tranh chống lại chủ trương
bài Do Thái. Những nỗ lực của ngài trong thời gian này được tập hợp thành một
tác phẩm hồi ký, có tên là Christian Resistance to Anti-Semitism:
Memories from 1940-1944. Do những hoạt động đấu tranh như vậy, nên ngài
phải thường xuyên lẩn trốn khỏi sự bắt bớ của người Đức và nhiều cộng sự viên của
ngài trong tạp chí này đã bị bắt giữ và xử tử. Tuy ẩn nấp, ngài vẫn tiếp tục
nghiên cứu và biên soạn.
4. Những năm tháng đen tối
Phong trào phục hồi do ngài khởi
xướng đã phát triển cách mau lẹ sau Thế Chiến II. Nó không chỉ được hoan nghênh
nồng nhiệt, nhưng đồng thời nó cũng hứng chịu những lên án gay gắt từ phía các
thần học gia tân kinh viện. “Nền thần học mới” này bị xem như là một điều đáng
lo ngại và thậm chí nguy hiểm, nhất là về siêu nhiên và ân sủng. Do áp lực từ
Rôma, Cha bề trên tổng quyền của Dòng Tên, Jean-Baptiste Janssens, đã phải rút de Lubac
ra khỏi các nhiệm vụ giảng dạy, vào tháng 6 năm 1950, do “có những sai lầm
nghiêm trọng về những điểm thiết yếu của tín lý”[1].
Khi ấy, chính de Lubac đã phải thốt lên rằng: “sét đã đánh vào Fourvière”[2]. Lúc đó, ngoài de Lubac còn
có thêm bốn vị giáo sư khác của Fourvière cùng chịu một bản án tương tự như vậy,
và tất cả bị yêu cầu rời khỏi Lyon. Bên cạnh đó, tất cả các Tỉnh dòng của Dòng
Tên đều được lệnh phải lấy ra khỏi các thư viện của mình ba cuốn sách của de
Lubac là Surnaturel, Corpus
mysticum, và Connaissance de Dieu.
Hai tháng sau, Đức Giáo Hoàng Piô
XII ban hành thông điệp Humani generis,
mà nhiều người cho rằng nhằm ám chỉ đến de Lubac và các thần học gia khác có liên
hệ đến “nền thần học mới”. Thông điệp này đã mở ra một phong trào trí tuệ được
đặc trưng bằng việc chú ý đến các nguồn mạch giáo phụ của giáo lý Công giáo, một
sự sẵn sàng hướng đến các tư tưởng và các mối quan tâm của con người thời đại,
một sự tập trung vào công việc mục vụ và tôn trọng những năng lực của người
giáo dân, và ý thức về Giáo Hội Công giáo như một hiện hữu trong lịch sử và chịu
ảnh hưởng bởi lịch sử.
Cái mà de Lubac gọi là “những năm
tháng đen tối” ấy đã kéo dài gần một thập niên. Mãi cho đến năm 1965, ngài mới
được phép trở về Lyon, và cho đến năm 1968, Trường Đại học Lyon mới nhận được sự
phê chuẩn từ Rôma cho phép de Lubac trở về dạy các môn mà trước đây ngài đã từng
dạy.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian
của “những năm tháng đen tối” này, de Lubac đã tập trung vào nghiên cứu và viết
sách, kết quả là ngài đã cho ra đời bốn cuốn lịch sử của khoa chú giải thánh
kinh, với tựa đề "Medieval
Exegesis", cũng như những nghiên cứu khác về vô thần, Phật giáo, Giáo
Hội học và bản chất bí tích của Đạo Công giáo. Chính nhờ những nghiên cứu tiên
phong của ngài trong Exégèse
médiévale đã làm sống lại mối quan tâm về việc chú giải
thiêng liêng Thánh Kinh và đã tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển Thần học
giao ước trong Giáo Hội Công giáo Rôma.
Đến lúc này, giá trị các công
trình nghiên cứu của ngài đã được giáo hội chân nhận. Ngài trở thành thành viên
của Viện Hàn Lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị vào năm 1957. Hai năm sau, năm
1959, ngài được mời về giảng dạy tại Viện Đại học Công giáo Paris.
5. Trong thời gian diễn ra Công đồng Vatican II
Năm 1959, Đức giáo hoàng Gioan
XXIII thông báo mở Công đồng Vatican II. Đến tháng 8 năm 1960, Đức giáo hoàng
đã bổ nhiệm de Lubac làm thành viên Ủy ban chuẩn bị của Công đồng, điều này đã
cất khỏi Linh mục Dòng Tên người Pháp này mối nghi ngại đã đeo bám từ năm 1950.
Sau đó, de Lubac tham dự Công đồng với tư cách là chuyên viên thần học. Trong
thời gian này, Đức giáo hoàng Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm thành viên của Ủy ban
Thần học.
Trong một Công đồng vĩ đại như
Vatican II, những đóng góp của các cá nhân rất khó nhận thấy. Tuy nhiên, người
ta cũng nhận thấy những tác phẩm của ngài đã có một tầm ảnh hưởng nhất định
trong khoảng thời gian diễn ra Công đồng cũng như hậu Công đồng, đặc biệt về
Giáo hội học, trong đó, ngài cho thấy Giáo hội phải được hiểu như là cộng đoàn
bao gồm toàn thể dân Chúa chứ không phải chỉ bao gồm hàng giáo sĩ.[3] Riêng đối với Công đồng, người
ta nhận thấy ngài đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong nhiều văn kiện của
Công đồng, đặc biệt là Hiến chế Tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa (Dei Verbum) và Hiến chế Mục vụ về Giáo
hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et
Spes).[4]
Được biết, ngay sau khi Công đồng
Vatican II kết thúc (1965), một Hội nghị chuyên đề về “Nghiên cứu thần học đối
chiếu với Giáo hội ngày nay”, đã được tổ chức tại trường Saint-Savier ở
Chicago, từ 31-3 đến 3-4 năm 1966, dưới sự bảo trợ của Viện Gioan XXIII. Hội
nghị quy tụ những nhà thần học tên tuổi
như Jean Daniélou, Yves Congar, Karl Rahner, Johannes Metz, Charles Davis…và
Henri de Lubac.
Symposium nêu câu hỏi: Đâu là những vấn đề thần học chính Giáo hội
ngày nay phải đương đầu?
Henri de Lubac đã tìm cách trả lời
với bài tham luận có tựa đề: “Une double tâche proposée au théologien par “Gaudium et Spes” / Hai nhiệm vụ Hiến chế
Gaudium et Spes đặt ra cho nhà thần học”.
Theo nhà thần học de Lubac, Giáo
hội ngày nay đang sống trong một thế giới ở đó “một số lớn người và nhà tư tưởng
đặt ra trước niềm tin của chúng ta, dưới nhiều hình thức rất khác nhau, một
quan niệm về con người hoàn toàn khác hẳn, loại hẳn mọi quan tâm đến Thiên
Chúa. Sự vắng mặt của Thiên Chúa, thậm chí sự phủ nhận Thiên Chúa: đó là yếu tố
chung của nhiều học thuyết và thái độ mà người Kitô hữu ngày nay gặp thấy khắp
nơi xung quanh mình. ‘Một mưu toan bi đát nhằm dập tắt ánh sáng của Thiên Chúa
hằng sống’: đó là hình thức chiến đấu thường gặp của sự phủ nhận này. Hiện hữu
của chủ nghĩa vô thần đương thời đã là ‘cây gậy thúc bách Công đồng’ [Tác giả
dùng cách nói của Hồng y Konig]. Trước hiện tượng này, ‘trầm trọng nhất của thời
đại chúng ta’ [Đức giáo hoàng Phaolô VI], Công đồng đã muốn soi sáng và hướng dẫn
một cách rõ ràng lương tâm của người tín hữu chúng ta (…).
“Như vậy, nhiệm vụ thiết yếu có
tính cách học thuyết đầu tiên mà hiến chế Gaudium
et Spes mời gọi và thúc đẩy chúng ta đảm nhận là một sự đương đầu với chủ
nghĩa vô thần đương thời. Tôi nói rõ: đương đầu (affrontement). Nhưng tôi cũng
không quên tinh thần mà văn kiện này, cũng như toàn bộ công trình của Công đồng,
đã khắc sâu vào trí não chúng ta, đó là tinh thần đối thoại và thấu hiểu mà
thông điệp Ecclesiam suam đã đòi hỏi
khi từ chối đưa ra ‘một phán quyết quan toà’, và đã được Đức Thánh Cha nêu cao
một lần nữa trong bài diễn văn bế mạc Công đồng ngày 7-12 vừa rồi”[5].
Và bài tham luận của de Lubac tại
Hội nghị chuyên đề về Công đồng Vatican II ngay sau khi Công đồng bế mạc đã có
thể được xem là một luận văn căn bản và rất sâu sắc về tinh thần đối thoại này
của Công đồng Vatican II.
The Oxford Dictionary of the Catholic Church nói về ngài như
sau: "De Lubac là một trong những nhà tư tưởng đã tạo ra một môi trường
trí tuệ thuận lợi, tạo điều kiện cho Công đồng Vatican II có thể diễn ra, chủ yếu
bằng cách mở ra với những nguồn thiêng liêng to lớn của truyền thống Công giáo,
những nguồn ấy đã bị cản trở bởi thần học “baroque”
của thời hậu Công đồng Triđentinô.”
6. Teilhard de Chardin
Ngay những năm trước khi diễn ra
Công đồng cũng như trong những năm diễn ra Công đồng, với sự cho phép của các vị
bề trên Dòng, de Lubac bắt đầu viết, xuất bản những cuốn sách và những bài báo
bênh vực các tác phẩm của Teilhard de Chardin - một Linh mục đàn anh của ngài
trong Dòng Tên, và cũng là một Triết gia người Pháp - đã qua đời vào năm 1935.
Các tư tưởng của Teilhard đã sử dụng thành quả của những nghiên cứu khoa học, đặc
biệt là khảo cổ học, trong việc trình bày đức tin. Đây là những bước đi quá mới
mẻ khiến Giáo hội và nhiều nhà thần học chỉ trích và lên án. Những tư tưởng ấy
đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều thần học gia của nouvelle théologie (nền thần học mới) và do đó cũng phải chịu
nhiều chống đối từ phía Rôma.
Trong chính bài tham luận nói
trên, Henri de Lubac đánh giá Teilhard de Chardin là người đã có ảnh hưởng, “ít
là gián tiếp và bàng bạc”, trên một số định hướng của Công đồng. De Lubac cũng
không quên bác bỏ những luận điểm, theo ngài, không đúng về Teilhard de
Chardin: “Teilhard de Chardin không hề, như nhiều người nghĩ, nội tại hoá sự
Quang lâm của Chúa; ngài cũng không đồng hoá sự Quang lâm này với một thứ tương
lai nào đó của trái đất hay của vũ trụ; ngài cũng chẳng hề đề nghị giải tán
Giáo hội trong thế giới hay thế tục hoá đức tin và đức cậy. Đối với ngài, (…),
sự Tiến bộ được thần thánh hoá, hay Nhân loại tương lai, là những ngẫu tượng,
thuộc số những ‘thần thánh xa lạ, bạo ngược và phi nhân’ vốn cầm hãm chúng ta
trong một ‘cuộc lưu đày ở Babylon’”[6].
7. Những năm sau Công Đồng
Sau Công Đồng Vatican II, de
Lubac là đồng sáng lập tạp chí Concilium,
nhưng sau đó không lâu, ngài đã rút lui khỏi tạp chí này cùng với Hans Urs von
Balthasar và Joseph Ratzinger khi mà Concilium
đã bắt đầu rời khỏi sứ mạng ban đầu của nó là thúc đẩy việc áp dụng Công đồng,
và bắt đầu tạo thế đối lập với Huấn quyền. De Lubac đã cộng tác với Joseph
Ratzinger và von Balthasar thành lập một tạp chí mới, có tên là Communio. Tạp chí Communio tiếp tục được gợi hứng bởi quan niệm phục hồi, xem việc
tái khám phá một cách có phê phán các truyền thống phong phú của Giáo hội như
là một sự tiến bộ đích thực.
Vào năm 1969, Đức giáo hoàng
Phaolô VI – một người rất ngưỡng mộ các công trình của de Lubac – đã có ý định
vinh thăng Hồng Y cho de Lubac, nhưng de Lubac đã từ chối, bởi vì ngài không muốn
trở thành giám mục, một chức vụ mà Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã từng đề nghị
vào năm 1962 và ngài đã từ chối. Khi de Lubac từ chối mũ Hồng Y, Đức giáo hoàng
Phaolô VI quyết tâm vinh thăng Hồng Y cho một thần học gia Dòng Tên, và vinh dự
ấy được dành cho học trò của de Lubac là Jean
Daniélou.
8. Những năm cuối đời
Không lâu sau khi được bầu làm
giáo hoàng, Karol Wojtyla (Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II) – người đã
quen biết với de Lubac trong những năm cùng làm việc chung với nhau tại Rôma
trong thời gian diễn ra Công đồng – đã vinh thăng de Lubac lên hàng Hồng Y. Lần
này Đức giáo hoàng miễn chuẩn cho ngài khỏi chức giám mục, và do đó de Lubac đã
chấp nhận. Ngày 2 tháng 2 năm 1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vinh thăng Hồng
Y cho thần học gia Dòng Tên 87 tuổi, Henri de Lubac, thuộc đẳng Hồng Y Phó Tế.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1962, mũ Hồng Y được ban cho một người không phải
là Giám Mục.
Ngày 4 tháng 9 năm 1991, ngài qua
đời tại Paris, và được an táng trong phần mộ của Dòng Tên tại nghĩa trang
Vaugirard, thành phố Paris.
Tư tưởng thần học của de Lubac là
mẫu mực cho thần học Công Giáo nói chung, đó là trung thành với truyền thống,
hướng tới sự tiến bộ và đồng thời đem lại sức sống cho Giáo hội.
9. Lòng tin Kitô giáo
Thiết tưởng
cũng nên gợi lại ở đây một tác phẩm khác của nhà thần học phong phú và sâu sắc
này, đó là cuốn “La foi chrétienne”
(Aubier, 1969), qua một số trích dẫn[7]:
Tin và tuyên xưng đức tin
“Việc đọc kinh Tin Kính không phải
là một hành động tin. Tôi nói ra niềm tin của tôi, hay nói theo truyền thống,
tôi “tuyên xưng” niềm tin của tôi, tôi “công bố” niềm tin của tôi. Các tín điều
trong kinh Tin Kính, dù mang nội dung gì, đều giả thiết là đã có một hành động
của niềm tin về nội dung này, và đó là hành động tin đích thực. Hành động này,
có trước và mang tính nội tâm, là chính sự chuyển động của niềm tin. Đó là việc
tôi đáp lại Thiên Chúa, Đấng kêu gọi tôi; việc tôi gắn với Thiên Chúa, Đấng tự
mạc khải mình cho tôi; việc tôi cam kết trở về với Chúa, Đấng tự ban mình cho
tôi. Trước khi nói ra bên ngoài: ‘Tôi tin ở Chúa’, và để có thể nói điều này một
cách chân thành, tôi đã phải nói trong tâm can của tôi: ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa
tôi, tôi tin ở Ngài’” (trg 527).
Lòng tin Kitô giáo và tôn giáo
“Một đức tin ngày càng trở thành
trần trụi, chẳng còn dấu gì bên ngoài, chẳng còn thờ phượng, lễ lạy, thể chế xã
hội, chẳng còn quy chiếu về Lịch sử, không tín điều, không tình cảm, đức tin ấy
quả không còn tương ứng với đức tin của người Kitô hữu bình thường, của người của
Giáo hội, của vị thánh. Từ hai mươi thế kỷ nay, không một tín hữu nào của Đức
Giêsu Kitô đã hiểu được một quan niệm thuần tuý lý thuyết như vậy; thậm chí chẳng
ai nghĩ tới đó. Kiểu tin này, rất xa lạ với giáo huấn của Thánh Kinh cũng như của
Truyền thống sống động, cho thấy có sự thiếu hiểu biết về bản tính con người và
về tính cách phổ quát của Kitô giáo, vốn phải được ‘rao giảng cho mọi tạo vật’.
Không gì chống đỡ, thiếu cả những yếu tố nuôi dưỡng, đức tin sẽ chết ngạt.
Chính Thiên Chúa cũng sẽ biến khỏi chân trời của đức tin. Chúa Giêsu Kitô, nếu
còn được người ta nghĩ tới, thì cũng chỉ còn là một người khởi xướng xa xôi. Chỉ
còn lại một ý thức hệ lỏng lẻo, người ta gọi là “sự mở ngỏ về tương lai”, hoặc
bằng một cái tên nào khác theo người ta muốn. Và phải có lương thiện để nhìn nhận
rằng người ta đang nói về một điều gì khác không phải là đức tin Kitô giáo”
(trg. 606).
Lòng tin chuyển động
Phân tích tư tưởng của thánh
Augustinô về niềm tin, nhà thần học Henri de Lubac viết: “Lòng tin ở Thiên Chúa
là một chuyển động khởi đầu với việc ‘hoán cải’: bí tích Thanh tẩy là sacrmentum conversionis et fidei. Nhưng
chuyển động hoán cải này thực ra mới chỉ là khởi đầu. Qua sự khởi động này, một
chuyển động bắt đầu; một cuộc hành trình đã được khởi xướng và giờ đây phải được
tiếp tục. Kẻ tin không phải là người được đặt vào một trạng thái và chỉ cần giữ
nguyên trạng thái này, không thối lui, không từ bỏ đức tin đã lãnh nhận khi chịu
phép Thanh tẩy, là đủ. Người đã có lòng tin còn phải tiếp tục cất bước, và đi tới.
Đó là điều thánh Augustinô đã giải thích bằng bốn động từ: Tin vào Chúa, là hướng về Ngài, là đi tới Ngài, là mỗi ngày mỗi tiến
tới trên con đường dẫn đến Ngài; cuối cùng, là đến được với Ngài” (trg. 611).
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 78 (Tháng
9 & 10 năm 2013)