GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (14.10.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận
tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 1402-1405, 2837: Thánh Thể là sự nếm trước Bàn tiệc
của Đấng Mêsia Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20 |
Số 543-546: Chúa Giêsu mời gọi các tội nhân, nhưng
đòi hối cải
543. Mọi người đều được mời
gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo
cho con cái Israel[1], nhưng hướng đến việc đón nhận
mọi người thuộc mọi dân tộc[2]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần
phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:
“Lời Chúa được
ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn
chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt
giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[3].
544. Nước Thiên Chúa thuộc về những
người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn
khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc
4,l8)[4]. Người tuyên bố rằng họ có
phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những
kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[5]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho
tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu
đói[6], chịu khát[7], chịu thiếu thốn[8]. Hơn thế nữa, Người tự đồng
hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ
là điều kiện để được vào Nước của Người[9].
545. Chúa Giêsu mời những kẻ
tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[10].
Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng
Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của
Cha Người đối với họ[11], và “trên trời cũng thế, ai
nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc l5,7). Bằng chứng cao
cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người
được tha tội” (Mt 26,28).
546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách
giảng dạy của Người[12]. Qua các dụ ngôn, Người mời
vào dự tiệc Nước Trời[13], nhưng Người cũng đòi phải
có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[14]; lời nói suông không đủ, cần
phải có việc làm[15]. Các dụ ngôn như những tấm
gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh
đất mau mỡ?[16] Họ làm gì với những nén bạc
đã nhận?[17] Chúa Giêsu và sự hiện diện
của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ
ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới
“hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài”
(Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[18].
Số 1402-1405, 2837: Thánh Thể là sự nếm trước Bàn tiệc
của Đấng Mêsia
1402. Trong một kinh nguyện cổ xưa, Hội Thánh tung hô mầu nhiệm
Thánh Thể như sau: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Đức Kitô được rước lấy làm lương thực,
việc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người được nhắc lại, tâm trí được tràn đầy ân
sủng, và bảo chứng cho vinh quang mai sau được ban cho chúng ta”[19]. Nếu bí tích Thánh Thể là
việc tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa, nếu nhờ việc rước lễ tại bàn thờ mà
chúng ta được “tràn đầy ân phúc bởi trời”[20],
thì bí tích Thánh Thể cũng là sự tham dự trước vào vinh quang thiên quốc.
1403. Trong bữa Tiệc ly, chính Chúa hướng các môn đệ Người đến sự
hoàn tất lễ Vượt Qua trong Nước Thiên Chúa: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay,
Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em
uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29)[21].
Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng trông
“Đấng đang đến” (Kh 1,4). Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người ngự đến: “Marana tha” (1 Cr 16,22), “Lạy Chúa
Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22,20), “Ước gì ân sủng của Ngài đến và trần gian
này qua đi”[22].
1404. Hội Thánh biết rằng giờ đây Chúa đã đến trong bí tích Thánh
Thể của Người, và Người ở đó giữa chúng ta. Tuy nhiên, sự hiện diện này còn bị
che phủ. Chính vì vậy, chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể “đang khi chúng con
mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ
chúng con”[23], trong khi chúng ta khẩn
nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước
mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn
đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”[24].
1405. Về niềm hy vọng lớn lao này, niềm hy vọng về trời mới đất mới,
nơi công lý lưu ngụ cách chắc chắn[25],
chúng ta không có bảo chứng nào vững chắc hơn và dấu chỉ nào được biểu lộ rõ
ràng hơn, là bí tích Thánh Thể. Thật vậy, mỗi khi mầu nhiệm này được cử hành,
thì “công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[26]
và “chúng ta bẻ cùng một tấm bánh, là phương dược trường sinh bất tử, và của ăn
để chúng ta không chết, nhưng đem lại sự sống muôn đời trong Chúa Giêsu Kitô”[27].
2837. “Hằng ngày”. Tân Ước
không sử dụng từ “hằng ngày” (épiousios)
ở chỗ nào khác. Theo nghĩa thời gian, từ này là sự lặp lại từ “hôm nay” theo kiểu
sư phạm[28], để dạy chúng ta phó thác
cách triệt để. Theo nghĩa phẩm chất, từ này có nghĩa là điều cần thiết cho sự sống
và, hiểu rộng hơn, mọi điều thiện hảo đủ để tồn tại[29].
Theo nghĩa văn tự (épi-ousios:
“super-substantiale”, vượt trên điều cốt thiết), từ này trực tiếp nói đến Bánh
trường sinh, là Mình Thánh Chúa Kitô, “phương dược trường sinh”[30], mà nếu không có lương thực
này, chúng ta sẽ không có sự sống nơi mình[31].
Sau cùng, kết hợp với điều đã nói trên, ý nghĩa thiên quốc là rõ ràng: “ngày”
là ngày của Chúa, ngày của Bàn tiệc Nước Trời, mà bí tích Thánh Thể là một sự
tham dự trước, như nếm trước Nước Trời đang đến. Chính vì vậy, phụng vụ Thánh
Thể phải được cử hành “hằng ngày”.
“Vậy Thánh Thể
là lương thực hằng ngày của chúng ta…. Đặc tính của lương thực thần thiêng này
là sự hợp nhất, để một khi được kết hợp trong Mình Thánh Người, trở nên các chi
thể của Người, chúng ta trở thành điều chúng ta lãnh nhận…. Và lương thực hằng
ngày là khi anh em nghe các bài đọc mỗi ngày ở nhà thờ; lương thực hằng ngày là
khi anh em nghe và hát các thánh thi. Bởi vì những điều đó là cần thiết cho cuộc
lữ hành của chúng ta”[32].
“Cha trên trời
thúc dục chúng ta là, với tư cách là con cái bởi trời, chúng ta hãy cầu xin
Bánh bởi trời[33]. Đức Kitô ‘chính Người là tấm
bánh được gieo trồng trong lòng Đức Trinh Nữ, dậy men trong xác phàm, làm thành
bánh trong cuộc khổ nạn, nấu nương trong lò huyệt mộ, lưu giữ trong các nhà thờ,
được dâng lên trên các bàn thờ, hằng ngày cung cấp lương thực bởi trời cho các
tín hữu’”[34].
Bài Ðọc I: Is 25, 6-10a
"Chúa mời đến dự tiệc của Người và lau sạch nước mắt trên mọi
khuôn mặt".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết
tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì
ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm
trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch
nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người,
vì Người đã phán. Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta. Ðây là Chúa,
nơi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người
cứu độ, vì Chúa sẽ đặt tay của Người trên núi này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài (c. 6cd).
Xướng: 1) Chúa chăn dắt tôi, tôi
chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn
nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài (c. 6cd).
2) Người dẫn tôi qua những con đường
đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. - (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối,
con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là
điều an ủi lòng con.
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài (c. 6cd).
3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ,
ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu
con đầy tràn chan chứa.
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài (c. 6cd).
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa
theo con hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, con sẽ định cư cho tới
thời gian rất ư lâu dài.
Ðáp: Trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất
ư lâu dài (c. 6cd).
Bài Ðọc II: Pl 4, 12-14. 19-20
"Tôi có thể làm được mọi sự trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, tôi biết chịu
thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã
học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự
trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi
quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em,
theo sự phú túc vinh sang của Người trong Ðức Giêsu Kitô. Vinh danh Thiên Chúa
là Cha chúng ta muôn đời. Amen!
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Cv 16, 14b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời Con của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 22, 1-10 {hoặc 1-14}
"Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng
các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: "Nước trời
giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người
đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác
mà rằng: "Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn
rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự
tiệc cưới". Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm
trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và
giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn
sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng:
"Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy
các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".
Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng
cưới chật ních khách dự tiệc.
{Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người
không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: "Này bạn, sao bạn
vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?" Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua
truyền cho các đầy tớ rằng: "Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm,
ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những
kẻ được chọn thì ít".}
Ðó là lời Chúa.
[19] Lễ Trọng kính
Mình và Máu thánh Chúa Kitô, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ, editio typica, v.
3 (Typis Polyglottis Vaticanis 1973) 502.
[20] Kinh nguyện
Thánh Thể I hay Lễ Quy Rôma, 96: Sách
Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 453.
[23] Nghi thức Hiệp
lễ, 126 [Lời nguyện sau kinh Lạy Cha]: Sách
Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 472; x. Tt 2,13.
[24] Kinh nguyện
Thánh Thể III, 116: Sách Lễ Rôma, editio
typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 465.
[34] Thánh Phêrô Kim Ngôn, Sermo 67, 7: CCL 24A, 404-405 (PL 52, 402).