GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN NĂM B

WHĐ (07.02.2024)Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 1474: Việc sống trong Đức Kitô hợp nhất mọi tín hữu vào Người

Số 1939-1942: Tình liên đới nhân loại 1

Số 2288-2291: Tôn trọng sức khỏe. 2

Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46. 3

Bài Ðọc II: 1Cr 10,31 - 11,1. 4

Phúc Âm: Mc 1, 40-45



Số 1474: Việc sống trong Đức Kitô hợp nhất mọi tín hữu vào Người

1474. Kitô hữu không đơn độc khi cố gắng thanh tẩy mình khỏi tội lỗi và thánh hóa bản thân với sự trợ giúp của ơn Chúa. “Đời sống của mỗi con cái Thiên Chúa được kết hợp một cách lạ lùng, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, với đời sống của tất cả các anh em Kitô hữu trong sự hợp nhất siêu nhiên của Nhiệm Thể Đức Kitô, như trong một con người huyền nhiệm”[1].

 

Số 1939-1942: Tình liên đới nhân loại

1939. Nguyên tắc liên đới, còn được gọi là nguyên tắc của “tình thân nghĩa” hay “bác ái xã hội”, là một đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo[2].

“Điều sai lầm đầu tiên, mà ngày nay đang phổ biến một cách rộng rãi và nguy hiểm, là người ta quên mất quy luật của tình liên đới nhân loại và của đức mến, quy luật này được thiết đặt và bắt buộc vừa do nguồn gốc chung của chúng ta và do sự bình đẳng của bản tính có lý trí của mọi người, dù thuộc bất cứ dân tộc nào, vừa do hy tế cứu chuộc Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha vĩnh cửu, nơi bàn thờ thập giá, vì nhân loại tội lỗi”[3].

1940. Tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối của cải và việc trả lương lao động. Tình liên đới cũng bao hàm sự nỗ lực cho một trật tự xã hội công bằng hơn, trong đó những căng thẳng có thể được giải quyết tốt hơn và chúng có thể gặp được giải pháp liên kết dễ dàng hơn.

1941. Những vấn đề xã hội và kinh tế không thể được giải quyết nếu không có sự trợ giúp của mọi hình thức liên đới: liên đới giữa những người nghèo với nhau, giữa người giàu với người nghèo, giữa những người lao động với nhau, giữa chủ và thợ trong xí nghiệp, liên đới giữa các quốc gia và giữa các dân tộc. Tình liên đới quốc tế là một đòi hỏi của trật tự luân lý. Hòa bình thế giới cũng một phần tùy thuộc tình liên đới này.

1942. Nhân đức liên đới vượt quá phạm vi các của cải vật chất. Khi phân phát các của cải tinh thần của đức tin, Hội Thánh đã giúp phát triển những của cải trần thế nhiều hơn nữa, Hội Thánh đã thường mở ra những con đường mới cho cuộc phát triển này. Như vậy, qua dòng thời gian, Lời Chúa đã được thực hiện: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33):

“Hai ngàn năm qua, trong linh hồn Hội Thánh, vẫn có một tâm tình sống động đã và đang thúc đẩy nhiều người sống đời bác ái đến mức anh hùng - các đan sĩ cày sâu cuốc bẫm, những nhà giải phóng nô lệ, những người chữa trị bệnh nhân, các sứ giả mang đức tin, văn minh và khoa học đến với mọi thế hệ và dân tộc, nhằm tạo ra những điều kiện xã hội có khả năng giúp mọi người có được một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người và phẩm giá Kitô hữu”[4].

 

Số 2288-2291: Tôn trọng sức khỏe

2288. Sự sống và sức khỏe thể lý là những ơn rất quý giá Thiên Chúa giao phó cho chúng ta. Chúng ta phải chăm sóc chúng cách hợp lý, dù vẫn phải lưu tâm đến những nhu cầu của tha nhân và của công ích.

Việc chăm sóc sức khỏe của các công dân phải được sự trợ giúp của xã hội để có những điều kiện sống giúp họ lớn lên và đạt tới mức trưởng thành: cơm ăn, áo mặc, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục căn bản, việc làm và trợ cấp xã hội.

2289. Mặc dù luân lý đòi phải tôn trọng sự sống thể xác, nhưng luân lý không dành cho nó một giá trị tuyệt đối. Luân lý chống lại não trạng tân ngoại giáo, có ý muốn cổ võ sự tôn thờ thân xác, hy sinh tất cả cho thân xác, thờ ngẫu tượng là sự trọn hảo thể lý và sự chiến thắng trong các hoạt động thể dục thể thao. Một não trạng như vậy, vì chọn lọc người khỏe và loại bỏ người yếu, có thể đi tới chỗ làm băng hoại các tương quan giữa con người.

2290. Đức tiết độ giúp tránh mọi thái quá như: ăn uống quá độ, lạm dụng rượu, thuốc hút và y dược. Những người ở trong trạng thái say rượu hoặc say mê tốc độ không chừng mực, gây nguy hiểm cho sự an toàn của tha nhân hoặc của chính mình trên đường, trên biển hoặc trên không, đều có tội cách nghiêm trọng.

2291. Việc sử dụng ma túy gây ra những tàn phá hết sức nghiêm trọng cho sức khỏe và mạng sống con người. Ngoài những chỉ dẫn để trị liệu một cách tỉ mỉ, sử dụng ma túy là một tội nghiêm trọng. Việc bí mật sản xuất và buôn bán ma tuý là đáng ghê tởm; đó là sự cộng tác trực tiếp, vì các hoạt động đó xúi giục những việc sử dụng chống lại luật luân lý cách nghiêm trọng.

 

Bài Ðọc I: Lv 13, 1-2. 44-46

“Người phong cùi phải ở riêng ngoài trại”.

Trích sách Lêvi.

Chúa phán cùng Môsê và Aaron rằng: “Nếu người nào thấy da thịt mình xuất hiện màu sắc khác thường, hoặc mụn nhọt hay những vết bóng láng, đó là dấu bệnh phong cùi, phải đem họ đến tư tế Aaron, hoặc đến một vị nào trong các con trai của ông.

“Vậy ai mắc bệnh phong cùi, và tư tế ra lệnh phải ở riêng, thì phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và la to rằng mình mắc bệnh truyền nhiễm và ô uế. Bao lâu người đó còn mắc bệnh phong cùi và ô uế, họ phải ở riêng một mình ngoài trại”.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ.

Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian!

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ.

2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: “Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con”.

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ.

3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng.

Ðáp: Chúa là chỗ dung thân, Chúa giữ con khỏi điều nguy khổ.

 

Bài Ðọc II: 1Cr 10,31 - 11,1

“Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, dầu anh em ăn, dầu anh em uống, dầu anh em làm việc gì khác, anh em hãy làm mọi sự cho sáng danh Chúa. Anh em đừng nên cớ cho người Do Thái, dân ngoại hay Hội thánh của Thiên Chúa phải vấp phạm. Như tôi đây, tôi cố làm hài lòng mọi người trong mọi sự, không tìm điều gì lợi ích cho tôi, nhưng tìm điều lợi ích cho nhiều người, để họ được cứu rỗi. Anh em hãy noi gương tôi, như tôi đã noi gương Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 14,5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. - Alleluia

 

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Ðó là lời Chúa.





[1] ĐGH Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum doctrina, 5: AAS 59 (1967) 11.

[2] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo rei socialis, 38-40: AAS 80 (1988) 564-569; Id., Thông điệp Centesimus annus, 10: AAS 83 (1991) 805-806.

[3] ĐGH Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939) 426.

[4] ĐGH Piô XII, Nuntius radiophonicus (1/6/1941): AAS 33 (1941) 204.