HÀI CỐT ĐỨC CHA PALLU
TRỞ VỀ HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS
Tường thuật của cha G. Guéneau, Thừa sai Tông Tòa
Chuyển ngữ: Nhóm Nghiên cứu Linh đạo Mến Thánh Giá
& Lm. Vinh-sơn Trần Minh Thực
Gloria filiorum Pater eorum
(Prov. XVII, 6)
Người cha là niềm vinh hạnh của
con cái (Cn 17, 6)
I. ĐỨC CHA
PALLU, ĐẤNG SÁNG LẬP CHÍNH CỦA HỘI THỪA SAI HẢI NGOẠI PARIS
Sự nghiệp và cái chết của ngài, 1658-1684
Đức cha François Pallu, sinh tại Tours năm 1626[1], trước tiên đã là kinh sĩ
Vương cung thánh đường Thánh Martin rồi trở thành vị Giám mục đầu tiên và là vị
sáng lập chính của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris. Năm 1658, ngài được Đức Giáo
hoàng Alexandre VII đặt làm Giám mục cùng lúc với Đức cha Lambert de la Motte.
Ngài thật xứng đáng với danh hiệu “vị sáng lập chính” vì biết bao cuộc vận động
ở Paris, ở Rôma, trong khắp nước Pháp, nơi Đức Giáo hoàng, nơi nhà vua, nơi
hàng giáo sĩ và nơi những người có thế giá nhằm bảo đảm cho Hội Thừa sai, khi
đó đang hình thành, có được sự chuẩn y, sự quan tâm, sức sống và những nguồn lực
để Hội không thể bị biến mất. Ba cuộc hành trình từ châu Âu sang Viễn Đông, những
nỗ lực, những công trình, những khó nhọc, những lo lắng mà người đời nay không
tưởng tượng nổi đều nhằm mục đích tạo lập, bảo vệ, củng cố và mở rộng Hội Thừa
sai. Ngay từ khởi đầu, quyền bính mà ngài được Tòa Thánh trao cho nơi những
Vùng truyền giáo thật mênh mông, trải dài trên phần lớn nước Trung Hoa, trên
Đàng Ngoài và trên đất Lào. Chính vào hành trình cuối cùng đến Rôma mà ngài được
bổ nhiệm làm Tổng Giám quản các Vùng truyền giáo ở Trung Hoa và Đại diện Tông
tòa tại Phúc Kiến.
Nhưng khi vừa đến miền
duyên hải Hạ Môn và Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến và là trung tâm Vùng
Đại diện Tông tòa của mình, ngài đã kết thúc công nghiệp lâu dài và cần mẫn của
mình tại đó, một đời Giám mục 25 năm vinh quang và đầy hoa trái. Vào khoảng
tháng 7 năm 1684, cảm thấy sức lực cạn kiệt, ngài lui về phần phía bắc của Vùng
Đại diện Tông tòa, phần đất ngày nay là huyện Phúc An. Ở đó, ngài còn cố gắng
nên hữu ích đối với các thừa sai Dòng Đa Minh, vốn đã đến trước ngài nơi xứ
này, và ngay lập tức đã nhận quyền tài phán của ngài. Cuối cùng, ngày
29.10.1684, ngài đã qua đời tại phố nhỏ Mục Dương, kiệt quệ vì công việc và đầy
công đức về mọi phương diện. Những giây phút cuối cùng, ngài được cha Charles
Maigrot, bạn đồng hành, cùng Hội Thừa sai Hải ngoại và một tu sĩ Dòng Đa Minh
giúp đỡ. Trong khi đó, theo tục lệ truyền thống Trung Hoa, người ta chuẩn bị
cho ngài một ngôi mộ, thi hài của ngài được lưu giữ trong khoảng hai tháng, đặt
trong nhà thờ nhỏ hay trong nhà xứ Mục Dương[2].
II. MIÊU TẢ
NGÔI MỘ, VIỆC TRÔNG COI VÀ TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI
Nơi có ngôi mộ nằm ở
phía tây Mục Dương. Để đến đó, trước tiên phải băng qua một dòng nước nhỏ, sau
đó vượt qua những cánh đồng lúa, khoai tây và các loại hoa mầu khác, trong khoảng
nửa giờ. Cùng với thời gian, giữa dòng nước này và phần mộ, một ngôi làng có
tên Kong-shu đã mọc lên. Trong thời gian gần đây, ngôi mộ của Đức cha Pallu nằm
trong lãnh thổ của chính ngôi làng này. Để đi đến đó, tới phía bên kia của ngôi
làng, người ta lại đi qua những cánh đồng cũng được trồng cấy, cho tới một ngọn
đồi nhỏ, chỉ cao hơn vài mét so với cánh đồng. Phía sau ngọn đồi này, trong khoảng
khá gần là những dãy núi nhỏ, khép lại ở mặt bên này thung lũng Mục Dương xinh
đẹp. Trên ngọn đồi, vì có nhiều tín hữu được chôn cất (các thừa sai, trong đó
có hai Đức Giám mục Dòng Đa Minh và những tín hữu) nên ngọn đồi được gọi là “đồng
thánh” hoặc “núi thánh”. Không may, về sau này, các tử thi ngoại giáo cũng có
phần mộ nơi đây. Mộ phần của Đức cha Pallu ở phía dưới, trội hơn đồng lúa lân cận
khoảng 1,5 đến 2 mét. Đó là một ngôi mộ theo kiểu Trung Hoa: ở phía sau và được
khoét vào sườn đồi có một khoảng trống được chắn bằng một bức tường với hình
móng ngựa và có mặt phẳng nghiêng; ở chính giữa, một phiến đá thẳng đứng được lồng
vào; ở trước chính ngôi mộ, về phía trước, một không gian bằng phẳng và được
lát đá hoa cương.
Trước lần trùng tu gần
đây, cha Delamarre, thuộc Hội chúng ta, thừa sai tại Tứ Xuyên, đã đến thăm ngôi
mộ vào năm 1836 mô tả lại: “Đó là một phiến đá đơn sơ chừng 80cm, được dựng thẳng
đứng trên một đống gạch. Chiếc quan tài được đặt phía sau, trong khoang được
khoét vào sườn núi, được bao phủ bằng gạch theo dạng hình vòm. Phía trước là một
tường vây hình cung cũng bằng gạch, bán kính khoảng 90cm.” Bị thời gian làm đổ
nát, ngôi mộ này đã được tu sửa lại vào năm 1874, và được Chủng viện Hội Thừa
sai chăm sóc với sự đồng thuận của các thừa sai Dòng Đa Minh, vẫn giữ nguyên
hình dạng ban đầu. Trong khoảng 35 năm, thời gian đã làm ngôi mộ bị đen, nhưng
hài cốt vẫn được bảo toàn một cách hoàn hảo; vả lại như sẽ được giải thích liền
sau đây, các cha Dòng Đa Minh đã lo bảo tồn ngôi mộ và thăm viếng thường xuyên.
Chữ được khắc trên đá hoa cương màu lục nhạt, phải chăng là chữ viết mà cha
Delamarre đã nhìn thấy? Những chữ này, là chữ Hán, nói tới ngày mất của vị Giám
chức, ngày chôn cất (khoảng hai tháng sau khi ngài qua đời), vào ngày
10.01.1685; và được khắc rất lâu sau đó, vào lúc tu sửa mộ, chính cả thời điểm
tu sửa mộ nữa. Tấm ảnh mà chúng tôi gửi đây cho biết ý niệm về ngôi mộ trong
tình trạng hiện nay, vừa mới cách đây khoảng hai ba tháng. Đối với tôi, có vẻ
như ngôi mộ này thực sự phù hợp, không nhỏ bé cũng chẳng xa hoa, nhưng xứng
đáng với một vị Giám mục thừa sai. Về việc trông coi di tích này và di cốt quý
giá của Đức cha Héliopolis, khi Đức cha Maigrot, bạn đồng hành và người kế nhiệm
Đức cha Pallu trong tư cách là Đại diện Tông tòa với tước hiệu Giám mục Conon, đang
còn tại thế, dĩ nhiên Đức cha Maigrot đã là người lo việc này. Nhưng vào năm
1706, bị hoàng đế Trung Hoa xua đuổi khỏi giáo phận của mình, Đức cha Maigrot
đã trở về châu Âu, và cuộc bách hại đã tiếp tục khắp trong đế quốc, với đôi khoảng
lặng yên bình hiếm hoi trong suốt thế kỷ XVIII.
Từ năm 1776 đến năm
1843, có các thừa sai của Hội Thừa sai Hải Ngoại đến làm việc tại Phúc Kiến, điều
hành huyện Hưng Hoá; nhưng vùng này tiếp giáp với Vùng Đại diện Tông tòa Hạ Môn
hiện nay, cách Mục Dương khoảng sáu ngày đi thuyền, như chúng tôi đã nói, Mục
Dương nằm ở phía bắc của Phúc Kiến, gần như giáp với biên giới của Chiết Giang,
và thỉnh thoảng các vị thừa sai có thể đến quỳ trước ngôi mộ của Vị sáng lập Hội
Thừa sai Hải ngoại. Về phần mình, các thừa sai Đa Minh trong khu vực lân cận,
chừng nào hoàn cảnh cho phép, cũng chăm lo việc bảo tồn ngôi mộ quý giá này.
Hơn nữa, các ngài cũng chia sẻ với các tín hữu về lòng tôn kính sâu sắc mà những
bậc tiền bối đã truyền lại, những vị đó là François Varo và Martin Ventallol,
là những người đương thời, những người cộng tác và những người ngưỡng mộ vị
Giám mục lừng danh. Dù có lòng tôn kính đầy tâm tình tôn giáo này, từ suốt hai
thế kỷ nay, di cốt của Đức cha Pallu đã ở và vẫn còn ở xa gia đình Hội Thừa sai
Hải ngoại.
Mộ Đức cha Pallu
Nghĩa trang tại Mục Dương
Bia mộ Đức cha Pallu
Hòm đựng hài cốt Đức cha Pallu
III. CHUYỂN
NHƯỢNG HÀI CỐT CỦA ĐỨC CHA PALLU: HÀNH TRÌNH ĐẾN PHÚC CHÂU VÀ MỤC DƯƠNG. TỪ
THÁNG 6 ĐẾN THÁNG 7 NĂM 1912
Vào tháng 6 năm 1912
này, Thiên Chúa đã chấp thuận điều mong ước của chúng tôi và đã xếp đặt, nhờ
lòng nhân từ của Đức cha Aguirre, cho cuộc trở về của di hài đáng kính của Vị
sáng lập giữa chúng tôi. Trong thời vị tiền nhiệm, Đức cha Masot, một cuộc vận
động chính thức đã được thực hiện và lời thỉnh cầu đã được long trọng đệ trình
lên vị Giám chức, nhằm được ngài chấp thuận nhường quyền lưu giữ hài cốt quý
giá ở Mục Dương, nhưng không có kết quả. Đức cha Masot trả lời: “rằng nếu di cốt
của Đức cha Pallu quý giá đối với Hội Thừa sai Hải ngoại, thì di cốt đó cũng
quý giá đối với giáo phận của Đức cha Pallu, rằng ngài biết ơn Chúa Quan Phòng
và tự nhận thấy được vinh dự trông coi một ngôi mộ như thế, và rằng ngài xem đó
như là bổn phận của mình phải bảo tồn và chăm sóc ngôi mộ cách cẩn thận.”
Đức cha Masot qua đời
năm ngoái, Đức cha Aguirre được chọn để kế nhiệm ngài vào năm nay. Cũng vẫn lời
thỉnh cầu đó lập tức được lặp lại do vị Tổng quản tại Hồng Kông, cha Léon
Robert, và lần này, với sự thành công mỹ mãn. Vị tân Giám chức nhớ lại rằng vì
đã khởi sự sứ vụ thừa sai của mình ở biên giới Quảng Đông và Phúc Kiến, ngài đã
nhận được những sự phục vụ tốt lành và quý giá từ những người láng giềng thuộc
Hội Thừa sai Hải ngoại. Trở thành Giám mục, ngài muốn tỏ lòng biết ơn về điều
đó, và thật sự, ngài không thể làm điều đó một cách xứng đáng và tinh tế hơn.
Đơn thỉnh cầu được cha Léon Robert trình lên, nhân danh Hội Thừa sai, ngay tức
khắc được chấp nhận, và Đức cha Aguirre khi qua Hồng Kông đến Đàng Ngoài để được
tấn phong nơi những anh em cùng dòng, các tu sĩ Đa Minh, đã xác nhận bằng lời
nói sự nhượng quyền vốn đã được viết thành văn, và chính ngài đã trao cho chúng
tôi vài tấm ảnh về ngôi mộ. Vậy quyết định được đưa ra là khi Đức Giám mục trở
lại địa phận của ngài, một cha của Hội Thừa sai sẽ cùng đi với ngài đến Phúc Kiến
và sẽ tiến hành mở ngôi mộ để thu thập và mang về những gì chúng tôi còn tìm được
nơi di hài đáng kính sau hơn hai thế kỷ. Tôi nhận được từ cha Louis Boulanger,
Giám đốc Chủng viện Hội Thừa sai Hải ngoại và Bề trên đương nhiệm của nhà Nazareth
tại Hồng Kông, giấy phép và quyền đại diện để lên đường hoàn thành bổn phận thuộc
tình gia đình và lòng hiếu thảo này. Vài tuần sau, trở về từ Đàng Ngoài, Đức
cha Aguirre đưa tôi theo với ngài lên tàu “Haitan”,
đó là ngày 16.07.1912. Ba ngày sau, chúng tôi cập bến nơi dòng sông Mân Giang,
cách cửa biển của sông này 21 cây số, thủ phủ của Phúc Kiến, tại Phúc Châu, nơi
cư trú của vị Đại diện Tông tòa.
Nơi xứ sở thú vị này,
những di chuyển và hành trình không nhanh như ở Pháp: đường sắt, ô tô và máy
bay còn chưa xuất hiện ở đây. Những con thuyền chạy bằng hơi nước dừng lại cách
kín đáo trên bờ biển như thể sợ hãi tiến tới và phiêu lưu trên những con sông nội
địa, chúng không rời Phúc Châu mỗi ngày. Vào mùa trà, chúng lên đường với số lượng
nhiều hơn và mang đến cho khách du lịch cơ hội thường xuyên hơn, nhưng tiếc là
tôi không đến vào mùa thuận lợi này; đó là lý do tại sao tôi đợi sáu ngày ở
Phúc Châu, một chiếc thuyền đã khởi hành để làm một phần của cuộc hành trình
qua Mục Dương.
Chúng tôi lên thuyền gồm
bốn người: cha Elladio Lorenzo Dòng Đa Minh, người hướng dẫn và người đồng hành
của tôi, Đức cha Aguirre đã giao phó tôi cho ngài, vốn biết rất rõ xứ này và
ngôn ngữ trong vùng; tôi và hai người phục vụ trẻ tuổi là người của chính vùng
đất Phúc An này. Một chiếc tàu hơi nước hạng nhẹ, sau một đêm du hành trên sông
Mân Giang và trên biển, băng qua những hòn đảo của bờ biển Trung Hoa, đưa chúng
tôi đến một cảng mở nhỏ có tên là “Sam-touy” hoặc “Sam toa” về phía bắc. Nơi
đó, dòng sông Phúc An (tôi không biết tên dòng sông bằng tiếng Trung Hoa) chảy
tới.
Từ lúc đó, chúng tôi
phải rời bỏ con tàu chạy bằng hơi nước để nhờ cậy vào những mái chèo của những
tay chèo đò, hoặc là chờ thuận gió, thế mà, không hề có một làn gió nào trong
vùng này và thủy triều xuống lại ngược chiều, nên không thể đi được. Chúng tôi
đành chịu dừng lại sáu tiếng. Sau thời gian chờ đợi này, thủy triều và gió thuận
lợi, khoảng 7 giờ tối, chúng tôi may mắn đến được thôn Hạng. Thôn này vang danh
trong lịch sử, vì ở vùng lân cận của làng này là nơi Đức cha Grégoire Lopez đã
chào đời. Ngài là vị Giám mục đầu tiên và duy nhất người bản xứ mà nước Trung
Hoa đã dâng cho Giáo hội vào cuối thế kỷ XVII, chính xác vào khoảng cùng thời Đức
cha Pallu. Là thành viên của Dòng Đa Minh, Grégoire La Văn Tảo đã ghép vào họ của
mình một vĩ tố, biến tên ngài thành tên Tây Ban Nha và lịch sử đã lưu giữ tên gọi
này: Grégoire Lopez. Ngài qua đời tại Nam Kinh sau vài năm làm Giám mục.
Nơi dòng sông Mục
Dương chảy vào sông Phúc An ở chỗ cách ngôi làng kể trên không xa. Dòng nước nhỏ
này không có nguồn nào khác ngoài nguồn nước mưa ở những ngọn đồi trong thung
lũng và khoét ở phần thấp nhất của thung lũng một lớp không sâu. Dòng nước khởi
đi từ những ngọn đồi bao quanh thung lũng Mục Dương xinh đẹp và màu mỡ, uốn
khúc quanh co giữa những dãy đồi và đồng bằng nhỏ, độ dài có thể khoảng 30km.
Vào những trận mưa lớn, dòng chảy tự nhiên khá mạnh và thật phúc cho những tay
lái đò với những chiếc thuyền nhỏ đi xuống theo dòng nước (người ta không thấy
những chiếc thuyền lớn trên một con sông như vậy)! Nhưng ngược lại, khốn cho những
ai phải dùng sức chèo chống đi ngược dòng nước, họ tiến chậm trong khoảng thời
gian dài! Chúng tôi đã đi ngược dòng sông này bằng sức chèo, trên một chiếc
thuyền nhỏ, may mắn thay những cơn mưa không lớn lắm, nhưng chúng tôi đã mất
hơn bảy tiếng đồng hồ mới đến nơi.
Trước tiên, chúng tôi
dừng chân tại làng toàn tòng và lâu đời Ké-sen, nơi từng một thời gian có Đại
chủng viện của địa phận (hiện nay đã chuyển về Phúc Châu, gần Tòa giám mục).
Cha Michel Vila, coi sóc làng Ké-sen, một thừa sai đáng mến, đầy nhiệt huyết, với
sự uyên bác thật đáng quý về lịch sử. Ngài phân chia thời gian dành cho những
buổi giải tội lâu giờ, việc thăm viếng giáo dân và việc đọc sách. Ngài giúp tôi
rất nhiều khi cho tôi mượn vài tác phẩm mà tôi đã cố gắng bổ sung kiến thức của
tôi hoặc về Đức cha Pallu, hoặc về các cộng sự viên của ngài, các cha Dòng Đa
Minh. Cho phép tôi được hết lòng cám ơn ngài về sự phục vụ mà ngài dành cho tôi
trong khi tôi hạnh phúc làm khách của ngài. Đức cha Aguirre đã viết thư cho cha
Michel Vila để ngài đến Mục Dương với tôi, cũng nhằm để ngài là người đại diện
cho Đức cha khi khai mở ngôi mộ. Trong khi cha Elladio nghỉ ngơi đôi chút tại
Ké-sen, nhiệm sở trước đây của cha, cha Vila và tôi hoàn tất việc ngược dòng
sông và cuối cùng cũng đến được Mục Dương vào tối thứ ba ngày 30.07. Họ đạo tại
thị trấn nhỏ này có khoảng 2.500 giáo dân trong số 10.000 dân, được thừa sai
François Pagès coi sóc; ở họ đạo Kong-shu bên kia sông, số lượng tín hữu cũng gần
tương đương và được giao phó cho cha Silvestre Garcia. Chúng tôi đã chờ ba hoặc
bốn ngày một người chụp hình mà chúng tôi đã được báo trước, và đáng lẽ Elladio
Lorenzo đã phải đưa đi cùng với mình, nhưng người này đã không đến. Hơn nữa, vì
vướng các nghi lễ của ngày Chúa nhật (ngày 04.08) nên một trong các cha đại diện
buộc phải trở lại Ké-sen. Do đó, sau cùng chúng tôi quyết định sẽ tiến hành
khai mở ngôi mộ vào chiều thứ hai (ngày 05.08). Cần phải nói thêm rằng, trong
những ngày này, tôi đã xin được dẫn đi hành hương đến “đồng thánh”, và ở đó,
nơi ngôi mộ vừa thân thương vừa được tôn kính này, tôi đã cầu nguyện với vị
Giám mục vĩ đại của chúng ta cho toàn thể Hội Thừa sai Hải ngoại. Cuối cùng thì
Hội cũng nhận lại được ngài. Nhưng biết bao nhiêu lần trong cuộc hành trình từ
Hồng Kông đến Mục Dương, tôi đã tự hỏi, lòng đầy lo lắng: “Tôi sẽ thấy được gì
phía sau phiến đá ngôi mộ, trong nơi chôn cất này? Sự chết và thời gian 228 năm
sau đó đã biến Đức cha Pallu thành gì?”
IV. KHAI MỞ
NGÔI MỘ: NHẬN DIỆN DI CỐT NGÀY 05.08.1912
Sáng ngày 05.08.1912,
Thiên Chúa đã xếp đặt cho tôi một niềm vui thật lớn lao, một niềm hạnh phúc vừa
chân thật vừa rõ rệt nơi nhà xứ Kong-shu, nơi tôi đã đến từ tối hôm trước. Tôi
nhận được hai lá thư của hai thành viên trong Hội, một của cha Desgodins, thừa
sai ở Tây Tạng, và một của cha Léon Robert, Tổng quản của chúng tôi. Thật ra,
đó chẳng phải là sự quan tâm đầy hạnh phúc và thật tinh tế của Đấng Quan Phòng
tốt lành, khi đặt trong tay tôi, vào đúng ngày ấy và ở đúng nơi ấy, hai bản văn
này? Cứ như là Chúa sai đến cho tôi hai nguồn trợ lực, với thẩm quyền cao nhất:
vị niên trưởng về tuổi tác và sứ vụ của Hội chúng tôi, đại diện cho toàn thể
anh em thuộc Hội Thừa sai Hải ngoại đang làm việc trong cánh đồng tông đồ; vì
cha Desgodins đáng kính đã 86 tuổi, với 57 năm làm việc tại Tây Tạng; còn vị Tổng
quản ở Hồng Kông, đại diện cho những anh em, giống như tôi, làm việc trong các
trụ sở chung của chúng tôi, hơn thế nữa, ngài còn là tác giả lời thỉnh cầu
chính thức trình lên Đức cha Aguirre.
Từ Kong-shu, chúng tôi
khởi hành vào giờ đã định: cha Vila, cha Pagès, cha Garcia, cha Lorenzo, đại diện
của Đức cha Aguirre và tôi, đi đến “đồng thánh”. Tôi mang theo ba tấm khăn lụa
trắng còn mới tinh mà sơ Félicie, bề trên của các sơ người Pháp Dòng Thánh
Phaolô thành Chartes tại Hồng Kông, đã tặng cho tôi. Chúng tôi cũng lấy tại nhà
cha xứ của cha Garcia hai cái hòm tạm thời có kích thước không bằng nhau, tất cả
nhằm cất giữ và chuyển đi những gì còn trong ngôi mộ. Chúng tôi bắt đầu bằng
nghi thức rảy nước thánh và đọc kinh De
profundis (Từ vực sâu). Tiếp đến,
là đại diện của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, tôi chính thức xin các cha Dòng
Đa Minh, là những người đại diện của vị Đại diện Tông tòa tại Phúc Kiến, vui
lòng nhân danh Đức cha trao lại cho tôi, cho Hội Thừa sai những gì chúng tôi sẽ
tìm được nơi di cốt Đức cha Pallu trong ngôi mộ mà chúng tôi sắp mở ra. Theo lời
đáp đồng ý của họ, chúng tôi ra hiệu cho người thợ bắt đầu tiến hành công việc.
Lúc đó là khoảng 4g30 chiều. Những người thợ bắt đầu phá phần chân hay bức tường
vôi nhỏ bên dưới phiến đá bia mộ, tiếp đến họ phá đổ phiến đá này bằng cách phá
huỷ hai bức tường nhỏ cũng bằng vôi, vốn chèn hai bên và phía trên phiến đá.
Sau đó là một đám đất chồng chất giữa phiến đá và bức tường chắn lối vào mộ.
Đám đất này dày độ nửa mét; một cái cuốc dễ dàng lấy đi đám đất này. Tuy nhiên,
các cha Dòng Đa Minh và tôi hồi hộp chờ đợi, cuối cùng người thợ đã chạm được
vào vách ngăn này, vào bức tường này, phía sau đó chắc chắn là nơi an nghỉ thi
hài Đức Giám mục của chúng tôi.
Nấm mộ hình vòm bằng gạch
(chúng tôi nhìn thấy những viên gạch ở miệng lỗ) đã được khép lại bằng một hàng
gạch đôi trên đất. Hai hàng gạch trên nhanh chóng được tháo bỏ, ánh sáng lọt
vào trong mộ, ở đó các cha và tôi hấp tấp được thấy và xem xét ngay những gì
ngôi mộ che giấu từ rất lâu và những gì mà ngôi mộ sẽ trả lại cho chúng tôi. Một
khối thuôn dài có mầu hung đỏ ở đó, trước mặt chúng tôi, nằm trên đất, bẹp xuống,
hoàn toàn không còn hình dáng con người, không còn bộ xương và thậm chí không
có lồi lõm gì cả. Đây là những gì còn lại của Đức cha Pallu, vị Giám mục tuyệt
vời và nhà truyền giáo nhiệt thành; thứ bụi đất không hình dạng được chương III
của sách Sáng Thế nói đến, không còn gì khác: “In pulverem reverteris” - “ngươi
sẽ trở về bụi đất” (St 3, 19b)! Không còn chút gì những phẩm phục đại triều
khi ngài được chôn cất, không còn chút gì hình dạng của quan tài, không còn
chút gì có thể nhận dạng, mà chỉ là những mẩu vụn đây đó, ít nhiều dài hay ít
nhiều mục nát. Tuy nhiên, liệu ở giữa đống tro bụi của người đã an nghỉ trong
suốt 228 năm, vẫn còn chút xương nào hoặc mẩu xương nào còn rắn chắc để có thể
thu thập được chăng? Người ta chỉ có thể xác nhận điều này khi hoàn tất việc lật
bức tường gạch nhỏ và qua miệng lỗ chừng 90cm đi vào ngôi mộ được bảo quản rất
tốt. Trở ngại cuối cùng này sớm biến mất, người giáo lý viên của Kong-shu cầm
đèn đi vào trong mộ, anh ta được lệnh phải tìm kiếm hết sức cẩn thận những
xương anh ta có thể tìm thấy, dù còn nguyên vẹn hay bị vỡ. Một cha đứng ở cửa mộ
đón lấy những mảnh vụn khác nhau và cung kính đặt vào một trong những tấm vải lụa
trắng đã được chuẩn bị. Không tìm được một chiếc xương nào nguyên vẹn, nhưng
các phần ít nhiều chắc chắn của những xương lớn, của những đốt sống, của hộp sọ
hoặc của xương sườn và nhiều chiếc răng cũng được thu nhặt. Bằng cách này chúng
tôi thu nhặt được một số xương rắn chắc tương đương với đầu của một đứa trẻ. Những
mảnh vỡ của quan tài, khá nhiều, được đặt trong một tấm khăn khác. Cũng có những
mảnh than mà người ta cũng đặt sang bên cạnh.
Theo một tập tục khá
phổ biến, người ta hẳn đã đặt thi hài vị Giám chức qua đời trên một lớp than
khá dày, trước khi đậy nắp quan tài ở Mục Dương. Chúng tôi cũng hết sức chú ý
tìm kiếm chiếc nhẫn mục tử của Đức cha Pallu và thánh giá đeo trước ngực, hoặc
ít ra một cây thập giá hay thánh giá nào khác, mà hẳn người ta đã đặt giữa các
ngón tay Đức cha sau khi ngài qua đời, và hẳn ngài phải mang theo xuống mộ,
nhưng không thể tìm được gì. Ở đây, một câu hỏi được đặt ra là liệu trong lần
trùng tu ngôi mộ vào năm 1874[3], người ta có mở cả quan tài,
(có thể) đã tìm thấy vật quý này, với danh nghĩa là kỷ vật của Đức cha Pallu?
Câu trả lời là cả ở Mục Dương, cả ở những nơi khác, cả ở trong chính ngôi mộ,
không có một tài liệu ghi chép nào còn lại (nếu như có về sự trùng tu này). Người
ta biết tới sự kiện trùng tu, tất cả chỉ có thế. Cha Dòng Đa Minh, người chủ
trì công việc này, đã qua đời cách đây khoảng 15 năm; và Tập san Biên Niên của Dòng Đa Minh (Annales Dominicaines), tôi muốn nói tới Correo annamitico - sinicum (bản
xác nhận Annam - Trung Hoa) của năm đó, không đưa ra một dòng chữ nào về những
gì cha Đa Minh này đã làm. Về phần các cha cùng Dòng, họ không còn nhớ đã nghe
từ miệng ngài bất cứ chi tiết nào liên quan đến việc trùng tu này. Hơn nữa, tôi
còn được nghe kể về hai người Trung Hoa vào thời điểm đó, theo người ta nói, đã
tham dự buổi mở huyệt và xem xét xương cốt. Nhưng một người đã qua đời, người
kia không còn ở xứ này, còn lời chứng mà người ta gán cho từng người trong họ lại
trái ngược nhau. Đối với tôi, câu hỏi vẫn không thể giải đáp được, trừ phi về vấn
đề này, Văn khố các cha Dòng Đa Minh ở Manilla sở hữu tài liệu nào đó mà tôi
không biết.
Buổi tối qua đi. Sau
khi thu nhặt tất cả những gì có thể có từ những mẩu xương này, những mảnh vụn của
quan tài, chúng tôi bỏ đầy hai cái hòm mà chúng tôi mang theo. Cha Garcia nhận
trách nhiệm lo lấp ngôi mộ lại và ngài làm việc đó ngay ngày hôm sau, nhưng quyết
định cũng được đưa ra là tôi cũng sẽ mang theo tấm bia mộ[4].
Chúng tôi trở lại làng Kong-shu, Thánh giá đi trước, theo sau là hài cốt quý
giá và vừa đi chúng tôi vừa đọc Kinh Mân Côi. Các tín hữu được hồi chuông báo
trước đã tập trung tại nhà thờ. Di cốt của Đức cha Pallu được đặt trên một giá
dựng trong nhà thờ và buổi kinh cầu hồn đầu tiên được vị thừa sai của giáo xứ,
cha Silvestre Garcia, cử hành; cũng ngay đêm hôm đó, tôi chuyển di cốt đến nhà
thờ Mục Dương, nơi đó di hài cũng được đặt dưới tấm vải phủ quan tài, đã được
cha Pagès chuẩn bị trước.
Ngày hôm sau, lễ Chúa
Biến Hình, chúng tôi mang tất cả mọi thứ ra từ sáng sớm, chuyển từ nhà thờ đến
nhà xứ, và ở đó, trên một cái bàn được trải một tấm khăn, tất cả mọi thứ trong
hai chiếc hòm tối hôm trước được đổ ra hết để chúng tôi dễ dàng tiến hành thêm
lần nữa một cuộc tìm kiếm những xương cốt, hoặc nguyên vẹn hoặc bị vỡ: điều này
giúp chúng tôi tăng thêm một chút kho tàng quý giá của mình. Cuối cùng, tôi đã
có thể mang về Hồng Kông một số những mảnh xương rắn chắc tương đương với khối
lượng của một cái đầu người trung bình. Chiếc hộp đặc biệt chứa di hài có kích
thước: dài 26cm, rộng 17cm và cao 11cm. Còn chiếc hòm lớn hơn, chứa tro bụi của
Đức cha Pallu với các mảnh vỡ của quan tài và một ít than, có kích thước: dài
73cm, rộng 33cm và cao 31cm. Cha Pagès đã đặt một người thợ ở thị trấn nhỏ làm
chiếc hòm này. Hòm được làm bằng gỗ
long não, lót đệm bên trong, bên ngoài phủ một tấm lụa đen, các cạnh nhô ra bằng
một đường viền nhỏ màu vàng, cuối cùng là một cây thánh giá, cũng có đường viền
rộng hơn và cùng màu, được đóng ở phía trên bằng đinh đồng. Lúc đó biên bản được
soạn, biên bản này công bố những gì chúng tôi đã tìm thấy và những gì vừa được
nói đến: “Một số lượng quý giá, chắc chắn vậy, nhưng trên thực tế khá khiêm tốn;
điều này không có gì lạ khi nghĩ tới khoảng thời gian dài đã trôi qua kể từ ngày
Đức cha François Pallu qua đời và kể từ cuộc chôn cất, với ký ức đáng kính.”
Các cha Dòng Đa Minh, với tư cách là đại diện của Đức cha Aguirre, đã ký tên,
và tôi ký tên sau đó, với tư cách là đại diện của Hội Thừa sai được thành lập
chủ yếu nhờ vị Giám mục vĩ đại; sau đó hòm được khóa lại chắc chắn và được trao
cho tôi, với cả chìa khóa, để được chuyển đến Phúc Châu và trao cho Đức cha
Aguirre, để ngài được biết nội dung và để ngài xác nhận tính xác thực[5]. Còn với phần mộ trống, người
ta đã lấp lại vào ngày hôm sau (như tôi đã nói) và giáo phận sẽ tiếp tục cẩn thận
và cung kính canh giữ, bằng việc dựng lên một cây thánh giá, đặt một dòng chữ
ghi nhớ nhắc tới việc chôn cất Đức cha Pallu vào năm 1685 và cuộc khai quật
ngày 05.08.1912.
V. TRỞ VỀ
PHÚC CHÂU VÀ HỒNG KÔNG (TỪ NGÀY 7 ĐẾN NGÀY 25.08.1912)
Khó khăn của hành
trình trở về Phúc Châu cũng giống như đi đến Mục Dương. Ngày Đại lễ Đức Mẹ Lên
Trời cận kề phải tạo cho cha Elladio, trước đây phụ trách Ké-sen, cơ hội thuận
lợi hỗ trợ cho nhà truyền giáo hiện tại là cha Michel Vila, nhằm chuẩn bị cho họ
đạo nhiệt thành này cử hành trọng thể cách thánh thiện lễ Đức Trinh nữ Maria rất
thánh cùng với sự khải thắng của Người. Vì thế, khi đặt lên thuyền của chúng
tôi di cốt quý báu của Đức cha Pallu và bia mộ đá, cha Michel Vila và tôi đã trở
lại Ké-sen vào chiều thứ tư. Còn một tuần nữa là đến ngày lễ; cha Elladio cũng
đến gặp chúng tôi ngay, và cả hai vị thừa sai ngồi tòa giải tội. Bầu khí thân
thương của tình gia đình lại tiếp tục cho đến chiều ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời,
ngày đó tôi dứt khoát rút lui khỏi đây bằng cùng con đường và cùng cách thức mà
tôi đã đến, và cũng cùng với vị Raphael rất tận tụy với tôi. Vào tối thứ sáu,
khi chúng tôi đến Sam-touy, không còn con tàu hơi nước nào ở bến cảng nhỏ và
chúng tôi đã e ngại phải dừng lại quá lâu. May mắn thay, ngay sáng hôm sau, có
hai con tàu hơi nước thả neo ở đó và chúng tôi sớm được biết chúng sẽ lên đường
đến Phúc Châu vào sáng ngày Chúa Nhật chứ không trễ hơn. Điều đó bảo đảm cho
chúng tôi rằng chúng tôi sẽ trở lại thủ phủ vào buổi chiều cùng ngày. Chúng tôi
cử hành thánh lễ rất sớm, con tàu được thông báo là phải nhổ neo khoảng 5 giờ
sáng, lúc bình minh; và chỉ ngay sau khi chúng tôi lên boong, con tàu Kong-moon khởi hành, đúng theo thời gian
đã định. Chỉ có Thiên Chúa biết chúng tôi sung sướng thế nào, hơn nữa trời hôm
đó có vẻ rất tốt. Một sự cố rất nhỏ, vốn cũng khá thường xuyên ở khu vực này,
báo hiệu cuộc trở lại của chúng tôi. Đi được nửa đường, giữa cửa Mân Giang và
thành phố Phúc Châu, tại một cảng nhỏ được gọi là Cảng Chùa hoặc là Pagoda
Anchorage (tức Mã Vĩ), vượt quá cảng này, những chiếc tàu hơi nước lớn hơn
không thể đi ngược lên được nữa, chuyện xảy ra là cả chiếc Kong-moon nhỏ bé của chúng tôi, vì thiếu nước phía dưới, nên cũng
không tiến lên được nữa! Vậy là phải hơi chậm lại chừng một tiếng rưỡi, và cuối
cùng, thủy triều dâng lên khiến chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình mà không còn
gặp trở ngại hoặc khó khăn nào thêm cho tới khi đến Phúc Châu.
Chiếc hòm quý giá được
bọc trong một tấm vải, để lúc ở trên thuyền và tàu hơi nước, người ta không thể
đoán được bên trong nó chứa đựng những gì, được chuyển ngay đến Tòa giám mục
cùng với bia mộ. Rồi vào sáng hôm sau, ngày 19.08, Đức cha Aguirre tiến hành thủ
tục chính thức nhận diện di cốt của Đức cha Pallu trước sự hiện diện của ba cha
Dòng Đa Minh và tôi, thể theo những điều ngài biết do truyền thống địa phương,
liên tục và không thay đổi, và theo những gì đã được ghi lại cho ngài trong
biên bản tại Mục Dương. Sau đó, theo những gì đã thỏa thuận trước, lúc tôi lên
đường đi lên phía bắc, ngài tách chính di cốt ra, bọc trong tấm vải lụa trắng
và đặt chúng vào chiếc hộp mà tôi đã đề cập ở trên. Ngài đóng hộp lại, bao
quanh nó bằng một sợi dây và đóng vào đó con dấu của địa phận. Sau khi đã nhận
diện cách chính thức những mảnh vụn khác, ngài đặt chiếc hộp này vào trong chiếc
hòm long não, khép lại như trước, rồi lại trao chiếc hòm cho tôi để tôi trao lại
cho Hội Thừa sai Hải ngoại, cho đích danh là cha Louis Boulanger, bề trên của
nhà Nazareth và là một trong những cha giáo sư của Chủng viện Thừa sai Hải ngoại.
Tuy nhiên vị Giám chức muốn chủ tọa một buổi kinh cầu hồn trọng thể cuối cùng
trong nhà thờ chánh tòa trước hài cốt của vị Giám mục vĩ đại của chúng ta; vào
lúc ngài mãi mãi rời khỏi mảnh đất Phúc Kiến hiếu khách này và địa phận mà ngài
đã điều hành. Vào tối thứ tư, tôi lên vẫn chiếc tàu Haitan, chiếc tàu đã đưa tôi đi từ Hồng Kông, năm tuần trước, và cuối
cùng vào buổi sáng Chúa Nhật sau đó, là ngày lễ cùng lúc kính Trái Tim Cực Sạch
Đức Trinh Nữ Maria Diễm Phúc và lễ kính Thánh Louis, vua nước Pháp, Đức cha
Pallu được chuyển tới Nhà Quản Lý, và liền sau đó, đến nhà Nazareth của chúng
tôi, trở về giữa gia đình Hội Thừa sai của ngài. Sự vắng mặt tạm thời của cha bề
trên nhà Nazareth khiến nghi lễ tôn giáo cuối cùng bị hoãn lại đôi chút; tiếp
sau nghi lễ, Đức cha Pallu, Giám mục hiệu tòa Héliopolis và là Vị Sáng lập
chính Hội Thừa sai Hải ngoại Paris thân yêu của chúng ta sẽ an nghỉ trong ngôi
mộ được lòng hiếu thảo của con cái ngài chuẩn bị sẵn sàng.
PHẦN KẾT
Trước khi kết thúc câu
chuyện này, thật chính đáng khi chúng tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Đức cha
Aguirre đáng kính và các thừa sai của ngài. Khi tôi nói lời giã từ Đức cha,
ngài đã nói với tôi: “Tôi rất hy vọng rằng Đức cha Pallu sẽ tiếp tục bảo vệ
Phúc Kiến trong tương lai, giống như ngài đã làm trong quá khứ.”
Vâng, thưa Đức cha, giống
như Đức cha, chúng con hy vọng điều đó, chúng con xác tín chắc chắn về điều đó,
ngài sẽ luôn tiếp tục, cùng với các Chân phước Tử đạo, các Đức Giám mục, với Đức
cha Phêrô Sanz, người vĩ đại nhất trong số những người kế vị ngài, và với các vị
Giám chức nhân đức khác giống như các ngài cho tới chính Đức cha, những người
đã dẫn dắt địa phận thân yêu của mình. Con xin nói, Đức cha Pallu sẽ tiếp tục bảo
vệ và chuyển cầu. Thưa Đức cha, giờ đây ngài mắc nợ Đức cha điều đó, vì Đức cha
đã trả ngài lại cho gia đình của ngài. Cùng với Vị Sáng lập thân yêu của mình,
Hội Thừa sai Hải ngoại chia sẻ nghĩa vụ, Hội cũng có bổn phận bày tỏ lòng biết
ơn của mình, bằng lời cầu nguyện cho những hoa trái dồi dào và sự phồn thịnh
trong thời Giám mục của Đức cha. Và cuối cùng, chính con, là người có phần việc
khiêm tốn trong biến cố này, con đã mắc một món nợ đối với Đức cha, thưa Đức
cha, cũng như với các nhà thừa sai đạo đức của phương Bắc, những người đã không
bỏ sót bất cứ điều gì có thể làm cho chuyến đi của con trở nên dễ dàng và hiệu
quả. Xin cám ơn người đã là Raphael của tôi, vừa bền bỉ, vừa tận tuỵ, cha
Elladio Lorenzo; cám ơn những người đã tiếp đón tôi trong những ngày hồng phúc
này tại Ké-sen và tại Mục Dương, các cha Vila, Pagès và Garcia (Silvestre).
Trong ngày lễ di chuyển
thi hài thánh Vinhsơn Phaolô (được Đức Giáo hoàng nhường lại cho Hội Dòng Thánh
Lazare), người ta đã nói rằng: “Tro bụi của vị Đại Thánh này hôm nay vẫn còn thở ra lòng bác ái vô song của ngài.” Đó
là mong ước tương tự mà tôi cũng muốn diễn đạt, như là lời cuối cùng của toàn
bài tường thuật này: Ước gì di cốt Đức Giám mục đáng kính của chúng ta và là Vị
Sáng lập chính, từ nay ở giữa chúng ta, vì lợi ích của tất cả chúng ta, cũng có
thể thở ra lòng nhiệt thành tông đồ
đáng ngưỡng mộ của ngài, rồi nhờ tiếp cận với lòng nhiệt thành này, mong sao
tâm hồn tất cả chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn sự cấp thiết và vẻ đẹp của lòng tận
tụy, là thứ chinh phục, hoán cải và cứu rỗi các linh hồn được gửi đến cho chúng
ta! Bất cứ ai đến nhà Nazareth hoặc nhà Béthanie, bất cứ ai được tôn vinh với
danh hiệu linh mục thừa sai, sẽ ghé qua Hồng Kông, đều có thể dễ dàng đến quỳ gối
bên di cốt quý giá này: ước gì người ấy kín múc được ở nơi đây những cảm xúc đã
thúc đẩy và nâng đỡ cho đến hơi thở cuối cùng Vị Giám mục đạo đức và là Đấng
Sáng lập của chúng ta: lòng hăng hái nhiệt thành không mỏi mệt đối với vinh
quang Thiên Chúa, tình yêu nồng cháy đối với Giáo hội, lòng bác ái dịu dàng và
tích cực đối với các linh hồn, và sự chăm sóc luôn tỉnh thức đối với sự thánh
hóa bản thân.
Ở đó, trong nhà nguyện
của chúng ta, và từ thâm sâu của ngôi mộ, Đức cha Pallu như là Người Công Chính
của Lề Luật cũ “defunctus adhuc loquitur”
- “người chết rồi vẫn lên tiếng” (Hr
11, 4b).
Lm. G. Guéneau, p.m.a
Ngày 7 tháng 9 năm 1912, Kinh chiều I
Lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 132 (Tháng 11 & 12 năm
2022)
WHĐ (09.02.2023)
[1] Tài liệu giáo xứ Saint-Saturnin tại Tours,
ngày 31.08.1626: Lễ rửa tội của François Pallu, con trai nhà quý tộc Étienne
Pallu, luật sư cố vấn của nhà vua tại pháp đình và ngai vị hoàng gia tại Tours,
và cô Marguerite Gaultier, rửa tội vào ngày 31 tháng 8 năm 1626. Cha đỡ đầu là
nhà quý tộc Jacques Gaultier, ngài de la Crousilière; mẹ đỡ đầu là cô Suzanne
Hardy, vợ của Jacques... quan giám mã, ngài de La Noue.
[2] Trong các tu sĩ Dòng Đa Minh liên lạc thường
xuyên với Đức cha Pallu, chúng tôi biết tới ba vị: cha François Varo đưa ra lời
chứng rất hay về Đức cha Pallu trong lá thư gửi cho các bề trên của ngài ở
Manilla, và ngôi mộ của cha cách ngôi mộ của Đức cha Pallu chỉ vài bước, vì
ngài qua đời tại Mục Dương vào năm 1687 trước khi nhận được sắc bổ nhiệm ngài
làm Giám mục Lindien; cha Trigueros; cha Magino Ventallol được bổ nhiệm làm
Giám mục Carysto và Đại diện Tông tòa Phúc Kiến, nhưng không chịu để tấn phong
và đã qua đời tại Quảng Đông năm 1732.
[3] Về cuộc trùng tu này chúng tôi xin trích lại ở
đây lá thư của cha Sautel là người khởi xướng cuộc trùng tu:
Lyon, Tu viện các cha Đa Minh, 91, rue Tête-d'Or, ngày
26 tháng 8 năm 1899.
“Trong thời gian lưu
lại ở Phúc Kiến, tôi đã rất muốn được biết về tình trạng mộ phần của Đức cha
Pallu, vì những gì tôi đã đọc về vấn đề này trong Các bức thư của Đức cha
Luquet. Trong năm cuối cùng của tôi ở xưởng tàu, năm 1873, tôi đã trao đổi thư
từ với cha Cristobal (Christophe) Pla nhận trách nhiệm của thị trấn Mục Dương
(trong xứ Muc-yong-ke) và ngài cho tôi biết những người ngoại đạo đã dần lấy những
dấu tích cuối cùng của ngôi mộ quý giá này. Hân hạnh được góp phần vào việc
trùng tu, tôi đã gửi ngay một món tiền để bắt đầu công việc. Thậm chí tôi đã hy
vọng viếng thăm những nơi này nhân cơ hội một chuyến du lịch đến vùng Phúc An,
nơi qui tụ những người Công giáo lâu đời nhất và đông dân nhất của Phúc Kiến;
nhưng khi đến gần Mục Dương, tôi được thông báo rằng những biến loạn bất ngờ xảy
ra trong thị trấn này làm cho việc tiếp cận trở nên nguy hiểm đối với người nước
ngoài và có thể làm ảnh hưởng đến những người theo đạo Công giáo, do đó đầy luyến
tiếc tôi đã buộc phải từ bỏ chuyến viếng thăm đạo đức này.
“Đức cha Caldéron, Đại diện Tông tòa Phúc Kiến và cha đáng kính Coltell, Đại diện giám tỉnh, cũng như cha Pla đã rất hài lòng điều hành công việc theo kế hoạch và đã hết lòng trợ giúp thực hiện công việc. Về việc trùng tu này, các ngài đã nhận được lời cám ơn hết sức trân trọng từ Hội Thừa sai Hải ngoại, là Hội nhận trang trải mọi chi phí của công việc.” (Thư đến cha Adrien Launay).
[4] Bia đá này đã được rửa sạch; người ta đã tẩy
hết các vết bẩn, sơn lại các ký tự bằng màu đỏ và có thể chụp ảnh tấm bia.
Tấm bia đá này có phải
chính là tấm bia mà người ta đã đặt khi xây cất ngôi mộ hay không? Sự việc có vẻ
làm chúng tôi nghi ngờ. Bởi vì vào thời kỳ đó, chữ khắc vốn không có dòng chữ
nói về việc trùng tu, nên không đối xứng, điều đó không hợp với thói quen của
người Trung Hoa; hơn nữa, trong Văn khố của Hội thừa sai Hải ngoại vol. 426, p.
455, một bản sao của chữ khắc (theo ký tự Rôma), có niên đại trước cuộc trùng
tu có ba dòng và những dòng này dường như được viết theo cách thể hiện các dòng
chữ của bia ký. Dòng thứ nhất bên phải, lẽ đương nhiên bắt đầu bằng chữ
Trong bản khắc hiện tại
có 5 dòng. người ta đã cắt đôi dòng thứ nhất bên phải thành hai dòng để có được
sự đăng đối và để hai dòng này có thể tương xứng với dòng đầu tiên bên phải (là
dòng chữ cổ) và dòng thứ hai bên trái mà người ta đã thêm vào để chỉ việc trùng
tu của ngôi mộ.
Các dòng chữ trên bia mộ Đức cha Pallu:
Hàng 1:
Hàng 2:
Hàng 3:
Hàng 4:
Hàng 5:
Phiên âm:
Hàng 1: HÚY TẾ CÁC
PHIẾM LAN TẾ Á QUỐC ĐỘ LUÂN PHỦ NHÂN NIÊN LỤC THẬP NHẤT TUẾ QUÝ HỢI niên
Hàng 2: NHẬP HOA VU
GIÁP TÍ NIÊN CỬU NGUYỆT CHẤP NHẤT NHẬT TUẤT TẠI MỤC THUỶ THÁNH ĐƯỜNG
Hàng 3: THÁI TÂY TƯ GIÁO
PHƯƠNG CÔNG TIÊN SINH MỘ
Hàng 4: QUANG TỰ NHỊ
NIÊN TỨ NGUYỆT TRUYỀN GIÁO SỰ KHÂU TU
Hàng 5: KHANH HI NHỊ
THẬP TAM NIÊN THẬP NHỊ NGUYỆT SƠ LỤC NHẬT MÔN NHÂN NHAN ĐANG ĐẲNG CHÍ.
Dịch nghĩa (chúng tôi, người dịch, sửa lại bản dịch này của tác giả):
Hàng 1 và 2: Tên huý
[Phan]xicô, người phủ Touraine, nước Pháp, 61 tuổi (thực ra Đức cha Pallu lúc đó ở tuổi 59), vào Trung Hoa năm Quý Hợi,
qua đời tại thánh đường Mục Thủy ngày 21 tháng 9 năm Giáp Tí.
Hàng 3: Mộ phần Thầy
Phương, Giám mục người châu Âu.
Hàng 4: Thừa sai Khâu
(tên Trung Hoa của cha Sautel) tu sửa vào tháng 4 năm thứ hai thời Quang Tự.
Hàng 5: Nhan Đang
cùng những môn đệ ghi nhớ vào ngày mùng 6 tháng 12 năm thứ 23 thời Khang Hy.
[5] Về biên bản Mục Dương chúng tôi đã làm thành
6 bản, trong đó 2 bản để lại tại hai nhà xứ địa phương; bản thứ 3 để tại Tòa
giám mục Phúc Châu; bản thứ 4 đặt trong hộp hài cốt nhỏ; còn 2 bản còn lại, một
bản để tại Văn khố của nhà Nazareth của chúng tôi, bản kia để tại Chủng viện Hội
thừa sai Hải ngoại. Bốn bản sau này gồm cả biên bản làm tại Phúc Châu và được Đức
cha Aguirre, ba cha Dòng Đa Minh và tôi ký vào (chú thích của M. Guéneau).