GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (16.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 218-221: Thiên Chúa là tình yêu

Số 294: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang bằng cách chia sẻ sự tốt lành của Ngài 2

Số 2838-2845: “Xin tha nợ chúng con” 2

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9. 5

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9. 6

Phúc Âm: Mt 18, 21-35


Số 218-221: Thiên Chúa là tình yêu

218. Theo dòng lịch sử của mình, Israel đã có thể khám phá ra rằng Thiên Chúa chỉ có một động lực duy nhất khiến Ngài tự mạc khải cho họ và chọn họ giữa mọi dân để họ là dân của Ngài: đó là tình yêu nhưng không của Ngài[1]. Nhờ các Tiên tri, Israel hiểu rằng, cũng vì tình yêu mà Thiên Chúa đã không ngừng giải cứu họ[2] và tha thứ cho sự bất trung và tội lỗi của họ[3].

219. Tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel được so sánh với tình yêu của một người cha đối với con mình[4]. Tình yêu đó còn mạnh hơn tình yêu của một người mẹ dành cho con cái mình[5]. Thiên Chúa yêu dân Ngài hơn người chồng yêu người vợ yêu dấu của mình[6]. Tình yêu đó cũng sẽ chiến thắng những bất trung thậm chí tồi tệ nhất[7], và sẽ đi đến chỗ ban tặng hồng ân quý giá nhất: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài” (Ga 3,16).

220. Tình yêu của Thiên Chúa “tồn tại muôn đời” (Is 54,8): “Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,10). “Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).

221. Thánh Gioan còn đi xa hơn nữa khi làm chứng rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8.16): Chính Hữu Thể của Thiên Chúa là tình yêu. Khi sai Con Một của Ngài và Thánh Thần Tình Yêu lúc thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa mạc khải điều bí ẩn thâm sâu nhất của Ngài[8]: chính Ngài là sự trao đổi tình yêu vĩnh cửu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và Ngài đã tiền định cho chúng ta được dự phần vào sự trao đổi tình yêu đó.

 

Số 294: Thiên Chúa biểu lộ vinh quang bằng cách chia sẻ sự tốt lành của Ngài

294. Vinh quang của Thiên Chúa cốt tại việc biểu lộ và truyền thông sự tốt lành của Ngài, vì đó mà trần gian đã được tạo dựng. “Theo ý muốn nhân hậu của Ngài, Ngài đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Ngài ban tặng cho ta” (Ep 1,5-6). “Thật vậy, vinh quang của Thiên Chúa là con người sống, và sự sống của con người là được nhìn thấy Thiên Chúa. Nếu sự mạc khải của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng đã đem đến sự sống cho mọi loài trên trái đất, thì việc Ngôi Lời biểu lộ Chúa Cha lại càng đem lại sự sống gấp bội cho những ai thấy Thiên Chúa”[9]. Mục đích tối hậu của công trình tạo dựng là Thiên Chúa, “Đấng dựng nên mọi loài, cuối cùng sẽ ‘có toàn quyền trên muôn loài’ (1 Cr 15,28), đem lại vinh quang cho Ngài và đồng thời đem lại vinh phúc cho chúng ta”[10].

 

Số 2838-2845: “Xin tha nợ chúng con”

2838. Lời cầu xin này thật lạ lùng. Nếu chỉ có phần đầu - “xin tha nợ chúng con” -, lời xin này có thể đã tiềm ẩn trong ba lời nguyện đầu của Lời Kinh Chúa dạy, bởi vì hy lễ của Đức Kitô là “để tha thứ tội lỗi”. Tuy nhiên, theo phần hai của câu, lời cầu xin của chúng ta sẽ không được nhậm lời nếu trước đó chúng ta không đáp ứng một đòi buộc của nó. Lời cầu xin của chúng ta hướng đến tương lai; lời đáp ứng của chúng ta phải đi trước; nối kết hai phần của lời cầu xin là từ “như”.

“và tha nợ chúng con…”

2839. Với lòng phó thác bạo dạn, chúng ta đã bắt đầu cầu nguyện với Cha chúng ta. Khi nguyện xin Ngài cho Danh Ngài cả sáng, chúng ta đã xin Ngài luôn thánh hoá chúng ta hơn nữa. Nhưng, dù đã mặc chiếc áo Rửa Tội, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội, và quay lưng lại với Thiên Chúa. Giờ đây, trong lời cầu xin mới này, chúng ta trở lại với Ngài, như đứa con hoang đàng[11], và thú nhận mình là tội nhân trước mặt Ngài, như người thu thuế[12]. Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng “việc xưng thú”, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của chúng ta, và đồng thời, vừa tuyên xưng lòng thương xót của Ngài. Niềm hy vọng của chúng ta thật vững chắc, bởi vì, trong Con của Ngài, “chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1,14)[13]. Chúng ta gặp được dấu chỉ hữu hiệu và chắc chắn về ơn tha thứ của Ngài trong các bí tích của Hội Thánh Ngài[14].

2840. Tuy nhiên, có điều thật đáng sợ, là nguồn ơn thương xót này của Thiên Chúa không thể thấm nhập vào trái tim chúng ta, một khi chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Tình yêu, cũng như Thân Thể Đức Kitô, không thể phân chia được: chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta không thấy, nếu chúng ta không yêu mến anh em, chị em mà chúng ta đang thấy[15]. Khi từ chối tha thứ cho anh chị em mình, lòng chúng ta đóng lại và sự chai đá của cõi lòng khiến tình yêu tha thứ của Cha không thể thấm nhập vào được; trong việc xưng thú tội lỗi của mình, lòng chúng ta mới mở ra cho ân sủng của Ngài.

2841. Lời cầu xin này hết sức quan trọng, đến nỗi đây là lời cầu xin duy nhất mà Chúa phải nhắc lại và triển khai thêm trong Bài giảng trên núi[16]. Con người bất lực trước đòi hỏi quan trọng này của mầu nhiệm giao ước. “Nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26).

“… như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”

2842. Từ “như” ở đây không phải là trường hợp duy nhất trong giáo huấn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); “Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36); “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúng ta không thể tuân giữ điều răn của Chúa, nếu chỉ bắt chước mẫu gương của Chúa theo dáng vẻ bên ngoài. Vấn đề ở đây là phải tham dự một cách sống động và “tận đáy lòng” vào sự thánh thiện, vào lòng thương xót, vào tình yêu của Thiên Chúa chúng ta. Chỉ có Thần Khí, “nhờ Ngài mà chúng ta sống” (Gl 5,25), mới có thể làm cho chúng ta có được những tâm tình như Đức Kitô Giêsu đã có[17]. Lúc đó hai việc tha thứ có thể trở nên một, nghĩa là, “biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô” (Ep 4,32).

2843. Như thế, những lời Chúa dạy về tha thứ, nghĩa là về thứ tình yêu “yêu đến tận cùng của tình yêu”[18] là một thực tại sống động. Dụ ngôn về người đầy tớ không biết thương xót, kết thúc giáo huấn của Chúa về cộng đoàn giáo hội[19], được kết thúc bằng lời này: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Thật vậy, ở đó, ở “tận đáy lòng”, mà mọi sự bị cầm buộc hay được tháo cởi. Việc không cảm thấy hay quên đi sự xúc phạm không tuỳ thuộc khả năng chúng ta; nhưng một khi trái tim biết tự hiến cho Chúa Thánh Thần sẽ biết biến đổi thương đau thành lòng thương xót, và thanh luyện ký ức bằng cách biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu.

2844. Kinh nguyện Kitô giáo đi đến chỗ tha thứ cho kẻ thù[20]. Lời cầu nguyện biến đổi người môn đệ bằng cách làm cho họ nên đồng hình đồng dạng với Thầy của mình. Tha thứ là một tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo; chỉ trái tim nào hoà điệu với lòng trắc ẩn của Chúa mới có thể đón nhận hồng ân cầu nguyện. Tha thứ còn minh chứng rằng, trong thế giới này, tình yêu mạnh hơn tội lỗi. Các vị tử đạo, trong quá khứ cũng như hiện tại, đều làm chứng cho Chúa Giêsu về điều này. Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ[21] và giữa con người với nhau[22].

2845. Việc tha thứ tự bản chất mang tính thần linh này không có giới hạn cũng như mức độ[23]. Nếu đề cập đến “những xúc phạm” (là “tội” theo Lc 11,4 hoặc “nợ” theo Mt 6,12), thì thật sự mọi người chúng ta luôn luôn là những kẻ mắc nợ: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13,8). Sự hiệp thông của Ba Ngôi Chí Thánh là nguồn mạch và quy luật chân lý của bất cứ tương quan nào[24]. Chúng ta phải sống sự hiệp thông đó trong cầu nguyện, đặc biệt là trong bí tích Thánh Thể[25]:

“Thiên Chúa không nhận tế phẩm của những kẻ gây bất hoà, và Ngài truyền họ hãy rời bỏ bàn thờ, và đi làm hoà với anh em trước đã, ngõ hầu có thể giao hoà với Thiên Chúa bằng những lời nài xin an bình. Hy lễ đẹp lòng Chúa hơn cả là sự bình an của chúng ta, sự hoà thuận, tình đoàn kết của đoàn dân trong sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[26].

 

Bài Ðọc I: Hc 27, 33 - 28, 9

"Hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha".

Trích sách Huấn Ca.

Thịnh nộ và giận dữ, cả hai đều đáng ghê tởm, người có tội đều mắc cả hai. Ai muốn báo thù, sẽ bị Chúa báo thù, và Chúa nghiêm trị tội lỗi nó. Ngươi hãy tha thứ cho kẻ làm hại ngươi, thì khi ngươi cầu nguyện, ngươi sẽ được tha. Người này tích lòng giận ghét người kia, mà dám xin Chúa cứu chữa sao? Nó chẳng thương xót người đồng loại với nó, mà còn cầu xin tha thứ tội lỗi nó làm sao? Nó là xác thịt mà tích lòng thịnh nộ, thì dám xin Chúa tha thứ làm sao? Ai sẽ khẩn cầu cho tội ác nó?

Ngươi hãy nhớ đến điều sau hết, và chấm dứt hận thù: hãy nhớ đến sự hư nát và sự chết, hãy trung thành với các giới răn. Hãy nhớ kính sợ Thiên Chúa, và đừng giận ghét kẻ khác. Hãy nhớ đến giao ước của Ðấng Tối Cao, và hãy bỏ qua sự lầm lỗi của kẻ khác.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 102, 1-2. 3-4. 9-10. 11-12

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

Xướng: 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

2) Người đã thứ tha cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.

Ðáp: Chúa là Ðấng từ bi và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân (c. 8).

 

Bài Ðọc II: Rm 14, 7-9

"Dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa; nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy, dù sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa. Vì lẽ ấy, nếu Ðức Kitô đã chết và sống lại, là để cai trị kẻ sống và kẻ chết.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống, Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 18, 21-35

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong.

"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến vào bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ.

"Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Ðó là lời Chúa.




[1] X. Đnl 4,37; 7,8; 10,15.

[2] X. Is 43,1-7.

[3] X. Hs 2.

[4] X. Hs 11,1.

[5] X. Is 49,14-15.

[6] X. Is 62,4-5.

[7] X. Ed 16; Hs 11.

[8] X. 1 Cr 2,7-16; Ep 3,9-12.

[9] Thánh Irênê, Adversus haereses, 4, 20, 7: SC 100, 648 (PG 7, 1037).

[10] CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 2: AAS 58 (1966) 948.

[11] X. Lc 15,11-32.

[12] X. Lc 18,13.

[13] X. Ep 1,7.

[14] X. Mt 26,28; Ga 20,23.

[15] X. 1 Ga 4,20.

[16] X. Mt 5,23-34; 6,14-15; Mc 11,25.

[17] X. Pl 2,1.5.

[18] X. Ga 13,1.

[19] X. Mt 18,23-35.

[20] X. Mt 5,43-44.

[21] X. 2 Cr 5,18-21.

[22] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in misericordia, 14: AAS 72 (1980) 1221-1228.

[23] X. Mt 18,21-22; Lc 17,3-4.

[24] X. 1 Ga 3,19-24.

[25] X. Mt 5,23-24.

[26] Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 23: CCL 3A, 105 (PL 4, 535-536).