GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B

WHĐ (20.03.2024) Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 557-560: Việc Đức Kitô vào thành Giêrusalem

Số 602-618: Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô

Số 2816: Vương quyền của Đức Kitô đạt được qua cái chết và sự phục sinh của Người 7

Số 654, 1067-1068, 1085, 1362: Mầu nhiệm Vượt Qua và phụng vụ. 8

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7. 9

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11. 10

Bài Thương Khó: Mc 14, 1 – 15, 47


Số 557-560: Việc Đức Kitô vào thành Giêrusalem

557. “Khi đã tới ngày Chúa Giêsu được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giêrusalem” (Lc 9,5l)[1]. Qua quyết định này, Chúa Giêsu tỏ cho thấy Người lên Giêrusalem trong tư thế sẵn sàng để chịu chết ở đó. Người đã loan báo đến ba lần cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người[2]. Khi tiến về Giêrusalem, Người nói: “Một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được!” (Lc 13,33).

558. Chúa Giêsu gợi lại cái chết của các Tiên tri, đã bị giết ở Giêrusalem[3]. Dù sao, Người vẫn khẩn khoản kêu gọi Giêrusalem quy tụ quanh Người: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu” (Mt 23,37b). Khi nhìn thấy Giêrusalem, Người khóc thương thành ấy[4] và một lần nữa thốt lên ao ước của lòng Người: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được” (Lc 19,42).

Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Messia

559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[5], đã chọn thời điểm và chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32) với tư cách là Đấng Messia[6]. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự that[7]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần dân của Nước Người là các trẻ em[8] và “những người nghèo của Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho các mục đồng[9]. Lời tung hô của họ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa.

560. Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem tỏ cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến. Sự kiện đó, Đức Vua Messia sắp hoàn thành bằng cuộc Vượt Qua, là sự Chết và sự Sống lại của Người. Phụng vụ Hội Thánh khởi đầu Tuần Thanh bằng việc cử hành biến cố Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem, trong Chúa Nhật Lễ Lá.

 

Số 602-618: Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô

“Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta”

602. Chính vì thế thánh Phêrô có thể diễn tả đức tin tông truyền về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như sau: “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô. Ngươi là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này” (1 Pr 1,18-20). Các tội người ta phạm, tiếp theo sau tội tổ tông, khiến người ta phải chết[10]. Khi sai Con Một của Ngài đến trong thân phận tôi tớ[11], tức là trong thân phận loài người đã sa ngã và tất phải chết vì tội lỗi[12], “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5,21).

603. Vì không phạm tội, Chúa Giêsu không bao giờ biết đến việc bị Thiên Chúa loại bỏ[13]. Nhưng trong tình yêu cứu chuộc, một tình yêu hằng kết hợp Người với Chúa Cha[14], Người đã đảm nhận lấy chúng ta, những kẻ đang vì tội lỗi mà lạc đường lìa xa Thiên Chúa, đến độ trên thập giá, Người đã có thể thốt lên thay chúng ta: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con!” (Mc 15,34)[15]. Vì đã kết hợp Đức Kitô với chúng ta là các tội nhân, nên Thiên Chúa “đã chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp chính Con Một của Ngài vì hết thảy chúng ta” (Rm 8,32), để chúng ta “được giao hoà với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Một Ngài” (Rm 5,10).

Thiên Chúa đã khởi xướng trong tình yêu cứu chuộc mọi người

604. Khi trao nộp Con của Ngài vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa biểu lộ kế hoạch của Ngài là một kế hoạch của tình yêu lân mẫn, đi trước mọi công trạng của chúng ta: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Ngài đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10)[16]. “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

605. Tình yêu này không loại trừ một ai. Chúa Giêsu nhắc lại điều đó để kết luận dụ ngôn về con chiên lạc: “Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Người quả quyết Người “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lời tuyên bố quan trọng này không mang ý nghĩa hạn chế: lời đó đặt song đối tập thể nhân loại với một mình Đấng Cứu Chuộc, Đấng tự hiến để cứu độ nhân loại ấy[17]. Hội Thánh, theo sau các Tông Đồ[18], dạy rằng: Đức Kitô đã chết cho tất cả mọi người không trừ một ai. “Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Người [Đức Kitô] không chịu khổ nạn cho”[19].

Cả cuộc đời của Đức Kitô là của lễ dâng hiến Chúa Cha

606. Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người”[20], “khi vào trần gian, Người nói: ‘Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài’… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Thế gian phải “biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31).

607. Sự khao khát gắn bó với kế hoạch yêu thương cứu chuộc của Chúa Cha truyền cảm hứng cho cả cuộc đời Chúa Giêsu[21], bởi vì cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người là lý do việc Người nhập thể: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này! Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga 12,27). “Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống?” (Ga 18,11). Và trên thập giá, trước khi mọi sự “đã hoàn tất” (Ga 19,30), Người nói: “Tôi khát!” (Ga 19,28).

“Chiên xoá tội trần gian”

608. Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Chúa Giêsu giữa các tội nhân[22], ông Gioan Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian[23]. Như vậy ông cho thấy rằng Chúa Giêsu đồng thời vừa là Người Tôi trung đau khổ, im lặng chịu đem đi làm thịt[24] và mang lấy tội lỗi muôn người[25], vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho việc Cứu Chuộc Israel trong cuộc Vượt Qua đầu tiên[26]. Cả cuộc đời của Đức Kitô diễn tả sứ vụ của Người: phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người[27].

Chúa Giêsu tự do gắn bó với tình yêu cứu chuộc của Chúa Cha

609. Khi gắn bó với tình yêu của Chúa Cha đối với loài người trong trái tim nhân loại của mình, Chúa Giêsu “đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), bởi vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Như vậy, nhân tính của Người trong cuộc khổ nạn và cái chết, đã trở thành dụng cụ tự do và hoàn hảo của tình yêu thần linh của Người, một tình yêu muốn cứu độ mọi người[28]. Thật vậy, Người đã tự do chấp nhận cuộc khổ nạn và cái chết vì tình yêu đối với Cha Người và đối với loài người mà Người muốn cứu độ: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Do đó, Con Thiên Chúa đã tự do tột bậc khi Người tiến tới cái Chết[29].

Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu thực hiện trước việc tự nguyện dâng hiến mạng sống của mình

610. Chúa Giêsu đã diễn tả cách hết sức rõ ràng việc Người tự nguyện dâng hiến chính mình trong bữa tiệc Người ăn với mười hai Tông Đồ[30] “trong đêm bị nộp” (1 Cr 11,23). Hôm trước ngày chịu nạn, khi còn hoàn toàn tự do, Chúa Giêsu đã biến bữa Tiệc cuối cùng với các Tông Đồ của Người thành lễ tưởng niệm việc Người tự nguyện dâng hiến chính mình cho Chúa Cha[31] để cứu độ nhân loại: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19). “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).

611. Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập lúc đó, sẽ là “việc tưởng niệm”[32] hy tế của Người. Người bao gồm các Tông Đồ vào sự dâng hiến chính mình Người và dạy họ lưu truyền việc dâng hiến này mãi mãi[33]. Như vậy, Chúa Giêsu đã đặt các Tông Đồ của Người làm tư tế của Giao Ước Mới: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17,19)[34].

Cơn hấp hối trong vườn Giêtsêmani

612. Chúa Giêsu đã tham dự trước chén của Giao Ước Mới khi Người tự hiến trong bữa Tiệc Ly[35], rồi Người nhận lấy chén đó từ tay Chúa Cha trong cơn hấp hối của Người tại vườn Giêtsêmani[36], khi Người “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết” (Pl 2,8)[37]. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này…” (Mt 26,39). Như vậy Người diễn tả nỗi khiếp sợ mà bản tính nhân loại của Người cảm nghiệm trước cái Chết. Thật vậy, bản tính nhân loại của Chúa Giêsu, cũng như của chúng ta, được nhắm đến sự sống vĩnh cửu; nhưng khác với chúng ta, bản tính nhân loại của Người hoàn toàn không có tội[38], mà tội mới gây nên sự chết[39]; nhưng đặc biệt, bản tính nhân loại của Người đã được đảm nhận bởi Ngôi Vị thần linh của “Đấng khơi nguồn sự sống”[40], “Đấng hằng sống”[41]. Khi chấp nhận thánh ý Chúa Cha bằng ý chí nhân loại của mình[42], Chúa Giêsu chấp nhận cái Chết có giá trị cứu chuộc của mình, để “tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể ma đưa lên cây thập giá” (1 Pr 2,24).

Cái chết của Đức Kitô là hy lễ duy nhất và tối hậu

613. Cái chết của Đức Kitô đồng thời vừa là hy lễ Vượt Qua, mang lại ơn Cứu Chuộc tối hậu cho loài người[43], nhờ Con Chiên, Đấng xoá tội trần gian[44], vừa là hy lễ của Giao Ước Mới[45], cho con người lại được hiệp thông với Thiên Chúa[46], khi giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ máu đổ ra cho muôn người được tha tội[47].

614. Hy lễ này của Đức Kitô là duy nhất, hy lễ đó hoàn tất và vượt hơn hẳn mọi hy lễ[48]. Trước hết, hy lễ đó là một hồng ân của chính Thiên Chúa Cha: Chúa Cha trao nộp Con của Ngài để giao hòa chúng ta với Ngài[49]. Đồng thời, đây là sự dâng hiến của Con Thiên Chúa làm người, Đấng, vì tình yêu[50], tự ý dâng hiến mạng sống mình[51] cho Cha của Người nhờ Chúa Thánh Thần[52], để đền bù sự bất tuân của chúng ta.

Chúa Giêsu đền thay sự bất tuân của chúng ta bằng sự vâng phục của Người

615. “Cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19). Chúa Giêsu, bằng sự vang phục cho đến chết của Người, đã hoàn thành việc đền thay của Người Tôi trung đau khổ, là hiến thân làm hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi của muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ[53]. Chúa Giêsu đã đền bù các lỗi lầm của chúng ta và tạ tội với Chúa Cha vì tội lỗi của chúng ta[54].

Trên thập giá, Chúa Giêsu hoàn tất hy tế của Người

616. Tình yêu thương đến cùng[55] mang lại cho hy lễ của Đức Kitô giá trị Cứu Chuộc và đền bù, đền tội và tạ tội. Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người dâng hiến mạng sống mình[56]. “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết” (2 Cr 5,14). Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có khả năng mang lấy trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Nơi Đức Kitô, sự hiện hữu của Ngôi Vị Chúa Con vừa vượt hơn hẳn vừa bao gồm tất cả các nhân vị, khiến cho Đức Kitô là Đầu của toàn thể nhân loại, và làm cho hy tế của Người có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người.

617. Công đồng Triđentinô dạy: “Bằng cuộc khổ nạn rất thánh của Người trên cây thập giá, Đức Kitô đã lập công cho chúng ta được nên công chính”[57], qua đó nêu rõ tính duy nhất của hy tế của Đức Kitô, Đấng là tác giả của ơn cứu độ vĩnh cửu[58]. Vì vậy khi tôn kính Thánh Giá, Hội Thánh ca hát rằng: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con!”[59]

Sự tham dự của chúng ta vào hy tế của Đức Kitô

618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người[60]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể mọi người”[61], nên Người đã “ban cho mọi người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm Vượt Qua”[62]. Người kêu gọi các môn đệ vác thập giá mình mà theo Người[63], bởi vì Người đã chịu khổ nạn vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[64]. Quả thật, Người cũng muốn những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế ấy [65]. Điều đó được thực hiện, một cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[66].

“Đây là chiếc thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời”[67].

 

Số 2816: Vương quyền của Đức Kitô đạt được qua cái chết và sự phục sinh của Người

2816. Trong Tân Ước, cùng một từ Basileia có thể dịch là “vương quyền” (danh từ trừu tượng), “nước” (danh từ cụ thể) hay “vương triều” (danh từ chỉ việc cai trị). Nước Thiên Chúa đang ở trước chúng ta. Nước đó đã gần đến trong Ngôi Lời nhập thể, đã được loan báo trong toàn bộ Tin Mừng, và đã đến trong sự chết và sống lại của Đức Kitô. Nước Thiên Chúa đến từ bữa Tiệc Ly và trong bí tích Thánh Thể, Nước đó đang ở giữa chúng ta. Nước đó sẽ đến trong vinh quang, khi Đức Kitô trao nó lại cho Cha Người:

“Có thể nói, Nước Thiên Chúa là chính Đức Kitô, Đấng chúng ta hằng ngày khát khao Người đến, và chúng ta mong mỏi việc Người ngự đến mau mau được tỏ hiện cho chúng ta. Đàng khác, cũng như Người là sự phục sinh bởi vì chúng ta được sống lại trong Người, thì cũng vậy, Người có thể được hiểu là Nước Thiên Chúa bởi vì chúng ta sẽ được hiển trị trong Người”[68].

 

Số 654, 1067-1068, 1085, 1362: Mầu nhiệm Vượt Qua và phụng vụ

654. Trong mầu nhiệm Vượt Qua có hai khía cạnh: Đức Kitô, nhờ sự Chết của Người, giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, nhờ sự Phục Sinh của Người, mở đường cho chúng ta tiến vào cuộc sống mới. Trước hết, đây là sự công chính hoá, phục hồi chúng ta trong ân sủng của Thiên Chúa[69], để “cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4). Đời sống mới này cốt tại việc chiến thắng cái chết của tội lỗi, và việc tham dự mới vào ân sủng[70]. Đời sống mới hoàn thành ơn được làm nghĩa tử, bởi vì người ta trở thành anh em của Đức Kitô, như chính Chúa Giêsu gọi các môn đệ Người sau cuộc phục sinh của Người: “Về báo cho anh em của Thầy” (Mt 28,10)[71]. Anh em đây không phải do bản tính, nhưng do hồng ân của ân sủng, bởi vì ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta thật sự thông phần vào sự sống của Người Con Một, sự sống đó đã được mạc khải trọn vẹn trong sự Phục Sinh của Người.

1067. “Công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách trọn hảo này, đã được tiên báo trong Cựu Ước qua những công trình vĩ đại của Chúa, nay được Đức Kitô thực hiện, đặc biệt bằng mầu nhiệm Vượt Qua, nghĩa là bằng cuộc tử nạn hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Người; qua đó, ‘Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để tái lập sự sống’. Chính từ cạnh sườn Đức Kitô an nghỉ trên thập giá mà bí tích kỳ diệu của toàn thể Hội Thánh đã được phát sinh”[72]. Vì vậy, trong phụng vụ, Hội Thánh chủ yếu cử hành mầu nhiệm Vượt Qua, qua mầu nhiệm đó Đức Kitô đã thực hiện công trình cứu độ chúng ta.

1068. Hội Thánh loan báo và cử hành mầu nhiệm này của Đức Kitô trong phụng vụ của mình, để các tín hữu được sống nhờ mầu nhiệm đó và làm chứng cho mầu nhiệm đó trong trần gian:

“Nhờ phụng vụ, nhất là trong hy tế Thánh Thể của Chúa, ‘công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện’. Phụng vụ góp phần rất nhiều để giúp các tín hữu, qua cuộc sống mình, diễn tả và biểu lộ cho người khác mầu nhiệm Đức Kitô và bản chất đích thực của Hội Thánh”[73].

1085. Trong phụng vụ của Hội Thánh, Đức Kitô chủ yếu biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Trong cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua của Người bằng lời giảng dạy và tham dự trước vào mầu nhiệm đó bằng các hành động của Người. Khi Giờ của Người đến[74], Chúa Giêsu đã sống biến cố độc nhất của lịch sử, một biến cố không qua đi: Chúa Giêsu chịu chết, chịu mai táng, sống lại từ cõi chết và ngự bên hữu Chúa Cha “một lần cho mãi mãi” (Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12). Đó là biến cố xác thực, đã xảy ra trong lịch sử của chúng ta, nhưng là biến cố độc nhất. Tất cả những biến cố khác của lịch sử đã xảy ra một lần rồi qua đi, chìm vào dĩ vãng. Trái lại, mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô không thể chỉ tồn tại trong quá khứ, bởi vì chính Người đã dùng cái chết của Người mà huỷ diệt sự chết, và bất cứ điều gì Đức Kitô là, bất cứ điều gì Người đã làm và đã chịu vì tất cả mọi người, những điều đó đều tham dự vào tính vĩnh cửu của Thiên Chúa, và như vậy đều vượt trên mọi thời gian và luôn là hiện tại. Biến cố Thập Giá và Phục Sinh vẫn đang tồn tại và lôi kéo mọi sự tới sự sống.

1362. Bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, là hiện tại hoá hy tế duy nhất của Người, và dâng hy tế duy nhất đó cách bí tích, trong phụng vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong tất cả các Kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta đều thấy, sau các lời tường thuật về việc Chúa thiết lập Thánh Thể, một kinh nguyện được gọi là kinh Tưởng Niệm (anamnesis hoặc memoriale).

 

Bài Ðọc I: Is 50, 4-7

“Tôi đã không giấu mặt mũi tránh những lời nhạo cười, nhưng tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn”.

(Bài ca thứ ba về Người Tôi Tớ Chúa)

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn. Mỗi sáng Người đánh thức tôi, Người thức tỉnh tai tôi, để nghe lời Người giáo huấn. Thiên Chúa đã mở tai tôi, mà tôi không cưỡng lại và cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi. Vì Chúa nâng đỡ tôi, nên tôi không phải hổ thẹn; nên tôi trơ mặt chai như đá, tôi biết tôi sẽ không phải hổ thẹn.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 21, 8-9. 17-18a. 19-20. 23-24

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

Xướng: 1) Bao người thấy con đều mỉa mai con, họ bĩu môi, họ lắc đầu: “Hắn tin cậy Chúa, xin Ngài cứu hắn, xin Ngài giải gỡ hắn, nếu Ngài yêu thương”.

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

2) Ðứng quanh con là đàn ưng khuyển, một lũ côn đồ bao bọc lấy con. Chân tay con chúng đều chọc thủng, con có thể đếm được mọi đốt xương con.

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

3) Phần chúng thì nhìn xem con và vui vẻ, đem y phục của con chia sẻ với nhau, còn tấm áo dài, thì chúng rút thăm... Phần Ngài, lạy Chúa, xin chớ đứng xa con, ôi Ðấng phù trợ con, xin kíp ra tay nâng đỡ.

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

4) Con sẽ tường thuật danh Chúa cho các anh em, giữa nơi công hội, con sẽ ngợi khen Người. “Chư quân là người tôn sợ Chúa, xin hãy ca khen Chúa, toàn thể miêu duệ nhà Giacóp, hãy chúc tụng Người, hãy tôn sợ Người, hết thảy dòng giống Israel!”

Ðáp: Ôi Thiên Chúa! Ôi Thiên Chúa! sao Chúa đã bỏ con?

 

Bài Ðọc II: Pl 2, 6-11

“Người đã tự hạ mình; vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Chúa Giêsu Kitô, tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

 

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Pl 2,8-9

Chúa Kitô vì chúng ta, đã vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

 

Bài Thương Khó: Mc 14, 1 – 15, 47

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Bài Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo Thánh Marcô.

Hai ngày trước Lễ Vượt Qua và Tuần Lễ ăn bánh không men, các thượng tế và luật sĩ tìm mưu bắt giết Chúa Giêsu. Họ bảo nhau rằng:

“Ðừng làm trong ngày lễ, kẻo sinh náo động trong dân”.

Khi Chúa đang dùng cơm ở Bêtania trong nhà ông Simon tật phong, thì có một người phụ nữ mang đến một bình ngọc đựng dầu thơm rất quý giá. Ðập vỡ bình, bà đổ dầu thơm trên đầu Người. Có mấy người khó chịu nghĩ thầm rằng: Làm gì mà phí dầu thơm như vậy? Dầu này có thể bán được hơn ba trăm đồng bạc để bố thí cho kẻ nghèo khó. Và họ nặng lời với bà đó. Nhưng Chúa Giêsu bảo:

“Hãy để mặc bà, sao các ông lại làm cực lòng bà? Bà vừa làm cho Ta một việc rất tốt. Vì bao giờ các ông cũng có những kẻ nghèo ở bên mình, và các ông có thể làm phúc cho họ lúc nào tuỳ ý, nhưng Ta, các ông không có Ta ở luôn với đâu. Làm được gì thì bà đã làm, bà đã xức dầu thơm có ý tẩm liệm xác Ta trước. Ta bảo thật các ông: Trong khắp thế giới, Phúc âm này rao giảng đến đâu thì người ta cũng sẽ thuật lại việc bà mới làm để nhớ bà”.

Khi ấy, Giuđa Iscariô, một trong nhóm Mười Hai, đến tìm các thượng tế để tình nguyện nộp Người cho họ. Nghe vậy, họ mừng rỡ và họ liền hứa cho nó tiền. Và nó tìm dịp tiện nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng Lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Người:

“Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?”

Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng:

“Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu? Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”.

Hai môn đệ ra đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo, và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

Chiều đến, Người cùng Mười Hai môn đệ tới. Và khi mọi người đang ngồi ăn, thì Chúa Giêsu nói:

“Ta bảo thật các con, một trong các con đang ăn cùng Ta, sẽ nộp Ta”.

Các ông đều buồn rầu và lần lượt từng người thưa Ngài:

“Thưa Thầy, có phải con không?”

Người đáp:

“Là một trong mười hai, kẻ cùng chấm một đĩa với Thầy. Con Người phải ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán:

“Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”.

Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông:

“Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”.

Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Chúa Giêsu bảo các ông:

“Ðêm nay, tất cả các con sẽ vấp phạm vì Thầy, vì có lời chép rằng: ta sẽ đánh chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi Thầy sống lại, Thầy sẽ đến xứ Galilêa trước các con”.

Phêrô thưa Người:

“Dù tất cả vấp phạm vì Thầy, nhưng con thì không”.

Chúa Giêsu bảo ông:

“Thầy bảo thật con: Hôm nay, nội đêm nay, trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Thầy ba lần”.

Nhưng Phêrô càng lên giọng cương quyết hơn mà rằng:

“Không, dầu phải chết với Thầy, con cũng sẽ không chối Thầy”.

Và tất cả đều nói như vậy.

Ði đến một vườn kia tên là Ghếtsêmani, Người bảo các môn đệ:

“Các con hãy ngồi lại đây trong khi Thầy đi cầu nguyện”.

Rồi Người đem Phêrô, Giacôbê và Gioan theo Người và Người bắt đầu kinh sợ và buồn sầu. Người liền bảo các ông:

“Linh hồn Thầy buồn đến chết được, các con hãy ở lại đây và tỉnh thức”.

Tiến xa hơn một chút, Người phục xuống đất và cầu xin nếu có thể được thì xin cho qua khỏi giờ này. Và Người nguyện rằng:

“Abba, Lạy Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con! Nhưng không theo ý con muốn, một theo ý Cha”.

Người trở lại và thấy các ông đang ngủ, nên nói với Phêrô:

“Simon, con ngủ ư? Con không có sức thức được một giờ sao? Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì lanh lẹ, còn xác thịt thì yếu đuối”.

Rồi Người đi khỏi đó và cầu nguyện cùng lời như trước. Khi trở lại lần nữa và thấy các ông còn ngủ (vì mắt các ông nặng trĩu) và các ông không còn biết thưa Người làm sao. Lần thứ ba, Người trở lại và bảo:

“Bây giờ các con hãy ngủ và nghỉ ngơi đi. Thế là xong! Giờ đã đến: Này Con Người sắp bị nộp trong tay những kẻ tội lỗi. Thôi! hãy chỗi dậy, chúng ta đi, kẻ nộp Thầy đã tới nơi”.

Người còn đang nói, thì Giuđa Iscariô, một trong nhóm Mười Hai đến, cùng đi với một toán đông mang gươm giáo và gậy gộc do các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão sai đến. Trước đó, tên phản bội đã ra hiệu cho chúng rằng:

“Hễ tôi hôn mặt ai, thì đó chính là Ngài, các ông cứ bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”.

Vừa đến, nó liền tới gần Người mà nói:

“Chào Thầy”.

Và nó hôn Người. Và chúng tra tay bắt Người. Nhưng một người trong những kẻ đứng xung quanh rút gươm chém tên đầy tớ thầy thượng tế đứt một tai. Chúa Giêsu nói với chúng rằng:

“Các ngươi cầm gươm giáo gậy gộc đi bắt Ta như bắt tên cướp! Hằng ngày, Ta ở giữa các ngươi, giảng dạy trong đền thờ mà sao các ngươi không bắt Ta. Nhưng thế là để ứng nghiệm lời Kinh Thánh”.

Bấy giờ môn đệ bỏ Người và trốn đi hết. Có một thanh niên theo Người, mình chỉ quấn một tấm khăn, họ túm lấy anh ta, nhưng anh ta bỏ tấm khăn lại và chạy trốn mình trần.

Chúng điệu Chúa Giêsu đến thầy thượng tế, các tư tế, luật sĩ và kỳ lão hội lại đông đủ. Còn Phêrô theo Người xa xa đến tận trong dinh thượng tế và ngồi sưởi lửa với đám đầy tớ. Vậy các thầy thượng tế và toàn thể công nghị tìm một chứng cáo Chúa Giêsu để giết Người, song họ không tìm ra. Có nhiều kẻ đã cáo gian Người, nhưng các chứng đó không hợp nhau. Tuy nhiên có nhiều kẻ đứng lên làm chứng gian cho Người rằng:

“Chúng tôi đã nghe nó nói: Ta sẽ phá huỷ đền thờ này do tay loài người làm ra, và trong ba ngày, Ta sẽ xây lại một đền thờ khác không bởi tay loài người làm ra”.

Nhưng chứng cớ của họ cũng không hợp nhau. Khi ấy, thầy thượng tế đứng lên giữa công nghị hỏi Chúa Giêsu rằng:

“Sao ông không trả lời gì về những điều các người này tố cáo ông”.

Nhưng Người vẫn thinh lặng và không đáp lại gì. Thầy thượng tế lại hỏi:

“Ông có phải là Ðấng Kitô Con Thiên Chúa đáng chúc tụng chăng?”

Chúa Giêsu đáp:

“Phải, chính Ta! Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Ðấng toàn năng và ngự đến trên đám mây”.

Thầy thượng tế liền xé áo mình ra và nói:

“Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các ông đã nghe lời nói lộng ngôn, các ông nghĩ sao?”

Ai nấy đều lên án Người đáng chết. Rồi có kẻ bắt đầu nhổ vào Người, che mặt Người và đánh đấm Người mà rằng:

“Hãy đoán xem!”

Và bọn thủ hạ vả mặt Người.

Phêrô đang ở ngoài sân tiền đường, thì có một đầy tớ gái của thầy thượng tế đến, thấy Phêrô đang sưởi, thì nhìn ông và nói:

“Ông cũng theo Giêsu, người Nadarét”.

Nhưng ông chối phắt mà rằng:

“Tôi không biết, tôi không hiểu cô muốn nói gì”.

Rồi ông đi ra ngoài phía trước tiền đường, và gà liền gáy. Lần nữa người đầy tớ thấy ông, liền nói với những người xung quanh rằng:

“Ông này thuộc bọn đó”.

C. Nhưng ông lại chối. Một lúc sau, những người ở đó lại nói với Phêrô rằng:

“Ðúng ông thuộc bọn đó, vì cả ông cũng là người Galilêa”.

Ông liền nguyền rủa nặng lời và thề rằng:

“Tôi không biết người mà các ông nói đó”.

Tức thì gà gáy lần thứ hai. Và Phêrô nhớ lại lời Chúa Giêsu đã bảo ông: “Trước khi gà gáy hai lần, con đã chối Ta ba lần”. Và ông liền than khóc.

Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

“Ông có phải là vua dân Do Thái không?”

Chúa Giêsu đáp:

“Ông nói đúng!”

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

“Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

“Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do Thái không?”

(Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

“Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do Thái?”

Nhưng chúng lại kêu lên:

“Ðóng đinh nó đi!”

Philatô đáp lại:

“Người này đã làm gì nên tội?”

Song chúng càng la to hơn:

“Ðóng đinh nó đi!”

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

“Tâu Vua dân Do Thái”.

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

“Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

“Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

“Êloi, Êloi, lêma sabachthani!”

Nghĩa là:

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

“Kìa, nó gọi Êlia!”

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

“Hãy đợi xem Êlia có đến đem nó xuống không?”

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

“Ðúng người này là Con Thiên Chúa!” *

Cũng có những phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa, trong số đó có bà Maria Mađalêna, Maria mẹ của Giacôbê hậu và của Giuse, và bà Salômê, là những kẻ đã theo giúp Người khi Người còn ở xứ Galilêa. Và nhiều người khác cũng đã lên Giêrusalem với Người.

Trời đã xế chiều và hôm đó lại là ngày chuẩn bị, áp ngày Sabbat. Ông Giuse quê ở Arimathia, một hội viên vị vọng trong công nghị, cũng là người trông đợi nước Thiên Chúa, ông mạnh dạn đến gặp Philatô và xin xác Chúa Giêsu. Philatô ngạc nhiên nghe nói Người đã chết, ông gọi viên sĩ quan đến và hỏi xem Người đã chết thật chưa. Khi được viên sĩ quan phúc trình, quan trao xác Người cho Giuse. Giuse đã mua một khăn trắng, hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, liệm vào khăn và đặt trong mộ đã đục sẵn trong đá, và lăn một tảng đá lấp cửa mộ. Lúc đó bà Maria Mađalêna và Maria mẹ ông Giuse nhìn xem nơi Người được an táng.

Đó là lời Chúa.

 

Hoặc đọc bài ngắn này: Mc 15, 1-39

“Sự Thương Khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”

Bài thương khó Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta theo thánh Marcô.

Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:

“Ông có phải là vua dân Do Thái không?”

Chúa Giêsu đáp:

“Ông nói đúng!”

Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:

“Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”

Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:

“Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do Thái không?”

(Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:

“Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do Thái?”

Nhưng chúng lại kêu lên:

“Ðóng đinh nó đi!”

Philatô đáp lại:

“Người này đã làm gì nên tội?”

Song chúng càng la to hơn:

“Ðóng đinh nó đi!”

Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:

“Tâu Vua dân Do Thái”.

Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.

Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:

“Kìa! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”

Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:

“Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”

Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:

“Êloi, Êloi, lêma sabachthani!”

Nghĩa là:

“Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”

Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:

“Kìa, nó gọi Êlia!”

Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:

“Hãy đợi xem Êlia có đến đem nó xuống không?”

Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:

“Ðúng người này là Con Thiên Chúa!” *

Ðó là lời Chúa.





[1] X. Ga 13,1.

[2] X. Mc 8,31-33; 9,31-32; 10,32-34.

[3] X. Mt 23,37a.

[4] X. Lc 19,41.

[5] X. Ga 6,15.

[6] X. Mt 21,1-11.

[7] X. Ga 18,37.

[8] X. Mt 21,15-16; Tv 8,3.

[9] X. Lc 19,38; 2,14.

[10] X. Rm 5,12; 1 Cr 15,56.

[11] X. Pl 2,7.

[12] X. Rm 8,3.

[13] X. Ga 8,46.

[14] X. Ga 8,29.

[15] X. Tv 22,1.

[16] X. 1 Ga 4,19.

[17] X. Rm 5,18-19.

[18] X. 2 Cr 5,15; 1 Ga 2,2.

[19] CĐ Carisia (năm 853), De libero arbitrio hominis et de praedestinatione, canon 4: Ds 624.

[20] X. Ga 6,38.

[21] X. Lc 12,50; 22,15; Mt 16,21-23.

[22] X. Lc 3,21; Mt 3,14-15.

[23] X. Ga 1,29.36.

[24] X. Is 53,7; Gr 11,19.

[25] X. Is 53,12.

[26] X. Xh 12,3-14; Ga 19,36; 1 Cr 5,7.

[27] X. Mc 10,45.

[28] X. Dt 2,10.17-18; 4,15; 5,7-9.

[29] X. Ga 18,4-6; Mt 26,53.

[30] X. Mt 16,20.

[31] X. 1 Cr 5,7.

[32] X. 1 Cr 11,25.

[33] X. Lc 22,19.

[34] X. CĐ Triđentinô, Sess. 22a, Doctrina de sanctissimo Missae Sacrificio, c. 2: DS 1752; Sess. 23a, Doctrina de sacramento Ordinis, c.1: DS 1764.

[35] X. Lc 22,20.

[36] X. Mt 26,42.

[37] X. Dt 5,7-8.

[38] X. Dt 4,15.

[39] X. Rm 5,12.

[40] X. Cv 3,15.

[41] X. Kh 1,18; Ga 1,4; 5,26.

[42] X. Mt 26,42.

[43] X. 1 Cr 5,7; Ga 8,34-36.

[44] X. Ga 1,29; 1 Pr 1,19.

[45] X. 1 Cr 11,25.

[46] X. Xh 24,8.

[47] X. Mt 26,28; Lv 16,15-16.

[48] X. Dt 10,10.

[49] X. 1 Ga 4,10.

[50] X. Ga 15,13.

[51] X. Ga 10,17-18.

[52] X. Dt 9,14.

[53] X. Is 53,10-12.

[54] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 7: DS 1529.

[55] X. Ga 13,1.

[56] X. Gl 2,20; Ep 5,2.25.

[57] CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 1: DS 1529.

[58] X. Dt 5,9.

[59] Additio liturgica ad Hymnum “Vexilla Regis”: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v, 2 (Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 313; v. 4 (Typis Polyglottis Vaticanis 1974) 1129.

[60] X. 1 Tm 2,5.

[61] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1042.

[62] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966) 1043.

[63] X. Mt 16,24.

[64] X. 1 Pr 2,21.

[65] X. Mc 10,39; Ga 21,18-19; Cl 1,24.

[66] X. Lc 2,35.

[67] Thánh Rôsa Lima: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Maria Limensis (Romae 1664) 137.

[68] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 13: CCL 3A, 97 (PL 4, 545).

[69] X. Rm 4,25.

[70] X. Ep 2,4-5; 1 Pr 1,3.

[71] X. Ga 20,17.

[72] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 5: AAS 56 (1964) 99.

[73] CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 2: AAS 56 (1964) 97-98.

[74] X. Ga 13,1; 17,1.