HỘI NGHỊ CẤP GIÁO PHẬN VỀ TÍNH HIỆP HÀNH
CỦA LINH MỤC ĐOÀN GIÁO PHẬN PHAN THIẾT

Ban truyền thông GP. Phan Thiết

WGPPT (14.6.2022) - Sáng nay ngày 14.6.2022, tất cả các linh mục Giáo Phận Phan Thiết tề tựu về Trung Tâm Thánh Mẫu Tapao để tham dự ngày hiệp hành dành cho linh mục đoàn.

Nhiều đoàn khách hành hương đang về bên Mẹ Tapao, sốt mến lên núi cầu nguyện bên linh đài Mẹ.

Lúc 08g25, khí trời đại ngàn dịu mát, gió thoảng nắng nhẹ, Đức cha và quý cha ghi lại những tấm hình lưu niệm tại cổng Trung tâm Thánh Mẫu.


Sau đó Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng và quý cha bắt đầu chương trình công nghị.

Khởi đầu là giây phút thánh hoá xin ơn Chúa Thánh Thần. Mọi người cùng đọc Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023, Thầy Phó Tế đọc Cv 15,1-6.22-29, cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện xin Chúa soi sáng hướng dẫn.

Sau giây phút thánh hoá, MC Phó tế Thái giới thiệu chương trình sinh hoạt.

Tiếp theo, Đức Cha Giuse ban huấn từ về ý nghĩa và mục đích của tiến trình Hiệp Hành. Ngài phân tích “Hiệp hành là con đường Giêsu” và từ 2 đoạn sách Công vụ Tông đồ (Cv 15, 1-29; 11,1-50), ngài giải thích các giai đoạn Hiệp Hành.

Hiệp hành là phương cách sống và hành động là đặc trưng của Giáo Hội, dân Thiên Chúa. Hiệp hành là cùng đi chung một con đường, con đường Giêsu để đến với Chúa Cha trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Tiếp theo, đại diện linh mục đoàn, 2 cha với 2 bài tham luận về sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Cha Augustinô Nguyễn Đức Lợi trình bày đề tài: Việc cùng nhau hành trình khi loan báo Tin Mừng đang diễn ra thế nào trong Giáo phận Phan Thiết.

1. Tình hình chung của việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam cũng như giáo phận Phan Thiết

Tỉ lệ những người Công Giáo trên quê hương Việt Nam nói chung và Phan Thiết nói riêng vẫn không được cải thiện - dao động khoảng 6 - 7 %.

Số tăng của người Công Giáo chủ yếu dựa trên tỉ lệ sinh. Số lượng tân tòng cũng khá nhiều nhưng chủ yếu trở lại do việc kết hôn. Số trở lại do cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện và yêu thương của con người và những hoạt động loan báo Tin Mừng có lẽ rất ít. Một cái nhìn như thế, cũng đủ để thấy rằng, hoạt động loan báo Tin Mừng của giáo phận Phan Thiết chưa thực sự nổi bật.

2. Chúng ta có thể liệt kê ra đây một số hoạt động được gọi là Loan Báo Tin Mừng đang diễn ra nơi Giáo phận.

a. Tích cực

Hoạt động của các dòng tu chủ yếu liên quan đến việc giáo dục mầm non nhưng còn mang dáng dấp của hoạt động kinh tế hơn là phục vụ; những hoạt động bác ái chuyên môn của hai tu hội nam nữ bác ái Chúa Ki-tô tôi tớ có thể coi là điểm son của hoạt động loan báo Tin Mừng của Giáo phận với việc mở nhà dưỡng lão, trại mồ côi, những cộng đoàn với hoạt động châm cứu, phục hồi chức năng miễn phí cho những vùng có tới hơn 50% là người lương dân. Cách đặc biệt là sự nhạy bén và dấn thân của hai tu đoàn cho những nạn nhân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua: cung cấp thịt heo, bữa ăn miễn phí, hộp cơm không đồng cho những người trên đường về quê trốn dịch. Một số hội đoàn đạo đức như Legio Mariae, Lòng Thương Xót cũng tham gia việc loan báo Tin Mừng theo hướng hoạt động của đoàn thể mình. Đặc biệt trong hạt Hàm Tân có gia đình Thừa Tác Viên Tin Mừng với khoảng 80 thành viên. Họ vẫn tổ chức những hoạt động thường xuyên: học Kinh Thánh, chia sẻ Lời Chúa, tĩnh tâm, bỏ tiền túi mình mua Kinh Thánh phát mọi người có nhu cầu. Cũng phải kể đến các hoạt động của ban bác ái xã hội của Giáo phận và trong các giáo xứ. Đối với quý cha, việc tham gia sứ vụ loan báo TM được thể hiện trong những hình thức như: cấp học bổng, xây nhà tình thương, bữa cơm không đồng, phát quà trong các dịp lễ tết. Cha Thọ tổ chức mời các gia đình lương dân tới để gặp gỡ, trao đổi và dùng cơm thân mật với nhau trong dịp lễ tết. Trên bình diện Giáo phận, ngoài việc đóng góp cho quỹ truyền giáo của Hội thánh, Giáo phận cũng đã có chương trình mở các giáo điểm truyền giáo nơi những vùng sâu và sa như Phú Quý, Đami...

b. Những hạn chế

Tuy nhiên, phải nhận rằng, những hoạt động còn mang tính riêng rẽ nhiều hơn và chưa thực sự hiệp thông liên kết chặt chẽ với nhau. Giáo phận dù có lập ban truyền giáo nhưng lập cho có chứ không có bất cứ một hướng dẫn hay có chương trình hành động cụ thể nào. Giáo phận, chưa thực sự tập trung nguồn lực cho việc loan báo Tin Mừng mà hầu như tập trung cho việc xây dựng các cơ sở tôn giáo. Các giáo điểm truyền giáo như Đảo Phú Quý, Đami chưa được quan tâm đúng mức. Một trong những thiếu sót đáng kể chính là chương trình loan báo Tin Mừng cho các anh em dân tộc ít người ở Tân Hà, Sông Phan thuộc Hàm Tân; ở Ma Lâm, Đa-mi thuộc Hàm Thuận Bắc... Sau gần 50 năm thành lập, chúng ta có một linh mục và một chủng sinh người dân tộc nhưng đây không phải là kết quả của một chương trình mang tính chiến lược. Chúng ta vẫn chưa có một linh mục người Kinh nào biết ngôn ngữ, văn hóa và môi trường sống… của họ.

Nhưng trên tất cả, có lẽ mọi hoạt động Loan Báo Tin Mừng của chúng ta vẫn chỉ giới hạn vào việc bác ái từ thiện, giải quyết các nhu cầu cấp thiết cho những người nghèo khó khốn cùng mà chưa hướng tới việc loan báo Chúa Ki-tô để họ nhận biết, tin theo và được cứu độ. Đành rằng, chúng ta không coi thường việc bác ái xã hội hay sống tư cách chứng nhân, nhưng rõ ràng rằng việc loan báo Tin Mừng Tình Thương vẫn là phải là ưu tiên. Chúa Giê-su của thánh Luca cho thấy việc loan báo Tin Mừng vừa là hoạt động bác ái cho những người nghèo khó khốn cùng: què quặt, đui mù, bệnh tật, tù đày, nô lệ...vừa mở cho họ thấy khuôn mặt của Thiên Chúa nhân hậu xót thương nơi và trong chính Người như Đấng Cứu Độ, Đấng Ki-tô và là Đức Chúa, để họ bước theo Người và hưởng niềm vui cứu độ, niềm vui trong tâm hồn. Giáo hội buổi đầu cũng xác định: chúng tôi không thể bỏ việc rao giảng lời Chúa để lo chuyện phân phát lương thực cho anh em. Do đó, LBTM, nếu chỉ dừng lại trong các hoạt động bác ái xã hội mà không giúp người đón nhận gặp gỡ và hiệp thông với chính Chúa là Đấng Cứu Độ, chúng ta không khác gì các hội từ thiện, chúng ta mới đi nửa chặng đường của hành trình loan báo Tin Mừng và chẳng bao giờ tới đích.

3. Một số đề nghị

Qua một vài những chia sẻ ở trên, chúng ta cũng ít nhiều nhận thấy, việc hiệp thông, tham gia sứ vụ loan báo Tin Mừng trong giáo phận Phan Thiết đã có những hoạt động đa dạng nhưng kết quả lại có rất ít người bước vào mối hiệp thông trong đức tin và ân sủng, dù nhận được sự trợ giúp rất nhiều và rất lâu từ các giáo xứ, giáo phận, vấn đề nằm ở nào? Người LBTM hay người đón nhận? Phải thành thật nhìn nhận rằng, chúng ta quá nhấn mạnh đến người loan báo TM mà dường như quên mất người nhận. Sứ điệp TM vì thế trở nên xa lạ với người nhận và kết quả nó bị phớt lờ. Trong phần này, dựa trên một vài tác phẩm liên quan đến việc LBTM, con xin đưa ra một vài cách hiểu mới về việc loan báo TM, trong đó, chú ý đến đối tượng tiếp nhận nhiều hơn.

Trước hết, trong bài viết mang tên, “Truyền thông mục vụ và truyền giáo” được đăng trên trang của Giáo phận, cha Franz-Josef Eilers thuộc dòng Ngôi Lời đã nói đến việc loan báo Tin Mừng như một sự khoa truyền thông hướng ngoại để phân biệt với công tác mục vụ như khoa truyền thông hướng nội. Lịch sử cứu độ là lịch sử của việc Thiên Chúa thông truyền kế hoạch yêu thương cứu độ của mình, qua các tổ phụ, các ngôn sứ và sau cùng là chính Con Một của Ngài - những con người thấm đẫm môi trường của người đón nhận sứ điệp. Hội Thánh, theo lệnh của Chúa Ki-tô phục sinh, cũng thực thi sứ mạng loan truyền Tin Mừng cứu độ cho nhân loại qua mọi nơi mọi thời. Công Đồng đầu tiên Giêrusalem cho thấy Giáo hội đặt trọng tâm vào người đón nhận như thế nào. Một trong những điểm quan trọng của khoa truyền thông chính là lấy người nghe làm trung tâm. Chúa Giêsu nói đến mục tử phải biết chiên. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến mục tử “mang mùi chiên,” “một Giáo hội đến những vùng ngoại biên với bùn đất lấm lem thì tốt hơn một Giáo Hội sạch tươm trong phòng kín với điều hòa nhiệt độ.”

Nhà thần học người Mỹ Freeman trong tác phẩm Tin Mừng Hoàn cảnh nói đến nghệ thuật Loan Tin Mừng. Người loan báo sứ điệp Tin mừng phải là người vừa biết Thiên Chúa qua việc chú giải Kinh Thánh, nguyện cầu và gặp gỡ Chúa, vừa biết chú giải con người, nghĩa là hiểu được con người trong hoàn cảnh cụ thể của họ vì ảnh hưởng của môi trường lên con người chiếm đến 80% (theo các nhà nghiên cứu).

Cha Stephan. Bevans trong tác phẩm “Một dẫn nhập vào thần học trong viễn cảnh toàn cầu” nói rằng: loan báo Tin Mừng hay truyền giáo không chỉ là một môn thần học (studying theology) mà còn là, và quan trọng nhất là doing theology - một việc phải luôn đang diễn ra trong cái hôm nay, lúc này nơi môi trường truyền giáo. Hoặc theo ngôn ngữ của cha Domini Chenu “doing theology là một cố gắng liên tục để Thiên Chúa của hôm qua gặp con người hôm nay trong chân lý và tình yêu.” Người loan báo Tin mừng mà không quan tâm tới người nghe thì việc truyền thông sẽ thất bại. Người nghe, một khi không thấy được sứ điệp Tin Mừng Chúa Kitô đụng chạm và cứu thoát mình sẽ không bao giờ đón nhận. Matthew, Gia- kêu và Lê-vi đã gặp được Chúa và cảm nghiệm được sứ điệp Tin mừng giải phóng. Họ vui vẻ tiếp nhận, buông bỏ mọi sự để cùng với Người, hiệp thông, tham gia sứ vụ cứu thế với Người.

Đọc Tin Mừng ta thấy sứ điệp từ trời cao đã được Chúa Giê-su dùng những hình ảnh gần gũi với cuộc sống con người để diễn tả. Đó là kết quả của 30 năm sống cắm lều giữa họ. Chính các giả Tin mừng cũng đã lấy người nghe làm trung tâm khi soạn thảo TIN MỪNG. Có người nói thật hay: các Tin mừng trình bày khuôn mặt Chúa Kitô và TM của Người khác biệt nhau nhưng Tin mừng nào cũng trình bày Chúa Kitô cách trung thực. Chúa Thánh Thần được sai đến cũng để giúp Hội thánh đọc và áp dụng Tin mừng trong những hoàn cảnh cụ thể. Ronald. B. Alder trong tác phẩm “lookingout lookingin” đã nói đến tầm quan trọng của người nghe trong tiến trình truyền thông. Chính người nghe định hình việc mã hóa, chọn kênh thông tin và cách thế loại trừ tiếng ồn để sứ điệp đến được với người nghe cách trung thực nhất. Con mong ước, giáo phận nên có chiến lược loan báo Tin Mừng không chỉ qua việc đào tạo nhân sự cách bài bản, có kiến thức Kinh Thánh để tìm được sứ điệp mà Chúa muốn nói với con người; mà còn phải có kiến thức nhân học như một người chú giải con người trong môi trường động; có kỹ thuật và nghệ thuật truyền thông để nối kết con người với Thiên Chúa trong cái hôm nay lúc này.

Xin Đức cha và quý cha có sự quan tâm tới những phong trào giáo dân, nhất là gia đình tác viên Tin Mừng, để họ được huấn luyện tốt hơn cho sứ mạng LBTM.

Tiếp theo Cha GB Trần Văn Thuyết trình bày đề tài: việc hành trình loan báo Tin Mừng hiện đang diễn ra thế nào trong Giáo phận Phan Thiết ?

Để Giáo phận được lớn lên trong việc cùng nhau cất bước hành trình, Thần Khí đang mời gọi chúng ta thực hiện những bước đi nào?

Việc loan báo Tin Mừng đang diễn ra trong Giáo phận như là cầu nguyện, đọc Lời Chúa, chia sẻ Lời Chúa, thăm viếng, làm việc bác ái, hoạt động xã hội, dạy giáo lý, săn sóc bệnh nhân, giáo lý cho người tân tòng, thăm người lương dân, gặp gỡ liên tôn…

Cùng nhau hành trình loan báo Tin Mừng để thực hiện những bước đi để việc truyền giáo của Giáo phận được lớn lên, bằng việc làm cụ thể mà chúng ta có thể thực hiện được, bằng những bước đi sau:

- Cầu nguyện luôn cho cuộc hành trình truyền giáo. Không có ơn Chúa chúng ta không thể làm được gì. Không chỉ cầu nguyện trong ngày Chúa nhật truyền giáo mà còn phải hàng tuần nữa để mọi người ý thức việc truyền giáo.

- Dấn thân mạnh mẽ hơn, hăng say hơn cho sứ vụ này. Khởi đầu từ Giám mục, Linh mục, tu sĩ đến mọi người giáo dân. Tất cả đồng trách nhiệm trong sứ vụ. Điều này cũng diễn đạt tính Hiệp hành trong Giáo hội hôm nay, Hiệp hành là để phục sứ mạng Hội Thánh, mọi thành viên trong Giáo hội được mời gọi tham gia vào sứ mạng này.

- Liên kết mọi thành phần dân Chúa, phối hợp nhịp nhàng để từng thành phần chu toàn theo trách nhiệm mình.

- Sẵn sàng chia sẻ vật chất tinh thần. Các gia đình, các Giáo xứ lớn có điều kiện dám mạnh dạn mở cửa giúp đỡ những vùng truyền giáo xa xôi hẻo lánh, hoặc những Giáo xứ nghèo không tự lực vươn lên, bằng những lý do chính đáng như quyên góp xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý, nhà tình nghĩa,..

- Đầu tư chuẩn bị tương lai:

Muốn có người Kitô hữu gia tăng, phải đào tạo người chuyên trách làm tác viên Tin Mừng. Tổ chức các khóa sinh hoạt loan báo Tin Mừng của Giáo phận, Giáo hạt, giúp họ trang bị hành trang lên đường loan báo Tin Mừng .

- Chăm sóc người tân tòng

- Áp dụng các phương thức truyền thông cách hiệu quả vào truyền giáo, bằng những phương pháp mới, nhiệt huyết mới, cách diễn tả mới, như Thượng HĐGM khóa XIII đã đề ra khi nói về một công cuộc Tân Phúc Âm hóa.

Sau giờ giải lao, quý cha lắng nghe Thầy phó tế Hoàng giới thiệu sách giáo lý XTRL trong bộ sách giáo lý mới. Chương trình học, tài liệu quy chiếu và tham khảo, cấu trúc một bài giáo lý thực hành và giới thiệu logo - ý nghĩa bìa sách.


Đức cha giới thiệu sách giáo lý hôn nhân của Uỷ Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc HĐGMVN. Ngài chia sẻ những tâm đắc về kết quả hiệp hành qua 2 em khuyết tật ở Giáo Xứ Kim Ngọc, em Rôcô Đào Hoàng Thiên tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật Sài Gòn và em Cêcilia Đào Thị Hoàng Nhiên tốt nghiệp Đại Học Công Nghệ Thông Tin Phan Thiết.

Sau đó, quý cha chia sẻ những thao thức cá nhân. Bầu khí vui tươi qua những câu chuyện kể, những ý tưởng hiệp hành và những kinh nghiệm mục vụ từ xứ đạo.


Đến 11g, Đức cha phân định sau khi lắng nghe và ghi nhận.Nhìn lại kinh nghiệm đức tin và sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nhắc quý cha tích cực mời gọi giáo dân đóng góp đồng tiền Thánh Phêrô vào Chúa nhật 3.7.2022. Việc thống nhất trong giáo phận về phụng vụ và mục vụ hôn phối, cuối cùng là những thông tin về Trung Tâm Thánh Mẫu Tapao.

Buổi Hiệp Hành kết thúc với tâm tình bài ca tạ ơn “Dâng Mẹ”, Đức cha Giuse ban phép lành.

Cơm trưa thân mật đượm tình huynh đệ.

Nguồn: gpphanthiet.com