Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Long Xuyên

GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

I. LƯỢC SỬ GIÁO PHẬN

Giáo phận Long Xuyên trước đây lần lượt thuộc các Giáo phận: Đàng Trong (1679), Tây Đàng Trong (1844), Nam Vang (1850), Cần Thơ (1955). Cha José Garcia, đến Hà Tiên lần đầu, đã cùng với giáo dân Hà Tiên dựng nhà thờ mới vào năm 1735. Đến năm 1743, Đức cha Lefèbvre đến ban phép Thêm Sức cho 100 người tại Hà Tiên. Điều đó cho thấy vùng đất Long Xuyên được các thừa sai đến rao giảng Tin Mừng từ rất sớm.

Từ khi cha José Garcia nhận coi sóc họ đạo Chợ Quán và các tỉnh miền Tây, vùng Long Xuyên “chính thức” phát triển từ năm 1735. Năm 1745, cha José làm lại nhà thờ rộng lớn hơn và mở rộng nhà xứ cho 8 thừa sai ở. Theo cha Launay, năm 1747, các cha dòng Phanxicô phục vụ các tỉnh phía Nam có khoảng 5.500 giáo dân. Theo đề nghị của Đức Khâm sai Toà Thánh, năm 1749, tỉnh dòng Manila cử 8 linh mục sang Giáo phận Đàng Trong. Cha Pedro Medina được phân công coi sóc giáo hữu tại Hà Tiên. Từ năm 1750-1754, tại Hà Tiên có 5 cha dòng Phanxicô phục vụ. Cha José Garcia qua đời ngày 01/11/1761. Ngài là người có công lớn trong việc truyền giáo từ Sài Gòn đến Hà Tiên.

Năm 1769, Chủng viện thánh Giuse ở Hòn Đất được dời đến Pondichéry (Ấn Độ), cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) cùng đi với các chủng sinh. Ngài được tấn phong giám mục ngày 14/03/1774 tại Ấn Độ. Ngày 14/03/1776, Đức cha về Hà Tiên. Khi đó Hà Tiên có khoảng 1.000 giáo dân. Ngài lập thêm họ đạo Pi Nha Lu và di dời chủng viện. Đến năm 1778, Đức cha Bá Đa Lộc lại cho chuyển Chủng viện đến Tân Triều (Biên Hoà). Từ Hà Tiên, các cha Phanxicô đi tới Lào và Cao Miên để truyền giáo. Năm 1790-1800, các tỉnh miền Tây, Lào và Cao Miên được thêm 6 linh mục. Đến năm 1813, khi cha Bề trên ở Manila gọi hết các cha dòng Phanxicô về thì các tỉnh miền Tây đã có số giáo hữu với cơ sở vật chất khá vũng mạnh như: Bò Ót, Năng Gù, Cù Lao Giêng (nơi có các vị tử đạo, tiểu chủng viện, dòng Chúa Quan Phòng). Sau Công đồng Gò Thị, cha D. Lefèbvre Ngãi được tấn phong giám mục. Sau đó, ngài trở về Cái Nhum và tiếp tục phục vụ.

Năm 1850, theo đề nghị của Đức cha Lefèbvre Ngãi, Toà Thánh tách một phần đất thuộc giáo phận Tây Đàng Trong để thành lập Giáo phận Nam Vang (trọn phần đất Khơme), đặt Đức cha J. M. Miche Mịch coi sóc. Cuối năm 1833, dưới triều vua Minh Mạng, nhiều giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân chịu tra tấn và lưu đày. Từ đó đến năm 1885, do ảnh hưởng của phong trào Văn Thân, nhiều tín hữu đã dùng chính sự sống của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô tại Long Xuyên, nổi bật là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng (ông câu) đã chết vì đạo ngày 31/07/1859.

Năm 1938, An Giang có 4 giáo xứ, 30 giáo họ và 12.067 giáo dân; Kiên Giang có 3 giáo xứ, 18 giáo họ và 5.127 giáo dân; huyện Thốt Nốt (Cần Thơ) có giáo xứ Bò Ót gồm 1.807 giáo dân.

Ngày 24/11/1960, Đức Gioan XXIII ban sắc lệnh Christi Mandata thành lập giáo phận Long Xuyên gồm: tỉnh An Giang, Kiên Giang và một phần tỉnh Chương Thiện thuộc giáo phận Cần Thơ trong Tổng Giáo phận Sài Gòn và đặt Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm giám mục. Đức cha cai quản giáo phận từ năm 1960 và chính thức về hưu năm 1997, với khẩu hiệu “Christus In Vobis” (Đức Kitô trong anh em).

Trước cuộc di cư năm 1954, Giáo phận Long Xuyên chỉ có hơn 10 xứ đạo với khoảng 30.000 tín hữu, nhưng số giáo dân từ miền Bắc ào ạt đến định cư tại các vùng kênh đào ở Cái Sắn đã nâng số giáo dân lên rất nhanh, đồng thời cũng đặt ra nhiều yêu cầu mới về mọi mặt. Đức cha Micae đã tích cực giúp đỡ đồng bào di cư và làm cho Giáo phận phát triển mạnh. Theo Niên Giám năm 1964, Long Xuyên có 93.739 giáo dân trên tổng số 1.252.705 người, với 104 linh mục triều, 3 linh mục dòng, 185 nữ tu, 6 nam tu, 59 đại chủng sinh, 270 tiểu chủng sinh, 8 trường trung học, 78 trường tiểu học, 8 cơ sở bác ái từ thiện. Sau này một trong ba Tiểu Chủng Viện đã được nâng lên thành Đại Chủng Viện với tên gọi là Tôma nhưng rồi tất cả các cơ sở nói trên đã không còn nữa sau các biến động chính trị xã hội năm 1975, khi chính phủ giành lấy cho riêng mình công cuộc giáo dục và cả bác ái xã hội.

Ngày 30/04/1975, cha Gioan Baotixita Bùi Tuần được thụ phong giám mục với quyền kế vị. Ngài lấy khẩu hiệu giám mục cho mình là “Mandatum Novum” (Điều răn mới). Chính vì thế, ngài luôn dìu dắt con thuyền Giáo phận bằng tình yêu để vượt qua các sóng gió bão táp thời cuộc. Giáo phận Long Xuyên được coi là một giáo phận có mức phát triển ổn định so với các giáo phận khác vì đây là vùng đồng bằng ít bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh giữa 2 miền Nam-Bắc (1963-1975). Trong giai đoạn từ 1975-1985, nhiều người dân, trong đó có các tín hữu Công giáo, đã rời thành phố Hồ Chí Minh để tìm về vùng đất Long Xuyên hiền hoà lập nghiệp, thay vì đi vùng kinh tế mới.

Năm 1997, Đức cha Micae Ngữ nghỉ hưu và Đức cha Phó Gioan Baotixita Bùi Tuần lên làm Giám mục Chính toà. Đức cha tập trung cho việc đào tạo hàng linh mục của Giáo phận để trở thành những mục tử như lòng Chúa mong ước. Ngài đi nhiều nơi giảng dạy và có liên lạc thường xuyên với các viên chức đạo đời để chăm lo cho Giáo hội Việt Nam. Trong thời gian nghỉ hưu, ngài vẫn tiếp tục dùng các phương tiện truyền thông xã hội như báo chí để chia sẻ những suy tư của mình.

Ngày 29/06/1999, Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu được thụ phong giám mục và làm giám mục phó Giáo phận Long Xuyên. Ngày 02/09/2003, Đức cha J.B. Bùi Tuần nghỉ hưu và Đức cha Giuse lên làm Giám mục Chính toà. Qua khẩu hiệu “Ut Sint Unum” (Để tất cả nên một), ngài chú trọng vào việc tổ chức và đào tạo các thành phần giáo dân trong giáo phận cho nề nếp. Ngài lưu tâm đến việc thống nhất hoạt động của các hội đoàn, các phong trào giáo dân, làm sao để tất cả các hoạt động được đi vào quỹ đạo chung nhằm phúc vụ cho sự hợp nhất của Giáo phận trong việc làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người.

Ngày 29/05/2014, cha Giuse Trần Văn Toản được tấn phong làm giám mục phụ tá cho Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu và ba năm sau, ngày 25/08/2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ngài làm Giám mục Phó giáo phận với quyền kế vị. Mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận Long Xuyên rất hân hoan đón nhận tin vui này, đồng thời chúc tụng Thiên Chúa, an tâm vì Giáo phận chắc chắn có vị mục tử thứ tư tiếp nối sứ vụ chăm sóc các linh hồn sau ba vị mục tử tiên khởi. Các ánh mắt hy vọng, hiệp thông và cầu nguyện từ khắp mọi miền đang hướng về trái tim của Giáo phận, nơi có Đức Giám mục Phó với khẩu hiệu “Mea Gloria Est Crux Christi” (Vinh quang của tôi là thánh giá Chúa Kitô). Tương lai là của Chúa, nhưng sự kỳ vọng vào một tiền đồ giáo phận tươi đẹp và an bình luôn là mong ước và nỗ lực của mọi người, và người ta tin tưởng đặt nó nơi các giám mục kính yêu của mình, cụ thể bây giờ là nơi vị Giám mục Phó trẻ trung, tràn đầy nhuệ khí tông đồ.

Như đã nói ở trên, mặc dù các cơ sở giáo dục và từ thiện không còn từ sau 1975, tuy nhiên các giám mục và linh mục Giáo phận Long Xuyên trong bất kỳ hoàn cảnh nào,dù khó khăn, vẫn rất quan tâm đào tạo trí thức cho giáo dân cũng như huấn luyện hàng giáo sĩ. Ơn gọi tu trì cũng theo đó mà luôn phong phú nơi Giáo phận. Từ năm 1987, khi Đại Chủng Viện Cần Thơ được thành lập để đào tạo linh mục cho ba giáo phận Cần Thơ, Vĩnh Long và Long Xuyên, thì Giáo phận đều đặn gửi chủng sinh đến chủng viện, và giờ đây vẫn tiếp tục gửi đến các đại chủng viện và học viện khác, cả trong và ngoài nước. Ơn gọi sống đời thánh hiến cả nam và nữ đều hết sức dồi dào. Đây là một nét son và là ơn huệ đặc biệt Chúa ban cho Giáo phận. Tạ Ơn Chúa.

II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ

Giáo phận Long Xuyên có 9 Giáo hạt chạy dài theo hai tỉnh An Giang, Kiên Giang và hai quận huyện thuộc tỉnh Cần Thơ là Thốt Nốt và Vĩnh Thạnh với diện tích 10.256 km2. Địa giới có dãy Thất Sơn, với ngọn núi Cấm cao 716m ở tỉnh An Giang, giáp biên giới Campuchia. Long Xuyên có mạng lưới kinh rạch chằng chịt, ngoài ra còn có sông Hậu Giang, một nhánh của sông Mekong chảy qua địa bàn tỉnh An Giang, cùng với sông Cái Lớn đổ ra biển Rạch Giá thuộc Kiên Giang.

Tính đến cuối năm 2017, tổng số dân cư giáo phận Long Xuyên là 4.291.006 người. Đa số dân chúng làm nghề nông, nuôi trồng thuỷ sản và tiểu thủ công nghiệp (mộc, nuôi tằm, dệt lụa …). Số tín hữu Công giáo trong tỉnh An Giang chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, dưới 3% dân số trong tỉnh, còn nếu tính toàn thể Giáo phận thì số tín hữu nhích lên được gần 5% dân số (233.742). Sở dĩ số giáo dân tăng như vậy là vì có bốn giáo hạt vùng Cái Sắn, nơi tập trung rất đông người tín hữu Công giáo di cư từ miền Bắc.

An Giang cũng là nơi xuất phát nhiều tôn giáo đặc biệt của Nam Bộ như: Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hoà Hảo. Những tôn giáo này gắn liền với Thất Sơn, vùng núi huyền bí và linh thiêng. Ngoài ra còn có đạo Cao Đài và Hồi giáo. Con người nơi đây nổi tiếng hiền hòa, đặc trưng của miền Tây Nam Bộ. Họ sống hài hòa với thiên nhiên như lá cây ngọn cỏ của văn hóa miệt vườn, đồng bằng lúa nước. Tuy nhiên, nơi đây cũng không thiếu các anh hùng dân tộc, không vắng bóng các vị tử đạo anh dũng như lịch sử Giáo hội muôn đời ghi nhớ nơi họ đạo đầu nước.

Có nhiều sắc dân trong Giáo phận: người Kinh, người Hoa, người Khơme, người Chăm. Thành phố Châu Đốc và các khu vực giáp ranh biên giới Cambodia lân cận quanh dãy Thất Sơn huyền bí, là khu vực kết tinh cách dày đặc các nền văn hóa trên. Hàng năm, từ sau dịp Tết Cổ Truyền cho tới hết tháng 4 âm lịch, rất nhiều đoàn người từ khắp mọi miền đất nước trẩy về Châu Đốc du lịch và thể hiện các ước nguyện tâm linh nơi các đền đài và chùa miếu ở đây.

Nói tới địa phận Long Xuyên, người ta thường nghĩ ngay tới “đồng bằng miền tây lũ lụt đứng ngồi không yên”, nhưng đừng quên vùng Kiên Giang, một vùng duyên hải rộng lớn, nổi tiếng với địa danh Hà Tiên, Phú Quốc và cả trăm hòn đảo nhỏ làm nên một bức tranh xanh mướt hùng vĩ. Các tuyệt tác thiên nhiên hoang sơ đó ngày nay được nhiều người chú tâm thưởng lãm và tìm đến sinh sống. Ngày càng thêm các ngôi nhà thờ xinh xắn mọc lên tại các đảo cũng như trên các hòn lớn nhỏ khác trên vùng biển xinh đẹp này. Thành phố Rạch Giá đã chuyển mình hòa nhập vào xã hội phát triển hiện đại với khu lấn biển sầm uất. Dù số tín hữu rất nhỏ so với dân số ở đây, nhưng các đóng góp của người Công giáo lại thật đáng kể, đặc biệt trong lãnh vực giáo dục, y khoa cũng như trong thương nghiệp. Thành công này không thể không nhắc tới hướng đi giáo dục dúng đắn đã được khởi đi từ Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ và được các linh mục chính xứ hết tình quan tâm qua các thế hệ.

III. CÁC NƠI HÀNH HƯƠNG VÀ DU LỊCH

1. Trung tâm tôn giáo: nhà thờ Chính Toà Long Xuyên nổi bật giữa trung tâm thành phố, rất ấn tượng với kiến trúc tân kỳ của một tháp cao mang hình đôi tay đưa Thánh Giá vút cao lên bầu trời. Hai địa điểm kính viếng các vị tử đạo của giáo phận: linh mục Phêrô Ðoàn Công Quý và ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng, đặt tại Châu Ðốc và Cù Lao Giêng, trước đây gọi là họ đạo Đầu Nước và có các nhà thờ và tu viện khá cổ kính. Các nơi hành hương khác là: nhà thờ Đức Mẹ Cồn Trên, Đền thánh Giuse An Bình, Đài Đức Mẹ Tân Hiệp, và Nhà thờ Hòn Chông. Cồn Phước là nơi cất tiếng khóc chào đời và thời niên thiếu của cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Đền Thánh Vincentê ở Tân Hiệp cũng là điểm quen thuộc của rất nhiều người.

2. Danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử: Tỉnh An Giang có thành phố Long Xuyên yên ả, với các khu du lịch xanh của miền sông nước: như cù lao Ông Hổ, khu du lịch Óc Eo, rừng tràm Trà Sư. Thành phố Châu Đốc xinh đẹp nổi tiếng du lịch của dãy Thất Sơn huyền bí, Núi Sam với Chùa Bà. Núi Sập có Lăng Thoại Ngọc Hầu (1761-1829), người đào kênh Thoại Hà từ Long Xuyên đến Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế dài 90km. Chùa Tây An với Ðức Phật Thầy Tây An, Giáo tổ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tại Phú Tân có Thánh địa của Phật giáo Hòa Hảo. Miếu Bà Chúa Xứ có rất đông khách hành hương, đặc biệt vào Ngày Vía Bà (24-27 tháng 4 Âm Lịch) hằng năm. Ngoài ra, tỉnh An Giang còn có Núi Cấm và đồi Tức Dụp. Tỉnh Kiên Giang đang chuyển mình với nhiều hòn và đảo nhỏ thích hợp cho du lịch, hoà mình với thiên nhiên, và gần như còn vô danh với khách phương xa, và vẫn còn đó các điểm rạng danh là: biển Hà Tiên với Lăng Mạc Cửu, Ðông Hồ, Thạch Ðộng, Ðá Dựng, Mũi Nai, hang Tiền Hòn Chông, Bãi Dương, chùa Hang và hòn Phụ Tử. Và sau cùng, không thể không kể tới Đảo Ngọc Phú Quốc, nơi có có 99 ngọn núi và rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, nhiều đảo nhỏ xung quanh lý tưởng cho du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô, khám phá đảo hoang và dã ngoại.

3. Giáo phận Long Xuyên có một trụ sở đặt tại Phú Nhuận, Sài Gòn. Toà nhà này được ví như trạm dừng chân cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân Long Xuyên khi phải đi xa. Đây cũng là nơi thích hợp để hội thảo, tĩnh tâm và cầu nguyện, được các nhóm, các đoàn thể ưa thích.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO PHẬN

Giáo phận Long Xuyên có 9 giáo hạt, với số tín hữu là: 233.742 trong tổng số 4.291.006 người (tính đến 31/12/2017). Số linh mục là 297 (262 triều và 35 dòng). Có 64 nam tu sĩ và 466 nữ tu sĩ, 100 đại chủng sinh, 39 chủng sinh dự bị trong hàng trăm tu sinh, và 2.482 giáo lý viên. 

Toà Giám mục nằm trên bờ sông thanh bình gần cầu Hoàng Diệu. Đây là nơi ba vị giám mục đang cư ngụ : Đức cha chính Giuse Trần Xuân Tiếu, Đức cha phó Giuse Trần Văn Toản và Đức cha nghỉ hưu Gioan B. Bùi Tuần. Tại đây còn có các linh mục đang làm việc: 

-  Cha Tổng Đại Diện: Lm. Luy G. Huỳnh Phước Lâm

-  Cha Quản Lý Giáo Phận: Lm. Fx. Hoàng Đình Mai

-  Cha Chưởng Ấn TGM: Lm. Phêrô Nguyễn Đức Thắng

-  Cha Phó Chưởng Ấn: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Kiệt

-  Cha Phó Quản Lý TGM: Lm. Phêrô Lê Đức Hoàng

Trong khi đang chờ đợi chính phủ bàn giao lại Đại Chủng Viện Thánh Tôma để có thể có các sinh hoạt thích hợp với hoàn cảnh hiện nay, Toà Giám mục hoạt động như trung tâm mục vụ để tổ chức các khoá học tập và huấn luyện.

V. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC 

-  Địa chỉ TGM Long Xuyên: 80/1 Bùi Văn Danh, Phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang.

-  Điện thoại: 02963841903

-  Email: vptgmlx@gmail.com

-  Website: giaophanlongxuyen.org 

Văn phòng TGM Giáo phận Long Xuyên
Cập nhật ngày 31/12/2017