GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (10.11.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận
tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 671-672: Chúng tôi chờ đợi mọi sự quy phục Đức
Kitô
671. Tuy nhiên, Nước Đức Kitô, đang hiện diện trong Hội Thánh của
Người, chưa phải là tuyệt đối với “quyền năng và vinh quang” (Lc 21,27)[1] do việc Vua ngự đến trần
gian. Nước này còn bị các thế lực sự dữ tấn công[2],
mặc dù chúng đã bị đánh bại tận gốc rễ do cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cho tới
khi mọi sự quy phục Người[3], “cho tới khi có trời mới đất
mới, nơi công lý ngự trị, Hội Thánh lữ hành, trong các bí tích và các định chế
của mình, vốn là những điều thuộc thời đại nay, vẫn mang hình dáng của thời đại
chóng qua này và chính Hội Thánh đang sống giữa các thụ tạo còn đang rên siết
và quằn quại như sắp sinh nở và mong đợi cuộc tỏ hiện của các con cái Thiên
Chúa”[4]. Vì vậy, các Kitô hữu cầu
nguyện, nhất là trong bí tích Thánh Thể[5],
để Đức Kitô mau lại đến[6], bằng cách thưa với Người:
“Lạy Chúa, xin ngự đến !” (Kh 22,20)[7].
672. Đức Kitô, trước cuộc Thăng Thiên của Người, đã khẳng định rằng
chưa đến giờ Người thiết lập Nước của Đấng Messia một cách vinh hiển mà Israel
mong đợi[8], Nước đó phải mang lại cho mọi
người, theo lời các tiên tri[9], một trật tự vĩnh viễn của
công lý, của tình yêu, và của hoà bình. Thời gian hiện tại, theo Chúa, là thời
gian của Thần Khí và của việc làm chứng[10],
nhưng cũng là thời gian được ghi dấu bằng nỗi khó khăn hiện tại[11] và bằng sự thử thách của sự
dữ[12], thời gian này không buông
tha Hội Thánh[13], và khởi đầu cuộc chiến của
những ngày sau cùng[14]. Đây là thời gian của sự
mong đợi và tỉnh thức[15].
Số 988-991: Người công chính sẽ sống muôn đời với Đức
Kitô phục sinh
988. Tín biểu của Kitô giáo – là Bản tuyên xưng đức tin của chúng
ta vào Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và vào hành động tạo
dựng, cứu độ và thánh hoá của Ngài – được kết thúc với lời tuyên xưng về sự sống
lại của những người chết, vào lúc cùng tận thời gian, và về sự sống vĩnh cửu.
989. Chúng ta tin một cách chắc chắn và hy vọng một cách chính xác
rằng: cũng như Đức Kitô đã thật sự sống lại từ cõi chết và sống muôn đời, thì
cũng vậy, những người công chính sau cái chết của mình sẽ sống muôn đời với Đức
Kitô phục sinh, Đấng sẽ làm cho họ sống lại vào ngày sau hết[16]. Sự sống lại của chúng ta,
cũng như sự sống lại của Người, sẽ là công trình của Ba Ngôi Chí Thánh:
“Nếu Thần Khí ngự
trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, thì
Đấng đã làm cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Ngài
đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm
8,11)[17].
990. Từ “thân xác” được dùng ở đây để chỉ con người trong thân phận
yếu đuối và phải chết của nó[18]. “Xác sống lại” có nghĩa là
sau khi chết, không những linh hồn bất tử được có sự sống, mà cả “thân xác phải
chết” (Rm 8,11) của chúng ta cũng sẽ được đảm nhận lại sự sống.
991. Tin sự sống lại của những người chết là một yếu tố căn bản của
đức tin Kitô giáo ngay từ hồi đầu. “Niềm tin của các Kitô hữu, sự sống lại của
những người chết. Chúng tôi tin điều đó”[19]:
“Sao trong anh
em có người lại nói: không có chuyện kẻ chết sống lại? Nếu kẻ chết không sống lại,
thì Đức Kitô đã không sống lại! Mà nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao
giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng….
Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai
đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,12-14.20).
Số 1036, 2612: Tỉnh thức chờ sự trở lại của Chúa
1036. Những khẳng định của Thánh Kinh và đạo lý của Hội Thánh về hỏa
ngục là lời kêu gọi lãnh trách nhiệm
qua đó con người phải sử dụng sự tự do của mình liên quan đến số phận muôn đời
của mình. Đồng thời là lời kêu gọi khẩn
thiết phải hối cải: “Hãy qua cửa
hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều
người lại đi qua đó; còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít
người tìm được lối ấy” (Mt 7,13-14):
“Vì chúng ta
không biết ngày và giờ, nên theo lời Chúa dạy, chúng ta luôn phải tỉnh thức, để,
khi dòng đời độc nhất của sự sống trần thế của chúng ta chấm dứt, chúng ta xứng
đáng vào dự tiệc cưới với Người và được liệt kê vào số người được chúc phúc (x.
Mt 25,31-46), kẻo cũng như những tôi tớ xấu xa và lười biếng (x. Mt 25,26)
chúng ta được lệnh phải vào lửa muôn đời (x. Mt 25,41), vào chốn tối tăm bên
ngoài, nơi khóc lóc và nghiến răng”[20].
2612. Nơi Chúa Giêsu, “triều đại Thiên Chúa đã đến gần”
(Mc 1,15), Người kêu gọi con người hối cải, tin tưởng và tỉnh thức nữa. Khi cầu nguyện, người môn
đệ chăm chú hướng về Đấng hiện có và đang đến, vừa tưởng nhớ việc Người đến lần
thứ nhất trong xác phàm khiêm hạ, vừa hy vọng Người đến lần thứ hai trong vinh
quang[21]. Đối với các môn đệ, cầu
nguyện là một cuộc chiến đấu trong sự hiệp thông với Thầy mình, và chính nhờ tỉnh
thức trong cầu nguyện mà ta không sa chước cám dỗ[22].
Bài Ðọc I: Kn 6, 13-17 (Hl 12-16)
"Những ai tìm kiếm sự khôn ngoan, sẽ gặp được nó".
Trích sách Khôn Ngoan.
Sự khôn ngoan sáng tỏ, và không
bao giờ lu mờ, những ai yêu mến nó, sẽ xem nó dễ dàng, và những ai tìm kiếm nó,
sẽ gặp được nó. Nó sẽ đón tiếp những ai khao khát nó, để tỏ mình ra cho họ trước.
Từ sáng sớm, ai tỉnh thức tiến lại
gần nó, sẽ không lao nhọc, vì sẽ gặp nó ngồi nơi cửa nhà mình. Vậy tưởng nhớ đến
nó là được khôn sáng vẹn tuyền; và ai tỉnh thức vì nó, sẽ chóng được an tâm. Vì
nó chu du tìm kiếm những kẻ xứng đáng với mình, vui vẻ tỏ mình ra cho những kẻ ấy
trong các đường lối, và hết sức ân cần đón tiếp họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát
Chúa (c. 2b).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là
Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể
xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát
Chúa (c. 2b).
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng
thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quanh của Chúa. Vì ân
tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát
Chúa (c. 2b).
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế
trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như
bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát
Chúa (c. 2b).
4) Trên giường ngủ, khi con nhớ
Chúa, con ngẫm suy về Chúa suốt năm canh. Vì Chúa đã ra tay trợ phù con, để con
được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khao khát
Chúa (c. 2b).
Bài Ðọc II: 1 Tx 4, 13-14 {hoặc 13-18}
"Nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem những người đã chết đến làm một
với Người".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, chúng tôi chẳng
muốn để anh em không biết gì về số phận những người đã an nghỉ, để anh em khỏi
buồn phiền như những người khác, là những kẻ không có niềm hy vọng. Vì nếu
chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì cũng vậy, những người đã chết
nhờ Ðức Giêsu, Thiên Chúa sẽ đem họ đến làm một với Người.
{Bởi vậy, chúng tôi dựa vào lời Chúa để nói cùng anh em điều này:
chúng ta, những kẻ đang sống, những kẻ còn sót lại khi Chúa đến, thì chúng ta
không đi trước những người đã an nghỉ. Vì khi nghe lệnh và tiếng Tổng lãnh
Thiên thần, và tiếng loa Thiên Chúa, thì chính Chúa từ trời ngự xuống, và những
người đã chết trong Ðức Kitô sẽ sống lại trước hết, rồi đến chúng ta, những kẻ
đang sống, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được nhắc lên cùng với họ trên
các tầng mây, đi đón Ðức Kitô trên không trung, và như vậy, chúng ta sẽ được ở
cùng Chúa luôn mãi. Vì thế, anh em hãy dùng những lời đó mà an ủi nhau.}
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mt 25, 1-13
"Kia chàng rể đến, hãy ra đón người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ dụ ngôn này: "Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón
chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại
mang đèn mà không đem dầu theo; còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu
đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
"Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa
chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn
của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: "Các chị cho
chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả". Các cô khôn ngoan đáp lại
rằng: "E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua
thì hơn". Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn
sàng thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh
nữ kia cũng đến và nói: "Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Nhưng
Người đáp lại: "Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi".
"Vậy hãy tỉnh thức, vì các
ngươi không biết ngày nào, giờ nào".
Ðó là lời Chúa.