GP Nha Trang

01/12/2017

Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Nha Trang

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN NHA TRANG

Lần theo những dấu vết lịch sử theo dòng thời gian và đọc lại những chứng cứ xưa và nay về giáo phận Nha Trang, các tín hữu giáo phận Nha Trang luôn sống với tâm tình cảm tạ - tri ân Thiên Chúa, lòng hiếu kính các bậc hiền nhân về những giá trị vô cùng quí báu mà Thiên Chúa, qua các vị chủ chăn đã được gieo trồng, vun xới và gìn giữ bằng chính dòng máu tử đạo trên quê hương đất nước.

I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH

1. Tiền Tông Tòa: Thời kỳ chuẩn bị với những dấu ấn đức tin

Với chiến thắng của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần vào năm 1653, bờ cõi của Đàng Trong được mở rộng thêm từ đèo Cù Mông (Phú Yên) đến tận phía Bắc sông Phan Rang. Phủ Thái Khang và Diên Ninh đã được thiết lập sau chiến thắng này. Từ đó, một số giáo dân Công giáo gốc Nam sông Gianh, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đã di chuyển đến lập nghiệp, sinh sống rải rác tại một số nơi như Nha Ru – Gò Muồng (Ninh Hòa), Lâm Tuyền (Chợ Mới), Dinh Thủy (Tấn Tài). Họ thuộc số di dân được chúa Nguyễn đưa đi khai khẩn và trấn giữ những vùng đất mới. Những tín hữu này phải sống đạo cách âm thầm, kín đáo. Tuy không được các thừa sai thăm viếng và chăm sóc thường xuyên nhưng họ vẫn trung kiên với đời sống đức tin nơi gia đình, làng xóm. Đây có thể là một điểm lịch sử rất đặc thù của Giáo phận Nha Trang.

2. Thời Kỳ Tông Tòa: 300 năm đặt nền móng và bảo vệ đức tin

Qua Sắc chỉ Super Cathedram ban hành ngày 09.09.1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII bổ nhiệm Cha Phêrô Lambert de la Motte làm Giám mục hiệu tòa Beryte cai quản Giáo phận Đàng Trong và Cha Phanxicô Pallu, Giám mục Hiệu tòa Hélipolis cai quản Giáo phận Đàng Ngoài.

Sau 9 năm chờ đợi tại Ayuthaya – Thái Lan, ngày 01.09.1671 Đức cha Phêrô Lambert de la Motte với bốn linh mục tháp tùng là Cha Vachet, Cha Mahot, Cha Giuse Trang và Cha Luca Bền, đã đặt chân đến vùng đất mà ngài được ủy thác, và điểm đến đầu tiên chính là địa sở Chợ Mới (Lâm Tuyền) nằm bên bờ sông Cái, Nha Trang. Theo sử gia Francoise Fauconnet-Buzelin, Đức Cha Lambert đã đến đây vào ban đêm. Nhờ sự tổ chức của các Kitô hữu địa phương, ngài được giấu trong lưới đánh cá và cáng bằng võng đến một ngôi nhà nơi đang có các giáo dân quy tụ. Hơn 800 giáo dân lần lượt đến chào ngài và cũng trong dịp này, ngài đã ban phép Thêm sức cho khoảng 200 trẻ em cùng vài người lớn. Sau đó, Đức cha Lambert đã đi thăm và dâng thánh lễ cho khoảng 100 giáo dân vùng Ninh Hòa (Nha Ru) trước khi ngài lên đường đi Nước Mặn và Hội An.

Từ năm 1672, tại vùng đất Khánh Hòa ngày nay đã có hai linh mục là Cha Mahot (MEP) và Cha Luca Bền đặc trách công việc mục vụ, chăm lo đời sống tinh thần cho bà con giáo dân. Khoảng thời gian 1673 – 1674, đời sống đạo khá yên ổn, các cuộc bách hại tạm dừng, nên số người đón nhận Bí tích Rửa tội gia tăng đáng kể. Năm 1674 Đức Cha Lambert đã tăng cường cho giáo phận Đàng Trong ba linh mục: Cha Gabriel Bouchard, Cha Jean Courtaulin-thừa sai người Pháp, và Cha Manuel Bổn, người Việt. Năm 1676, Cha chính Courtaulin đã thành lập cộng đoàn Mến Thánh Giá tại Lâm Tuyền (Chợ Mới), sau đó mở nhà thương tại Hà Dừa, nhà mồ côi và dưỡng lão tại Gò Muồng. Lịch sử Công giáo vùng Nha Trang và Ninh Hòa còn lưu lại tên tuổi của một số chứng nhân đức tin, đã chết vì danh Chúa vào hậu bán thế kỷ XVII tại Ninh Hòa, như: ông Lôrensô Hoan, ông Antôn An, ông Inhaxiô Lữ, ông Phêrô Tam, bà Anê Bưởi và bà Agata Cư…

Vào thời Tây Sơn (1771-1777), tại Khánh Hòa và Ninh Thuận, đạo Công giáo không phát triển nhiều; một phần vì chiến tranh, phần khác vì thiếu nhân sự để rao giảng Tin mừng. Trong suốt thời kỳ này, chỉ có một mình Cha Martinô Phiên chăm sóc giáo dân cả hai tỉnh mà thôi. Xuyên suốt thế kỷ XVIII, đạo Công giáo ở vùng Khánh Hòa-Ninh Thuận gánh chịu cùng một số phận với toàn địa phận Đàng Trong: bị cấm cách, bắt bớ, chiến tranh loạn lạc nên người Kitô hữu phải chịu nhiều cuộc ly tán và sống trong âm thầm.

Thời vua Minh Mạng (1820 – 1841), Tự Đức (1847 - 1883) vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận thuộc giáo phận Tông tòa Đông Đàng Trong, giáo dân chịu nhiều bách hại với những cuộc lưu đày, phân tháp, sách nhiễu nặng nề. Đặc biệt, trong số các chứng nhân đức tin, tại Chợ Mới – Bình Cang có hai vị Tôi tớ Chúa là Giuse Hữu và Anê Dần tử đạo năm 1860 và hai nữ tu Tôi Tớ Chúa là Anna Trị và Anê Soạn bị bắt tại Dinh Thủy và tử đạo ở Phan Rí năm 1862.

Từ sau thời bắt đạo Văn Thân đến hết nửa đầu thế kỷ XX là thời gian mở mang, kiến thiết và xây dựng lại các nhà thờ tại Láng Mun (Tân Hội ngày nay), Phước Thiện, Cây Vông, Đại Điền, Mỹ Hoán, Vạn Giã…Đồng thời, khi con số giáo dân ngày càng tăng nhanh, nhiều giáo xứ mới đã được hình thành như Hộ Diêm, Gò Đền, Thanh Điền, Hòa Tân… Sau hiệp đinh Genève được ký kết (20.07.1954), hàng chục ngàn giáo dân từ khắp nơi đã di cư đến Khánh Hòa, thêm nhiều giáo xứ mới được thành lập ở Nha Trang và Cam Ranh như Phước Hải, Thanh Hải, Bắc Thành, Ba Làng, Tân Bình, Phú Nhơn, Xuân Ninh… Có thể nói, 300 năm lịch sử đã từng bước tạo nên nền móng vững chắc cho sự ra đời của Giáo phận Nha Trang ngày nay.

3. Giáo phận Nha Trang được thành lập và trở thành giáo phận chính tòa 

Với sắc chỉ Crescit Laetissimo ký ngày 05.07.1957, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ấn định lấy 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận (thuộc giáo phận Qui Nhơn) và Bình Thuận (thuộc giáo phận Sài Gòn) để thành lập giáo phận Tông tòa Nha Trang. Tân Giáo phận được cắt đặt dưới sự cai quản của Đức Cha Marcellô Piquet Lợi, nguyên Giám mục giáo phận Tông tòa Qui Nhơn từ năm 1943. Lễ Chúa Lên Trời, 15.05.1958, Đức ông Giuse Caprio, Nhiếp chính Khâm sứ Tòa thánh đã chủ sự nghi thức thành lập giáo phận Tông tòa theo luật định. Ngày 24.11.1960, Hàng Giáo phẩm Việt Nam được thành lập. Giáo phận Tông tòa Nha Trang trở thành Giáo phận Chính tòa. Do đó, ngày 23.06.1961 Đức cha Piquet nhận Tòa tại nhà thờ Chánh Tòa Kitô Vua, Nha Trang. 

Từ khi được thành lập giáo dân trong giáo phận đã gia tăng nhờ những giáo xứ mới thiết lập vào  những năm 1965-1975 do cuộc chiến ở miền Trung và những giáo xứ ở vùng sâu vùng xa từng là khu kinh tế mới sau năm 1975. Đến nay, hầu hết các thành phố, thị xã và huyện của hai tỉnh Khánh Hòa  và Ninh Thuận đều có các nhà thờ và một số cộng đoàn dòng tu. 

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

1. Địa lý

Giáo phận Nha Trang hiện nay gồm hai tỉnh: Khánh Hòa và Ninh Thuận, vì phần đất tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy được cắt khỏi giáo phận để thành lập giáo phận Phan Thiết vào ngày 30.01.1975. Phía đông giáp Biển Đông, Bắc giáp giáo phận Qui Nhơn (tỉnh Phú Yên), Tây Bắc giáp giáo phận Ban Mê Thuột (tỉnh Đăk Lăk), Tây Nam giáp giáo phận Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), và phía Nam giáp giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Dọc theo bờ biển vùng duyên hải Nam Trung bộ, giáo phận Nha Trang kéo dài khoảng 495 km với hơn 200 đảo lớn nhỏ và nhiều vịnh biển đẹp. Đất đai hai tỉnh chiếm khoảng 85% là đồi núi và đồng bằng ven biển chỉ chiếm khoảng 15%.

Theo thống kê Tòa Thánh hiện nay, diện tích của giáo phận Nha Trang là 9.486.25 km2. Tuy nhiên, diện tích của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận theo Tổng cục Thống kê Việt Nam là 8.576 km2. Lý do của sự khác biệt này là vì diện tích tỉnh Khánh Hòa có thay đổi sau năm 1975. Năm 1959 quận Khánh Dương (tỉnh Khánh Hòa) được thành lập từ một phần đất của quận M’Drăk (tỉnh Đăk Lăk) nhưng sau năm 1975, quận Khánh Dương được cắt khỏi tỉnh Khánh Hòa và sáp nhập vào huyện Krông Păk và nay là huyện M’Dăk thuộc tỉnh Đăk Lăk.

2. Dân số

Tính đến năm 2017, tổng dân số là 1.859.765 người trong đó có khoảng 200.000 người thuộc 31 dân tộc: Chăm (khoảng 70.000 người), Ralay (khoảng 110.000 người), Hoa, K’ho, Ê-đê, Tày, Nùng, Tring, Chu ru…?

Theo thống kê (2017), số giáo dân Công giáo là 220.000 tín hữu, trong đó có khoảng 11.000 giáo dân người dân tộc thiểu số, tại 9 giáo hạt và 110 giáo xứ. Giáo dân nhiệt thành trong đời sống đạo với cuộc sống làm ăn tương đối ổn định, tuy nhiên cũng có một số người trẻ và trung niên ở tỉnh Ninh Thuận phải đi làm ăn xa ở Sài Gòn và những khu công nghiệp thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. 

Hiện nay, giáo phận có một số đoàn thể với số lượng lớn hội viên như: Các Bà mẹ Công giáo, Legio Mariae, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Phan sinh Tại thế, Thiếu nhi Thánh thể ( có 2.113 giáo lý viên) và một số hiệp hội tại thế của dòng tu.

Ngoài ra, còn có các thành viên các Hội đồng mục vụ giáo xứ phụ giúp các cha quản xứ trong một số công việc điều hành, tổ chức cộng đoàn và các giáo lý viên giúp giảng dạy Chương trình giáo lý Phổ thông của giáo phận Nha Trang gồm 14 lớp từ Đồng cỏ non (4 tuổi) đến Vào đời (18 tuối).

3. Dòng tu

Giáo phận có 25 hội  dòng, đan viện và tu hội: Đan viện Carmel Chúa Kiô Vua Nha Trang (thành lập năm 1960), đan viện Xitô Thánh Mẫu Tâm Mỹ Ca (1934), hai dòng giáo phận là Khiết Tâm Đức Mẹ Nha Trang (1958) và Mến Thánh Giá (MTG) Nha Trang (1955), MTG Qui Nhơn, MTG Huế, MTG Đà Lạt, Carmel Thánh Giuse, Carmel Thánh Tâm, Con Đức Mẹ Đi Viếng, Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Nữ Vương Hòa Bình, Nữ La San, Đức Bà Truyền Giáo, Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ, Thánh Phaolô Thành Chartres,  Con Đức Mẹ Phù Hộ, Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn; các dòng nam: Phanxicô, Chúa Cứu Thế, Ngôi Lời, Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn, La San và hai tu hội đời: Thánh Tâm và Thừa Sai Chúa Giêsu.

III. NHÂN SỰ

1. Giám mục đương nhiệm: Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ

2. Các vị giám mục tiền nhiệm:

- Đức Cha Marcellô Piquet Lợi (1957-1966, +1966)

- Đấng Đáng Kính Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1967-1975, +2002)

- Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa (1975-2009, +2017)

- Đức Cha Phó Phêrô Nguyễn Văn Nho (1997-2003, +2003)

- Đức Cha Giuse Võ Đức Minh (2005 – 2022)

- Đức cha Giám quản Giuse Nguyễn Chí Linh (2022  2023)

3. Linh mục, chủng sinh và tu sĩ

Cuối năm 2017 giáo phận có 185 linh mục triều, 28 phó tế, 59 linh mục dòng, 895 tu sĩ (nam: 73; nữ: 822), 113 Đại chủng sinh và 60 chủng sinh dự tu.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

1. Đức Giám mục chính tòa: Đức Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ

2. Tổng Đại Diện: Đức Ông Giuse Lê Văn Sỹ

3. Đại diện Giám mục: Linh mục Giuse Nguyễn Bình An (miền Khánh Hòa) và Linh mục Giuse Võ Quý (miền Ninh Thuận)

4. Đại diện Tư pháp và Thẩm phán Tòa án hôn phối: Linh mục Gioan Baotixita Lê Ngọc Dũng

Để giúp giám mục điều hành giáo phận, Hội đồng linh mục đã được thiết lập ngay từ khi thành lập giáo phận theo qui tắc giáo luật. Hiện nay (nhiệm kỳ 2016 – 2019), Hội đồng này có 22 thành viên là các linh mục được bầu cử theo: giáo hạt, nhóm tuổi, dòng tu, do chức vụ hay được chỉ định. Ngoài ra, còn có Hội đồng tư vấn gồm 12 thành viên linh mục cố vấn cho Giám mục giáo phận và Ban kinh tế - tài chính để giúp quản lý tài sản của giáo phận.

Giáo phận có 20 ban dựa theo tổ chức của các Ủy ban thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Các ban này được xem như Hội đồng Mục vụ của giáo phận, có vai trò tổ chức các sinh hoạt mục vụ.

V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN

1. Nhà thờ chánh tòa với bổn mạng Chúa Kitô Vua: xây dựng năm 1928, khánh thành năm 1933, được nâng lên thành Nhà thờ Chánh tòa ngày 24.11.1960; Địa chỉ: 1A Thái Nguyên – Nha Trang.

2. Tòa Giám mục: xây dựng năm 1952 và được trùng tu nhiều lần và Trung tâm mục vụ, khánh thành năm 2013-2014, địa chỉ: 22 Trần Phú, thành phố Nha Trang.

3. Đại Chủng viện Sao Biển Nha Trang: thành lập năm 1991, tại 60 Lý Nam Đế - Nha Trang, là nơi đào tạo chủng sinh giáo phận Nha Trang và hai giáo phận lân cận là Qui Nhơn và Ban Mê Thuột. Ngoài ra, còn có Chủng viện Lâm Bích, thành lập năm 2007 tại Trung tâm Mục vụ, để đào tạo và chuẩn bị ơn gọi cho Đại Chủng viện Sao Biển.

4. Trung tâm hành hương: Đền Thánh Mẹ Nhân Lành tại thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Đền thánh được xây dựng và cung hiến ngày 14.12.2015 dịp khai mạc Năm Thánh Lòng thương xót tại giáo phận Nha Trang.

5. Nhà nghỉ dưỡng linh mục: cơ sở hiện nay tại 02 Hòn Chồng - Nha Trang, được xây mới và khánh thành ngày 19.03.2013.

VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO TIN MỪNG VÀ BÁC ÁI XÃ HỘI

Hiện nay, hoạt động mục vụ và loan báo Tin mừng quan tâm đến đời sống hôn nhân - gia đình, hướng đến mọi người chưa nhận biết Chúa đặc biệt là các anh chị em sắc tộc. Ban bác ái xã hội  được thành lập theo mô hình tổ chức của Hội Đồng Giám mục Việt Nam nhằm mục đích sống và thực thi Lời Chúa qua công việc bái ái, nổi bật là việc thăm viếng và trợ giúp những gia đình nghèo, neo đơn, các bệnh nhân, đặc biệt là những người và gia đình nhiễm HIV tại địa phương.

VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC

- Tòa Giám mục, 22 Trần Phú, Nha Trang

- E-mail: tgmntrang@gmail.com

- Điện thoại: 0258 3523 842

- Website của giáo phận: giaophannhatrang.org

Văn phòng TGM Giáo phận Nha Trang

(Trang web cập nhật ngày 27/8/2022)

TIN LIÊN QUAN
LỊCH PHỤNG VỤ