GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (01.09.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 618: Đức Kitô kêu gọi các môn đệ vác Thánh giá và
theo Người
618. Thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Kitô, Đấng trung gian duy
nhất giữa Thiên Chúa và loài người[1]. Nhưng bởi vì, trong Ngôi Vị
Thiên Chúa nhập thể của Người, “một cách nào đó Người đã tự kết hợp với toàn thể
mọi người”[2], nên Người đã “ban cho mọi
người một khả năng để, theo cách Thiên Chúa biết, họ được kết hợp vào mầu nhiệm
Vượt Qua”[3]. Người kêu gọi các môn đệ
vác thập giá mình mà theo Người[4], bởi vì Người đã chịu khổ nạn
vì chúng ta, đã để lại một gương mẫu cho chúng ta dõi bước theo Người[5]. Quả thật, Người cũng muốn
những người đầu tiên hưởng nhờ hy tế cứu chuộc của Người được kết hợp vào hy tế
ấy [6]. Điều đó được thực hiện, một
cách cao cả nhất, nơi Mẹ Người, Mẹ được kết hợp vào mầu nhiệm cuộc khổ nạn cứu
chuộc của Người một cách mật thiết hơn bất cứ ai khác[7].
“Đây là chiếc
thang thật và duy nhất của thiên đàng, và ngoài thập giá, không có chiếc thang
nào khác để lên trời”[8].
Số 555, 1460, 2100: Thánh giá như là đường dẫn tới
vinh quang của Đức Kitô
555. Chúa Giêsu tỏ lộ vinh quang thần linh của mình trong chốc lát,
và như vậy Người xác nhận lời tuyên xưng của ông Phêrô. Người cũng cho thấy rằng,
để “vào trong vinh quang của Người” (Lc 24,26), Người phải đi qua thập giá
tại Giêrusalem. Ông Môisen và ông Êlia đã thấy vinh quang của Thiên Chúa trên
núi; Lề luật và các Tiên tri đã tiên báo những đau khổ của Đấng Messia[9]. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
đúng là do ý muốn của Chúa Cha: Chúa Con hành động với tư cách là Người Tôi
Trung của Thiên Chúa[10]. Đám mây nói lên sự hiện diện
của Chúa Thánh Thần: “Cả Ba Ngôi cùng xuất hiện, Chúa Cha trong tiếng nói, Chúa
Con trong nhân tính của mình, Chúa Thánh Thần trong đám mây sáng chói”[11]:
“Lạy Chúa Kitô
là Thiên Chúa, Chúa đã hiển dung trên núi và, tuỳ theo khả năng, các môn đệ
Chúa chiêm ngưỡng vinh quang Chúa, để mai sau khi thấy Chúa chịu đóng đinh thập
giá, họ hiểu rằng Chúa đã tự nguyện chịu khổ hình. Rồi họ sẽ loan báo cho thế
giới biết Chúa chính là vinh quang Chúa Cha chiếu toả”[12].
1460. Việc đền tội, mà vị
giải tội ấn định, phải chú ý đến tình trạng riêng của hối nhân và mưu cầu điều thiện
hao thiêng liêng cho họ. Bao nhiêu có thể, việc đền tội phải tương xứng với sự
trầm trọng và bản chất của các tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện,
dâng cúng, bằng những việc từ thiện, phục vụ tha nhân, bằng các việc hãm mình,
hy sinh, và nhất là kiên trì đón nhận thánh giá chúng ta phải vác. Những việc đền
tội như thế giúp chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng duy nhất, đã đền bù tội lỗi
chúng ta[13] một lần cho mãi mãi. Chung
sẽ làm cho chúng ta trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô phục sinh, bởi vì “chúng
ta cùng chịu đau khổ với Người” (Rm 8,17)[14]:
“Chúng ta không
thể làm việc đền tội để đền vì tội lỗi chúng ta, nếu không nhờ Chúa Giêsu Kitô:
tự sức mình chúng ta không thể làm được gì, nhưng cùng với Người là ‘Đấng ban sức
mạnh cho chúng ta, chúng ta làm được mọi việc’[15].
Con người không có gì để tự phụ, nhưng tất cả vinh quang của chúng ta là ở nơi
Đức Kitô, … trong Người, chúng ta đền tội, bằng cách ‘làm ra những hoa quả xứng
đáng của lòng thống hối’[16], do Người, những hoa quả ấy
có sức mạnh; bởi Người, chúng được dâng lên Chúa Cha; và nhờ Người, chúng được
Chúa Cha chấp nhận”[17].
2100. Hy lễ bên ngoài, để có thể là hy lễ thật, phải là sự diễn tả
của hy lễ tinh thần: “Tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát ...” (Tv 51,19).
Các tiên tri thời Giao Ước cũ thường tố cáo các hy lễ được thực hiện mà không
có sự tham dự nội tâm[18] hay không được liên kết với
tình yêu đối với người lân cận[19]. Chúa Giêsu nhắc lại lời của
tiên tri Ôsê: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9,13; 12,7)[20]. Chỉ có một hy lễ trọn hảo
duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu
của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta[21].
Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời
mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa.
Số 2015: Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập
giá
2015. Con đường của sự trọn hảo phải đi qua thập giá. Không thể có
sự thánh thiện, nếu không có sự từ bỏ và cuộc chiến đấu thiêng liêng.[22] Sự tiến bộ về đời sống
thiêng liêng bao hàm sự khổ chế và hy sinh hãm mình, là những điều từng bước dẫn
tới việc sống trong bình an và hoan lạc của các mối phúc:
“Ai trèo lên,
người đó không bao giờ ngừng từ bắt đầu này tiếp sau bắt đầu kia, qua những bắt
đầu không chấm dứt. Người đó không bao giờ ngừng ao ước điều người đó đã biết rồi”[23].
Số 2427: Vác thập giá của chúng ta trong đời sống hằng
ngày
2427. Lao động của con người xuất phát trực tiếp từ những nhân vị,
đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được kêu gọi để tiếp nối công
trình tạo dựng, cùng với nhau và cho nhau, bằng việc làm chủ trái đất[24]. Vì vậy, lao động là một bổn
phận: “Ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn” (2 Tx 3,10)[25].
Lao động biểu dương các hồng ân của Đấng Tạo Hoá và những tài năng đã lãnh nhận.
Lao động cũng có giá trị cứu chuộc. Khi chịu đựng những vất vả[26] của lao động trong sự kết hợp
với Chúa Giêsu, người thợ làng Nazareth và đã chịu đóng đinh vào thập giá trên
đồi Calvariô, con người cộng tác một cách nào đó với Con Thiên Chúa trong công
trình cứu chuộc của Người. Họ biểu lộ mình là môn đệ của Đức Kitô, khi vác thập
giá hằng ngày trong hoạt động họ được kêu gọi chu toàn[27].
Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và làm sinh động các thực tại trần
thế trong Thần Khí của Đức Kitô.
Bài Ðọc I: Gr 20, 7-9
"Lời Chúa làm cớ cho tôi bị nhục nhã".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Lạy Chúa, Chúa đã khuyến dụ tôi,
và Chúa đã khuyến dụ được tôi. Chúa đã hùng mạnh hơn tôi và thắng được tôi: suốt
ngày tôi đã trở nên trò cười, và mọi người đều chế nhạo tôi. Mỗi lần tôi nói,
tôi phải la lớn và loan báo sự hung bạo và điêu tàn, cho nên lời Chúa làm cớ
cho tôi bị nhục nhã và bị chế nhạo suốt ngày. Tôi đã nói rằng: "Tôi sẽ
không nhớ đến Người nữa, sẽ không nhân danh Người mà nói nữa, thì lúc đó trong
lòng tôi như lửa đốt nóng, âm ỉ trong xương cốt tôi, tôi kiệt sức, không chịu nổi
nữa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4. 5-6. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa, Chúa là
Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát khao, thể
xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước!
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
2) Con cũng mong được chiêm ngưỡng
thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của Chúa. Vì ân
tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi khen Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
3) Con sẽ chúc tụng Ngài như thế
trọn đời con; con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no thỏa dường như
bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan hỉ.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
4) Vì Chúa đã ra tay trợ phù con,
để con được hoan hỉ núp trong bóng cánh của Ngài. Linh hồn con bám thân vào
Chúa, và tay hữu Chúa nâng đỡ người con.
Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa con, linh hồn con khát khao
Chúa (c. 2b).
Bài Ðọc II: Rm 12, 1-2
"Anh em hãy tiến thân làm của lễ sống động".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nài xin anh
em vì lượng từ bi Thiên Chúa, hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động và
thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là việc phụng thờ hợp lý anh em phải làm.
Anh em đừng theo thói đời này, nhưng hãy canh tân lòng trí anh em, để anh em biết
đâu là thánh ý Chúa, biết điều gì tốt lành đẹp lòng Chúa và hoàn hảo.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời
của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 16, 21-27
"Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho
các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ
lão, luật sĩ và thượng tế, sẽ bị giết và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo
Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, không thể thế được! Thầy sẽ
chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi
Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu
biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".
Bấy giờ Chúa Giêsu phán cùng các
môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập
giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai
đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế
gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi
được sự sống mình? Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng
với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ
theo việc họ làm".
Ðó là lời Chúa.
[8] Thánh Rôsa Lima: P.Hansen, Vita mirabilis […] venerabilis sororis Rosae de sancta Maria Limensis
(Romae 1664) 137.
[12] Phụng vụ
Byzantin. Kontakion in die
Transfigurationis: Menaia tou olou
eniautou, v. 6 (Romae 1901) 341.
[23] Thánh Grêgôriô Nyssênô, In Canticum homilia 8:
Gregorii Nysseni opera, ed. W. Jaeger-H. Langerbeck, v. 6 (Leiden 1960) 247
(PG 44, 941).
[24] X. St 1,28; CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 34: AAS 58 (1966)
1052-1053; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus
annus, 31: AAS 83 (1991) 831-832.
[27] X. ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem exercens, 27: AAS 73 (1981)
644-647.