GIÁO TRIỀU ROMA TĨNH TÂM MÙA CHAY NĂM 2022
BÀI GIẢNG THỨ NHẤT: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Đức Hồng y Raniero Cantalamessa,
Giảng thuyết viên của Phủ Giáo hoàng
Ngày 11.3.2022
Trong số rất nhiều điều tệ hại mà đại dịch
Covid đã gây ra cho nhân loại thì cũng có ít nhất một tác động tích cực từ
cái nhìn đức tin. Đại dịch làm cho chúng ta ý thức được nhu cầu của chúng
ta đối với Bí tích Thánh Thể và sự trống rỗng mà việc thiếu vắng các Thánh lễ
đã tạo ra. Trong thời kỳ khốc liệt nhất của đại dịch vào năm 2020, tôi đã ấn tượng rất mạnh mẽ - và tôi nghĩ, còn có hàng triệu người Công giáo khác nữa
- cũng ấn tượng về ý nghĩa của việc tham dự Thánh lễ do Đức Thánh cha Phanxicô
cử hành tại nhà trọ thánh Mácta mỗi buổi sáng trên truyền hình.
Một số Hội thánh địa phương và một số quốc gia đã quyết định
dành năm nay cho việc học hỏi cách đặc biệt về Bí tích Thánh Thể, vì khao khát
có một sự phục hưng lòng yêu mến Thánh Thể trong Hội thánh Công giáo. Đối
với tôi, điều đó xem như là một quyết định đúng lúc hợp thời, và một mẫu gương
để noi theo, hầu làm nổi bật một số khía cạnh mà không phải lúc nào cũng được
xem xét. Do đó, tôi đã nghĩ đến việc đóng góp một phần nho nhỏ vào kế hoạch
này, đó là dành những suy tư của Mùa Chay này để diễn giải lại mầu nhiệm Thánh
Thể.
Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của tất cả các mùa phụng vụ,
của Mùa Chay cũng như các mùa khác nữa. Đó là điều mà chúng ta cử hành
hàng ngày, một lễ Phục sinh trong những ngày thường. Mỗi tiến bộ nhỏ trong
sự hiểu biết của nó đều trở thành sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng của
con người và của cộng đồng Hội thánh. Tuy nhiên, không may, bí tích Thánh
Thể cũng là điều rất có thể - vì tính lặp đi lặp lại - trở thành thông lệ, được
coi là điều hiển nhiên. Thánh Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Hội thánh
từ Thánh Thể - Ecclesia de Eucharistia,
tháng 4 năm 2003, đã nói rằng các Kitô hữu phải tái khám phá và duy trì sự sống
động của “sự sùng mộ Thánh Thể”. Những suy tư của chúng ta muốn phục vụ mục
đích đó, nghĩa là khơi lại sự ngạc nhiên trước Bí tích Thánh Thể.
Nói về Bí tích Thánh Thể trong thời gian của đại dịch, và
cũng như hiện nay, với sự khủng khiếp của cuộc chiến tranh đang xảy ra trước mắt
chúng ta, không phải là để trừu tượng hóa chúng ta khỏi thực tại đầy kịch tính
mà chúng ta đang phải trải qua, nhưng là một sự trợ giúp để nhìn nó từ một quan
điểm cao hơn và ít bất ngờ hơn. Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện trong lịch sử
của sự kiện đã vĩnh viễn đảo ngược vai trò giữa kẻ chiến thắng và nạn nhân.
Trên thập giá, Đức Kitô đã biến nạn nhân thành người chiến thắng đích thực: “Victor quia victima”, thánh Augustinô đã
định nghĩa: Đức Kitô là Đấng chiến thắng vì chính Người đã là nạn nhân. Bí tích
Thánh Thể cung cấp cho chúng ta chìa khóa đích thực để đọc lịch sử. Nó bảo đảm đảm
bảo với chúng ta rằng Chúa Giêsu hằng ở cùng chúng ta, không phải chỉ trong ý
hướng, mà Người còn thực sự hiện diện trong thế giới của chúng ta, một thế giới
dường như tuột khỏi tay chúng ta bất cứ lúc nào. Đức Giêsu đã lặp lại với chúng
ta rằng: “Hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian!” (Ga 16,33).
Bí tích Thánh Thể
trong Lịch sử Cứu độ
Hãy bắt đầu với một câu hỏi: Bí tích Thánh Thể chiếm vị trí
nào trong lịch sử cứu độ? Câu trả lời sẽ là: Bí tích Thánh Thể không chỉ chiếm
một vị trí nào, nhưng là chiếm tất cả lịch sử cứu độ! Bí tích Thánh Thể đồng
hành cùng lịch sử cứu độ. Tuy nhiên, Thánh Thể hiện diện theo ba chiều
kích khác nhau, trong ba thời điểm, hay giai đoạn khác nhau của lịch sử cứu độ:
Thánh Thể hiện diện trong Cựu Ước như một biểu tượng; hiện diện trong Tân Ước
như một sự kiện, và hiện diện trong Hội thánh ngày nay như một bí tích. Biểu
tượng thì phỏng đoán và chuẩn bị cho một sự kiện, còn bí tích thì “kéo dài” và
hiện thực hóa sự kiện.
Như tôi đã nói, trong Cựu Ước, Thánh Thể hiện diện như một “biểu
tượng”. Một trong những biểu tượng này là Man-na; một biểu tượng khác là sự hy
sinh của Menkixêđê, và một hình tượng khác nữa là việc sát tế Isaác. Trong Bài
Thánh ca Lauda Sion Salvatorem, được
thánh Tôma Aquinô sáng tác cho ngày lễ “Corpus Domini – Mình Máu Thánh Chúa”,
chúng ta hát rằng: “Được báo trước trong các hình tượng: bị sát tế nơi Isaac,
được chỉ ra trong hiến tế chiên vượt qua, được trao cho các tổ phụ như man-na: In figúris præsignátur, / cum Isaac
immolátur: /agnus paschæ deputátur: /datur manna pátribus”. Như những
hình ảnh của Bí tích Thánh Thể, thánh Tôma gọi những nghi thức này là “các bí
tích của Luật cũ”.
Với sự xuất hiện của Đức Kitô và mầu nhiệm sự chết và sống lại
của Người, Bí tích Thánh Thể không còn hiện diện như một hình ảnh, mà là một sự
kiện, như một thực tại. Chúng ta gọi nó là một “sự kiện” bởi vì nó là một
điều gì đó đã xảy ra trong lịch sử, một sự kiện duy nhất trong thời gian và
không gian, chỉ diễn ra một lần (semel)
và không thể lặp lại, Đức Kitô “vào thời kết thúc thời gian, Người đã xuất hiện
chỉ một lần, để tiêu diệt tội lỗi bằng việc hiến tế chính mình.” (Hr 9,26).
Cuối cùng, như tôi đã nói, trong Hội thánh ngày nay, Thánh
Thể hiện diện như một bí tích, nghĩa là, trong dấu chỉ bánh và rượu, do Chúa
Kitô thiết lập. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu rõ sự khác biệt giữa
sự kiện và bí tích: trong thực tế, sự khác biệt giữa lịch sử và phụng vụ. Chúng
ta hãy để thánh Augustinô giúp chúng ta.
Vị thánh tiến sĩ thánh thiện này đã nói cho chúng ta, biết và
tin tưởng với đức tin rất chắc chắn rằng, Đức Kitô chỉ chết một lần cho chúng
ta, Đấng công chính chết thay cho kẻ tội lỗi, Đấng là Chủ chết thay cho các đầy
tớ. Chúng ta hoàn toàn biết rằng, điều này chỉ xảy ra một lần; và tuy
nhiên, Tiệc Thánh định kỳ làm mới lại nó, như thể những gì lịch sử tuyên bố chỉ
xảy ra một lần được lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, sự kiện và bí tích không
đối lập với nhau, như thể bí tích là ngụy biện và chỉ có sự kiện là
đúng. Trên thực tế, điều mà lịch sử tuyên bố đã xảy ra, chỉ một lần, bí
tích này thường canh tân (renovat) việc
cử hành trong tâm hồn các tín hữu. Lịch sử tiết lộ những gì đã từng xảy ra
và nó đã xảy ra như thế nào, phụng vụ đảm bảo rằng quá khứ không bị lãng quên;
không phải theo nghĩa làm cho sự kiện xảy ra một lần nữa (non faciendo), nhưng theo nghĩa cử hành sự kiện đó (sed celebrando).
Việc chỉ rõ mối liên hệ tồn tại giữa hy tế duy nhất trên thập
giá và Thánh lễ là một điều rất tế nhị và luôn là một trong những điểm gây bất
đồng lớn nhất giữa người Công giáo và người Tin lành. Như chúng ta đã thấy, thánh
Augustinô sử dụng hai động từ: canh tân và cử hành, điều này hoàn toàn chính
xác, với điều kiện là động từ này được hiểu dưới ánh sáng của động từ kia:
Thánh lễ canh tân biến cố thập giá bằng cách cử hành nó (chứ không phải bằng
cách nhắc lại nó), và cử hành biến cố ấy bằng cách canh tân nó (không phải bằng
cách chỉ nhắc lại nó). Từ ngữ mà ngày nay đạt được sự đồng thuận đại kết lớn nhất,
có lẽ là động từ “rappresentare” - tái
diễn (cũng được thánh Phaolô VI dùng trong Thông điệp Mysterium Fidei - Mầu Nhiệm Đức Tin), được hiểu theo nghĩa mạnh là hiện
tại hóa, nghĩa là làm hiện diện lại. Theo nghĩa này, chúng ta nói rằng Thánh Thể
“tái diễn” thập giá.
Do đó, theo lịch sử, chỉ có một hy tế Thánh Thể, là hy tế do
Đức Giêsu thực hiện cùng với sự sống và cái chết của Người; nhưng mặt khác,
theo phụng vụ, tức là nhờ Bí tích Thánh Thể mà có biết bao các hy tế Thánh Thể
đã được cử hành và sẽ được cử hành cho đến ngày tận thế. Sự kiện đó chỉ diễn ra
một lần (semel), còn bí tích thì diễn
ra “mọi lúc” (quotiescumque). Nhờ bí
tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những người đương thời với sự kiện một cách
mầu nhiệm; sự kiện hiện diện với chúng ta và chúng ta có mặt tại sự kiện.
Những suy tư Mùa Chay của chúng ta sẽ có đối tượng là Bí
tích Thánh Thể trong giai đoạn hiện tại, nghĩa là, như một bí tích. Trong Hội
thánh cổ xưa, có một cách dạy giáo lý đặc biệt, được gọi là mystagogic - giáo
lý về mầu nhiệm, do các giám mục đảm trách và được giảng dạy sau khi rửa tội,
chứ không phải trước khi được rửa tội. Mục đích của nó là trình bày cho người
tân tòng hiểu được ý nghĩa của các nghi thức được cử hành và chiều sâu của các
mầu nhiệm đức tin: rửa tội, thêm sức hoặc xức dầu, và đặc biệt là Bí tích Thánh
Thể. Những gì chúng ta định làm là một bài giáo lý sư phạm nho nhỏ về Bí tích
Thánh Thể. Để giữ được bản chất bí tích và nghi lễ của bí tích nhiều nhất có thể,
chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của Thánh lễ trong ba phần — phụng vụ Lời
Chúa, phụng vụ Thánh Thể và hiệp thông—, thêm vào đó là suy tư ở phần cuối về
việc tôn thờ Thánh Thể ngoài thánh lễ.
Phụng vụ Lời Chúa
Trong thời Hội thánh sơ khai, phụng vụ Lời Chúa được tách ra
khỏi phụng vụ Thánh Thể. Theo sách Công vụ Tông đồ, “ngày ngày, các môn đệ tất
cả cùng nhau chuyên cần đến Đền thờ”. Tại đó, họ nghe đọc Sách Thánh, đọc các
bài Thánh vịnh và lời cầu nguyện cùng với những người Do Thái khác; họ đã
làm những gì được thực hiện trong phụng vụ Lời Chúa; rồi họ tụ tập riêng tại
nhà mình để “bẻ bánh”, tức là cử hành Bí tích Thánh Thể (x. Cv 2,46).
Tuy nhiên, thực hành này sớm trở nên bất khả thi vì sự thù địch
của các nhà chức trách Do Thái đối với họ, và vì lúc đó Kinh Thánh đã có một ý
nghĩa mới đối với họ, tất cả đều hướng về Đức Giêsu Kitô. Do đó, việc nghe Kinh
Thánh cũng đã chuyển từ đền thờ và hội đường đến những nơi thờ phượng của các
Kitô hữu, dần dần mang đặc điểm dáng dấp của phụng vụ Lời Chúa hiện nay trước
kinh nguyện Thánh Thể. Trong mô tả về việc cử hành Thánh Thể do thánh
Giút-ti-nô thực hiện vào thế kỷ thứ hai, không chỉ phụng vụ Lời Chúa là một phần
thiết yếu của Thánh lễ hiện nay, mà các bài đọc của Cựu Ước lúc đó đã được nối
kết với điều mà thánh nhân gọi là “hồi ký của các Tông đồ”, tức là các sách Tin
Mừng và các Thư của Tân Ước.
Được lắng nghe trong phụng vụ, các bài đọc Sách Thánh có một
ý nghĩa mới và mạnh mẽ hơn so với khi chúng được đọc trong các bối cảnh
khác. Mục đích của việc lắng nghe trong phụng vụ không phải là để hiểu rõ
hơn về Kinh Thánh, như khi chúng ta đọc ở nhà hoặc trong lớp học Kinh Thánh, nhưng
để nhận ra Đấng hiện diện trong việc bẻ bánh, để soi sáng mỗi lần một khía cạnh
cụ thể của mầu nhiệm đang được tiếp nhận. Điều này xuất hiện, gần như theo
hành trình của hai môn đệ trên đường Emmaus. Chính nhờ lắng nghe lời giải
thích của Sách Thánh mà lòng các ông bắt đầu bừng cháy lên, để rồi họ có thể nhận
ra Người “khi Người bẻ bánh” (Lc 24,1tt). Lời Chúa Giêsu Phục Sinh chính là
“Phụng vụ Lời Chúa” đầu tiên trong lịch sử Hội thánh!
Đặc điểm thứ hai: trong Thánh lễ, các lời và các đoạn Sách
Thánh không chỉ được thuật lại, mà còn được kể lại; ký ức trở thành hiện
thực và hiện hữu. Điều gì đã xảy ra “lúc đó” thì cũng xảy ra “ngay vào lúc
này”, “ngày hôm nay” (hodie), như phụng
vụ vẫn thường diễn đạt. Chúng ta không chỉ là người nghe Lời Chúa, mà còn
là người đối thoại và tác nhân trong đó. Đó là đối với chúng ta, hiện diện
ở đó, rằng Lời Chúa được diễn giải; chúng ta được mời gọi để đặt mình vào
vị trí của những nhân vật trong câu chuyện của Sách Thánh gợi lên.
Một số ví dụ sẽ giúp hiểu rõ hơn. Khi chúng ta đã đọc,
trong bài đọc thứ nhất, đoạn Thiên Chúa nói với Môsê từ trong bụi cây đang cháy
(x. Xh 3), thì trong Thánh lễ, chúng ta đang đứng trước bụi cây đang cháy thật
... Khi khác, chúng ta nghe nói về việc ngôn sứ Isaia nhận trên môi mình một
viên than hồng đang cháy để thanh tẩy ông cho sứ mệnh của mình (x. Is 6), thì chúng
ta sắp nhận được than đang cháy thật trên môi chúng ta, ngọn lửa mà Đức Giêsu,
Đấng đã mang đến thế gian, để cho lửa đó bùng lên (x. Lc 12,49). Khi chúng ta đọc
cách ngôn sứ Êdêkien được mời ăn cuộn cuộn sách (Ed 2,8; 3,3), thì chúng ta cũng
sắp được ăn Đấng là Ngôi Lời nhập thể, và giờ đây trở thành tấm bánh.
Điều này càng trở nên rõ ràng hơn nếu chúng ta chuyển từ Cựu
Ước sang Tân Ước, từ bài đọc thứ nhất cho đến bài Tin Mừng. Người phụ nữ bị
băng huyết chắc chắn sẽ được chữa lành nếu bà ấy có thể chạm vào vạt áo choàng
của Đức Giêsu: còn chúng ta, những người sắp chạm vào gấu áo choàng của Người
thì sao? Có lần tôi nghe đoạn Giakêu trong Tin Mừng và tôi bị ấn tượng bởi
“sự liên hệ” tới tôi. Tôi là Giakêu; những lời này đã được nói cho chính
tôi: “Hôm nay Ta phải lưu lại nhà con”; và khi tôi rước lễ, tôi có thể nói một
cách chân thật rằng: “Người đã đến nhà kẻ tội lỗi”, và đến lượt Người, chính Chúa
Giêsu nói với tôi rằng: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (x. Lc 19,5-9).
Vì vậy, đúng với từng chi tiết của bài Tin Mừng. Làm sao
trong thánh lễ chúng ta không nhận ra điều mà Đức Giêsu nói với người bại liệt
rằng: “Tội con đã được tha” và “hãy trỗi dậy và bước đi” (x. Mc 2,5.11); hoặc
với việc ông Simêon ôm Hài Nhi Giêsu trên tay (x. Lc 2,27-28); hay cùng
Tôma chạm vào vết thương của Thầy (Ga 20,27-28)? Vào Chúa Nhật thứ II Mùa Thường
Niên của chu kỳ Phụng vụ năm nay, có đoạn Tin Mừng, trong đó Đức Giêsu nói với
người bị bại tay: “Anh giơ tay ra! Người ấy giơ ra, và tay anh liền trở lại
bình thường” (Mc 3,5). Chúng ta không có một bàn tay bị liệt; tuy nhiên, tất cả
chúng ta, ít nhiều đều có tâm hồn tê liệt, trái tim khô héo. Chính là với chúng
ta, những người nghe Lời Chúa, mà Chúa Giêsu nói vào lúc đó: “Hãy giơ tay ra!
Hãy mở rộng tâm hồn mình ra trước mặt Thầy đây, với niềm tin và sự sẵn sàng của
người bại liệt đó!”
Lời Chúa được công bố trong phụng vụ tạo ra những hiệu quả
vượt trội hơn bất kỳ lời giải thích nào của loài người, theo cách thức của các
bí tích tạo ra ý nghĩa của chúng. Các văn bản được Thần Khí linh ứng cũng
có khả năng chữa lành. Hội thánh mời gọi thừa tác viên, sau khi đọc xong bài
Tin Mừng thì hôn Sách Thánh và đọc rằng: "Nhờ những Lời Tin Mừng vừa đọc,
xin Chúa xóa tội chúng con" (Per
evangelica dicta deleantur nostra Delicta).
Trong suốt lịch sử của Hội thánh, những sự kiện mang tính lịch
sử đã xảy ra do việc lắng nghe các bài đọc Lời Chúa trong Thánh lễ. Một ngày nọ,
một chàng thanh niên nghe đoạn Tin Mừng, trong đó Chúa Giêsu nói với người
thanh niên giàu có rằng: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của
anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến
theo tôi.” (Mt 19,21). Anh cảm thấy rằng lời này đang được nói với riêng mình, vì
vậy anh về nhà, bán tất cả những gì mình có và rút lui vào sa mạc. Tên của con người
đó chính là thánh Antôn Viện phụ, vị tổ phụ của tu trào đan tu trong Hội thánh.
Nhiều thế kỷ sau, một thanh niên khác, sau khi được hoán cải,
bước vào một nhà thờ cùng với một người bạn đồng hành của anh ta. Trong
bài Tin Mừng hôm đó, Đức Giêsu nói với các đệ rằng: “Anh em đừng mang gì đi đường,
đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo” (Lc 9,3).
Ngay lập tức chàng thanh niên đó quay sang người bạn đồng hành của mình và nói:
“Anh có nghe thấy điều đó không? Đây là điều mà Chúa muốn chúng ta làm”. Và do
đó bắt đầu khai sinh ra dòng Phanxicô.
Phụng vụ Lời Chúa là nguồn mạch tốt nhất để làm mới Thánh lễ
trong mỗi lần cử hành. Vì thế, tránh bài giảng đơn điệu, làm cho người trẻ nhàm
chán. Tuy nhiên, để điều này xảy ra, chúng ta phải đầu tư nhiều thời gian và sự
cầu nguyện hơn trong việc chuẩn bị bài giảng. Các tín hữu phải có thể hiểu rằng
Lời Chúa chạm đến những tình huống thực tế của cuộc sống và là Lời duy nhất có
câu trả lời cho những vấn đề quan trọng mang tính hiện sinh.
Có hai cách để chuẩn bị một bài giảng. Người ta có thể ngồi
xuống bàn và chọn chủ đề dựa trên kinh nghiệm và kiến thức của mình; sau đó,
một khi bản văn đã được chuẩn bị, hãy quỳ gối và cầu xin Thiên Chúa ban Thánh
Thần vào bài giảng của bạn. Đó là một phương pháp tốt, nhưng nó không phải là ngôn
sứ. Nhưng để trở thành ngôn sứ cần phải thực hiện bước ngược lại: đầu tiên cần
phải quỳ gối hỏi Chúa đâu là Lời mà Người muốn vang lên cho dân Người. Thiên
Chúa đều có Lời của Người cho mỗi trường hợp, và Người không thể không mặc khải
cho thừa tác viên của Người, nếu họ khiêm tốn cầu xin. Ban đầu, không có gì
khác hơn là một sự hoán cải con tim, một chút ánh sáng lóe lên trong tâm trí bạn,
một lời trong Sách Thánh thu hút sự chú ý của bạn và làm sáng tỏ một tình huống.
Lời đó dường như chỉ là một hạt giống nhỏ, nhưng nó chứa đựng những gì mọi người
cần nghe vào thời điểm đó.
Sau đó, bạn ngồi vào bàn, mở sách, tham khảo các ghi chú, thu
thập và sắp xếp ý tưởng của mình, tham khảo ý kiến của các Giáo phụ, các bậc thầy,
đôi khi là các thi sĩ nữa, nhưng giờ đây, Lời Chúa không còn phục vụ cho việc học
của bạn nữa, mà việc học hỏi của bạn là để phục vụ Lời Chúa. Chỉ bằng cách này,
Lời Chúa mới biểu lộ sức mạnh nội tại được ban.
Hoạt động của Chúa
Thánh Thần
Nhưng phải nói thêm một điều: chỉ chú ý đến Lời Chúa thôi thì
chưa đủ. “Sức mạnh từ trên cao” phải đổ xuống. Trong Bí tích Thánh Thể, tác động
của Chúa Thánh Thần không chỉ giới hạn trong giây phút truyền phép, mà còn là lời
kinh được đọc trước đó. Sự hiện diện của Người cũng không thể thiếu đối với Phụng
vụ Lời Chúa, và như chúng ta sẽ thấy, còn đối với phần rước lễ nữa.
Trong Hội thánh, Chúa Thánh Thần tiếp tục hành động của Đấng
Phục Sinh, Đấng, sau Phục Sinh, đã “khai mở tâm trí các môn đệ để hiểu Sách Thánh”
(x. Lc 24,45). Hiến chế Dei Verbum của
Công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Sách Thánh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần,
thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Thánh Thần” (DV, 12). Trong Phụng
vụ Lời Chúa, tác động của Chúa Thánh Thần được thực hiện qua sự xức dầu thiêng
liêng hiện diện nơi người nói và người nghe.
Do đó, Chúa Giêsu đã chỉ ra cho biết lời được công bố lấy sức
mạnh của nó từ đâu. Sẽ là sai lầm nếu chỉ dựa vào việc xức dầu mang tính bí
tích mà chúng ta đã lãnh nhận một lần và mãi mãi trong việc truyền chức linh mục
hoặc giám mục. Điều này cho phép chúng ta thực hiện một số hành động thiêng
liêng, chẳng hạn như cai quản, rao giảng và cử hành các bí tích. Có thể nói, nó
cho chúng ta quyền để làm những điều đó, nhưng không nhất thiết cho chúng ta uy
quyền mà người ta nhận thấy khi Chúa Giê-su giảng dạy; nó đảm bảo cho chúng ta
sự kế vị các tông đồ, nhưng không nhất thiết đảm bảo cho chúng ta sự thành công
trong việc tông đồ.
Nhưng nếu sự xức dầu được ban bởi sự hiện diện của Thánh Thần
và đó là ân sủng của Người, thì chúng ta có thể làm gì để có được điều đó? Trước
hết, chúng ta phải bắt đầu từ xác tín này: “Chúng ta đã nhận được sự xức dầu từ
Đấng Thánh”, thánh Gioan bảo đảm với chúng ta (1Ga 2,20). Đó là, nhờ phép rửa tội
và thêm sức - và, đối với một số người, bí tích truyền chức linh mục hoặc giám
mục - chúng ta đã có được sự xức dầu. Thật vậy, theo giáo lý Công giáo, các bí
tích ấy đã in sâu vào tâm hồn chúng ta một ấn tích không thể xóa nhòa, giống
như một dấu ấn hay một ấn tín. Thánh Phaolô viết: “Đấng củng cố chúng tôi cùng
với anh em trong Đức Kitô và đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa.
Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta
làm bảo chứng” (2Cr 1,21-22).
Tuy nhiên, việc xức dầu thánh này giống như một lọ dầu thơm
được đậy kín: Dầu sẽ không toả hương thơm nếu lọ chứa dầu không được vỡ ra. Đây
là điều đã xảy ra với cái bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng do người phụ nữ
trong Tin Mừng đã đập vỡ ra, làm cho cả nhà sực hương thơm (Mc 14,3). Đây là phần
việc của chúng ta trong việc xức dầu. Việc tạo ra dầu không tùy thuộc vào chúng
ta, nhưng việc loại bỏ các chướng ngại ngăn cản hương thơm dầu tỏa ra thì tùy
thuộc vào chúng ta. Không khó đối với chúng ta để hiểu ý nghĩa của việc làm vỡ
chiếc bình bạch ngọc. Cái bình là nhân tính của chúng ta, là bản ngã của chúng
ta, đôi khi là chủ nghĩa duy lý trí khô cằn của chúng ta. Phá vỡ nó đồng nghĩa
với việc đặt mình vào trạng thái hoàn toàn quy phục Chúa và chống lại thế gian.
May mắn thay cho chúng ta, không phải mọi thứ đều phụ thuộc
vào nỗ lực khổ chế cá nhân. Trong trường hợp này, đức tin, lời cầu nguyện và sự
van xin khiêm tốn có thể làm được nhiều điều. Do đó, hãy xin xức dầu trước khi
bắt đầu rao giảng hoặc đưa ra các hành động quan trọng trong việc phụng sự Nước
Chúa. Khi chúng ta chuẩn bị cho việc đọc Tin Mừng và bài giảng, Phụng vụ khiến
chúng ta cầu xin Chúa thanh tẩy tâm hồn và môi miệng của chúng ta để có thể
công bố Tin Mừng một cách xứng đáng. Tại sao đôi khi không dám thưa lên (hoặc
ít nhất là tự suy nghĩ trong lòng) rằng: “Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin hãy xức
dầu con tim và tâm trí con, để con có thể công bố Lời Chúa bằng sự ngọt ngào và
quyền năng của Thánh Thần”?
Việc xức dầu không chỉ cần thiết để người rao giảng công bố Lời
Chúa một cách hữu hiệu, mà còn cần thiết cho người nghe. Thánh sử Gioan đã
viết cho cộng đoàn của mình: “Phần anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng
Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu biết... dầu mà anh em đã lãnh nhận từ
Đức Kitô ở lại trong anh em, và anh em chẳng cần ai dạy dỗ nữa” (1Ga 2,20.27).
Không phải bất kỳ sự huấn luyện bên ngoài nào cũng là vô ích, nhưng chỉ huấn luyện bên ngoài không thì chẳng có ích lợi gì. Thánh Augustinô đã nói: “Chính vị thầy bên trong nội tâm là người hướng dẫn đích thực, chính Đức Kitô và nguồn linh hứng của Người là người hướng dẫn. Khi thiếu sự soi dẫn và sự xức dầu của Người, những lời nói bên ngoài chỉ gây ra những ồn ào vô ích mà thôi”. Chúng ta hãy hy vọng rằng ngay cả ngày hôm nay chính Đức Giêsu Kitô vẫn hướng dẫn chúng ta bằng sự linh hứng của Người trong nội tâm chúng ta và hy vọng những lời chia sẻ của tôi không phải là “một tiếng ồn vô ích”.
Chuyển ngữ: Giuse Phan Văn Phi, O.Cist.
Nguyên tác tiếng Ý tại: cantalamessa.org
1. Tommaso d’Aquino, S.Th., III, q.60, a. 2,2.
2. Agostino, Sermo 112 (PL 38, 643).
3. Paolo VI, Mysterium fidei (AAS 57, 1965, p. 753 ss).
4. Giustino, I Apologia, 67, 3-4.
5. Dei Verbum, 12.
6. Agostino, Commento alla Prima lettera di Giovanni, 3, 13.