Dẫn nhập
Ngày 09 tháng 05 năm 2024, dịp lễ Chúa Thăng Thiên, Đức thánh cha Phanxicô đã cho công bố Tông sắc Spes Non Confundit (Niềm hy vọng không làm thất vọng) để khai mở Năm Thánh thường lệ theo chu kỳ 25 năm một lần. Qua Tông sắc này, Vị chủ chăn của Hội Thánh Công Giáo mời gọi các tín hữu cùng nhau cất bước hành trình, đi tìm gặp Thiên Chúa, bằng những cuộc hành hương. Đức thánh cha Phanxicô quả quyết: “Hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống”.[1] Chính qua hành trình này những người hành hương sẽ có được “một trải nghiệm sâu sắc về ân sủng và hy vọng cho toàn thể Giáo hội và cho mỗi người tín hữu”.[2]
Thế nhưng, người Kitô hữu sống và thực hành Năm Thánh với việc hành hương thế nào? Làm sao để đạt được hiệu quả ân sủng dồi dào trong Năm Thánh, cũng như trong suốt hành trình đời sống Kitô hữu của mình? Chúng tôi xin lần lượt trình bày đôi nét về ý niệm và lịch sử của việc hành hương; Đích điểm mà những người hành hương đạt đến; Theo đó, cầu nguyện là trung tâm của việc hành hương, đặc biệt với Thánh lễ, đỉnh điểm của những cuộc hành hương Kitô giáo; Để khi kết thúc cuộc hành trình này, người hành hương lại bước tiếp cuộc hành trình mới, trở nên “Những người đi gieo niềm hy vọng” cho thế giới và cho nhân loại.
Qua Năm Thánh hy vọng của toàn thể Hội Thánh Công giáo và trong năm mục vụ “Truyền giáo” được định hướng bởi Hội đồng Giám mục Việt Nam, với lời chỉ dẫn của Đức thánh cha Phanxicô: “Hành hương là yếu tố cơ bản” để qua đó, qua việc hành hương, người Kitô hữu được gặp gỡ Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và cũng lên đường truyền giáo, loan báo, làm chứng cho Tin mừng tình yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Do đó, Hành hương-Cầu nguyện-Truyền giáo là hành trình không thể tách rời trong Năm Hy Vọng 2025 này.
I. TỔNG QUAN VỀ HÀNH HƯƠNG
Chúng ta cùng tìm hiểu ý niệm và việc hành hương trong đời sống nhân loại nói chung, nơi các tôn giáo cổ thời, qua Cựu Ước, đặc biệt với Tân Ước và đặc biệt trong Kitô giáo.
1. Nơi các tôn giáo cổ
Trong các tôn giáo cổ thời, hành hương là một tập quán mang chiều kích tôn giáo đã được thực hiện từ rất xa xưa và mang nhiều ý nghĩa khác nhau.
Với Phật giáo, hành hương là nghi thức thắp hương, theo đó các tín đồ “đi nhiễu” xung quanh điện Phật, xung quanh tháp Phật, hay việc thắp hương để lễ bái trước bàn thờ Phật… Theo Hán Nôm, khái niệm hành hương này đã có từ xa xưa, thành ngữ “Nhiễu Phật” hay nhiễu tháp “繞塔”, là việc đi vòng quanh tháp Phật theo hướng từ bên phải để tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ.
Trong Từ điển tiếng Việt, hành hương được hiểu là chuyến đi của các tín đồ tôn giáo đến những nơi linh thiêng với hy vọng sẽ được xá tội, hay được hưởng ân huệ, hoặc được siêu thoát. Hành hương là một hoạt động tâm linh của những người sùng đạo, họ đi đến những nơi xa xôi được gọi là linh thiêng, để cầu nguyện hay cúng bái. Nói các khác, hành hương là một cuộc lữ hành của tín đồ các tôn giáo.
Với Kitô giáo, trong La ngữ có hạn từ “peregrinum” - hành hương, theo nghĩa là việc đi lang thang ở một nơi xa xăm. Tuy nhiên, cuộc lang thang này không phải là vô định, không điểm đến, không có mục đích. Thật ra cuộc hành trình này nhằm tôn vinh Thiên Chúa và hướng đến cùng đích cuộc đời mình là “Đất Hứa” đích thực. Từ ngữ này được tìm thấy từ rất xa xưa trong các tác phẩm của Thánh Augustinô, với bản văn “Peregrinatio”. Vị Thánh Giáo phụ mô tả hành trình thiêng liêng trong đời sống Kitô giáo như một cuộc lữ hành tự nguyện, qua đó Kitô hữu tìm kiếm và khám phá mầu nhiệm tình yêu cứu độ và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Nói cách khác, hành hương là một hành trình gặp gỡ Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện, bằng việc sống kết hợp mật thiết với Ngài.
Cũng theo La ngữ cổ, hạn từ “pelegrīnus” = “người khách lạ”, “người lữ hành”. Hạn từ này được ghép bởi hai thành tố: “per” = “ngang qua”, và “ager” = “cánh đồng”. Điều đó bao hàm việc người hành hương phải trải qua nhiều thách đố cùng với niềm hy vọng; Thách đố vì trong cuộc hành trình ấy đòi hỏi phải dấn thân, phải can đảm vượt qua những khó khăn cả về thể chất lẫn tinh thần; Nhưng hy vọng vì đích đến là nơi người hành hương có thể gặp gỡ Thiên Chúa và tha nhân.
2. Trong thời Cựu Ước
Trải qua dòng lịch sử, khi vừa xuất hiện trên mặt đất này, con người luôn bước đi trong một cuộc hành trình để tìm kiếm những mục tiêu mới, tìm khám phá những chân trời mới để hướng tới vô hạn. Trong dòng thời gian, cuộc sống con người được đánh dấu bằng những ngày tháng mang giá trị thiêng liêng. Nhất là con người quan niệm, sự ra đời của mình là “đường vào” thế giới và cái chết là “lối ra” để vào một vùng đất, vào cõi thánh thiêng.
2.1 Cuộc hành hương của Nguyên tổ
Qua Kinh Thánh, cuộc hành hương đầu tiên của nhân loại phải được kể là cuộc hành trình của Ađam, khởi đi từ bàn tay quyền năng của Thiên Chúa, trước hết, con người bước vào thế giới sáng tạo. Nhưng tiếp theo đó là cuộc hành trình lang thang như không có mục đích khi ông bà Nguyên Tổ phạm tội và bước ra khỏi vườn Địa đàng.[3] Thoáng nhìn, cuộc hành hương của Ađam như một hành trình bị chệch hướng khỏi con đường hướng tới mục tiêu là nơi thánh, vườn Địa đàng, nhưng con đường ấy cũng là hành trình hoán cải và trở về. Cuộc hành hương của Ađam khởi đi từ lời mời gọi bước đi với Thiên Chúa - rồi sự bất tuân phục - cho đến niềm hy vọng được cứu rỗi. Qua đó, Thiên Chúa vẫn tín trung trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài, nơi câu chuyện sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của Người Cha Nhân Hậu, thay vì bỏ rơi đứa con hoang đàng trong đường tội lỗi, thì Thiên Chúa chính là người cha hoang đàng trong tình yêu. Chính qua hành trình này mà đối với chúng ta, mọi con đường sai trái đều có thể được biến đổi để làm nên hành trình trở về và được ôm ấp vào lòng từ bi, thương xót.[4]
Như vậy, qua cuộc hành hương đầu tiên của Nguyên Tổ, chúng ta có thể nhận ra tiến trình lịch sử của hành trình hành hương phổ quát bao hàm những giai đoạn đen tối qua: “những con đường tối tăm”,[5] quanh co, khúc khuỷu.[6] Đồng thời cũng là hành trình của sự hoán cải, trở về với con đường của sự sống,[7] trong công lý, hòa bình,[8] sự thật, lòng trung thành,[9] với sự hoàn hảo và trọn vẹn.[10]
2.2 Cuộc hành hương của tổ phụ Abraham
Với cuộc hành hương của tổ phụ Abraham, với những từ ngữ được mô tả như “rời bỏ quê hương” cùng với những bước hành trình và những mối liên hệ mà ông trải qua, khẳng định rằng cuộc hành hương của Abraham là một cuộc xuất hành cứu rỗi, là bức tranh minh họa với nhiều đường nét rất phong phú, đa dạng về cuộc xuất hành của toàn thể nhân loại. Qua những hành động: rời bỏ quê hương, gia đình và nhà cha mình,[11] Abraham ra đi với niềm tin và hy vọng hướng tới chân trời mà Chúa đã chỉ cho, như Thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhở chúng ta: “Chính nhờ đức tin mà Abraham đã vâng theo tiếng gọi lên đường đến một miền đất là cơ nghiệp đã được ban cho ông và dòng dõi ông, và ông đã lên đường mà không biết mình sẽ đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã đến nơi như một người ngoại quốc, trong Đất Hứa, và sống ở đó như thể ở một xứ lạ, với Isaac và Jacob, những người cùng thừa kế lời hứa với ông. Họ sống ở đó trong lều trại trong khi ông mong đợi một thành phố do Chúa thành lập, thiết kế và xây dựng (...) Tất cả những người này đã chết trong đức tin, ... nhận ra rằng họ chỉ là những người lạ và dân du mục trên trái đất”.[12]
2.3 Cuộc hành hương của Israel
Trong dòng lịch sử Israel, cuộc hành hương vĩ đại được Cựu Ước ghi lại là cuộc hành hương xuất hành từ đất Ai Cập với các giai đoạn khác nhau: sự ra đi, hành trình lang thang trong sa mạc, thử thách, cám dỗ, tội lỗi và tiến vào vùng đất hứa, đây chính là hình mẫu lý tưởng của chính lịch sử cứu độ.[13] Cuộc xuất hành của Israel có một giá trị lâu dài, là một “lễ tưởng niệm” luôn sống động và được biến đổi thành một biểu tượng cánh chung trong sách Khôn ngoan.[14] Mục đích đích thực và cuối cùng của việc hành hương là “Đất hứa” của sự hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa, qua mầu nhiệm cứu chuộc và cuộc sáng tạo mới trong và nhờ Đức Giêsu Kitô.[15]
3. Hành hương Kitô giáo
Đối với Kitô giáo, cuộc hành hương trước hết và trên hết phải được kể đến, đó chính hành trình của Đức Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa, Người đã từ “nơi Thiên Chúa” thực hiện cuộc “hành hương” từ trời cao, từ nơi Thiên Chúa đến với nhân loại, để “hóa nên xác phàm”,[16] Ngài bước đi trên con đường của con người và trở nên Đấng “là Đường, là Sự Thật và Sự Sống”.[17] Trong mầu nhiệm Nhập thể, chính “Thiên Chúa đích thân đến để nói với con người về chính mình và chỉ cho nhân loại con đường để đạt tới con người”.[18]
Từ khi còn là một bé thơ, Đức Giêsu đã là một người hành hương lên đền thánh Giêrusalem để được dâng cho Thiên Chúa;[19] Khi lên 12 tuổi, Ngài đã cùng với Đức Maria và Thánh Giuse đến nhà Cha mình.[20] Khi thi hành sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài đã thực hiện dọc ngang qua những nẻo đường của một cuộc hành hương hướng lên Giêrusalem, mà đích đến không chỉ là đỉnh đồi Golgotha với mầu nhiệm thập giá, nhưng còn là vinh quang Phục sinh và sự kiện Thăng thiên.[21] Cuộc hành hương trần thế của Chúa Kitô vượt qua ranh giới của sự dữ và cái chết, để bước vào cõi vô hạn. Không phải đồi Calvê mà chính trên đỉnh núi Thăng Thiên, đó mới là đích điểm cuối cùng trong cuộc hành hương của Người. Chính trong cuộc hành hương này, Đức Giêsu luôn hướng về Thiên Chúa Cha trong tinh thần cầu nguyện và Ngài chỉ cho chúng ta thấy hành trình của Ngài: “Con từ Cha mà đến và đã đến thế gian. Giờ đây, Con từ bỏ thế gian để về cùng Chúa Cha. (...) Lạy Cha, Con muốn rằng, những người Cha đã ban cho Con, thì Con ở đâu họ cũng ở đó với Con, để họ được chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con”.[22]
Đối với Kitô giáo, hành hương là cuộc hành trình bước theo Đức Kitô, người Kitô hữu chọn thành Giêrusalem trên trời được Sách Khải Huyền mô tả làm đích điểm, một hành trình có mục đích siêu việt. Quả thật, chúng ta là “người lạ hay như ngoại kiều”[23] trên trái đất này, nhưng tương lai của chúng ta đã được định sẵn để trở thành công dân của Nước Trời để trở nên là thành viên trong gia đình của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa sâu xa ấy, vào thời sơ khai của Kitô giáo, điểm đến của một việc hành hương chính là cuộc hành trình nội tâm, cầu nguyện, chiêm niệm. Khởi đi từ việc trải nghiệm hành trình tâm linh này, dần dần các Kitô hữu đến với những thực tại vật lý, đến những địa điểm thánh thiêng liên quan đến cuộc đời Chúa Cứu Thế hay Các Thánh. Nhưng sự thật không phải họ đi đến Đất Thánh, mà đúng hơn, vì họ đã sống cuộc sống thánh thiện,[24] theo lời mời gọi của Chúa Giêsu: “trở nên hoàn hảo như Cha trên trời của bạn là Đấng hoàn hảo”.[25]
II. HÀNH HƯƠNG VÀ CẦU NGUYỆN
Như được trình bày ở phần trên, chúng ta nhận thấy, giá trị, ý nghĩa và mục đích của các cuộc hành hương trải qua dòng lịch sử hướng đến là một vùng đất thánh thiêng, một đền thờ, thánh điện, “Lều Hội ngộ” hay đền thờ Giêrusalem, Đất Thánh quê hương Chúa Giêsu hay “Giêrusalem mới” là Rôma, vùng đất thánh thiêng, nơi thấm đẫm máu đào của Các vị Tử đạo, đặc biệt của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Hoặc người tín hữu đến các Trung tâm hành hương, các đền thờ hay nhà thờ được Hội Thánh quy định. Những nơi thánh thiêng này là “Nhà cầu nguyện”, “Lều hội ngộ” nơi các tín hữu đạt tới mục đích của việc hành hương và là nơi biểu lộ rõ nét hành vi tôn giáo của những kẻ tin, bằng việc cầu nguyện. Nhưng cuộc hành hương đích thực và đích điểm tuyệt đối của hành trình đó chính là Nước Thiên Chúa Cánh chung, là Đền Thánh Giêrusalem trên trời, nơi đó một nền phụng tự với đời sống cầu nguyện đạt đến mức hoàn hảo. Theo truyền thống Kitô giáo, hành hương là một hành trình cầu nguyện không ngừng. Trước khi lên đường, người hành hương cầu nguyện xin ơn Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn, để biết sẽ “đi đâu và về đâu”. Trên đường đi, người hành hương không ngừng cầu nguyện để xin ơn che chở và bình an. Với tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết, thành kính và hân hoan, họ không ngừng dâng lên Thiên Chúa tâm tình ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn bằng việc hát vang những Thánh vịnh lên đền.[26] Tại địa điểm hành hương, đỉnh cao của hành trình này, với việc gặp gỡ và sống mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Đặc biệt cuộc gặp gỡ và mối tương quan thân tình ấy được thể hiện qua sự hiệp thông mật thiết với Đức Giêsu Kitô, mà đỉnh cao của hành trình này là việc cử hành mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu Kitô với Thánh Lễ, để người hành hương được kết hợp nên một với Ngài, sống và nên một với Đức Kitô nhờ Lời Hằng Sống và Thánh Thể. Trong Tông sắc Spes Non Confundit, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Tôi thích nghĩ rằng việc công bố Năm Thánh đầu tiên năm 1300 đã khởi đi từ một con đường ân sủng do lòng đạo đức bình dân thúc đẩy.[27] Nơi Cựu Ước, cuộc hành hương của tổ phụ Abraham và của Israel với sự kiện Xuất hành-Đất Hứa, đó là hình mẫu cho các cuộc hành hương, nhưng hình mẫu này chỉ đạt tới sự hoàn hảo ở nơi Đức Giêsu Kitô trong mầu nhiệm Vượt qua của Ngài.
Xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, từ Cựu Ước cho đến thời Tân Ước, chiều kích thiêng liêng của việc hành hương luôn là Cầu nguyện, đó chính là linh hồn của mọi cuộc hành hương. Từ thế kỷ thứ IV, sau khi hoàng đế Constantinus thôi bách hại và cho quyền tự do tôn giáo với sắc chỉ Milan năm 313, các thánh địa tử đạo được mở ra cho việc hành hương, đặc biệt với Đất Thánh Giêrusalem - Palestine, quê hương của Chúa Giêsu, từ đó dòng người hành hương ngày càng trở nên đông đúc. Nhưng từ khi người Hồi giáo chiếm đóng Giêrusalem vào năm 638, những cuộc hành hương đến Giêrusalem trở nên rất khó khăn. Tuy nhiên, nhiều “Via Roma” “ad Petri sedem” được mở ra, nổi bật là “Via Francigena”, hành trình ngang qua toàn cõi châu Âu để hướng đến “Giêrusalem mới” là Rôma, vùng đất thấm đẫm máu đào tử đạo, đặc biệt nơi mộ của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Từ đó, “Thành Giêrusalem Mới” trở thành nơi quy tụ trong sự hiệp thông toàn thể Hội Thánh của Chúa Kitô chung quanh Đấng kế vị Thánh Phêrô, nơi mà ngày đêm, những bước chân hành hương luôn rộn ràng cùng với những lời cầu nguyện không ngừng vang lên. Khi ấy, từng đoàn người hành hương với trang phục đặc trưng với Thánh Giá trên cổ và những chiếc vỏ sò gắn trên áo, tạo thành những “ordo” riêng biệt, làm nên bản chất hành hương của cộng đoàn Kitô giáo, tất cả đều quy hướng đến việc gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện không ngừng.
Trong đời sống Kitô giáo, hành hương vừa là cuộc biểu dương đức tin, vừa là biểu hiện của việc thờ phượng bằng đời sống cầu nguyện. Hành động “ra đi” của người Kitô hữu là minh chứng cho ý chí son sắt của những người hành hương, vừa hướng đến một nơi chốn, cũng đồng thời, nhắm đạt tới các chiều kích thiêng liêng của ơn gọi Bí tích rửa tội. Tại các đền thánh hành hương, người hành hương lắng nghe Lời Chúa và cử hành bí tích, đặc biệt là Thánh Lễ. Những bước mà người hành hương trải qua trong cuộc hành trình này đều ghi đậm dấu ấn của các hành vi thờ phượng, gặp gỡ và mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Trong Tông sắc khai mở Năm Thánh 2025, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Năm Thánh là một thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động”.[28]
1. “Lều hội ngộ” cho việc gặp gỡ Thiên Chúa
Mục đích mà hành trình của người hành hương khi đến một Thánh địa hay đền thờ sánh ví như “Lều hội ngộ”, trước hết là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa. Tiên tri Isaia đã tuyên sấm lời phán truyền của Thiên Chúa: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”,[29] nơi đó, ở “Cuối con đường, nơi trái tim nồng cháy, họ khao khát được nhìn thấy dung nhan Thiên Chúa”,[30] nơi đó, người hành hương gặp gỡ Thiên Chúa và khám phá ra tình yêu và dung mạo lòng thương xót của Ngài. Trên tất cả, kinh nghiệm này được thực hiện qua việc cử hành Thánh Thể, tức việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô “là đỉnh cao của sự mặc khải về mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa”.[31] Qua cuộc hành hương, người tín hữu nhận ra rằng “ngay từ buổi ban đầu của mình, con người (...) được mời gọi trò chuyện với Thiên Chúa”.[32] Hệ quả của việc hành hương và lộ trình cũng như đích đến của mọi cuộc hành hương chính là sự nở rộ của đức tin và sự hiệp thông với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Thật chí lý khi ngôn sứ Malachi đã loan báo và được ứng nghiệm: “Từ phương đông xa nhất đến phương tây xa nhất, danh Ta được tôn vinh giữa các dân tộc và khắp mọi nơi, người ta dâng hương tế lễ cho danh Ta, và cả lễ vật tinh tuyền nữa, vì danh Ta được tôn vinh giữa các dân tộc, Đức Chúa các đạo binh phán”.[33]
2. “Lều hội ngộ” cho việc tiếp xúc với Lời Chúa
Ngoài ra, các cuộc hành hương cũng dẫn đến “Lều hội ngộ” để tiếp xúc với Lời Chúa. Qua Cựu Ước và với kinh nghiệm cơ bản về hành hương của dân Israel ngày xưa, đó là kinh nghiệm của việc lắng nghe, vì “Vì từ Xion, thánh luật ban xuống, từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền”.[34] Trong cuộc hành hương, việc công bố, đọc và suy niệm Kinh Thánh, đặc biệt với Tin Mừng giúp người hành hương vững bước trên đường, vì chưng như tác giả Thánh vịnh 119 viết: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”.[35]
Thật cần thiết khi nhắc lại ý niệm của hạn từ hành hương được trình bày trên đây với hạn từ: pelegrīnus, có nghĩa: “người hành hương, người khách lạ hay người lữ hành”. Danh từ Pelegrīnus được làm nên bởi hai thành tố: “per” - “ngang qua”, và “ager” - “cánh đồng”. Với ý nghĩa ấy, người hành hương như ngang qua một “cánh đồng” vốn dĩ thuận lợi cho việc tiếp nhận hạt giống Lời Chúa trong lòng.[36] Do đó, Lời Chúa trở thành sức mạnh của đức tin, là lương thực của tâm hồn, là nguồn sống thiêng liêng thanh khiết và đưa dẫn đến sự sống vĩnh cửu.[37] Như vậy, hành hương là một hành trình cầu nguyện, qua đó đưa dẫn những người Kitô đến với Lời Chúa, vào trong “Lều hội ngộ” của Lời Chúa.
3. “Lều hội ngộ” cho việc gặp gỡ của sự hòa giải
Ngoài ra, hành hương còn là “Lều hội ngộ”, nơi gặp gỡ của sự hòa giải. Tại “căn lều” này, lương tâm của người hành hương được đánh động, họ xưng thú tội lỗi của mình, họ được tha thứ, để trở thành một tạo vật mới qua bí tích Hòa giải, nơi đó, họ trải nghiệm lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Như vậy, hành hương chính là cầu nguyện, bằng việc sống lại kinh nghiệm của người con hoang đàng trong tội lỗi: “Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha!”.[38] Nơi đất hành hương ấy, họ trải nghiệm sự khắc nghiệt của thử thách và sám hối, và cũng ôm lấy những hy sinh của chuyến đi, họ ăn chay, hãm mình, đền tội. Đồng thời, cũng chính nơi hành hương ấy, họ trải nghiệm niềm vui được ôm ấp, vỗ về của Thiên Chúa là Cha, Đấng giàu lòng thương xót, Đấng dẫn đưa mọi con cái đi từ cõi chết đến sự sống: “Con ta đã chết nhưng đã sống lại, đã mất nhưng nay được tìm thấy”.[39] Do đó, hành hương chính là nơi mà bí tích Hòa giải được cử hành cách sốt sắng.
Thật vậy, các cuộc hành hương đến các Thánh địa hay Đền thánh là một hành trình hoán cải, được duy trì bởi niềm hy vọng vững chắc vào mầu nhiệm sâu thẳm, vô hạn và quyền năng về sự tha thứ được Thiên Chúa dành ban “cho loài người Chúa thương yêu”.[40]
4. “Lều hội ngộ” cho cuộc gặp gỡ Thánh Thể
Hơn nữa, mục đích của việc hành hương đến một Đền thánh, đó cũng chính là “Lều hội ngộ” của cuộc gặp gỡ Thánh Thể, gặp gỡ chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Kinh thánh là cuốn sách tuyệt hảo của người hành hương, thì Thánh Thể là bánh nuôi dưỡng họ trong cuộc hành trình, giống như Êlia trong thời Cựu Ước khi ông lên núi Horeb.[41] Sự hòa giải với Thiên Chúa và với tha nhân qua bí tích Hòa giải chỉ nên trọn vẹn, qua việc cử hành Thánh Thể. Những cử hành đi liền theo tiến trình của những giai đoạn khác nhau trong cuộc hành hương phản ánh những giai đoạn Vượt qua - Xuất hành của Israel, nhưng trên hết là “hiện tại hóa” cuộc hành hương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã thực hiện và cử hành Lễ Vượt qua của Người tại Giêrusalem, với điểm đến cuối cùng là Thập giá, tử nạn, phục sinh và sự kiện Người lên trời vinh hiển.
5. “Lều hội ngộ” với Giáo hội
Các cuộc hành hương cũng dẫn đến “Lều hội ngộ” cho việc gặp gỡ với Giáo hội, “cuộc tụ họp của những người được Lời Chúa kêu gọi cùng nhau hình thành nên dân Chúa. Được nuôi dưỡng bởi Mình Chúa Kitô, chính họ hình thành nên Thân Mình Chúa Kitô”.[42] Kinh nghiệm sống chung với những anh chị em trong cuộc hành hương cũng là cơ hội để tái khám phá dân Chúa đang tiến về Giêrusalem trên trời, qua phụng tự, cầu nguyện bằng tâm tình ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn trong niềm tin và trong sự hiệp nhất của tình yêu nơi gia đình duy nhất của Thiên Chúa và là Thân Thể duy nhất của Đức Giêsu Kitô.
Qua việc hành hương, các tín hữu nhận ra rằng, cuộc hành hương của mình cũng là một phần trong cuộc hành hương đức tin của toàn thể Giáo hội. Cuộc gặp gỡ của những người hành hương với Giáo hội và kinh nghiệm của họ về việc trở thành một phần trong Thân thể Chúa Kitô đòi hỏi một cuộc đổi mới đời sống, để “trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng thánh thiện”,[43] hầu góp phần làm nên một Giáo hội thánh thiện.
III. HỆ QUẢ CỦA VIỆC HÀNH HƯƠNG VÀ CẦU NGUYỆN LÀ TRUYỀN GIÁO
Trên đây chúng ta đã đề cập một số bước mà những người hành hương thực hiện, đó là mô hình của toàn bộ cuộc sống đức tin. Nhưng “Đức tin không có việc làm là đức tin chết tận gốc rễ”,[44] việc hành hương và cầu nguyện nếu không làm trổ sinh hoa trái, đó chỉ là một hoạt động luống công, vô ích. Trong Tông sắc khai mở Năm Thánh 2025, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Ân sủng của Thiên Chúa đi trước và đồng hành với những người nhiệt thành bước đi trong đức tin, hành động trong đức ái và kiên trì trong niềm hy vọng (x. 1 Tx 1,3)”.[45] Qua việc hành hương đến các Đền thánh, người tín hữu được lắng nghe Lời Chúa và cử hành bí tích, để khi trở về họ thi hành sứ mệnh của mình cho thế giới như những chứng nhân của ơn cứu độ và những người xây dựng hòa bình. Thật vậy, trong Tông sắc “Niềm hy vọng không làm thất vọng”, Đức thánh cha Phanxicô viết: “Chúng ta được mời gọi trở nên dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng”.[46]
Trở lại với nền tảng của những cuộc hành hương và Năm Thánh trong trong Cựu Ước, tự bản chất, Năm toàn xá hay Năm hồng ân là thời gian thuận tiện để các tín hữu khám phá “Lòng thương xót”, ân sủng cứu độ của Thiên Chúa để ra đi loan báo, và sống, thực thi lòng thương xót cho anh chị em mình theo gương Chúa Giêsu: “Thần Khí Đức Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa”,[47] để như ngôn sứ Isaia, người hành hương cũng xác quyết sứ mạng của mình: “Chúa đã sai tôi đi loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, chữa lành những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Chúa”.[48]
Trong bối cảnh của thời Thập tự chinh, những cuộc hành hương đến Đất Thánh càng trở nên khó khăn hơn. Khoảng năm 1300, các tu sĩ dòng Thánh Phanxicô đến sống tại vùng Đất Thánh, trong tư cách là những người bảo vệ các địa điểm linh thiêng Kitô giáo và hỗ trợ khách hành hương, từ đó, một “Societas Peregrinantium pro Christo” [49] được thành lập. Hoạt động của tổ chức này bao gồm hai mục đích: Hành hương và vì Chúa Kitô. Qua đó, các Kitô hữu đi đến những nơi linh thiêng để cầu nguyện, để sám hối, đền bù tội lỗi và thể hiện lòng thành kính, cùng với mục đích quan trọng được nhấn mạnh là để phục vụ, truyền giáo và làm chứng cho Chúa Kitô.
Chính với việc hành hương và nhất là cuộc hành hương của Giáo hội lữ thứ trong trần gian này, Giáo hội phải thi hành sứ mạng truyền giáo như lời Công đồng Vaticanô xác quyết: “Tự bản chất, Giáo hội lữ hành này là truyền giáo”.[50] Giáo hội phải trở thành nhà truyền giáo.[51] Chúa Kitô Phục sinh đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Hãy đi..., và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.[52] Mệnh lệnh này nhấn mạnh: “hãy đi”, một phương pháp truyền giáo không thể thiếu việc “ra đi” đến với thế giới. Của ăn và kho tàng trong hành trình này là Lời Chúa[53] và Thánh Thể.[54] Người hành hương phải trở thành người Samari nhân hậu trên hành trình từ Giêrusalem đến Giêricô, sẵn sàng giúp đỡ và đồng hành cùng anh chị em mình đến “quán trọ của tình bác ái huynh đệ và một cuộc sống hiệp nhất, yêu thương”. Đối với Giáo hội Công giáo, cuộc hành hương và cầu nguyện được nhấn mạnh đến khía cạnh “linh đạo của con đường”, người hành hương sống, lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm của “những người trên đường”.
1. “Lều hội ngộ” của đức ái
Như vậy, hành hương và cầu nguyện cũng chính là “Lều hội ngộ” của lòng bác ái. Một đức ái trước hết khởi đi từ chính “Thiên Chúa là tình yêu”,[55] Đấng giàu lòng thương xót, Ngài đã yêu thương chúng ta trước bằng cách sai Con của Ngài đến thế gian để cứu độ chúng ta.[56] Tình yêu này đã được chính Chúa Kitô thực hiện bằng cuộc hành hương của Người vào cuộc sống trần thế và vẫn còn được lặp lại qua các cuộc hành hương của Giáo hội, nhất là qua việc cầu nguyện với phụng vụ các Bí tích, đặc biệt với việc cử hành Thánh lễ.
Bởi vì, “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta rất nhiều, nên chúng ta cũng phải yêu thương nhau”.[57] Trong suốt hành trình của người hành hương, Đức ái phải được sống và thể hiện bằng cách chia sẻ lương thực cho kẻ đói nghèo, giúp đỡ những người thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, để bằng phương thế này, người hành hương không thực hiện cuộc hành trình cách đơn độc, nhưng trong tính “hiệp hành” và họ sẽ có thêm những người bạn đồng hành mới. Đàng khác, đối với Kitô giáo, đức ái là một nhân đức đối thần như lời Chúa Giêsu chỉ dạy: “Mỗi khi các con làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của thầy đây, đó chính là các con làm cho chính Thầy”.[58] Chính với việc thực hành tình yêu như thế, “lòng thương xót” góp phần nuôi dưỡng trái tim của người hành hương khi đến đền thờ với việc cầu nguyện: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con...”.[59] Như vậy, từ chỗ là “đối tượng của lòng thương xót”, người hành hương trở thành chủ thể của sự cam kết bằng việc hành động cũng với “lòng thương xót” để trở nên những người hành hương đích thực của Chúa trên mọi nẻo đường của thế giới.
2. “Lều hội ngộ” cho việc gặp gỡ Chúa và chính mình
Để sống và thực hiện hành trình hành hương nơi là “Lều hội ngộ” của đức ái, cuộc hành hương ấy cũng hướng đến mục đích nơi là “Lều hội ngộ” cho việc gặp gỡ với Chúa và với chính mình. Qua cuộc hành hương cùng với đời sống cầu nguyện, người hành hương được dẫn đưa vào cõi thinh không của tâm hồn, họ tự kiểm điểm lương tâm, nhất là việc sống, việc thể hiện lòng thương xót hay như Đức thánh cha Phanxicô viết: “Hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống”.[60] Chính qua cuộc hành hành hương-cầu nguyện này, những câu hỏi lớn về ý nghĩa nhân sinh về sự tồn tại, hiện diện, về cuộc sống, sự chết, về số phận cuối cùng của kiếp người... tất cả được vang vọng trong trái tim của người hành hương qua việc cầu nguyện và thực hành đức ái. Cuộc hành trình không chỉ là một chuyển động của thân xác mà còn là một hành trình của tâm hồn. Chính như thế, người hành hương không rơi vào sự sao lãng và hời hợt với sứ mạng “trở nên dấu chỉ hy vọng hữu hình cho những anh chị em đang sống trong những hoàn cảnh khốn cùng”.[61] Người hành hương sẽ giữ lại những tia sáng mà họ đã nhận được trong tâm hồn mình qua cuộc hành hương và cầu nguyện, họ được “truyền cảm hứng ... và với lòng can đảm để thực hiện cuộc leo núi”.[62]
3. “Lều hội ngộ” của việc gặp gỡ vũ trụ với Thiên Chúa
Đàng khác, qua cuộc hành hương-cầu nguyện, người tín hữu cũng có cơ hội để bước vào “Lều hội ngộ” của việc gặp gỡ vũ trụ với Thiên Chúa. Các địa điểm hành hương với các Thánh địa, các Đền thờ, thường nằm ở những vị trí với quang cảnh thiên nhiên hùng vĩ hay thơ mộng, cùng với kiến trúc nghệ thuật tinh tế, đặc sắc, rất hấp dẫn và thu hút. Do đó, các cuộc hành hương còn mang chiều kích tinh thần này, với ý thức trân trọng thiên nhiên, qua đó biểu lộ sự quý trọng của con người đối với vũ trụ thiên nhiên là công trình do Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ. Qua thái độ chiêm ngưỡng này, khi kết hợp với việc suy tư và cầu nguyện, người hành hương thể hiện tâm tình ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn Thiên Chúa, để cùng hợp với “các tầng trời tuyên bố vinh quang của Người”.[63] Đồng thời trở thành những thừa tác viên góp phần xây dựng thế giới và vũ trụ thiên nhiên trong sự thánh thiện, hòa bình, công lý và yêu thương.[64]
Qua việc hành hương, khi chiêm ngưỡng những nét đẹp mỹ thuật thánh, tất cả khởi đi từ Thiên Chúa, Đấng là Chân-Thiện-Mỹ và qua các tác phẩm nghệ thuật phác hoạ chân dung của Các Thánh, của những chứng nhân đức tin, người hành hương không ngớt hân hoan dâng lên Thiên Chúa tâm tình ngợi khen, chúc tụng và tạ ơn.[65] Qua những công trình mỹ thuật thánh này, người hành hương có thể tìm lại sự bình an, thanh thản cho tâm hồn khi chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu do quyền năng và sự tốt lành, thánh thiện của Thiên Chúa tỏ bày “với sự hùng vĩ và vẻ đẹp của các tạo vật (...), theo phép loại suy, chiêm ngưỡng Đấng tạo thành nên chúng”.[66]
4. Lều hội ngộ” của gặp gỡ Đức Maria và Các Thánh
Cuối cùng, với lòng yêu mến và lòng đạo đức, hành hương và cầu nguyện còn là con đường dẫn đưa người tín hữu tiến vào “Lều hội ngộ” của việc gặp gỡ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Các Thánh trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công. Nơi Đức Maria, với cuộc hành hương của Ngôi Lời Thiên Chúa đến với nhân loại, cũng đồng thời hội tụ cuộc hành hương đức tin của nhân loại,[67] Mẹ là mẫu mực, là “người đã tiến bước cuộc hành hương đức tin”,[68]chính vì thế, Mẹ trở nên “ngôi sao truyền giáo”[69] cho hành trình của toàn thể Giáo hội.
Trên thế giới, có vô số những đền thánh hay trung tâm hành hương tôn kính Đức Maria như Lộ Đức, Fatima, Loreto hay Guadalupe v.v… Qua việc hành hương với tâm tình cầu nguyện và tôn kính này, người hành hương được dẫn đưa tới cuộc gặp gỡ Chúa Con, Đấng mà Mẹ đã cưu mang trong cung lòng và ban tặng cho nhân loại, “Per Mariam ad Jesum - Nhờ Mẹ Maria Đến Với Chúa Giêsu”. Chính cung lòng Mẹ là đền thánh đầu tiên, là “Lều hội ngộ” giữa thần tính và nhân tính, là đền thờ của Chúa Thánh Thần và là nơi “quyền năng của Đấng Tối Cao rợp bóng của Người”.[70]
Khi thực hiện những cuộc hành hương này, người Kitô hữu được đồng hành cùng với Đức Maria trên những con đường tình yêu và cùng với bà Elizabeth, nhân vật tiêu biểu cho người hành hương trên khắp thế giới, những người được liên kết bằng mối dây đức tin và lời ngợi khen, chúc tụng, tạ ơn.[71] Chính qua việc “hành hương và cầu nguyện” mà kinh Magnificat trở thành bài ca và lời cầu nguyện tuyệt vời, không chỉ với cuộc hành hương của Đức Maria, nhưng còn cho mọi cuộc hành hương hy vọng của toàn thể Hội Thánh.[72] Các Kitô hữu đồng hành với Đức Maria trên các nẻo đường thế gian để lên thẳng đồi Canvê và ở bên Mẹ như người môn đệ yêu dấu, để với những lời trao ban của Chúa Giêsu, các môn đệ là con cái và có Đức Maria là Mẹ.[73] Như vậy, các Kitô hữu cùng thực hiện cuộc hành hương với Đức Maria trên các nẻo đường đức tin, cho đến Nhà Tiệc Ly, nơi đó họ cầu nguyện và hiệp thông với Mẹ, đón nhận món quà ân sủng là Chúa Thánh Thần từ Người Con Phục Sinh của Mẹ,[74] để ra đi thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng.
Phụng vụ và lòng đạo đức truyền thống Công giáo dành cho Đức Maria giúp cung cấp cho người hành hương nhiều cách thức để thực hiện việc hành hương và cầu nguyện. Người hành hương cùng với Mẹ Maria như một người bạn đồng hành trên hành trình loan báo Tin mừng. Những hành vi đạo đức trong mối tương quan với Đức Trinh Nữ Maria còn diễn tả rất sâu xa chiều kích Ba Ngôi và Kitô học, chiều kích nội tại và sứ vụ truyền giáo của người hành hương và của toàn thể Hội Thánh.[75]
Tạm kết
Chúng ta tái xác định lời của Đức thánh cha Phanxicô: “Hành hương là yếu tố cơ bản của mọi sự kiện Năm Thánh. Lên đường là đặc điểm của người đi tìm ý nghĩa của cuộc sống”.[76] Cuộc hành hương ấy đã và đang được mở ra cho Hội Thánh Công giáo trong Năm Thánh Hy Vọng 2025, nhưng không chỉ cho sự kiện Năm Thánh, mà trong suốt hành trình đời sống của “Giáo hội lữ hành” và của mọi Kitô hữu trong cuộc hành hương tiến về “Quê hương Thiên quốc”, Đất hứa đích thực được dành ban cho toàn thể nhân loại, cho Giáo hội lữ hành này chính là Israel mới và đích thực của Thiên Chúa.
Nhưng tất cả những cuộc hành hương này chỉ có thể đem lại nhiều hoa trái thiện hảo, đạt tới cùng đích của những người là con cái của Thiên Chúa trong và nhờ Đức Giêsu Kitô, cùng với Mẹ Maria bằng việc kết hợp cách hài hòa giữa việc hành hương và cầu nguyện và truyền giáo, để đến được với “Lều hội ngộ” là chính Đức Giêsu qua việc đón nhận Lời Chúa, Thánh Thể, bí tích Hòa giải và người hành hương cũng tìm thấy giá trị, “ý nghĩa của cuộc sống” cho sự hiện sinh của mình ngay trong hiện tại, qua cuộc hành hương khi bước vào “Lều hội ngộ” với Giáo hội, với vũ trụ thiên nhiên, nhất là với tha nhân, những người nghèo khó cả về vật chất lẫn tinh thần, nghèo về niềm tin tôn giáo như lời Chúa Giêsu dạy: “Ai cho một trong những kẻ bé mọn này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi,... sẽ không mất phần thưởng”[77] và “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau”.[78] Như vậy, hành hương-cầu nguyện-truyền giáo hay sống chính những khía cạnh của ba chiều kích này là điều không thể tách rời trong mọi cuộc hành hương, nhất là cuộc hành trình của toàn thể Hội Thánh để đạt tới và góp phần hoàn tất Đất Hứa đích thực trong Nước cánh chung của Thiên Chúa.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 146 (Tháng 3 & 4 năm 2025)
___________
[1] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 5.
[2] Ibidem, số 6.
[3] X. St 3,23-24.
[4] X. Lc 15,11-32.
[5] Châm ngôn 2,13; 4,19.
[6] X. Pr 2,15; 10,9; 21,8.
[7] X. Pr 2,19; 5,6; 6,23; 15,24.
[8] X. Cn 8,20; 12,28; Ba 3,13; Is 59,8.
[9] X. Tv 119,30; Tb 1,3.
[10] X. Tv 101,2.
[11] X. St 12,1-4.
[12] Dt 11,8-10.13.
[13] X. 1 Cr 10,1-13.
[14] X. Kng 11-19.
[15] X. Sách Khôn Ngoan 19.
[16] Tin mừng Gioan 1,2.14.
[17] Tin mừng Gioan 14,6.
[18] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tertio Millennio Adveniente, số 6.
[19] X. Tin mừng Luca 2,22-24.
[20] X. Tin mừng Luca 2,49.
[21] X. Tin mừng Luca 9,51; 24,51.
[22] Tin mừng Gioan 16,28; 17,24.
[23] X. Thư Êphêsô 2,19; 1 Pr 2,11.
[24] X. Thánh Giêrônimô. Thư 58, 2-3: CSEL 54, tr 529-532; PL 22, 580-581.
[25] Tin mừng Matthêu 5,48.
[26] Các Thánh vịnh 120 – 134 là những Thánh vịnh với: “Ca khúc lên Đền” mà dân Israel hát vang trên đường hành hương lên Giêrusalem.
[27] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 5.
[28] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 1.
[29] Sách Isaia 56,7; X. Mc 11,7.
[30] ĐGH Gioan-Phaolô II, Diễn văn gửi những người tham dự Đại hội Thế giới lần thứ I về Chăm sóc Mục vụ cho các Đền thánh và Đường hành hương (ngày 28 tháng 2 năm 1992): Insegnamenti di Giovanni Paolo II , XV,1 (1992) tr. 490.
[31] ĐGH Gioan-Phaolô II, Let. Dives in misericordia, số 8.
[32] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 19.
[33] Sách Malaki 1,11.
[34] Sách Isaia 2,3.
[35] Thánh vịnh 119,105.
[36] X. ĐGH Gioan-Phaolô II, Diễn văn trước đoàn hành hương Pháp, ngày 17/10/1980: Insegnamenti di Giovanni - Paolo II, (1980) tr. 894-897.
[37] Công đồng Vaticanô II, Dei Verbum, 21.
[38] Tin mừng Luca 15,21.
[39] Tin mừng Luca 15,24.
[40] Tin mừng Luca 2,14.
[41] X. Sách 1 Các Vua 19,4-8.
[42] Sách Giáo lý Công giáo, số 777.
[43] Tin mừng Matthêu 5,48.
[44] Thư Giacôbê 2,17.
[45] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 6.
[46] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 10.
[47] Tin mừng Luca 4,18-19.
[48] Sách tiên tri Isaia 61,1-2.
[49] Tạm dịch: “Hội những người hành hương vì Chúa Kitô” hoặc theo nghĩa rộng: “Hội các tông đồ lữ hành” hay “Hội những người đi truyền giáo vì Chúa Kitô”.
[50] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Truyền Giáo - Ad Gentes số 2.
[51] X. Hiến chế Lumen Gentium số 17.
[52] Tin mừng Matthêu Mt 28,19.
[53] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Dei Verbum, số 7.
[54] Công đồng Vaticanô II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 38.
[55] Thư 1 Gioan 4,16.
[56] X. Thư 1 Gioan 4,10.
[57] Thư 1 Gioan 4,11.
[58] Tin mừng Matthêu 25,40.
[59] Tin mừng Matthêu 6,12.
[60] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 5.
[61] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 10.
[62] Thánh vịnh 84,6.
[63] Thánh vịnh 19,2.
[64] Sách Khôn ngoan 9,3.
[65] X. Thánh vịnh 47,7.
[66] Sách Khôn ngoan 13,5; X. Rm 1,19-20.
[67] X. ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus, số 37.
[68] ĐGH Gioan-Phaolô II, Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater”, số 25.
[69] ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 82.
[70] Tin mừng Luca 1,35.
[71] X. Tin mừng Luca 1,39-56.
[72] ĐGH Gioan-Phaolô II, Thông Điệp “Mẹ Đấng Cứu Chuộc – Redemptoris Mater”, số 37.
[73] X. Tin mừng Gioan 19,26-27.
[74] X. Sách Công vụ Tông đồ 1,14; 2,1-4.
[75] X. ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Marialis Cultus, số 25.
[76] ĐGH Phanxicô, Spes Non Confundit, số 5.
[77] Tin mừng Matthêu 10,42.
[78] Tin mừng Gioan 13,35.