GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

LỄ ĐỨC MARIA – MẸ THIÊN CHÚA (01/01)

WHĐ (30.12.2023)Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 464-469: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật

Số 495, 2677: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. 3

Số 1, 52, 270, 294, 422, 654, 1709, 2009: Chúng ta được nhận làm nghĩa tử. 4

Số 527, 577-582: Chúa Giêsu suy phục Lề Luật và kiện toàn nó. 6

Số 580, 1972: Luật Mới giải thoát khỏi những hạn chế của Luật Cũ. 9

Số 683, 689, 1695, 2766, 2777-2778: Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba - Cha ơi” 9

Số 430-435, 2666-2668, 2812: Danh Chúa Giêsu. 12

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27. 14

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7. 15

Phúc Âm: Lc 2, 16-21


Số 464-469: Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa thật và Người thật

464. Biến cố độc nhất vô nhị là việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa không có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô một phần là Thiên Chúa, một phần là người; cũng không có nghĩa Người là kết quả của một sự pha trộn lẫn lộn giữa hai ban tính thần linh và nhân loại. Người đã thật sự làm người, mà vẫn thật sự là Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật. Hội Thánh đã phải bảo vệ và làm sáng tỏ chân lý đức tin này suốt những thế kỷ đầu tiên, trước các lạc thuyết đã làm sai lạc chân lý đó.

465. Các lạc thuyết đầu tiên không phủ nhận thần tính của Đức Kitô, cho bằng chối bỏ nhân tính thật của Người (Ảo thân thuyết theo chủ trương Ngộ đạo). Ngay từ thời các Tông Đồ, đức tin Kitô giáo nhấn mạnh đến việc Nhập Thể thật của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến trong xác phàm[1]. Nhưng vào thế kỷ thứ III, để chống lại Phaolô Samosatênô, tại Công đồng họp ở Antiôchia, Hội Thánh phải khẳng định rằng: Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa do bản tính chứ không phải do được nhận làm nghĩa tử. Công đồng chung thứ I, họp tại Nicêa vào năm 325, tuyên xưng trong Tín biểu của mình rằng: Con Thiên Chúa “được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha” (trong tiếng Hy Lạp là homousion)[2], và Hội Thánh đã kết án Ariô là người đã khẳng định rằng “Con Thiên Chúa đã xuất phát từ hư vô”[3] và “có một bản thể hay yếu tính khác với Chúa Cha”[4].

466. Lạc thuyết cua Nestôriô cho rằng trong Đức Kitô ngôi vị nhân loại được liên kết với Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa. Chống lại lạc thuyết này, Thánh Cyrillô Alêxanđria và Công đồng chung thứ III họp tại Êphêsô năm 431 tuyên xưng rằng: “Ngôi Lời đã làm người, khi một thân thể do một linh hồn có lý trí làm cho sống động được kết hợp với Ngài theo Ngôi Vị”[5]. Nhân tính của Đức Kitô không có một chủ thể nào khác ngoài Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa, Đấng đã nhận lấy nhân tính ấy làm của mình từ lúc tượng thai. Chính vì vậy, Công đồng chung Êphêsô vào năm 431 công bố rằng Đức Maria, nhờ sự tượng thai nhân loại của Con Thiên Chúa trong lòng bà, bà đã rất thật sự trở thành Mẹ Thiên Chúa: “[Đức Maria là] Mẹ Thiên Chúa…, không phải vì bản tính của Ngôi Lời và thần tính của Ngài đã bắt đầu được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ rất thánh, nhưng vì từ Đức Trinh Nữ đã sinh ra thân xác thánh thiêng đó, do một linh hồn có lý trí làm cho sống động, và Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với thân xác đó theo Ngôi Vị, nên có thể nói Ngôi Lời đã được sinh ra theo xác phàm”[6].

467. Những người chủ trương thuyết Nhất Tính (Monophysitae) khẳng định: bản tính nhân loại không còn tồn tại nơi Đức Kitô, khi bản tính đó được Ngôi Vị thần linh của Con Thiên Chúa đảm nhận. Để chống lại lạc thuyết này, Công đồng chung thứ IV, họp tại Chalcêđonia năm 451, tuyên xưng:

“Theo sau các thánh phụ, chúng tôi đồng thanh dạy phải tuyên xưng Một Chúa Con Duy Nhất là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính; là Thiên Chúa thật và là người thật, gồm có một linh hồn có lý trí và một thân xác; đồng bản thể với Đức Chúa Cha theo thần tính mà cũng đồng bản tính với chúng ta theo nhân tính, ‘giống chúng ta về mọi phương diện ngoại trừ tội lỗi’;[7] sinh bởi Đức Chúa Cha theo thần tính từ trước muôn đời, và trong những thời cuối cùng này, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người được sinh ra theo nhân tính từ Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa.

Cùng một Đấng duy nhất là Đức Kitô, là Chúa, là Con Một, phải được nhìn nhận trong hai bản tính một cách không lẫn lộn, không thay đổi, không phân chia, không tách biệt, sự khác biệt giữa hai bản tính không hề bị mất đi do việc kết hợp, nhưng các đặc điểm của mỗi bản tính đã được bảo tồn khi kết hợp với nhau trong một Ngôi Vị và một Đấng duy nhất”[8].

468. Sau Công đồng Chalcêđônia một số người biến nhân tính của Đức Kitô thành như một chủ thể có ngôi vị riêng. Chống lại những người này, Công đồng chung thứ V, họp tại Constantinôpôli, năm 553, tuyên xưng rằng: “Chỉ có một Ngôi Vị duy nhất, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Một Ngôi Vị trong Ba Ngôi Chí Thánh[9]. Bởi vậy, mọi sự trong nhân tính của Đức Kitô đều phải được quy về Ngôi Vị thần linh của Người với tư cách là chủ thể riêng của Người [10], không những các phép lạ, nhưng cả những đau khổ[11] và chính cái chết: chúng tôi tuyên xưng rằng “Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng bị đóng đinh vào thập giá về phần xác, là Thiên Chúa thật, là Chúa vinh quang, và là một Ngôi trong Ba Ngôi chí thánh”[12].

469. Như vậy, Hội Thánh tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật một cách không thể tách biệt. Người thật sự là Con Thiên Chúa đã làm người, là anh em của chúng ta, mà vẫn không ngừng là Thiên Chúa, Chúa chúng ta:

Phụng vụ Rôma hát kính: “Ngài vẫn là Ngài như trước [Ngài là Thiên Chúa], và Ngài đã đam nhận lấy điều mà trước đó Ngài không là [Ngài làm người]”[13]. Còn phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu công bố và hát kính: “Lạy Con duy nhất và Ngôi Lời của Thiên Chúa, dù bất tử, nhưng để cứu độ chúng con, Chúa đã đoái thương nhập thể trong lòng Đức Maria, Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và trọn đời đồng trinh. Chúa đã làm người và đã chịu đóng đinh vào thập giá mà không hề biến đổi. Lạy Đức Kitô, là Thiên Chúa, Chúa đã dùng cái chết của mình mà đập tan sự chết, Chúa là Một trong Ba Ngôi Chí Thánh, được tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, xin cứu độ chúng con!”[14]

 

Số 495, 2677: Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa

495. Trong các sách Tin Mừng, Đức Maria được gọi là “Thân mẫu Chúa Giêsu” (Ga 2,1; 19,25)[15]. Cả trước khi Con Mẹ chào đời, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã được gọi là “Thân mẫu Chúa tôi” (Lc 1,43). Quả thật, Đấng mà Mẹ đã cưu mang làm người bởi phép Chúa Thánh Thần, Đấng thật sự là Con Mẹ theo xác phàm, chính là Con vĩnh cửu của Chúa Cha, là Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Đức Maria thật sự là Mẹ Thiên Chúa (Theotokos)[16].

2677. “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con…”. Cùng với bà Êlisabeth chúng ta sửng sốt: “Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Đức Maria, vì đã tặng ban cho chúng ta Chúa Giêsu là Con của Mẹ, nên Mẹ là Thân mẫu của Thiên Chúa và là Thân mẫu của chúng ta: chúng ta có thể phó thác cho Mẹ mọi nỗi âu lo và những lời cầu xin của chúng ta. Mẹ cầu nguyện cho chúng ta như Mẹ đã cầu nguyện cho bản thân Mẹ: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Khi phó thác để Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta cùng với Mẹ phó dâng bản thân chúng ta cho thánh ý Thiên Chúa: “Nguyện cho ý Cha thể hiện”.

“Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Khi xin Đức Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta nhìn nhận mình là những người tội lỗi khốn cùng và kêu cầu đến “Mẹ của lòng thương xót”, Mẹ hoàn toàn thánh thiện. Chúng ta trao phó bản thân cho Mẹ “khi nay”, là ngày hôm nay của cuộc đời chúng ta. Lòng tín thác của chúng ta được mở rộng để ngay từ bây giờ chúng ta đã trao phó “giờ lâm tử” của chúng ta cho Mẹ. Xin Mẹ hiện diện trong giờ phút đó như Mẹ đã hiện diện lúc Con Mẹ chết trên thập giá. Vào giờ chúng ta qua đời, với tư cách là Mẹ chúng ta[17], xin Mẹ đón nhận và dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ, trên thiên đàng.

 

Số 1, 52, 270, 294, 422, 654, 1709, 2009: Chúng ta được nhận làm nghĩa tử

1. Thiên Chúa, tự bản thể là Đấng vô cùng hoàn hảo và hạnh phúc. Theo ý định hoàn toàn do lòng nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để cho họ được thông phần sự sống hạnh phúc của Ngài. Do đó, trong mọi thời và mọi nơi, Ngài đã đến gần với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm Ngài, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Ngài. Thiên Chúa triệu tập mọi người, vốn đã bị phân tán vì tội lỗi, để hợp nhất thành gia đình của Ngài là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi thời gian tới hồi viên mãn, Ngài đã sai Con Ngài đến làm Đấng Chuộc Tội và Cứu Độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người để trong Chúa Thánh Thần, họ trở nên dưỡng tử của Ngài và do đó, được thừa hưởng sự sống hạnh phúc của Ngài.

52. Thiên Chúa, Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16), muốn truyền thông sự sống thần linh của Ngài cho loài người mà Ngài đã tự ý tạo dựng, để cho họ được trở nên nghĩa tử trong Con Một của Ngài[18]. Khi tự mạc khải, Thiên Chúa muốn làm cho loài người có khả năng đáp lại Ngài, nhận biết và yêu mến Ngài vượt quá những gì họ có thể làm được tự sức mình.

270. Thiên Chúa là Cha toàn năng. Tình phụ tử và quyền năng của Ngài soi sáng lẫn nhau. Quả thế, Ngài cho thấy sự toàn năng đầy tình Cha của Ngài qua cách Ngài chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta[19]; qua việc Ngài nhận chúng ta làm nghĩa tử (“Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta, Chúa toàn năng phán như vậy”: (2 Cr 6,18); sau hết, Ngài bày tỏ rõ ràng quyền năng của Ngài qua lòng khoan dung vô tận, khi Ngài tự ý tha thứ các tội lỗi.

294. Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”[20]. Mục đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta”[21].

422. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới Lề luật, để chuộc những ai sống dưới Lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4,4-5). Đây là Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa[22]: Thiên Chúa đã viếng thăm dân Ngài[23]. Ngài đã thực hiện những lời hứa với tổ phụ Abraham và con cháu ông[24]. Ngài đã thực hiện vượt quá mọi điều chúng ta mong ước: Ngài đã sai Con yêu dấu của Ngài tới[25].

654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa[26], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng[27]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[28]. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.

1709. Ai tin vào Đức Kitô thì trở nên con cái Thiên Chúa. Ơn được làm nghĩa tử này biến đổi người ấy, giúp họ sống theo mẫu gương Đức Kitô. Ơn này ban cho họ khả năng hành động đúng đắn và thực thi điều tốt. Được kết hợp với Đấng Cứu độ của mình, người môn đệ đạt tới sự trọn hảo của đức mến, là sự thánh thiện. Được hoàn thiện trong ân sủng, đời sống luân lý sẽ được triển nở thành sự sống vĩnh cửu trong vinh quang trên trời.

2009. Nhờ ân sủng, ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền có được nhờ ân sủng, quyền sung mãn của tình yêu, làm cho chúng ta nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và xứng đáng được hưởng phần gia tài đã được hứa ban là đời sống vĩnh cửu[29]. Công trạng do các việc tốt lành của chúng ta là những hồng ân của lòng nhân hậu của Thiên Chúa[30]. “Ân sủng đã được ban trước, giờ đây nợ được trả.... Các hồng ân của Thiên Chúa là những công trạng của bạn”[31].

 

Số 527, 577-582: Chúa Giêsu suy phục Lề Luật và kiện toàn nó

527. Việc cắt bì cho Chúa Giêsu, ngày thứ tám sau khi Người ra đời[32], là dấu chỉ việc Người được tháp nhập vào dòng dõi của tổ phụ Abraham, vào dân của Giao Ước, là dấu chỉ sự suy phục Lề luật của Người[33], của việc Người đến với phụng tự Israel, nền phụng tự mà Người sẽ tham dự suốt đời Người. Dấu chỉ này báo trước “phép cắt bì của Đức Kitô”, tức là bí tích Rửa Tội[34].

577. Khởi đầu Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đưa ra một giáo huấn long trọng trong đó Người trình bày Lề luật, đã được Thiên Chúa ban tại Sinai dịp Giao Ước đầu tiên, dưới ánh sáng của ân sủng của Giao Ước Mới:

“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môisen hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành, và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời” (Mt 5,17-19).

578. Chúa Giêsu, Đấng Messia của Israel, do đó là người lớn nhất trong Nước Trời, đã phải chu toàn Lề luật, khi tuân giữ toàn bộ Lề luật, theo chính lời Người nói, cho đến cả những điều răn nhỏ nhất. Nói cho đúng, chính Người là Đấng duy nhất đã có thể làm điều này một cách trọn hảo[35]. Những người Do Thái, theo chính họ thú nhận, đã không bao giờ có thể chu toàn trọn bộ Lề luật mà không vi phạm một điều răn nhỏ nhất nào[36]. Vì vậy trong lễ Xá Tội hằng năm, con cái Israel cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những lỗi phạm Lề luật của họ. Thật vậy, Lề luật tạo thành một tổng thể và, như thanh Giacôbê nhắc nhở, “ai tuân giữ tất cả Lề luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi, thì cũng thành người có tội về hết mọi điểm” (Gc 2,10)[37].

579. Những người Pharisêu rất trọng nguyên tắc tuân giữ toàn bộ Lề luật, không những chỉ theo văn tự, mà cả theo tinh thần nữa. Khi nêu nguyên tắc đó cho Israel, họ đã dẫn đưa nhiều người Do Thái thời Chúa Giêsu tới việc hết sức nhiệt thành giữ đạo[38]. Điều này, nếu không bị phá huỷ do việc xét đoán mọi sự cách “giả hình”[39], thì nhất định đã chuẩn bị cho dân hướng tới sự can thiệp chưa từng thấy của Thiên Chúa, là việc thi hành trọn vẹn Lề luật sẽ được hoàn thành bởi Đấng Công Chính duy nhất thay cho mọi tội nhân[40].

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[41]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[42] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[43], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

581. Trước mắt người Do Thái và các nhà lãnh đạo tinh thần của họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một “kinh sư”[44]. Người thường tranh luận về cách giải thích Lề luật của các kinh sư[45]. Nhưng đồng thời, Chúa Giêsu tất yếu phải đối đầu với những tiến sĩ Luật bởi vì khi trình bày cách giải thích của mình, Người không tự giới hạn trong những cách giải thích của họ; “vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ” (Mt 7,28-29). Nơi Người, cùng một Lời của Thiên Chúa đã từng vang lên trên núi Sinai để ban hành Lề luật được ghi khắc cho ông Môisen, nay lại vang dội trên núi Bát Phúc[46]. Đấng là Ngôi Lời không bãi bỏ, nhưng kiện toàn Lề luật, bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với một uy quyền thần linh: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng…. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết” (Mt 5,33-34). Chính Người, với cùng một thẩm quyền thần linh ấy, phủ nhận một số “truyền thống của người phàm”[47] (Mc 7,8) của nhóm Pharisêu, vì những truyền thống đó hủy bỏ Lời Thiên Chúa[48].

582. Đi xa hơn nữa, Chúa Giêsu còn kiện toàn Lề luật về sự thanh sạch của các thức ăn, một điều hết sức quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của người Do Thái, khi Người cho thấy ý nghĩa “quản giáo” của luật ấy[49] bằng lời giải thích thần linh: “Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế…. Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch…. Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu” (Mc 7,18-21). Khi lấy thẩm quyền thần linh mà đưa ra lời giải thích tối hậu về Lề luật, Chúa Giêsu ở trong tình thế đối nghịch với một số kinh sư không chấp nhận lời giải thích của Người, mặc dù lời giải thích này được củng cố bằng những dấu lạ thần linh kèm theo[50]. Điều này đặc biệt đúng, trong vấn đề ngày sabat. Chúa Giêsu thường dựa trên chính lập luận của các kinh sư[51], để nhắc nhở rằng luật nghỉ ngơi ngày sabat không bị vi phạm khi phục vụ Thiên Chúa[52] hay phục vụ người lân cận[53], như trường hợp các lần Người chữa lành.

 

Số 580, 1972: Luật Mới giải thoát khỏi những hạn chế của Luật Cũ

580. Việc chu toàn Lề luật cách trọn hảo chỉ có thể được thực hiện bởi Đấng ban hành Lề luật của Thiên Chúa, là Ngôi Con, được sinh ra dưới Lề luật[54]. Nơi Chúa Giêsu, Lề luật không còn được ghi trên bia đá nữa, nhưng “vào lòng dạ” và “vào tâm khảm” (Gr 31,33) của Người Tôi Trung, là người, vì đã “trung thành làm sáng tỏ công lý” (Is 42,3), nên được đặt làm “Giao Ước với dân” (Is 42,6). Chúa Giêsu chu toàn Lề luật cho đến độ đảm nhận trên mình “lời nguyền rủa của Lề luật”[55] mà những ai “không bền chí thi hành tất cả những gì được chép trong sách Luật” đã chuốc lấy[56], bởi vì Đức Kitô đã chịu chết “mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời Giao Ước Cũ” (Dt 9,15).

1972. Luật mới được gọi là luật của tình yêu, bởi vì dạy chúng ta hành động vì tình yêu mà Chúa Thánh Thần tuôn đổ, hơn là vì sợ hãi; Luật mới được gọi là luật của ân sủng, bởi vì mang lại sức mạnh của ân sủng để hành động nhờ đức tin và các bí tích; Luật mới được gọi là luật của sự tự do[57], bởi vì giải thoát chúng ta khỏi những ràng buộc về nghi thức và pháp lý của luật cũ, khiến chúng ta sẵn sàng tự nguyện hành động theo sự thúc đẩy của đức mến, và sau hết làm cho chúng ta chuyển từ thân phận của một tôi tớ “không biết việc chủ làm”, sang tình trạng là bạn hữu của Đức Kitô “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15), hoặc còn tới địa vị là một người con thừa tự nữa[58].

 

Số 683, 689, 1695, 2766, 2777-2778: Trong Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là “Abba - Cha ơi”

683. “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi!’” (Gl 4,6). Sự nhận biết đó của đức tin chỉ có thể có được trong Chúa Thánh Thần. Để được hiệp thông với Đức Kitô, trước hết cần phải được Chúa Thánh Thần đánh động. Ngài đến với chúng ta trước và khơi dậy đức tin trong chúng ta. Nhờ phép Rửa Tội của chúng ta, là bí tích đầu tiên của đức tin, mà sự sống, vốn bắt nguồn nơi Chúa Cha và được ban cho chúng ta trong Chúa Con, được truyền thông một cách thân mật và cá vị bởi Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh:

Bí tích Rửa Tội “ban cho chúng ta ơn tái sinh trong Chúa Cha, nhờ Con của Ngài, trong Chúa Thánh Thần. Bởi vì những ai mang Thần Khí Thiên Chúa, thì được dẫn đến với Ngôi Lời, nghĩa là đến với Chúa Con; nhưng Chúa Con trình diện họ với Chúa Cha và Chúa Cha ban cho họ sự bất diệt. Vì vậy, không có Thần Khí thì không thể thấy Con Thiên Chúa, và không có Chúa Con thì không ai có thể đến gần Chúa Cha, bởi vì Chúa Con là sự nhận biết Chúa Cha, và sự nhận biết Con Thiên Chúa là nhờ Chúa Thánh Thần”[59].

689. Đấng mà Chúa Cha đã sai đến trong tâm hồn chúng ta, Thần Khí của Con Ngài[60], Đấng ấy thật sự là Thiên Chúa. Là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con, Ngài không thể bị tách biệt khỏi Chúa Cha và Chúa Con, trong đời sống thâm sâu của Ba Ngôi cũng như trong hồng ân tình yêu của Ba Ngôi dành cho trần gian. Nhưng đức tin của Hội Thánh, khi tôn thờ Ba Ngôi Chí Thánh ban sự sống, đồng bản thể và không thể phân chia, cũng tuyên xưng sự phân biệt giữa các Ngôi Vị. Khi Chúa Cha sai Lời của Ngài đến, Ngài luôn sai Thần Khí của Ngài nữa: một sứ vụ phối hợp trong đó Chúa Con và Chúa Thánh Thần được phân biệt, nhưng không thể tách biệt. Đức Kitô là Đấng xuất hiện vì Người là hình ảnh hữu hình của Thiên Chúa vô hình, nhưng chính Chúa Thánh Thần là Đấng mạc khải Đức Kitô.

1695. Các Kitô hữu, “được nên công chính nhờ danh Chúa Giêsu Kitô và nhờ Thần Khí của Thiên Chúa chúng ta” (1 Cr 6,11), được thánh hoá và được gọi là thánh[61], họ trở thành “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (1 Cr 6,19). Chính “Thần Khí của Chúa Con” dạy họ cầu nguyện với Chúa Cha[62], và khi đã trở nên sự sống của họ, Ngài thúc đẩy họ hành động[63], để mang lại hoa trái của Thần Khí[64], nhờ thực hiện đức mến. Khi chữa lành các vết thương của tội lỗi, Chúa Thánh Thần canh tân nội tâm chúng ta bằng sự biến đổi thiêng liêng[65], Ngài soi sáng chúng ta và củng cố để với tư cách là “con cái ánh sáng” (Ep 5,8), chúng ta sống “lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5,9).

2766. Nhưng Chúa Giêsu không để lại cho chúng ta một công thức được lặp đi lặp lại cách máy móc[66]. Cũng như trong bất cứ lời khẩu nguyện nào, chính nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần dạy cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện với Cha họ. Chúa Giêsu không những ban cho chúng ta những lời cầu nguyện của người con hiếu thảo, mà đồng thời Người còn ban tặng chúng ta Thần Khí để những lời ấy trở thành “thần khí và là sự sống” (Ga 6,63) trong chúng ta. Hơn nữa, chúng ta có lý do và có khả năng dâng lời cầu nguyện con thảo là vì Chúa Cha “đã sai Thần Khí của Con Ngài đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: ‘Abba, Cha ơi’” (Gl 4,6). Bởi vì lời cầu nguyện của chúng ta nói lên những ước muốn của chúng ta trước mặt Chúa Cha, nên Đấng “thấu suốt tâm can”, tức là Chúa Cha, “biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa” (Rm 8,27). Việc cầu nguyện dâng lên Cha chúng ta được đưa vào trong sứ vụ huyền diệu của Chúa Con và của Thần Khí.

2777. Trong phụng vụ Rôma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự bạo dạn của người con hiếu thảo; các phụng vụ Đông Phương cũng dùng những cách diễn tả tương tự và triển khai thêm: “Chúng con dám tin tưởng nguyện rằng”, “xin làm cho chúng con xứng đáng”. Trước bụi gai rực cháy, có tiếng phán bảo ông Môisen: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra!” (Xh 3,5). Duy một mình Chúa Giêsu có thể bước qua ngưỡng cửa của sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Người là Đấng “đã tẩy trừ tội lỗi” (Dt 1,3), dẫn chúng ta đến trước tôn nhan Chúa Cha: “Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con” (Dt 2,13).

“Ý thức về tình trạng nô lệ của mình sẽ dìm chúng ta xuống đất, thân phận phàm trần sẽ tiêu tan thành bụi tro, trừ phi quyền bính của chính Chúa Cha, Thần Khí của Con Ngài thúc đẩy chúng ta kêu lên lời này. Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con Ngài kêu lên trong lòng chúng ta: ‘Abba, Cha ơi!’ (Rm 8,15). Có khi nào một phàm nhân đáng chết dám gọi Thiên Chúa là Cha, nếu quyền năng của thượng giới không tác động vào nội tâm con người?”[67]

2778. Quyền năng này của Thần Khí, Đấng dẫn đưa chúng ta vào Lời Kinh Chúa dạy, được diễn tả trong các phụng vụ Đông và Tây phương, bằng kiểu nói đẹp đẽ, mang nét đặc trưng Kitô giáo, là “parrhesia”, có nghĩa là sự đơn sơ thẳng thắn, lòng tin tưởng của người con thảo, sự an tâm phấn khởi, sự bạo dạn khiêm tốn, sự xác tín rằng chúng ta được yêu thương[68].

 

Số 430-435, 2666-2668, 2812: Danh Chúa Giêsu

430. Trong tiếng Do thái, “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”. Khi Truyền tin, thiên thần Gabriel dạy đặt tên cho Người là Giêsu; tên gọi này vừa diễn tả căn tính của Người, vừa diễn tả sứ vụ của Người[69]. Bởi vì không ai “có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa” (Mc 2,7), cho nên, trong Chúa Giêsu là Con vĩnh cửu của Ngài, đã làm người, chính Thiên Chúa “sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21). Như vậy, nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa tóm kết toàn bộ lịch sử cứu độ của Ngài cho nhân loại.

431. Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không chỉ bằng lòng với việc giải thoát Israel khỏi “cảnh nô lệ” (Đnl 5,6) khi đưa họ ra khỏi Ai cập. Ngài còn cứu họ khỏi tội lỗi của họ nữa. Bởi vì tội luôn là một xúc phạm đến Thiên Chúa[70], nên chỉ mình Ngài mới có quyền tha tội[71]. Vì vậy, khi Israel càng ý thức rõ hơn về tính phổ quát của tội lỗi, họ càng không thể tìm kiếm ơn cứu độ ngoài việc khẩn cầu danh Thiên Chúa, Đấng Cứu Chuộc[72].

432. Danh “Giêsu” nói lên rằng chính Danh Thánh Thiên Chúa hiện diện nơi bản thân của Con Ngài[73], Đấng đã làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội lỗi một cách dứt khoát. “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ[74], và từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh của Người, bởi vì qua việc Nhập Thể, chính Người đã tự kết hợp với tất cả mọi người[75] đến độ “dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12)[76].

433. Thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ được vị thượng tế kêu cầu mỗi năm một lần để xin ơn xá tội cho Israel, khi ông lấy máu của hy lễ rảy lên bàn xá tội trong nơi Cực Thánh[77]. Bàn xá tội xưa là nơi Thiên Chúa hiện diện[78]. Khi thánh Phaolô nói về Chúa Giêsu: “Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người” (Rm 3,25), ông muốn nói rằng trong bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, “Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Ngài” (2 Cr 5,l9).

434. Việc phục sinh của Chúa Giêsu làm hiển vinh thánh danh Thiên Chúa Cứu Độ[79], bởi vì từ lúc đó Danh Giêsu bày tỏ cách trọn vẹn quyền năng tối thượng của “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,9-l0). Các Thần dữ khiếp sợ Danh Người[80], và nhân Danh Người, các môn đệ Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ[81], bởi vì tất cả những gì họ xin Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha đều ban cho họ[82].

435. Danh Chúa Giêsu nằm ở trung tâm của kinh nguyện Kitô giáo. Tất cả các lời nguyện trong phụng vụ đều kết thúc bằng công thức: “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tột đỉnh của Kinh Kính Mừng Maria là câu “và Giêsu, con lòng Bà gồm phúc lạ”. Lời tâm nguyện của Giáo Hội Đông phương, gọi là “Lời khẩn nguyện Chúa Giêsu” (oratio Iesu) thưa lên rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”. Nhiều Kitô hữu đã chết khi mieng chỉ kêu danh thánh “Giêsu”, như thánh nữ Jeanne d’Arc[83].

2666. Nhưng Danh thánh hàm chứa tất cả các tước hiệu trên là Danh thánh mà Con Thiên Chúa đã tiếp nhận trong cuộc Nhập Thể: đó là Danh thánh GIÊSU. Danh Thiên Chúa là siêu phàm, môi miệng loài của chúng ta không được đọc lên[84], nhưng Ngôi Lời Thiên Chúa, khi nhận lấy bản tính nhân loại của chúng ta, đã trao Danh ấy cho chúng ta, và chúng ta có thể kêu cầu Danh ấy: “Giêsu”, nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”[85]. Danh thánh Giêsu bao hàm mọi sự: Thiên Chúa và con người cùng với toàn thể Nhiệm cục tạo dựng và cứu độ. Cầu nguyện danh “Giêsu”, là khẩn cầu Người, là kêu gọi Người. Danh của Người là Danh duy nhất hàm chứa sự hiện diện mà Danh ấy biểu thị. Chúa Giêsu là Đấng phục sinh, và bất cứ ai kêu cầu Danh Người thì đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương họ và tự nộp mình vì họ[86].

2667. Lời khẩn nguyện này của đức tin, tuy đơn sơ, đã được khai triển dưới nhiều hình thức trong truyền thống kinh nguyện Đông và Tây phương. Công thức thông dụng nhất, được các đan sĩ ở núi Sinai, Syria và núi Athos truyền lại, là lời khẩn nguyện: “Lạy Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, và là Chúa chúng con, xin thương xót chúng con là những kẻ tội lỗi”. Công thức này phối hợp thánh thi ca ngợi Đức Kitô trong Thư gửi giáo đoàn Philipphê (2,6-11) với lời van xin của người thu thuế và những người xin được sáng mắt[87]. Nhờ lời khẩn nguyện này, tâm hồn được hòa nhịp với sự khốn cùng của con người và lòng thương xót của Đấng Cứu Độ họ.

2668. Lời khẩn nguyện Danh thánh Chúa Giêsu là con đường đơn giản nhất của việc cầu nguyện liên lỉ. Được thường xuyên lặp đi lặp lại bởi một tâm hồn chăm chú cách khiêm tốn, lời khẩn nguyện này không bị phân tán thành những lời “lải nhải” (Mt 6,7), nhưng “nắm giữ Lời Chúa và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”[88]. Lời khẩn nguyện này có thể thực hiện “luôn luôn”, vì đây không phải là một công việc bên cạnh một công việc khác, nhưng chỉ là công việc duy nhất, đó là việc yêu mến Thiên Chúa, công việc này làm sinh động và biến đổi mọi hoạt động trong Đức Kitô Giêsu.

2812. Sau cùng, Danh của Thiên Chúa chí thánh được mạc khải và được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu, trong xác thể, với tư cách là Đấng Cứu Độ[89]: Danh Thiên Chúa được mạc khải bằng điều “Người Là”, bằng lời Người và bằng hy lễ của Người[90]. Đó là trung tâm của lời nguyện tư tế của Người: Lạy Cha chí thánh, “vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19). Bởi vì Chúa Giêsu đã “thánh hiến” Danh của Người[91], nên Người “biểu lộ” cho chúng ta Danh của Chúa Cha[92]. Lúc Người hoàn tất cuộc Vượt Qua, Chúa Cha ban cho Người một Danh vượt trên mọi danh: Đức Giêsu là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha[93].

 

Bài Ðọc I: Ds 6, 22-27

“Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Trích sách Dân Số.

Chúa phán cùng Môsê rằng: “Hãy nói với Aaron và con cái nó rằng: Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel; hãy nói với chúng thế này: “Xin Chúa chúc lành cho con, và gìn giữ con. Xin Chúa tỏ nhan thánh Chúa cho con, và thương xót con. Xin Chúa ghé mặt lại cùng con, và ban bằng yên cho con”. Họ sẽ kêu cầu danh Ta trên con cái Israel, và Ta sẽ chúc lành cho chúng”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con.

Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con; xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con.

2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con.

3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài; thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa ban phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.

Ðáp: Xin Thiên Chúa xót thương và ban phúc lành cho chúng con.

 

Bài Ðọc II: Gl 4, 4-7

“Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, khi đã tới lúc thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử. Sở dĩ vì anh em được làm con, Thiên Chúa đã sai Thần Trí của Con Ngài vào tâm hồn chúng ta, kêu lên rằng: “Abba!”, nghĩa là “Lạy Cha!” Thế nên, bạn không còn phải là tôi tớ, nhưng là con; mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Dt 1, 1-2

Alleluia, alleluia! - Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã dùng các tiên tri mà phán dạy cha ông, nhưng đến thời sau hết, tức là trong những ngày này, Người đã phán dạy chúng ta nơi người Con. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 2, 16-21

“Họ đã gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi... và tám ngày sau người ta gọi tên Người là Giêsu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.

Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.

Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

Ðó là lời Chúa.





[1] X. 1 Ga 4,2-3; 2 Ga 7.

[2] Tín biểu Nicêa: DS 125.

[3] CĐ Nicêa, Epistula synodalisEpeidê tês” ad Aegyptios: DS 130.

[4] Tín biểu Nicêa: DS 126.

[5] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 250.

[6] CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.

[7] X. Dt 4,15.

[8] CĐ Chalcêđônia, : DS 301-302.

[9] CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 4: DS 424.

[10] X. CĐ Êphêsô, Anathematismi Cyrilli Alexandrini, 4: DS 255.

[11] X. CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 3: DS 423.

[12] X. CĐ Constantinôpôli II, Sess. 8a. Canon 10: DS 432.

[13] Lễ trọng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Điệp ca kinh “Benedictus”: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 394; x. Thánh Lêô Cả, Sermo 21, 2: CCL 138, 87 (PL 54, 192).

[14] Officium Horarum Byzantinum, HymnusHo monogenês: Opologion to mega” (Romae 1876) 82.

[15] X. Mt 13,55.

[16] X. CĐ Êphêsô, Epistula II Cyrilli Alexandrini ad Nestorium: DS 251.

[17] X. Ga 19,27.

[18] X. Ep 1,4-5.

[19] X. Mt 6,32.

[20] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 20, 7: SC 100, 648 (PG 7, 1037).

[21] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

[22] X. Mc 1,1.

[23] X. Lc 1,68.

[24] X. Lc 1,55.

[25] X. Mc 1,11.

[26] X. Rm 4,25.

[27] X. Ep 2,4-5; 1 Pr 1,3.

[28] X. Ga 20,17.

[29] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1546.

[30] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1548.

[31] Thánh Augustinô, Sermo 298, 4-5: SPM 1, 98-99 (PL 38, 1367).

[32] X. Lc 2,21.

[33] X. Gl 4,4.

[34] X. Cl 2,11-13.

[35] X. Ga 8,46.

[36] X. Ga 7,19; Cv 13,38-41; 15,10.

[37] X. Gl 3,10; 5,3.

[38] X. Rm 10,2.

[39] X. Mt 15,3-7; Lc 11,39-54.

[40] X. Is 53,11; Dt 9,15.

[41] X. Gl 4,4.

[42] X. Gl 3,13.

[43] X. Gl 3,10.

[44] X. Ga 11,28; 3,2; Mt 22,23-24.34-36.

[45] X. Mt 12,5; 9,12; Mc 2,23-27; Lc 6,6-9; Ga 7,22-23.

[46] X. Mt 5,1.

[47] X. Mc 7,8.

[48] X. Mc 7,13.

[49] X. Gl 3,24.

[50] X. Ga 5,36; 10,25.37-38; 12,37.

[51] X. Mc 2,25-27; Ga 7,22-24.

[52] X. Mt 12,5; Ds 28,9.

[53] X. Lc 13,15-16; 14,3-4.

[54] X. Gl 4,4.

[55] X. Gl 3,13.

[56] X. Gl 3,10.

[57] X. Gc 1,25; 2,12.

[58] X. Gl 4,1-7.21-31; Rm 8,15-17.

[59] Thánh Irênê, Demonstratio praedicationis apostolicae, 7: SC 62, 41-42.

[60] X. Gl 4,6.

[61] X. 1 Cr 1,2.

[62] X. Gl 4,6.

[63] X. Gl 5,25.

[64] X. Gl 5,22.

[65] X. Ep 4,23.,

[66] X. Mt 6,7; 1V 18,26-29.

[67] Thánh Phêrô Kim ngôn, Sermo 71, 3: CCL 24A, 425 (PL 52, 401).

[68] X. Ep 3,12; Dt 3,6; 4,16; 10,19; 1 Ga 2,28; 3,21; 5,14.

[69] X. Lc 1,31.

[70] X.Tv 51,6.

[71] X.Tv 51,11.

[72] X. Tv 79,9.

[73] X. Cv 5,41; 3 Ga 7.

[74] X. Ga 3,18; Cv 2,21.

[75] X. Rm 10,6-13.

[76] X. Cv 9,14; Gc 2,7.

[77] X. Lv 16,15-16; Gv 50,22; Dt 9,7.

[78] X. Xh 25,22; Lv 16,2; Ds 7,89; Dt 9,5.

[79] X. Ga 12,28.

[80] X. Cv 16,16-18; 19,13-16.

[81] X. Mc 16,17.

[82] X. Ga 15,16.

[83] X. La réhabilitation de Jeanne la Pucelle. L’enquête ordonnée par Charles VII en 1450 et le codicille de Guillaume Bouille, ed. P. Doncoeur-Y. Lanhers (Paris 1956) 39. 45. 56.

[84] X. Xh 3,14; 33,19-23.

[85] X. Mt 1,21.

[86] X. Rm 10,13; Cv 2,21; 3,15-16; Gl 2,20.

[87] X. Lc 18,13; Mc 10,46-52..

[88] X. Lc 8,15.

[89] X. Mt 1,21; Lc 1,31.

[90] X. Ga 8,28; 17,8; 17,17-19.

[91] X. Ed 20,39; 36,20-21.

[92] X. Ga 17,6.

[93] X. Pl 2,9-11.