CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG
NĂM B
LM Antôn
Nguyễn Cao Siêu SJ
Phúc Âm: Ga 1, 6-8. 19-28
Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến như chứng
nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự
sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gioan, khi những
người Do Thái từ Giêrusalem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông
là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải
là Ðấng Kitô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Êlia chăng?” Gioan trả lời:
“Tôi không phải là Êlia”. - “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gioan đáp: “Không
phải”.
Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những
người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gioan đáp: “Tôi là tiếng kêu trong
hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo”.
Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ
hỏi Gioan rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Kitô, cũng không phải là Êlia hay một
tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gioan trả lời: “Tôi làm phép rửa trong
nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau
tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày
cho Người”.
Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan
làm phép rửa.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc
các câu Gioan 1,7-8.15.19.32.34. Xin cho biết công việc chính của Gioan Tẩy giả
là gì?
2. Đọc
Ga 1,7 và 1,31. Bạn thấy hai câu này có gì khác không?
3. Khi
ông Gioan làm phép rửa, thu hút đám đông dân chúng, các nhà lãnh đạo Do-thái
giáo ở Giêrusalem đã sai một phái đoàn đi điều tra về ông Gioan. Bạn có nhận
xét gì về những câu người ta hỏi ông Gioan, và các câu trả lời của ông trong Ga
1,19-21?
4. Câu
22 là một câu gặng hỏi, để Gioan buộc phải trả lời. Dựa trên câu trả lời của
Gioan ở câu 23, bạn thấy Gioan tự nhận mình là ai?
5. Câu
25 là một câu vặn hỏi của phái đoàn về quyền làm phép rửa của Gioan. Nhưng
Gioan đã trả lời bằng cách nói lên khuôn mặt của Đức Giêsu (các câu 26-27). Đâu
là những nét của khuôn mặt đó?
6. Đọc
sách Công vụ 18,25; 19,3-4. Theo ý bạn, ảnh hưởng của ông Gioan sau này có còn
mạnh không ở vùng Êphêsô?
7. “Có một
vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (Ga 1,26). Ông Gioan cũng nhận
mình không biết (Ga 1,31.33). Khi nào Gioan mới nhận biết Đức Giêsu
(Ga1,32-34)?
8. Đọc
Ga 1,15 và 1,30. Hai câu này có khó hiểu không? Bạn hiểu chúng như thế nào?
GỢI Ý SUY NIỆM: Đọc toàn bộ bài Tin Mừng hôm
nay, và tìm những chi tiết trong đó cho thấy ông Gioan Tẩy giả là người đã hoàn
toàn xóa mình để làm chứng cho Đức Giêsu. Đọc thêm Ga 3,25-30. Là những
kitô hữu của thế kỷ 21, muốn làm chứng cho Đức Giêsu trên quê hương, chúng ta học
được gì từ gương của Gioan Tẩy giả?
PHẦN
TRẢ LỜI
1. Qua
Ga 1,7-8.15.19.32.34, ta thấy công việc chính của Gioan là làm chứng cho Đức
Giêsu. Theo nguyên bản, động từ làm chứng
(marturéô) được nhắc đến 5 lần trong các câu Ga 1,7.8.15.32.34 (mỗi câu một lần),
và danh từ lời chứng (marturía) được
nhắc đến 2 lần trong các câu Ga 1,7.19. Ông Gioan là người được sai đến từ
Thiên Chúa (Ga 1,6), với sứ mạng quan trọng là làm chứng về ánh sáng (Ga 1,7).
Dù Gioan rất cao trọng, nhưng ngay từ đầu, Tin Mừng thứ tư đã khẳng định ông
không phải là ánh sáng, mà chỉ là người làm chứng về ánh sáng thôi (Ga 1,8). Dựa
trên Lời Tựa, ta sẽ biết ánh sáng là một con người. Người đó là Ngôi Lời nhập
thể (Ga 1,14) là Con Một (Ga 1,14), là chính Đức Giêsu Kitô (Ga 1,17), và là
Thiên Chúa Con Một (Ga 1,18). Đức Giêsu chính là ánh sáng mà Gioan đến để làm
chứng (Ga 8,12; 9,5; 12,46).
2. Ít nhất
có một điểm khác biệt. Ở Ga 1,7: nhờ lời chứng của Gioan mà mọi người tin vào Đức Giêsu là ánh sáng.
Còn ở Ga 1,31: nhờ phép rửa của Gioan mà dân
Ítraen tin vào Đức Giêsu. Như thế tầm ảnh hưởng của Gioan ở Ga 1,7 rộng hơn
ở Ga 1,31. Trong thực tế, Gioan đã làm chứng trước tiên cho dân tộc của mình,
nhưng lời chứng của ông đã vượt ra ngoài đất Ítraen, để ảnh hưởng trên toàn thế
giới. Ngay từ đầu, Gioan đã giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của mình: “Đây
là Chiên Thiên Chúa, đây là Đấng xóa bỏ tội trần
gian” (Ga 1,29). Rõ ràng đối với Gioan, Đức Giêsu có tầm ảnh hưởng trên cả
trần gian, nghĩa là trên cả thế giới loài người.
3. Khi đọc
Ga 1,19-21 ta thấy các nhà lãnh đạo Do-thái giáo ở Giêrusalem đã cử một phái
đoàn gồm các tư tế và các thầy Lêvi đến gặp Gioan. Họ muốn làm một cuộc điều
tra về Gioan, lúc đó ông đã nổi danh, vì đông đảo dân chúng kéo đến với ông xin
chịu phép rửa. Phái đoàn này muốn biết xem Gioan thật sự là ai. Trước hết là 3
câu hỏi của họ: “Ông là ai? Ông có phải là…? Ông có phải là…?”. Sau đó là 3 câu
trả lời của Gioan. Những câu trả lời của Gioan là những câu phủ nhận, càng lúc
càng ngắn và đanh thép hơn: “Tôi không phải là Đấng Kitô.”; “Tôi không phải.”;
“Không.” Ta thấy sự khiêm hạ và ngay thẳng của Gioan. Khi người ta nghĩ ông có
thể là Đấng Mêsia, ông đã từ chối, vì biết mình không phải là Mêsia. Gioan
không màng đến tiếng tăm danh giá. Và ông đã sống như thế suốt đời mình, sống
như người làm chứng, như người dọn đường cho một Đấng khác. Khẩu hiệu của ông
là: Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại.
4. Sau 3
câu trả lời phủ nhận của Gioan (Ga 1,19-21), phái đoàn đòi ông phải đưa ra một
câu trả lời rõ hơn về chính con người mình (Ga 1,22). Gioan đã trả lời bằng
cách dùng lời của ngôn sứ Isaia (Is 40,3). Vị ngôn sứ này nói đến việc dân
Do-thái đang bị lưu đầy ở Babylon sắp được Thiên Chúa giải phóng để trở về quê
hương (Is 40,1-2). Có tiếng hô của ai đó trong hoang địa, kêu mời sửa đường cho
thẳng để ĐỨC CHÚA (Gia-vê) đi từ đất lưu đầy ở Babylon về lại đất Israel, dẫn
theo những người Do-thái được giải phóng. Gioan Tẩy giả đã tự nhận mình chính
là người cất tiếng hô đó. Ông kêu gọi dân Do-thái sửa đường cho thẳng, không phải
cho ĐỨC CHÚA siêu việt, mà cho một Đấng đến sau ông nhưng cao trọng hơn ông (Ga
1,26-27). Sau này ông sẽ biết Đấng ấy là Đức Giêsu.
5. Trong
Ga 1,25 Gioan bị vặn hỏi về quyền làm phép rửa của ông, vì ông không phải là Đấng
Kitô, Êlia hay vị ngôn sứ (x. Đnl 18,15). Phái đoàn hỏi ông lấy tư cách gì mà
ban phép rửa cho mọi người dân trong nước. Trong Ga 1,26-27, Gioan đã không trả
lời đúng vào câu hỏi này. Ông chỉ cho biết phép rửa của ông là phép rửa trong
nước. Và ông khiêm tốn nói đến một vị đang ở giữa họ nhưng họ không nhận ra, một
Đấng đến sau ông nhưng lại cao trọng hơn ông gấp bội, vì ông không xứng đáng
làm đầy tớ cởi quai dép cho Ngài. Như thế ở đây Gioan đã mô tả khuôn mặt của Đấng
mà ông sẽ làm chứng, Đấng mà ông có thể gọi là Đức Chúa, Đấng mà ông chỉ là người
hô hào mọi người sửa đường cho Ngài (Ga 1,23).
6. Sau
này khi Phaolô đến vùng Êphêsô, ông gặp được những môn đệ của Gioan Tẩy giả. Họ
chỉ biết đến phép rửa của Gioan thôi (Cv 19,3-4). Apôlô là một người giảng dạy
hùng hồn về Đức Giêsu trong hội đường ở Êphêsô, nhưng chính ông cũng chỉ mới chịu
phép rửa của Gioan (Cv 18,25). Điều đó cho thấy lúc đó ở Êphêsô, ảnh hưởng của
Gioan Tẩy giả và các môn đệ của ông vẫn còn khá mạnh.
7. Gioan
Tẩy giả được Thiên Chúa sai đến để làm chứng cho Đấng cao trọng hơn ông ngàn
trùng. Nhưng Gioan không lập tức nhận biết Đấng ấy ngay. Chỉ khi ông thấy Thần
Khí từ trời ngự xuống và ở lại trên Đức Giêsu, lúc ông ban phép rửa cho Ngài tại sông Giođan,
ông mới nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và là Đấng sẽ làm phép rửa trong
Thánh Thần (Ga 1,32-34). Ông trở thành người làm chứng Đức Giêsu là Con Thiên
Chúa, sau khi ông thấy điều xảy ra cho Ngài lúc chịu phép rửa (Ga 1,34).
8. Hai câu Ga 1,15 và Ga 1,30 khá giống nhau và có vẻ khó hiểu. Trong cả hai câu, Gioan Tẩy giả nhìn nhận Đức Giêsu là đấng đến sau ông (nghĩa là nhỏ tuổi hơn ông), nhưng lại trổi vượt hơn ông (nghĩa là có phẩm cách vượt trội), vì đã có trước ông. Đức Giêsu nhỏ tuổi hơn Gioan, nhưng lại có trước Gioan: chúng ta chỉ hiểu được điều này nếu dựa theo Lời Tựa của Phúc âm Gioan. Theo Lời Tựa này, Đức Giêsu là Ngôi Lời đã hiện hữu từ vĩnh cửu (Ga 1,1-5), nhưng khi xuất hiện trên trần gian, Ngài nhỏ tuổi hơn Gioan (x. Lc 1,36).