GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (29.4.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.

LỜI CHÚA

Bài Ðọc I: Cv 2, 14a. 36-41

"Thiên Chúa đã tôn Người làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Bài trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: "Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô".

Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: "Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?" Phêrô nói với họ: "Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em, và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến". Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ mà rằng: "Anh em hãy tự cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này". Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng, đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

Xướng: 1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa), dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi.

 

 Bài Ðọc II: 1 Pr 2, 20b-25

"Anh em đã trở về cùng Ðấng canh giữ linh hồn anh em".

Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, khi làm việc lành, nếu anh em phải nhẫn nhục chịu đau khổ, đó mới là ân phúc trước mặt Thiên Chúa. Anh em được gọi làm việc đó, vì Ðức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, lưu lại cho anh em một gương mẫu để anh em theo vết chân Người. Người là Ðấng không hề phạm tội, và nơi miệng Người không thấy điều gian trá. Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Ðấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành. Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Ðấng canh giữ linh hồn anh em. Ðó là lời Chúa.

 Alleluia:

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

 Phúc Âm: Ga 10, 1-10

"Ta là cửa chuồng chiên".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào".Ðó là lời Chúa.

 

GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO


Số 754, 764, 2665: Đức Kitô là Mục Tử và là Cửa chuồng chiên

Số 553, 857, 861, 881, 896, 1558, 1561, 1568, 1574: Đức Giáo hoàng và các giám mục như là những mục tử. 4

Số 874, 1120, 1465, 1536, 1548-1551, 1564, 2179, 2686: Các linh mục như là những mục tử. 6

Số 14, 189, 1064, 1226, 1236, 1253-1255, 1427-1429: Hối cải, Đức tin và Phép Rửa. 9

Số 618, 2447: Đức Kitô là gương mẫu trong sự chịu đựng


Số 754, 764, 2665: Đức Kitô là Mục Tử và là Cửa chuồng chiên

754. “Quả thật, Hội Thánh là chuồng chiên mà cửa vào duy nhất và cần thiết của chuồng chiên đó là Đức Kitô[1]. Hội Thánh cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã tiên báo Ngài sẽ là mục tử của đàn chiên đó[2], và những con chiên của đàn ấy, tuy do các mục tử phàm nhân chăn dắt, nhưng luôn được dẫn dắt và nuôi dưỡng bởi chính Đức Kitô, vị Mục tử nhân lành và Thủ lãnh các mục tử[3], Đấng đã hiến mạng sống mình cho các con chiên[4][5].

764. “Quả thật, Nước Thiên Chúa sáng tỏ trước mặt mọi người trong lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Kitô”[6]. Ai đón nhận lời của Chúa Giêsu là đón nhận “chính Nước Thiên Chúa”[7]. Mầm mống và điểm khởi đầu của Nước Thiên Chúa là “một đoàn chiên nhỏ bé” (Lc 12,32), gồm những người được Chúa Giêsu đến triệu tập quanh Người và chính Người là mục tử của họ[8]. Những người đó họp thành gia đình đích thực của Chúa Giêsu[9]. Những ai Người đã quy tụ quanh Người, Người đã dạy cho họ một “cách hành động” mới, và cả một kinh nguyện riêng[10].

2665. Kinh nguyện của Hội Thánh, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và việc cử hành phụng vụ, dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Giêsu. Mặc dù kinh nguyện đó chủ yếu dâng lên Chúa Cha, nhưng trong tất cả các truyền thống phụng vụ, vẫn hàm chứa những hình thức cầu nguyện dâng lên Đức Kitô. Một số Thánh vịnh, như hiện được thích ứng trong kinh nguyện của Hội Thánh, và Tân Ước, đặt vào môi miệng và khắc ghi trong tâm hồn chúng ta những lời khẩn nguyện dâng lên Đức Kitô: Lạy Con Thiên Chúa, Ngôi Lời của Thiên Chúa, Chúa, Đấng Cứu độ, Chiên Thiên Chúa, Đức Vua, Con chí ái của Thiên Chúa, Con Đức Trinh Nữ, Vị Mục tử nhân lành, Sự Sống của chúng con, Ánh sáng của chúng con, Hy vọng của chúng con, Sự Phục sinh của chúng con, Bạn của loài người.

Số 553, 857, 861, 881, 896, 1558, 1561, 1568, 1574: Đức Giáo hoàng và các giám mục như là những mục tử

553. Chúa Giêsu ủy thác cho ông Phêrô một thẩm quyền đặc biệt: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Quyền chìa khoá” là quyền cai quản Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Chúa Giêsu, “Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11) xác nhận nhiệm vụ đó sau khi Người phục sinh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh. Chúa Giêsu ủy thác quyền này cho Hội Thánh qua thừa tác vụ của các Tông Đồ[11], và đặc biệt của ông Phêrô, người duy nhất Chúa minh nhiên trao phó chìa khóa Nước Trời.

857. Hội Thánh có đặc tính tông truyền vì được đặt nền trên các Tông Đồ, và điều này được hiểu theo ba nghĩa:

– Hội Thánh đã và đang được xây dựng trên “nền móng là các Tông Đồ” (Ep 2,20)[12], là những chứng nhân đã được chính Đức Kitô tuyển chọn và sai đi[13];

– Với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng hằng ngự trong Hội Thánh, Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền giáo huấn[14], kho tàng quý báu, những lời lành thánh nghe được từ các Tông Đồ[15];

– Hội Thánh tiếp tục được giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn bởi các Tông Đồ cho đến khi Đức Kitô trở lại nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử: Giám mục đoàn, “với sự trợ giúp của các linh mục, hợp nhất với Đấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh”[16].

“Lạy Chúa là Mục Tử hằng hữu, Chúa không bỏ rơi đoàn chiên Chúa, nhưng nhờ các Thánh Tông Đồ, Chúa luôn che chở giữ gìn để đoàn chiên được hướng dẫn nhờ các vị lãnh đạo Chúa đã đặt làm mục tử nhân danh Con Chúa…”[17].

861. “Để sứ vụ đã được ủy thác cho các ngài vẫn được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông Đồ đã trao cho các cộng sự viên trực tiếp của mình, như trao một di chúc, nhiệm vụ phải hoàn thành và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, khuyên nhủ họ lưu ý đến hết đoàn chiên mà trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa. Các ngài đã thiết đặt những người như vậy và quy định rằng sau đó, khi những người nay chết, thì những người đàn ông khác đã được thử thách sẽ lãnh nhận thừa tác vụ của họ”[18].

881. Chúa đã đặt một mình ông Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, làm đá tảng của Hội Thánh Người. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh[19]; và đặt ông làm mục tử của toàn thể đoàn chiên[20]. “Tuy nhiên, nhiệm vụ tháo gỡ và cầm buộc, đã được ban cho ông Phêrô, rõ ràng cũng đã được trao ban cho Tông Đồ đoàn, hợp nhất với đầu của mình”[21]. Nhiệm vụ mục tử này của thánh Phêrô và của các Tông Đồ khác thuộc về nền móng của Hội Thánh. Nhiệm vụ đó được tiếp tục bởi các Giám mục dưới quyền tối thượng của Giám mục Rôma.

896. Vị Mục Tử nhân lành phải là gương mẫu và “khuôn mẫu” cho nhiệm vụ mục tử của Giám mục. Ý thức về những yếu đuối của mình, Giám mục “có thể cảm thông với những ai dốt nát và lầm lạc. Ngài không nên từ chối lắng nghe những kẻ thuộc quyền, mà ngài ân cần săn sóc như những người con thật của mình…. Còn các tín hữu phải gắn bó với Giám mục của mình như Hội Thánh gắn bó với Chúa Giêsu Kitô và như Chúa Giêsu Kitô gắn bó với Chúa Cha”[22].

“Tất cả anh em hãy vâng phục Giám mục, như Chúa Giêsu Kitô vâng phục Chúa Cha; hãy vâng phục linh mục đoàn như vâng phục các Tông Đồ; và hãy kính trọng các phó tế như kính trọng lệnh truyền của Chúa. Chớ gì không ai làm điều gì có liên quan đến Hội Thánh một cách tách biệt với Giám mục”[23].

1558. “Việc thánh hiến Giám mục, cùng với nhiệm vụ thánh hoá, cũng trao ban nhiệm vụ giảng dạy và cai quản…. Rõ ràng là nhờ việc đặt tay và nhờ các lời thánh hiến, ân sủng của Chúa Thánh Thần được truyền thông và ấn tín thánh thiêng được in ấn, đến độ các Giám mục, một cách trổi vượt và có thể thấy được, đảm nhận các vai trò của chính Đức Kitô là Thầy, Mục tử và Thượng tế, và hành động trong cương vị của Người (in Eius persona agant)”[24]. “Nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng được ban cho các Giám mục, các ngài trở thành những Thầy dạy đức tin, Thượng tế, và Mục tử thật sự và đích thực”[25].

1561. Những điều trên đây giải thích tại sao bí tích Thánh Thể do một Giám mục cử hành lại có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, xét như sự diễn tả một Hội Thánh quy tụ quanh bàn thờ, dưới sự chủ tọa của vị đại diện hữu hình của Đức Kitô, là Mục tử nhân lành và là Đầu của Hội Thánh Người[26].

1568. “Tất cả các linh mục, được thiết đặt vào hàng linh mục nhờ việc truyền chức, liên kết mật thiết với nhau bằng tình huynh đệ do bí tích; nhưng cách đặc biệt trong một giáo phận, nơi các ngài được chỉ định phục vụ dưới quyền một Giám mục riêng, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất”[27]. Tính duy nhất của linh mục đoàn được biểu lộ qua một tập tục phụng vụ, đó là trong nghi thức truyền chức linh mục, sau Giám mục, chính các linh mục cũng đặt tay [lên đầu vị tiến chức].

1574. Cũng như trong các bí tích khác, nghi thức truyền chức có kèm theo một số nghi thức phụ. Tuy rất khác biệt trong những truyền thống phụng vụ khác nhau, nhưng cách chung, các nghi thức phụ này đều diễn tả nhiều khía cạnh của ân sủng bí tích. Trong nghi lễ La tinh, có những nghi thức khởi đầu gồm: việc giới thiệu và tuyển chọn tiến chức, huấn dụ của Giám mục, khảo hạch tiến chức, kinh cầu các Thánh; những nghi thức này xác nhận ứng viên được tuyển chọn đúng theo cách làm của Hội Thánh, và chuẩn bị cho hành vi long trọng là việc thánh hiến. Sau nghi thức truyền chức, còn có những nghi thức kèm theo để diễn tả và thực hiện cách biểu tượng mầu nhiệm vừa cử hành: đối với tân Giám mục và tân linh mục có việc xức dầu thánh, là dấu chỉ của việc xức dầu bằng Chúa Thánh Thần cách đặc biệt làm cho thừa tác vụ của các ngài được sinh hoa kết quả; việc trao cho tân Giám mục sách Tin Mừng, nhẫn, mũ và gậy như dấu chỉ cho sứ vụ tông đồ của ngài là rao giảng Lời Chúa, sự trung thành của ngài đối với Hội Thánh là Hiền Thê của Đức Kitô, và nhiệm vụ của ngài là mục tử của đoàn chiên của Chúa; việc trao cho tân linh mục dĩa và chén thánh, là dấu chỉ của lễ vật của dân thánh[28] mà tân linh mục được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa; việc trao sách Tin Mừng cho tân phó tế là người đã lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô.

Số 874, 1120, 1465, 1536, 1548-1551, 1564, 2179, 2686: Các linh mục như là những mục tử

874. Chính Đức Kitô là nguồn mạch của thừa tác vụ trong Hội Thánh. Chính Người đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh:

“Để dân Thiên Chúa được chăn dắt và luôn được tăng trưởng, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa tác vụ khác nhau trong Hội Thánh của Người hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy, các thừa tác viên, những người sử dụng quyền thánh chức, phục vụ các anh chị em mình, để mọi người thuộc dân Thiên Chúa … đạt tới ơn cứu độ”[29].

1120. Thừa tác vụ có chức thánh hay “chức tư tế thừa tác[30] là để phục vụ chức tư tế do bí tích Rửa Tội. Chức tư tế thừa tác bảo đảm rằng trong các bí tích, chính Đức Kitô hành động nhờ Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh. Sứ vụ cứu độ mà Chúa Cha ủy thác cho Chúa Con khi xuống thế làm người, được trao cho các Tông Đồ và qua các ngài cho những người kế nhiệm các ngài: những vị này lãnh nhận Thánh Thần của Chúa Giêsu để hành động nhân danh Người và trong cương vị của Người[31]. Như vậy, thừa tác vụ có chức thánh là sợi dây mang tính bí tích nối kết hành động phụng vụ với những gì các Tông Đồ đã nói và đã làm, và qua các Tông Đồ, với những gì Đức Kitô, Đấng là nguồn mạch và nền tảng của các bí tích, đã nói và đã làm.

1465. Khi cử hành bí tích Thống Hối, tư tế chu toàn thừa tác vụ của vị Mục tử nhân lành đi tìm chiên lạc, của người Samaritanô nhân hậu băng bó các vết thương, của người Cha chờ đợi đứa con hoang đàng và đón nhận nó khi nó trở về, của vị thẩm phán công chính không thiên vị ai, và xét xử vừa công bằng vừa hay thương xót. Tắt một lời, tư tế là dấu chỉ và là dụng cụ của tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân.

1536. Truyền Chức Thánh là bí tích qua đó, sứ vụ Đức Kitô đã ủy thác cho các Tông Đồ của Người được tiếp tục thực thi trong Hội Thánh cho đến tận thế: vì vậy, đây là bí tích của thừa tác vụ Tông Đồ. Bí tích này gồm ba cấp bậc: chức Giám mục, chức linh mục và chức phó tế.

1548. Chính Đức Kitô hiện diện với Hội Thánh Người trong việc phục vụ của các thừa tác viên có chức thánh; Người hiện diện với tư cách là Đầu của thân thể Người, là Mục Tử của đoàn chiên của Người, là Thượng Tế của hy lễ cứu chuộc, là Thầy dạy chân lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi xác quyết rằng vị tư tế, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, hành động trong cương vị Đức Kitô là Đầu (in persona Christi Capitis)[32]:

“Cùng một vị Tư Tế là chính Đức Kitô Giêsu, còn thừa tác viên của Người thật ra đảm nhận cương vị thánh thiêng của Người. Bởi vì vị này, nhờ sự thánh hiến linh mục mà ông đã lãnh nhận, ông được đồng hoá với Vị Thượng Tế, và ông được quyền hành động với quyền năng và cương vị của chính Đức Kitô (virtute ac persona ipsius Christi)”[33].

“Đức Kitô là nguồn mạch mọi chức tư tế: vì vị tư tế của luật cũ là hình bóng của Người; còn vị tư tế của luật mới hành động trong cương vị của Đức Kitô”[34].

1549. Nhờ thừa tác vụ thánh chức, nhất là của các Giám mục và linh mục, sự hiện diện của Đức Kitô với tư cách là Đầu Hội Thánh, trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu[35]. Theo kiểu nói rất hay của thánh Ignatiô Antiôchia, Giám mục là typos tou Patros, như là hình ảnh sống động của Chúa Cha[36].

1550. Sự hiện diện như vậy của Đức Kitô trong thừa tác viên không được hiểu là vị này đã được gìn giữ khỏi mọi yếu đuối của con người, khỏi tinh thần thống trị, khỏi sai lầm và khỏi cả tội lỗi. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần không bảo đảm cho tất cả các hành vi của thừa tác viên bằng cùng một cách thức. Khi thừa tác viên cử hành các bí tích, thì điều bảo đảm này được trao ban, nên thậm chí tội lỗi của thừa tác viên cũng không thể ngăn cản hiệu quả của ân sủng; còn trong nhiều hành vi khác, dấu ấn con người của thừa tác viên để lại những vết tích, không phải luôn luôn là dấu chỉ của sự trung thành với Tin Mừng và vì vậy những hành vi đó có thể làm phương hại đến sự sinh hoa kết quả trong việc tông đồ của Hội Thánh.

1551. Chức tư tế này là chức tư tế thừa tác. “Nhiệm vụ đó, được Chúa trao phó cho các mục tử của dân Người, thật sự là một việc phục vụ[37]. Nó hoàn toàn hướng tới Đức Kitô và hướng tới con người. Chức tư tế thừa tác hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Kitô và vào chức tư tế duy nhất của Người, và được thiết lập vì con người và cộng đoàn Hội Thánh. Bí tích Truyền Chức Thánh thông ban “quyền thánh chức”, không là gì khác hơn là quyền năng thánh thiêng của Đức Kitô. Vì vậy, việc thực thi quyền này phải rập theo mẫu gương của Đức Kitô, Đấng vì yêu thương đã trở nên người rốt hết và là tôi tớ của mọi người[38]. “Chúa đã tuyên bố rõ ràng rằng việc chăm sóc đoàn chiên là bằng chứng tình yêu đối với Người”[39].

1564. “Tuy không có quyền cao nhất của chức thượng tế và tùy thuộc các Giám mục trong khi thực thi năng quyền của mình, cac linh mục vẫn được liên kết với các Giám mục trong danh dự tư tế, và nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, vị Thượng Tế vĩnh cửu[40], để rao giảng Tin Mừng, hướng dẫn các tín hữu, và cử hành việc phụng tự thần linh với tư cách là những tư tế đích thực của Giao Ước Mới[41].

2179. Giáo xứ là một cộng đoàn Kitô hữu nhất định được thiết lập cách bền vững trong Giáo Hội địa phương, và trách nhiệm mục vụ được ủy thác cho cha sở như là chủ chăn riêng của giáo xứ ấy, dưới quyền Giám mục giáo phận”[42]. Giáo xứ là nơi mọi tín hữu có thể tập họp để cử hành bí tích Thánh Thể mỗi Chúa nhật. Giáo xứ đưa dân Kitô hữu vào sinh hoạt thông thường của đời sống phụng vụ, và tập họp họ để cử hành phụng vụ, giảng dạy cho họ giáo lý cứu độ của Đức Kitô; thực thi đức mến của Chúa trong các công việc từ thiện và huynh đệ[43]:

“Bạn cũng có thể cầu nguyện ở nhà; nhưng quả thật, bạn không thể cầu nguyện như ở nhà thờ được, vì ở nhà thờ có đông người, đồng thanh kêu lên Thiên Chúa…. Ở nhà thờ còn có điều hơn nữa, đó là sự đồng tâm nhất trí, có dây liên kết của đức mến và kinh nguyện của các linh mục”[44].

2686. Các thừa tác viên có chức thánh cũng là những người có trách nhiệm trong việc đào tạo cho anh chị em mình trong Đức Kitô biết cầu nguyện. Những người này, là các tôi tớ của vị Mục tử nhân lành, được truyền chức thánh để dẫn dắt dân Thiên Chúa đến các nguồn mạch sống động của việc cầu nguyện: đến Lời Chúa, phụng vụ, đời sống đối thần, đến “Ngày hôm nay” của Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể[45].

Số 14, 189, 1064, 1226, 1236, 1253-1255, 1427-1429: Hối cải, Đức tin và Phép Rửa

14. Những ai thuộc về Đức Kitô nhờ đức tin và Phép Rửa đều phải tuyên xưng đức tin của Phép Rửa trước mặt mọi người[46]. Vì thế, Sách Giáo Lý này trước hết trình bày nội dung của mạc khải và đức tin: qua mạc khải, Thiên Chúa đến với con người và ban chính mình Ngài cho con người; nhờ đức tin, con người đáp lại Thiên Chúa (Đoạn 1). Kinh Tin Kính tóm lược những hồng ân mà Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc mọi điều thiện hảo, là Đấng Cứu chuộc, là Đấng Thánh hoá, đã ban cho con người. Các hồng ân trên được sắp đặt trong “ba chương” về Phép Rửa, đó là tin vào một Thiên Chúa duy nhất: Chúa Cha toàn năng, Đấng Tạo Hoá; Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài, là Chúa và là Đấng Cứu độ chúng ta; và Chúa Thánh Thần, trong Hội Thánh (Đoạn 2).

189. Việc “tuyên xưng đức tin” đầu tiên được thực hiện khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. “Tín biểu” trước hết là Tín biểu của Phép Rửa. Bởi vì Phép Rửa được ban “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28,19), nên các chân lý đức tin được tuyên xưng trong Phép Rửa đã được sắp xếp theo tương quan của chúng với Ba Ngôi Chí Thánh.

1064. Vì vậy, từ “Amen” ở cuối Tín biểu lặp lại và xác nhận thuật ngữ đầu tiên của Tín biểu: “Tôi tin”. Tin là thưa “Amen” đối với các lời, các lời hứa và các điều răn của Thiên Chúa, và là phó thác bản thân một cách tuyệt đối cho Đấng là “Amen” của tình yêu vô tận và của sự trung tín trọn vẹn. Vậy đời sống Kitô hữu mỗi ngày sẽ là “Amen” cho lời “Tôi tin” trong bản Tuyên xưng đức tin khi chúng ta lãnh nhận Phép Rửa:

“Tín biểu của bạn phải là như gương soi cho bạn. Hãy ngắm nhìn bạn trong đó, để xem bạn có tin tất cả những gì bạn tuyên xưng là bạn tin hay không, và hằng ngày hãy vui mừng trong đức tin của bạn”[47].

1226. Từ ngày lễ Ngũ Tuần, Hội Thánh đã cử hành và ban bí tích Rửa Tội. Thật vậy, thánh Phêrô tuyên bố với đám đông đang bối rối vì bài giảng của ngài: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được hồng ân là Thánh Thần” (Cv 2,38). Các Tông Đồ và những cộng sự viên của các ngài ban bí tích Rửa Tội cho những ai tin vào Chúa Giêsu: những người Do Thái, những người kính sợ Thiên Chúa và những người ngoại giáo[48]. Bí tích Rửa Tội luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).

1236. Việc công bố Lời Chúa dọi chiếu chân lý được mạc khải cho các ứng viên và cộng đoàn, và khơi lên lời đáp lại của đức tin, vốn không thể tách rời khỏi bí tích Rửa Tội. Bí tích Rửa Tội, một cách đặc biệt, là “bí tích của đức tin”, bởi vì nó là cửa ngõ bí tích dẫn vào đời sống đức tin.

1253. Bí tích Rửa Tội là bí tích của đức tin[49]. Nhưng đức tin cần đến cộng đoàn các tín hữu. Mỗi Kitô hữu chỉ có thể tin trong đức tin của Hội Thánh. Đức tin cần phải có để được chịu Phép Rửa, chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng thành, nhưng là một khởi đầu cần được tăng trưởng. Hội Thánh hỏi người dự tòng hoặc người đỡ đầu: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Và họ trả lời: “Con xin đức tin”.

1254. Đức tin của mọi người đã chịu Phép Rửa, cả nhi đồng cả người thành niên, cần được tăng trưởng sau bí tích Rửa Tội. Vì vậy, hằng năm, trong đêm Canh thức Vượt Qua, Hội Thánh cử hành việc lặp lại các lời hứa Phép Rửa. Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội mới chỉ đưa tới ngưỡng cửa của đời sống mới. Bí tích Rửa Tội là nguồn mạch của đời sống mới trong Đức Kitô, từ đó tuôn trào toàn bộ đời sống Kitô hữu.

1255. Để ân sủng của bí tích Rửa Tội có thể được triển nở, sự hỗ trợ của cha mẹ là rất quan trọng. Cha mẹ đỡ đầu cũng có nhiệm vụ trong công việc này. Họ phải là những tín hữu kiên vững, có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ người mới chịu Phép Rửa, nhi đồng cũng như người thành niên, trên con đường của đời sống Kitô hữu[50]. Nhiệm vụ của cha mẹ đỡ đầu thực sự là một chức vụ chính thức (officium) trong Hội Thánh[51]. Toàn thể cộng đoàn giáo hội đều dự phần trách nhiệm trong việc làm triển nở và giữ gìn ân sủng đã được lãnh nhận trong bí tích Rửa Tội.

1427. Chúa Giêsu kêu gọi hối cải. Lời kêu gọi này là một phần cốt yếu của việc loan báo Nước Thiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Trong việc rao giảng của Hội Thánh, lời kêu gọi này trước hết nhằm đến những người chưa biết Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Như vậy, bí tích Rửa Tội là vị trí đầu tiên và căn bản của việc hối cải. Chính nhờ tin vào Tin Mừng và nhờ bí tích Rửa Tội[52] mà người ta từ bỏ sự dữ và đạt được ơn cứu độ, nghĩa là được ơn tha thứ mọi tội lỗi và được hưởng hồng ân sự sống mới.

1428. Lời kêu gọi hối cải của Đức Kitô vẫn tiếp tục vang vọng trong đời sống các Kitô hữu. Cuộc hối cải thứ hai này là một nhiệm vụ liên tục của toàn thể Hội Thánh vì “mang trong lòng mình những tội nhân, vừa thánh thiện vừa luôn cần được thanh luyện, Hội Thánh phải không ngừng thống hối và canh tân”[53]. Nỗ lực hối cải này không chỉ là công việc của con người. Việc thống hối là hành động của một “tâm hồn tan nát”[54] được ân sủng lôi kéo và thúc đẩy[55], để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước[56].

1429. Có thể lấy cuộc hối cải của thánh Phêrô, sau khi chối Thầy mình ba lần, làm bằng chứng cho điều đó. Cái nhìn của lòng thương xót vô biên của Chúa Giêsu khiến ông khóc lóc thống hối[57] và, sau khi Chúa sống lại, ông đã ba lần khẳng định tình yêu của ông đối với Người[58]. Cuộc hối cải thứ hai cũng mang chiều kích cộng đoàn. Điều này được thấy rõ trong lời kêu gọi của Chúa với toàn thể Hội Thánh: “Hãy hối cải!” (Kh 2,5.16).

Thánh Ambrôsiô nói về hai cuộc hối cải: “Hội Thánh có nước và nước mắt, nước của bí tích Rửa Tội, và nước mắt của bí tích Thống Hối”[59].

Số 618, 2447: Đức Kitô là gương mẫu trong sự chịu đựng

618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người[60]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”[61], nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua”[62]. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người[63], bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[64]. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy [65]. Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[66].

“Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”[67].

2447. Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần của họ[68]. Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ là những việc từ thiện về mặt tinh thần, cũng như tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng. Các việc từ thiện về mặt vật chất gồm có: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết[69]. Trong các công việc đó, bố thí cho người nghèo[70] là một trong những bằng chứng chủ yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là việc thực thi đức công bằng làm đẹp lòng Thiên Chúa[71]:

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11). “Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi” (Lc 11,41). “Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” (Gc 2,15-16)[72].




[1] X. Ga 10,1-10.

[2] X. Is 40,11; Ed 34,11-31.

[3] X. Ga 10,11; 1 Pr 5,4.

[4] X. Ga 10,11-15.

[5] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 6: AAS 57 (1965) 8.

[6] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[7] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 5: AAS 57 (1965) 7.

[8] X. Mt 10,16; 26,31; Ga 10,1-21.

[9] X. Mt 12,49.

[10] X. Mt 5-6.

[11] X. Mt 18,18.

[12] X. Kh 21,14.

[13] X. Mt 28,16-20; Cv 1,8; 1 Cr 9,1; 15,7-8; Gl 1,1; v.v….

[14] X. Cv 2,42.

[15] X. 2 Tm 1,13-14.

[16] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 5: AAS 58 (1966) 952.

[17] Kinh Tiền Tụng Lễ Các Thánh Tông Đồ I: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 426.

[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 20: AAS 57 (1965) 23; x. Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 42, 4: SC 167, 168-170 (Funk, 1, 152); Ibid. 44, 2: SC 167, 172 (Funk, 1, 154-156).

[19] X. Mt 16,18-19.

[20] X. Ga 21,15-17.

[21] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

[22] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 27: AAS 57 (1965) 33.

[23] X. Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Smyrnaeos, 8, 1: SC 10bis, 138 (Funk 1, 282).

[24] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 25.

[25] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 2: AAS 58 (1966) 674.

[26] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 41: AAS 56 (1964) 111 ; Id., Hiến chế tín lý Lumen gentium, 26: AAS 57 (1965) 31-32.

[27] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 8: AAS 58 (1966) 1003.

[28] X. Pontificale Romanum. De Ordinatione Episcopi, presbyterorum et diaconorum, De Ordinatione presbyterorum. Traditio panis et vini, 163, editio typica altera (Typis Polyglottis Vaticanis 1990) 95.

[29] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 18: AAS 57 (1965) 21-22.

[30] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 10: AAS 57 (1965) 14.

[31] X. Ga 20,21-23; Lc 24,47; Mt 28,18-20.

[32] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10: AAS 57 (1965) 14; Ibid., 28: AAS 57 (1965) 34; Id., Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 33: AAS 56 (1964) 108; Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 11: AAS 58 (1966) 677; Id., Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2: AAS 58 (1966) 992; Ibid., 6: AAS 58 (1966) 999.

[33] ĐGH Piô XII, Thông điệp Mediator Dei: AAS 14 (1947) 548.

[34] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, III, q. 22, a. 4, c: Ed. Leon. 11, 260.

[35] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21: AAS 57 (1965) 24.

[36] X. Thánh Ignatiô Antiôchia, Epistula ad Trallianos, 3, 1; SC 10bis, 96 (Funk 1, 244); Id., Epistula ad Magnesios, 6,1: SC 10bis, 84 (Funk 1, 234).

[37] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 24: AAS 57 (1965) 29.

[38] X. Mc 10,43-45; 1 Pr 5,3.

[39] Thánh Gioan Kim Khẩu, De sacerdotio, 2,4: SC 272, 118 (PG 48, 635); x. Ga 21,15-17.

[40] X. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28.

[41] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28: AAS 57 (1965) 34.

[42] Bộ Giáo Luật, điều 515,1.

[43] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Christifideles laici, 26: AAS 81 (1989) 437-440.

[44] Thánh Gioan Kim Khẩu, De incomprehensibili Dei natura seu contra Anomoeos, 3, 6: SC 28bis, 218 (PL 48, 725).

[45] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 4-6: AAS 58 (1966) 995-1001.

[46] X. Mt 10,32; Rm 10,9.

[47] Thánh Augustinô, Sermo 58, 11, 13: PL 38, 399.

[48] X. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15.

[49] X. Mc 16,16.

[50] X. Bộ Giáo Luật, các điều 872-874.

[51] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 67: AAS 56 (1964) 118.

[52] X. Cv 2,38.

[53] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 8: AAS 57 (1965) 12.

[54] X. Tv 51,19.

[55] X. Ga 6,44; 12,32.

[56] X. 1 Ga 4,10.

[57] X. Lc 22,61-62.

[58] X. Ga 21,15-17.

[59] Thánh Ambrôsiô, Epistula extra collectionem, 1 [41], 12: CSEL 82/3, 152 (PL 16, 1116).

[60] X. 1 Tm 2,5.

[61] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[62] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043.

[63] X. Mt 16,24.

[64] X. 1 Pr 2,21.

[65] X. Mc 10,39; Ga 21,18-19; Cl 1,24.

[66] X. Lc 2,35.

[67] Thánh Rôsa Lima: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Maria Limensis (Romae 1664) 137.

[68] X. Is 58,6-7; Đnl 13,3.

[69] X. Mt 25,31-46.

[70] X. Tb 4,5-11; Gv 17,18.

[71] X. Mt 6,2-4.

[72] X. 1 Ga 3,17.