GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM B
WHĐ (24.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 547-550: Kèm theo những lời Người nói, Chúa
Giêsu thực hiện những phép lạ
547. Kèm theo những
lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv
2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người. Chúng chứng tỏ Chúa Giêsu
chính là Đấng Messia đã được tiên báo[1].
548. Các dấu lạ
do Chúa Giêsu thực hiện minh chứng Chúa Cha đã sai Người đến[2]. Chúng mời gọi ta hãy tin
vào Người[3]. Những ai đến với Người bằng
đức tin, đức tin cho họ được điều họ thỉnh cầu[4].
Lúc đó, các phép lạ củng cố lòng tin vào Người, Đấng thực hiện các công việc của
Cha Người: chúng chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa[5].
Nhưng chúng cũng có thể là cớ vấp ngã[6].
Quả vậy, chúng không nhằm thỏa mãn trí tò mò, và lòng ưa chuộng ma thuật. Bất
chấp những phép lạ hết sức tỏ tường của Người, Chúa Giêsu vẫn bị một số người
loại bỏ[7], thậm chí Người còn bị tố
cáo là hành động nhờ ma quỷ[8].
549. Khi giải
thoát một số người khỏi những sự dữ đời này như đói khát[9],
bất công[10], bệnh tật và cái chết[11], Chúa Giêsu đã thực hiện
các dấu chỉ Người là Đấng Messia. Tuy nhiên, Người không đến để loại trừ mọi điều
xấu khỏi trần gian này[12], nhưng để giải thoát con
người khỏi ách nô lệ nặng nề nhất, là ách nô lệ của tội lỗi[13],
thứ ách nô lệ này ngăn cản họ trong ơn gọi của họ là làm con cái Thiên Chúa, và
gây ra mọi hình thức nô lệ giữa con người.
550. Khi Nước
Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[14]:
“Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên
Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện,
giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[15].
Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế
gian này”[16]. Nhờ thập giá của Đức Kitô
mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[17].
Số 447, 438, 550: Quyền năng của Chúa Giêsu thống trị trên ma quỷ
447. Chính Chúa
Giêsu nhận tước hiệu ấy cho mình một cách mặc nhiên khi tranh luận với các người
Pharisêu về ý nghĩa thánh vịnh 110[18],
nhưng khi nói chuyện với các Tông Đồ thì Người nhận một cách minh nhiên[19]. Trong suốt cuộc đời công
khai của Người, những cử chỉ thống trị của Chúa Giêsu trên thiên nhiên, trên bệnh
tật, trên ma quỷ, trên sự chết và tội lỗi, chứng tỏ Người có quyền tối thượng của
Thiên Chúa.
438. Việc được
thánh hiến làm Đấng Messia của Chúa Giêsu biểu lộ sứ vụ thần linh của Người.
“Trong danh hiệu ‘Kitô’ bao gồm Đấng xức dầu, Đấng được xức dầu, và chính việc
xức dầu: Đấng xức dầu là Chúa Cha, Đấng được xức dầu là Chúa Con, trong Chúa
Thánh Thần, Đấng là Việc xức dầu”[20]. Việc xức dầu thánh hiến
vĩnh cửu của Chúa Giêsu được mạc khải trong cuộc đời trần thế của Người khi Người
chịu phép rửa bởi ông Gioan, khi “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng
mà xức dầu tấn phong Người” (Cv 10,38) “để Người được tỏ ra cho dân Israel” (Ga
l,3l) trong tư cách là Đấng Messia của Thiên Chúa. Những việc Người làm và những
lời Người dạy giúp cho chúng ta nhận biết Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”[21].
550. Khi Nước
Thiên Chúa trị đến là lúc nước Satan bị sụp đổ[22]:
“Nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên
Chúa đã đến giữa các ông” (Mt l2,28). Những việc trừ quỷ do Chúa Giêsu thực hiện,
giải phóng người ta khỏi quyền thống trị của ma quỷ[23].
Những việc ấy báo trước sự chiến thắng cao cả của Chúa Giêsu trên “thủ lãnh thế
gian này”[24]. Nhờ thập giá của Đức Kitô
mà Nước Thiên Chúa sẽ được thiết lập vĩnh viễn: “Thiên Chúa đã cai trị từ cây gỗ”[25].
Số 64, 762, 2595: Vai trò của ngôn sứ
64. Qua các tiên
tri, Thiên Chúa đào tạo dân Ngài trong niềm hy vọng ơn cứu độ, trong sự mong đợi
Giao ước mới và vĩnh cửu dành cho tất cả mọi người[26],
Giao ước đó sẽ được ghi khắc trong các trái tim[27].
Các Tiên tri loan báo ơn cứu chuộc triệt để cho dân của Thiên Chúa, ơn thanh tẩy
khỏi mọi bất trung của họ[28], và ơn cứu độ ấy sẽ bao gồm
tất cả các dân tộc[29]. Đặc biệt những người nghèo
khó và khiêm nhu của Chúa[30] sẽ ấp ủ niềm hy
vọng này. Những phụ nữ thánh thiện như các bà Sara, Rêbecca, Rachel, Miryam,
Đêbora, Anna, Juđitha và Esther, đã gìn giữ cho niềm hy vọng cứu độ ấy của
Israel luôn sống động. Hình ảnh tinh tuyền nhất của niềm hy vọng này là Đức
Maria[31].
762. Việc chuẩn bị
xa cho cuộc tập họp dân Thiên Chúa bắt đầu bằng ơn gọi của ông Abraham, Thiên
Chúa hứa cho ông trở thành cha tương lai của một dân tộc vĩ đại[32]. Việc chuẩn bị gần bắt đầu
bằng việc tuyển chọn Israel làm dân Thiên Chúa[33].
Nhờ việc được tuyển chọn, Israel phải là dấu chỉ cuộc tập họp trong tương lai gồm
tất cả các dân tộc[34]. Nhưng các Tiên tri tố cáo
Israel đã phản bội Giao ước và đã hành xử như một gái điếm[35].
Các ngài loan báo một Giao Ước mới và vĩnh cửu[36].
“Giao ước mới này, chính Đức Kitô đã thiết lập”[37].
2595. Các tiên tri kêu gọi dân hối cải tâm hồn và,
trong khi nhiệt thành tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa, như tiên tri Êlia, các ngài
chuyển cầu cho dân.
Số 922, 1618-1620: Trinh khiết vì Nước Trời
922. Từ thời các Tông Đồ, đã có những trinh nữ[38]
và góa phụ Kitô hữu[39] được Chúa kêu gọi để gắn bó
với Người một cách không chia sẻ trong sự tự do hơn của trái tim, thể xác và
tinh thần, họ đã quyết định, và được Hội Thánh phê chuẩn, sống trong bậc đồng
trinh hoặc tiết dục vĩnh viễn “vì Nước Trời” (Mt 19,12).
1618. Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Dây
liên kết với Người chiếm vị trí hàng đầu so với mọi dây liên kết khác về gia
đình hay xã hội[40]. Ngay thuở ban đầu của Hội
Thánh, đã có những người nam và người nữ từ bỏ lợi ích lớn lao của hôn nhân để
theo Con Chiên đi bất cứ nơi nào Người đi[41],
để chuyên lo việc của Chúa, để tìm cách làm đẹp lòng Người[42],
và để đi đón Tân Lang đang đến[43]. Chính Đức Kitô đã mời gọi
một số người đi theo Người trong cách sống này, cách sống mà Người luôn là mẫu
mực:
“Có những người
không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người
không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì
Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).
1619. Trinh khiết vì Nước
Trời là sự triển khai ân sủng bí tích Rửa Tội, là dấu chỉ nổi bật cho sự ưu
tiên tuyệt đối của mối liên kết với Đức Kitô và cho sự sốt sắng mong chờ Người
lại đến, và cũng là một dấu chỉ nhắc nhở rằng hôn nhân là một thực tại của thế
giới hiện tại đang qua đi[44].
1620. Cả hai, bí tích Hôn nhân và đời sống trinh khiết vì Nước
Thiên Chúa, đều phát xuất từ chính Chúa. Chính Ngài ban cho cả hai, ý nghĩa và
ân sủng cần thiết để sống theo thánh ý Ngài[45].
Việc đánh giá sự trinh khiết vì Nước Trời[46]
và ý nghĩa Kitô giáo của Hôn nhân là không thể tách rời nhau và hỗ trợ cho
nhau:
“Ai hạ giá hôn
nhân, thì người đó cũng hạ giá sự vinh quang của đức trinh khiết; ai ca ngợi
hôn nhân, thì người đó càng khâm phục đức trinh khiết. Bởi vì điều gì còn phải
so sánh với một điều xấu hơn mới thấy là tốt, thì đó chưa phải là hoàn toàn tốt;
còn điều gì tốt hơn những cái mọi người cho là tốt, thì đó mới là điều tốt tuyệt
hảo”[47].
Bài Ðọc I: Ðnl 18, 15-20
“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri
và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng:
“Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em
các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã
xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi
nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn
thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ
đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ
đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều
Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói
nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà
nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ
chết”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9.
Ðáp: Ước
chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng.
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy
reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời
ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.
Ðáp: Ước
chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và
sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là
Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
Ðáp: Ước
chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe
tiếng Người: “Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng,
nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc
của Ta”.
Ðáp: Ước
chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng.
Bài Ðọc II: 1Cr 7, 32-35
“Người nữ đồng trinh lo lắng
việc Chúa, để nên thánh”.
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh
em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm
đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp
lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng
trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ
đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình. Tôi
nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để
hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khăng khít với Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 1, 14 và 12
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã
làm người và ở giữa chúng ta; những ai đón nhận Người, Người sẽ ban cho quyền
làm con cái Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Ðấng
có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Maccô.
(Ðến thành Capharnaum) ngày nghỉ
lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của
Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật
sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một
người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì
giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai,
là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi
người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi
người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới
ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”.
Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ
Galilêa.
Ðó là lời Chúa.
[46] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42: AAS 57 (1965) 48;
Id., Sắc lệnh Perfectae caritatis, 12:
AAS 58 (1966) 707; Id., Sắc lệnh Optatam
totius, 10: AAS 58 (1966) 720-721.
[47] Thánh Gioan Kim Khẩu, De virginitate, 10,1: SC 125, 122 (PG 48, 540); x. ĐGH Gioan Phaolô
II, Tông huấn Familiaris consortio, 16:
AAS 74 (1982) 98.