GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 30 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (27.10.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận
tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 2061-2063: Đời sống luân lý như sự đáp lại sáng kiến
tình yêu của Thiên Chúa |
Số 2052-2074: Mười Điều Răn được giải thích qua tình
yêu song hành “mến Chúa, yêu người”
“Thưa Thầy, tôi phải làm gì...?”
2052. “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời
đời ?” Để trả lời cho người thanh niên đặt câu hỏi, Chúa Giêsu nêu lên trước
tiên sự cần thiết phải nhận biết Thiên Chúa như “Đấng tốt lành mà thôi”, như Điều
Thiện tuyệt hảo và như nguồn mạch của mọi điều tốt lành. Rồi Chúa Giêsu tuyên bố
với người đó: “Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn”. Và Người
liệt kê các điều răn về tình yêu đối với người lân cận: “Ngươi không được giết
người, ngươi không được ngoại tình, ngươi không được trộm cắp, ngươi không được
làm chứng gian, ngươi phải thờ cha kính mẹ”. Sau cùng, Chúa Giêsu tóm tắt các
điều răn kể trên một cách tích cực rằng: “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu
chính mình” (Mt 19,16-19).
2053. Chúa Giêsu còn thêm vào câu trả lời đầu tiên: “Nếu anh muốn
nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ
được một kho tàng trên trời; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Câu trả lời này
không hủy bỏ câu trả lời trước. Muốn đi theo Đức Kitô, phải tuân giữ các điều
răn. Luật cũ không bị bãi bỏ[1], nhưng con người được mời gọi
tìm thấy lại Lề luật nơi con người của Thầy mình, Đấng chu toàn Lề luật cách trọn
hảo. Trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, lời kêu gọi của Chúa Giêsu ngỏ với anh thanh
niên giàu có, để đi theo Người với lòng vâng phục của người môn đệ và tuân giữ
các điều răn, còn được kết hợp với lời kêu gọi sống nghèo khó và khiết tịnh[2]. Các lời khuyên Phúc Âm
không thể bị tách biệt khỏi các điều răn.
2054. Chúa Giêsu đã lấy lại mười điều răn, nhưng Người đã biểu lộ sức
mạnh của Thần Khí đang tác động nơi các mặt chữ ấy; Người đã rao giảng sự công
chính “vượt trên sự công chính của các kinh sư và những người Pharisêu”[3], cũng như sự công chính của
các dân ngoại[4]. Người cho thấy tất cả những
đòi hỏi của các điều răn. “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người...
Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra
tòa” (Mt 5,21-22).
2055. Khi người ta đặt cho Người câu hỏi: “Điều răn nào là điều răn
trọng nhất?” (Mt 22,36), Chúa Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của
ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi: đó là điều răn quan trọng
nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Lề Luật và các sách ngôn sứ
đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,37-40)[5].
Mười Điều Răn phải được giải thích dưới ánh sáng của điều răn, tuy hai nhưng là
một, là đức mến, đó là sự viên mãn của Lề Luật:
“Các điều răn
như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp,
không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này:
Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại
người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10).
Mười Điều Răn trong Thánh Kinh
2056. Từ “Decalogus” theo sát mặt chữ có nghĩa là “Mười lời” (Xh
34,28; Đnl 4,13; 10,4). “Mười lời” này Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Ngài trên
núi thánh. Ngài đã viết “Mười lời” này “tự ngón tay Ngài”[6],
khác với các mệnh lệnh khác do ông Môisen viết[7].
Mười lời này, theo một nghĩa rất đặc biệt, làm thành những lời của Thiên Chúa.
Những lời đó được lưu truyền cho chúng ta trong sách Xuất Hành[8] và sách Đệ Nhị Luật[9]. Từ thời Cựu Ước, các Sách
Thánh luôn quy chiếu về “Mười lời”[10],
nhưng trong Tân Ước ý nghĩa đầy đủ của những lời đó sẽ được mạc khải nơi Chúa
Giêsu Kitô.
2057. Trước hết, Mười Điều Răn phải được hiểu trong bối cảnh của cuộc
Xuất Hành, là biến cố giải phóng vĩ đại của Thiên Chúa, ở trung tâm của Giao Ước
cũ. Dù được viết với tính cách những mệnh lệnh tiêu cực, những cấm đoán, hay với
tính cách những mệnh lệnh tích cực (như “ngươi hãy tôn kính cha ngươi và mẹ
ngươi”), “Mười lời” chỉ ra những điều kiện cho một đời sống đã được giải thoát
khỏi ách nô lệ tội lỗi. Mười Điều Răn là con đường của sự sống:
“Anh (em) phải
yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đi theo đường lối của Ngài, và tuân giữ
các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Ngài, để anh (em) được sống, được thêm
đông đúc” (Đnl 30,16).
Sức mạnh giải thoát này của Mười
Điều Răn xuất hiện, thí dụ trong điều răn nghỉ ngày sabat, áp dụng cho cả các
ngoại kiều và các nô lệ:
“Ngươi hãy nhớ,
ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai cập, và Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh
tay mạnh mẽ, uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó” (Đnl 5,15).
2058. “Mười lời” tóm tắt và công bố Lề Luật của Thiên Chúa: “Những
lời ấy, Chúa đã phán với toàn thể đại hội anh em, trên núi, từ trong đám lửa,
giữa mây đen mù mịt, Ngài nói lớn tiếng và không thêm gì cả. Ngài đã viết những
lời ấy trên hai bia đá, và ban cho tôi” (Đnl 5,22). Vì vậy, hai bia này được gọi
là “Chứng Ước” (Xh 25,16). Những bia đó chứa đựng các điều khoản của Giao Ước
đã được ký kết giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Các “Bia Chứng Ước” (Xh 31,18;
32,15; 34,29) này phải được đặt vào “Hòm Bia” (Xh 25,16; 40,1-2).
2059. “Mười lời” được Thiên Chúa công bố trong một cuộc thần hiện
(“Chúa đã phán với anh em, mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa”: Đnl 5,4).
Mười lời này thuộc về mạc khải, Thiên Chúa tỏ cho biết về chính Ngài và về vinh
quang của Ngài. Khi ban các điều răn, Thiên Chúa ban tặng chính mình Ngài và
thánh ý của Ngài. Khi tỏ cho biết các thánh ý Ngài, Thiên Chúa mạc khải chính
mình cho dân Ngài.
2060. Việc ban tặng các điều răn và Lề Luật là thành phần của Giao
Ước được ký kết bởi Thiên Chúa với dân Ngài. Theo sách Xuất Hành, việc mạc khải
“Mười lời” được ban giữa việc chuẩn bị lập giao ước[11]
và việc kết thúc giao ước[12] – sau khi dân đã cam kết
“thi hành” điều Chúa phán và “tuân phục” điều đó[13].
Mười Điều Răn chỉ được lưu truyền sau khi nhắc nhớ đến Giao Ước. (“Chúa, Thiên
Chúa chúng ta, đã lập một Giao Ước với chúng ta tại núi Horeb”: Đnl 5,2).
2061. Các điều răn nhận được ý nghĩa đầy đủ của nó trong Giao Ước.
Theo Thánh Kinh, cách hành động theo luân lý của con người có được đầy đủ ý
nghĩa của nó trong và nhờ Giao Ước. Điều thứ nhất của “Mười lời” nhắc lại rằng
chính Thiên Chúa đã yêu thương dân Ngài trước:
“Chính vì hình
phạt tội lỗi là sự kiện chuyển từ địa đàng của sự tự do sang tình trạng nô lệ của
trần gian này, mà câu đầu tiên của Mười Điều Răn, lời thứ nhất của các lệnh
truyền của Thiên Chúa, nói đến tự do: ‘Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa
ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ’ (Xh 20,2; Đnl 5,6)”[14].
2062. Các điều răn theo nghĩa hẹp chỉ giữ vai trò thứ yếu; chúng diễn
tả những hệ luận của việc con người thuộc về Thiên Chúa như Giao Ước quy định.
Đời sống luân lý là lời đáp cho khởi
xướng đầy yêu thương của Chúa. Đó là sự nhận biết, sự suy phục Thiên Chúa và thờ
phượng tạ ơn. Đó là sự cộng tác vào dự định mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong
lịch sử.
2063. Giao Ước và cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người cũng
được xác nhận qua sự kiện là tất cả các bổn phận đều được phát biểu ở ngôi thứ
nhất (“Ta là Chúa…”) và nói với một chủ thể khác (“Ngươi…”). Trong tất cả các
điều răn của Thiên Chúa, đại từ nhân xưng ở số
ít để chỉ người đón nhận. Khi bày tỏ thánh ý cho toàn dân, Thiên Chúa cũng
đồng thời bày tỏ thánh ý của Ngài cho riêng từng cá nhân một:
“Chúa truyền dạy
phải yêu mến Thiên Chúa và dạy giữ sự công bằng đối với người lân cận, để con
người khỏi bất chính và bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Như vậy, nhờ Mười Điều
Răn, Thiên Chúa huấn luyện để con người sống trong tình bằng hữu với Ngài và
hoà thuận với người lân cận…. Và vì vậy, những lời của Mười Điều Răn vẫn trường
tồn đối với chúng ta (các Kitô hữu), những lời đó không bị hủy bỏ, nhưng được mở
rộng và triển nở nhờ cuộc Ngự đến của Chúa trong xác phàm”[15].
Mười Điều Răn trong Truyền thống Hội Thánh
2064. Trung thành với Sách Thánh và theo gương Chúa Giêsu, Truyền
thống Hội Thánh nhìn nhận Mười Điều Răn có tầm quan trọng và ý nghĩa hàng đầu.
2065. Từ thời thánh Augustinô, “Mười Điều Răn” đã có một vị trí
quan trọng trong việc dạy giáo lý cho dự tòng và tín hữu. Vào thế kỷ XV, Mười
Điều Răn quen được diễn tả bằng những công thức tích cực, theo văn vần, dễ nhớ,
vẫn còn thông dụng ở nhiều nơi tới ngày nay. Các sách giáo lý của Hội Thánh thường
trình bày luân lý Kitô giáo theo thứ tự của “Mười Điều Răn”.
2066. Việc phân chia và đánh số các điều răn có thay đổi theo dòng
thời gian. Sách Giáo Lý này dựa theo cách phân chia của thánh Augustinô đã trở
thành truyền thống trong Hội Thánh Công giáo. Các hệ phái Luther cũng theo cách
phân chia này. Các Giáo phụ Hi lạp phân chia hơi khác; cách phân chia đó còn gặp
thấy trong các Giáo Hội Chính thống và các cộng đoàn Cải cách.
2067. Mười Điều Răn nêu ra các đòi hỏi của lòng mến Chúa yêu người.
Ba điều răn đầu đề cập đến tình yêu đối với Thiên Chúa, và bảy điều răn sau, đến
tình yêu đối với người lân cận.
“Cũng như Chúa
đã đúc kết tất cả Lề Luật và các Tiên tri vào trong hai điều răn của lòng yêu mến...,
thì cũng vậy, Mười Điều Răn được ban trong hai bảng. Ba điều được khắc trên một
bảng, và bảy điều trên bảng kia”[16].
2068. Công đồng Triđentinô dạy rằng: các Kitô hữu buộc phải giữ Mười
Điều Răn, và người đã được công chính hóa cũng có bổn phận phải tuân giữ các điều
răn ấy[17]. Công đồng Vaticanô II cũng
khẳng định: “Các Giám mục vì là những vị kế nhiệm các Tông Đồ, nhận từ nơi
Chúa... sứ vụ dạy dỗ muôn dân và rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo, để mọi người
được cứu độ nhờ đức tin, Phép Rửa và việc chu toàn các Điều Răn”[18].
Tính thống nhất của Mười Điều Răn
2069. Mười Điều Răn tạo thành một tổng thể thống nhất không thể
tách biệt. Mỗi “lời” quy chiếu về từng lời và về tất cả các lời khác; các lời
tương thuộc lẫn nhau. Hai Bảng Luật soi sáng cho nhau, hợp thành một tổng thể
thống nhất hữu cơ. Vi phạm một điều răn là vi phạm tất cả các điều răn khác[19]. Không thể tôn trọng người
khác mà không chúc tụng Thiên Chúa, Đấng Tạo Hoá của họ. Không thể tôn thờ
Thiên Chúa mà không yêu thương tất cả mọi người là thụ tạo của Ngài. Mười Điều
Răn thống nhất đời sống đối thần với đời sống xã hội của con người.
Mười Điều Răn và luật tự nhiên
2070. Mười Điều Răn thuộc về mạc khải của Thiên Chúa; đồng thời dạy
chúng ta biết nhân tính đích thực của con người. Mười Điều Răn làm sáng tỏ những
bổn phận thiết yếu, do đó, một cách gián tiếp, cho thấy những quyền căn bản gắn
liền với bản tính của nhân vị. Mười Điều Răn là một cách trình bày đặc sắc của
“luật tự nhiên”:
“Từ nguyên thủy,
Thiên Chúa đã ghi sâu trong lòng người các lệnh truyền của luật tự nhiên – mà nếu
không thi hành thì không được cứu độ –. Sau đó Ngài chỉ cần nhắc lại các điều
luật ấy cho họ. Đó chính là Mười Điều Răn”[20].
2071. Mười Điều Răn là mạc khải của Thiên Chúa, dù với lý trí con
người có thể tự biết được, nhưng để hiểu biết đầy đủ và chắc chắn về các đòi hỏi
của luật tự nhiên, loài người tội lỗi cần đến mạc khải này:
“Trong tình trạng
tội lỗi, ánh sáng lý trí bị lu mờ và ý chí bị sai lệch, con người cần đến một
trình bày đầy đủ về các điều khoản của Mười Điều Răn”[21].
Chúng ta biết được các điều răn của
Thiên Chúa nhờ mạc khải thần linh được trình bày trong Hội Thánh và nhờ tiếng
nói của lương tâm.
Tính bắt buộc của Mười Điều Răn
2072. Vì nêu lên những bổn phận căn bản của con người đối với Thiên
Chúa và đối với người lân cận, Mười Điều Răn, trong nội dung chính yếu của nó,
mạc khải những nghĩa vụ quan trọng.
Mười Điều Răn, một cách căn bản, là bất biến và có giá trị bắt buộc mọi lúc và
mọi nơi. Không ai có thể miễn chuẩn Mười Điều Răn, đã được Thiên Chúa ghi khắc
trong trái tim con người.
2073. Việc tuân phục các điều răn cũng bao hàm những bắt buộc mà
theo chất liệu tự nó là nhẹ. Chẳng hạn điều răn thứ năm cấm nhục mạ kẻ khác bằng
lời nói; điều này không thể là một lỗi phạm nghiêm trọng nếu không do các hoàn
cảnh hoặc ý hướng của người nói lời nhục mạ đó.
“Không có Thầy, anh em không làm gì được”
2074. Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại
trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì
không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Hoa trái được nói đến trong
lời này là sự thánh thiện của một đời sống được sinh sôi nảy nở nhờ kết hợp với
Đức Kitô. Khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô, chúng ta truyền thông các mầu
nhiệm của Người và tuân giữ các điều răn của Người, thì chính Người là Đấng Cứu
Độ đến trong chúng ta để yêu thương Cha Người và các anh em Người, cũng là Cha
chúng ta và các anh em chúng ta. Nhờ Thần Khí, bản thân Chúa Giêsu trở thành
quy luật sống động và nội tâm cho cách hành động của chúng ta. “Đây là điều răn
của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Số 2061-2063: Đời sống luân lý như sự đáp lại sáng
kiến tình yêu của Thiên Chúa
2061. Các điều răn nhận được ý nghĩa đầy đủ của nó trong Giao Ước.
Theo Thánh Kinh, cách hành động theo luân lý của con người có được đầy đủ ý
nghĩa của nó trong và nhờ Giao Ước. Điều thứ nhất của “Mười lời” nhắc lại rằng
chính Thiên Chúa đã yêu thương dân Ngài trước:
“Chính vì hình
phạt tội lỗi là sự kiện chuyển từ địa đàng của sự tự do sang tình trạng nô lệ của
trần gian này, mà câu đầu tiên của Mười Điều Răn, lời thứ nhất của các lệnh
truyền của Thiên Chúa, nói đến tự do: ‘Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa
ngươi ra khỏi Ai cập, khỏi cảnh nô lệ’ (Xh 20,2; Đnl 5,6)”[22].
2062. Các điều răn theo nghĩa hẹp chỉ giữ vai trò thứ yếu; chúng diễn
tả những hệ luận của việc con người thuộc về Thiên Chúa như Giao Ước quy định.
Đời sống luân lý là lời đáp cho khởi
xướng đầy yêu thương của Chúa. Đó là sự nhận biết, sự suy phục Thiên Chúa và thờ
phượng tạ ơn. Đó là sự cộng tác vào dự định mà Thiên Chúa đang theo đuổi trong
lịch sử.
2063. Giao Ước và cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa với con người cũng
được xác nhận qua sự kiện là tất cả các bổn phận đều được phát biểu ở ngôi thứ
nhất (“Ta là Chúa…”) và nói với một chủ thể khác (“Ngươi…”). Trong tất cả các
điều răn của Thiên Chúa, đại từ nhân xưng ở số
ít để chỉ người đón nhận. Khi bày tỏ thánh ý cho toàn dân, Thiên Chúa cũng
đồng thời bày tỏ thánh ý của Ngài cho riêng từng cá nhân một:
“Chúa truyền dạy
phải yêu mến Thiên Chúa và dạy giữ sự công bằng đối với người lân cận, để con
người khỏi bất chính và bất xứng trước mặt Thiên Chúa. Như vậy, nhờ Mười Điều
Răn, Thiên Chúa huấn luyện để con người sống trong tình bằng hữu với Ngài và
hoà thuận với người lân cận…. Và vì vậy, những lời của Mười Điều Răn vẫn trường
tồn đối với chúng ta (các Kitô hữu), những lời đó không bị hủy bỏ, nhưng được mở
rộng và triển nở nhờ cuộc Ngự đến của Chúa trong xác phàm”[23].
Bài Ðọc I: Xh 22, 21-27
"Nếu các ngươi hà hiếp các cô nhi quả phụ, Ta sẽ nổi giận các
ngươi".
Trích sách Xuất Hành.
Ðây Chúa phán: "Ngươi chớ
làm phiền lòng và ức hiếp khách ngoại kiều: vì các ngươi cũng là khách ngoại kiều
ngụ trong đất Ai-cập. Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà
hiếp những kẻ ấy, họ sẽ kêu thấu đến Ta, và chính Ta đã nghe tiếng họ kêu van.
Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ, sẽ dùng gươm giết các ngươi, vợ các ngươi sẽ phải goá bụa,
và con cái các ngươi sẽ phải mồ côi.
"Nếu ngươi cho người nghèo
khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó
như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm, và chớ bắt nó chịu lãi nặng. Nếu ngươi nhận áo sống
của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn:
vì nó chỉ có một áo ấy che thân, và không còn chiếc nào khác mặc để ngủ; nếu kẻ
ấy kêu van đến Ta, Ta sẽ nhậm lời nó, vì Ta là Ðấng thương xót".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47 và 51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực
con, con yêu mến Chúa, lạy Chúa là Ðá Tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn
động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con.
Con xướng ca ngợi khen cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân
thù.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
3) Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng
của con, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho vương nhi Ngài
đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa (c. 2).
Bài Ðọc II: 1 Tx 1, 5c-10
"Anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa để phụng sự Người và để
trông đợi Con của Người".
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.
Anh em thân mến, khi chúng tôi
còn ở giữa anh em, anh em biết chúng tôi sống thế nào vì anh em. Và anh em đã
noi gương chúng tôi và noi gương Chúa, đã nhận lấy lời rao giảng giữa bao gian
truân, với lòng hân hoan trong Thánh Thần, đến nỗi anh em đã nên mẫu mực cho mọi
kẻ tin đạo trong xứ Macêđônia và Akaia.
Vì từ nơi anh em, lời Chúa vang dội
không những trong xứ Macêđônia và Akaia, mà còn trong mọi nơi; lòng tin của anh
em vào Thiên Chúa đã quá rõ rồi, đến nỗi chúng tôi không còn nói thêm làm gì nữa.
Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào, và anh em đã bỏ
tà thần trở về với Thiên Chúa làm sao để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân
thật, để trông đợi Con của Người từ trời mà đến, "Ðấng mà Người đã làm cho
từ cõi chết sống lại", là Ðức Giêsu, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi cơn
thịnh nộ sắp đến.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu
mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy, và Chúng Ta
sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 34-40
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, và yêu thương kẻ khác
như chính mình ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, những người biệt phái
nghe tiếng Chúa Giêsu đã làm cho những người Sađốc câm miệng, thì họp nhau lại,
đoạn một người thông luật trong nhóm họ hỏi thử Người rằng: "Thưa Thầy,
trong lề luật, giới răn nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng:
"Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết
trí khôn ngươi. Ðó là giới răn thứ nhất và trọng nhất. Nhưng giới răn thứ hai
cũng giống giới răn ấy là: Ngươi hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.
Toàn thể Lề luật và sách các Tiên tri đều tóm lại trong hai giới răn đó".
Ðó là lời Chúa.
[21] Thánh Bonaventura, In quattuor libros Sententiarum, 3, 37, 1, 3: Opera omnia, v. 3 (Ad Claras Aquas 1887) 819-820.
[23] Thánh Irênê, Adversus
haereses, 4, 16, 3-4: SC 100, 566-570 (PG 7, 1017-1018).