GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)

WHĐ (26.08.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật và lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.


Số 551-553: Chìa Khóa Nước Trời

Số 880-887: Nền tảng của sự hiệp nhất: giám mục đoàn với vị đứng đầu, người kế vị thánh Phêrô. 2

Bài Ðọc I: Is 22, 19-23. 4

Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36. 5

Phúc Âm: Mt 16, 13-20


Số 551-553: Chìa Khóa Nước Trời

551. Chúa Giêsu, khi khởi đầu đời sống công khai của Người, đã chọn Nhóm Mười Hai người đàn ông để các ông ở với Người và tham dự vào sứ vụ của Người[1]. Người cho các ông tham dự vào quyền hành của Người và “sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân” (Lc 9,2). Các ông được liên kết vĩnh viễn với Nước của Đức Kitô, bởi vì Người sẽ dùng các ông mà điều khiển Hội Thánh:

“Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Israel” (Lc 22,29-30).

552. Trong nhóm Mười Hai, ông Simon Phêrô giữ địa vị thứ nhất[2]; Chúa Giêsu ủy thác cho ông một sứ vụ độc đáo. Nhờ Chúa Cha mạc khải, ông Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Lúc đó Chúa chúng ta liền tuyên bố với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt l6,l8). Đức Kitô, “Viên đá sống động”[3], bảo đảm rằng Hội Thánh mà Người xây dựng trên Tảng Đá Phêrô sẽ chiến thắng quyền lực tử thần. Nhờ đức tin ông đã tuyên xưng, ông Phêrô sẽ mãi là Tảng Đá kiên vững của Hội Thánh. Ông có sứ vụ gìn giữ đức tin được toàn vẹn và làm cho các anh em mình nên vững mạnh trong đức tin[4].

553. Chúa Giêsu ủy thác cho ông Phêrô một thẩm quyền đặc biệt: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời; dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,19). “Quyền chìa khoá” là quyền cai quản Nhà của Thiên Chúa, tức là Hội Thánh. Chúa Giêsu, “Mục Tử nhân lành” (Ga 10,11) xác nhận nhiệm vụ đó sau khi Người phục sinh: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21,15-17). Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh. Chúa Giêsu ủy thác quyền này cho Hội Thánh qua thừa tác vụ của các Tông Đồ[5], và đặc biệt của ông Phêrô, người duy nhất Chúa minh nhiên trao phó chìa khóa Nước Trời.


Số 880-887: Nền tảng của sự hiệp nhất: giám mục đoàn với vị đứng đầu, người kế vị thánh Phêrô

880. “Đức Kitô, khi thành lập nhóm Mười Hai, đã thiết lập các ông theo cách thức một tập thể, một nhóm bền vững; Người đã đặt ông Phêrô, được chọn trong số họ, đứng đầu tập thể đó”[6]. “Cũng như do Chúa thiết lập, thánh Phêrô và các Tông Đồ khác lập thành một Tông Đồ Đoàn, thì Giám mục Rôma, vị kế nhiệm thánh Phêrô và các Giám mục, những người kế nhiệm các Tông Đồ, cũng được kết hợp với nhau như vậy”[7].

881. Chúa đã đặt một mình ông Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, làm đá tảng của Hội Thánh Người. Người đã trao cho ông các chìa khóa của Hội Thánh[8]; và đặt ông làm mục tử của toàn thể đoàn chiên[9]. “Tuy nhiên, nhiệm vụ tháo gỡ và cầm buộc, đã được ban cho ông Phêrô, rõ ràng cũng đã được trao ban cho Tông Đồ đoàn, hợp nhất với đầu của mình”[10]. Nhiệm vụ mục tử này của thánh Phêrô và của các Tông Đồ khác thuộc về nền móng của Hội Thánh. Nhiệm vụ đó được tiếp tục bởi các Giám mục dưới quyền tối thượng của Giám mục Rôma.

882. Đức Giáo Hoàng, là Giám mục Rôma và vị kế nhiệm thánh Phêrô, “là nguyên lý và nền tảng hữu hình và trường tồn của sự hợp nhất, cả của cộng đoàn các Giám mục, cả của cộng đoàn các tín hữu”[11]. “Thật vậy, do nhiệm vụ của mình là Đại diện Đức Kitô và Mục tử của toàn thể Hội Thánh, Giám mục Rôma có quyền trọn vẹn, tối cao và phổ quát trong Hội Thánh và ngài luôn có quyền tự ý thực thi thẩm quyền đó”[12].

883. “Giám mục đoàn không có thẩm quyền, nếu không kết hợp với Giám mục Rôma là thủ lãnh của họ”. Như vậy, Giám mục đoàn “cũng có quyền trọn vẹn và tối cao trong Hội Thánh phổ quát, nhưng chỉ có thể thi hành thẩm quyền này với sự ưng thuận của Giám mục Rôma”[13].

884. “Giám mục đoàn thực thi thẩm quyền trong Hội Thánh phổ quát một cách trọng thể trong Công đồng chung”[14]. “Nhưng không bao giờ có thể có Công đồng chung, nếu không được vị kế nhiệm thánh Phêrô phê chuẩn hay ít ra chấp nhận”[15].

885. “Giám mục đoàn vừa diễn tả tính đa dạng và tính phổ quát của dân Thiên Chúa vì gồm nhiều người, vừa diễn tả sự hợp nhất của đoàn chiên của Đức Kitô, vì được tập họp dưới quyền một vị làm đầu”[16].

886. “Mỗi Giám mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất trong Giáo Hội địa phương của ngài”[17]. Như vậy, “mỗi Giám mục thực thi quyền mục vụ của mình trên phần dân Thiên Chúa được ủy thác cho mình”[18], với sự trợ giúp của các linh mục và phó tế. Nhưng, với tư cách là thành viên Giám mục đoàn, mỗi Giám mục tham dự vào sự quan tâm đến tất cả các Giáo Hội[19], các ngài thực thi sự quan tâm đó trước hết bằng việc “điều hành tốt Giáo Hội riêng như một phần của Hội Thánh phổ quát”, như vậy các ngài “mưu ích cho toàn nhiệm thể, cũng là thân thể của các Giáo Hội”[20]. Mối quan tâm này được đặc biệt hướng đến những người nghèo[21], những người bị bách hại vì đức tin, cũng như đến các thừa sai đang hoạt động trên toàn trái đất.

887. Các Giáo Hội địa phương lân cận và có chung nền văn hóa tạo thành những giáo tỉnh, hay những tập thể lớn hơn được gọi là giáo miền hay địa hạt thượng phụ[22]. Các Giám mục của những tập thể này có thể họp Công nghị hay Công đồng giáo tỉnh. “Cũng vậy, ngày nay các Hội đồng Giám mục có thể góp phần một cách đa dạng và phong phú để ý kiến tập đoàn được áp dụng cụ thể”[23].


Bài Ðọc I: Is 22, 19-23

"Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðây Chúa phán cùng Sobna, quan cai đền thờ rằng: "Ta sẽ trục xuất ngươi ra khỏi địa vị ngươi, và Ta sẽ cách chức ngươi; trong ngày đó, Ta sẽ gọi đầy tớ Ta là Êliaqim, con trai Helcia. Ta sẽ lấy áo choàng của ngươi mà mặc cho nó, lấy đai lưng của ngươi mà thắt cho nó, sẽ trao quyền ngươi vào tay nó, nó sẽ nên như cha các người cư ngụ ở Giêrusalem và nhà Giuđa. Ta sẽ để chìa khoá nhà Ðavít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở ra được. Ta sẽ đóng nó vào nơi kiên cố như đóng đinh, và nó sẽ trở nên ngai vinh quang nhà cha nó".

Ðó là lời Chúa.


Ðáp Ca: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 6 và 8bc

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).

Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên thần, con đàn ca mừng Chúa; con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài.

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).

2) Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh.

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).

3) Quả thực Chúa cao cả và thường nhìn kẻ khiêm cung, còn người kiêu ngạo thì Ngài ngó tự đàng xa. Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời; xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa.

Ðáp: Lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Chúa (8).


Bài Ðọc II: Rm 11, 33-36

"Mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Ôi thẳm sâu thay sự giàu có, thượng trí và thông biết của Thiên Chúa: sự phán quyết của Người làm sao hiểu được, và đường lối của Người làm sao dò được! Vì chưng, nào ai biết được ý Chúa? Hoặc ai đã làm cố vấn cho Người? Hay ai đã cho Người trước để Người sẽ trả lại sau? Vì mọi sự đều do Người, nhờ Người và trong Người: nguyện Người được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Ðó là lời Chúa.


Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống: không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.


Phúc Âm: Mt 16, 13-20

"Con là Ðá, Thầy sẽ ban cho con chìa khoá nước trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Xêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các ông thưa: "Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó". Chúa Giêsu nói với các ông: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời: sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở". Bấy giờ Người truyền cho các môn đệ đừng nói với ai rằng Người là Ðức Kitô.

Kể từ đó, Chúa Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ thấy: Người sẽ phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ bởi các kỳ lão, luật sĩ và thượng tế, phải bị giết, và ngày thứ ba thì sống lại. Phêrô kéo Người lại mà can gián Người rằng: "Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu". Nhưng Người quay lại bảo Phêrô rằng: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người".

Ðó là lời Chúa.




[1] X. Mc 3,13-19.

[2] X. Mc 3,16; 9,2; Lc 24,34; 1 Cr 15,5.

[3] X. 1 Pr 2,4.

[4] X. Lc 22,32.

[5] X. Mt 18,18.

[6] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 19: AAS 57 (1965) 22.

[7] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 25; x. Bộ Giáo Luật, điều 330.

[8] X. Mt 16,18-19.

[9] X. Ga 21,15-17.

[10] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

[11] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

[12] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26; x. Id., Sắc lệnh Christus Dominus, 2: AAS 58 (1966) 673; Ibid., 9: AAS 58 (1966) 676.

[13] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26; x. Bộ Giáo Luật, điều 336.

[14] Bộ Giáo Luật, điều 337, 1.

[15] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 27.

[16] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22: AAS 57 (1965) 26.

[17] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

[18] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 27.

[19] X. CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 3: AAS 58 (1966) 674.

[20] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 28.

[21] X. Gl 2,10.

[22] X. Canones Apostolorum, 34 [Constitutiones apostolicae, 8, 47, 34]: SC 336, 284 (Funk, Didascalia et Constitutiones Apostolorum, 1, 572-574).

[23] CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 23: AAS 57 (1965) 29.