HÒA GIẢI DÂN TỘC
THEO ĐỊNH HƯỚNG CỦA THÔNG ĐIỆP FRATELLI TUTTI
Tác giả: Vĩnh Ân
30.04.2021
WHĐ (30.04.2021) - 30.04 lại về.
Bốn mươi sáu năm đã qua đi. Đất nước chúng ta sau 75, trên danh nghĩa là thống
nhất, nhưng lòng người không thống nhất, vết thương chia rẽ dân tộc vẫn chưa được
chữa lành, chưa từng được chữa lành, vẫn chưa có một sự hòa giải thực sự. Cứ gần
đến ngày 30.04 vết thương chia cắt lại mưng mủ… Người thì bảo là ngày vui mừng
chiến thắng, ngày giải phóng… người thì cho là ngày quốc hận, tháng Tư đen… Cố
thủ tướng Võ Văn Kiệt có cái nhìn khách quan hơn: “30 tháng 4 có triệu người vui thì có triệu người buồn”.
Làm sao để hòa giải, hòa hợp mọi
người Việt? Làm thế nào người Việt khắp năm Châu nhìn nhận anh em đồng bào và
có thể vui mừng ôm lấy nhau? Có nhiều giải pháp đưa ra, có giải pháp của bên thắng
cuộc, có giải pháp của người thua cuộc… Nhiều người cho rằng: quá khứ đã qua rồi,
thôi hãy khép lại! Đừng nhắc lại hận thù làm gì, hãy để cho giới trẻ, không biết
gì đến chiến tranh, được thảnh thơi xây dựng tương lai đất nước. Thế hệ già nua
rồi sẽ qua đi, hận thù sẽ chấm dứt!
Vết thương trên da thịt theo thời
gian có thể tự lành, vết thương trong tâm hồn không dễ lành như thế. Cuộc bạo
loạn “black lives matter” năm qua tại
Hoa Kỳ cho thấy, những tổn thương không được chữa lành rồi sẽ có ngày gây tác hại.
Thông Điệp Fratelli Tutti của Đức Thánh Cha Phanxicô cho chúng ta những chỉ dẫn
cho việc hòa giải tha thứ thật tuyệt vời đậm chất Tin Mừng. Trước hết hòa giải
hòa hợp không phải là chuyện khép lại chuyện cũ, quên đi quá khứ. Thông điệp
xác định rõ: “Ngày nay, chúng ta rất dễ bị
cám dỗ lật sang trang mới khi cho rằng những điều đó đã xảy ra lâu rồi và chúng
ta phải hướng đến tương lai. Vì Chúa, xin đừng làm vậy! Không thể tiến bước nếu
không nhớ lại quá khứ, không thể tiến bộ nếu không nhớ lại cách đầy đủ và rõ
ràng” (Tđ FT, 249).
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta không được để thế hệ hiện tại và tương lai đánh mất ký ức về những gì đã xảy ra, ký ức ấy bảo đảm và thúc đẩy việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn” (Tđ FT, 248). Thật vậy, “Chúng ta cũng không được phép quên vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. [...] Chúng ta cũng không được quên các vụ đàn áp, nạn buôn bán nô lệ, các cuộc tàn sát sắc tộc đã và vẫn còn xảy ra ở nhiều quốc gia, cũng như nhiều biến cố lịch sử khác […]. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những điều này, nhớ mãi mãi, không nguôi, không để cho mình trở nên chai lỳ” (Tđ FT, 248). Những mất mát, đau thương, những đổ vỡ, những phi lý của cuộc huynh đệ tương tàn… cần phải được nghiên cứu và minh bạch hóa, cần phải được kể lại cho thế hệ trẻ… Đó là sự thật lịch sử. Cần tôn trọng sự thật lịch sử, không bóp méo, vo tròn.
Không chỉ là ghi
nhớ những đổ vỡ, đau thương, Đức Thánh Cha còn nhắc chúng ta phải lưu ý đến những
điểm sáng rạng ngời trong bóng đêm tăm tối của hận thù, Ngài viết: “tôi không chỉ nói về việc nhớ đến những nỗi
kinh hoàng, mà còn nhớ đến những người, trong cảnh huống vô nhân đạo và tồi tệ
mà vẫn giữ được phẩm giá, và bằng những nghĩa cử lớn nhỏ, họ đã chọn các giá trị
liên đới, tha thứ và huynh đệ” (Tđ FT, 249). Làm sao chúng ta có thể không
nhắc đến và kể cho nhau nghe về gương chứng nhân của Đấng đáng kính, Hồng y
Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, vì đức tin và lòng trung thành với Giáo Hội,
đã bị cầm tù cách bất công suốt 13 năm, trong đó có 9 năm biệt giam. Ngài đã
không để mình trở thành nạn nhân của sự bất công, nhưng tận dụng từng giây phút
hiện tại để sống tròn đầy, trọn vẹn tình yêu và sự tha thứ, mang lại bình an và niềm hy vọng cho tất cả những ai gặp gỡ ngài.
Với kinh nghiệm lịch sử, với những
hiểu biết về các chế độ chính trị, Đức Thánh Cha ân cần khuyên người trẻ: “Nếu có ai đó đề nghị… các bạn đừng ngó ngàng
lịch sử, đừng đếm xỉa đến kinh nghiệm của các bậc lão thành, khinh miệt quá khứ
và chỉ hướng đến tương lai do họ bày vẽ ra, thì đây chẳng phải là một thứ cạm bẫy
khiến các bạn dễ dàng làm theo những gì họ chỉ dạy hay sao? Những kẻ này muốn
các bạn trở nên hời hợt, mất gốc, hoài nghi, để rồi chỉ tin tưởng vào những hứa
hẹn và làm theo những ý đồ của họ. Đó chính là cách thức các ý thức hệ thuộc đủ
loại sắc màu vận hành: chúng phá hủy… mọi khác biệt để rồi có thể thống trị mà
không bị phản kháng. Để làm được như thế, chúng cần các bạn khinh thường lịch sử,
chối bỏ di sản tinh thần và nhân văn phong phú do các thế hệ cha ông truyền lại,
không biết gì về những chuyện đã xảy ra trước đây” (Tđ FT, 13).
Chắc chắn, để hòa giải thì cần phải
tha thứ, nhưng “tha thứ không có nghĩa là
quên đi” (Tđ FT, 250). Thông điệp cứ nhắc đi nhắc lại điều cơ bản này, có lẽ
không dưới 5 lần. Tha thứ không phải là quên đi. Thực chất tha thứ là một tiến
trình chữa lành tâm hồn. Chỉ khi nào, tâm hồn được chữa lành, được bình an, thư
thái, không còn cảm thấy chút tổn thương nào… thì lúc ấy mới là tha thứ trọn vẹn,
tha thứ hết lòng. Quên đi không phải là giải pháp. Quên đi chỉ như thuốc giảm
đau, chứ không chữa trị tận căn.
Mặt khác tha thứ cũng không phải
là sự áp đặt duy ý chí của bên thắng cuộc. Thông điệp viết: “Không được đòi hỏi những người đã chịu nhiều
bất công và tàn bạo phải thực thi “sự tha thứ mang tính xã hội”. Hòa giải là vấn
đề cá nhân, không ai có quyền áp đặt cho toàn xã hội, ngay cả khi có bổn phận
phải cổ võ hòa giải. […] không thể ra lệnh “tổng hòa giải” với tham vọng dùng sắc
lệnh để băng bó các vết thương hay dùng sự quên lãng để xóa đi những bất công”
(Tđ FT, 246).
Làm sao có thể quên đi những mất
mát đau thương đã chịu khi cả gia đình chết vì đạn bom, hay còn mang thương tật
vĩnh viễn? Làm sao quên được những thảm cảnh nhục nhằn và khổ đau khi bị đày đọa
trong ngục tù, khi phải bỏ quê hương cửa nhà tìm đường sống, lênh đênh trên đại
dương, tiền vàng bị cướp bóc, vợ con bị hãm hiếp, người thân bị chết đói, chết
khát, làm mồi cho cá biển…? Tất cả những đớn đau tủi hổ đó dồn nén lại thành nỗi
uất ức khiến người ta chỉ muốn báo thù.
Thông điệp không bảo người ta phải
quên đi, cũng không đồng tình với ước muốn trả thù. Đức Thánh Cha xác định rõ
thực chất của tha thứ: “Những ai thực sự
tha thứ thì không quên, nhưng họ không chịu để cho chính cái sức mạnh huỷ diệt
đã làm cho họ bị tổn thương ấy chi phối họ […]. Họ quyết định không để cho xã hội
bị tiêm nhiễm sức mạnh báo thù, mà sớm muộn gì nó cũng sẽ quay lại làm hại
chính họ” (Tđ FT, 251).
Vâng, ước muốn báo thù như độc dược
làm nhiễm uế bầu khí xã hội và đầu độc tâm hồn kẻ đang oán thù, khiến họ chẳng
thể sống an nhiên hạnh phúc. Mà nói cho ngay, “hành động trả thù chẳng bao giờ làm cho các nạn nhân được thỏa mãn thật
sự. Có những tội ác khủng khiếp và tàn ác đến nỗi các hình phạt dành cho kẻ thủ
ác không thể đem lại cảm giác tổn hại đã được đền bù. Ngay cả việc tử hình kẻ
phạm tội cũng không đủ, và có lẽ cũng không thể tìm được hình thức hành hạ nào
cho tương xứng với nỗi đau mà các nạn nhân đã phải gánh chịu. Trả thù không giải
quyết được gì” (Tđ FT, 251).
Muốn hòa giải thì phải tha thứ,
trả thù không giải quyết được gì. Tuy nhiên, tha thứ cũng không có nghĩa là xí
xóa, là tha phạt. Những gì là ác thì phải xác định là ác, những người thủ ác phải
chịu trách nhiệm theo lẽ công bằng và chịu trừng phạt cân xứng. Thật vậy, “phải tìm kiếm công lý cách thích đáng chỉ vì
lòng yêu mến chính công lý, vì tôn trọng các nạn nhân và để ngăn ngừa các tội
phạm mới, bảo vệ công ích, chứ không phải để trút giận. Tha thứ chính là điều
cho phép chúng ta theo đuổi công lý mà không rơi vào vòng luẩn quẩn của báo thù
hay rơi vào tình trạng bất công của quên lãng” (Tđ FT, 252).
Vậy muốn tha thứ phải thực hiện
ba không: không quên đi, không áp đặt, không trả thù. Còn về phương diện tích cực
thì phải làm gì? Thông điệp vạch rõ: “Những
người đã từng đối đầu gay gắt với nhau phải đối thoại khởi đi từ sự thật rõ
ràng và minh bạch. Họ cần phải học biết vun trồng ký ức sám hối, có khả năng chấp
nhận quá khứ để không che phủ tương lai bằng những bất mãn, những nhầm lẫn và
những dự phóng của họ. Chỉ có sự thật lịch sử về các biến cố mới có thể là cơ sở
cho nỗ lực bền bỉ nhằm đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và một quan điểm mới vì
thiện ích của tất cả mọi người” (Tđ FT, 226). Chân thành đối thoại là con
đường duy nhất dẫn đến hòa giải. Đối thoại trong sự thật, hướng đến sự thật,
tìm kiếm sự thật, tôn trọng sự thật mới mang lại sự hòa giải đích thực.
Như trên đã nói, không thể ra mệnh
lệnh áp đặt toàn xã hội phải tha thứ vì tha thứ là vấn đề tâm hồn của mỗi cá
nhân. “Giới hạn trong phạm vi cá nhân,
người ta có thể tự do và quảng đại quyết định từ bỏ việc đòi trừng phạt (x. Mt
5,44-46), ngay cả khi đối với xã hội và nền công lý của xã hội ấy việc đòi hỏi
phải trừng phạt là hợp pháp. […] Thật cảm động khi thấy có những người có thể
vượt lên nỗi đau để tha thứ, nhưng cũng thật
nhân văn khi cảm thông với những ai không làm được như thế. Dù sao đi nữa
thì sự lãng quên không bao giờ là giải pháp” (Tđ FT, 226). Vâng, thật đáng
ngưỡng mộ những con người có tấm lòng bao dung tha thứ, không để tâm hồn bị
giam hãm bởi thù hận, nhưng cũng đừng vì thế mà lên án những ai không thể tha
thứ.
Đức Thánh Cha đã thật tinh tế và
nhân bản khi chân nhận rằng có những nỗi đau người ta không thể nào vượt qua,
nên không thể nào tha thứ. Cần phải cảm thông với giới hạn của con người trong
thân phận làm người. Điều này cũng cho ta thấy chiều kích siêu việt của ơn tha
thứ. Tha thứ là ơn Chúa ban. Điều mà con người không thể thì Chúa lại làm cho
thành có thể, bởi vì: “Đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Như đã nói, tha thứ là một tiến
trình chữa lành. Nếu chúng ta tin vào quyền năng của Chúa, Chúa sẽ chữa lành
tâm hồn đổ vỡ vì đau khổ thù oán của chúng ta. Chúa có thể biến đổi tâm hồn
chúng ta, từ tâm hồn chất chứa đầy cay đắng, giận dữ, ghen ghét thành tràn ngập
tha thứ yêu thương. Chỉ có Chúa mới làm được như thế, mới thực hiện được phép lạ
đó: Phép lạ biến đổi tâm hồn. Phép lạ biến đổi lòng người, khó hơn phép lạ biến
nước thành rượu. Phép lạ biến đổi lòng người thì lạ lùng hơn là phép lạ cho người
bệnh được khỏi. Phép lạ biến đổi lòng người thì vĩ đại hơn là phép lạ cho người
chết sống lại. Từ thù ghét, trở nên yêu thương, yêu thương thật lòng… miễn là
chúng ta sẵn sàng cộng tác với ơn của Chúa. Cộng tác thế nào? Chúa đã dạy: “Hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc
phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình”
(Lc 6,27-28). Dùng ý chí để buộc phải yêu kẻ mình đang thù hận thì không thể,
nhưng buộc cầu nguyện cho họ thì có thể. Khó, nhưng có thể làm được! Chúc phúc
cho họ, làm ơn cho họ… dẫu có ngược với ý muốn của mình. Mỗi lần làm như thế là
ta đang cộng tác với Chúa trong công cuộc chữa lành, chữa lành tâm hồn cho bản
thân và chữa lành tâm hồn cho người mình thù ghét.
Đức Thánh Cha quả quyết: “Tha thứ cách tự do và chân thành là một hành
vi cao quý, phản ánh lòng tha thứ vô biên của Thiên Chúa” và ngài thêm: “Nếu
tha thứ có tính nhưng không, thì chúng ta có
thể tha thứ cả cho những ai không hề hối lỗi và không có khả năng xin tha thứ”
(Tđ FT, 250).
Thông thường, khi người có lỗi biết
hối lỗi, đến xin tha thứ thì chúng ta cũng còn dễ tha thứ, dẫu có lúc cũng thật
khó. Trường hợp này làm chúng ta liên tưởng đến câu hỏi của Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến
con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải đến bảy lần không ?” Chúa Giêsu
trả lời rõ ràng, dứt khoát: “Thầy không bảo
là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, nghĩa là tha luôn, tha mãi.
Còn ở đây, Đức Thánh Cha đề cập đến việc “tha
thứ cả cho những ai không hề hối hỗi và không có khả năng xin tha thứ”, để
chúng ta đạt đến tận cùng khả năng tha thứ, bước theo Chúa Giêsu trên con đường
thập giá, khi Ngài cầu xin: “Lạy Cha, xin
tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Tóm lại, cầu nguyện cho kẻ mình
thù hận, chúc lành và làm ơn cho kẻ mình không ưa là việc của con người; biến đổi
con tim để từ ghét đến yêu là việc của Thiên Chúa. Chúng ta cứ thực hiện phần
việc của mình và Thiên Chúa sẽ hoàn tất việc còn lại. Hãy để cho Chúa chữa
lành!
Sự tha thứ đích thực của con tim
chỉ đến từ Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi tình yêu, vì “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương”
(Tv 103,8) và “Người không cứ tội ta mà
xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,10). Chúng ta thường cầu
nguyện: “Lại vì Chúa thì con thương yêu
người ta như mình con vậy”. Cũng thế, chúng ta hãy cầu nguyện: Lại vì Chúa,
thì con tha thứ cho người ta như chính Chúa đã tha thứ cho con vậy. Chỉ khi tha
thứ vì Chúa, chỉ khi đưa sự tha thứ vào thế giới của Thiên Chúa, chúng ta mới
có khả năng tha thứ thực sự. Bởi lẽ không phải chúng ta tha thứ bằng sức mạnh của
mình, nhưng tha thứ bằng chính sức mạnh khoan dung nhân hậu của Thiên Chúa. Tự
sức mình chúng ta không có khả năng tha thứ. Xin Chúa chữa lành cho tất cả
chúng ta.
Giữa
bao giải pháp cho việc hòa giải, hòa hợp dân tộc, Thông Điệp Fratelli Tutti dường như được viết riêng
cho đất nước chúng ta, chỉ dẫn các Kitô hữu chúng ta những bước đi chắc chắn
phù hợp với Tin Mừng. Chúng ta hãy tích cực góp phần mang lại sự chữa lành mà
dân tộc chúng ta đang cần đến, “đem yêu
thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh
chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” (Lời bài hát Kinh Hòa Bình). Ước gì
30.04 là ngày hội của hòa giải, ngày văn minh tình thương chan hòa trên giải đất
chữ S thân yêu này.