GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (15.11.2023) – Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 2006-2011: Những công trạng của chúng ta về những việc tốt lành đến từ lòng nhân lành của Thiên Chúa

Số 1038-1041: Công việc của chúng ta được biểu lộ tại cuộc Phán xét cuối cùng. 2

Số 1048-1050: Vẫn tiếp tục làm việc đang khi chờ đợi Chúa trở lại 4

Số 1936-1937: Sự đa dạng của những khả năng. 4

Số 2331, 2334: Phẩm giá phụ nữ. 5

Số 1603-1605: Hôn nhân theo trật tự tạo dựng. 6

Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31. 7

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6. 7

Phúc Âm: Mt 25, 14-30


Số 2006-2011: Những công trạng của chúng ta về những việc tốt lành đến từ lòng nhân lành của Thiên Chúa

2006. Từ “công trạng” thường được dùng để chỉ sự trả công mà cộng đồng hay xã hội đánh giá hành động của một thành viên của mình, xét như điều đó tốt hay xấu, đáng được thưởng hay bị phạt. Công trạng thuộc về nhân đức công bằng theo nguyên tắc về sự bình đẳng, là nguyên tắc chi phối nhân đức đó.

2007. Trước mặt Thiên Chúa, theo nghĩa hẹp về quyền lợi, con người không có công trạng gì. Giữa Thiên Chúa và chúng ta có sự bất bình đẳng không thể đo lường, bởi vì chúng ta đón nhận mọi sự từ nơi Ngài, là Đấng Tạo Hoá của chúng ta.

2008. Công trạng của con người trước mặt Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu là do Thiên Chúa đã tự ý muốn liên kết con người với công trình của ân sủng của Ngài. Hành động đầy tình phụ tử của Thiên Chúa, bằng sự thúc đẩy của ân sủng, là trước hết, thứ đến mới là hành động tự do của con người trong sự cộng tác của họ, cho nên các công trạng của các việc tốt lành trước hết phải được quy về ân sủng của Thiên Chúa, rồi mới quy ve tín hữu. Ngoài ra chính công trạng của con người phải quy về Thiên Chúa, bởi vì các việc tốt lành của họ đều diễn ra trong Đức Kitô, nhờ những khởi xướng và trợ giúp của Chúa Thánh Thần.

2009. Nhờ ân sủng, ơn được làm nghĩa tử cho chúng ta được tham dự vào bản tính Thiên Chúa, có thể đem lại cho chúng ta một công trạng đích thực theo đức công chính nhưng không của Thiên Chúa. Đây là một quyền có được nhờ ân sủng, quyền sung mãn của tình yêu, làm cho chúng ta nên những người “đồng thừa tự” với Đức Kitô và xứng đáng được hưởng phần gia tài đã được hứa ban là đời sống vĩnh cửu[1]. Công trạng do các việc tốt lành của chúng ta là những hồng ân của lòng nhân hậu của Thiên Chúa[2]. “Ân sủng đã được ban trước, giờ đây nợ được trả.... Các hồng ân của Thiên Chúa là những công trạng của bạn”[3].

2010. Vì sự khởi xướng trong lãnh vực ân sủng thuộc về Thiên Chúa, nên không ai có thể có công trạng gì để lãnh nhận ân sủng đầu tiên nơi cội nguồn việc hối cải, ơn tha thứ và sự công chính hóa. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần và của đức mến, chúng ta mới có thể lập công cho bản thân và cho tha nhân để được những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoá, cho việc gia tăng ân sủng và đức mến của chúng ta, cũng như để đạt tới sự sống vĩnh cửu. Theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể lập công để đáng lãnh nhận những lợi ích trần thế, như sức khoẻ, tình bằng hữu. Những ân sủng và hồng ân này là đối tượng của kinh nguyện Kitô giáo. Việc cầu nguyện đem lại ân sủng cần thiết cho chúng ta để các hành động có được công trạng.

2011. Tình yêu Đức Kitô trong chúng ta là nguồn mạch mọi công trạng của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Ân sủng, khi kết hợp chúng ta với Đức Kitô bằng một tình yêu năng động, bảo đảm phẩm tính siêu nhiên của các hành vi của chúng ta và do đó, bảo đảm công trạng của các việc đó trước mặt Thiên Chúa cũng như trước mặt người ta. Các Thánh luôn ý thức mãnh liệt rằng các công trạng của các ngài hoàn toàn là ân sủng:

“Sau cuộc lưu đày trần thế, con hy vọng sẽ được về vui hưởng Chúa nơi Quê hương, nhưng con không muốn thu thập công trạng để được lên trời, con muốn làm việc chỉ vì tình yêu Chúa mà thôi.... Lúc cuộc đời xế bóng, con sẽ đến trước mặt Chúa với đôi bàn tay trắng, vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Mọi sự công chính của chúng con đều mang tì vết trước mắt Chúa. Vì vậy, con muốn được mặc lấy sự công chính của chính Chúa và đón nhận từ tình yêu Chúa phần sở hữu muôn đời là chính Chúa…”[4].

 

Số 1038-1041: Công việc của chúng ta được biểu lộ tại cuộc Phán xét cuối cùng

1038. Việc phục sinh của tất cả mọi người đã chết, “người lành và kẻ dữ” (Cv 24,15), đi trước cuộc Phán Xét cuối cùng. Đó sẽ là “giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng … Con Người và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,28-29). Lúc đó Đức Kitô sẽ đến “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu…. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người; và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê, Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái…. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25,31.32.46).

1039. Đối diện với Đức Kitô, Đấng là Chân lý, chân lý về mối tương quan của từng người với Thiên Chúa sẽ được biểu lộ một cách vĩnh viễn[5]. Việc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải, đến tận những hậu quả cuối cùng của nó, điều thiện hảo mà mỗi người đã làm, hoặc đã bỏ không làm, trong suốt đời sống trần thế của họ:

“Bất cứ điều gì những kẻ dữ làm, đều bị ghi lại, mà họ không biết, khi ‘Thiên Chúa ta ngự đến, Ngài không nín lặng’ (Tv 50,3)…. Rồi Ngài quay sang những kẻ ở bên trái và nói: Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta trên trần thế cho các ngươi. Ta như là Đầu, Ta đang ngự bên hữu Chúa Cha trên trời, nhưng các chi thể của Ta nơi trần thế phải đau khổ, túng thiếu. Nếu các ngươi cho các chi thể của Ta bất cứ cái gì, thì cái đó đã lên tới Đầu. Các ngươi phải biết rằng, Ta đã đặt những người nghèo khó bé mọn của Ta cho các ngươi khi còn ở trần thế, Ta đặt ho làm những người phục vụ các ngươi để đem các việc làm của các ngươi vào kho tàng của Ta. Và các ngươi đã chẳng đặt gì vào tay họ, vì vậy các ngươi chẳng gặp được gì ở nơi Ta”[6].

1040. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ diễn ra khi Đức Kitô trở lại một cách vinh quang. Chỉ có Chúa Cha mới biết ngày giờ; chỉ một mình Ngài quyết định việc Ngự đến của Đức Kitô. Lúc đó, qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, Chúa Cha sẽ công bố phán quyết chung thẩm của Ngài về toàn thể lịch sử. Chúng ta sẽ nhận biết ý nghĩa tối hậu của toàn bộ công trình tạo dựng và của toàn bộ Nhiệm cục cứu độ và chúng ta sẽ hiểu những đường lối kỳ diệu qua đó sự quan phòng của Thiên Chúa đã dẫn đưa mọi sự đến mục đích tối hậu của chúng. Cuộc Phán Xét cuối cùng sẽ mạc khải đức công chính của Thiên Chúa chiến thắng mọi sự bất chính mà các thụ tạo của Ngài đã lỗi phạm, và tình yêu của Ngài mạnh hơn sự chết[7].

1041. Sứ điệp của việc Phán Xét cuối cùng là kêu gọi hối cải, trong khi Thiên Chúa còn cho người ta “thời gian thuận tiện” và “ngày cứu độ” (2 Cr 6,2). Sứ điệp này gợi lên sự kính sợ thánh thiện đối với Thiên Chúa. Nó thúc đẩy người ta đến sự công chính của Nước Trời. Sứ điệp này loan báo “ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi” (Tt 2,13), tức là ngày trở lại của Chúa, Đấng sẽ đến “để được tôn vinh giữa các thần thánh của Người và được ngưỡng mộ giữa mọi kẻ đã tin” (2 Tx 1,10).

 

Số 1048-1050: Vẫn tiếp tục làm việc đang khi chờ đợi Chúa trở lại

1048.Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ sẽ biến đổi ra sao. Quả thật bộ mặt biến dạng vì tội lỗi của trần gian này sẽ qua đi, nhưng chúng ta được dạy rằng Thiên Chúa đã chuẩn bị một nơi lưu ngụ mới và một trần thế mới, trong đó sự công chính lưu ngụ, và vinh phúc của nó sẽ thỏa mãn và vượt quá mọi khát vọng về bình an, vốn đã trào lên trong trái tim con người”[8].

1049. “Tuy nhiên, sự trông đợi đất mới không được làm suy giảm, trái lại phải khích động hơn sự quan tâm phát triển trái đất này, nơi mà thân thể gia đình nhân loại mới đang tăng trưởng và đã có khả năng đưa ra một nét phác hoạ nào đó của thời đại mới. Vì vậy, tuy phải phân biệt rõ rệt sự tiến bộ trần thế với sự tăng trưởng Nước Đức Kitô, nhưng tiến bộ này trở thành rất quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ nó có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội nhân loại một cách tốt đẹp hơn”[9].

1050. “Thật vậy, sau khi chúng ta đã theo lệnh Chúa, và trong Thần Khí của Người, truyền bá khắp cõi đất những sự tốt lành của phẩm giá nhân loại, của sự hiệp thông huynh đệ và của sự tự do, nghĩa là tất cả những hoa trái tốt đẹp của bản tính và sự nghiệp của chúng ta, thì sau đó chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng trong tình trạng đã được thanh luyện khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và được biến hình, khi Đức Kitô trao lại cho Chúa Cha Nước vĩnh cửu và phổ quát”[10]. Lúc đó, trong đời sống vĩnh cửu, Thiên Chúa “có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28):

“Sự sống thật và theo bản chất cốt tại điều này: Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, đổ tràn các hồng ân thiên quốc trên tất cả không trừ ai. Nhờ lòng thương xót của Ngài, cả chúng ta là những con người, chúng ta cũng đã lãnh nhận lời hứa vĩnh viễn là được sống muôn đời”[11].

 

Số 1936-1937: Sự đa dạng của những khả năng

1936. Khi chào đời, con người không có tất cả những gì cần thiết để phát triển đời sống thể xác và tinh thần của mình. Con người cần đến những người khác. Những khác biệt đã xuất hiện về tuổi tác, về những khả năng thể lý, về những khả năng trí tuệ và luân lý, về những trao đổi mà mỗi người đã có thể có được, về sự phân phối của cải[12]. “Những nén bạc” không được phân phối một cách bằng nhau[13].

1937. Những khác biệt này nằm trong chương trình của Thiên Chúa, Đấng muốn người này đón nhận những gì mình cần từ người khác, và muốn những ai lãnh được “những nén bạc” đặc biệt, phải biết truyền thông chúng cho những người cần đến chúng. Các khác biệt khuyến khích và nhiều khi đòi buộc các cá vị sống quảng đại, nhân hậu và chia sẻ; chúng cũng thúc đẩy các nền văn hóa làm phong phú lẫn nhau:

“Tại sao Cha lại ban những nhân đức khác nhau như vậy, mà không ban mọi nhân đức cho một người, nhưng ban nhân đức này cho người này, nhân đức kia cho kẻ khác? … Cha đặc biệt sẽ ban cho người này đức mến; người khác đức công bằng; kẻ này đức khiêm nhường; kẻ kia đức tin sống động.... Và như vậy Cha đã ban nhiều hồng ân và ân sủng, cả thiêng liêng cả trần thế … Cha đã ban mọi sự một cách rất không đồng đều, Cha không ban mọi sự cho một người, để các con nhất thiết có cơ hội thực thi bác ái, người này đối với người kia; … Cha đã muốn người này cần đến người khác và là thừa tác viên của Cha để phân phát các ân sủng và hồng ân mà họ đã lãnh nhận từ nơi Cha”[14].

 

Số 2331, 2334: Phẩm giá phụ nữ

2331. “Thiên Chúa là tình yêu và nơi Ngài, Ngài sống mầu nhiệm của sự hiệp thông ngôi vị trong tình yêu. Khi tạo dựng bản tính con người theo hình ảnh mình, có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính ấy ơn gọi, cùng với khả năng và trách nhiệm sống trong tình yêu và sự hiệp thông”[15].

“Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh mình…. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ” (St 1,27). “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều” (St 1,28). “Ngày Thiên Chúa tạo dựng con người, Thiên Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa tạo dựng con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là ‘người’, ngày họ được tạo dựng” (St 5,1-2).

2334. “Khi tạo dựng con người ‘có nam có nữ’, Thiên Chúa đã ban cho người nam và người nữ sự bình đẳng về nhân phẩm”[16]. “Con người là một nhân vị, người nam và người nữ bình đẳng với nhau: cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa hữu ngã (personalis)”[17].

 

Số 1603-1605: Hôn nhân theo trật tự tạo dựng

1603. “Cộng đồng thân mật của đời sống và tình yêu hôn nhân, đã được Đấng Tạo Hoá thiết lập và quy định những luật lệ cho nó. Chính Thiên Chúa là tác giả của hôn nhân”[18]. Ơn gọi hôn nhân đã được khắc ghi trong chính bản tính của người nam và người nữ, như chính họ phát xuất từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Hôn nhân không phải chỉ là một định chế của phàm nhân, mặc dù đã có không ít những biến đổi mà hôn nhân đã trải qua suốt các thế kỷ, trong các nền văn hoá, cơ cấu xã hội và thái độ tinh thần khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm quên đi những nét chung và trường tồn. Dù phẩm giá của định chế này không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau[19], nhưng trong tất cả các nền văn hoá, vẫn có một ý thức nào đó về sự cao cả của việc kết hợp trong hôn nhân. “Ơn cứu độ của cá nhân và của xã hội nhân loại và xã hội Kitô giáo, liên kết chặt chẽ với tình trạng lành mạnh của cộng đồng hôn nhân và gia đình”[20].

1604. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng con người vì tình yêu, cũng đã kêu gọi họ đến tình yêu, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi nhân vị. Thật vậy, con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa[21], Đấng chính “là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16). Vì Thiên Chúa đã dựng họ có nam có nữ, nên tình yêu hỗ tương của họ là một hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bất diệt Thiên Chúa dành để yêu con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa, tình yêu nay là tốt, là rất tốt[22]. Và tình yêu này, được Thiên Chúa chúc phúc, được nhắm đến việc sinh sôi nảy nở và trong công trình chung, nhắm đến việc bảo tồn công trình tạo dựng: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: ‘Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất’” (St 1,28).

1605. Kinh Thánh đã khẳng định rằng, người nam và người nữ được tạo dựng cho nhau: “Con người ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Người nữ là “thịt bởi thịt” của người nam[23], nghĩa là bình đẳng với người nam, rất gần gũi với người nam, mà Thiên Chúa đã ban cho người nam với tư cách là một “trợ tá”[24], như vậy là người thay mặt Thiên Chúa để trợ giúp chúng ta[25]. “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Chính Chúa cho thấy câu này nói lên sự hợp nhất cuộc đời hai người cách bất diệt, khi Người nhắc lại ý định “lúc khởi đầu” của Đấng Tạo Hoá[26]: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6).

 

Bài Ðọc I: Cn 31, 10-13, 19-20. 30-31

"Nàng cần mẫn dùng tay làm việc".

Trích sách Châm Ngôn.

Ai tìm được một người vợ tài đức? Nàng đáng giá hơn ngọc ngà. Chồng nàng đặt lòng tin tưởng nơi nàng và chàng không thiếu thốn vật thực. Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.

Duyên dáng thì giả dối và nhan sắc thì hão huyền: Người phụ nữ kính sợ Chúa, sẽ được ca tụng. Hãy tặng cho nàng hoa quả do tay mình làm ra, và sự nghiệp của nàng hãy ca tụng nàng tại các cửa thành.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người. Công quả tay bạn làm ra bạn được an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn, con cái bạn như những chồi non của khóm ô liu, ở chung quanh bàn ăn của bạn.

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

3) Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Thiên Chúa. Nguyện Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem, hết mọi ngày trong đời sống bạn.

 Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa (x. c. 1a).

 

Bài Ðọc II: 1 Tx 5, 1-6

"Ngày của Chúa bắt chợt anh em như kẻ trộm".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Anh em thân mến, về thời nào và lúc nào, anh em không cần chúng tôi viết cho anh em. Vì chính anh em đã biết rõ ngày Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong đêm tối.

Khi người ta nói rằng: "Yên ổn và an toàn", thì chính lúc đó tai hoạ thình lình giáng xuống trên họ, như cơn đau đớn xảy đến cho người mang thai và họ không sao thoát khỏi. Phần anh em, hỡi anh em thân mến, anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! - Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 25, 14-30

"Vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: "Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi.

"Người lãnh năm nén bạc, ra đi và dùng tiền ấy buôn bán làm lợi được năm nén khác. Người lãnh hai nén cũng đi làm lợi được hai nén khác. Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình.

"Sau một thời gian lâu dài, ông chủ các đầy tớ ấy trở về và đòi họ tính sổ. Vậy người lãnh năm nén bạc đến, mang theo năm nén khác mà nói rằng: "Thưa ông, ông trao cho tôi năm nén bạc, đây tôi làm lợi được năm nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi". Người đã lãnh hai nén bạc cũng đến và nói: "Thưa ông, ông đã trao cho tôi hai nén bạc; đây tôi đã làm lợi được hai nén khác". Ông chủ bảo người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi".

"Còn người lãnh một nén bạc đến và nói: "Thưa ông, tôi biết ông là người keo kiệt, gặt nơi không gieo và thu nơi ông không phát: nên tôi khiếp sợ (mà) đi chôn giấu nén bạc của ông dưới đất. Ðây của ông, xin trả lại cho ông". Ông chủ trả lời người ấy rằng: "Hỡi đầy tớ hư thân và biếng nhác, người đã biết ta gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát: vậy lẽ ra người phải giao bạc của ta cho người đổi tiền, và khi ta trở về, ta sẽ thu cả vốn lẫn lời. Bởi thế, các ngươi hãy lấy nén bạc lại mà trao cho người có mười nén. Vì người có sẽ cho thêm và sẽ được dư dật, còn kẻ chẳng có, thì vật gì coi như của nó, cũng lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng, các ngươi hãy ném nó ra ngoài vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng".

Ðó là lời Chúa.




[1] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1546.

[2] X. CĐ Triđentinô, Sess. 6a, Decretum de iustificatione, c. 16: DS 1548.

[3] Thánh Augustinô, Sermo 298, 4-5: SPM 1, 98-99 (PL 38, 1367).

[4] Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Acte d’offrande à l’Amour miséricordieux: Récréations pieuses – Prières (Paris 1992) 514-515.

[5] X. Ga 12,48.

[6] Thánh Augustinô, Sermo 18, 4, 4: CCL 41, 247-249 (PL 38, 130-131).

[7] X. Dc 8,6.

[8] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1056-1057.

[9] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057.

[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 39: AAS 58 (1966) 1057; x. Id., Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 2: AAS 57 (1965) 5-6.

[11] Thánh Cyrillô Giêrusalem, Catecheses illuminandorum, 18, 29: Opera, v. 2, ed. J. Rupp (Monaci 1870) 332 (PG 33, 1049).

[12] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 29: AAS 58 (1966) 1048.

[13] X. Mt 25,14-30; Lc 19,11-27.

[14] Thánh Catarina Siêna, Il dialogo della Divina provvidenza, 7: ed. G. Cavallini (Roma 1995) 23-24.

[15] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 11: AAS 74 (1982) 91-92.

[16] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 22: AAS 74 (1982) 107; x. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 49: AAS 58 (1966) 1070.

[17] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem, 6: AAS 80 (1988) 1663.

[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48: AAS 58 (1966) 1067.

[19] X. CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47: AAS 58 (1966) 1067.

[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47: AAS 58 (1966) 1067.

[21] X. St 1,27.

[22] X. St 1,31.

[23] X. St 2,23.

[24] X. St 2,18.

[25] X. Tv 121,2.

[26] X. Mt 19,4.