GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY NĂM B
WHĐ (06.03.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện
hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 389, 457-458, 846, 1019, 1507: Đức Kitô là Đấng Cứu Độ
389. Giáo lý về tội tổ tông, có thể nói được, là “mặt trái” của Tin
Mừng này: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ của tất cả mọi người, mọi người đều cần ơn
cứu độ, và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô. Hội Thánh, người có cảm
thức về Đức Kitô[1], biết rằng không thể công
kích mạc khải về tội tổ tông mà không xúc phạm đến mầu nhiệm Đức Kitô.
457. Ngôi Lời đã làm người để cứu độ chúng ta, bằng cách giao hòa
chúng ta với Thiên Chúa: Thiên Chúa “đã yêu thương chúng ta và sai Con của Ngài
đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). “Chúa Cha đã sai Con của Ngài
đến làm Đấng cứu độ thế gian” (1 Ga 4,14). “Chúa Giêsu đã xuất hiện để xoá
bỏ tội lỗi” (1 Ga 3,5):
“Bản tính
chúng ta vì bệnh tật nên cần được chữa lành, vì sa ngã nên cần được nâng dậy,
vì đã chết nên cần được phục sinh. Chúng ta đã đánh mất việc thông phần vào sự
thiện, nên cần được dẫn trở về sự thiện. Chúng ta bị vây hãm trong bóng tối,
nên cần đến ánh sáng. Chúng ta bị tù đầy nên mong người cứu chuộc; bị thua trận,
nen cần người trợ giúp, bị áp bức dưới ách nô lệ nên chờ người giải phóng. Đó lại
là những lý do nhỏ bé và không xứng đáng để làm cho Thiên Chúa động lòng hay
sao? Những lý do ấy không đủ để Thiên Chúa xuống viếng thăm bản tính nhân loại,
trong lúc nhân loại đang ở trong tình trạng khốn cùng và bất hạnh hay sao?”[2]
458. Ngôi Lời đã làm người để chúng ta nhận biết tình yêu của Thiên
Chúa: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên
Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Ngài mà chúng ta được sống”
(1Ga 4,9). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của
Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
846. Phải hiểu thế nào về lời khẳng định thường được các Giáo phụ
nhắc lại này? Theo nghĩa tích cực, khẳng định này có nghĩa là toàn bộ ơn cứu độ
xuất phát từ Đức Kitô là Đầu nhờ Hội Thánh là Thân Thể của Người:
“Dựa vào
Thánh Kinh và Thánh Truyền, Công đồng dạy rằng: Hội Thánh lữ hành này là cần
thiết để được cứu độ. Quả vậy, chỉ một mình Đức Kitô là trung gian và là con đường
của ơn cứu độ, Người hiện diện giữa chúng ta trong Thân Thể Người là Hội Thánh;
qua việc minh nhiên công bố sự cần thiết của đức tin và Phép Rửa, chính Người
đã đồng thời xác nhận sự cần thiết của Hội Thánh, mà người ta bước vào đó nhờ
Phép Rửa như qua một cái cửa. Vì vậy, những ai không phải là không biết rằng Hội
Thánh Công giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô như phương tiện cứu
rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không muốn kiên trì sống trong
Hội Thánh này, thì không thể được cứu độ”[3].
1019. Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa, đã tự nguyện chịu chết vì chúng ta trong sự suy phục thánh ý Thiên Chúa,
Cha của Người, một cách trọn vẹn và tự nguyện. Bằng cái chết của Người, Người
đã chiến thắng sự chết, và như vậy mở ra cho tất cả mọi người khả năng được cứu
độ.
1507. Chúa phục sinh đã lặp lại sư vụ này (“Nhân danh Thầy... họ đặt
tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe”: Mc 16,17-18)
và xác nhận sứ vụ đó qua các dấu chỉ Hội Thánh thực hiện trong khi kêu cầu Danh
Người[4]. Các dấu chỉ này biểu lộ
cách đặc biệt Chúa Giêsu thật sự là “Thiên Chúa cứu độ”[5].
Số 679: Đức Kitô là Chúa của
sự sống vĩnh cửu
679. Đức Kitô là Chúa của sự sống vĩnh cửu. Thẩm quyền đầy đủ để
xét xử một cách vĩnh viễn về các công việc và các tâm hồn của mọi người là thuộc
về Người, với tư cách là Đấng Cứu Chuộc trần gian. Người “đã đạt được” quyền
này nhờ thập giá của Người. Chúa Cha cũng “đã ban cho Người Con mọi quyền xét xử”
(Ga 5,22)[6]. Nhưng Chúa Con không đến để
xét xử, mà để cứu độ[7], và để ban sự sống Người có
nơi chính mình[8]. Qua việc từ chối ân sủng
khi còn sống ở đời này, mỗi người tự xét xử chính mình[9],
lãnh nhận tuỳ theo các công việc của mình[10],
và cũng có thể tự kết án mình muôn đời khi từ chối Thần Khí tình yêu[11].
Số 55: Thiên Chúa muốn ban
cho con người sự sống vĩnh cửu
55. Mạc khải này không bị tội nguyên tổ làm gián đoạn. Quả vậy,
“sau khi tổ tông sa ngã, bằng việc hứa ban ơn cứu chuộc, Ngài đã nâng họ dậy hướng
tới niềm hy vọng cứu độ. Ngài đã không ngừng săn sóc nhân loại, để ban sự sống
đời đời cho tất cả những ai tìm kiếm ơn cứu độ bằng cách kiên tâm làm việc
lành”[12].
“Và khi con
người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người
dưới quyền lực sự chết.... Nhiều lần Cha đã giao ước với loài người”[13].
Số 710: Cuộc lưu đày của
Israel mang bóng dáng Cuộc Khổ Nạn
710. Việc quên lãng Lề luật và bất trung với Giao Ước dẫn đến cái
chết: cuộc lưu đày có vẻ là sự thất bại của các Lời hứa, mà thật ra là sự trung
tín bí nhiệm của Thiên Chúa, Đấng cứu độ, và là khởi đầu của cuộc phục hồi như
đã hứa, nhưng theo Thần Khí. Dân Thiên Chúa cần phải trải qua cuộc thanh tẩy
này[14]; cuộc lưu đày mang bóng dáng cây thập giá trong kế hoạch của Thiên
Chúa, và số sót những người nghèo trở về từ cuộc lưu đày, là một trong những
hình ảnh rõ ràng nhất của Hội Thánh.
Bài Ðọc I: 2Sb 36, 14-16. 19-23
“Cơn thịnh nộ và lòng từ bi của Chúa được tỏ bày qua sự lưu đày và giải
phóng của dân tộc”.
Trích sách Sử Biên Niên quyển thứ
hai.
Trong những ngày ấy, tất cả những
đầu mục tư tế và dân chúng đều bất trung, bắt chước những sự ghê tởm của các
dân ngoại. Họ làm dơ bẩn đền thờ Chúa đã được Chúa thánh hoá tại Giêrusalem.
Chúa là Thiên Chúa tổ phụ họ, đã
luôn luôn đêm ngày sai sứ giả đến với họ, vì Người thương xót dân Người và đền
thờ của Người. Nhưng họ nhạo báng các sứ giả Chúa, coi thường lời Chúa, và nhạo
báng các tiên tri, đến nỗi, sau hết, cơn thịnh nộ của Chúa đã đổ lên dân Người,
và vô phương cứu chữa. Quân thù đã đốt đền thờ Chúa, phá hủy tường thành
Giêrusalem, phóng hoả tất cả các lâu đài và thiêu huỷ mọi đồ vật quý giá. Nếu
có ai thoát khỏi lưỡi gươm, thì bị dẫn về Babylon để làm nô lệ nhà vua và con
cái vua, cho đến thời vua nước Ba-tư thống trị; như thế ứng nghiệm lời Chúa
dùng miệng tiên tri Giêrêmia mà phán, cho đến khi đất nước được mừng ngày
Sabbat; vì trong tất cả những ngày xáo trộn, họ sẽ không giữ được ngày Sabbat
trọn bảy mươi năm trường.
Năm thứ nhất triều đại Cyrô, vua
xứ Ba Tư, để lời Chúa dùng miệng tiên tri Giêrêmia phán trước được thực hiện,
thì Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba Tư, nhà vua ra lệnh truyền
rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: “Ðây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba Tư
tuyên bố: Chúa là Thiên Chúa trời đất đã ban cho trẫm mọi nước trên mặt đất, và
chính Người đã ra lệnh cho trẫm xây cất cho Người một đền thờ ở Giêrusalem
trong xứ Giuđa. Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó,
và nó hãy tiến lên”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp ca: Tv 136, 1-2. 3. 4-5. 6
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
Xướng: 1) Trên bờ sông Babylon,
chúng tôi ngồi khóc nức nở, khi tưởng nhớ đến núi Sion. Trên những cây dương liễu
miền đó, chúng tôi treo các cây lục huyền cầm của chúng tôi.
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
2) Vì nơi này, quân canh ngục đòi
chúng tôi vui vẻ hát lên. Họ giục chúng tôi rằng: “Hãy vui mừng; hãy hát cho
chúng ta nghe điệu ca Sion!”.
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
3) Lẽ nào chúng tôi ca hát ngợi
khen Thiên Chúa trên đất khách quê người? Hỡi Giêrusalem, nếu tôi lại quên
ngươi, thì cánh tay tôi sẽ bị khô đét.
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
4) Lưỡi tôi dính vào cuống họng,
nếu tôi không nhớ đến ngươi. Nếu tôi không đặt Giêrusalem trên tất cả mọi niềm
vui thoả.
Ðáp: Lưỡi tôi dính vào cuống họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi.
Bài Ðọc II: Ep 2, 4-10
“Anh em chết bởi tội và được cứu rỗi bởi ân sủng”.
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Êphêsô.
Anh em thân mến, Thiên Chúa là Ðấng
giàu lòng từ bi, vì lòng yêu thương cao cả mà Người đã yêu thương chúng ta, đến
nỗi khi tội lỗi làm cho chúng ta phải chết, thì Người làm cho chúng ta sống lại
trong Ðức Kitô, nhờ ơn Ngài mà chúng ta được cứu rỗi; Người đã cho chúng ta được
cùng chung sống lại và đồng ngự trị trên nước trời trong Ðức Giêsu Kitô, để tỏ
cho hậu thế được thấy sự phong phú dồi dào của ơn Chúa mà lòng nhân lành Chúa
đã ban cho chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô? Vì chưng, bởi ơn Chúa, anh em được cứu
rỗi nhờ đức tin. Ðiều đó không phải do anh em, vì đó là ân huệ của Chúa; cũng
không phải do việc làm, để không ai được tự phụ. Vì chúng ta là thụ tạo của Người,
đã được tạo thành trong Ðức Giêsu Kitô, để làm các việc lành mà Chúa đã dự liệu,
hầu chúng ta đem ra thực hành.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 3,16
Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi
ban Con Một Mình, để tất cả những ai tin Con Ngài, sẽ được sống đời đời.
Phúc Âm: Ga 3, 14-21
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với
Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người
cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ
diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con
Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống
đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian,
nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị
luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một
Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối
tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì
ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển
trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của
họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Ðó là lời Chúa.