GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM B
WHĐ (21.12.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện
hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid Số 143-149, 494, 2087: “Sự vâng phục của đức tin” Bài Ðọc I: 2Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16 |
Số 484-494: Biến cố Truyền tin
484. Biến cố Truyền tin cho Đức Maria mở đầu “thời gian tới hồi
viên mãn” (Gl 4,4), nghĩa là, lúc hoàn thành các lời hứa và các sự chuẩn bị. Đức
Maria được mời gọi cưu mang Đấng mà nơi Người “tất cả sự viên mãn của thần tính
hiện diện cách cụ thể” (Cl 2,9). Lời phúc đáp thần linh cho vấn nạn của Mẹ: “Việc
ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc l,34) đã được
đưa ra là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà”
(Lc l,35).
485. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần luôn luôn được kết hợp với sứ vụ của
Chúa Con và quy hướng về sứ vụ của Chúa Con[1].
Chúa Thánh Thần, là “Chúa và là Đấng ban sự sống”, được sai đến để thánh hoá
cung lòng Đức Trinh Nữ Maria và làm cho Mẹ thụ thai một cách thần linh, khi tác
động để Mẹ cưu mang Con vĩnh cửu của Chúa Cha trong nhân tính được đảm nhận từ
nhân tính của Mẹ.
486. Con Một của Chúa Cha, với tư cách một con người được thụ thai
trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, là “Đức Kitô”, nghĩa là Đấng được xức dầu bằng
Chúa Thánh Thần[2], từ lúc khởi đầu sự hiện hữu
nhân loại của Người, mặc dù việc Người tỏ mình ra sẽ được thực hiện dần dần:
cho các mục đồng[3], cho các đạo sĩ[4], cho ông Gioan Tẩy giả[5], cho các môn đệ[6]. Vì vậy, toàn bộ cuộc đời của
Chúa Giêsu Kitô sẽ biểu lộ “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức
dầu tấn phong Người” (Cv l0,38) như thế nào.
… Sinh bởi bà Maria đồng trinh
487. Những gì đức tin Công giáo tin về Mẹ Maria, đều đặt nền tảng
trên những gì đức tin đó tin về Đức Kitô, nhưng những gì đức tin dạy về Mẹ
Maria, lại làm sáng tỏ đức tin vào Đức Kitô.
Đức Maria được tiền định
488. “Thiên Chúa đã sai Con mình tới” (Gl 4,4), nhưng để tạo một
thân xác[7] cho Người, Thiên Chúa đã muốn
có sự tự do cộng tác của một thụ tạo. Với mục đích ấy, từ muôn đời Thiên Chúa
đã chọn, để làm Mẹ của Con mình, một người con gái Israel, một thiếu nữ Do Thái
ở Nazareth miền Galilêa, “một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse,
thuộc dòng dõi vua Đavid, trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27):
“Chúa Cha rất
nhân từ đã muốn có sự ưng thuận của người Mẹ đã được tiền định, trước khi Chúa
Con nhập thể, để như vậy, một người nữ đã mang đến sự chết như thế nào, thì một
người nữ cũng sẽ mang lại sự sống như vậy”[8].
489. Suốt thời Cựu Ước, sứ vụ của Đức Maria đã được chuẩn bị bởi sứ vụ của những phụ nữ thánh thiện. Ngay từ đầu,
là bà Evà: bất chấp sự bất tuân phục của mình, bà đã nhận được Lời Hứa rằng một
hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ[9]
và Lời Hứa rằng bà sẽ là mẹ của tất cả chúng sinh[10].
Do lời hứa đó, bà Sara, mặc dù đã cao niên, vẫn thụ thai một người con trai[11]. Trái với mọi niềm hy vọng
nhân loại, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi như bất lực và yếu đuối[12] để chứng tỏ Ngài luôn trung
tín với lời Ngài đã hứa: bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel[13],
bà Đêbôra, bà Ruth, bà Juđitha, bà Esther và nhiều phụ nữ khác. Đức Maria “trổi
vượt giữa những người khiêm hạ và nghèo hèn của Chúa, những người hy vọng và
đón nhận ơn cứu độ từ nơi Ngài với lòng tin tưởng. Cuối cùng, sau sự trông đợi
lâu dài Lời Chúa đã hứa, thời gian đã đến hồi viên mãn và một Nhiệm cục mới đã
bắt đầu với Đức Maria, người Con Gái Sion cao trọng nhất”[14].
Vô nhiễm nguyên tội
490. Để làm Mẹ Đấng Cứu độ, Đức Maria “đã được Chúa ban cho các hồng
ân xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”[15]. Lúc Truyền tin, thiên thần
Gabriel đã chào Mẹ là “người đầy ơn phúc”[16].
Thật vậy, Mẹ cần được hướng dẫn hoàn toàn bởi ân sủng của Thiên Chúa, để có thể
đáp lại lời loan báo ơn gọi của mình bằng sự ưng thuận tự do của đức tin.
491. Qua các thế kỷ, Hội Thánh đã ý thức rằng Đức Maria, vì được
Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc”[17], nên được cứu chuộc ngay từ
lúc tượng thai. Tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội, do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố
năm 1854, tuyên xưng:
“Rất Thánh Trinh
Nữ Maria ngay từ lúc đầu tiên tượng thai, bởi ân sủng và đặc ân của Thiên Chúa
toàn năng, trông vào công nghiệp của Đức Kitô Giêsu Đấng Cứu độ loài người, đã
được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi vết nhơ của nguyên tội”[18].
492. Những ánh rạng ngời này của “một sự thánh thiện hoàn toàn độc
nhất vô nhị”, đã được ban cho Mẹ “ngay từ lúc đầu tiên tượng thai”[19], tất cả đều từ Đức Kitô mà
đến với Mẹ: Mẹ đã “được cứu chuộc cách hết sức kỳ diệu nhờ xét đến công nghiệp
Con Mẹ”[20]. Chúa Cha đã “thi ân giáng
phúc” cho Mẹ, hơn bất cứ thụ tạo nào khác, cho Mẹ “hưởng muôn vàn ân phúc của
Thánh Thần, từ cõi trời, trong Đức Kitô” (Ep 1,3). Ngài “đã chọn” Mẹ “trong Đức
Kitô, trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài”, Mẹ “trở nên
tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Ngài” (x. Ep l,4).
493. Các Giáo phụ thuộc truyền thống Đông phương gọi Mẹ Thiên Chúa
là Đấng Toàn Thánh (Panaghia) và tôn
vinh Mẹ là “Đấng không hề vương nhiễm một vết nhơ tội lỗi nào, như thể một tạo
vật mới được Chúa Thánh Thần nắn đúc và tạo dựng”[21].
Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một
tội riêng nào.
“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…”
494. Khi được loan báo rằng, mặc dù không biết người nam, mình sẽ hạ
sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần[22],
Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được, nên với “sự vâng phục của đức tin”[23],
Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời
sứ thần nói” (Lc l,37-38). Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với lời
Thiên Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận
ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn
toàn cho con người và công trình của Con Mẹ, để, một cách tùy thuộc vào Người
và cung với Người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc[24].
Thánh Irênê nói:
“Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho
toàn thể nhân loại”[25]. Từ đó, cùng với thánh
nhân, nhiều Giáo phụ xưa cũng giảng dạy rằng: “Nút dây do sự bất tuân của bà
Evà thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ
Evà đã buộc lại do sự cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin”[26]; và so sánh với bà Evà, các
ngài gọi Đức Maria là “Mẹ chúng sinh”, và rất thường quả quyết rằng: “Sự chết
qua bà Evà, sự sống qua Đức Maria”[27].
Số 439, 496, 559, 2616: Chúa Giêsu là Con vua Đavid
439. Nhiều người Do Thái, và cả một số người ngoại cùng chia sẻ niềm
hy vọng của Israel, đã nhận ra nơi Chúa Giêsu những nét cơ bản của “Con vua
Đavid”, Đấng Messia mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Israel[28].
Chúa Giêsu đã chấp nhận danh hiệu Messia, Người có quyền làm như vậy[29], nhưng Người chấp nhận một
cách dè dặt, bởi vì danh hiệu này bị một số người đương thời với Người hiểu
theo một quan niệm quá phàm trần[30], đặc biệt mang tính chất
chính trị.[31]
496. Ngay trong các công thức đức tin đầu tiên[32],
Hội Thánh đã tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ
Maria là chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi, và Hội Thánh cũng khẳng
định khía cạnh thể lý của biến cố này: Chúa Giêsu được thụ thai “bởi Chúa Thánh
Thần, không có mầm giống nam nhân”[33].
Các Giáo Phụ nhận ra việc thụ thai đồng trinh là dấu chỉ của việc Con Thiên Chúa
thật sự đã đến trong bản tính nhân loại như chúng ta.
Thánh Ignatiô
Antiôchia (đầu thế kỷ II) dạy: “Tôi đã nhận thấy anh em… xác tín rằng Chúa
chúng ta, thật sự xuất thân từ dòng dõi vua Đavid theo xác phàm[34], là Con Thiên Chúa theo ý định
và quyền năng Thiên Chúa[35], Người đã thật sự được sinh
ra bởi một trinh nữ;… Người đã thật sự chịu đóng đinh trong thân xác vì chúng
ta, thời quan Phongxiô Philatô…. Người đã thật sự chịu khổ hình cũng như đã thật
sự sống lại”[36].
559. Giêrusalem sẽ đón nhận Đấng Messia của mình như thế nào? Chúa
Giêsu, Đấng luôn trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua[37], đã chọn thời điểm và chuẩn
bị kỹ lưỡng để tiến vào Giêrusalem, thành của “Đavid, tổ tiên Người” (Lc l,32)
với tư cách là Đấng Messia[38]. Người được dân chúng hoan
hô như con vua Đavid, như Đấng mang lại ơn cứu độ (Hosanna có nghĩa là “xin cứu”, “xin ban ơn cứu độ!”). Nhưng “Đức
Vua vinh hiển” (Tv 24,7-l0) lại “ngồi trên lưng lừa con” (Dcr 9,9) tiến vào
thành: Người không chinh phục Thiếu nữ Sion, hình ảnh của Hội Thánh Người, bằng
mưu mẹo hay bằng bạo lực, nhưng bằng sự khiêm tốn, là bằng chứng của sự that[39]. Vì vậy, ngày hôm đó, thần
dân của Nước Người là các trẻ em[40] và “những người nghèo của
Thiên Chúa”, họ tung hô Người giống như các Thiên thần đã loan báo Người cho
các mục đồng[41]. Lời tung hô của họ: “Chúc
tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Tv 118,26) được Hội Thánh dùng lại trong
kinh “Thánh! Thánh! Thánh!” để mở đầu phụng vụ Thánh Thể tưởng niệm cuộc Vượt
Qua của Chúa.
2616. Lúc Người còn đang thi hành tác vụ, lời cầu nguyện với Chúa Giêsu đã được chính Người nhận
lời, qua các dấu lạ, những dấu lạ này tiền dự vào sức mạnh của sự chết và sự sống
lại của Người. Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện của đức tin, được diễn tả bằng lời
nói (của người bệnh phong[42], của ông Giairô[43], của người phụ nữ Canaan[44], của người trộm lành[45]), hay trong thinh lặng (của
những kẻ khiêng người bất toại[46], của người đàn bà bị bệnh
loạn huyết đụng chạm vào áo Người[47], nước mắt và dầu thơm của
người phụ nữ tội lỗi[48]). Lời nài xin tha thiết của
những người mù: “Lạy Con Vua Đavid, xin thương xót chúng tôi” (Mt 9,27) hay “Lạy
Ông Giêsu, Con Vua Đavid, xin rủ lòng thương tôi” (Mc 10,48) được sử dụng lại
trong truyền thống Khẩn nguyện Chúa Giêsu
(Oratio ad Iesum): “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, là Chúa, xin
thương xót con là kẻ tội lỗi”. Chúa Giêsu luôn đáp lại lời cầu xin Người với đức
tin, bằng cách chữa lành bệnh tật hoặc thứ tha tội lỗi: “Cứ về bình an, lòng
tin của anh đã cứu chữa anh”.
Thánh Augustinô
đã khéo léo tóm tắt ba chiều kích của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Người cầu
nguyện cho chúng ta, vì Người là vị Tư Tế của chúng ta; Người cầu nguyện trong
chúng ta vì Người là Đầu của chúng ta; Người được chúng ta cầu nguyện, vì Người
là Thiên Chúa của chúng ta. Vậy chúng ta phải nhận biết tiếng nói của chúng ta
trong Người, lẫn tiếng nói của Người trong chúng ta”[49].
Số 143-149, 494, 2087: “Sự vâng phục của đức tin”
143. Bằng đức tin, con người đem trí khôn và ý chí của mình quy phục Thiên Chúa cách
trọn vẹn. Con người đặt trọn bản thân quy thuận Thiên Chúa, Đấng mạc khải[50]. Thánh Kinh gọi việc đáp lại
này của con người đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải, là “sự vâng phục của đức
tin”[51].
144. Vâng phục (ob-audire:
nghe, lắng nghe) bằng đức tin là tự nguyện quy thuận lời đã nghe, bởi vì chân
lý của lời đó được Thiên Chúa là chính Chân Lý, bảo đảm. Thánh Kinh trưng dẫn tổ
phụ Abraham như gương mẫu của sự vâng phục đó. Còn Đức Trinh Nữ Maria là người
thể hiện sự vâng phục đó cách hoàn hảo.
Ông Abraham – “tổ phụ của tất cả những người tin”
145. Thư gửi tín hữu Do thái, trong bài tán dương đức tin của các bậc
tổ tiên, đã đặc biệt nhấn mạnh đến đức tin của ông Abraham: “Nhờ đức tin, ông
Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận
làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8)[52]. Nhờ đức tin, ông đã sống
như kẻ mới nhập cư và người lữ hành trong Đất hứa[53].
Nhờ đức tin, bà Sara đã thụ thai người con của lời hứa. Cuối cùng, nhờ đức tin,
ông Abraham đã dâng hiến con một mình làm hy lễ[54].
146. Như vậy, ông Abraham đã thực hiện điều Thư gửi tín hữu Do thái
định nghĩa về đức tin: “Đức tin là bảo đảm cho những điều hy vọng, là bằng chứng
của những điều ta không thấy” (Dt 11,1). “Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì
thế được kể là người công chính” (Rm 4,3)[55].
“Nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh” (Rm 4,20), ông Abraham trở thành “tổ phụ của
tất cả những người tin” (Rm 4,11.18)[56].
147. Cựu Ước rất phong phú về các chứng từ của đức tin ấy. Thư gửi tín hữu Do thái tán tụng đức
tin gương mẫu, “nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám”
(Dt 11,2.39). Tuy nhiên, “Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt
hơn”: đó là ơn được tin vào Con của Ngài, la “Chúa Giêsu, Đấng khai mở và kiện
toàn lòng tin” (Dt 11,40; 12,2).
Đức Maria – “Phúc thay người đã tin”
148. Đức Trinh Nữ Maria
thể hiện cách trọn hảo sự vâng phục của đức tin. Trong đức tin, Đức Maria đón
nhận lời sứ thần Gabriel loan báo và đoan hứa, vì ngài tin rằng “đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)[57],
và ngài bày tỏ lòng quy phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm
cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Bà Êlisabét chào Đức Maria bằng những lời
này: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với
em” (Lc 1,45). Chính vì đức tin này mà Đức Maria sẽ được mọi đời khen là diễm
phúc[58].
149. Trong suốt cuộc đời của Đức Maria, và cho đến cuộc thử thách tột
bậc[59], khi Chúa Giêsu Con ngài chết
trên thập giá, đức tin của ngài đã không hề lay chuyển. Đức Maria không ngừng
tin rằng lời Chúa sẽ “được thực hiện”. Vì vậy Hội Thánh tôn kính Đức Maria là
người đã thể hiện đức tin một cách tinh tuyền nhất.
“Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói…”
494. Khi được loan báo rằng, mặc dù không biết người nam, mình sẽ hạ
sinh “Con Đấng Tối Cao”, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần[60],
Đức Maria tin chắc chắn rằng, đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được, nên với “sự vâng phục của đức tin”[61],
Mẹ đã trả lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời
sứ thần nói” (Lc l,37-38). Như vậy, khi nói lên sự ưng thuận của mình đối với lời
Thiên Chúa, Đức Maria trở thành Mẹ Chúa Giêsu và với trọn tâm hồn, Mẹ chấp nhận
ý định cứu độ của Thiên Chúa, mà không tội lỗi nào ngăn cản Mẹ, Mẹ tự hiến hoàn
toàn cho con người và công trình của Con Mẹ, để, một cách tùy thuộc vào Người
và cung với Người, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc[62].
Thánh Irênê nói:
“Nhờ vâng phục, Đức Mẹ đã trở nên nguyên nhân ơn cứu độ cho chính mình và cho
toàn thể nhân loại”[63]. Từ đó, cùng với thánh
nhân, nhiều Giáo phụ xưa cũng giảng dạy rằng: “Nút dây do sự bất tuân của bà
Evà thắt lại, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria; điều mà trinh nữ
Evà đã buộc lại do sự cứng lòng tin, Đức Trinh Nữ Maria đã tháo ra nhờ đức tin”[64]; và so sánh với bà Evà, các
ngài gọi Đức Maria là “Mẹ chúng sinh”, và rất thường quả quyết rằng: “Sự chết
qua bà Evà, sự sống qua Đức Maria”[65].
2087. Đời sống luân lý của chúng ta bắt nguồn từ đức tin vào Thiên
Chúa, Đấng mạc khải tình yêu của Ngài cho chúng ta. Thánh Phaolô nói đến sự
vâng phục của đức tin[66] như là nghĩa vụ hàng đầu.
Thánh nhân cho thấy rằng chính sự “không nhận biết Thiên Chúa” là nguyên nhân
và lời giải thích cho mọi lệch lạc luân lý[67].
Bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa là tin vào Ngài và làm chứng về Ngài.
Bài Ðọc I: 2Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16
“Nước Ðavít sẽ tồn tại muôn đời
trước mặt Chúa”.
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Khi ấy vua Ðavít ngự trong đền và
khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua
nói với tiên tri Nathan rằng: “Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá
hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?” Nathan trả lời với vua rằng:
“Ðiều vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua”. Nhưng xảy
ra là, đêm ấy, có lời Chúa phán cùng Nathan rằng: “Hãy nói với Ðavít tôi tớ Ta
rằng: “Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở
chăng?”
Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ,
lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta, và
Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt
ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên
mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó.
Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn
áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta.
Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù, và Chúa phán trước cho ngươi
biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ
vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.
Ðó là lời Chúa.
Đáp ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và
29
Ðáp: Lạy
Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi tình
thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung
thành Chúa, vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi
trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.
Ðáp: Lạy
Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời
2) Ta đã ký minh ước cùng người
ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta
bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.
Ðáp: Lạy
Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
3) Chính người sẽ thưa cùng Ta:
“Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành
cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.
Ðáp: Lạy
Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời.
Bài Ðọc II: Rm 16, 25-27
“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời
đời, nay được tỏ bày”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gởi
tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, kính chúc Ðấng
có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc Âm tôi loan truyền, và lời
giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời,
nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng
hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin.
Kính chúc Thiên Chúa, Ðấng khôn
ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn đời! Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 1,38
Alleluia, alleluia! - Này tôi là
tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ
sinh một con trai”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được
Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính
hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Thiên thần vào nhà trinh nữ và
chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe
lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền
thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ
sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là
Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người
sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.
Nhưng Maria thưa với thiên thần:
“Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”
Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần
sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng
trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave
chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang
thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà
Chúa không làm được”.
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi
tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh
nữ.
Ðó là lời Chúa.
[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 56: AAS 57 (1965) 60; x. Ibid., 61: AAS 57 (1965) 63.
[49] Thánh Augustinô, Enarratio
in Psalmum 85, 1: CCL 39, 1176 (PL 36, 1081); x. Văn kiện trình bày và quy định Các Giờ Kinh phụng vụ, 7: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.
1 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 24.
[67] X. Rm 1,18-32.