Photo by Антон Дмитриев on Unsplash
HOÀ BÌNH LÀ MỘT
CON ĐƯỜNG HẸP
La Civiltà Cattolica
Ngày 01.7.2022
WHĐ (30.9.2022) - Mỗi cuộc chiến
là một sự thất bại của hoà bình. Mỗi cuộc chiến đều là sự đau thương, thống khổ
và chết chóc. Trong đó, hoà bình là một hành trình gian nan của sự tái thiết.
Cuộc xâm lăng của Nga đối với Ukraina đã thức tỉnh sự u mê của các quốc gia
châu Âu trong việc quen thuộc với tư tưởng rằng chiến tranh là vấn đề của người
khác. Thực tế, toàn cầu đang khổ sở bởi nhiều cuộc xung đột, đa phần là ở châu
Phi và châu Á, thế nhưng hầu như tất cả các lục địa đều bị ảnh hưởng. Bản đồ thế
giới đang thể hiện tấn bi kịch “Chiến tranh thế giới thứ ba theo từng phần” mà
Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành nhiều lần đề cập đến.
Các cơ quan quốc tế nên hành động
để xoa dịu trạng thái căng thẳng và ngăn chặn các cuộc xung đột có vẻ không kiểm
soát được. Lúc họ bắt đầu phận vụ của mình, vào thời điểm kết thúc Thế Chiến II,
Maritain mong ước cho một sự thành lập về “một cộng đồng siêu quốc gia không đặt
nền móng trên các hiệp ước, hay quyền lực các quốc gia, nhưng dựa trên một thứ
hiến pháp của toàn thế giới.” Mặc dù những ý định này đã đạt được mục tiêu
không tưởng và tiến bộ trong 70 năm qua, tiếc là câu ngạn ngữ “tinh thần luôn tụt
phía sau các sự việc” vẫn còn đó. “Chúng ta chậm trễ một cách thảm thương, vì sự
mưu ích cho kinh tế, quân sự và bản sắc đã hoàn toàn lấn át những tư tưởng về một
nền hoà bình.”
Trận chiến ở Ukraina đã được đấu
tranh âm thầm trong nhiều năm tại vùng Donbass – các chuyên gia gọi đây là “cuộc
xung đột cường độ thấp” – cho đến khi bùng nổ thành chiến tranh toàn diện như
hiện tại. Sau ngày 24 tháng 02 năm 2022, một chiến lược đối thoại hữu hiệu đã
chạm đến lương tâm của người dân Italia, và rộng hơn nữa là dư luận công chúng
của các quốc gia châu Âu. Các chính quyền dân chủ và các tổ chức quốc tế nhanh
chóng thông qua đề nghị cô lập quốc gia gây chiến bằng một chính sách cấm vận
chưa từng có trong lịch sử.
Các quốc gia châu Âu – bắt đầu từ
những nước sát biên giới với Ukraina, đặc biệt là Ba Lan – đã mở cửa cho người
tị nạn của Ukraina, điều này chứng tỏ một thiện ý tuyệt vời để đáp lại tình trạng
khẩn cấp. Hơn nữa, các quốc gia thành viên NATO đang cùng nhau cam kết cung cấp
cho quốc gia bị tấn công những vũ khí và trang thiết bị cần thiết để họ tự
phòng vệ, các quốc gia này cũng tuyên bố rằng họ không muốn can thiệp trực tiếp
vào cuộc xung đột để tránh sự leo thang của thái độ thù địch, một điều có thể
trở nên không thể vãn hồi. Tuy nhiên, những tháng đầu của cuộc chiến và những sự
ảnh hưởng của chính sách cấm vận lên nước Nga đang bắt đầu tác động lên tất cả
mọi người: một ví dụ điển hình như dầu, khí đốt, lúa mì (những thứ mà các quốc
gia tham chiến sở hữu nguồn cung lớn) là các nguồn tài nguyên quý giá bị buộc
phải tăng giá một cách chóng mặt, đây là điều mà các gia đình đang trải qua khi
họ thanh toán các hoá đơn tiền gas, cùng chung một cảnh trạng như thế tại các
nước đang phát triển khi nguồn cung thóc lúa bắt đầu kiệt cạn. Vì thế, chúng ta
học được một điều rằng tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, dù chỉ
là gián tiếp.
Chúng ta đang đối đầu trực diện với
điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả trong thông điệp Fratelli Tutti:
“Mỗi cuộc chiến đều làm cho thế giới này trở
nên tồi tệ hơn trước. Chiến tranh là sự thảm bại của chính trị và của nhân loại,
một sự đầu hàng đáng xấu hổ, một thất bại nhức nhối trước các thế lực sự dữ.
Chúng ta đừng loanh quanh mãi trong vũng lầy của những cuộc hội thảo lý thuyết,
mà hãy chạm đến những thân thể đầy thương tích của các nạn nhân. Hãy một lần nữa
nhìn đến những người dân mà cái chết của họ bị coi là ‘thiệt hại ngoài dự
tính’. Chúng ta hãy hỏi chính những nạn nhân ấy. Hãy suy nghĩ về những người tị
nạn và những người bị trục xuất, họ đang gánh chịu những tác động của bức xạ
nguyên tử hoặc chiến tranh hoá học, những người mẹ mất con, và những trẻ trai,
trẻ gái bị thương tật hay bị cướp mất tuổi thơ. Hãy lắng nghe những câu chuyện
chân thật từ những nạn nhân của bạo lực, hãy nhìn ngắm thực tại bằng đôi mắt của
họ, và lắng nghe những câu chuyện họ kể bằng một trái tim rộng mở. Nhờ vậy,
chúng ta có thể thấu cảm được vực thẳm tội ác nơi tâm điểm của chiến tranh. Liệu
rằng những điều đó có khiến chúng ta bận tâm vì bị xem là ngây thơ khi chọn lấy
hoà bình” (Fratelli
Tutti, 261)
Chuẩn bị cho chiến tranh
Các xung đột không xuất hiện một
cách ngẫu nhiên mà bởi nhiều yếu tố đan xen và chồng chéo lên nhau, từ kinh tế
đến chính trị, từ văn hoá đến tôn giáo. Các chiến lược chính trị dựa trên việc
phòng vệ các biên giới, sự mở rộng các khu vực trong tầm ảnh hưởng, việc xác định
các khu vực trung lập và nhiên liệu cho các vùng “đệm” (vùng trung lập nằm giữa
hai cường quốc kình địch nhau) và biện hộ cho các khoản đầu tư vào ngành công
nghiệp chiến tranh, vốn biết không hề có khủng hoảng trong lợi ích của nó. Báo
cáo thường niên năm 2021, được thực hiện bởi SIPRI (Viện nghiên cứu hoà bình quốc
tế Stockholm), liệt kê mười quốc gia đứng đầu trong việc đầu tư vào vũ trang
quân đội. Trong danh sách này, chúng ta có thể thấy đứng đầu là Hoa Kỳ (778 tỷ
đô la), thứ hai là Trung Quốc (252 tỷ đô la), thứ ba là Ấn Độ, và thứ tư là Nga
(61,7 tỷ đô la), tiếp theo là Vương quốc Anh (59,2 tỷ đô la), Đức (52,8 tỷ đô
la) và Pháp (52,7 tỷ đô la). Những con số đáng kinh ngạc này mang lại cho chúng
ta những suy nghĩ về phạm vi của cam kết kinh tế và gợi lên một cuộc chạy đua
giữa các quốc gia! Quy mô của việc đầu tư vũ trang quân đội gửi cho chúng ta những
tín hiệu về việc những cường quốc lớn nhất đang đấu tranh để duy trì vị thế của
họ trên bàn cờ thế giới. Một thông tin sâu xa hơn từ bản báo cáo cho biết rằng
đâu là kẻ dẫn đầu trong việc xuất khẩu vũ khí trên thế giới. Mười quốc gia xuất
khẩu hàng đầu từ năm 2016 đến năm 2020 nằm trong khoảng 37% thị phần do Hoa Kỳ
nắm giữ, theo sau là Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha,
Israel và Hàn Quốc cho đến 2,2% của Italia.
Việc diễn giải các dữ liệu trên
có thể ít nhất đặt ra một vài câu hỏi liên quan đến việc đưa ra quyết định
trong việc bắt đầu sự đầu tư thường xuyên vào lực lượng vũ trang của Liên minh
châu Âu. Liệu sự lựa chọn này có góp phần cho việc nuôi dưỡng nhận thức về tình
trạng bị “vây hãm” như tuyên bố của Putin, hay sẽ giúp ích cho việc giảm bớt những
hành vi tàn ác của ông ta?
Những mưu ích về kinh tế, chính
trị, chiến lược và văn hoá đằng sau cuộc chiến này là điều không thể che giấu.
Ukraina là một trong những vựa lúa gạo chính của thế giới, là một nước sản xuất
và là một điểm quá cảnh của biết bao nguyên liệu thô. Ngoài ra, nó còn nằm
trong một vị thế chiến lược giữa phía Đông và phía Tây. Ukraina có thể là một cầu
nối giữa hai nền văn hoá và thay vào đó nó dường như được xem như đường biên
không thể băng qua hoặc điểm tiền đồn không thể bị mất bởi các bên liên quan trực
tiếp và gián tiếp.
Hoà bình: một khía cạnh về căn tính của chúng ta
Chiến tranh tại Ukraina thúc đẩy
người dân Italia nói riêng và người dân châu Âu nói chung phải nhìn vào thực tại
khắc nhiệt. Nó yêu cầu họ phải mở một con đường hẹp trong việc bắt đầu thiết lập
những chiến lược chính trị và kinh tế mới. Châu Âu và Italia được kêu mời tra vấn
lại căn tính riêng của mình, vốn bắt nguồn sau nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Chính xác vì lý do này, những sự lựa chọn được đưa ra tại thời điểm chúng xuất
hiện từ chiến tranh có ý định đánh dấu một căn tính mạnh mẽ trực tiếp hướng tới
việc bảo vệ và thúc đẩy hoà bình.
Đối với Italia, việc bao gồm khoản
11 trong hiến pháp 1948 là một sự lựa chọn mang tính quyết định. Nó đã và vẫn
đang quy định tầm nhìn văn hoá của đất nước này: “Italia nhất định khước từ chiến
tranh như là một công cụ phương hại đến sự tự do của những dân tộc khác và như
một phương tiện cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế; dựa trên những điều
kiện bình đẳng với các quốc gia khác; Italia sẽ chấp nhận những hạn định về chủ
quyền như là điều cần thiết để tính đến một hệ thống hợp pháp mà sẽ đảm bảo hoà
bình và công lý giữa các quốc gia; Italia cam kết khuyến khích và ửng hộ các tổ
chức quốc tế có cùng mục đích như vậy.”
Điều khoản trên thể hiện thiện ý
về việc thống nhất để thiết lập một chính sách liên quan đến các mối quan hệ quốc
tế mà không mang tính gây hấn, nhưng dựa trên sự hợp tác và tôn trọng những thực
tại khác biệt của các quốc gia. Đó là lời giải của một bài toán học búa, đã phải
trả giá bằng xương máu và sự thất bại trong Thế chiến II. Khoản 11 trên đánh dấu
một khúc quanh, sau nhiều thập kỷ, những ý thức hệ của một đế quốc chủ nghĩa và
thực dân đã được tu dưỡng: Italia hiện nay đang cam kết bảo vệ hoà bình.
Việc xây dựng hoà bình cũng là
nhân tố tác sinh của Liên mình châu Âu, như Robert Schuman đã nhấn mạnh khi ông
phát biểu đề xuất sáng lập Cộng đồng than thép châu Âu: “Sự hợp nhất trong việc
sản xuất than đá và thép nên chuẩn bị ngay cho việc thiết lập những nền tảng
chung trong sự phát triển kinh tế như là bước đi đầu tiên trong khối liên minh
châu Âu, và sẽ thay đổi vận mạng của những khu vực hăng hái trong việc sản xuất
đạn dược cho chiến tranh, và của những nơi đang là nạn nhân triền miên trong
chiến tranh. […] Việc sản xuất này sẽ được cung cấp cho toàn thế giới mà không
hề có sự phân biệt hay loại trừ nào, với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống và thúc đẩy các thành tựu hoà bình.
Chữa lành các viết thương của xung đột
Những hành động được thực hiện
không có cùng giá trị như nhau: dù là việc trợ giúp nhu yếu phẩm hay cung cấp
vũ khí cho một quốc gia bị tất công, dù là việc đánh vào tài sản của giai cấp
thượng lưu (nhà lãnh đạo quốc gia) ở quốc gia gây hấn hay thiết định một lệnh cấp
vận gây ảnh hưởng đến toàn bộ dân cư, tất cả đều có những tác động và hiệu lực
khác nhau. Chúng ta nên tự hỏi chính mình điều gì trong số đó sẽ mở ra cánh cửa
hướng đến việc đối thoại. Trong suốt chặng Đàng Thánh Giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh,
lời phê bình của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự hiện diện âm thầm của hai người
phụ nữ, một người Ukraina và một người Nga, đã cho thấy rằng cần phải làm chủ
xúc cảm mạnh mẽ của cơn giận nếu người ta muốn bước đi trên con đường hoà bình.
Không có con đường đơn lẻ để
thoát khỏi một cuộc xung đột. Những con đường ngoại giao đối mặt với những sự lựa
chọn khả thể, và không nên loại trừ một sự lựa chọn nào trong đó. Johan
Galtung, nhà sáng lập Viện nghiện cứu hoà bình Oslo, phát triển một mô hình giải
quyết xung đột. Những giải pháp khả thể di chuyển theo một trục từ cực được cấu
tạo bởi nhị thức “thành-bại” đến cực bắt đầu một cuộc đối thoại. Những giải
pháp gần với cực đầu tiên áp dụng “chiến lược đấu tranh”, vốn dựa trên lý lẽ về
quyền tối cao của một bên đối với bên còn lại và sẽ dẫn tới cuộc bạo lực mới và
những hiểu lầm liên tiếp. Ở phía giữa, có một “chiến lược hoà hoãn”, ở đây yêu
cầu cuộc đàm phán giữa các bên. Giải pháp hoà hoãn này có thể chấm dứt bạo lực
miễn là các bên đàm phán không tìm ra điểm bất ưng nào trong cuộc gặp gỡ. “Chiến
lược đối thoại” được biểu thị ở cực thứ hai, vốn cung cấp những cơ hội để hoàn
toàn vượt qua xung đột. Cuộc đối thoại diễn ra trong tiến trình sáng tạo tìm kiếm
những chân trời mới, có khả năng tìm kiếm những con đường thay thế, và trong việc
thừa nhận rằng rất xứng đáng dành sự tôn trọng cho những người bất đồng quan điểm
với mình, vốn bao gồm những nhu cầu thiết yếu. Theo Galtung, những nỗ lực vượt
qua xung đột nên từ bỏ điểm cực đầu tiên để đảm bảo một con đường mà ông gọi là
“đường chéo hoà bình”, đường bắt đầu từ chiến lược hoà hoãn và đi đến một cuộc
đối thoại.
Bốn cột trụ của hoà bình
Với bối cảnh khủng hoảng của Cuba
trong thời gian Chiến tranh lạnh, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã cho ban hành
thông điệp Hòa
bình trên thế giới - Pacem in Terris. Trong đó, ngài đề xuất
bốn cột trụ tương đương với bốn sự ưu tiên cho việc xây dựng hoà bình.
Điều đầu tiên là sự thật, vốn yêu cầu sự tôn trọng dành
cho nhân phẩm mỗi người và kêu gọi loại bỏ tất cả các chủ nghĩa phân biệt chủng
tộc. Vị giáo hoàng nhân ái khẳng định, những sự khác biệt nên dưỡng nuôi một cảm
thức trổi vượt: “có nhiều quốc gia tiến bộ hơn những quốc gia khác trên các
lãnh vực khoa học, văn hóa, và việc phát triển kinh tế. Thế nhưng, ưu thế đó chẳng
những không cho phép họ thống trị cách bất công những dân tộc ít được may mắn,
mà còn bắt buộc các dân trên đóng góp rộng rãi hơn vào việc mưu ích hạnh phúc
cho nhau.” (số 49)
Khía cạnh thứ hai là công bình, điều nối kết sự công nhận
các quyền lợi với việc chu toàn các nghĩa vụ. “Các quốc gia có quyền tồn tại, tự
phát triển và dùng mọi phương tiện cần thiết để phát triển. Họ có quyền đóng
vai trò dẫn dắt trong tiến trình phát triển của riêng họ, và có quyền bảo vệ
thanh danh và vinh dự xứng đáng của mình. Cũng vậy, các quốc gia cũng phải có bổn phận phải tôn trọng các quyền
lợi kể trên, và tránh mọi hành động có thể phương hại đến chúng” (số 51).
Nguyên tắc công bình đòi hỏi những sự bất đồng cần được giải quyết thông qua “sự
thấu hiểu lẫn nhau”.
Kế đến là thực thi tình liên đới để hỗ trợ cho hai nguyên tắc với sự hợp tác
để mang đến những thiện ích chung. “Như vậy, trong khi theo đuổi những quyền lợi
của mình, các cộng đồng dân sự chẳng những tránh gây thiệt hại cho nhau, nhưng
còn phải chung góp các dự án và tài nguyên của mình để đạt tới các mục tiêu mà họ
không thể đạt tới được nếu hoạt động riêng lẻ một mình. Tuy nhiên, trong trường
hợp này, trên hết phải tránh những kế hoạch mưu lợi cho một nhóm cộng đồng
chính trị và đừng làm hại cho những cộng đồng khác mà trái lại phải mang đến
cho họ những lợi ích tích cực” (số 54). Theo Đức Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII,
với tình liên đới, chúng ta có thể duy trì sự cần bằng giữa dân số, đất đai và
kinh tế, giải quyết vấn đề tỵ nạn, cũng như có thể mở ra con đường giải trừ
quân bị, liên quan đến cả bộ máy chiến tranh và những điểm mấu chốt.
Cột trụ thứ tư là tự do, điều nhắc nhở mỗi cộng động
chính trị về trách nhiệm trao lại quyền tự chủ chính đáng cho người khác và trở
thành kiến trúc sư đầu tiên trong việc phát triển của chính mình: “Mối liên lạc
giữa các cộng đồng chính trị phải được điều hòa trong nguyên tắc tự do. Nghĩa
là không một cộng đồng nào có quyền thực hiện hành động áp chế hay xen vào nội
bộ một cộng đồng khác cách không chính đáng. Trái lại, mọi cộng đồng phải cộng
tác để làm cho trong mỗi cộng đồng được gia tăng tinh thần trách nhiệm, tinh thần
sáng tạo, dấn thân và quyết tâm khởi xướng các sáng kiến cho sự thăng tiến của
mình trên mọi lãnh vực” (số 64).
Các giải pháp cho mỗi cuộc xung đột
yêu cầu một tinh thần thiện ý để mở ra và chọn lựa “đường chéo của hoà bình” –
theo cách gọi của Galtung. Thế nhưng, điều đó vẫn chưa đủ nếu chúng vẫn còn duy
trì các chiến lược dựa trên sự đối lập. Duy chỉ bằng con đường hẹp dựa trên bốn
cột trụ mà Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã chỉ ra, chúng ta mới có thể xây dựng
những nền văn hoá và chính sách phục vụ cho hoà bình.