Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa

18/10/2020


Chúa nhật thứ 29, Năm A, 18 tháng 10 năm 2020
Isaia 45: 1, 4-6 ; Thánh vịnh 96: 1, 3, 4-5, 7-8,
1 Thessalônica 1: 1-5; Tin mừng: Mátthêu 22: 15-21 

“Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập

WHĐ (18.10.2020) – Xung đột giữa tôn giáo và nhà nước thế tục không phải là chuyện mới. Câu chuyện về phương Tây Kitô giáo phần lớn là lịch sử của cuộc xung đột kiểu này. Trong vài thế kỷ đầu tiên tồn tại, Kitô giáo bị nhà nước đàn áp dữ dội, để lại dấu vết đẫm máu của các vị tử đạo. Tất cả điều đó đã thay đổi với sự theo đạo của hoàng đế Constantinô. Chẳng bao lâu sau Thiên chúa giáo trở thành quốc giáo. Bây giờ chiếc ủng đã ở bên chân kia. Đỉnh cao của quyền lực tôn giáo đã diễn ra tại Canossa vào giữa thời Trung cổ khi một hoàng đế bị vạ tuyệt thông phải quỳ trong tuyết và khiêm tốn phục tùng giáo hoàng để lấy lại vương miện của mình. Trong cuộc thi đấu giữa Xêda và Thiên Chúa, vòng thi đấu dứt khoát đã nghiêng về Thiên Chúa. Trong suốt thời Trung cổ, Giáo Hội đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình sang lĩnh vực thế tục. Vào thế kỷ XVI, tiến trình bắt đầu đảo ngược với sự suy sụp của Kitô giáo. Cách mạng Pháp đánh dấu một bước ngoặt quyết định có lợi cho nhà nước. Napoléon đã đưa ra quan điểm đáng kể, khi ông lấy chiếc vương miện hoàng gia từ tay Giáo hoàng và tự đội nó lên đầu mình. Kể từ đó nhà nước lấy lại đất từng được Giáo Hội tuyên bố là của mình. Và Giáo Hội đã từ bỏ ảnh hưởng trước kia của mình một cách miễn cưỡng. Chiếc ủng đã đổi chân một lần nữa.

Câu nói nổi tiếng của Chúa Giêsu “Hãy trả cho Xêda những điều thuộc về Xêda và cho Thiên Chúa những điều thuộc về Thiên Chúa” có một tính thời sự đặc biệt trong thế giới của chúng ta. Trong khi nguyên tắc đó rõ ràng và không có gì là hàm hồ, việc áp dụng nó trong các trường hợp cụ thể lại là một vấn đề khác. Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo chỉ ra ba trường hợp mà công dân, theo lương tâm, có nghĩa vụ từ chối không tuân theo chính quyền dân sự. Đó là khi các luật lệ "trái với trật tự đạo đức, trái với các quyền cơ bản của con người, và trái những lời dạy của Tin mừng”. Sách Giáo lý Công giáo số 1902 viết: “Về mặt luân lý, không phải người cầm quyền làm gì cũng hợp pháp. Họ không được xử sự cách chuyên chế, nhưng phải hành động cho công ích vì quyền bính là một sức mạnh tinh thần đặt nền tảng trên tự do và ý thức trách nhiệm" (GS 74,2): "Luật pháp của loài người chỉ là luật khi phù hợp với lẽ phải; có hiệu lực là nhờ "luật vĩnh cữu"; khi xa lìa lẽ phải, nó không còn là luật nữa, nhưng là một sự bất công, thậm chí chỉ là một hình thức bạo lực” (T.Tôma Aquinô, Tổng Luận Thần Học 1-2,93,3.2 ), số 1903 viết: “Quyền bính chỉ được hành xử hợp pháp khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích ấy bằng các phương thế mà luân lý cho phép. Nếu các nhà lãnh đạo đưa ra những luật bất công hay sử dụng những biện pháp trái luân lý, lương tâm không buộc phải tuân theo. Trong trường hợp này, quyền bính không còn là quyền bính nữa mà thoái hóa thành áp bức” (PT 51 ). Và trong chương nói về Công ích từ số 1905 đến số 1927, nguyên tắc là rõ ràng. Tuy nhiên, ứng dụng của nó có thể không đơn giản như vậy khi có sự xung đột rõ ràng về quyền lợi.

Sự phức tạp của những vấn đề này có thể khiến chúng trở thành những chủ đề không phù hợp với bục giảng. Điều mà các nhà giảng thuyết có thể và phải làm, là khuyên các tín hữu về nghĩa vụ cư xử của Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh. Cho dù họ có niềm tin sâu sắc đến đâu hay cho dù họ tán thành với nguyên tắc này của mình nồng nhiệt đến đâu, họ không bao giờ được dùng đến bạo lực. Và điều đó bao gồm cả việc không được dùng đến sự đe dọa dưới mọi hình thức. Các cuộc thập tự chinh mang tính cơ bắp, dù là thời hiện đại hay thời trung cổ, đều gây ra những tác hại không thể sửa chữa được. Mục đích không bao giờ biện minh cho phương tiện. Chúng ta đang sống trong một thế giới đa nguyên. Có những người khác mà các nguyên tắc và niềm tin của họ hoàn toàn khác với nguyên tắc và niềm tin của chúng ta. Nhà nước cũng phải có nhận thức về những nguyên tắc và niềm tin này. Phương pháp duy nhất của chúng ta là đối thoại thuyết phục. Đối thoại thuyết phục luôn là một nghệ thuật nhẹ nhàng. Tốt nhất chúng ta nên thuyết phục bằng cách sống trọn vẹn đời sống Kitô giáo của mình, luôn nhớ rằng “sự giận dữ của con người không làm ra công lý của Thiên Chúa” (Liam Swords).

Những tuyên bố khác nhau về Thiên Chúa và nhà nước được để lại cho mỗi cá nhân quyết định bằng lương tâm sáng suốt của mình, như chúng vẫn là như thế đến tận ngày nay. Nhưng vẫn còn đó lời cảnh báo của Chúa Giêsu, trong Bài giảng trên núi, rằng “Không ai có thể phục vụ hai chủ; người ta không thể làm nô lệ của cả Thiên Chúa và của cải” (Mátthêu 6,24). Sự giàu có trong thời kỳ đầu Cựu ước được xem là do Thiên Chúa tạo ra, và ban cho các tộc trưởng, vua và các nhà lãnh đạo có vai trò trách nhiệm đặc biệt. Sau đó, sự giàu có không còn được coi là món quà của Thiên Chúa nữa.

“Khốn cho những kẻ đầu cơ nhà liền nhà, ruộng nối ruộng từng thôi cho kỳ hết chỗ, để mình độc quyền cư trú trên toàn nội địa” Isaia cảnh cáo (Isaia 5: 8), và chính Chúa Giêsu đã nói: “Khốn cho các ngươi, những kẻ giàu có! Vì các ngươi hiện đã có phần an ủi” (Luca 6:24). Thế giới và tất cả các nguồn lực của nó được tạo ra bởi Thiên Chúa vì lợi ích của tất cả loài người, không có ngoại lệ và điều này thường phải đạt được cùng với quyền đối với tài sản tư nhân, cho dù doanh nghiệp cá nhân được thừa kế hay mua lại. Nhiệm vụ của chính phủ là tìm kiếm sự cân bằng giữa các chính sách sẽ giúp ích cho lợi ích chung của mọi công dân. Và thuế vẫn là một trong những phương tiện phổ biến nhất để đạt được điều này.

Đồng tiền Xêda và người nộp thuế tuân thủ lề luật.

Trước khi được Chúa Giêsu Kitô kêu gọi trở thành một trong mười hai Sứ đồ của Ngài, Thánh Mátthêu là một người thu thuế làm việc tại một “cơ quan hải quan”, một nơi nào đó ở phía bắc Galilê. Vì nghề này đòi hỏi ông phải có khả năng đọc, viết và đặc biệt là ghi chép, nên ông sẽ sử dụng tốt những kỹ năng này để viết tường thuật Tin mừng của mình về sứ vụ của Chúa Giêsu. Phong cách văn chương của ông, với tư cách là một tác giả Tin Mừng, có thể không tự nhiên bằng văn phong của Thánh Luca, nhưng chắc chắn rằng đoạn trích Tin mừng hôm nay là thực sự ấn tượng. 

Câu hỏi đặt ra cho Chúa Giêsu, về việc liệu người Do Thái có được phép cống nạp cho Xêda hay không, cho thấy một cái nhìn rõ ràng về tâm trí và chiến lược của những người Pharisiêu. Họ đang cố gắng đưa Chúa Giêsu vào một cái bẫy chính trị có thể khiến Ngài phải đối đầu với các nhà cầm quyền La Mã, những người cai trị Ítraen vào thời điểm đó, hoặc, nếu Ngài thất bại, sẽ làm mất uy tín của Ngài trước người dân của mình. Để tránh làm nảy sinh nghi ngờ về ý định của mình, họ quyết định bản thân mình không can dự vào. Thay vào đó, họ đã gửi một số môn đồ của họ đến với Chúa Kitô. Rất có thể những người lãnh đạo Pharisiêu đứng ở hậu trường vì họ muốn những người theo Hêrôđê, là người được Rôma bổ nhiệm làm một trong tứ đầu chế xứ Galilê, cùng tham gia vào âm mưu chống lại Chúa Giêsu, mặc dù những người theo phái Hêrôđê công khai chủ trương hợp tác với người La Mã, thường là kẻ thù cay đắng nhất của nhóm người Pharisiêu.

Nhóm người này đến gặp Chúa Giêsu và có những lời khen ngợi Chúa Giêsu, nhưng đầy ẩn ý chế nhạo, họ đề cập đến sự trung thực của Ngài, sự không sợ hãi của Ngài, sự coi thường địa vị của những người mà ngài gặp phải, tất cả những lời tâng bốc này đến từ những người thường thù địch với Ngài chỉ làm nổi bật sự giả dối trong lời khen của họ. Sau đó, cái bẫy được giăng ra: “Vậy xin nói cho chúng tôi hay: Thầy nghĩ thế nào? Ðược phép nộp thuế cho hoàng đế hay không?”

Padraig McCarthy ghi chú: Đồng xu có hình ảnh của Tiberius Caesar có dòng chữ: “Augustus Ti (berius) Caesar Divi Aug (usti) F (ilius)” có nghĩa là Tiberius Caesar, Con trai Thần thánh Oai nghiêm! Ở mặt bên kia có dòng chữ “Pontif (ex) Maxim (us)” có nghĩa là  “Giáo Chủ Tối Cao”!

Như thế Xêda tự coi mình, và buộc thần dân coi mình, là Thần thánh, Giáo Chủ Tối Cao mà mọi người phải thần phục, tôn thờ. Đây là điều hoàn toàn trái ngược với niềm tin của người Do thái. Trọng tâm của giao ước, lời hứa cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho dân Ítraen, là “Ta sẽ kết với chúng Giao ước bình an. Ðó là Giao ước đời đời với chúng. Ta sẽ thiết lập chúng. Ta sẽ cho chúng nên đông đảo. Ta sẽ đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến đời đời. Nhà tạm của Ta sẽ ở nơi chúng. Và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng. Còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta. Và các dân tộc sẽ biết Ta là Yavê Ðấng tác thánh Israel, một khi thánh điện của Ta sẽ ở giữa chúng cho đến đời đời” (Êdêkien 37: 26-27) một sự hiệp nhất quý giá của Thiên Chúa với dân Ngài, “Ta sẽ lấy các ngươi làm một dân thờ Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ biết Ta là Yavê, Thiên Chúa của các ngươi, Ðấng đem các ngươi ra từ dưới ách khổ dịch của Aicập” (Xuất hành 6: 7).

Nếu Chúa Giêsu trả lời: “Hãy nộp thuế”, thì Ngài sẽ bị buộc tội cộng tác với những tên La Mã đàn áp, và sẽ phải gánh chịu sự khinh miệt của những người Do Thái bình thường, mỗi người phải nộp thuế thân, từ mười hai tuổi đối với phụ nữ và mười bốn tuổi dành cho đàn ông, mà thậm chí Ngài còn phạm tội “thờ ngẫu tượng” vì đồng tiền mang danh hiệu và hình ảnh Xêda.  Còn nếu Ngài chủ trương không nộp thuế, Ngài có thể bị chính quyền La Mã bắt giữ vì tội xúi giục nổi loạn, chống nhà nước. Tuy nhiên, câu trả lời của Chúa Giêsu, “Hãy trả cho Xêda những thứ thuộc về Xêda, và cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa” khiến họ bực tức và len lén bỏ đi.

Chúa Giêsu đã đảo ngược cái bẫy và bắt các đối thủ của Ngài vào bẫy. Chúa Giêsu không có đồng tiền La mã nào với Ngài. Ngài không mang bất kỳ đồng xu nào có hình chạm khắc, vì làm như thế là trái với luật Do Thái, “Anh em đã không thấy hình bóng nào, ngày Đức Chúa phán với anh em tại núi Khorép từ trong đám lửa, vì thế đừng có ra hư hỏng mà làm cho mình một tượng mang hình ảnh bất cứ cái gì...” (Đệ nhị luật 4,15-16). Mátthêu, Máccô và Luca xác định cuộc gặp gỡ này xảy ra trong Đền thờ, nơi tuyệt đối cấm các hình ảnh chạm khắc. Thay vào đó, Chúa Giêsu yêu cầu những người hỏi Ngài đưa ra đồng tiền được sử dụng cho “thuế thân”. Từ đồ đạc của họ, họ rút ra đồng xu La Mã. Vì vậy, họ đang mang theo một đồng xu có hình ảnh chạm khắc và đó là một đồng xu của những kẻ áp bức họ. Chính họ đã làm điều trái lề luật. Chúa Giêsu hỏi hình ảnh của ai trên đồng tiền. Rõ ràng là hình ảnh của Xêda trên đồng tiền La Mã. Chúa Giêsu bảo họ trả lại cho Xêda những gì thuộc về Xêda. Ngài không chỉ bảo họ phải nộp thuế hợp pháp cho chính phủ, mà Ngài còn bảo cho họ biết Ngài không liên quan đến bất cứ thứ gì thuộc về Xêda. Điểm cuối cùng mà Chúa Giêsu đưa ra là sự kiên quyết của Ngài phải dâng cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là tất cả!

Khi suy niệm về các bài đọc hôm nay, chúng ta được nhắc nhở phải dâng cho Thiên Chúa mọi thứ thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo ra mọi thứ và kiểm soát mọi thứ. Ngay cả những người cai trị dân sự cũng có thể là công cụ trong tay của Thiên Chúa, giống như Kyrô, trong bài đọc thứ nhất từ sách Isaia, là người được xức dầu riêng của Thiên Chúa (christos), “Này đây lời Yavê phán với kẻ Người đã xức dầu, với Kyrô, kẻ Ta đã cầm tay phải, để bắt các dân suy phục nó, và tước giáp bên hông các vua chúa, để mở cho nó cả hai cánh cửa, khiến không cổng nào còn đóng kín” (Isaia 45, 1). Những nhà lãnh đạo ngoại giáo cũng thuộc về Thiên Chúa và Thiên Chúa có thể sử dụng họ để mang lại sự thiện hảo cho dân Chúa chọn. Thiên Chúa không gây ra điều ác, tuy nhiên, Thiên Chúa có thể làm cho những điều tốt lành xảy ra ngay cả trong thời điểm tồi tệ. Sự đáp trả của chúng ta là ca ngợi Thiên Chúa và dâng lại cho Thiên Chúa tất cả vinh quang vì những vinh quang đó là do Đấng Tạo Hóa, Đấng Cứu Độ và Đấng Nhân Lành của chúng ta. Thiên Chúa phải được tôn thờ trên hết. Ngay cả những của lễ của ta dâng cho Thiên Chúa, tự cội rễ, cũng đến từ bàn tay của Thiên Chúa.

Chúng ta được nhắc nhở về ba điều cuối cùng trong bài đọc thứ hai trích thư Thánh Phaolô: đức tin, hy vọng và tình yêu, “nhớ lại sự nghiệp của lòng tin, công lao của lòng mến, sự kiên nhẫn cậy trông của anh em trong Chúa” (1 Thessalônica 3). Ba điều này là sự đáp trả của chúng ta trước sự nhân từ của Thiên Chúa, nhưng chúng cũng bắt nguồn từ Thiên Chúa. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta niềm tin, khả năng tin tưởng. Niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa chỉ là sự cảm kích của ta khi được trao cơ hội để tin tưởng. Thiên Chúa đã ban cho ta một lý do để hy vọng, đặc biệt là do sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Hy vọng của ta cũng là một minh chứng cho việc ta chấp nhận điều mà Thiên Chúa hứa ban cho ta. Và tình yêu của ta không bắt nguồn từ ta. Ta không bao giờ có thể yêu, trừ khi ta được yêu trước. Vì vậy, một lần nữa, tình yêu của ta đối với Thiên Chúa là kết quả của việc chúng ta được Thiên Chúa yêu thương.

Vậy thì chúng ta phải có niềm tin vào Thiên Chúa, phải đặt hy vọng của mình vào Thiên Chúa, phải yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa và sẵn sàng quy phục tất cả về cho Thiên Chúa vì tất cả những gì ta có là ân huệ của Thiên Chúa trao ban cho ta. 

Xin cho con luôn quy phục về Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa - tất cả mọi thứ, (ngay cả tội lỗi của con, dù tội lỗi của con không hề thuộc về Chúa, chúng thuộc về con, nhưng con thuộc về Chúa, con dâng chúng cho Chúa để được Chúa tha thứ!) Xin cho con biết ngợi ca Thiên Chúa trong mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của con.

Chúng con không phải là những đồng tiền vật chất chạm khắc hình ảnh người phàm. Chúng con là hình ảnh không do con người chạm khắc mà là những con người, nam và  nữ, được tạo ra theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Chúng con thuộc về Chúa, “Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa”.

Nguồn:

1. https://www.associationofcatholicpriests.ie/2020/10/18-october-2020-29th-sunday-year-a/

2. https://reflectionsbybob.weebly.com/oct-18-2020---29th-sunday-in-ord-time.html

LỊCH PHỤNG VỤ