GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN NĂM A
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
WHĐ (19.08.2023) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng, Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 543-544: Nước Thiên Chúa, trước là dành cho
Israel, bây giờ là dành cho tất cả những ai tin
543. Mọi người đều được mời
gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo
cho con cái Israel[1], nhưng hướng đến việc đón nhận
mọi người thuộc mọi dân tộc[2]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần
phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:
“Lời Chúa được
ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn
chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt
giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[3].
544. Nước Thiên Chúa thuộc về những
người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn
khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc
4,l8)[4]. Người tuyên bố rằng họ có
phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những
kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[5]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho
tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu
đói[6], chịu khát[7], chịu thiếu thốn[8]. Hơn thế nữa, Người tự đồng
hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ
là điều kiện để được vào Nước của Người[9].
Số 674: Niềm hy vọng của Israel về việc ngự đến của
Đức Kitô; sự chấp nhận sau cùng của họ về Đấng Cứu Thế
674. Việc Ngự đến của Đấng Messia vinh hiển vào bất cứ lúc nào
trong lịch sử tùy thuộc[10] vào việc Người được nhận biết
bởi “toàn thể Israel”[11] mà một phần dân ấy còn cứng
lòng[12] “không tin” (Rm 11,20) vào
Chúa Giêsu. Thánh Phêrô nói với người Do Thái ở Giêrusalem sau lễ Ngũ Tuần:
“Anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Ngài xóa bỏ tội lỗi cho anh
em. Như vậy, thời kỳ an lạc mà Chúa ban cho anh em sẽ đến, khi Ngài sai Đấng
Kitô Ngài đã danh cho anh em, là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu còn phải được giữ lại
trên trời, cho đến thời phục hồi vạn vật, thời mà Thiên Chúa đã dùng miệng các
vị thánh ngôn sứ của Ngài mà loan báo tự ngàn xưa” (Cv 3,19-21). Thánh Phaolô
cũng nhắc lại điều đó: “Thật vậy, nếu vì họ bị gạt ra một bên mà thế giới được
hòa giải với Thiên Chúa, thì việc họ được thâu nhận lại là gì, nếu không phải
là từ cõi chết bước vào cõi sống?” (Rm 11,15). Việc gia nhập của đông đủ người
Do Thái[13] vào ơn cứu độ của Đấng
Messia, sau việc gia nhập đông đủ của các dân ngoại[14],
sẽ làm cho dân Chúa đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13), trong
đó, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15,28).
Số 2610: Sức mạnh của lời khẩn cầu với đức tin chân
thành
2610. Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha và tạ ơn trước khi nhận
được các hồng ân của Chúa Cha thế nào, thì Người cũng dạy chúng ta bạo dạn như những người con như vậy: “Tất
cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi” (Mc 11,24). Sức
mạnh của cầu nguyện là như thế: “mọi sự đều có thể, đối với người tin” (Mc
9,23) bằng một đức tin không nghi nan[15].
Chúa Giêsu rất buồn phiền “vì sự cứng tin” của đám bà con thân thuộc của Người
(Mc 6,6), và vì lòng tin yếu kém của các môn đệ Người[16],
trái lại Người thán phục trước lòng tin mạnh mẽ của viên sĩ quan Rôma[17] và người phụ nữ xứ Canaan[18].
Số 831, 849: Tính công giáo của Hội Thánh
831. Hội Thánh là công giáo bởi vì Hội Thánh được Đức Kitô sai đến
với toàn thể nhân loại[19]:
“Mọi người được
kêu gọi vào dân mới của Thiên Chúa. Vì thế dân này, vẫn là một dân duy nhất, phải
được mở rộng khắp trần gian và qua mọi thế hệ, để kế hoạch của thánh ý Thiên
Chúa được hoàn thành: từ nguyên thủy Ngài đã tạo dựng một bản tính nhân loại
duy nhất, và đã quyết định quy tụ nên một các con cái đã tản mát của Ngài…. Đặc
tính phổ quát này, làm vinh dự cho dân Thiên Chúa, là một hồng ân của chính
Chúa, nhờ đó Hội Thánh Công Giáo, một cách hữu hiệu và liên lỉ, hướng tới việc
quy tụ toàn thể nhân loại cùng mọi điều thiện hảo của họ, dưới quyền Đức Kitô
là Đầu, trong sự hợp nhất của Thần Khí của Người”[20].
849. Lệnh truyền giáo.
“Được Thiên Chúa sai đến với muôn dân để nên ‘bí tích cứu độ phổ quát’, do những
đòi hỏi sâu sắc của tính công giáo, vâng theo lệnh truyền của Đấng Sáng Lập của
mình, Hội Thánh cố gắng loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người”[21]. “Vậy anh em hãy đi và làm
cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây,
Thay ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,l9-20).
Bài Ðọc I: Is 56, 1. 6-7
"Ta sẽ dẫn con cái Ta lên núi thánh".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy giữ
luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của
Ta sẽ tỏ hiện.
"Người ngoại bang theo Chúa
để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai
giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn
chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận
những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu
nguyện cho mọi dân tộc".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 66, 2-3. 5. 6 và 8
Ðáp: Chư dân hãy ca tụng Ngài! Thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy
ca tụng Ngài (c. 4).
Xướng: 1) Xin Thiên Chúa xót
thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin tỏ ra cho chúng con thấy long nhan
Ngài tươi sáng, để trên địa cầu, thiên hạ nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư
dân người ta được rõ ơn Ngài cứu độ. - Ðáp.
2) Các dân tộc hãy mừng vui và
khoái trá, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.
- Ðáp.
3) Chư dân hãy ca tụng Ngài. Thân
lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho
chúng con, để cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 11, 13-15. 29-32
"Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi Israel, thì Người không hề hối tiếc".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi
tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói với anh
em là những người gốc Dân Ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông đồ các Dân Ngoại, tôi
sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà
tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ
được giao hoà, thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống
lại từ cõi chết?
Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi
ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay
vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì
thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi
người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 15, 21-28
"Này bà, bà có lòng mạnh tin".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu
lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy đến mà kêu
cùng Người rằng: "Lạy Ngài là con Vua Ðavít, xin thương xót tôi: con gái
tôi bị quỷ ám khốn cực lắm". Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các
môn đệ đến gần Người mà xin rằng: "Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ
theo chúng ta mà kêu mãi". Người trả lời: "Thầy chỉ được sai đến cùng
chiên lạc nhà Israel". Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: "Lạy Ngài,
xin cứu giúp tôi". Người đáp: "Không nên lấy bánh của con cái mà vứt
cho chó". Bà ấy đáp lại: "Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những
mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống". Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy
rằng: "Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy". Và ngay
lúc đó, con gái bà đã được lành.
Ðó là lời Chúa.