Hôn nhân một vợ một chồng: Thách đố hay hồng
ân?
Ly
dị hiện nay không còn được coi là một trọng tội đối với đời sống hôn nhân;
ngược lại, nó đã được chấp thuận và hợp pháp hóa tại nhiều quốc gia trên thế
giới. Theo đó, ít người cho rằng ly dị là một hành động xấu và cần phải tránh
né. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là luật “một vợ một chồng” của Thiên
Chúa đã trở nên lỗi thời và Thiên Chúa cũng đã lỗi thời!
Chuyện
một loài chim
Đi tìm một câu trả lời cho luật “một vợ một
chồng”, thiên nhiên đã cho con người một câu trả lời mang đầy ý nghĩa và rất đáng
để suy nghĩ:
Một câu chuyện được kể về loài thiên nga, đó là có
một đôi thiên nga đang bay bên nhau trên nền trời xanh đẹp tuyệt vời. Không
biết vì lý do gì một con bỗng dưng lảo đảo rồi lao xuống một triền đá chết. Con
còn lại sau khi lượn quanh xác chết của bạn mình kêu lên những tiếng thảm
thiết, rồi tự nhiên lao vút lên cao như để lấy đà rồi lao xuống ghềnh đá và
chết cạnh bạn của nó.
Người ta đã thêu tặng nhau những bức tranh trong
dịp cưới với hình một đôi thiên nga, vì thiên nga là loài vật rất đặc biệt. Sau
khi đã trải qua thời gian thử thách, tìm hiểu và đã chấp nhận sống với nhau,
thì đây là một “hôn phối bất khả phân ly” đối với chúng. Có nghĩa là hai con
thiên nga ấy sẽ sống với nhau, bên nhau cho đến chết. Không cãi vã, không ngoại
tình và không ly dị. Chúng chỉ có nhau và gắn bó với nhau ngay cả khi con cái
chúng khôn lớn và bỏ chúng ra đi. Và nếu một trong hai chết, thì con còn sống
sẽ “ở vậy” suốt đời mà không hề có chuyện “tái giá” hay “tục huyền”.
Cùng với loài thiên nga, phượng hoàng đầu bạc ở
Bắc Mỹ, và loại chim két hoàng bích ở Úc Châu cũng có cùng một đặc tính “một vợ
một chồng” như vậy.
Từ đầu
tiên đã không xảy ra như vậy
Ngày nay, nhiều người kể cả Công giáo khi nói đến
luật “một vợ, một chồng”, ý nghĩa đầu tiên là cho rằng Thiên Chúa không thông
cảm và hiểu những thách đố, khó khăn của đời sống hôn nhân. Giáo Hội Công giáo
khe khắt, đòi hỏi. Giáo Hội không bắt kịp trào lưu tư tưởng tiến hóa của con
người thời đại. Theo quan niệm của những người chủ trương ly dị thì làm gì mà phải
chung thủy? Tại sao phải sống chết với một người, nhất là người ấy gây phiền,
gây khổ cho mình? Thiên hạ ly dị đầy đường có chết chóc ai đâu? Tại sao mình
lại không thử một lần để may ra đổi được số mệnh?
Đó là những lý luận thoạt nghe tưởng như hữu lý vì
nó hết sức hấp dẫn. Tuy nhiên, khi đi sâu vào ý nghĩa của đời sống vợ chồng,
vào cái mà Giáo Hội Công giáo gọi là “Ơn Gọi Hôn Nhân”, ta mới hiểu rằng ly dị
không phải là giải pháp cuối cùng và tốt nhất cho đời sống hôn nhân. Ngược lại,
chung thủy, một vợ, một chồng mới là cái làm cho đời sống hôn nhân trở nên hạnh
phúc. Chính Chúa Giêsu đã xác định với những người Do Thái hỏi Ngài về ly dị
như thế. Trước câu hỏi tại sao Maisen cho phép họ ly dị, Ngài đã trả lời: “Từ
đầu đã không có chuyện ấy” (Mt 19,8).
Tại sao
từ ban đầu Thiên Chúa đã không cho phép ly dị?
Thiên Chúa khi kêu gọi con người bước vào đời sống
hôn nhân, là Ngài đã có ý muốn họ hạnh phúc. Ngài biết sự chọn lựa và lời mời
gọi ấy là tốt cho họ, bởi thế Ngài không muốn họ thay đổi: “Sự gì Thiên Chúa đã
liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19: 6). Đó là luật, nhưng là một
luật êm ái, nếu tuân theo con người sẽ được hạnh phúc.
Con người khi bước vào đời sống hôn nhân là tự
chọn và đáp lại ơn gọi cao cả ấy. Sẵn sàng chấp nhận “luật” ấy bằng sự đáp trả
của hiểu biết, tự do và tiếng nói của con tim. Không ai bắt buộc phải lấy người
mình không muốn lấy. Và cũng không ai có quyền dùng sức mạnh, tiền bạc, hoặc
quyền lực để cưỡng ép, chiếm đoạt tình yêu người khác. Tình yêu trong hôn nhân,
do đó, là một đáp trả tự do, công bằng, và trưởng thành.
Tình yêu vợ chồng dành cho nhau là một thứ tình
phát xuất từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã chia sẻ tình này cho
con người. Ngài đã cho con người biết về dự án yêu thương này: “Chúng ta hãy
tạo dựng con người giống hình ảnh chúng ta” (St 1,26). Và qua đó, Ngài đã tạo
dựng nên họ “có nam, có nữ” (1,27). Do đó, khi đáp lại tiếng gọi con tim của
nhau trong ơn gọi hôn nhân là con người chia sẻ thứ tình yêu cao cả ấy với
Thiên Chúa và với nhau.
Như vậy, luật một vợ một chồng không phải là do
Giáo Hội đặt ra và áp đặt trên con người. Đó là luật của Thiên Chúa. Mà những
gì Thiên Chúa đã làm thì tốt đẹp, mang lại hạnh phúc cho mọi loài thụ tạo trong
đó có con người.
Do sự
cứng lòng của các ngươi
Người Kitô hữu phải sống với suy tư này, đó là hôn
nhân không phải là một khế ước đơn thuần của xã hội, một định chế của luật lệ
xã hội. Nó cũng không phải là một đáp trả có tính cách tình cảm và dựa vào sự
thôi thúc của dục vọng. Hôn nhân, theo cái nhìn Kitô giáo là một ơn gọi. Một
lời đáp trả trực tiếp đối với Thiên Chúa về sự chọn lựa bậc sống của mình, cũng
như sự đáp trả tiếng gọi của con tim, của tình yêu giữa hai người. Đây chính là
lý do tại sao Thiên Chúa đã không cho phép con người ly dị.
Con người có thể là coi thường lời hứa và coi
thường tình cảm của nhau, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Những gì Ngài đã
hứa, và những gì Ngài trao tặng nó phải mang tính cách vững bền, không thay
đổi. Ngài không bao giờ làm một việc gì mà không nhìn đến hạnh phúc của con cái
Ngài. Tình yêu mà Ngài mời gọi họ bước vào. Tình yêu mà Ngài san sẻ cho hai
người để trao cho nhau cũng phát xuất từ sự thánh thiện và bền vững ấy. Do đó,
khi con người phản bội nhau, chính là phản bội Thiên Chúa.
Các quan tòa, các thẩm phán, các luật sư và ngay
cả các đương đơn ly dị, tất cả ai cũng đều biết rõ điều này là ly dị, một nghĩa
nào đó là hành động phản bội. Nhưng sở dĩ họ vẫn làm là vì theo Chúa Giêsu đã
nói: “Bởi vì lòng dạ các ngươi cứng cỏi, nên Môsê mới cho phép các ngươi ly dị
vợ” (Mt 19,8). Việc cho phép của Môsê, như vậy chỉ là một việc làm miễn cưỡng,
một hành động chẳng đặng đừng mà Thiên Chúa làm ngơ cho phép xảy ra theo sự
cứng lòng của con người. Một cách tương tự, luật cho phép ly dị của các quốc
gia hiện nay trên thế giới cũng chính là một hành động đi ngược với chủ ý của
Thiên Chúa, nhưng vì tôn trọng tự do của con người, Ngài đành nhắm mắt làm
ngơ!
Nhìn vào những lý do ly dị hiện nay, hầu hết các
trường hợp ly dị đều dựa vào lý do: “Những khác biệt không thể hàn gắn được”
-Irreconcilable differences. Đây có thể được coi là một sáng kiến khôn ngoan,
nhưng cũng đầy lật lọng, đầy gian dối đối với các quan tòa và các luật sư biện
hộ. Nó cũng là lý do để những ai đâm đơn ly dị dựa vào đó để tự trấn
át lương tâm mình.
Trong thực tế, ai có thể chứng minh được những
khác biệt không thể hàn gắn ấy là những khác biệt nào, và chúng đến từ nguyên
nhân nào, ngoại trừ người đứng đơn ly dị! Những khác biệt không thể hàn gắn ấy
có thể là vì tôi đã có bồ, đã ngoại tình. Tôi đã lường gạt được anh hay em cho
bõ ghét và nay thì không còn thèm muốn nữa. Nó cũng có thể là tự thâm tâm, tôi
chỉ là một anh hay một chị đồng tính, hoặc vừa đồng tính vừa lưỡng tính. Một
anh hay một chị đào mỏ chỉ thích cái gia tài khổng lồ của người khác. Những người
mà tự mình đã dối gạt khả năng bất lực của mình, đối gạt tính ham mê cờ bạc,
rượu chè, và nghiện hút. Và rất nhiều những lý do khác được gói trọn vào một
câu: “Những khác biệt không thể hàn gắn được” – Irreconcilable differences.
Chúa Giêsu, Đấng thấu hiểu lòng dạ con người nên
đã giải thích những khác biệt ấy bằng một câu vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa, đó là
“sự cứng cỏi của tâm hồn”. Mà nếu đã như vậy, thì người chồng hay người vợ có
làm cách gì đi nữa cũng vẫn không thể “hàn gắn” được.
Một điều nghe như khôi hài mà rất nhiều người vẫn
tự bào chữa cho thái độ vô tội, cho việc làm chính đáng của mình khi ly dị, đó
là: “Tôi không bỏ vợ hay bỏ chồng vì một bóng hình thứ ba, không hề có chủ ý
nào, mà chỉ đơn thuần là những khác biệt giữa hai người không thể hàn gắn. Tôi
ly dị vì nghĩ đến ảnh hưởng giáo dục của những đứa con…” Thực tế lại cho thấy
một nguyên tắc hoàn trái ngược, đó là chẳng ai dại gì bỏ đi cái mà mình đang
có, họa chăng là đổi lấy cái mà mình cho là tốt hơn. Nguyên tắc tâm lý này đã
được chứng minh trong hầu hết các trường hợp ly dị, mặc dù kết quả khảo cứu lại
không cho thấy những đánh đổi kia là đúng, hoặc tốt hơn. Đông Tây gặp nhau,
kinh nghiệm của tiền nhân Việt Nam cũng đã cho thấy điều này: “Tránh vỏ dưa,
gặp vỏ dừa”, hoặc: “Chê thằng toét mắt, lấy thằng gù lưng ”.
Kết quả các cuộc khảo cứu cũng cho biết thêm đời
sống sau khi ly dị, người đàn bà là người chịu thiệt thòi nhiều so với đàn ông.
Rất tiếc, cũng những khảo cứu ấy lại cho thấy đàn bà đứng đơn ly dị nhiều hơn
đàn ông.
Hồng ân
chứ không phải thách đố
Trở lại câu chuyện một loài chim, thiên nhiên đã
cho con người một bài học rất bổ ích, đầy ý nghĩa. Điều này minh chứng rằng
Thiên Chúa và Giáo Hội đã không đặt trên vai con người những gánh nặng không
thể mang vác, hoặc đòi hỏi những điều xem ra vô lý. Thiên Chúa chỉ muốn con
người được hạnh phúc, và Giáo Hội chỉ hướng dẫn và giúp con người thực thi ý
Chúa để được hạnh phúc.
Hạnh phúc của luật “một vợ một chồng” được nhìn
thấy qua thái độ hớn hở và hạnh phúc của Adong khi đón nhận Evà từ tay Thiên
Chúa. Ông hạnh phúc và sửng sốt kêu lêu: “Đây là xương của xương tôi, thịt của
thịt tôi. Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì được rút ra từ đàn ông” (St 2,23). Vì
ý nghĩa này mà người Việt Nam gọi chồng hay vợ là “mình”. Do đó, khi vợ chồng
tự ý loại bỏ nhau, tự ý cho phép mình ly dị và dan díu với người khác là bỏ đi
một phần của chính mình để đi tìm cái phần ấy của kẻ khác. Hoặc cũng có thể nói
là đi ăn cắp, cướp giật phần của kẻ khác.
Tâm lý chung thủy, tự nó cũng nói lên khía cạnh
tích cực vì nó thôi thúc hai người phải có trách nhiệm nối kết, mang lại hạnh
phúc cho nhau. Trong hôn nhân không có thứ hạnh phúc một mình, vì hạnh phúc của
người này cũng là hạnh phúc của người kia. Các nhà tâm lý đã khám phá ra rằng,
hễ người nào cứ mang ý tưởng “ly dị” trong đầu, hoặc những ai bước vào hôn nhân
như một “trò chơi”, những người này trước sau cũng ly dị. Những khảo cứu gần
đây về lý do ly dị còn cho biết thêm là những ai đã một lần ly dị, họ thường là
những người sẽ dễ dàng ly dị lần thứ hai hoặc thứ ba.
Như vậy, khi Thiên Chúa muốn con người bước vào ơn
gọi hôn nhân bằng luật “nhất phu, nhất phụ” – một vợ một chồng – là Ngài muốn
cho con người sống với tâm lý này. Ngài không muốn con người phải xao động,
phải hối hận, và phải phân vân về chọn lựa của mình. Xao động, hối hận, hoặc
phân vân nói lên tâm trạng thiếu trưởng thành, một tâm lý không đem
lại hạnh phúc của hôn nhân. Cũng chính vì vậy, khi xét định một trường hợp hôn
nhân “bất thành sự”, các thẩm phán trong các tòa án hôn phối của Giáo Hội đã căn
cứ vào yếu tố trưởng thành tâm lý để quyết định giá trị thành sự của hôn nhân
đó. Dĩ nhiên, đây chỉ là một trong nhiều những nguyên nhân khiến cho một cuộc
hôn nhân không thành sự.
Trở lại những yếu tố tâm lý, tâm linh và thiên
nhiên, và với cái nhìn tích cực, thì hôn nhân một vợ một chồng là một hôn nhân
không vượt quá sự cố gắng của con người. Nó cũng không phải là gánh nặng mà
Thiên Chúa đã vô tình đặt trên vai con người. Nhưng chỉ nói lên đó là một hồng
phúc. Thật vậy, chỉ khi nào chúng ta bình tâm, sâu lắng và thành thật với mình,
chúng ta sẽ nhận ra người vợ hay người chồng của mình chính là một tặng vật vô
cùng quý giá và không thể thiếu trong cuộc đời và trên hành trình trần thế. Tóm
lại, ly dị không phải là giải pháp cuối và tốt nhất cho hôn nhân. Việc này nếu
xảy ra thì chỉ là một việc bất đắc dĩ và đòi hỏi nhiều lý do vững chắc, khả
tín, khoa học. Điều mà Giáo Hội gọi là những lý do đưa đến sự bất thành ngay từ
ban đầu của Bí tích Hôn nhân.
Tiến sĩ Trần Mỹ Duyệt
Nguồn: gpvinh.com