GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (21.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận
tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
|
Số 210-211: Thiên Chúa nhân hậu và từ bi
210. Sau khi dân Israel phạm tội, chối bỏ Thiên Chúa để quay sang thờ con bê bằng vàng[1], Thiên Chúa đã nghe lời chuyển
cầu của ông Môisen và chấp nhận đồng
hành giữa đám dân bất trung, qua đó
biểu lộ tình yêu của Ngài[2]. Khi ông Môisen xin được thấy vinh quang Thiên Chúa, Ngài trả lời: “Ta
sẽ cho tất cả vẻ đẹp của Ta đi qua trước mặt ngươi, và sẽ xưng danh Ta là Chúa
[YHWH] trước mặt ngươi" (Xh
33,18-l9). Và Chúa đi qua trước mặt ông Môisen và hô to: “Chúa, Chúa [YHWH,YHWH], Thiên Chúa nhân hậu và từ bi,
hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,5-6). Lúc đó ông Môisen
tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa hay tha thứ[3].
211. Thánh Danh “Ta Hiện Hữu” hoặc “Đấng Hiện Hữu” diễn tả sự trung
tín của Thiên Chúa, Đấng “giữ lòng
nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ” (Xh 34,7) cho dù con người có bất trung, tội lỗi, đáng phải trừng phạt. Thiên Chúa mạc khải rằng Ngài “giàu lòng
thương xót” (Ep 2,4), đến noi trao ban chính Con Một của Ngài. Chúa Giêsu, khi hiến mạng sống mình để giải thoát
chúng ta khỏi tội lỗi, sẽ mạc khải rằng
chính Người mang danh thánh của
Thiên Chúa: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là ‘Tôi
Hiện Hữu’” (Ga 8,28).
Số 588-589: Chúa Giêsu đồng hóa cách xử sự nhân từ
của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính Thiên Chúa đối với họ
588. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm (scandalum) cho những người
Pharisêu, khi Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi[4] một cách rất thân mật, giống
như với chính họ[5]. Chống lại những người “tự
hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18,9)[6], Chúa Giêsu xác quyết: “Tôi
không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn
năn” (Lc 5,32). Người còn đi xa hơn nữa, khi tuyên bố trước mặt nhóm Pharisêu rằng,
mọi người đều có tội[7], cho nên ai tự cho mình là
không cần được cứu độ, là người đui mù về chính bản thân mình[8].
589. Chúa Giêsu đã là cớ vấp phạm đặc biệt bởi vì Người đã đồng hóa
cách xử sự nhân từ của Người đối với các tội nhân, với cách xử sự của chính
Thiên Chúa đối với họ[9]. Người còn đi đến chỗ muốn
cho người ta hiểu rằng, qua việc Người đồng bàn với các tội nhân[10], Người đón nhận những người
đó vào bàn tiệc của Đấng Messia[11]. Nhưng đặc biệt khi Người
tha tội, Chúa Giêsu đã đặt các nhà cầm quyền tôn giáo của Israel trước một tình
thế tiến thoái lưỡng nan. Họ đã chẳng sửng sốt nói rất đúng sao: “Ai có quyền
tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)? Chúa Giêsu, khi Người tha tội,
thì hoặc là Người nói phạm thượng, bởi vì là người mà dám coi mình ngang hàng với
Thiên Chúa[12], hoặc là Người nói đúng,
thì như vậy, Con Người của Người làm hiện diện và mạc khải thánh Danh của Thiên
Chúa[13].
Bài Ðọc I: Is 55, 6-9
"Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hãy tìm Chúa khi còn tìm được,
hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ
bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương
xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.
Vì tư tưởng Ta không phải là tư
tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa
phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối
các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 2-3. 8-9. 17-18
Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Xướng: 1) Hằng ngày tôi sẽ chúc tụng
Chúa, và tôi sẽ khen ngợi danh Chúa tới muôn đời. Chúa vĩ đại và rất đáng ngợi
khen, sự vĩ đại của Chúa không thể đo lường được.
Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
2) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất
bình và giàu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi người, và từ bi với mọi công cuộc
của Chúa.
Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
3) Chúa công minh trong mọi đường
lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Người, mọi
kẻ kêu cầu Người cách thành tâm.
Ðáp: Chúa ở gần mọi kẻ kêu cầu Người (c. 18a).
Bài Ðọc II: Pl 1, 20c-24. 27a
"Ðối với tôi, sống là Ðức Kitô"
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, dù tôi sống hay
tôi chết, Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là
Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi. Nhưng nếu sống trong xác thịt này đem lại
cho tôi kết quả trong việc làm, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Tôi đang
lúng túng trong hai điều này: là ước ao chết để được ở với Ðức Kitô thì tốt hơn
bội phần, nhưng cứ ở lại trong xác thịt thì cần thiết cho anh em. Anh em hãy sống
xứng đáng với Tin Mừng của Ðức Kitô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức
Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng
trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 20, 1-16a
"Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ dụ ngôn này rằng: "Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê
người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền
công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở
ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: "Các
ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng
đáng". Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm
như vậy.
Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại
trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: "Sao các ngươi đứng nhưng
không ở đây suốt ngày như thế?" Họ thưa rằng: "Vì không có ai thuê
chúng tôi". Ông bảo họ rằng: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho
ta".
Ðến chiều chủ vườn nho bảo người
quản lý rằng: "Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người
đến sau hết tới người đến trước hết." Vậy những người làm từ giờ thứ mười
một đến, lãnh mỗi người một đồng.
Tới phiên những người đến làm trước,
họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng.
Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: "Những người đến sau hết
chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng
chúng tôi sao"? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: "Này bạn,
tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng
sao?" Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng
bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì
tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ
nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.