WHĐ (04/01/2025) -  Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (Ga 10,14).

Cái khó của người có trách nhiệm giáo dục đức Tin hiện nay chính là làm thế nào để thu hút các em đến với các lớp giáo lý, thấy thích thú khi học một bài giáo lý và sau cùng các em học được gì nơi bài giáo lý đó? Bởi vì trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các em dễ bị cuốn vào vòng xoáy của xã hội và chắc chắn nơi chiếc “smartphone” có hấp lực hơn nhiều!

Thực tế cho thấy, nơi các lớp học giáo lý, nơi thánh đường của phần đông các giáo họ giáo xứ, sự hiện diện của các em đã giảm đi rất nhiều. Phải chăng nơi đó không còn sự hấp dẫn và lôi kéo các em? Hay do các em bây giờ phải học quá nhiều không còn thời gian đi lễ và học giáo lý trong ngày Chúa nhật? Hay do sự giáo dục còn nhiều hạn chế ngay trong gia đình để các em ít có sự tự giác và tự lập? Thiết nghĩ, trách nhiệm vẫn thuộc về chúng ta - tiên khởi là trách nhiệm của bậc phụ huynh, sau đó là những người có bổn phận giáo dục đức Tin cho các em thiếu nhi - mầm non tương lai của Giáo hội và xã hội. Chúng ta phải nhìn nhận một vấn đề hệ quan năng động: cần phải đối diện với cục diện của xã hội để từ đó xây dựng một phương pháp thật sinh động và hấp dẫn để các em được yêu thương, được thu hút, có ấn tượng và “ở lại”. Ngang qua bài viết này, xin gửi tới bạn trẻ, các em thiếu nhi “đọc - gẫm - xem lại” chủ đề “HỌC MÀ VUI, VUI MÀ HỌC” có thể áp dụng cho các lớp giáo lý hiện nay.

Học mà vui, vui mà học” hiểu đơn giản là làm sao để các em thiếu nhi không cảm thấy nhàm chán nhưng hào hứng và thích thú như khi các em được đi dã ngoại, được xem một bộ phim hay- phù hợp với tâm lý lứa tuổi, hay khi được tham gia các hoạt động sinh hoạt ngoài trời… Sau đây xin gợi ý một số hoạt động áp dụng lồng ghép trong những buổi học giáo lý.

Mở ra” – chúng ta không nhất thiết phải quy tụ các em trong phòng học giáo lý, hoặc nơi nhà thờ mới là học giáo lý. Sự mở ra này chính là sự mở ra với tha nhân. Xen kẽ vào những buổi học giáo lý tại căn phòng cố định, nên tổ chức cho các em những cuộc viếng thăm những gia đình nghèo, các bệnh nhân, mái ấm tình thương hay gia đình của các em thiếu nhi… từ đó, gắn với ý nghĩa “quy Kitô” - Đức Kitô đã từng viếng thăm những mảnh đời như vậy trong suốt 3 năm Ngài đi giảng dạy. Ngài dạy ta điều gì? Muốn ta làm gì cho tha nhân? Đây chính là bước “Nội tâm hoá sứ điệp Lời Chúa” và áp dụng vào cách sống - bước quan trọng trong tiến trình dạy Giáo Lý Hiệp Thông.

Dấn thân và tham gia” – Giáo hội của Đức Kitô là giáo hội đang sống. Hãy cho các em biết rằng, chính các em có chỗ đứng nhất định trong lòng của Giáo hội, là chính Giáo hội, nên hãy yêu mến Giáo hội của Chúa Kitô bằng sự tham gia. Cụ thể là tích cực tham gia đoàn hội, tích cực sống tinh thần của thiếu nhi bằng “cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm tông đồ”. Một bài học để lại cho các em là: hiểu biết hơn, mạnh dạn hơn và tự tin hơn, chính các em dễ hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

“Chia sẻ” bao gồm cả việc chia sẻ vật chất và tinh thần. Dịp mùa chay vừa qua, một số đoàn thiếu nhi của các giáo xứ đã được các anh chị huynh trưởng, giáo lý viên tổ chức đi thăm một số mái ấm tình thương. Các em được gợi ý chia sẻ những gì mình có như cặp sách, bút, tập vở, đồ chơi… các em cũng sẵn sàng chia sẻ cả những đồng tiền tiết kiệm từ việc “nuôi heo”, và trao tặng những món quà yêu thương từ việc thu lượm ve chai. Chắc hẳn các em đã rất vui vì hành động đầy ý nghĩa này. Đơn giản hơn nữa, tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh khuôn viên nhà xứ, thôn làng để các em hiểu được việc bảo vệ môi trường sống là cần thiết và đầy tính sinh động quan cho người khác.

Trở lại vấn đề từ chiếc điện thoại “smartphone”, bạn không khỏi băn khoăn khi thấy giới trẻ ngày nay quá phụ thuộc vào nó. Nếu sử dụng đúng cách sẽ thật tốt và hữu dụng, ngược lại khi đã “nghiện” thì tai hại biết bao. Việc truyền thông về tác hại của việc dùng “smartphone” không kiểm soát là rất cần thiết cho các em thiếu nhi hiện nay. Chắc hẳn hình ảnh này có một ý nghĩa rất lớn cho tương lai của các em: một bên là hình ảnh một bạn học sinh tay cầm chiếc “smartphone” chăm chú, quẹt qua quẹt lại, mặt bơ phờ. Bên kia là hình ảnh của một người trưởng thành đang còng lưng vác những bao xi măng nặng nhọc khổ sở. Sau đó qua trang khác là hình ảnh của một học sinh cặm cụi chăm chú học bài, và bên kia là hình ảnh của một giám đốc đang tổ chức họp báo. Chắc chắn bạn hiểu ý nghĩa từ thông điệp này! Lời muốn nói ở đây: bạn có nhiều cách để truyền thông cho các em, có thể cho xem clip, dựng chuyện, sắm vai… để các em ý thức hơn nữa khi sử dụng “smartphone”. Nhất là kết hợp cùng gia đình các em để kiểm soát chặt chẽ hơn.

“Học mà vui, vui mà học” sẽ là con đường giúp bạn toả sáng hơn trong tương lai. Giáo hội và xã hội vẫn luôn hy vọng và mong đợi nhiều từ các bạn trẻ ngày nay sống trong tự chủ và biết chọn lựa điều hay lẽ phải. Tới đây, xin mượn lời của Đức thánh cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ trong Đại hội giới trẻ lần thứ 38: “Khi màn sương mù dày đặc của sợ hãi, nghi ngờ và áp bức bao quanh các con và các con không còn nhìn thấy mặt trời nữa, hãy đi theo con đường cầu nguyện... Mỗi ngày chúng ta hãy dành thời gian để nghỉ ngơi trong Chúa trước những lo âu đang tấn công chúng ta”.

Chúng con, Thiếu Nhi Thánh Thể hãy đến với Thầy Giêsu. Mỗi thiếu nhi sẽ có những giờ và bài học bổ ích trong tâm thái mới “Học mà vui, vui mà học”. Ước gì chính giới trẻ và giới thiếu nhi hãy luôn là chính mình để được học với Giêsu, được huấn luyện trở thành môn đệ mang trong mình niềm vui được đến Chúa Giêsu. Như thế chắc hẳn bố mẹ các con được vui trong sự hãnh diện vì được tràn ngập tâm hồn và đời sống của tất cả những ai gặp gỡ Chúa Giêsu cùng với các con của mình. Tháng sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu thiếu nhi mọi miền đất nước sẽ kín múc được nhiều ơn lành từ Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 142 (Tháng 7 & 8 năm 2024)