Nhà thờ Chính tòa Giáo phận Hải Phòng
GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC
VỀ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
Cũng như hầu hết các Giáo phận tại
Việt Nam, Giáo phận Hải Phòng sinh ra trong đau thương và lớn lên trong gian
khó. Được hình thành từ ân sủng, cùng với mồ hôi nước mắt của các thừa sai,
Giáo phận đã trải qua nhiều thăng trầm và ngày hôm nay đang cố gắng để viết tiếp
những trang sử của các bậc Tiền nhân.
Ngày 09/09/1659, với Sắc chỉ Super
Cathedram Principis, Đức Alexander VII (1655-1667) thiết lập ở Việt Nam hai
Giáo phận: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Vùng đất Hải Phòng, Hải Dương lúc này đã
có những “cư sở”, giáo xứ quan trọng trong Giáo phận tiên khởi Đàng Ngoài như Xứ
Đoài, Xứ Bắc, Kẻ Sặt.
Năm 1679, Đức Innocens XI
(1676-1689) chia Giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng
Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. Linh mục François Deydier Phan,
thuộc Hội Thừa sai Paris, được đặt làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Đông
Đàng Ngoài, lúc đó Toà Giám mục thường ở Phố Hiến (tên một cảng nằm trên tả ngạn
sông Hồng, do Nhà Lê mở vào cuối thế kỷ, phía Nam thị xã Hưng Yên ngày nay);
sau đời Đức cha Deydier, Toà Giám mục thường đặt ở vùng Bùi Chu, đôi khi ở Kẻ Sặt,
Hải Dương.
Ngày 05/09/1848, Đức Piô IX
(1848-1878) ban Chiếu thư chia tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên, lập thành Giáo
phận Trung, phần đất còn lại giữ tên cũ là Giáo phận Đông, do Đức cha Jeronimo
Hermosilla Liêm, O.P., giám mục tiên khởi người Tây Ban Nha, coi sóc. Ngày
06/11/1861, ngài tử đạo tại khu Năm Mẫu (Hải Dương). Trong thời Đức cha Liêm,
Giáo phận có diện tích đất rộng, lúc này giáo dân đã lên tới con số 45.000, ở rải
rác trong 327 xứ và họ trên tổng số dân là 3 triệu người. Toà Giám mục khi ở
Nam Am, khi ở Kẻ Mốt (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Giáo phận Đông đã có các trường
Lý Đoán (Đại chủng viện) và La Tinh (Tiểu chủng viện) ở Đông Xuyên, Kẻ Mốt, Tử
Nê.
Ngày 29/05/1883, Đức Lêô XIII
(1878-1889) công bố Chiếu thư lập Giáo phận Bắc. Phần còn lại gồm các tỉnh Hải
Dương (bấy giờ gồm cả Kiến An), Quảng Yên và Hải Ninh (tức Móng Cái), vẫn giữ
tên cũ là Giáo phận Đông do Đức cha Jose Terrès Hiến coi sóc. Toà Giám mục đặt ở
Hải Dương. Hải Phòng khi ấy là sở cha chính, nhưng năm 1880, cha chính Salvador
Masso Tế đã xây nhà thờ Chính tòa.
Năm 1890, Đức cha Terrès Hiến dời
Toà Giám mục từ Hải Dương ra Hải Phòng, còn sở cha chính chuyển sang Liễu Dinh
một thời gian rồi đưa về Kẻ Sặt. Hàng giáo sĩ năm 1892 có Đức cha Terrès Hiến,
32 linh mục triều, 8 thừa sai, 2 cha dòng người Việt, 82 thầy giảng, 20 chủng
sinh thần học, 20 chủng sinh triết, 20 tiểu chủng sinh, 281 học sinh trường thử
và 41.120 giáo dân.
Ngày 03/12/1924, Toà Thánh đổi
tên Giáo phận Đông theo địa hạt hành chính, nơi đặt Toà Giám mục, thành Giáo phận
Hải Phòng, lúc bấy giờ do Đức cha Francisco Ruiz de Azua Minh, O.P. (1919-1929)
coi sóc.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa giới hiện nay
Kể từ năm 1883, tức là với việc
thành lập Giáo phận Bắc Ninh, Giáo phận Hải Phòng trải dài trên địa dư hành
chính của ba tỉnh: Thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Quảng Ninh. Ngoài
ra, còn hai huyện của tỉnh Hưng Yên (huyện Ân Thi và Yên Mỹ) cũng thuộc về Giáo
phận. Ranh giới phía Bắc là biên giới Trung Quốc, phía Nnam là Thái Bình, phía
Đông là biển và phía Tây là Hà Nội.
2. Dân số
Với các tỉnh thành nêu trên, Giáo
phận Hải Phòng có diện tích 9.079.10 km2. Dân số là 5.150.000 người, trong số
đó, có 134.846 người công giáo (thống kê năm 2017).
3. Giáo hạt và giáo xứ
Từ sau năm 1954, hệ thống giáo hạt
không còn, chỉ có 62 giáo xứ trong toàn Giáo phận. Ngày 02/01/2015, Đức cha
Giuse Vũ Văn Thiên đã thiết lập 3 giáo hạt: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Ngày 07/10/2015, với quyết định của Đức Giám mục, mỗi giáo hạt nói trên lại được
tách làm hai. Như vậy, hiện nay, Giáo phận gồm 6 giáo hạt: Hạt Chính tòa, Hạt
Nam Am, Hạt Hòn Gai, Hạt Mạo Khê, Hạt Hải Dương, Hạt Kẻ Sặt.
Vì nhu cầu mục vụ, Đức cha Giuse
cũng thiết lập những giáo xứ mới. Từ con số 62 giáo xứ, sau ba đợt thiết lập,
hiện nay Giáo phận có 92 Giáo xứ.
4. Dòng tu
Sau năm 1954, Giáo phận không còn
một dòng tu nào. Từ năm 2007, Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên đã mời các dòng tu đến
hiện diện. Hiện nay, trong Giáo phận có các dòng tu sau đây:
Dòng nam: Dòng Đaminh, Dòng Chúa
Cứu thế, Dòng Thánh Thể.
Dòng nữ: Mến Thánh Giá Xuân Lộc,
Đaminh Rôsa Lima, Thánh Phaolô, Tiểu Muội, Mân Côi Bùi Chu.
Tu Hội: Tận hiến, Emmanuen.
Tổng số nữ tu: khoảng 97 chị em nữ
tu.
5. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân
Sinh ra trong bách hại, Giáo phận
Hải Phòng lại trải qua những thương đau do cuộc di cư năm 1954. Cuộc di dư này
để lại rất nhiều hậu quả, những vết thương mà 60 năm sau vẫn chưa được chữa
lành. Sở dĩ như vậy, vì Hải Phòng là cảng lớn, giáo dân các Giáo phận khác của
miền Bắc đều dồn về đây để xuống "tàu há mồm" di cư vào miền Nam. Vì
vậy gần một nửa giáo dân Hải Phòng đã di cư. Đức cha Giuse Trương Cao Đại cũng
di cư cùng với một số lớn các linh mục đi với đoàn chiên của mình vào miền Nam.
Trước di cư, Giáo phận có khoảng 500 ngôi nhà thờ lớn nhỏ. Hiện nay, sau bao
nhiêu năm khôi phục sửa chữa, mới chỉ có 335 ngôi nhà thờ. Trước di cư, Giáo phận
có 87 linh mục. Sau di cư con số này là 13, gồm toàn các linh mục cao niên. Trước
di cư, số giáo dân là 120.000 người. Gần một nửa trong số đó di cư vào miền
Nam. Sau 60 năm, số giáo dân hiện tại là 134.846 người. Sau di cư, các cơ sở đều
mất hết: trường học, tiểu chủng viện, nhà hưu, nhà dòng. Nhiều nhà thờ bị tháo
dỡ. Nhưng mất mát nghiêm trọng hơn đó là mất đức tin. Vì không có linh mục, tu
sĩ, nên giáo dân không được đào tạo. Với sự kiểm soát gắy gao của chính quyền,
nhiều người đã bỏ đạo.
Tạ ơn Chúa, trong những năm tháng
khó khăn, vẫn có những giáo dân can đảm và trung thành. Họ là những người đã
góp phần lưu giữ truyền thống đức tin và giữ gìn di sản vật chất nơi các cộng
đoàn tín hữu.
Giáo phận Hải Phòng hiện tại gồm
nhiều thành phố và trung tâm đô thị. Vì thế, người giáo dân cũng bị ảnh hưởng
nhiều bởi lối sống hưởng thụ, nhất là giới trẻ. Các xứ miền quê chỉ còn người
già và trẻ em vì phần lớn thanh niên đi tìm việc làm ở thành phố. Vì vậy, việc
học giáo lý và các sinh hoạt mục vụ dành cho giới trẻ trở nên khó khăn. Tại hầu
hết các giáo xứ đều có các hội đoàn đạo đức và có các phong trào tông đồ giáo
dân: Legio Mariae, Gia đình phạt tạ Thánh tâm, Huynh đoàn Đaminh giáo dân, Thiếu
nhi Thánh thể, ca đoàn, kim nhạc. Các giáo xứ lớn còn duy trì truyền thống của
các Giáo phận Dòng Đaminh trong các nghi lễ Tuần Thánh và lòng đạo đức bình
dân. Được hưởng di sản truyền thống từ các thừa sai Đaminh Tây Ban Nha, giáo
dân Hải Phòng rất yêu mến Đức Mẹ Mân Côi. Tràng hạt Mân Côi đã giúp người tín hữu
vượt qua những khó khăn và sống trung thành với Chúa.
III. NHÂN SỰ
Giám mục đương nhiệm: Đức cha
Vinh-Sơn Nguyễn Văn Bản
Sinh ngày: 26.11.1956.
Linh mục: 16.9.1993.
Giám mục: 12.5.2009.
Được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám
mục chính tòa Hải Phòng ngày 19/3/2022.
Linh mục Tổng Đại diện: Cha Giuse
Nguyễn Văn Thông, kiêm Chính xứ Nhà thờ Chính tòa.
Số Linh mục: 88 (83 linh mục triều,
5 linh mục dòng).
Số Phó tế: 7 Phó tế
Số Chủng sinh: 53 (đang học Đại
Chủng Viện Hà Nội và các Đại Chủng Viện khác).
Chủng sinh dự bị: 22
Tu sĩ: 102 (tu sĩ nam: 5; tu sĩ nữ:
97)
1. Các vị tiền nhiệm của Đức cha Đức cha Vinh-Sơn Nguyễn Văn Bản
Tên các Giám mục |
Tên Việt |
Hội Dòng |
Quốc tịch |
Năm |
Đức cha François Deydier |
Phan |
MEP |
Pháp |
1679-1693 |
Đức cha Raimundo Lezoli |
Cao |
OP |
Italia |
1698-1706 |
Đức cha Juan de Santa Cruz |
Thập |
OP |
Tây Ban Nha |
1707-1721 |
Đức cha Tomaso de Sextri |
Tri |
OP |
Italia |
1721-1737 |
Đức cha Hilariô Costa de Jesu |
Hy |
Âutinh |
Italia |
1737-1754 |
Đức cha Santiago Hernandez |
Tuân |
OP |
Tây Ban Nha |
1758-1777 |
Đức cha Emmanuel Obelar |
Khâm |
OP |
Tây Ban Nha |
1779-1789 |
Đức cha Feciliano Alonso |
Phê |
OP |
Tây Ban Nha |
1793-1799 |
Đức cha Ignatiô Delgado (Thánh Tử đạo) |
Y |
OP |
Tây Ban Nha |
1795-1838 |
Đức cha Phó Domingo Henares (Thánh Tử đạo) |
Minh |
OP |
Tây Ban Nha |
1803-1838 |
Đức cha Hierônimô Hermosilla (Thánh Tử đạo) |
Liêm |
OP |
Tây Ban Nha |
1841-1861 |
Đức cha Phó Romualdo Jimeno |
Lâm |
OP |
Tây Ban Nha |
1841-1847 |
Đức cha Phó Domingo Marti |
Gia |
OP |
Tây Ban Nha |
1847-1848 |
Đức cha Hilariô Alcazar |
Hy |
OP |
Tây Ban Nha |
1849-1870 |
Đức cha Phó Gaspar Fenandez |
Nghĩa |
OP |
Tây Ban Nha |
1864-1869 |
Đức cha Antoniô Colomer |
Nguyên |
OP |
Tây Ban Nha |
1870-1883 |
Đức cha José Terrès |
Hiến |
OP |
Tây Ban Nha |
1875-1906 |
Đức cha Nicasiô Arellano |
Huy |
OP |
Tây Ban Nha |
1906-1919 |
Đức cha Phanxicô Ruiz de Azua |
Minh |
OP |
Tây Ban Nha |
1917-1929 |
Đức cha Alexandrio Garcias |
Thiện |
OP |
Tây Ban Nha |
1930-1932 |
Đức cha PhanxicôGomez de Santiago |
Lễ |
OP |
Tây Ban Nha |
1932-1952 |
Đức cha Giuse Trương Cao Đại |
|
OP |
Việt Nam |
1953-1954 |
Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo |
|
|
Việt Nam |
1956-1977 |
Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương |
|
|
Việt Nam |
1979-1999 |
Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên |
|
|
Việt Nam |
2003-2022 |
IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC TRONG GIÁO
PHẬN
Cộng tác với Đức Giám mục trong
việc điều hành Giáo phận gồm:
Ban Tư vấn: gồm 7 linh mục thành
viên (Cha Tổng đại diện và 6 cha Quản hạt)
Hội đồng linh mục: gồm 13 linh mục
thành viên, đại diện cho các giáo hạt và các lứa tuổi
Văn phòng Tòa Giám mục: cha Giuse
Bùi Hữu Duy
Quản lý Tòa Giám mục: cha Gioan
Baotixita Vũ Văn Kiện
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Nhà thờ Chính tòa: được xây theo kiểu kiến trúc Gotique, có cách
tân, do các Cha thừa sai Đaminh Tây Ban Nha năm 1890. Nhà thờ không có cột bên
trong, tạo một không gian thoáng rộng, có thể chứa được 900 người. Đây là một
trong những công trình cổ có giá trị của thành phố Hải Phòng. Trong nhà thờ có
phần mộ của 3 Giám mục: Đức cha Giuse Trương Cao Đại (qua đời năm 1969), Đức
cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo (qua đời năm 1977), Đức cha Giuse Maria Nguyễn
Tùng Cương (qua đời năm 1999).
2. Tòa Giám mục: TGM hiện nay là tòa nhà 5 tầng do Đức
cha Giuse Vũ Văn Thiên xây năm 2004 và hoàn thành năm 2005.
3. Tiền chủng viện: Sau di cư, tiểu chủng viện bị nhà nước sung
công. Tiền chủng viện được xây năm 2012, tại số 290, đường Hoàng Quốc Việt, Kiến
An, trên phần đất Giáo phận mới mua sau này.
4. Trung tâm hành hương: Giáo phận Hải Phòng có Đền thánh Tử đạo tại
Hải Dương, trước đây là khu Năm Mẫu. Nơi đây, nhiều tín hữu đã làm chứng cho
Chúa bằng chính mạng sống mình. Đặc biệt, ngày 01/11/1861, Đức cha Hieronimo
Hermosilla Liêm, Đức cha Valentinô Vinh, cha Phêrô Amato Bình đã đổ máu
đào nơi đây. Sau đó, ngày 06/12/1861, Thày Giuse Nguyễn Duy Khang cũng chịu tử
đạo tại đây. Bốn vị tử đạo này đã được phong chân phước ngày 20/05/1906 và
phong hiển thánh ngày 19/06/1988. Đền Thánh Hải Dương được xây dựng năm 1927 đã
bị tàn phá trong chiến tranh năm 1967. Hiện nay công trình tái thiết Đền Thánh
đang được tiến hành.
VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ, LOAN BÁO
TIN MỪNG, BÁC ÁI XÃ HỘI
1. Ban Bác ái xã hội - Caritas
Caritas có các sinh hoạt thường
xuyên như: chăm sóc giúp đỡ người nhiễm HIV, các bệnh phong, mở các bữa
cơm, nồi cháo từ thiện tại các bệnh viện, giúp học bổng và tặng xe
đạp cho học sinh nghèo. Ngoài ra, Ban Bác ái có những chương trình hỗ trợ
phát triển kinh tế: cho người nghèo vay vốn làm ăn, kiếm sống…, giúp
người khuyết tật vốn và hướng dẫn chăn nuôi tại nhà để họ có việc
làm, kiếm sống và cảm thấy giá trị bản thân, tạo các phong trào ý
thức bảo vệ và giữ gìn môi trường tại các giáo xứ, các xóm làng,
nhất nơi thanh thiếu niên. Đặc biệt, Ban Bác ái mở các lớp tập huấn
về Caritas, lớp học bơi cho trẻ em vùng sông nước, các khóa huấn
luyện về bảo vệ môi trường.
Trực thuộc Caritas, Ban Bảo vệ
sự sống Giáo phận đang có nhiều hoạt động nhằm giúp cho mọi người ý thức và
trân trọng sự sống. Công cuộc bảo vệ sự sống được thực hiện qua 4 mảng sau:
Truyền thông, Tư vấn, nuôi dưỡng và hậu sự (cầu nguyện và an táng).
2. Giới trẻ - Sinh viên
Giáo phận hiện có các nhóm sinh
viên: Nhóm SVCG tại Hải Phòng, nhóm SVCG tại Hải Dương, nhóm SVCG Hải Phòng tại
Hà Nội, và một số nhóm nhỏ, như: Nhóm SVCG Chí Linh - Sao Đỏ, nhóm SVCG Quảng
Ninh,… Ngoài việc gặp gỡ học hỏi và chia sẻ Lời Chúa hàng tháng, các em
sinh viên cũng nhiệt tình tham gia các công tác bác ái xã hội như: tiếp sức
mùa thi, gom ve chai và những công tác xã hội khác.
3. Ban Mục vụ Hôn nhân - Gia đình
Chuẩn bị đời sống hôn nhân
gia đình là việc quan trọng và kết hợp nhiều ban. Riêng Ban Mục vụ
Hôn nhân Gia Đình năm nay tổ chức buổi gặp mặt gia đình trẻ và kết
hợp Ban Giáo lý tổ chức các lớp giáo lý hôn nhân cho các bạn trẻ
trong các giáo xứ và cho anh chị em di dân đến làm việc tại các giáo
xứ của Giáo phận Hải Phòng.
4. Ban Giáo lý - Thiếu Nhi Thánh Thể
Giáo phận tổ chức các buổi
gặp mặt, sinh hoạt lớn cho các em thiếu nhi, tổ chức các khóa đào
tạo huynh trưởng cho các thầy chủng sinh, các chú ứng sinh và cho các
giáo lý viên. Ban Giáo lý đến các giáo xứ tổ chức và hướng dẫn
dạy giáo lý và sinh hoạt về thiếu nhi Thánh Thể. Số giáo lý viên: 750
.
5. Các Dòng tu, các Tu hội và đặc biệt các hội đoàn Công
giáo tiến hành
Các dòng tu, tu hội, các hội
đoàn công giáo tiến hành như Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Legio Mariae,
Huynh đoàn dòng Ba Đaminh… nhiệt thành cộng tác vào việc dạy giáo
lý, bác ái, ơn gọi và truyền giáo…
VI. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
Địa chỉ Email: tgmhaiphong46@gmail.com
Địa chỉ bưu điện: Tòa Giám mục,
46 Hoàng Văn Thụ, Hồng Bàng, Hải Phòng
Số điện thoại Văn phòng:
0225.3745387
Linh mục Thư ký Tòa Giám mục - Giuse
Bùi Hữu Duy: 0904048602
Liên kết đến website của Giáo phận: www.gphaiphong.org
Văn phòng TGM Hải Phòng
Ngày 31 tháng 12 năm 2017