GIÁO LÝ CHO BÀI GIẢNG
(Theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và Kỷ luật các Bí tích)
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN NĂM B
WHĐ (12.01.2024) - Để hỗ trợ các nhà giảng thuyết thuận tiện
hơn trong việc thêm giáo lý vào bài giảng,
Ban Biên tập xin được trích dẫn những điểm giáo lý phù hợp với các bài đọc Kinh
Thánh của các lễ Chúa nhật, lễ trọng theo sự theo hướng dẫn của Bộ Phụng tự và
Kỷ luật các Bí tích trong Tập sách Hướng dẫn giảng thuyết được
công bố qua Sắc lệnh ký ngày 29.06.2014.
Số 462, 516, 2568, 2824: Ý Cha được thực hiện trong
Đức Kitô
462. Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nói về mầu nhiệm ấy như sau:
“Vì vậy, khi vào
trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho
con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con
mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7,
trích Tv 40,7-9, bản LXX).
516. Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những
lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy.
Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga l4,9), và Chúa
Cha nói: “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”
(Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý của Chúa Cha[1], nên ngay cả những điểm nhỏ
nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu
của Thiên Chúa đối với chúng ta[2].
2568. Mạc khải về cầu nguyện trong Cựu Ước diễn ra giữa việc con
người sa ngã và được nâng dậy, giữa tiếng đau thương của Thiên Chúa gọi những đứa
con đầu tiên của Ngài: “Ngươi ở đâu?… Ngươi đã làm gì?” (St 3,9.13), và lời đáp
lại của Người Con độc nhất lúc Người bước vào trần gian: “Lạy Thiên Chúa, này
con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7)[3].
Như vậy, việc cầu nguyện gắn liền với lịch sử loài người; cầu nguyện là tương
quan với Thiên Chúa trong những biến cố của lịch sử.
2824. Ý Cha được thực hiện một cách tuyệt hảo và một lần cho mãi
mãi, trong Đức Kitô, và qua ý chí nhân loại của Người. Khi vào trần gian, Chúa
Giêsu đã nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt
10,7)[4]. Chỉ mình Chúa Giêsu mới có
thể nói: “Tôi hằng làm những điều đẹp ý Ngài” (Ga 8,29). Khi cầu nguyện trong
cơn hấp hối, Người hoàn toàn vâng phục ý Cha: “Xin đừng cho ý con thể hiện, mà
là ý Cha” (Lc 22,42)[5]. Vì vậy, Chúa Giêsu “đã tự
hiến vì tội lỗi chúng ta, theo ý muốn của Thiên Chúa” (Gl 1,4). “Theo ý đó,
chúng ta được thánh hóa nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế”
(Dt 10,10).
Số 543-546: Để vào Nước Thiên Chúa, cần phải đón nhận
lời của Chúa Giêsu
543. Mọi người đều được mời
gọi gia nhập Nước Thiên Chúa. Nước này của Đấng Messia trước tiên được loan báo
cho con cái Israel[6], nhưng hướng đến việc đón nhận
mọi người thuộc mọi dân tộc[7]. Để vào Nước Thiên Chúa, cần
phải đón nhận lời của Chúa Giêsu:
“Lời Chúa được
ví như hạt giống gieo trong ruộng: ai nghe Lời Chúa với đức tin và gia nhập đàn
chiên nhỏ của Đức Kitô, thì đã đón nhận chính Nước Người; rồi do sức của nó, hạt
giống nẩy mầm và lớn lên cho tới mùa gặt”[8].
544. Nước Thiên Chúa thuộc về những
người nghèo hèn và bé mọn, nghĩa là, những người đón nhận Nước ấy với tâm hồn
khiêm tốn. Đức Kitô được sai đến để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18)[9]. Người tuyên bố rằng họ có
phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3); Chúa Cha đã thương mạc khải cho những
kẻ “bé mọn” này điều Người giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết[10]. Chúa Giêsu, từ máng cỏ cho
tới thập giá, đã chia sẻ kiếp sống của những kẻ nghèo hèn; Người đã từng chịu
đói[11], chịu khát[12], chịu thiếu thốn[13]. Hơn thế nữa, Người tự đồng
hóa mình với mọi hạng người nghèo hèn và coi lòng yêu thương tích cực đối với họ
là điều kiện để được vào Nước của Người[14].
545. Chúa Giêsu mời những kẻ
tội lỗi vào bàn tiệc Nước Thiên Chúa: “Tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17)[15].
Người mời gọi họ hối cải, vì không hối cải thì không thể vào Nước Người, nhưng
Người cũng dùng lời nói và hành động cho họ thấy lòng thương xót vô biên của
Cha Người đối với họ[16], và “trên trời cũng thế, ai
nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15,7). Bằng chứng cao
cả nhất của tình yêu này, là việc Người dâng hiến mạng sống mình “cho muôn người
được tha tội” (Mt 26,28).
546. Chúa Giêsu kêu gọi người ta vào Nước Trời, bằng cách dùng các dụ ngôn, là nét đặc trưng trong cách
giảng dạy của Người[17]. Qua các dụ ngôn, Người mời
vào dự tiệc Nước Trời[18], nhưng Người cũng đòi phải
có một lựa chọn triệt để: để đạt được Nước Trời, cần phải cho đi mọi sự[19]; lời nói suông không đủ, cần
phải có việc làm[20]. Các dụ ngôn như những tấm
gương đối với con người: họ đón nhận Lời Chúa chỉ như mảnh đất khô khan hay mảnh
đất mau mỡ?[21] Họ làm gì với những nén bạc
đã nhận?[22] Chúa Giêsu và sự hiện diện
của Nước Trời trong trần gian, một cách kín đáo, nằm ở trung tâm của các dụ
ngôn. Cần phải tiến vào Nước Trời, nghĩa là, phải trở nên môn đệ Đức Kitô, mới
“hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11). Còn đối với những kẻ “ở ngoài”
(Mc 4,11), mọi sự đều bí ẩn[23].
Số 873-874: Đức Kitô là nguồn mạch của ơn gọi Kitô
hữu
873. Chính những khác biệt Chúa đã muốn đặt giữa các chi thể của
Thân Thể Người, phục vụ cho sự hợp nhất và cho sứ vụ của Thân Thể Người. “Bởi
vì trong Hội Thánh có nhiều thừa tác vụ khác nhau nhưng đều cùng chung một sứ vụ.
Nhiệm vụ được Đức Kitô trao phó cho các Tông Đồ và những vị kế nhiệm các ngài
là nhân danh Người và lấy quyền Người mà giảng dạy, thánh hóa và cai quản. Còn
các giáo dân, những người được tham dự vào chức vụ tư tế, tiên tri và vương đế
của Đức Kitô, chu toàn những phần việc của mình trong sứ vụ của toàn dân Thiên
Chúa trong Hội Thánh và trong trần gian”[24].
Cuối cùng, “trong cả hai thành phần này [phẩm trật và giáo dân], có những Kitô
hữu, qua việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm…, được thánh hiến cách đặc biệt
cho Thiên Chúa, và làm ích cho sứ vụ cứu độ của Hội Thánh”[25].
874. Chính Đức Kitô là nguồn mạch của thừa
tác vụ trong Hội Thánh. Chính Người đã thiết lập thừa tác vụ, và trao ban thẩm
quyền, sứ vụ, phương hướng và mục đích cho thừa tác vụ trong Hội Thánh:
“Để dân Thiên
Chúa được chăn dắt và luôn được tăng trưởng, Chúa Kitô đã thiết lập các thừa
tác vụ khác nhau trong Hội Thánh của Người hầu mưu ích cho toàn thân. Thật vậy,
các thừa tác viên, những người sử dụng quyền thánh chức, phục vụ các anh chị em
mình, để mọi người thuộc dân Thiên Chúa … đạt tới ơn cứu độ”[26].
Số 364, 1004: Phẩm giá của thân xác
364. Thân xác của con người
được dự phần vào phẩm giá là “hình ảnh của Thiên Chúa”: nó là thân xác nhân
linh (corpus humanum) chính vì được linh hồn thiêng liêng làm cho sinh động, và
toàn bộ nhân vị được đặt định trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần, trong Thân Thể Đức
Kitô[27].
“Là một thực thể có xác có hồn,
con người, nhờ chính điều kiện có xác của mình, quy tụ nơi mình những yếu tố của
thế giới vật chất, cho nên, nhờ con người, các yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của
chúng và có thể tự do dâng lời ca ngợi Đấng Tạo Hóa. Vì vậy con người không được
khinh miệt sự sống thể xác, nhưng trái lại, con người phải coi thân xác mình là
tốt đẹp và đáng tôn trọng vì thân xác ấy do Thiên Chúa tạo dựng và sẽ được sống
lại trong ngày sau hết”[28].
1004. Trong khi mong đợi ngày đó, thân xác và linh hồn của tín hữu
đã được tham dự vào phẩm giá được hiện hữu “trong Đức Kitô”; vì vậy, phải tôn
trọng thân xác của mình, và cả thân xác của người khác, nhất là khi thân xác đó
phải chịu đau đớn:
“Thân xác … phụng
sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác; Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại;
chính Ngài cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào
anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? … Anh
em đâu còn thuộc về mình nữa…. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác
anh em” (1 Cr 6,13-15.19-20).
Số 1656, 2226: Giúp trẻ em khám phá ơn gọi của mình
1656. Ngày nay, giữa một thế giới thường xa lạ và thậm chí thù nghịch
với đức tin, gia đình các tín hữu là hết sức quan trọng, với tính cách là những
lò lửa đức tin sống động và chiếu sáng. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II dùng một
thuật ngữ cổ xưa, gọi gia đình là Hội
Thánh tại gia (Ecclesia domestica)[29]. Trong tổ ấm gia đình, cha mẹ phải là
“những người đầu tiên truyền dạy đức tin cho con cái mình, bằng lời nói và
gương sáng, cũng như cổ võ ơn gọi riêng của từng đứa con, đặc biệt quan tâm đến
ơn gọi thánh thiêng”[30].
2226. Việc giáo dục đức tin
cho con cái phải được cha mẹ bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng. Việc giáo dục
này đã khởi đầu, khi các phần tử trong gia đình giúp nhau lớn lên trong đức
tin, nhờ chứng từ của một đời sống Kitô hữu theo Tin Mừng. Việc dạy giáo lý
trong gia đình đi trước, đồng hành và làm phong phú các hình thức khác của việc
giáo dục đức tin. Cha mẹ có sứ vụ dạy con cái cầu nguyện và khám phá ra ơn gọi
làm con Thiên Chúa[31]. Giáo xứ là cộng đồng Thánh
Thể và là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt
nhất để dạy giáo lý cho con cái và cho cha mẹ chúng.
Bài Ðọc I: 1Sm 3, 3b-10. 19
“Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi
tớ Chúa đang nghe”.
Trích sách Samuel quyển thứ nhất.
Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ
Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: “Này con
đây”, rồi chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli trả lời:
“Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần
nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”.
Hêli trả lời: “Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi”. Samuel chưa nhận ra
Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu
chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: “Này con đây, vì thầy gọi con”. Hêli biết Chúa
đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: “Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì
con nói rằng: ‘Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe’”. Samuel trở về
chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: “Samuel,
Samuel!” Và Samuel thưa: “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe”.
Phần Samuel ngày càng lớn lên.
Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a.
8b-9. 10
Ðáp: Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
Xướng: 1) Con đã cậy trông, con
đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng
con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.
Ðáp: Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng
ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền
tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”.
Ðáp: Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
3) Như trong quyển vàng đã chép về
con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận
đáy lòng con.
Ðáp: Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
4) Con đã loan truyền đức công
minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
Ðáp: Lạy
Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa.
Bài Ðọc II: 1Cr 6, 13c-15a, 17-20
“Thân xác anh em là chi thể của
Chúa Kitô”.
Trích thư thứ nhất của Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, thân xác không
phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại,
cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại. Anh em không biết thân xác anh
em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần
trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác,
nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác
anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh
nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã
được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân
xác anh em.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 11,23
Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là
Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu
nhiệm nước trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 35-42
“Họ xem chỗ Người ở, và ở lại
với Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai
người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là
Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu
ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ
thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến
mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ
chừng giờ thứ mười.
Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một
trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh
mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng
Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi
là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.
Ðó là lời Chúa.